THẮNG LỢI CỦA CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG
VÀ NỔI DẬY MÙA XUÂN 1975 - THẮNG
LỢI CỦA
TƯ TƯỞNG NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ HỒ CHÍ MINH
HC
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đã ghi vào lịch
sử của dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một sự kiện có tầm
quan trọng quốc tế to lớn và có tính chất thời đại sâu sắc. Đó cũng là thắng lợi
của tư tưởng nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh.
Tuy
nhiên, trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn còn một vài bài viết của một
số tác giả có dụng ý xuyên tạc, hạ thấp thắng lợi vĩ đại của dân tộc, phủ nhận
tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, nghệ thuật quân sự nói
riêng và vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự
nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây là một biểu hiện không bình
thường, dù vô tình hay cố ý nhưng đã cổ súy cho tư tưởng “chống Cộng” của các
thế lực thù địch, chống phá cách mạng nước ta, đi ngược lại truyền thống hào
hùng của dân tộc. Từ các góc độ tiếp cận khác nhau, bài viết này xin được làm sáng tỏ thêm, vai trò của Đảng trong vận dụng
sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật quân sự vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân
tộc, nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Trước hết, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa
Xuân 1975 là thắng lợi của nghệ thuật nắm vững tư tưởng chiến lược tiến
công, luôn giữ quyền chủ động.
Tư tưởng tiến công, “kiên quyết không ngừng thế tiến
công” là nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự
Hồ Chí Minh. Theo Hồ Chí Minh, chỉ có
tiến công mới giành được thế chủ động, giành được thế chủ động mới phát triển
được thế tiến công. Đồng thời Người cũng chỉ rõ, muốn tiến công phải chuẩn
bị tốt về mọi mặt. “Chuẩn bị càng đầy đủ, thật đầy đủ, thì thời giờ tổng phản
công càng mau chóng”[1].
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã khẳng định
tính đúng đắn đường lối quân sự của Đảng trong chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Một trong những biểu hiện
đúng đắn, sáng tạo đó là Đảng ta luôn nắm vững và quán triệt sâu sắc tư tưởng
chiến lược tiến công, tích cực chủ động xây dựng, phát triển lực lượng rộng khắp
trong cả nước; gắn bó chặt chẽ giữa hậu phương
với tiền tuyến, giữa xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân với xây dựng lực lượng
chính trị hùng hậu của quần chúng, giữa các binh đoàn chủ lực với lực lượng vũ
trang địa phương. Đặc biệt, coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân lớn
mạnh cả về số lượng và chất lượng có khả năng tiêu diệt lớn quân chủ lực của địch
trên các mũi, các hướng chủ yếu và địa bàn chiến lược quan trọng, tạo điều kiện
thuận lợi cho quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ.
Hai là, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân
1975 là thắng lợi của nghệ
thuật phát huy sức mạnh tổng hợp.
Chiến tranh là sự thử thách toàn diện giữa các bên
tham chiến, muốn giành thắng lợi nhất thiết phải mạnh hơn đối phương. Hồ Chí Minh cho rằng, “không dùng toàn lực của
nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”[2]. Theo
đó, toàn dân đánh giặc phải gắn với đánh giặc toàn diện; phát huy lực lượng
toàn dân mới thực hiện được đánh giặc toàn diện, đánh giặc toàn diện cũng là nhằm
huy động cao nhất lực lượng của toàn dân để giành thắng lợi.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu
nước, tư tưởng về phát huy sức mạnh tổng hợp đã được quân và dân ta phát triển
đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh. Nổi bật là sáng tạo của quân
và dân ta trong việc kết hợp chặt chẽ giữa các hình thức, lực lượng, quy mô tác
chiến của ba thứ quân, đánh địch bằng cả ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến
lược và giữa đánh lớn, đánh vừa và đánh nhỏ... Đó cũng là thể hiện sự kết hợp
nhuần nhuyễn giữa đường lối chính trị đúng đắn với đường lối quân sự tài giỏi,
giữa chiến lược cách mạng với phương pháp cách mạng sáng tạo của Đảng ta trong
cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa
Xuân 1975. Chính vì vậy, chúng
ta đã huy động được cao nhất nguồn sức
mạnh chính trị - tinh thần và nguồn sức mạnh vật chất của mọi lực lượng, phương
tiện, hình thức, qui mô trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá,
ngoại giao tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn áp đảo, đè bẹp sự phản kháng của địch,
tiến lên giành toàn thắng.
Ba là, thắng lợi của cuộc Tổng
tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là thắng lợi của Nghệ thuật tạo lực, lập thế, tranh thời và dùng mưu
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là thể
hiện sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh về tạo lực, lập thế,
tranh thời, dùng mưu và phát huy các nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Về
lực, Đảng ta
chủ trương huy động sức mạnh
của toàn dân cả về vật chất và tinh thần, xây dựng lực lượng vũ trang và lực lượng
chính trị quần chúng, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại, sức mạnh
của hậu phương và tiền tuyến, sức mạnh ở chiến trường và sức mạnh của địa
phương tại chỗ.
Cùng
với tạo lực, Đảng ta luôn chú trọng và phát huy cao độ thế mạnh của
cuộc chiến tranh chính nghĩa, được lòng dân. Đồng thời, chỉ đạo tích cực xây dựng, phát triển thế trận thuận lợi trên toàn bộ
chiến trường, chặn hướng tiến công chính của địch, bao vây, chia cắt địch, làm thay đổi thế và lực
trên chiến trường, chủ động tổ chức những trận đánh
then chốt, thúc đẩy thời cơ đến gần. Khi thế và lực
của ta đã có, thời cơ đã đến còn phải biết dùng mưu. Mưu trong cuộc Tổng tiến
công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được thể hiện trong toàn bộ
các chủ trương, kế hoạch chiến lược, chiến dịch, tài chỉ huy, thao lược của tướng
lĩnh, binh sĩ trong chiến đấu, tài nghi binh đánh lừa địch... Trong chiến
tranh nhân dân, mưu kế, mưu lược là của nhân dân, của toàn quân, của mỗi cán bộ,
chiến sĩ, không riêng gì của bộ thống soái.
