Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

Phát động Chiến dịch “Chung sức cùng người dân tiêu thụ nông sản”

Trước diễn biến mới và phức tạp của dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân của nhiều địa phương vùng dịch, nhằm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Chiến dịch “Chung sức cùng người dân tiêu thụ nông sản”.

Thời gian triển khai đồng loạt từ cuối tháng 2-2021 đến giữa tháng 3-2021, trong đó tập trung cao điểm trong tuần từ ngày 24-2 đến 5-3-2021.

Chiến dịch được khởi động với Điểm tập kết hỗ trợ nông sản đầu tiên tại trụ sở Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (82 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại Lễ phát động, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Nhóm Tình nguyện viên Chữ thập đỏ “Mùa Thu và những người bạn” hỗ trợ tiêu thụ hơn 10 tấn nông sản cho người dân vùng dịch tỉnh Hải Dương. Hoạt động mua bán hàng nông sản diễn ra trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 với thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có nhiều chuyến hàng nông sản tiếp tục được thu mua, tập kết và vận chuyển thông qua Hội Chữ thập đỏ địa phương, kịp thời hỗ trợ người dân vùng dịch tiêu thụ nông sản trong lúc khó khăn. Toàn bộ số hàng hóa này đều được kiểm dịch, khử khuẩn nghiêm ngặt trước khi đến tay người tiêu dùng.

Chiến dịch này nằm trong Chương trình “Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai tại 13 tỉnh, thành phố có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, gồm: Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Bắc Ninh, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Hà Giang, Điện Biên, Hải Phòng, Hưng Yên. Đối tượng được hưởng lợi là hộ nông dân thuộc vùng dịch có nông sản cần tiêu thụ, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố tùy theo điều kiện thực tế tại địa phương triển khai các hoạt động thu mua, điều phối và tổ chức các điểm bán tập trung mặt hàng nông sản của người dân thuộc vùng dịch; trợ giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.

Đặc biệt, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vừa quyết định hỗ trợ 7 tỉnh, thành phố có nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, gồm: Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mỗi địa phương 200 triệu đồng để trợ giúp người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Thông qua Chiến dịch, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mong muốn góp phần lan tỏa tinh thần chia sẻ, chung tay của toàn xã hội hỗ trợ những địa phương gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Việt Nam phát huy vai trò dẫn dắt, đề xuất ý tưởng tại Liên hợp quốc (Bài 1)

Tham dự hàng nghìn cuộc họp các cấp, thực hiện khoảng 500 bài phát biểu thay mặt quốc gia và cả ASEAN, tham gia vào quá trình xây dựng hàng trăm văn kiện của Hội đồng Bảo an (HĐBA)... là khối lượng công việc khổng lồ mà Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) đã hoàn thành trong nửa chặng đầu Việt Nam đảm nhiệm vai trò là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Đầu năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khối lượng công việc cần xử lý rất nhiều. Theo đó, Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ (gọi tắt là Phái đoàn) đã tham dự hàng nghìn cuộc họp ở các cấp, từ các cuộc họp cấp cao đến cấp chuyên gia; thực hiện khoảng 500 bài phát biểu thay mặt quốc gia và cả ASEAN, trên rất nhiều lĩnh vực từ hòa bình, an ninh đến các vấn đề phát triển, xã hội, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền... và tham gia vào quá trình xây dựng hàng trăm văn kiện ở cả HĐBA và Đại hội đồng LHQ. Bên cạnh đó, tại Đại hội đồng LHQ, đề xuất của Việt Nam xây dựng và thông qua Nghị quyết về Ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh (27-12) đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các nước thành viên LHQ. Đây là một hành động cụ thể triển khai Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, phát huy vai trò dẫn dắt, đề xuất ý tưởng của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, qua đó góp phần thể hiện vai trò của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Hoạt động của HĐBA phản ánh bối cảnh toàn cầu nhiều biến động với các xung đột, căng thẳng và khủng hoảng lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm qua, HĐBA cũng nảy sinh nhiều vấn đề bất ngờ, ít có tiền lệ. Điển hình là tình hình ở Syria, một “điểm nóng” luôn gây nhiều tranh cãi và chiếm tới 1/7 thời lượng họp ở HĐBA, có nhiều phiếu phủ quyết nhất. Syria cũng chiếm kỷ lục về số lần bỏ phiếu và số dự thảo nghị quyết được đưa ra ở HĐBA để thông qua một vấn đề... Hay vấn đề Nagorno-Karabakh (giữa Armenia và Azerbaijan) quay trở lại chương trình nghị sự của HĐBA sau hơn 20 năm. Những vấn đề “nóng” và gấp rút như vậy đòi hỏi phải xử lý tình huống rất nhanh. Do đó, sự phối hợp giữa "tiền tuyến" và "hậu phương" phải hết sức chặt chẽ để ra được các quyết định đúng, kịp thời. Rất nhiều thời điểm đầu cầu Hà Nội và New York duy trì liên lạc liên tục trong 24 giờ, nghĩa là khi New York làm việc thì Hà Nội thức trắng đêm và ngược lại.

