Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

Học và làm theo lời Bác dạy về công tác tuyên truyền

Bác dạy: Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Phải dạy lý luận, công tác, chuyên môn cho cán bộ, đảng viên.

Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. Chúng ta phải đánh thắng địch về mặt tuyên truyền cũng như bộ đội ta đã đánh thắng địch về mặt quân sự.

Tuyên truyền được hiểu là tuyên truyền cách mạng. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền như thế nào? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cho ai? Ai có thể tuyên truyền? v.v.. là những câu hỏi mà những người làm công tác tuyên giáo phải luôn luôn nắm vững để trả lời có chất lượng mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Những câu hỏi này được Hồ Chí Minh nêu lên từ thập kỷ bốn mươi và thông qua lý luận - thực tiễn, Người đã đem lại những câu trả lời thuyết phục, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị soi sáng công tác tuyên truyền nói riêng, tuyên giáo nói chung.

Công cuộc đổi mới đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thế giới và đất nước ngày nay đang diễn ra những biến đổi lớn lao. Nhưng trong mọi biến đổi cũng có một số điều quan trọng không hề thay đổi. Đó là nhận thức của chúng ta về mô hình chủ nghĩa xã hội với ba trụ cột là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ba trụ cột được "xây" trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với hai nhân tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và lấy dân làm gốc. Nhiệm vụ tuyên giáo và cách tuyên truyền hiện nay là làm cho nhân dân và cán bộ hiểu được những vấn đề lý luận và thực tiễn đó; làm rõ hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Để hoàn thành nhiệm vụ công tác tuyên giáo, tuyên truyền phải giản đơn, rõ ràng, cụ thể, thiết thực, đúng chỗ, đúng lúc. Tuyên truyền là để người dân hiểu, dân tin và làm được. Phải tuyên truyền cả lý luận và công tác. Tuyên truyền lý luận là dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Tuyên truyền công tác là làm cho người dân hiểu vì sao phải làm những công việc đó? Làm những gì? Làm như thế nào? Tất cả nhằm đem lại lợi cho dân và tránh hại cho dân. Những câu hỏi nêu trên phải được cụ thể hóa, hiện thực hóa. Bác dạy: "Các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm"(1).

Bác phê bình những người làm công tác tuyên truyền chỉ nói nào là làm "cách mạng xã hội chủ nghĩa", nào là "tiến lên chủ nghĩa xã hội", nào là "xây dựng chủ nghĩa xã hội" làm cho đồng bào khó hiểu, ít người hiểu. Bác nhắc lại câu chuyện đồng chí Đimitơrốp kể: Khi ở Đức có bãi công, Đảng cử người đến tuyên truyền. Đáng lẽ người tuyên truyền phải nói bãi công thế nào, thì lại nói chủ nghĩa Mác là gì, thặng dư giá trị là gì. "Như thế là nói không đúng chỗ, không thiết thực. May mà đồng chí đó không bị quần chúng ném đá. Tuyên truyền như thế không ăn thua gì cả"(2).

Hiện nay, những chứng bệnh đó vẫn tồn tại với những biểu hiện, mức độ đậm nhạt, cao thấp khác nhau. Điểm giống nhau của các căn bệnh trước và nay là tuyên truyền không đúng lúc, đúng nơi, không cụ thể, không thiết thực, không tỏ rõ được tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng và đòi hỏi của các tầng lớp nhân dân. Chẳng hạn, "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước" là một điểm nhấn trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Nhưng nếu tuyên truyền chỉ nhắc lại hai từ "khát vọng" thì không "thuộc bài", "đúng bài" tuyên giáo. Đó là cách nói chung chung, kiểu "hội trường" mà Bác đã nhiều lần phê bình: "Không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện"(3). Cái người dân cần là phải nói làm sao thiết thực, dễ hiểu, để người ta hiểu được, hiểu để làm. Tức là phải biết cách tuyên truyền. Nhiều tỉnh nói về tiềm năng, khát vọng phát triển, phải đạt tỉnh khá, tỉnh giàu, kiểu mẫu là cần thiết, nhưng tuyên truyền là phải cắt nghĩa, phân tích được vì sao hiện nay nói và nhấn mạnh những điều đó? Phát triển cái gì? Phát triển đến đâu? Theo hướng nào, bằng cách nào? Tuyên truyền phải rất thực tiễn thì mới thực hiện được khát vọng. Tuyên truyền đừng để người dân hiểu sai về cái đúng, hiểu xấu về cái tốt, cái đẹp của khát vọng thành "phong trào khát vọng", "hội chứng khát vọng".

