Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2018


KHÔNG ĐỂ LÒNG YÊU NƯỚC CỦA NHÂN DÂN TA BỊ LỪA DỐI
An Nhiên
Những ngày tháng Chín lịch sử của dân tộc Việt Nam anh hùng, nhân dân Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều hân hoan hướng về ngày Tết Độc lập, ngày Quốc khánh 2/9. Ngày mà cách đây 73 năm chúng ta đã khẳng định quyền tự do, độc lập với thế giới và mỗi khi nói đến nền độc lập của quốc gia, dân tộc bao giờ cũng đánh thức trong mỗi chúng ta một niềm cảm xúc kỳ lạ; nó vừa thiêng liêng, sâu thẳm, mênh mang nhưng cũng rất hiện hữu. Chúng ta khẳng định rằng: Dân tộc Việt Nam chúng ta có rất nhiều truyền thống tốt đẹp và trong đó có lòng yêu nước nồng nàn. Lòng yêu nước đó đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước; được xây đắp bởi máu xương của bao thế hệ người Việt Nam để có được nền độc lập, tự do hôm nay.
Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong bản Tuyên ngôn độc lập: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[1] và Người cũng khẳng định chân lý: Không có gì quý hơn độc lập, tự do!Chân lý đó đã được minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử. Không có độc lập dân tộc sẽ không có tự do, không thể xây dựng một quốc gia cường thịnh. Để đất nước được thanh bình, ổn định và phát triển giữa muôn vàn gian khó là cả một sự nỗ lực không biết mệt mỏi của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên mọi lĩnh vực.
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, trước sự diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực thì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn. Trải qua bao nhiêu mất mát, hi sinh, những khó khăn, gian khổ, trong mỗi người dân Việt Nam đều thấm thía giá trị thiêng liêng của hòa bình, độc lập, tự do. Quyết tâm sắt đá của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh, người dân được sống trong hòa bình, thịnh vượng. Đó cũng là ước vọng của cả dân tộc. Để thực hiện được mục tiêu đó, một trong những bài học lớn là phát huy lòng yêu nước của mỗi người dân và tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Đó cũng chính là truyền thống, là sức mạnh của dân tộc ta.
Tuy nhiên, trước những thành tựu của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự đoàn kết của nhân dân ta nhằm thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, sự nghiệp CNH, HĐH đất nước thì các thế lực thù địch vẫn luôn tìm cách chống phá sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bằng âm mưu “Diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn như đưa ra tiếng nói, những quan điểm, tư tưởng, những hành vi chống phá rất quyết liệt, tinh vi, xảo quyệt núp dưới chiêu bài “yêu nước”, “dân chủ”. Chúng rêu rao, tuyên truyền, kích động ở nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều góc độ khác nhau nhưng tựu chung đều xuất phát từ âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động - những kẻ không bao giờ chấp nhận chế độ mà nhân dân ta đã phải đổ bao máu xương, công sức dựng xây; những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị và những người thiếu thông tin, hạn chế nhận thức xã hội, nhẹ dạ, cả tin, cực đoan, mất cảnh giác dễ bị lôi kéo, kích động, lừa phỉnh chống phá chính quyền. Bởi vậy, trong dư luận xã hội, nhất là trên internet, mạng xã hội thường xuyên xuất hiện những thông tin, hình ảnh, tư liệu xuyên tạc, bóp méo sự thật, dựng chuyện, đả kích ác ý trước các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội; thậm chí nhiều phần tử phản động trong và ngoài nước đã không hề che giấu mục đích công khai kêu gọi lật đổ chế độ; lập ra các tổ chức phản động, tiến hành các biện pháp khủng bố và các hoạt động chống phá công khai lẫn bí mật. Chúng kêu gọi, kích động, tổ chức biểu tình với những ngôn từ lừa bịp như “biểu tình ôn hòa”, “tổng biểu tình”, “phản đối dân sự”, “biểu thị lòng yêu nước”... nhằm vào những sự kiện lớn, ngày lễ, Tết. Những âm mưu và hành vi đó hết sức nguy hiểm, nó nhằm tạo ra sự bất ổn, đẩy đất nước vào cảnh loạn lạc, làm chậm và làm chệch mục tiêu phát triển.
 Những âm mưu đó thường được một số người có nhận thức chưa đầy đủ, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn hay do bất mãn hoặc vì những mục đích cá nhân khác hùa theo tính chất cộng hưởng. Đây là vấn đề mà mỗi người dân yêu nước chân chính cần nhận rõ. Một sự thật hiển nhiên là, chỉ có sự lãnh đạo tài tình cùng với đường lối đúng đắn của Đảng mới đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi và đất nước có được như ngày hôm nay. Và, thực tế đã minh chứng hùng hồn rằng, những quốc gia loạn lạc luôn bị can thiệp, khống chế bởi các quốc gia khác, cuộc sống người dân rơi vào vòng xoáy của lầm than, đói khổ. Điều này, dân tộc Việt Nam đã từng chịu đựng, trải qua cảnh “nước mất, nhà tan” trước Cách mạnh Tháng Tám năm 1945.
