Ảo tưởng, buông lơi hay tự huyễn hoặc mình... nhất định thất bại
Khi một tư tưởng xuất hiện, tồn tại và phát triển, tự thân nó là
một cuộc đấu tranh để tự khẳng định nó; và, tranh đấu với các tư tưởng khác, dù
muốn hay không, dưới muôn ngàn hình thức, quy mô, tính chất và mức độ, là quy
luật sinh tồn của tư tưởng, đó là lẽ tự nhiên của sự phát triển. Không có con
đường nào khác.
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp đổi mới
xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đã và đang như vậy. Phương diện tư
tưởng, lý luận chính trị của chúng ta cũng như vậy, không nằm ngoài quy luật
đó.
Hiện nay, hơn bao giờ hết, sau hơn 32 năm đổi mới, trên đường tiến
tới Đại hội XIII của Đảng, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận đang đối mặt với
rất nhiều thử thách. Chúng ta hiểu rằng, có những ý kiến phản biện, đóng góp
tâm huyết hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp cho việc hoạch định đường lối và tổ
chức thực tiễn từ nhiều người, nhiều phía cả trong và ngoài nước, chúng ta trân
trọng ghi nhận và tiếp thu. Nhưng, nếu đem ý kiến phản biện dù đầy thiện chí
xây dựng đó tán phát khắp nơi, thậm chí loan tải trên mạng in-tơ-nét để cho
người khác lợi dụng, công kích, chống phá,... thì lại đưa câu chuyện ấy sang
một hướng khác, dù thấm đẫm sự mong đợi về nhiệt huyết hay thiện tâm nào
đó.
Mấy năm nay, với “hàng núi” sách báo chống Đảng, hàng trăm giọng
điệu công kích, bôi nhọ, phủ nhận, với hàng nghìn thủ đoạn đủ loại, trên mọi
phương diện, đang tràn ngập mạng in-tơ-nét: về nền tảng tư tưởng chính trị của
Đảng, về Đảng và sự cầm quyền của Đảng, về thể chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
về hệ thống chính trị và về đội ngũ cán bộ, đảng viên... Những luận điệu xuyên
tạc công cuộc đổi mới, sự công kích Đảng, Nhà nước và đất nước ta từ nhiều
phía, với nhiều thủ đoạn, ở nhiều mức độ và nhiều tính chất, cả bên trong lẫn
bên ngoài, rất phức tạp. Theo đó, xuất hiện đủ loại thái độ và phương cách hành
xử gây nên tình trạng trắng đen lẫn lộn, thật giả hỗn mang, rất khó nhận diện
và rất nguy hiểm nhưng rất tinh vi.
Có người, để ru ngủ và khiến không ít người lãng quên và mất cảnh
giác, đã chỉ trích một cách ma mỵ rằng, chúng ta tưởng tượng ra cuộc đấu tranh
tư tưởng, lý luận chính trị hiện nay và thổi phồng sự cấp bách cuộc đấu tranh
này(!). Không! Chúng ta cũng không tự dựng lên những kẻ thù tư tưởng, lý luận
chính trị, như ai đó nói, để huyễn hoặc sự quan trọng của chúng ta hay để khuếch
trương lên sự phức tạp những công việc này. Chúng ta xây dựng sự thống nhất xã
hội về tư tưởng chứ không phải “đồng phục tư tưởng”(!), kiến tạo nền lý luận
trung thành và độc lập, sáng tạo của Việt Nam chứ không phải thứ “lý luận nhập
khẩu”, “đầu Ngô mình Sở”(!), như những ai đó bôi nhọ và công kích.
Chúng ta càng không mơ hồ, ảo tưởng, tự ru ngủ mình về “sự thống
nhất trong đa dạng” một cách cực đoan nào đó, như họ cổ xúy, rồi rơi vào sự
chiết trung theo kiểu “vỗ vai cùng chung sống giữa các tư tưởng, các trào
lưu”(!) hay “đã nguội tắt dần cuộc đấu tranh ý thức hệ”(!) giữa các hệ tư
tưởng, các thể chế, quốc gia, dân tộc, biểu hiện tập trung giữa các tư tưởng
gia ở những chế độ khác nhau... Chúng ta cũng càng không buông tay, thúc thủ,
an bài, hoặc bi quan, yếm thế nào đó, rồi rơi vào “vũng lầy” của sự hoang mang,
vô định, như những ai đó mong đợi hiện nay. Chúng ta hiểu rằng, bản chất của
những sự thật về những hình thái vận động và đấu tranh tư tưởng, lý luận đó
đang trở thành phổ biến một cách hết sức phức tạp có thể bị lừa phỉnh hoặc bị
che lấp bởi những trào lưu mới mà những kẻ thù tư tưởng của chúng ta chưa bao
giờ buông bỏ sự chống phá thâm hiểm, thậm chí kháng cự quyết liệt.