Việc Bộ chính trị quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công mở màn là
thể hiện nghệ thuật nghi binh lừa địch tài giỏi của Đảng ta. Tiếp đó, thừa thắng
xốc tới Bộ chính trị quyết định mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng đập tan ý đồ “tử thủ”
của địch trong một thời gian ngắn, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng về mặt chiến lược, hoàn toàn có
lợi cho ta, tạo điều kiện để tập trung
một lực lượng lớn vào trận quyết chiến tại Xuân Lộc - “cánh cửa thép” vào Sài Gòn. Sau thắng lợi của
chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ chính trị đã nhận định,
thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có đủ khả năng và lực lượng để kết thúc chiến tranh ngắn hơn so với thời gian dự kiến.
Theo đó, chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh với
quyết tâm “thần tốc, táo bạo, quyết thắng”. Đến
sáng 30/4/1975, năm cánh quân của ta từ năm hướng đồng
loạt tiến thẳng vào Sài Gòn, chiếm Dinh Độc lập và các mục tiêu trọng yếu, bức
hàng Chính phủ ngụy quyền, làm tan rã hoàn toàn bộ máy chính quyền của chúng,
giành thắng lợi hoàn toàn.
Bốn là, Thắng
lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - thắng lợi của nghệ thuật
biết thắng từng bước.
Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi của nghệ thuật quân sự,
“Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. “Thắng
từng bước” là qui luật phản ánh tính tất yếu của chiến tranh cách mạng đối với các dân tộc nhỏ,
chống lại chiến tranh xâm lược của các nước đế quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự
mạnh, có đội quân xâm lược nhà nghề. Đồng thời, đó cũng là qui luật giành thắng
lợi của Cách mạng việt Nam.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngay từ đầu Đảng ta đã xác định phương châm chỉ đạo cách mạng
miền Nam, phát triển theo hướng giành thắng
lợi từng phần, tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi hoàn
toàn. Nghị quyết Trung ương 9 (12/1963) chỉ rõ: “Đánh lui địch từng bước, giành
thắng lợi từng phần, tiến tới giành thắng lợi toàn bộ”[3].
“Thắng từng bước”, còn được Đảng ta nhấn mạnh là “phải biết thắng từng bước cho
đúng… để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn”[4].
Thực tế cho thấy, sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết
Mậu thân 1968, như “một đòn sét đánh” làm cho Mỹ, ngụy
choáng váng, buộc Mỹ từng bước xuống thang, rút quân về nước và chuyển sang thi
hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, hòng kéo dài chiến tranh ở nước ta. Cuối năm 1972, quân và dân miền Bắc
đã đánh bại lần thứ hai cuộc tập kích đường không của quân đội Mỹ, làm nên thắng
lợi “Điện Biên phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari (1/1973), rút hết
quân về nước. Nắm
vững phương châm chiến lược “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, Đảng ta đã hạ quyết tâm nhanh chóng giải phóng hoàn toàn miền Nam, càng
sớm càng tốt
và đã làm nên đại thắng
mùa Xuân 1975,
thống nhất Tổ quốc.
Thắng
lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, không những là thắng lợi
của nghệ thuật
quân sự biết thắng từng bước mà còn là thắng lợi của nghệ thuật biết khởi đầu và kết thúc chiến tranh đúng lúc trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã được Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời, thực hiện triệt để lời dạy
của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thống nhất nước nhà là
con đường sống của nhân dân ta”[5].
Khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và về
quân sự nói riêng đối
cách mạng Việt Nam, trong
cuốn sách “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã
viết: “Tư tưởng cách mạng và tư tưởng quân sự của Bác đã mang về thắng lợi trọn
vẹn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc”[6].
Ngày nay, chúng ta đang
ra sức thực hiện thắng lợi hai chiến
lược cách mạng, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh tình
hình thế gới, trong nước có nhiều biến động phức tạp,
khó lường... Những thành quả mà nhân dân ta đã giành được là rất to lớn, rất
đáng tự hào, cần phải được bảo vệ và phát triển vào điều kiện, hoàn cảnh mới của
đất nước. Tuy nhiên, để đi tới thắng lợi cuối cùng, đòi hỏi mỗi chúng ta cần phải tiếp
tục nghiên cứu một cách sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, nghệ thuật quân
sự nói riêng, trên cơ sở đó biết vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với sự phát triển của tình hình mới,
theo đúng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Đồng thời, phải thường xuyên nêu cao cảnh giác cách mạng,
tích cực, chủ động đấu tranh phản bác với các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, hòng xuyên tạc, bóp méo lịch sử dân tộc, lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam,
phủ nhận tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và vai trò của Đảng đối với cách mạng nước ta, nhất là tình hình hiện nay.
[1]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.2011, Tập 7, tr. 31
[2]Hồ
Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.2011, Tập 4, tr. 344.
[3]
ĐCSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 24, tr. 832
[4]
ĐCSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 34, tr. 142
[5]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội.2011, Tập 10, tr. 360
[6]
Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa
xuân toàn thắng, Nxb CTQG, Hà Nội.2000, tr 343.