Tuyên truyền không phải nhắc lại Văn kiện của Đảng, Nhà nước, mà phải làm cho quan điểm của Đảng, Nhà nước thấm sâu vào tim óc người dân, khẳng định niềm tin, khơi dậy quyết tâm và hành động. Tuyên truyền ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào còn nhiều khó khăn thiếu thốn về cơm ăn áo mặc, điện, nước, trường học, bệnh xá, đường sá…, càng phải rất thiết thực. Ý định của những người làm công tác tuyên truyền là tốt, muốn khẳng định đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng và chính sách đúng đắn của Chính phủ, bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, tính đột phá về lý luận của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, v.v.. Ý định tốt nhưng khi tuyên truyền phải xuất phát từ thực tế, không thể xuất phát từ ý muốn chủ quan của người tuyên truyền, tuyên truyền để mà tuyên truyền, tuyên truyền "lấy được". Tuyên truyền không thiết thực, không đúng lúc, đúng chỗ, có thể biến ý định tốt thành không tốt, biến cái hay thành cái dở, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng vậy. Bác dạy: "Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được, đó là nói được chủ nghĩa Mác - Lênin. Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ mới là hiểu được chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu nói không đúng chỗ không phải là chủ nghĩa Mác - Lênin"(4). Người chỉ rõ: "Các chú dạy cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lênin, chắc có nhiều người thuộc, nhưng các chú có làm cho mọi người hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là thế nào không. Theo Bác, hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin tức là cách mạng phân công cho việc gì, làm Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ. Không nên đào tạo những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để cho nhà đầy rác… Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin"(5). Lời Bác dạy vẹn nguyên giá trị đối với công tác tuyên giáo hiện nay.

Một trong những yêu cầu đối với người tuyên truyền, đó là phải hội đủ những phẩm chất về tri thức, phương pháp và đạo đức. Phải "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu"(6). Phải rèn luyện cách nói giản đơn, rõ ràng, thiết thực, có đầu, có đuôi, có hồn, truyền cảm hứng, niềm tin, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được, làm được.

Bác dạy bảo những người tuyên truyền khi nói, viết phải chống thói ba hoa, biểu hiện ở chỗ dài dòng, rỗng tuếch; cầu kỳ; khô khan, lúng túng; báo cáo giả dối, thành công ít suýt ra nhiều, còn khuyết điểm thì giấu đi không nói đến; bệnh theo "sáo cũ"; nói không ai hiểu; bệnh hay nói chữ như tục ngữ có câu "xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ", v.v..

Theo Bác, người tuyên truyền phải hiểu rằng mỗi khẩu hiệu của Đảng phải là ý nguyện và mục đích của hàng triệu đảng viên và của hàng triệu quần chúng. Mà muốn như thế, phải làm cho dân chúng đều hiểu, phải học cách nói của dân chúng "học ăn, học nói, học gói, học mở", chớ nói như cách giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. Nếu không hàng vạn khẩu hiệu cũng vô ích. Người dạy: "Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói"(7).

Bác thẳng thắn phê bình người đi tuyên truyền tưởng mình là công chức, làm việc theo cách bàn giấy mà quên nhiệm vụ của mình là tuyên truyền, cổ động, giải thích và huấn luyện cho nhân dân. Người chỉ rõ: "Các cấp thông tin tuyên truyền thường thi hành chỉ thị cấp trên một cách máy móc, không biết áp dụng theo hoàn cảnh thiết thực trong địa phương mình. Tuyên truyền không chủ trương thực tế mà hay nói những lý luận viễn vông. Chưa có một chương trình, một kế hoạch thiết thực và đầy đủ về công tác cũng như kiểm tra"(8). Nói về người tuyên truyền - xét tận cùng và quan trọng nhất, quyết định nhất - phải có cái tâm, đạo đức trong sáng, xuất phát từ nhận thức về bổn phận phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới.

Ngẫm lại những lời dạy sâu sắc của Bác lúc sinh thời về công tác tuyên truyền đến bây giờ vẫn thấy thấm thía, vẹn nguyên giá trị để mỗi cán bộ tuyên giáo học và làm theo.

--------------------

(1) (2) (3) (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.14, tr.159, 161, 159, 161

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.668.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H, 2021, t.I, tr.187.