Cuộc đấu tranh về tư tưởng, lý luận chính trị của chúng ta hiện
nay đang đối mặt, thậm chí bị chi phối, bị cản trở và phải đối diện với tối
thiểu chính những điều đó. Đó là những trở lực chết người trên con đường kiến
tạo nền tư tưởng thống nhất, lý luận kiên định, độc lập và sáng tạo bảo đảm dẫn
dắt công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, dưới ngọn cờ của Đảng.
Lịch sử phát triển của cách mạng nước ta ngày càng cho thấy, càng
ở những khúc quanh hay bước ngoặt của nó như hiện nay, điều đó càng hiện diện,
càng muôn vẻ, phức tạp và khôn lường nhất. Và, hiện nay, cuộc đấu tranh này
hiện diện trên vũ đài lịch sử nước ta nói chung, trên địa hạt tư tưởng, lý luận
chính trị nói riêng, khiến chúng ta không thể thể lảng tránh, chối bỏ, hay thúc
thủ, bàng quan, càng không dung thứ bất cứ một sự ngụy tạo nào... nếu muốn bảo
vệ tiếp tục phát triển độc lập, sáng tạo nền tảng tư tưởng, lý luận chính trị
của Đảng đủ sức dẫn dắt và phát triển đất nước trên con đường xã hội chủ
nghĩa.
Mơ hồ hay buông lỏng cuộc đấu tranh này, chúng ta sẽ thất bại. Bản
chất của những kẻ chống phá chúng ta không bao giờ thay đổi.
Và vì thế, cần thiết phải nói thêm rằng, hiện giờ, cuộc đấu tranh
này càng nóng bỏng, mang ý nghĩa không khoan nhượng, thậm chí sinh tử hơn hết
bao giờ.
Những vấn đề cốt tử có ý nghĩa mất còn trong cuộc đấu tranh tư
tưởng, lý luận chính trị hiện nay
Nhìn toàn cục, hiện tại có thể hình dung 8 loại vấn đề cốt tử và
chủ yếu mệnh hệ chung quanh vấn đề này, mà các phần tử chống phá tập trung mũi
nhọn, bằng mọi thủ đoạn và hình thức đang ra sức công kích từ bên ngoài và gieo
rắc mối hoài nghi, chia rẽ từ bên trong. Và, ở mức độ này hay tính chất khác,
trong đội ngũ chúng ta có một số người “bị sập bẫy”, rồi phụ họa, thậm chí ủng
hộ những biểu hiện, âm mưu, thủ đoạn ấy.
Thứ nhất, công phá nền tảng tư tưởng chính trị và thủ tiêu ý thức
hệ.
Với đủ giọng điệu nhiều cung bậc, họ phê phán, công kích trực diện
vào chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lê-nin... hòng làm phân tâm, gây hoài nghi trong
những người hoạch định chiến lược, bôi nhọ và cuối cùng đánh sập nền tảng chính
trị và cơ sở tư tưởng của đường lối chính trị của Đảng. Đây là thủ đoạn hết sức
thâm độc và có sức công phá lớn, nhằm thẳng vào nền tảng chính trị tư tưởng của
Đảng và tác họa khôn lường, nhằm lật đổ Đảng từ những vấn đề căn bản, có ý
nghĩa cốt tử.
Chung quanh vấn này, nổi bật mấy loại chủ yếu: Tiếp tục công kích
vào các loại vấn đề cơ bản thuộc hình thái kinh tế - xã hội, phương thức sản
xuất, động lực phát triển xã hội, vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công
nhân, phương pháp tư duy và phương pháp cách mạng,... Thủ đoạn mới là, họ
chuyển từ sự bôi nhọ cái gọi là “du nhập ngoại lại” sang đánh tráo khái niệm,
thay thế các khái niệm... nhằm cổ xúy cho cái gọi là “đảo lộn” tư duy, gây rối
loạn về phương pháp luận. Thổi phồng những cái gọi là “chủ thuyết phát triển
nhân loại mới”, đem đối lập C. Mác với V.I. Lê-nin; đối lập Hồ Chí Minh với
V.I. Lê-nin, thổi phồng một cách cực đoan tư tưởng Hồ Chí Minh,... cốt phủ nhận
chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vô hình hạ bệ tư tưởng Hồ Chí Minh, rốt cuộc nhằm phủ
nhận, công phá và đánh sập nền tảng chính trị tư tưởng của Đảng.
Và, họ đánh lừa được không ít người. Có không ít loại ý kiến theo
đuôi và phụ họa của những người non kém về chính trị, bạc nhược về tư
tưởng.
