Thứ Ba, 6 tháng 9, 2022

Thủ đoạn xuyên tạc, hướng lái vụ án tại “Tịnh thất Bồng Lai”

Xung quanh vụ án “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại “Tịnh thất Bồng Lai”, xuất hiện luồng thông tin tiêu cực, không đúng sự thật do các đối tượng xấu lan truyền hòng làm nhiễu dư luận.

Về vụ án này, ngày 21/7, HĐXX TAND huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) đã tuyên án sơ thẩm đối với 6 bị cáo. Theo đó, bị cáo Lê Tùng Vân (90 tuổi) bị tuyên 5 năm tù; các bị cáo Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (30 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) cùng mức án 4 năm tù; bị cáo Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) 3 năm 6 tháng tù và bị cáo Cao Thị Cúc (62 tuổi) 3 năm tù. Trong phần luận tội, đại diện viện kiểm sát cho rằng, hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Các bị cáo đã phạm tội có tổ chức nhưng tại phiên tòa không có ý thức khai báo, không có thái độ ăn năn để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Ngay sau khi bản án sơ thẩm được đưa ra, các cá nhân, tổ chức chống đối, cơ hội chính trị đã nhanh chóng đăng đàn xuyên tạc bản chất vụ án, đánh võng thông tin, hướng lái tiêu cực. Những cái tên quen thuộc như Việt Tân, Đài Á châu Tự do – RFA, BBC news Tiếng Việt… liên tục tung ra những bài viết với các luận điệu sai trái. Các đối tượng viết bài quy kết rằng, việc kết án các bị cáo trong “Tịnh thất Bồng Lai” là không có căn cứ, quá trình xét xử thiếu công minh; chính quyền đang “đàn áp tự do tôn giáo” bằng một điều luật “mơ hồ”... Từ đó, số này kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế can thiệp, gây sức ép với Việt Nam để trả tự do cho những người bị kết án.

Vụ án “Tịnh thất Bồng Lai” liên quan các yếu tố mà các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc, chính trị hoá. Thứ nhất, đây là vụ án nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Những hành vi vi phạm tại đây diễn ra từ lâu, có tổ chức. Tuy nhiên, cái tên “Tịnh thất Bồng Lai” chỉ thực sự “nóng” và nhận được sự chú ý của cộng đồng khi “hiện tượng mạng” Nguyễn Phương Hằng đăng đàn tố cáo. Sau những cuộc phát sóng trực tiếp (livestream) với hàng trăm ngàn người cùng theo dõi ở một thời điểm của Nguyễn Phương Hằng thì mọi nhất cử, nhất động của “Tịnh thất Bồng Lai” đều gây chú ý dư luận. Thứ hai, các bị cáo trong vụ án đã mượn danh cơ sở tôn giáo để trục lợi.

Với phương châm lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo làm ngòi nổ để chống phá chế độ, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã nhanh chóng hướng lái “chính trị hoá” vụ án “Tịnh thất Bồng Lai”. Về vấn đề này, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, qua trao đổi với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho thấy, “Tịnh Thất Bồng Lai” là cơ sở thờ tự không hợp pháp.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, cơ sở trên có một số sai phạm như: các công trình xây dựng đều do cá nhân đứng tên và xây dựng trên đất ở nông thôn; bà Cao Thị Cúc là chủ cơ sở trên đã sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; UBND xã cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc bà Cúc khôi phục tình trạng ban đầu của đất. Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, vụ việc này có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi, mặc dù chủ cơ sở khẳng định chỉ thờ tượng Phật tại gia, không phải sinh hoạt tôn giáo.

Ngay từ những giai đoạn tố tụng hình sự đầu tiên, các đối tượng xấu đã ra sức “kêu oan”, “khóc mướn” cho các đối tượng trong vụ án và vu khống chính quyền làm oan người vô tội. Họ cố tình che đậy bản chất vi phạm của “Tịnh thất Bồng Lai”, biến các đối tượng trong vụ án thành “nạn nhân” của chế độ.