(7) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.346, 480.

PGS.TS. Bùi Đình Phong

55 năm ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng

Ngày 8-8-1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập, khởi đầu cho tiến trình liên kết sâu rộng vì hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á và khu vực.

Từ một nhóm các quốc gia Đông Nam Á vốn bị chia rẽ bởi chiến tranh, trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, ASEAN ngày nay là một trong những tổ chức khu vực quan trọng, có uy tín và thành công trên thế giới, là ngôi nhà chung gắn bó hơn 650 triệu người dân của 10 quốc gia Đông Nam Á có bản sắc văn hóa đa dạng, một cộng đồng kinh tế lớn thứ 5 thế giới, một đối tác tin cậy và quan trọng của nhiều quốc gia, đóng vai trò trung tâm của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết quan trọng ở khu vực.

Sự ra đời của ASEAN cách đây 55 năm đã phản ánh nguyện vọng chung của nhiều quốc gia trong khu vực về hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển. Vượt qua thăng trầm và thích ứng với những thay đổi của thế giới và khu vực, ASEAN ngày càng phát triển và hoàn thiện về nhiều mặt. Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN đã mở đường cho xây dựng ngôi nhà chung ASEAN gắn kết 10 quốc gia Đông Nam Á. Năm 1997, lần đầu tiên ASEAN thông qua Tầm nhìn ASEAN 2020 về một Cộng đồng “gắn kết trong bản sắc chung”, đáp ứng nguyện vọng của các quốc gia thành viên về một khu vực Đông Nam Á “sông núi không còn chia cắt mà gắn kết chúng ta trong hữu nghị và hợp tác”. Đặc biệt, việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với ba trụ cột về an ninh-chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội đã nâng tiến trình hợp tác và liên kết khu vực lên tầm cao mới vì hòa bình, hợp tác và cùng phát triển thịnh vượng.

“Phương cách ASEAN” dựa trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đoàn kết, đồng thuận và không can thiệp công việc nội bộ luôn được gìn giữ, bồi đắp và phát huy, tạo nên giá trị và bản sắc của ASEAN. Chính “phương cách ASEAN” đã giúp ASEAN và các nước thành viên vượt qua những giai đoạn sóng gió của khu vực và thế giới. Đồng thời, mỗi khi vượt qua thử thách, khó khăn, ASEAN càng trưởng thành, tinh thần đoàn kết, thống nhất càng được đề cao, phương cách và bản sắc ASEAN càng tỏa sáng. Nhờ đó, ASEAN càng khẳng định được uy tín, vị thế và vai trò trung tâm, quan hệ với các đối tác được mở rộng, thực chất và sâu sắc hơn, tranh thủ được sự ủng hộ sâu rộng và hiệu quả của quốc tế cho thúc đẩy phát triển và liên kết của ASEAN. Đến nay, ASEAN có quan hệ đối tác đối thoại với 11 quốc gia và tổ chức quốc tế quan trọng (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu...). Nhiều quan điểm và quy định của ASEAN như Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC)... được cộng đồng quốc tế hoan nghênh và ủng hộ, từ đó thúc đẩy hợp tác và nâng tầm quan hệ với ASEAN.

Trung thành với mục đích, tôn chỉ hoạt động của mình, ASEAN đã phát huy vai trò quan trọng trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin giữa các nước trong và ngoài khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực. Trên cơ sở đề cao luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp và bất đồng bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, ASEAN đã và đang đóng góp quan trọng vào giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông, được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế luôn là nội dung trọng tâm trong tiến trình liên kết ASEAN suốt 55 năm qua. Đến nay, trao đổi thương mại nội khối chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. GDP của cả khối năm 2021 đạt 3.360 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2015 khi thành lập Cộng đồng ASEAN. Bên cạnh đó, ASEAN còn là trung tâm của không gian kinh tế rộng mở với mạng lưới 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và 7 FTA với các đối tác quan trọng, trong đó Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo nên một khu vực thương mại tự do chiếm 30% dân số thế giới và 32% GDP toàn cầu.