Đối với hoạt động của Phái đoàn, trong năm qua, chúng ta đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch HĐBA ngay trong tháng đầu tiên tham gia HĐBA một cách bài bản, có hệ thống. Việt Nam đã lựa chọn đúng, trúng chủ đề ưu tiên là tôn trọng Hiến chương LHQ, giúp đạt con số kỷ lục các nước quan tâm và phát biểu tại một phiên thảo luận mở của HĐBA. Đây là lần đầu tiên HĐBA ra một tuyên bố riêng về Hiến chương dưới hình thức Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA (loại văn kiện phải nhận được sự đồng thuận của cả 15 thành viên mới được thông qua).

Trong vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại New York, tuy chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Phái đoàn vẫn thường xuyên duy trì liên lạc, trao đổi giữa các phái đoàn các nước thành viên ASEAN, đưa ra nhiều sáng kiến linh hoạt để tổ chức thành công các hoạt động trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam tại New York, trong đó bảo đảm tổ chức đầy đủ các hoạt động chính thức như thông lệ. Bên cạnh đó, Phái đoàn đã thực hiện nhiều phát biểu thay mặt ASEAN tại Đại hội đồng LHQ và các ủy ban trực thuộc.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại New York, LHQ nói chung và Phái đoàn nói riêng nhanh chóng thích nghi với tình hình mới. Các cuộc họp tiếp tục được diễn ra theo hình thức trực tuyến, với cường độ còn dày đặc hơn trước trong một số lĩnh vực; các phương thức làm việc linh hoạt, sáng tạo được áp dụng như bỏ phiếu bằng văn bản thay cho bỏ phiếu trực tiếp, thương lượng văn bản trực tuyến hay thậm chí chiêu đãi trực tuyến. Như những người lính ở tiền tuyến, cán bộ, nhân viên Phái đoàn nhanh chóng làm quen với tình hình mới, một mặt áp dụng các biện pháp bảo vệ tối đa, mặt khác hết sức bình thản đối mặt với “các cơn bão trong bão” và cho đến nay, có thể nói đã duy trì được “trạng thái bình thường mới”. Cùng với đó, Phái đoàn còn chú trọng đến công tác bảo hộ công dân, phối hợp tổ chức cho gần 1.000 công dân Việt Nam ở khu vực New York và phụ cận tham gia các chuyến bay về nước.

Ngày 23-11-2020, Đại hội đồng LHQ khóa 75 đã thông qua Nghị quyết về hợp tác LHQ-ASEAN, trong đó tái khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN và quan hệ đối tác hợp tác ngày càng phát triển giữa ASEAN và LHQ. Đặc biệt, việc thông qua nghị quyết này đã lập được 3 kỷ lục: Thời gian tham vấn ngắn nhất, thời gian vận động ngắn nhất và số nước đồng bảo trợ nhiều nhất. (còn nữa)

Việt Nam phát huy vai trò dẫn dắt, đề xuất ý tưởng tại Liên hợp quốc (Bài 2)

Nghị quyết về hợp tác LHQ-ASEAN là nghị quyết 2 năm/lần, được Đại hội đồng LHQ xem xét thông qua từ năm 2002 với mục tiêu khẳng định và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức. Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam là nước chủ trì xây dựng dự thảo, thương lượng và thúc đẩy thành công việc thông qua nghị quyết bằng đồng thuận. Khó khăn lớn nhất là phải "chạy đua" với thời gian. Năm 2020, Đại hội đồng LHQ xem xét các nghị quyết về hợp tác với các tổ chức khu vực vào ngày 23-11, trong khi mọi năm, thời điểm này thường vào cuối tháng 12. Trong khi đó, các văn bản quan trọng để ta làm cơ sở cho việc xây dựng nghị quyết chỉ được ASEAN và LHQ thông qua vào giữa tháng 10 và thậm chí là tháng 11-2020. Như vậy, Việt Nam có chưa đến một tháng, thời gian ngắn nhất so với tất cả các nghị quyết về hợp tác LHQ-ASEAN trước đây, để đề xuất dự thảo, tham vấn và vận động nhằm đạt được sự nhất trí của tất cả 193 thành viên LHQ.