Ngày 5/11/2021, Báo CAND đã có bài viết “Sự thật về nơi gọi là “Tịnh Thất Bồng Lai”, “Thiền am bên bờ vũ trụ”” để vạch trần những góc khuất, vi phạm tại đây. Ngày 10/6/2022, Chuyên đề An ninh thế giới tiếp tục đăng tải bài viết “Những chiêu trò của các bị can trong vụ “Tịnh thất Bồng Lai - Thiền am bên bờ vũ trụ”, chỉ ra các chiêu trò của các đối tượng trong vụ án. Ngoài ra, nhiều tờ báo khác cũng đăng tải, cập nhật rõ thông tin về sai phạm tại “Tịnh thất Bồng Lai”.

Qua quá trình tổ tụng, các cơ quan chức năng có đầy đủ tài liệu, chứng cứ để khẳng định các bị cáo trong vụ án xảy ra tại “Tịnh thất Bồng Lai” đã có hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo và có hành vi chống đối, vu khống cơ quan chức năng khi thực thi nhiệm vụ. Những sai phạm xảy ra tại “Tịnh thất Bồng Lai” diễn ra có tổ chức, trong một thời gian dài, đã xúc phạm trực tiếp đến uy tín, danh dự của nhiều cá nhân, tổ chức như: Công an huyện Đức Hòa, ông Trần Ngọc Thảo (Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Phật giáo quốc tế và trụ trì chùa Giác Ngộ)...

Ngoài ra, qua các video, clip được chính các bị cáo chia sẻ, lan truyền trên kênh Youtube “5 chú Tiểu - Thiền Am bên bờ vũ trụ” và “Nhất Nguyên - Hoàn Nguyên Official” trước khi bị bắt, có thể thấy các đối tượng trong “Tịnh thất Bồng Lai” có hành vi xúc phạm đạo Phật, xuyên tạc giáo lý của Phật giáo, xúi giục mọi người không tôn trọng tôn giáo và pháp luật.

Việc xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại “Tịnh thất Bồng Lai” đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Quá trình xét xử đảm bảo nguyên tắc tranh tụng công khai, dân chủ.  Nếu không đồng ý với bản án sơ thẩm, các bị cáo hoàn toàn có quyền kháng cáo đến toà án cấp trên trực tiếp. Vì vậy, chẳng có lý do gì để các “nhà dân chủ” vu khống rằng việc xét xử là thiếu công bằng, bản án được đưa ra là “bất công”, “phi lý”!

Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Tuy nhiên, tự do tôn giáo phải đi liền với tôn trọng pháp luật. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Không ai được phép xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật, xúc phạm đến tổ chức, cá nhân. Bản chất của “Tịnh thất Bồng Lai” là lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Việc thành lập và hoạt động của cơ sở này trái quy định của pháp luật, không đúng với quy tắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngay trong phiên toà sơ thẩm, bản thân các bị cáo cũng cho biết hoạt động không theo tôn giáo nào. Thực tế, hoạt động của các bị cáo trong vụ án “Tịnh thất Bồng Lai” đã ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự của địa phương và gây chia rẽ tôn giáo. Việc xử lý các bị cáo, toà đã cân nhắc kỹ các yếu tố, đảm bảo có lý, có tình. Do đó, những luận điệu cho rằng chính quyền “đàn áp tôn giáo” đang được các đối tượng chống phá đưa ra là không thể chấp nhận.

Đằng sau những luận điệu xuyên tạc bản chất vụ án “Tịnh thất Bồng Lai” là mục đích làm nhiễu loạn tình hình, gây phân tâm dư luận, kích động sự mâu thuẫn trong xã hội hòng tạo ra sự mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, bằng các luận điệu sai trái, các thế lực bên ngoài đang cố tình bẻ lái, dựng chuyện nhằm bôi nhọ hình ảnh, làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và tìm kiếm những tác động từ bên ngoài hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Những hoạt động này đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích xã hội.

Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống với Campuchia

 Ngày 6/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Khuong Sreng, Đô trưởng, Chủ tịch Đảng bộ Đảng Nhân dân Campuchia Thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đang thăm, làm việc tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chuyến thăm của Ngài Đô trưởng là sự kiện quan trọng trong “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022” chào mừng 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (24/6/1967); chuyến thăm đạt nhiều kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước nói chung, cũng như giữa Thủ đô Phnom Penh với Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực và các biện pháp hiệu quả của Chính phủ Campuchia và chính quyền Đô thành Phnôm Pênh trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và mở cửa trở lại thành công, nhanh chóng phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội với nhiều kết quả khả quan; nhiệt liệt chúc mừng thành công của cuộc bầu cử Hội đồng xã/phường của Campuchia tháng 6 vừa qua với thắng lợi lớn của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP); tin tưởng Campuchia sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng đất nước Campuchia hoà bình, độc lập, dân chủ, phồn vinh.