Thứ hai, bôi nhọ, xuyên tạc đường lối chính trị và công phá thể
chế chính trị.
Đây là “tử huyệt” mà các luận điệu thù địch tập trung sức công
phá, ở nhiều mức độ: nhẹ thì tung hỏa mù, đánh lạc hướng, gây nên tình trạng
nghi ngờ, mất phương hướng hành động; nặng thì không từ mọi chiêu bài, thủ đoạn
nhằm phủ nhận tính cách mạng, cơ sở khoa học và bôi nhọ thực tiễn lịch sử cách
mạng nhằm xuyên tạc và phủ nhận đường lối chính trị của Đảng.
Trong rất nhiều phương diện chung quanh vấn đề này, xin nhấn mạnh
mấy loại luận điệu tập trung công kích trụ cột đường lối chính trị và thể chế
chính trị Việt Nam: 1- Bài xích, phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa, 2- Cổ xúy đa nguyên chính trị, đòi “tam quyền phân lập”, vu khống
chế độ toàn trị, dựng lên và thổi phồng “lỗi hệ thống”... nhằm xóa bỏ thể chế
hiện tồn, 3- Tán dương và cái gọi là “khuyến nghị” thực thi phát triển “xã hội
dân sự”; 4- Lợi dụng việc sửa đổi Hiến pháp và các luật nhằm làm sai lệch những
vấn đề cơ bản nhất về chế độ sở hữu, về quyền con người, quyền dân
tộc,...
Chuyển hóa đường lối chính trị, thông qua việc chia rẽ, mua chuộc
đội ngũ các nhà chính trị hoạch định đường lối, và là con đường ngắn nhất
chuyển hóa chế độ. Lợi dụng “lợi ích nhóm” và các “nhóm lợi ích”, họ tán dương
và dùng mọi giọng điệu để bôi nhọ, khoét sâu những vấn đề này nhằm phân hóa từ
trong nội bộ Đảng, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, phá nát chiến lược
cán bộ, tạo sự gây hấn, phân hóa giữa các loại cán bộ trong hệ thống chính trị
của chúng ta.
Thứ ba, tung hỏa mù về “đảng trị” và vu khống Đảng Cộng sản Việt
Nam cầm quyền.
Họ bài xích Đảng, với các mánh lới và giọng điệu vừa tinh vi, vừa
trắng trợn: 1- Đảng tự cho mình đứng trên tất cả, nghị quyết của Đảng cao hơn
và bất chấp Hiến pháp, chỉ cần Hiến pháp không cần Đảng; 2- Độc đảng tất yếu sẽ
là chế độ toàn trị, cần phải đa đảng mới hy vọng có dân chủ, mới có chế độ dân
chủ; 3- Cần lập các trường phái trong Đảng mới thực sự dân chủ, nếu Đảng muốn
xây dựng nền dân chủ đích thực của đất nước; 4- Đảng tự cho mình quyền lãnh đạo
đất nước, xưa nay có Đảng đâu mà dân tộc vẫn tồn tại và phát triển; 5- Đa thành
phần kinh tế nhất định sẽ dẫn tới đa đảng chính trị; 6- Cần “phi chính trị hóa”
và tôn trọng tính độc lập của các lực lượng vũ trang, không cần sự lãnh đạo của
Đảng; 7- Giai cấp công nhân đã hết vai trò, tới lượt và chỉ có trí thức mới là
lực lượng dẫn dắt xã hội thay vì giai cấp công nhân, trong cuộc Cách mạng công
nghiệp lần thứ tư; 7- Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền phi chính đáng, phi
chính danh...v.v. và v.v.. Vô vàn các giọng điệu hằn học, bôi nhọ, phủ nhận,
xuyên tạc bất chấp mọi lý lẽ thông thường.
Thứ tư, chia rẽ phá hoại mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với
Đảng và Nhà nước.
Sức mạnh của Đảng sẽ mất, nếu tách khỏi cơ sở xã hội - chính trị
là nhân dân. Đó chính là pháp lý được ghi trong Hiến pháp,
trong vị thế “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của
Nhân dân” và đạo lý sống được thừa nhận trong xã hội, với tư cách là “đứa con
nòi của giai cấp lao động” của Đảng. Chúng âm mưu đánh sập đạo lý của
Đảng chúng ta với nhân dân, phủ nhận sự chính danh, chính pháp giữa
Đảng với Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Các luận điệu đó, cốt chia rẽ, âm mưu kích động đối lập Đảng với
nhân dân, tạo sự xa cách, oán thán, thù ghét, tẩy trừ cán bộ và đảng viên của
Đảng, dưới mọi hình thức. Chúng cổ xúy cho bảo trợ và tham gia các tổ chức “xã
hội dân sự” tự phát. Chúng ngụy tạo, tô vẽ, thổi phồng những biểu hiện riêng
lẻ, những khuyết điểm để thổi phồng quy kết thành bản chất của một đảng cầm quyền
và đã làm phân tâm không ít bộ phận dân cư.