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, ASEAN có thể tự hào là một hình mẫu liên kết khu vực thành công. Những thành quả đã đạt được là nền tảng vững chắc cho ASEAN nỗ lực hoàn thành Tầm nhìn ASEAN 2025 và xây dựng Tầm nhìn sau năm 2025 để tiếp tục củng cố Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và thích ứng. Đoàn kết để thống nhất ý chí, đề cao ý thức cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm vì lợi ích chung và lâu dài của Cộng đồng ASEAN, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Tự cường để giữ vững bản lĩnh, tăng cường tiềm lực và sức mạnh nội sinh của từng quốc gia thành viên và cả Cộng đồng ASEAN. Thích ứng để luôn tự tin, năng động, đổi mới sáng tạo, vững vàng vươn lên trước những biến chuyển phức tạp của khu vực và thế giới.

ASEAN giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Gia nhập ASEAN năm 1995 là một quyết sách mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, góp phần tạo nên cục diện mới về hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như nâng cao uy tín, vị thế của đất nước.

Nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, tôn trọng các nguyên tắc, phương cách và bản sắc của ASEAN, Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết và nghĩa vụ thành viên, có nhiều đóng góp quan trọng cho tăng cường đoàn kết, hiện thực hóa ý tưởng ASEAN gồm 10 nước thành viên, xây dựng Cộng đồng ASEAN và thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025. Trong các hoạt động của ASEAN, Việt Nam luôn đề cao đoàn kết và đồng thuận theo tinh thần “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”.

Những lần Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN đều vào những giai đoạn hiệp hội gặp nhiều thử thách. Đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, trước vô vàn khó khăn chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã kiên trì các nguyên tắc của ASEAN, thể hiện trọn vẹn tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”, đưa con tàu ASEAN vượt qua sóng gió, giữ vững đà hợp tác và liên kết khu vực, đồng thời định hướng phát triển cho Cộng đồng ASEAN trong giai đoạn mới.

Thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam tiếp tục cùng các nước ASEAN phát huy hơn nữa bản sắc, vai trò trung tâm của ASEAN, xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả thành viên ASEAN cũng như các đối tác trong và ngoài khu vực. Với phương châm chủ động, tích cực, chân thành, tin cậy và có trách nhiệm, Việt Nam tiếp tục nỗ lực hết sức mình cùng ASEAN viết tiếp những chương thành công về xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

BÙI THANH SƠN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Đội Công binh Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ vượt tiến độ tại Abu Qussa

Sau 14 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, Đội Công binh số 1 Việt Nam tham gia Phái bộ An ninh Lâm thời của Liên hợp quốc (LHQ) khu vực Abyei (UNISFA) đã hoàn thành nhiệm vụ thiết lập hàng rào bảo vệ dài 380m tại Trạm Quan sát viên quân sự của phái bộ tại Abu Qussa.

Nhiệm vụ dựng 380m hàng rào bảo vệ bao gồm chôn 127 cột chữ Y, 126 cột chữ I và 1 cổng ra vào rộng 5m. Đây là nhiệm vụ được thực hiện ở địa bàn khó khăn, phức tạp về an ninh nằm giáp ranh giữa Sudan và Nam Sudan, cách vị trí đóng quân của Đội Công binh số 1 khoảng 500km đường bộ (đường đất và đường rừng).

Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phương pháp làm việc khoa học, sự phối hợp nhịp nhàng giữa đơn vị với các cơ quan chức năng của phái bộ cũng như giữa các thành viên trong đội, nhiệm vụ đã được hoàn thành sớm hơn dự kiến 6 ngày, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang bị. Được biết, để tận dụng tối đa thời gian và bảo đảm tiến độ, lực lượng thực hiện nhiệm vụ đã làm việc cả vào ngày nghỉ.

Theo Đại tá Mạc Đức Trọng, Đội trưởng Đội Công binh số 1, lực lượng thực hiện nhiệm vụ lần này gồm 17 đồng chí với đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật cầm tay, do Đại úy Nguyễn Văn Khải – Phân đội trưởng, Phân đội Công binh Công trình 1 chỉ huy di chuyển tới nơi thực hiện nhiệm vụ bằng trực thăng.

Đại tá Mạc Đức Trọng cũng cho biết thêm, toàn đội xác định đây là nhiệm vụ mới, có tính chất độc lập cao, với nhiều thử thách nên xác định phải bảo đảm thực hiện tốt công tác chuẩn bị về hậu cần, kỹ thuật, các phương tiện và trang thiết bị nhằm bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Như vậy, cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Phân khu Bắc, tổ chức cứu hộ đường bộ, làm hệ thống thoát nước khu vực dân cư, củng cố doanh trại, Đội Công binh số 1 Việt Nam đã hoàn thành vượt tiến độ, với chất lượng cao nhiệm vụ làm hàng rào bảo vệ Trạm quan sát viên quân sự của Phái bộ UNISFA tại Abu Qussa. 

Được biết, tình hình an ninh chính trị ở đây rất phức tạp, thường xuyên xảy ra các vụ xung đột vũ trang giữa các phe phái. Trạm quan sát viên quân sự của Phái bộ được đặt tại đây để giám sát thỏa thuận về hòa bình giữa các bên liên quan dọc biên giới. 

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ xây dựng hệ thống bảo vệ Trạm quan sát viên quân sự của Phái bộ UNISFA, hồi tháng 6 vừa qua, Tổ công tác do Đội trưởng Đội Công binh số 1 trực tiếp chỉ huy đã tiến hành khảo sát địa bàn nắm tình hình nhiệm vụ.

Sau khảo sát, Chỉ huy Đội Công binh đã giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, dự trù vật chất sẵn sàng lên đường triển khai thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Công tác bảo đảm hậu cần trong 20 ngày được chuẩn bị chu đáo. Do vận chuyển bằng trực thăng nên vật chất mang theo để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm gọn nhẹ, không cồng kềnh. 

Theo Đại tá Mạc Đức Trọng, toàn đơn vị đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, chấp hành nghiêm kỷ luật; phát huy tinh thần trách nhiệm, tính độc lập, tự chủ và sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nguồn: Báo QĐND

Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam - Campuchia

Sáng 8-8, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã đón, hội đàm với Đại tướng Hun Manet, Phó tổng Tư lệnh kiêm Tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia (QĐHG) Campuchia.

Tại hội đàm, Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa bày tỏ vui mừng được đón Đại tướng Hun Manet cùng Đoàn QĐHG Campuchia thăm Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hai nước đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24-6-1967 / 24-6-2022), “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022”; chúc mừng Đảng Nhân dân Campuchia giành chiến thắng gần như tuyệt đối trong cuộc bầu cử hội đồng xã, phường vào tháng 6 vừa qua.

Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa tin tưởng rằng, chuyến thăm của Đại tướng Hun Manet sẽ góp phần tạo thêm xung lực mới cho quan hệ hợp tác giữa hai quân đội, góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước. Khẳng định, thời gian qua, quân đội hai nước vừa đảm nhiệm vai trò nòng cốt trên mặt trận phòng, chống dịch ở mỗi nước, vừa phối hợp triển khai đạt những kết quả quan trọng, hiệu quả các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo kế hoạch hợp tác hằng năm.

Theo đó, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động ý nghĩa trong “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022”, đặc biệt là lễ kỷ niệm trọng thể 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất. Tích cực triển khai các hoạt động trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao; hợp tác đào tạo tiếp tục được hai bên quan tâm thúc đẩy; kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau phù hợp với nhu cầu và khả năng của mỗi bên.

Bên cạnh đó, các quân khu, bộ đội biên phòng và lực lượng bảo vệ biên giới hai nước đã phối hợp trao đổi tình hình, triển khai tuần tra chung, giao lưu kết nghĩa, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai bên, nhất là các khu vực giáp biên.

Về phương hướng hợp tác thời gian tới, hai bên nhất trí tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên biên giới. Các quân khu, lực lượng bảo vệ biên giới hai bên cần tiếp tục duy trì hiệu quả các cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin; sẵn sàng phối hợp ứng phó hiệu quả thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống; đấu tranh phòng, chống tội phạm, di cư tự do bất hợp pháp, bảo đảm an ninh, an toàn khu vực biên giới hai nước.

Hai bên khẳng định coi trọng hơn nữa hợp tác đào tạo, tập huấn, xác định đây là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược lâu dài; tăng cường hợp tác tuyên truyền, giáo dục về quan hệ hữu nghị hai nước, hai quân đội; thúc đẩy triển khai các hoạt động về nguồn, các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa quân đội hai nước.

Về hợp tác trong khuôn khổ đa phương, Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa chúc mừng Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tư lệnh QĐHG Campuchia vừa qua đã tổ chức thành công các hội nghị quân sự, quốc phòng ASEAN. Khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ và sẽ phối hợp chặt chẽ với Campuchia tổ chức thành công các hội nghị quân sự, quốc phòng trong năm đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN 2022. Nhân dịp này, Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa trân trọng mời Đại tướng Hun Manet dự Hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN, Giải bắn súng quân dụng các nước ASEAN và Triển lãm Quốc phòng quốc tế năm 2022 do Việt Nam tổ chức. 

Báo QĐND

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương tiếp Phó tổng Tư lệnh kiêm Tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia Campuchia

Sáng 8-8, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp Đại tướng Hun Manet, Phó tổng Tư lệnh kiêm Tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia (QĐHG) Campuchia.

Tại buổi tiếp, thay mặt Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương chào mừng Đại tướng Hun Manet và đoàn sang thăm Việt Nam; chúc mừng Campuchia đã tổ chức thành công bầu cử hội đồng xã phường, với chiến thắng gần như tuyệt đối thuộc về Đảng nhân dân Campuchia.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương bày tỏ vui mừng trước sự phát triển không ngừng trong quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân... Vừa qua, hai nước đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022” như chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Campuchia; chuyến thăm Việt Nam và dự Lễ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia của Phó thủ tướng Campuchia Men Sam An.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, Lễ kỷ niệm 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Campuchia Hun Sen được tổ chức tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện, có ý nghĩa tuyên truyền quan trọng, nhất là với các thế hệ trẻ hai nước về quan hệ đặc biệt, sự giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước qua các thời kỳ lịch sử.

Đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và Đại tướng Hun Manet trước đó, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương ghi nhận sự phối hợp chủ động, hiệu quả của quân đội hai nước trong triển khai Kế hoạch hợp tác năm 2022 và các nội dung trao đổi, thống nhất giữa Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và Tổng Tư lệnh QĐHG Campuchia trong tháng 3 vừa qua, nổi bật là: Trao đổi đoàn các cấp; lực lượng bảo vệ biên giới đã tích cực chủ động phối hợp bảo vệ đường biên, mốc giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm, thúc đẩy mô hình kết nghĩa, giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh từ cơ sở; ủng hộ, phối hợp chặt chẽ trong các khuôn khổ đa phương, trong đó có các hội nghị quân sự, quốc phòng trong ASEAN trong năm Campuchia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2022.

Thời gian tới, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đề nghị hai bên tập trung vào một số nội dung như phối hợp triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác còn lại trong năm 2022; tăng cường trao đổi thông tin, giữ vững an ninh, trật tự khu vực biên giới; tăng cường phối hợp giữa lực lượng quân đội hai nước trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống thông qua diễn tập cứu hộ cứu nạn, chống khủng bố; coi trọng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực; tích cực tuyên truyền, giáo dục đến thế hệ sĩ quan trẻ, thanh niên quân đội về quan hệ hữu nghị đoàn kết giữa hai nước, nhân dân và quân đội hai nước, thúc đẩy triển khai các hoạt động về nguồn, giao lưu, kết nghĩa giữa quân đội hai nước; tiếp tục ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong ASEAN.

Về phần mình, Đại tướng Hun Manet trân trọng cảm ơn Việt Nam đã luôn ủng hộ, phối hợp tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, qua đó góp phần giáo dục các thế hệ nhân dân hai nước và đập tan luận điệu, âm mưu xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá.

Đại tướng Hun Manet nhấn mạnh, Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng luôn kề vai sát cánh cùng nhau phát triển, trong đó lực lượng quân đội hai nước đã và đang phối hợp bảo vệ tốt an ninh biên giới, giúp nhân dân hai nước khu vực biên giới phát triển kinh tế-xã hội. Đại tướng Hun Manet bày tỏ tin tưởng mối quan hệ tốt đẹp giữa quân đội hai nước sẽ tiếp tục được củng cố, thắt chặt hơn nữa, đóng góp vào quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng bền vững; đồng thời đề nghị thời gian tới, ba nước Việt Nam - Lào - Campuachia tiếp tục tăng cường hợp tác sẵn sàng ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống.

Nhân dịp này, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương gửi lời thăm hỏi qua Đại tướng Hun Manet đến Đại tướng Vong Pisen, Tổng tư lệnh QĐHG Campuchia; trân trọng gửi lời mời ngài Tổng tư lệnh QĐHG Campuchia tham dự Triển lãm quốc phòng quốc tế do Việt Nam tổ chức vào cuối năm 2022.

Nguồn: Báo QĐND

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...