MỘT
SỐ VẤN ĐỀ VỀ KINH TẾ, CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI TRONG PHÒNG, CHỐNG “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH”
TRÊN LĨNH VỰC TƯ TƯỞNG VĂN HÓA Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Trần Trí Nam
“Diễn
biến hoà bình” (DBHB) là một chiến lược toàn cầu của chủ nghĩa đế quốc và các
thế lực thù địch, nhằm tiêu diệt chủ nghĩa xã hội (CNXH) và phong trào cách mạng
vô sản thế giới bằng thủ đoạn phi quân sự. Chiến lược này được thực hiện thông
qua việc sử dụng tổng hợp các biện pháp tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hóa,
ngoại giao; phá hoại ngầm, răn đe quân sự để gây bất ổn về chính trị, xã hội cũng
như tập trung khai thác triệt để các yếu kém nội tại ở các nước xã hội chủ nghĩa
(XHCN), thúc đẩy các nước này đi đến khủng hoảng, sụp đổ hoặc chuyển hoá các
nước XHCN vào quỹ đạo các nước tư bản chủ nghĩa (TBCN).
Hiện
nay, chiến lược “DBHB” đang được các thế lực thù địch sử dụng với nhiều thủ
đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn và một trong những vấn đề mà chúng chĩa mũi nhọn vào
chống phá Việt Nam, là lợi dụng những vấn đề phức tạp về kinh tế, chính trị, xã
hội để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, làm suy giảm niềm tin
của các tầng lớp dân chúng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN. Đáng
chú ý, trong thời gian qua, lợi dụng vào các diễn đàn dân chủ, các đài phát
thanh và trên Internet, các thế lực thù địch ra sức công kích vào các hạn chế của
Đảng, Nhà nước ta về công tác xây dựng chỉnh đốn đảng; về cuộc vận động “Học tập
và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; về hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà
nước, nhất là quản lý điều hành kinh tế vĩ mô cũng như đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… Từ đó, chúng phủ nhận các thành tựu cơ bản mà
chúng ta đạt được qua 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới; quy chụp rằng Đảng,
Nhà nước ta không đủ năng lực lãnh đạo, điều hành đất nước và cần phải nhanh chóng
xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp năm 2013 để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Vì
vậy, việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề phức tạp về kinh tế, chính trị, xã
hội nảy sinh trong quá trình phát triển của đất nước là nhiệm vụ quan trọng nhằm
giữ vững ổn định chính trị, xã hội, khắc phục môi trường và các điều kiện thuận
lợi cho hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Mặt khác, khắc phục các yếu
kém về kinh tế, chính trị, xã hội là yếu tố tiên quyết nhằm củng cố lòng tin của
các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Do đó, trong thời gian tới, chúng
ta cần quan tâm, chú trọng giải quyết, khắc phục các vấn đề về kinh tế, chính
trị, xã hội đặt ra sau đây:
Thứ nhất,
cần thấy rõ vấn đề trọng tâm là khắc phục suy giảm kinh tế, hạn chế những tác động
tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới, duy trì tốc độ tăng trưởng đúng và
vượt chỉ tiêu đề ra. Chú ý gắn phát triển bền vững kinh tế với bảo vệ môi trường,
bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Bảo đảm tốt về
quyền và lợi ích chính đáng của mọi công dân trong xã hội gắn với khắc phục bất
bình đẳng và phân hóa giàu – nghèo. Thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội, xóa
đói giảm nghèo đối với những vùng khó khăn và các đối tượng chính sách. Phát
triển văn hóa xã hội, nâng cao trình độ dân trí, thực hiện công bằng, bình đẳng,
dân chủ, nhân đạo trên các lĩnh vực xã hội, đặc biệt là lĩnh vực y tế và giáo dục.
Thứ hai,
tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, chiến lược phát triển kinh tế
- xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng ở các vùng chiến lược trọng điểm như: Tây
Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp trong tôn giáo
và dân tộc. Cụ thể cần chú ý các nội dung sau:
Tập
trung củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ… của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống
chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn, từng bước xây dựng được bộ máy chính quyền
ở các địa phương bảo đảm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và
Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa.