Thứ năm, khoét sâu vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền với thể
chế xã hội chủ nghĩa nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống lại nhân
dân.
Đây là các duyên cớ để các luận điệu thổi phồng sự thật, khoét sâu
sự ngăn cách thù oán do chúng tưởng tượng và dựng lên, để mưu đồ đối lập Đảng
với tôn giáo, kích động sự kỳ thị giữa các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc
anh em, nhằm chia rẽ nội bộ các dân tộc, giữa đồng bào có đạo và không theo
đạo, giữa các tôn giáo với nhau, đào sâu hố ngăn cách giữa đồng bào các tôn
giáo với Đảng, Nhà nước. Chúng thường gắn vấn đề dân tộc với vấn đề tôn giáo,
kích động vấn đề nhân quyền, phá rối từ cơ sở, tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo
của Đảng bằng các hình thức “cách mạng màu”.
Các thủ đoạn thường thấy là, kích động đòi đất, đòi nơi thờ tự vô
lối, đòi hành lễ phi pháp luật, tụ tập đông giáo dân gây mất an ninh thực hiện
cái gọi là “bất tuân dân sự”; chia rẽ, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số
biểu tình gây bạo loạn... dưới chiêu bài nhân quyền, tự do, dân chủ; móc nối
với các tổ chức quốc tế, với các thế lực thù địch từ nước ngoài để làm rối tình
hình trong nước.
Họ kích động, hà hơi tiếp sức những người nhân danh “lòng yêu
nước”, mưu toan khởi hấn, xuống đường biểu tình vô lối, để “đục nước béo cò”,
“mượn gió bẻ măng”... mưu lợi cho mình và phe nhóm mình.
Thứ sáu, thông qua vấn đề chính trị gia và quan hệ giữa các nhà
lãnh đạo chính trị, giữa các lực lượng nhằm xâm hại thể chế xã hội chủ nghĩa
Việt Nam.
Đây là vấn đề xung yếu nhất. Ngụy tạo mâu thuẫn trong Bộ Chính
trị, tưởng tượng sự chia rẽ Ban Chấp hành Trung ương Đảng với Quốc hội và Chính
phủ; thổi phồng sự khác biệt, cao hơn là mâu thuẫn giữa các thế hệ lãnh đạo,
các cá nhân lãnh đạo các cấp, nhất là cấp chiến lược... với âm mưu thúc đẩy tan
rã nội bộ và tự tan rã thế chế. Họ ngụy tạo những trang điện tử giả danh cán bộ
cấp cao của Đảng, Nhà nước để tung tin giả, công kích nội bộ nhằm gây nghi kỵ
lẫn nhau, tạo nên sự hỗn mang tư tưởng rất nguy hiểm.
Âm mưu đó nham hiểm không kém thủ đoạn kích động tư tưởng “sứ
quân”, “cát cứ”, gây chia rẽ vùng, miền, đòi “dân sự hóa” Quân đội nhân dân, ly
gián Quân đội nhân dân với Công an nhân dân, “phi chính trị hóa” các lực lượng
này, âm mưu cái gọi là thông qua “hạ bệ thần tượng” nhằm “bắn con chim đang
bay”(!)...
Thứ bảy, chung quanh vấn đề quan hệ quốc tế, võ đoán các nguy cơ
cái gọi là “đu dây bên miệng hố”, kích động cái gọi là “bài”, “thoát” nước này,
liên minh với nước khác, cốt phá hoại đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa
dạng hóa, đa phương hóa trong hội nhập quốc tế của Đảng ta, cổ xúy cho chủ
nghĩa ly khai, xâm hại nhân dân, phá vỡ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ
quốc.
Đây là một đích ngắm của đủ loại mưu đồ, đủ giọng điệu, với các
phương tiện hiện đại, có sức công phá lớn và hết sức nguy hiểm.
Mục tiêu của chúng là thông qua “diễn biến hòa bình”, làm suy yếu
Việt Nam từ bên ngoài, gây hằn thù trong các mối bang giao quốc tế của ta nhằm
cô lập ta trong cộng đồng quốc tế. Kích động, chia rẽ các đối tác quốc tế với
nhau, các đối tác quốc tế chiến lược với chúng ta... Nghĩa là, họ muốn thể chế
của ta sụp đổ.