Trong tư duy và nhận thức của mọi người dân Việt Nam chúng ta đều hiểu rằng, trong cuộc sống thường ngày của mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ, nói rộng ra là một cộng đồng, một quốc gia hay cả nhân loại luôn tồn tại, phát sinh những hạn chế, mâu thuẫn và không có sự hoàn hảo tuyệt đối. Bởi vậy, người có tư duy tích cực luôn hướng tới tính xây dựng thay cho sự đả kích, phá hoại. Đó cũng chính là yếu tố tạo nên sự phát triển và tiến bộ xã hội. Thực tế đã chứng minh rằng: Đảng, Nhà nước ta cũng như những người có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc, các cơ quan chức năng luôn lắng nghe, trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp, xây dựng và phản biện tâm huyết, trách nhiệm, khách quan, khoa học để từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém, sai lầm để hướng đến mục tiêu cao nhất là xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, người dân được hưởng hòa bình, hạnh phúc. Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành cũng luôn thẳng thắn, công khai thừa nhận những tiêu cực, hạn chế, yếu kém trong tổ chức bộ máy, trong đội ngũ cán bộ công chức cũng như trong các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đồng thời quyết liệt đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, từng bước xây dựng bộ máy ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nhưng lợi dụng sự hạn chế, yếu kém, sai lầm, khuyết điểm để đả kích, phá hoại, gây rối xã hội, vi phạm pháp luật dưới chiêu bài “yêu nước” chính là sự ngụy tạo nguy hiểm và dù có tinh vi đến đâu cũng bị nhân dân ta lật tẩy. Hành vi chặn đường giao thông, gây rối trật tự công cộng, đập phá tài sản của Nhà nước, chống người thi hành công vụ, tấn công vào các cơ quan công quyền; hành vi đả kích, xuyên tạc, thổi phồng, bóp méo sự việc, lan truyền thông tin sai sự thật, tiếp tay cho các thế lực thù địch với dụng ý xấu, kích động biểu tình trái phép... dù che đậy bằng hình thức gì cũng là biểu hiện của thái độ vô Chính phủ, coi thường kỷ cương, pháp luật mà không một xã hội nào chấp nhận. Những hành vi đó cần phải được nhận diện, lên án, đấu tranh và xử lý nghiêm minh. Những ai đó còn mơ hồ, mất cảnh giác, bị lợi dụng hoặc cố tình phá hoại công cuộc xây dựng đất nước sẽ phải gánh chịu hậu quả và trả giá.
Biểu thị lòng yêu nước của mỗi người dân chính là mỗi người hãy làm thật tốt bổn phận và trách nhiệm công dân của mình, tích cực tham gia xây dựng, quản lý xã hội với tinh thần thượng tôn pháp luật, đồng thời cảnh giác vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phần tử xấu, góp phần cùng các cơ quan chức năng đấu tranh, xử lý nghiêm minh với các đối tượng vi phạm pháp luật, bảo vệ thành quả của cách mạng, đưa đất nước ngày càng phát triển vững mạnh./.












PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn
Đâu là mục đích của những kẻ “bẻ cong lịch sử”?
22/08/2017 - 9:02
Biên phòng - Trong dòng chảy liên tục của lịch sử dựng nước và giữ nước, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thể hiện khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc Việt Nam về một nền độc lập, tự do cho đất nước. Tuy nhiên, giữa lúc nhân dân ta đang náo nức kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2017) thì các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị với dã tâm “bẻ cong lịch sử” đã phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Tám, coi thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam là “ăn may”.
 “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”
Là kết quả trực tiếp của tinh thần phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, trong đó, sức mạnh dân tộc đóng vai trò quyết định, cuộc Cách mạng Tháng Tám được lịch sử ghi nhận là đã đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước cách mạng kiểu mới đầu tiên ở Việt Nam.
Thế nhưng, giữa lúc nhân dân ta đang náo nức kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám thành công thì trên nhiều trang mạng xã hội đã xuất hiện tiếng nói lạc lõng của các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị, cho rằng thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc cách mạng này chỉ là “ăn may”, khi ở Đông Dương đã xuất hiện “khoảng trống quyền lực”. Theo “lý lẽ” của chúng, từ sau cuộc đảo chính ngày 9-3-1945, Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng trở thành thuộc địa của Nhật. Trong bối cảnh phát xít Nhật đã bị quân Đồng minh đánh bại và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện thì cách mạng chỉ cần nổ ra là giành thắng lợi (?).
Để làm rõ luận điểm trên, chúng ta cần làm rõ nội hàm của khái niệm “ăn may”: Theo nghĩa thông thường của tiếng Việt thì “ăn may” là sự trông chờ vào một cái gì đó xảy ra một cách tự nhiên mà không có một sự cố gắng, nỗ lực, không có sự chuẩn bị và hành động cụ thể nào để chủ động đạt tới mục đích của mình. Vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám, lực lượng tổ chức cách mạng có “há miệng chờ sung” hay “ôm cây đợi thỏ” - theo cách nói của những kẻ thù địch và cơ hội chính trị hay không? Hoàn toàn không, bởi, điều rất dễ nhận thấy là ngay sau khi được thành lập, Đảng ta đã lĩnh hội sứ mệnh lịch sử trước dân tộc với việc phát động, lãnh đạo các cao trào cách mạng (1930-1931 và 1936-1939). Đó chính là hai cuộc tổng diễn tập, chuẩn bị tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền sau này.