Tiếp
tục thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo bền vững đối với vùng dân tộc
thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Làm
tốt công tác vận động quần chúng đối với đồng bào dân tộc, đồng bào tôn giáo
theo Nghị quyết số 25/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đẩy mạnh
thực hiện công tác dân vận trong tình hình mới”. Chú ý bằng nhiều hình thức, phương
pháp và huy động nhiều lực lượng tham gia vận động nhằm tranh thủ người có uy tín
trong đồng bào dân tộc, tôn giáo. Gắn kết chặt chẽ công tác vận động quần chúng
với công tác củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã
hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Từ đó, hướng tới mục tiêu cơ bản chiến lược là
ổn định tình hình, hóa giải, ngăn chặn, vô hiệu hóa các tư tưởng ly khai, tự trị
dân tộc. Bằng mọi biện pháp không để các thế lực thù địch kích động quần chúng đòi
thành lập “Nhà nước Đề ga độc lập” ở Tây Nguyên, “Nhà nước Khmer Krôm” ở Tây
Nam Bộ, “Vương quốc Mông” ở Tây Bắc, “Vương quốc Cham pa” ở Nam Trung Bộ. Trên
cơ sở đó, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân với Đảng và chính quyền, củng
cố cơ sở ở các vùng tôn giáo, dân tộc thiểu số.
Thứ ba,
tăng cường hiệu quả trong công tác giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo của công
dân, phát hiện sớm và giải quyết triệt để các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ
nhân dân, không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự, an
toàn xã hội. Trong đó, cần tập trung giải quyết, xử lý thỏa đáng các vụ việc tiêu
cực, tham nhũng lớn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và
Thủ tướng Chính phủ. Chú ý giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện lớn, phức tạp,
kéo dài cũng như vấn đề đình công, bãi công và những vấn đề phức tạp trong đồng
bào tôn giáo, dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, lãng phí trong toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội bằng các biện
pháp kiên quyết ở các cấp, các ngành, nhất là phát huy vai trò, trách nhiệm của
người đứng đầu và giám sát của các tầng lớp nhân dân, giám sát của báo chí,
truyền thông.
Thứ tư,
làm tốt việc giải quyết đi đôi với thuyết phục dư luận xã hội để khắc phục tâm
trạng bất bình, bất an, bất mãn, bi quan, dao động, suy giảm niềm tin trong các
tầng lớp xã hội trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước ở các cấp chính quyền. Đặc biệt, cần tập trung vào các chủ trương,
chính sách có liên quan đến tôn giáo, dân tộc, quan hệ đối ngoại; các chủ trương,
chính sách lớn, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống các tầng lớp dân cư và có ảnh
hưởng trực tiếp đến tiến trình phát triển của đất nước, đến chủ quyền, toàn vẹn
lãnh thổ, an ninh quốc gia; những chủ trương, chính sách, pháp luật có tác động
trực tiếp đến các tầng lớp xã hội nhạy cảm như: trí thức, văn nghệ sĩ, học
sinh, sinh viên, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có liên quan đến các lĩnh
vực tư tưởng, văn hóa, báo chí, xuất bản, thông tin, truyền thông, dân chủ, nhân
quyền…
Có
thể khẳng định rằng trong thời gian qua, nước ta dù phải đối diện với rất nhiều
khó khăn, thách thức nhưng với những quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và
sự đoàn kết, nỗ lực quyết tâm của toàn xã hội, nên chúng ta vẫn đạt được những
thành quả được quốc tế đánh giá cao về kinh tế, chính trị, xã hội. Tuy nhiên,
chúng ta còn bộc lộ những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ, trong tái cấu
trúc nền kinh tế, vận hành kinh tế vĩ mô và các chính sách phát triển bền vững.
Chính các hạn chế, bất cập này đã được các thế lực thù địch lợi dụng để tăng cường
chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Do đó, việc nghiên cứu,
giải quyết có hiệu quả một số vấn đề đặt ra ở trên, có ý nghĩa quan trọng làm
thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và góp phần ổn định
chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh”./.