Bằng nhiều “cây cầu” (truyền thông giả mạo, sách báo, núp sau các
tổ chức quốc tế, các tổ chức tôn giáo...), với thủ đoạn “mưa dầm thấm sâu”, “tổ
mối đục ruỗng chân đê”... chúng dựng hư chuyện, thổi phồng hiện tượng riêng lẻ
quy kết vô lối thành bản chất của Đảng, của chế độ... hòng hạ thấp, đánh sập vị
thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Họ hà hơi tiếp sức cho những tổ
chức đối lập trú ngụ ở ngoài biên giới quốc gia, âm mưu di trú quốc nội, gây
bạo loạn, lật đổ chế độ.
Thứ tám, các trào lưu tư tưởng, lý luận du nhập, thẩm thấu bằng
mọi con đường, âm mưu gặm nhấm, công phá làm băng hoại dưới mọi hình thức, quy
mô và mức độ tư tưởng, lý luận của chúng ta từ nền tảng.
Đó là chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa thực dụng,
chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bá quyền với vô vàn hình thức... đang
thâm nhập từ bên ngoài cấu kết với chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, chủ
nghĩa bè phái, chủ nghĩa hưởng lạc, dưới nhiều biến thể, tồn tích rất lâu từ
bên trong với âm mưu làm băng hoại nền tảng tư tưởng của chúng ta bằng đủ quy
mô, tính chất và mức độ; làm chệch hướng con đường xã hội chủ nghĩa; làm rã rời
sự cố kết đồng thuận toàn dân tộc ta; đánh sập vị thế, năng lực và uy tín cầm
quyền của Đảng ta và cô lập nước ta trên trường quốc tế.
Những trào lưu tư tưởng, lý luận đó thâm nhập vào nước ta bằng các
con đường giao lưu tư tưởng, thông qua hội nhập quốc tế, bằng thủ đoạn kinh tế,
văn hóa... hết sức tinh vi, biến ảo; và chúng thường trú ngụ và phát tác từ các
phần tử thoái hóa, biến chất, nằm ở tất cả các cấp của hệ thống chính trị, thúc
đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến hòa bình” công phá từ bên ngoài thúc đẩy quá
trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ trong nội bộ rất nguy hiểm.
Tất cả nhằm thủ tiêu Đảng, cô lập đất nước ta và chuyển hóa thể
chế chính trị một cách nhanh nhất, ngắn nhất và nguy hiểm nhất.
Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào?
Vấn đề tư tưởng phải được giải quyết bắt đầu từ tư tưởng, trước
khi bằng con đường tổ chức, pháp luật.
Nhưng, không thể chỉ giải quyết triệt để những vấn đề tư tưởng, lý
luận bằng chính vấn đề tư tưởng, lý luận một cách thuần túy, thậm chí rất
suông.
Trước hết, chúng ta phải có một cương lĩnh về hành động
một cách có tư tưởng. Cương lĩnh hành động hiện nay chính là, khi tình hình
đã khác trước, cần nhận diện đúng, phân định trúng và có đối sách phù
hợp và hiệu quả.
Thực tiễn cho thấy, không thể để tình trạng những người bàn về tư
tưởng nhưng hành động phi tư tưởng, thậm chí trái tư tưởng, xỉ nhục tư tưởng.
Kinh nghiệm đã và đang chỉ ra rằng, từ sự suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước
chuyển ngắn, thậm chí rất ngắn, tới mức khôn lường, trở thành kẻ đối lập với
nhân dân, với dân tộc, phản bội lại Đảng, phản bội thể chế. Vì thế,
mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, trong cuộc đấu tranh này, phải tự mình
trở thành một nhà tư tưởng một cách ngang tầm và trong sạch.
Tự mình phải làm công tác tư tưởng cho chính mình, và phải tự mình
trong sạch; và trở nên đúng đắn, tự trọng và ngang tầm theo các quy định về nêu
gương: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012, của Ban Bí thư khóa XI, “Về
trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt
các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị khóa
XII, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của
cán bộ, đảng viên” và Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban
Chấp hành Trung ương khóa XII, “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng
viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp
hành Trung ương”. Chúng ta có tối thiểu hơn 4 triệu “nhà tư tưởng” là đảng
viên. Đó là hành động mang tính tư tưởng nhất. Chúng ta không ảo tưởng về điều
đó, nếu đảng viên thực sự là đảng viên, lãnh đạo thực sự ngang tầm trọng trách
lịch sử. Chỗ nào vắng cán bộ, đảng viên, chỗ đó trận địa tư tưởng bị bỏ trống.
Vì thế, việc tổng rà soát, sàng lọc nhằm làm trong sạch đội ngũ đảng viên là
trọng sự rất cấp bách, không thể trì hoãn.