Trước tình hình trên, Việt Nam đã chủ trì soạn thảo dự thảo nghị quyết song song với tiến trình thông qua các văn bản liên quan; đề ra những nguyên tắc nhất quán trong ASEAN và với các nước thành viên để bảo đảm nội dung đạt được sự nhất trí cao nhất. Trong cả quá trình xây dựng và thương lượng nghị quyết, ta duy trì cách tiếp cận cởi mở, cập nhật thường xuyên sự quan tâm của các bên liên quan và tích cực trao đổi mang tính xây dựng trong cả kênh song phương và đa phương. Mặc dù thời gian ngắn nhưng Việt Nam đã tổ chức tham vấn đầy đủ nhiều vòng trong nội bộ ASEAN và 3 vòng thương lượng rộng rãi với các nước thành viên LHQ.

Với cách thức tiến hành thương lượng minh bạch, cộng với sự ủng hộ của các nước đối với quan hệ LHQ-ASEAN nói chung và vai trò của Việt Nam nói riêng, nghị quyết đã được thông qua bằng đồng thuận với 110 nước đồng bảo trợ cùng 10 nước ASEAN, số lượng nước đồng bảo trợ đông nhất cho một nghị quyết về hợp tác LHQ-ASEAN.

Các hoạt động của Việt Nam tại LHQ đã góp phần tích cực thúc đẩy các lợi ích về an ninh, phát triển và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Những hoạt động này cũng góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước thành viên LHQ, kiên trì thượng tôn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ. (Hết)

Đại sứ ĐẶNG ĐÌNH QUÝ

Trưởng phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc

Nguồn: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai/viet-nam-phat-huy-vai-tro-dan-dat-de-xuat-y-tuong-tai-lien-hop-quoc-651652

Việt Nam ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025

Ngày 22-2, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở Geneva, Thụy Sĩ, Khóa họp thường kỳ lần thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ đã khai mạc.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động mở đầu của khóa họp là phiên họp cấp cao được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của hơn 110 đoàn cấp cao. Đoàn Việt Nam do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu. Bà Nazhat Shameem Khan (Đại sứ Fiji)-Chủ tịch HĐNQ chủ trì phiên khai mạc, với sự tham dự và phát biểu của ông Volkan Bozkir, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, ông Antonio Guterres, Tổng thư ký LHQ và bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền LHQ. 

Phát biểu tại phiên họp cấp cao ngày 22-2, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ những khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu người thiệt mạng và đời sống hàng tỷ người bị tác động tiêu cực, tạo áp lực nặng nề lên hệ thống y tế và an sinh xã hội của tất cả các nước và ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền con người. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực, phục hồi khi thế giới bước sang trạng thái “bình thường mới” và cho rằng đại dịch là cơ hội để thế giới xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, trong đó sự đoàn kết và hợp tác quốc tế là yếu tố then chốt để giúp vượt qua thách thức. 

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định việc bảo đảm cho xã hội an toàn trước dịch bệnh là cách tốt nhất để bảo đảm việc thụ hưởng đầy đủ các quyền con người cho mỗi thành viên trong xã hội; nêu bật các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh đại dịch, vừa kiểm soát đại dịch, chăm sóc sức khỏe người dân, vừa duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; thông tin về những đóng góp của Việt Nam cho nỗ lực chung của thế giới ứng phó với đại dịch Covid-19 như hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế cho hơn 50 nước và đối tác quốc tế, đề xuất và được Đại hội đồng LHQ thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết chọn ngày 27-12 là Ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh để nâng cao nhận thức về việc phòng ngừa và ứng phó các dịch bệnh. Tại phiên thảo luận cấp cao, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng đã thông báo việc Việt Nam, với tư cách ứng cử viên của ASEAN, tham gia ứng cử vị trí thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. 

Cũng tại phiên họp, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh đại dịch Covid-19 khiến các thách thức về quyền con người trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng nặng nề tới các nhóm yếu thế và kêu gọi tập trung hành động trong hai lĩnh vực ưu tiên gồm chống phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, bài ngoại và bình đẳng giới. Tổng thư ký LHQ phê phán chủ nghĩa dân tộc vaccine, tình trạng tán phát các thông tin sai lệch hoặc tình trạng xâm phạm, thu thập, lợi dụng thông tin của người dân để phục vụ lợi ích thương mại. Bà Michelle Bachelet cũng phát biểu chia sẻ tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19 đối với việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trên thế giới và nhấn mạnh các giải pháp ứng phó với đại dịch cần dựa trên cơ sở bảo đảm các quyền con người, niềm tin của cộng đồng, các thể chế dân chủ hiệu quả.  Khóa 46 HĐNQ LHQ sẽ diễn ra từ ngày 22-2 đến 23-3 nhằm thảo luận các biện pháp thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...