Thủ tướng đánh giá thời gian qua, hợp tác giữa hai nước thời gian qua giữ được đà phát triển ổn định; Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì tiếp xúc, trao đổi thường xuyên, đặc biệt là cuộc gặp cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith; các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục phát huy hiệu quả.

Hai nước phối hợp tổ chức thành công các hoạt động ý nghĩa trong “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022”, nhất là Lễ kỷ niệm 45 năm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt” của Samdech Techo Thủ tướng Hun Sen do hai Thủ tướng đồng chủ trì tại khu vực biên giới hai nước ngày 20/6 và Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia ngày 24/6 tại Hà Nội.

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong 2 năm qua, hợp tác kinh tế song phương đạt nhiều kết quả khả quan. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 9,54 tỷ USD (tăng 79,1% so với 2020); 7 tháng đầu năm 2022 đạt 7,08 tỷ USD (tăng 17,8 % so cùng kỳ 2021). Việt Nam có 188 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký 2,8 tỷ USD, duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.

Trên tinh thần chân thành, tin cậy, trách nhiệm, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc gìn giữ và không ngừng phát triển quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia ngày càng tin cậy, bền vững, thực chất và hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân hai nước. Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương hai nước.

Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục cùng nhau hợp tác thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực; bảo vệ và xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, thúc đẩy kinh tế cửa khẩu; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước đầu tư, hoạt động, hợp tác sản xuất kinh doanh; tăng cường hợp tác giáo dục và đào tạo, giao lưu văn hóa, du lịch…

Thủ tướng cho biết Việt Nam sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ Campuchia tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN 40-41 và các hội nghị liên quan tháng 11 tới và SEA Games lần thứ 32 năm 2023, qua đó nâng cao vị thế của Campuchia ở khu vực và trên trường quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nước, giữ vững và tăng cường đoàn kết, thống nhất trong ASEAN, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng cảm ơn và đề nghị chính quyền Đô thành Phnom Penh tiếp tục quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tốt nhất có thể; phối hợp với phía Việt Nam giải quyết tốt các vụ việc, vấn đề phát sinh liên quan tới công dân hai nước ở biên giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Thủ tướng cũng đề nghị chính quyền Phnom Penh tiếp tục quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện cho dự án Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh.

Đô trưởng Phnom Penh khẳng định quan hệ song phương Việt Nam – Campuchia đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của cả hai nước; nhấn mạnh hai nước, hai dân tộc, nhân dân hai nước đã luôn chia sẻ trong những thời điểm khó khăn nhất, Việt Nam đã luôn tích cực hỗ trợ Campuchia trong mọi giai đoạn, đặc biệt Campuchia không bao giờ quên công lao to lớn của Việt Nam trong việc giúp đỡ Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng cho dù Việt Nam cũng có rất nhiều khó khăn ở thời điểm đó, nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì không thể có nước Campuchia như ngày nay.

Hai bên nhất trí tiếp tục giáo dục thế hệ trẻ về quan hệ giữa hai nước, góp phần nâng cao ý thức của người dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước đối với việc gìn giữ và vun đắp mối quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp; khẳng định mong muốn không ngừng củng cố và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, cùng nhau thắt chặt, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống quý báu giữa hai dân tộc.

Nguồn: Báo ND

Vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh vì những giá trị trường tồn để lại cho thế giới

“Di sản lớn nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại chính là việc Người đã có tầm nhìn đúng đắn về giáo dục đối với toàn dân”, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay đã khẳng định như vậy tại Lễ kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1987-2022) diễn ra chiều 6-9, tại Hà Nội.

Dự lễ kỷ niệm có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương cùng các điểm cầu từ cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Về phía khách quốc tế có sự tham dự của Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, hơn 30 đại sứ, trưởng cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, năm 1987, Đại hội đồng UNESCO đã ra Nghị quyết số 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghị quyết khẳng định, Người “là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội” và “là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”. Việc UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần lớn lao, tiếp thêm sức mạnh để cả dân tộc Việt Nam quyết tâm, chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thử thách...