Càng không thể giải quyết những lỗi lầm tư tưởng chính trị
bằng thứ tư duy đã đẻ ra nó; những vấn đề bất thường của tư tưởng chính trị
phải được giải quyết bằng những phương pháp bất thường, tức vấn đề tổ chức và
cán bộ. Chấm dứt tình trạng: Người có tư tưởng thì không có quyền được
quyết định, người được quyền quyết định lại không có tầm tư tưởng. Đó là cách
làm tư tưởng cụ thể nhất, chứ không rơi vào đạo lý suông, tư tưởng chính trị
suông. Chọn người xứng đáng và ngang tầm là nhân tố quyết định thành bại công
việc này.
Người đứng đầu các cấp trong bộ máy hệ thống chính trị phải là
những người lĩnh nhiệm xứng đáng sứ mệnh công tác tư tưởng, lý luận của thế chế
một cách gương mẫu và thật sự. Ai không làm tròn trọng trách đó thì nên từ chức
hoặc không ngần ngại, buộc phải thay thế họ. Không thể để thảm họa: những ai
nhúng chàm tư tưởng; đạo chích, đạo vị, đạo tâm... đi rao giảng về sự cao quý
của tư tưởng, sự “soi đường cho quốc dân đi” của lý luận, sự trong sạch, liêm
sỉ, liêm chính, nghĩa khí hay quốc sỉ của những người trên địa hạt tư tưởng, lý
luận. Đó là tình trạng “a dua tư tưởng, lý luận”, tầm thường hóa tư tưởng, lý
luận, “ngụy tư tưởng”, “ngụy lý luận”. Nói cách khác, đó là kiểu làm tư tưởng,
lý luận như “mang giấy bọc lửa”. Như thế, vô hình làm phương hại công tác tư
tưởng, lý luận của chúng ta; vô hình tiếp tay cho sự lan rộng của sự suy thoái
tư tưởng chính trị, tệ hủ bại trong hành động thực tiễn phi tư tưởng, lý
luận,... Như thế là, phản tư tưởng nhất, là sự hạ thấp, thậm chí hủy hoại nền
móng tư tưởng, lý luận chính trị.
Đòi hỏi cao đối với cán bộ lãnh đạo, nhất là các đồng chí giữ
cương vị trọng trách trong bộ máy của Đảng, Nhà nước ở các cấp, các đồng chí Ủy
viên Trung ương Đảng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, bộ trưởng, người đứng đầu các
ngành, các địa phương, đơn vị và các cán bộ lãnh đạo khác tự giác rèn luyện tầm
nhìn chính trị chiến lược, trung thành với lý tưởng, khép mình vào kỷ luật, giữ
trọn vẹn liêm sỉ, tự mình trong sạch; làm gương trước nhân dân, trước cấp dưới
về hành động chính trị, về danh dự, về sự dũng cảm hành động theo lời nói, về
trách nhiệm công việc, về phẩm hạnh chính trị và đạo đức... trong thực thi
đường lối của Đảng, vì lợi ích tối cao của nhân dân, của dân tộc và của Đảng.
Đồng thời, chủ động tổng kết thực tiễn, phát triển đường lối chính trị của
Đảng, làm giàu kinh nghiệm tổ chức thực tiễn mang tính lý luận. Sống và làm
việc trong nhân dân để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa và tự chỉnh đốn
mình. Hóa thân trong các phong trào hành động của nhân dân để dẫn dắt, qua đó
để tổng kết kinh nghiệm, trau dồi khả năng và rèn dũa trình độ lý luận của
chính mình nhằm phát triển phong trào. Lúc này, một bước tiến trong hành động
có giá trị hơn một tá cương lĩnh, nói như C. Mác. Đó là con đường bảo
vệ tư tưởng, phát triển lý luận của chúng ta một cách chủ động nhất, ngắn nhất
và tự giác nhất.
Tự chỉnh đốn mình đủ năng lực xử lý, nhất là đối thoại, tranh luận
một cách dân chủ, bình đẳng và cầu thị với tất cả những ai quan tâm về công tác
tư tưởng, với các trào lưu tư tưởng, lý luận từ mọi phía. Đó là hiện
thân sinh động và sức sống mạnh mẽ của tư tưởng, lý luận chính trị,
của công tác tư tưởng, lý luận, phát triển đường lối chính trị của Đảng dẫn dắt
công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ và hội nhập quốc tế hiện nay.
Và, hơn hết bao giờ, phải chủ động hành động kiên quyết, vì sự
sống còn đó.