Và trước khi Cách mạng Tháng Tám diễn ra, trước đó hơn 4 năm (tháng 5-1941), tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, Mặt trận Việt Minh đã được thành lập nhằm quy tụ tất cả người Việt Nam yêu nước vào một khối thống nhất, không phân biệt giàu nghèo,  tôn giáo và xu hướng chính trị, miễn là tất cả đều vì mục đích tối cao của dân tộc là đánh đuổi thực dân và đế quốc, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I) đã xác định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Đến ngày 18-8-1945, trước tình thế cách mạng đã chín muồi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, trong đó nói rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn dân đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc trên thế giới đã ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Đáp lại lời hiệu triệu thấm đẫm hồn thiêng sông núi, lệnh Tổng khởi nghĩa được ban ra từ căn cứ Việt Bắc, nhưng nó đã có sức lôi cuốn lực lượng vĩ đại của nhân dân trên khắp cả nước. Nhân dân ta ở khắp nơi nhất tề nổi dậy dưới hình thức phổ biến là mít-tinh, biểu tình, tuần hành vũ trang với khí thế mạnh mẽ, quyết liệt, áp đảo chiếm các công sở, lật đổ chính quyền địch, giành chính quyền về tay nhân dân với khí thế thần tốc. Kết quả: Ngày 19-8 cách mạng thành công ở Hà Nội, ngày 23-8 ở Huế, ngày 25-8 ở Sài Gòn…
Bài học lịch sử không bao giờ cũ
Thực tiễn lịch sử cho thấy, Cách mạng Tháng Tám nổ ra là cả một quá trình chủ động làm chủ tình hình, nắm bắt thời cơ. Cụ thể, trước bối cảnh Nhật đảo chính Pháp (ngày 9-3-1945), Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện (ngày 14-8-1945), Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang, rệu rã, trong khi quân Đồng minh chưa kịp kéo vào Đông Dương, với sự chuẩn bị chu đáo từ trước, Đảng ta xác định phải chớp được thời cơ và huy động được sức mạnh của toàn dân tộc thì mới có khả năng giành được chính quyền.
Với “kim chỉ nam” đó, ngày 13-8-1945, ngay sau khi nhận được thông tin Nhật chuẩn bị đầu hàng đồng minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phân tích: “Cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ biến chuyển nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”. Ngay lập tức, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Cũng trong ngày 13-8, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ban “Quân lệnh số 1”, phát động khởi nghĩa trong toàn quốc.
Tiếp đó, ngày 14 đến 15-8, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã thông qua kế hoạch lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Từ ngày 16 đến 17-8, Quốc dân Đại hội được triệu tập tại Tân Trào, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Từ ngày 18 đến 28-8, Tổng khởi nghĩa thắng lợi trong toàn quốc…
Từ viện dẫn ở trên cùng với những cứ liệu lịch sử, có thể thấy rõ, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả đấu tranh lâu dài của nhân dân Việt Nam chống đế quốc, thực dân. Đây chính là yếu tố cơ bản bác bỏ những luận điểm cho rằng, do thời cơ “quá thuận lợi”, cho nên việc giành chính quyền vô cùng đơn giản. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận những yếu tố may mắn dẫn đến sự  thành công của Cách mạng Tháng Tám. Tiền nhân đã đúc kết, để thành công thì cần có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, trong đó, yếu tố “thiên thời” - may mắn có vai trò quan trọng.
Khi Hồng quân Liên Xô đánh bại đội quân Quan Đông của Nhật, ngày 15-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện. Ở Việt Nam, bọn tay sai của chúng cũng đã hoang mang đến cực độ. Đây chính là “chất xúc tác” giúp cách mạng thuận lợi hơn, diễn tiến nhanh chóng hơn. Song, cũng cần nhớ rằng, tính từ khi Nhật đầu hàng Đồng minh cho đến khi quân Đồng minh vào nước ta, thời cơ cho cách mạng chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn. Nếu không có sự nhận định đúng và chớp thời cơ nhanh chóng của Đảng ta, thời cơ đó sẽ trôi qua, cách mạng nổ ra khó thắng lợi.
Nói tóm lại, giá trị của Cách mạng Tháng Tám, giá trị của việc giành chính quyền là không thể phủ nhận. Việc các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị với dã tâm “bẻ cong lịch sử”, coi thắng lợi của nhân dân Việt Nam là “ăn may” chỉ nhằm đánh tráo giá trị, qua đó, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám. Đằng sau mưu đồ này chính là để thực hiện mục đích cuối cùng của chúng, đó là làm cho niềm tin của nhân dân vào Đảng bị xói mòn, lái quỹ đạo của dân tộc ta đi theo chiều áp đặt của chúng.
Nguyễn Đình Hùng



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.1

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...