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, đối với dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, nhà ngoại giao lỗi lạc, là khởi nguồn cho niềm tin tất thắng của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và phồn vinh của nhân dân. Đối với nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn thân thiết, mẫu mực, thủy chung; là biểu tượng của khát vọng hòa bình, đấu tranh chống áp bức, bất công; là sứ giả của hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các dân tộc trên thế giới. Người đã truyền cảm hứng, cổ vũ cho các dân tộc bị áp bức, khát khao tự do và đứng lên đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người còn là "Nhà văn hóa kiệt xuất", là hiện thân sinh động về việc coi trọng, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tôn trọng sự khác biệt, đa dạng và thúc đẩy sự hiểu biết, đoàn kết.

Tại lễ kỷ niệm, bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO cho biết, vào năm 1987, UNESCO đã xét quyết định vinh danh hai lãnh tụ là Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Jawaharlal Nehru với những giá trị trường tồn của di sản hai danh nhân này để lại cho thế giới. Tổng giám đốc UNESCO khẳng định, di sản lớn nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại chính là việc Người đã có tầm nhìn đúng đắn về giáo dục đối với toàn dân. Theo bà, hiện nay, việc kế thừa và phát triển một cách hiệu quả nhất di sản tốt đẹp này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị về bản sắc văn hóa dân tộc. Bà Audrey Azoulay khẳng định cam kết bằng những thành tựu hợp tác trước đó, UNESCO sẽ tích cực hơn nữa trong hợp tác với Việt Nam thời gian tới.


Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trao sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh" tặng Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay.  Ảnh: PHƯƠNG THU 

Tại Hội thảo quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại” diễn ra trước đó cùng ngày, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên mang theo một kỷ vật đặc biệt. Đó là tấm thẻ tham dự Đại hội đồng UNESCO tháng 9-1987 của ông với tư cách là Trưởng đoàn Việt Nam. Ông Nguyễn Dy Niên chia sẻ, khi nhận nhiệm vụ sang Paris dự Đại hội đồng UNESCO, ông rất lo lắng. Ông kể: “Vừa đặt chân tới Paris, đoàn Việt Nam đã tiếp xúc ngay với lực lượng tiến bộ của Pháp, đặc biệt là Ban Thư ký UNESCO, vạch ra kế hoạch vận động sao cho thật tốt... Một lần, Tổng giám đốc UNESCO-một người Senegal rất có cảm tình với Việt Nam-nói với tôi: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ của nhân dân Việt Nam mà còn là lãnh tụ của nhân dân các nước đang đấu tranh vì hòa bình, tự do. Các nước Á, Phi, Mỹ Latin rất ủng hộ Việt Nam. Những nước này chiếm đại đa số phiếu ở UNESCO. Vì vậy, các ông cần gặp và tiếp xúc sớm với họ”. Khi nhận được lời động viên và cổ vũ ấy, tôi rất phấn chấn, bàn với anh chị em trong đoàn chia nhau đi vận động các nước. Và quả đúng như lời vị Tổng giám đốc UNESCO nói, các bạn rất quý mến Việt Nam. Một đại biểu châu Phi nói với tôi rằng: “Chúng tôi rất cảm ơn Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi nếu các bạn không chiến thắng thì chúng tôi không được ngồi cùng nhau ở diễn đàn này”.

Cũng theo nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thông qua mà không có phiếu trắng, không có phiếu chống, “đúng như lời tiên đoán từ Báo Đoàn kết của Italy cách thời điểm bỏ phiếu 18 năm rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người duy nhất trên thế giới không có ai chống đối”.

Vì lẽ đó, nhiều năm qua, với tình cảm yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế đã tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm, nghiên cứu, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp và tôn vinh những phẩm chất cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên khắp năm châu đều có những trường học, con đường, công viên, bảo tàng, tượng đài mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tác phẩm văn học, thơ ca, thước phim tư liệu... về Người đã, đang được chia sẻ, lan tỏa rộng rãi. Các hoạt động trên đã góp phần tăng cường sự kết nối, hiểu biết, đoàn kết, hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Nguồn: Báo QĐND

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...