Cương lĩnh hành động hiện nay là, tiếp tục kiến tạo một
đội ngũ chiến lược gia tư tưởng, lý luận hay tối thiểu là các cán bộ tư tưởng,
lý luận cấp chiến lược ngang tầm trọng trách của công cuộc đổi mới
toàn diện, đồng bộ và hội nhập quốc tế. Vẫn là tiếp tục công việc về tổ chức và
cán bộ, nếu được tiến hành hiệu quả, thì chính là giải pháp phát triển tư
tưởng, lý luận hữu hiệu nhất. Kinh nghiệm lịch sử tư tưởng và đấu tranh tư
tưởng, lý luận ngày càng xác thực rằng, lý do tồn tại của tổ chức đảng, và các
lãnh tụ xứng đáng với danh hiệu đó là, ngoài nhiều điểm khác, đảng và lãnh tụ
còn phải thông qua một công tác lâu dài, kiên cường, thiên hình vạn trạng nhiều
mặt của tất cả các đại biểu giác ngộ của giai cấp mình mà thu hoạch được những
kiến thức cần thiết, - ngoài kiến thức và kinh nghiệm là tính nhạy bén chính
trị cần thiết để giải quyết một cách chính xác và mau lẹ những vấn đề chính trị
phức tạp.
Nói một cách hình ảnh, đã đến lúc, về mặt tổ chức bộ máy, không
thể để tồn tại những ông “Đông Quách”, những “con thò lò sáu mặt”, “ăn cây táo
rào cây xoan nâu” trong đội ngũ, trước hết trong đội ngũ cán bộ cấp chiến lược
và nguyên cấp này, trước hết trên địa hạt tư tưởng, lý luận. Nếu để duy tồn, vô
hình trung, tối thiểu đã làm phương hại theo kiểu “quả bí thối từ ruột thối
ra”, thậm chí chặt cụt động lực của các nhà tư tưởng, lý luận; mặt khác
sẽ thủ tiêu và tự thủ tiêu cả hai: cán bộ và bộ máy làm công
tác tư tưởng, lý luận. Và, thậm chí làm băng hoại ngay cả bộ máy làm
công tác tổ chức và kiểm tra, thanh tra và bảo vệ pháp luật vì “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trực tiếp đối với công tác tư tưởng, lý luận, khi
trận địa tư tưởng, lý luận bị xâm hại và bị chi phối bởi những tệ nạn đó.
Cần thiết rà soát, sàng lọc, để tái kiến tạo đội ngũ và hệ thống
các bộ máy này, để tư tưởng, lý luận có khả năng dẫn dắt và bảo đảm phát triển
công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đúng hướng. Đó là phương lược và nghệ
thuật hiện thời. Cần toàn dụng đức trị và pháp trị trên phương
diện này. Đội ngũ chúng ta phải tự mình trở nên mạnh mẽ, dũng cảm và kiên quyết
ngang tầm yêu cầu của lịch sử! Đó chính là hiện thân và hành động tư tưởng, lý
luận nhất.
Đó là phương sách xây kết hợp phòng, chống chủ động và hiệu quả
nhất trên địa hạt tư tưởng, lý luận!
Cương lĩnh hành động lúc này là, tổng soát xét, tiếp tục
đổi mới toàn diện và căn bản hệ thống tổ chức, cơ chế vận hành và thể chế về
công tác tư tưởng, lý luận chính trị. Tối thiểu có 3 loại công việc nổi bật:
Về hoàn thiện cơ chế vận hành: Đâu là tư tưởng, đâu là lý luận, đâu là tư
tưởng lý luận chính trị? Ai làm, làm với ai, làm như thế nào? Các binh chủng tư
tưởng, lý luận hiện nay ra sao: về chức năng, nhiệm vụ, về tổ chức bộ máy và
phương thức vận hành thế nào? Duy tồn tình trạng hiện nay liệu có còn tương
thích không? Nếu không, thì sẽ làm gì? Phải chăng cấp bách cơ cấu lại chiến
lược hệ thống đào tạo, truyền thông, tuyên giáo các cấp, các cơ quan nghiên
cứu... theo hướng tập trung, thống nhất, rõ việc, gọn nhẹ, rõ trách nhiệm cá
nhân phụ trách, trên cơ sở đổi mới chức năng, nhiệm vụ độc lập từng cơ quan bảo
đảm sự thống nhất giữa công tác tổng kết thực tiễn với phát triển tư tưởng, lý
luận?
Trên cơ sở đó, định biên, tuyển chọn dân chủ hóa nhằm kiến tạo đội
ngũ cán bộ tư tưởng, lý luận tương xứng theo hướng tinh hoa, chuyên nghiệp và
văn hóa hóa. Sàng lọc nghiêm khắc và kiến tạo chặt chẽ theo hướng tinh lọc,
ngăn chặn chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cá nhân... bảo đảm sự
trong sạch, tương thích đội ngũ này.
Về đổi mới thể chế hoàn bị: Đâu là thể chế cơ bản, đâu là mắt xích chủ
yếu? Đâu là thể chế bất biến, cái thể chế khả biến là đâu? Đâu là sức mạnh tổng
hợp giữa công tác giáo dục - cơ quan hành động trên địa hạt tư tưởng, lý luận
với công tác tổ chức và pháp luật... Theo đó, cần phân định rõ không
chỉ về định tính mà cần định lượng cụ thể lực lượng làm công tác tư tưởng, lý luận,
trước hết là cấu trúc lại hệ thống báo chí và đội ngũ những người làm báo, hợp
thành binh chủng tư tưởng, lý luận chỉnh thể đổi mới và ngang tầm. Các
thiết chế cần và đủ bảo đảm vận hành toàn bộ công tác này bao gồm những gì,
chúng ra sao; những gì thuộc về chuyên ngành, những gì thuộc về liên ngành, tối
thiểu là các lĩnh vực và phương tiện làm công
việc tư tưởng, lý luận, tổ chức và pháp luật, trong bối cảnh cuộc Cách mạng
công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế trong “thế giới phẳng”, cố nhiên cả không “phẳng”
hiện nay?
Theo đó, tiếp tục chỉnh đốn lĩnh vực báo chí truyền thông và các
phương tiện truyền thông xã hội. Sẽ là khiếm khuyết, thậm chí thất bại, nếu
thiếu hoặc buông lỏng loại công việc này. Kinh nghiệm ban hành và thực thi Luật
An ninh mạng của Ô-xtrây-li-a vào tháng 2-2019, sự ra đời của ngành công nghiệp
an ninh mạng của Xin-ga-po vào tháng 3-2019, bảy lĩnh vực quản lý mạng xã hội
của Anh vào tháng 4-2019 mới đây... đã cho chúng ta những kinh nghiệm tham
chiếu đáng suy ngẫm trên lĩnh vực này. Vì, những người chống phá tư tưởng,
những kẻ thù lý luận đã và đang sử dụng những phương tiện ấy như những “cây cầu
tư tưởng” đi thẳng vào trái tim khối óc của chúng ta, gây tác họa rất nguy hiểm
ở không ít nơi, đối với không ít người, lại tỏ ra rất nhiệm màu. Họ âm mưu tạo
nên tình trạng “mù màu về tư tưởng”, “hỗn loạn về lý luận” để làm rối tình hình
chính trị, hạ bệ cơ sở lý luận chính trị mác-xít, nhằm phá hoại đường lối chính
trị của Đảng; qua đó bôi nhọ, làm phá sản chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí
Minh ở nước ta.
Đổi mới, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế toàn diện, toàn vẹn,
mạnh mẽ, và đồng bộ bảo đảm giữa tự do, dân chủ và pháp luật một
cách minh bạch, công khai và nhân bản, trên bình diện tư
tưởng, lý luận một cách chủ động và nghiêm khắc.
Về trách nhiệm cơ quan hoạch định chiến lược chính trị, cơ chế và
thể chế và cơ quan có thẩm quyền quyết định: Đây là việc to lớn, đa diện của các cấp
ủy, chính quyền các cấp.... Xin nói gọn: Cấp bách thực thi quyết sách
của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng khóa XII về công tác này, một cách căn cơ,
chiến lược, tổng hợp và khả thi, trong tầm nhìn tới năm 2030, trước mắt trên lộ
trình tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Đó là những công việc cần kíp thực thi hiện nay đối với Đảng, và
của chính công tác tư tưởng, lý luận chính trị của Đảng. Không như thế không
thể nói tới việc bảo vệ tư tưởng, lý luận, càng không thể nói tới việc phát
triển độc lập hay sáng tạo đột phá về tư tưởng, lý luận, dù chỉ là một bước
nhỏ!
Con đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chúng ta đi, không gì lay
chuyển được. Công tác tư tưởng, lý luận tiếp tục gánh vác sứ mệnh lịch sử cầm
nhịp thống nhất toàn dân tộc, “soi đường cho quốc dân đi” trên con đường ấy.
Và, dù cho kẻ thù của chúng ta câu kết với những phần tử từ bên
trong, điên cuồng công kích, phá hoại, Đảng ta đứng vững trên nền móng tư tưởng
chính trị và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thâu hóa
và góp phần phát triển tinh hoa tư tưởng, lý luận của nhân loại, với sự ủng hộ
và bảo vệ của nhân dân, công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ dưới ngọn cờ của
Đảng, dân tộc ta nhất định vượt qua mọi trở lực, như 89 năm qua, tiếp tục tiến
lên, nhịp bước cùng thời đại. Không gì cản nổi!./.
Nhị Lê
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản