Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021

Chân tướng những con rối quấy nhiễu trong dịch bệnh

Thời gian qua, những đối tượng cầm đầu, cốt cán của các tổ chức phản động lưu vong liên tục có những hoạt động chống phá nhằm ngăn cản nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Chân dung những con rối chống phá dưới danh nghĩa “nhà dân chủ” được nhắc tới sau đây sẽ giúp người dân nhận diện được bộ mặt thật của các đối tượng.

Nhắc đến Lisa Phạm, tên thật là Phạm Thị Anh Đào (SN 1979, Việt kiều Mỹ, cư trú tại Progresssibe Way, Denmaru, South California, Mỹ) thành viên “Biệt đoàn Sao trắng”, một phân nhánh của tổ chức khủng bố “Chính phủ Việt Nam tự do” do Nguyễn Hữu Chánh cầm đầu, nhiều người ngán ngẩm bởi chiêu trò quấy nhiễu, chống phá. Năm 2005, Lisa Phạm đã 3 lần về nước nhằm móc nối, lôi kéo, xúi giục các đối tượng phản động trong nước hoạt động phạm tội phá hoại, khủng bố và đã bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt giữ.

Thực hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước, Lisa Phạm được trả tự do. Đến ngày 23/7/2006, Lisa Phạm bị trục xuất khỏi Việt Nam. Thế nhưng “chưa khỏi vòng đã cong đuôi”, ngay khi vừa đặt chân đến Mỹ, Lisa Phạm đã lên mạng Internet vu cáo Nhà nước Việt Nam cùm chân, bỏ đói và dùng nhục hình đối với chị ta. Đối tượng thường xuyên làm các clip xuyên tạc sự thật đăng tải trên mạng xã hội; cùng các đối tượng đồng bọn lập ra cái gọi là “chương trình khai dân trí” phát trực tiếp trên facbook và youtube, nội dung xuyên tạc sự thật về tình hình Việt Nam, có nhiều bài viết, chế ảnh xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 8/2017, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, truy nã Lisa Phạm về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 84, BLHS Việt Nam năm 1999. Trước đó, từ cuối năm 2016, Đào Minh Quân cùng Lisa Phạm và các đối tượng cốt cán âm mưu khôi phục tổ chức, tiếp tục âm mưu hoạt động khủng bố tại Việt Nam.

Cụ thể, thông qua mạng xã hội, Lisa Phạm lôi kéo, kết nối với nhiều đối tượng trong nước thành lập các “nhóm hành động” để tiến hành khủng bố, phá hoại. Nhóm đối tượng này có ý đồ thực hiện các hoạt động khủng bố, ám sát cán bộ, phá hoại các công trình trọng điểm trong nước, chế tạo bom xăng, bom khói để sử dụng trong các cuộc biểu tình, vu cáo lực lượng chức năng đàn áp người biểu tình. Cuối tháng 3/2017, theo chỉ đạo của Lisa Phạm, Nguyễn Đức Sinh từ Lào về Việt Nam để tập hợp các đối tượng thực hiện hoạt động khủng bố, phá hoại gây tiếng vang cho tổ chức.

Với tư tưởng chống đối quyết liệt, đối tượng tiếp tục lợi dụng tình hình dịch bệnh của Việt Nam liên tục sử dụng kênh youtube tán phát video xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ, vu cáo Chính phủ đã chỉ đạo “ép nhỏ con số lây nhiễm và tử vong” trong cả nước nhằm “mị dân và lừa gạt quốc tế”, “âm mưu nới lỏng giãn cách xã hội trước thềm 2-9 để ăn mừng”! Đồng thời thông qua đó, Lisa Phạm kêu gọi người dân toàn quốc làm giấy tờ giả qua mắt lực lượng chức năng để tự do đi lại, lập kế hoạch “phá chốt kiểm dịch của Việt Cộng”; phá rào cách ly tại các khu công nghiệp, tiến hành “3 sạch”(đốt sạch, giết sạch, phá sạch) trên toàn quốc, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và Bình Dương nhằm phản đối chính quyền và đưa người dân về quê hương cách ly điều trị.

Nguyễn Văn Đài, đối tượng cốt cán thành lập “Hội Anh em dân chủ”, hiện sống lưu vong tại Đức cũng liên tục có các bài viết chống phá. Nguyễn Văn Đài liên hệ với các tổ chức phản động trong và ngoài nước thực hiện các hành vi câu móc, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tuyển lựa, đào tạo, phát triển lực lượng chống đối trong nước và tán phát các tài liệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta, bôi nhọ lãnh tụ và chế độ. Khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đài đưa ra các bài viết bịa đặt với mục đích chống phá và kiếm tiền.

Lê Văn Sơn, đối trượng trốn lệnh truy nã tại Mỹ cũng là một trường hợp như vậy. Sơn sinh năm 1985, quê tại thôn Trinh Hà, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hóa. Con đường phạm tội của Sơn bắt đầu thời điểm đối tượng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội và làm hướng dẫn viên du lịch tự do tại Hà Nội. Quá trình này, Sơn gặp gỡ và tiếp xúc với một số đối tượng cơ hội, bất mãn, có tư tưởng “đa nguyên, đa đảng”. Thay vì việc phải tiếp cận, chọn lọc thông tin thì Sơn đã dần dần bị tha hoá, trở thành một đối tượng hoạt động tích cực cho các báo, đài phản động trong và ngoài nước.

Năm 2011, cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt 14 đối tượng trong tổ chức Việt Tân về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo khoản 1 và khoản 2, Điều 79, Bộ luật Hình sự. Trong số đó có Lê Văn Sơn, Hồ Đức Hòa và Đặng Xuân Diệu là ba thành viên cốt cán, tích cực nhất trong các hoạt động phá hoại. Với thái độ khai báo thành khẩn, Sơn được Tòa phúc thẩm tuyên mức án nhẹ hơn so với án sơ thẩm.

Những tưởng nhận được sự khoan hồng của pháp luật, Lê Văn Sơn sẽ biết quay đầu là bờ, làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, sau khi ra tù, Lê Văn Sơn vào các tỉnh phía Nam tiếp tục câu kết với các đối tượng tiến hành hoạt động chống phá phức tạp hơn. Đối tượng hợp tác và tiếp tay cho các linh mục chống phá như Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục… Trên Facebook cá nhân, Sơn thường xuyên đăng tải các bài viết thể hiện các quan điểm “đa nguyên, đa đảng”, đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Khi dịch COVID-19 phức tạp, Lê Văn Sơn “theo đóm, ăn tàn”, tiếp tục có những bài viết chống phá.

Một số đối tượng của Việt Tân còn trắng trợn xuyên tạc việc giãn cách xã hội để phòng, chống sự lây lan dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, cho rằng chính quyền tìm cách nhốt người dân ở nhà với các bài viết như:“Chỉ đi chợ hộ cho dân mà không giải quyết được”, “Chủ trương xét nghiệm toàn thành phố chỉ có lợi cho tập đoàn dược phẩm”, “Nhà cầm quyền CSVN mới là nguyên nhân chính làm cho dịch bệnh lây lan và mất kiểm soát như hiện nay”…

Cùng với Việt Tân, tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời (CPQGVNLT) cũng gia tăng thực hiện hoạt động chống phá. Các hội, nhóm của CPQGVNLT lan truyền video quay cảnh công nhân khu công nghiệp tại Bình Dương đạp phá rào chắn, chốt trực phòng COVID-19. Cùng với đó là kích động tụ tập biểu tình, bạo lực. Số đối tượng cầm đầu, cốt cán của tổ chức CPQGVNLT yêu cầu các thành viên sẵn sàng hỗ trợ các cuộc biểu tình khi có cơ hội; hứa hẹn sẽ cung cấp vũ khí cho người tham gia biểu tình để chống lại lực lượng chức năng nếu bị ngăn chặn. Chúng liên kết với một số đối tượng trong các hội, nhóm phản động trên không gian mạng khác như “Cờ Vàng”, “Bạn phải lên tiếng”… tán phát lời kêu gọi “ba sạch” các khu cách ly; xuyên tạc chính quyền tổ chức cách ly tập trung nhằm “làm lây lan dịch bệnh, giết bớt người dân, dọn chỗ đón ngoại bang”; kêu gọi người dân trong nước, đặc biệt là những người đang theo dõi, điều trị COVD-19 tại các khu cách ly tập trung biểu tình phản đối các quy định phòng, chống dịch, đốt sạch các khu cách ly để “tự cứu nếu không muốn chết vì COVID-19”.

Đọc và xem những clip trên của Lisa Phạm, Nguyễn Văn Đài, Lê Văn Sơn…, không thể chấp nhận những luận điệu lố lăng của kẻ phản bội lại quê hương, đất nước. Thực tiễn, khi đợt dịch thứ tư bùng phát, chủng Delta diễn biến phức tạp, không chỉ ở Việt Nam, các nước khu vực châu Á và trên thế giới đều căng thẳng trước tốc độ lây lan của dịch bệnh.

Trong tình hình đó, việc thực hiện giãn cách xã hội và 5K là một biện pháp giúp ngăn chặn tình hình dịch bệnh. Cùng với đó, CBCS của các lực lượng tuyến đầu như Y tế, Công an và Quân đội đã xung phong đến với đồng bào miền Nam, giúp phòng, chống dịch. Đó là những "tấm lá chắn" vững vàng giữa tâm dịch; ngày đêm bám trụ, túc trực tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, khu vực phong tỏa, hoàn thành tốt nhiệm vụ kép, vừa ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, vừa giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đó còn là những chiến sỹ thầm lặng làm nhiệm vụ ngăn chặn dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam qua con đường nhập cảnh. Những cán bộ Công an đối mặt với nguy cơ lây bệnh ở các khu cách ly hay những dấu chân âm thầm, không biết mệt mỏi đi đến từng nhà, có mặt ở từng góc phố, từng địa bàn với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19…

Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, nhiều CBCS Công an phải đối mặt với nguy hiểm và bị lây nhiễm dịch bệnh, có CBCS đã ngã xuống như Đại úy Phan Tấn Tài, trinh sát Đội CSĐT tội phạm về ma tuý Công an quận 6; Đại úy Lê Huỳnh Nhật Minh, Phó trưởng Công an xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu (Tây Ninh)...

Hiện các cơ quan chức năng đang tăng cường hoạt động kiểm soát thông tin, xử lý nghiêm các hoạt động đăng tải tin giả, xuyên tạc liên quan đến đại dịch COVID-19; ngăn chặn tình trạng tin giả, xấu độc trên mạng xã hội gây hoang mang quần chúng, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Mưu đồ chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc

Lợi dụng việc chống dịch Covid-19, thời gian vừa qua các tổ chức khủng bố, đối tượng phản động trong và ngoài nước đã xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh lực lượng vũ trang, các đối tượng còn đăng tải, phát tán nhiều bài viết, hình ảnh, video sai sự thật, cố tình đưa ra sự so sánh nhằm gây chia rẽ vùng miền; cố tình tách biệt, tạo ra hàng rào ngăn cách giữa hệ thống chính trị với nhân dân, làm suy giảm sự đồng lòng, chung tay, góp sức giữa chính quyền với nhân dân. Họ vu cáo rằng: “Không thấy Đảng giúp dân”, “người nghèo không được hỗ trợ”; “chỉ có dân giúp dân, không thấy chính quyền đâu”! Trong việc phân bổ nguồn vaccine của Chính phủ, họ đặt điều “Sài Gòn một lần nữa cho thấy bị ĐCSVN kỳ thị một cách lạ lùng”; đưa ra luận điệu xảo trá “con nuôi - con ghẻ”, lu loa rằng “cho dù đóng góp nhiều nhưng Sài Gòn vẫn là con ghẻ của Đảng”.

Nhiều trang mạng xấu độc xuyên tạc Chính phủ lơ là không quan tâm đến TP Hồ Chí Minh, rồi suy diễn không tin tưởng Công an, Quân đội tại TP Hồ Chí Minh nên Chính phủ phải huy động “quân Bắc Kỳ”! Trên thực tế, TP Hồ Chí Minh do dịch diễn biến rất phức tạp nên nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành, đoàn thể cả về nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế, thuốc men, tăng cường số lượng vaccine để tiêm cho người dân tại địa phương được nhiều nhất, sớm nhất. 

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, mặc dù cũng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra nhưng khi dịch diễn biến căng thẳng, phức tạp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, đã có hàng nghìn chuyến xe thiện nguyện của chính quyền, nhân dân các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung xung kích, lăn bánh vào Nam, chở các nhu yếu phẩm thiết yếu gửi đến đồng bào miền Nam ruột thịt. Hàng nghìn “chiến sĩ áo trắng” gác lại công việc thường ngày, xa gia đình, người thân xung phong vào các vùng dịch nặng để chung lưng đấu cật, cứu, chữa cho người dân. Trên tuyến đầu chống dịch, hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã, đang đồng hành cùng người dân không quản ngại khó khăn, nguy hiểm với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Như vậy, chiêu thức các đối tượng sử dụng vẫn theo kiểu “bình mới, rượu cũ”, cố tình gây mâu thuẫn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết giữa chính quyền với nhân dân, giữa nhân dân với lực lượng vũ trang, tạo lập sự phân biệt vùng miền; gây nên sự hoài nghi, thiếu niềm tin của người dân về các chủ trương, chính sách trong phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương; hủy hoại mọi kết quả cũng như nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân đã và đang làm được trong thời gian qua.

Dựng chuyện “tê liệt”, “thiết quân luật”, gieo rắc tâm lý bất an

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, lực lượng Công an, Quân đội đã khẩn trương triển khai tăng cường cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch với quyết tâm, trách nhiệm cao nhất. Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị gia tăng chống phá với nhiều luận điệu sai trái để xuyên tạc mục đích, ý nghĩa hoạt động trên.

Trên các trang mạng xã hội của Việt Tân, Hội Anh em dân chủ, Nhật ký yêu nước, Chân trời mới Media, Đài Tự do Á Châu… đã phát tán nhiều bài viết, hình ảnh, video phản ánh sai sự thật, đánh tráo bản chất sự việc. Điển hình, trên facebook V.T xuyên tạc “Nhà nước CSVN dùng bạo lực răn đe dân chống dịch”; “dùng Quân đội, Công an chống dịch, nhà cầm quyền CSVN đang mưu tính gì”; bịa đặt, vu khống việc lực lượng Công an, Quân đội được điều động chống dịch để giúp dân là “dẹp loạn, dẹp dân” hay với luận điệu xảo trá như “Quân đội hỗ trợ Công an trấn áp, xử lý dân”; đánh đồng việc tăng cường lực lượng vũ trang cho TP Hồ Chí Minh là “thiết quân luật”.

Mục đích của các đối tượng là nhằm đánh lạc hướng dư luận hiểu sai mục đích, ý nghĩa của việc tăng cường lực lượng chống dịch cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, làm giảm sút lòng tin của người dân vào lực lượng vũ trang nhân dân đang giúp dân chống dịch. Sâu xa hơn là phá hoại đoàn kết nội bộ trong lực lượng vũ trang nhân dân; cổ súy, kích động người dân không thực hiện các quy định, biện pháp chống dịch do chính quyền đề ra; tạo ngòi nổ gây bất ổn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Rõ ràng, thủ đoạn mà số đối tượng phản động đang thực hiện là thâm độc, nguy hiểm.

Thực tế, lực lượng vũ trang nhân dân tăng cường cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch không chỉ là nhiệm vụ mà còn là lương tâm và trách nhiệm.

Trước hết, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam mang trong mình tính nhân dân sâu sắc, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Do đó, khi “giặc” COVID -19 hoành hành trong nước nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng thì hơn lúc nào hết, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang không quản ngại gian truân, sẵn sàng xung kích, sát cánh cùng nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, ổn định cuộc sống.

Thứ hai, về mặt chủ trương, tăng cường lực lượng Công an, Quân đội cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh dịch đang lây lan nhanh như Bình Dương, Đồng Nai… là việc làm cấp thiết. Sau thời gian áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương này tình hình dịch vẫn diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng cao, số ca tử vong gia tăng, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bộ phận người dân yêu thế, người lao động nghèo dễ bị tổn thương. Để kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, nhu yếu phẩm thiết yếu kịp thời đến tay người dân, thực hiện tốt các quy định chống dịch và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nhất thiết yêu cầu đặt ra phải có lực lượng Công an, Quân đội bổ sung, tăng cường.

Thứ ba, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 86 của Chính phủ, Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch 2715 của UBND TP Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp với phương châm mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch với 5 giải pháp. Do số ca nhiễm tăng cao, các lực lượng chống dịch ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương phải chịu cường độ làm việc rất lớn, hệ thống y tế nhiều nơi quá tải, nhiều y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ bị lây nhiễm và đã có những mất mát, hy sinh. Do vậy, để đảm bảo đủ sức mạnh chiến đấu với dịch bệnh, cần phải huy động, bổ sung sức người, sức của chi viện, trong đó Công an, Quân đội là những lực lượng đi đầu.

Thứ tư, cụm từ “thiết quân luật” không hề có trong chủ trương, biện pháp cũng như thực tiễn chống dịch COVID -19 ở TP Hồ Chí Minh. Căn cứ quy định tại Luật Quốc phòng năm 2018, khái niệm “thiết quân luật” được hiểu như sau: “Thiết quân luật là biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn do Quân đội thực hiện. Khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ”. Lợi dụng việc lực lượng vũ trang tăng cường chi viện cho TP Hồ Chí Minh và việc ngày 20/8/2021, Bộ Chính trị có quyết định về việc điều động, phân công ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, các thế lực xấu đã tung tin “Sài Gòn có biến”, xuyên tạc chính quyền ở đây “tê liệt”, “vỡ trận”, phải thay người và áp dụng “thiết quân luật”.

Trên thực tế, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở TP Hồ Chí Minh vẫn luôn được giữ vững và lực lượng Công an, Quân đội được tăng cường chống dịch COVID -19 chỉ với tính chất tham gia, phối hợp theo sự điều hành của chính quyền chứ không phải là lực lượng thay mặt chính quyền điều hành mọi hoạt động. Do đó, việc tăng cường Công an, Quân đội cho thành phố chống dịch không thể đánh đồng với việc thiết lập trạng thái “thiết quân luật” rồi gieo rắc sự hoang mang, lo lắng trong dân chúng như luận điệu các đối tượng phản động, cơ hội chính trị rêu rao. Còn việc điều động, luân chuyển nhân sự theo chức năng, nhiệm vụ là công việc bình thường của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Thứ năm, lực lượng Công an, Quân đội được tăng cường phối hợp với lực lượng tại chỗ nhằm thực hiện tốt việc chốt chặn, tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Đã có nhiều hình ảnh cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang vận chuyển túi an sinh xã hội, cung cấp lương thực, thực phẩm đến từng nhà, đi chợ thay người dân với mục tiêu tuyệt đối không bỏ sót một ai thiếu ăn, thiếu mặc; lực lượng y tế của Công an, Quân đội với tổ lưu động, tiến hành thăm khám, tư vấn, chăm sóc, điều trị cho các ca bệnh F0 đã được người dân chia sẻ trên mạng xã hội. Điều đó không chỉ thể hiện sự đoàn kết, nhất trí đồng lòng giữa cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang với cấp ủy, chính quyền, người dân địa phương mà đó chính là lương tâm, trách nhiệm của lực lượng vũ trang vì nhân dân phục vụ.

Không thể phủ mờ sứ mệnh thiêng liêng của lực lượng vũ trang trong cuộc chiến chống COVID-19

 Loài người đã, đang phải đối diện với những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh mối đe dọa an ninh truyền thống thì những thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, bão lũ, cháy rừng, ô nhiễm môi trường, nguồn nước, dịch bệnh… ngày càng trở nên khốc liệt. Để giải quyết những vấn đề này đòi hỏi sự chung tay của mọi quốc gia và mọi người dân trên thế giới, trong đó, không thể thiếu vai trò rất quan trọng của lực lượng vũ trang.

Việt Nam cũng vậy, trong những năm qua, lực lượng vũ trang nhân dân luôn là điểm tựa, sức mạnh và lực lượng nòng cốt trong xử lý những vấn đề mà an ninh phi truyền thống đặt ra. Để xử lý vấn đề ô nhiễm do tràn dầu, xử lý chất độc hóa học, bom mìn, vật nổ, chất độc dioxin… gây ô nhiễm không khí, đất, nguồn nước, chúng ta luôn nhận thấy những hình ảnh không quản hiểm nguy của cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, công binh, hóa học.

Khi nào và ở đâu xảy ra thảm họa do cháy rừng, bão lụt, tổn hại tính mạng, tài sản của nhân dân, lực lượng Quân đội, Công an cũng luôn đi đầu, là lực lượng nòng cốt, chủ công trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn không quản ngày đêm; bước chân của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang luôn có mặt ở những nơi hiểm nguy nhất, gian khó nhất. Chúng ta không thể quên những cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm, không quản khó khăn vất vả, kể cả hy sinh tính mạng trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020, vụ sập hầm tại Thủy điện Đạ Dâng năm 2014.

Chỉ riêng trong năm 2020, tại miền Trung nước ta đã phải đối mặt nhiều cơn bão, gây ra tình trạng lũ lụt và sạt lở đất cướp đi sinh mạng của bao con người, phá hủy tài sản của bao gia đình. Trong hiểm nguy đó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang luôn là điểm tựa, sát cánh cùng toàn dân chiến đấu vượt qua hiểm nguy, từng bước ổn định cuộc sống. Chúng ta cũng không thể quên được những hình ảnh cảm động của những y, bác sĩ ở Trường Sa cùng các đồng nghiệp trong đất liền tổ chức mổ cấp cứu trực tuyến cho những bệnh nhân đau ruột thừa ở Trường Sa, rồi những chuyến bay khẩn cấp không quản đêm ngày đưa người bị nạn từ ngoài khơi xa về với đất liền…

Hiện nay, đại dịch COVID -19 đang lan rộng toàn cầu, mỗi ngày chúng lại cướp đi sinh mạng của hàng vạn người. Các hoạt động sản xuất, lưu thông bị đình đốn, ngưng trệ, hàng triệu người thất nghiệp, mất việc làm. Nhiều quốc gia phát triển, thuộc nhóm đầu của thế giới cũng gặp hàng loạt khó khăn, áp lực trong việc đối phó, giải quyết.

Tính đến ngày 8/9, thế giới đã có trên 222 triệu người nhiễm, trên 4,6 triệu người tử vong, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất, đứng đầu với hơn 41 triệu người nhiễm và gần 670.000 người tử vong. Việt Nam cũng đã có trên 550.000 ca nhiễm và trên 14.000 người tử vong. Để đối phó với đại dịch, Việt Nam đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của lực lượng vũ trang trên tuyến đầu.

Quán triệt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương tại hội nghị thứ nhất Quân ủy Trung ương khóa XII “Trong nhiệm vụ phòng chống, khắc phục thiên tai, thảm họa, phòng chống các thách thức an ninh phi truyền thống, Quân đội không quan niệm giúp dân, mà cần xác định đó là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đặc biệt trong thời bình”, lực lượng Quân đội đã sát cánh cùng lực lượng Công an chủ động dự báo từ sớm, từ xa làm tốt công tác tham mưu, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

Không phải đến khi xuất hiện dịch bệnh ở phía Nam, lực lượng vũ trang mới được đưa vào cuộc mà ngay từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh mới xuất hiện, lực lượng vũ trang đã sớm có những dự báo chính xác và chủ động tham gia một cách tích cực. Các lực lượng Công an, Quân đội đã tham gia khử khuẩn trên diện rộng ở những khu vực ô nhiễm; tổ chức đưa, đón người dân, xây dựng và điều hành các khu cách ly tập trung, tăng cường quản lý biên giới, đường biên trên bộ, trên biển và các cửa khẩu đường hàng không.

Lực lượng Quân y của bộ đội Biên phòng phối hợp thăm khám, điều trị cho nhân dân để phòng, chống dịch. Lực lượng Công an các cấp thường xuyên tuần tra, kiểm soát, đấu tranh với các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch, trong đó, không ít đối tượng phạm tội dương tính với SARS-CoV-2, có hành vi chống đối lực lượng chức năng. Trong cuộc chiến đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã bị lây nhiễm với COVID-19, trong đó có cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương.

Lợi dụng không gian mạng, không ít đối tượng tung tin xuyên tạc nhằm gây hoang mang, bất an, rối loạn trong xã hội. Đây cũng là một loại virus độc hại, nguy hiểm ăn theo dịch bệnh mà cán bộ, chiến sĩ Công an đã, đang nỗ lực phát hiện, điều tra, xử lý. Với đội ngũ y, bác sĩ quân y, ngay từ khi phát hiện dịch trên thế giới, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ sở bắt tay vào nghiên cứu cho ra đời các bộ kit xét nghiệm; tham gia nghiên cứu chế tạo vaccine của người Việt Nam để chủ động bảo vệ tính mạng của nhân dân. Khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an đã sáng chế áo chống sốc nhiệt đạt hiệu quả trong điều hòa nhiệt độ cơ thể, tránh tình trạng sốc nhiệt, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cán bộ y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Khi tình huống nguy cấp xảy ra tại các địa phương, nhất là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, theo điều hành của Chính phủ và với tinh thần “phục vụ nhân dân là nhiệm vụ tối thượng”, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, trong đó có các y, bác sĩ Quân đội, Công an đã không quản hiểm nguy, gác lại cuộc sống riêng, tạm biệt người thân để lao vào vùng dịch, đem lại niềm tin vững chắc cho nhân dân. Những hình ảnh không thể cảm động hơn khi những chiến sĩ Quân đội, Công an không quản nắng mưa đem đến cho từng gia đình, từng người dân những chiếc khẩu trang, những hộp lương khô, thịt hộp do quân nhu sản xuất cùng lương thực, thực phẩm trong những ngày cách ly, tận tâm chăm sóc cho người bệnh tại các cách ly. Có gì thiêng liêng hơn khi lực lượng vũ trang lại tập trung lo hương khói cho những người không may tử vong do dịch bệnh, sau đó chu đáo đem tro cốt về bàn giao lại cho thân nhân từng gia đình.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong đợt dịch lần thứ 4, đã có hơn 220.000 lượt cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an và dân quân tự vệ được tăng cường hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; nhiều cán bộ, chiến sĩ hơn 3 tháng qua không có thời gian nghỉ. Riêng lực lượng Công an từ đợt dịch thứ 4 đến nay đã huy động vào Nam hơn 100.000 lượt cán bộ, chiến sĩ. Mới đây, Bộ Công an cũng vừa điều hơn 5.000 cán bộ và 2.000 học viên, 600 cán bộ y tế của các bệnh viện ngành vào các tỉnh phía Nam hỗ trợ chống dịch.

Các lực lượng vũ trang đã duy trì hàng nghìn tổ chốt, trong đó có 1.900 tổ chốt kiểm soát ở tuyến biên giới để kiểm soát xuất nhập cảnh trái phép, hàng nghìn chốt trong nội địa để tổ chức tuần tra, kiểm soát, làm nhiệm vụ phục vụ việc cách ly tập trung ở các khu phong tỏa, góp phần thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, hạn chế người ra đường làm lây lan dịch bệnh. Đã triển khai 190 khu cách ly tập trung, các đơn vị nhường doanh trại đảm bảo việc ăn ở cho 190.000 lượt người. Đã điều động hàng nghìn y bác sĩ, kỹ thuật viên và 600 tấn vật tư trang thiết bị y tế, thuốc men chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam…

Phát biểu nhân Ngày Truyền thống lực lượng CAND vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ những vất vả, hy sinh của lực lượng CAND trong nỗ lực giúp nhân dân phòng, chống COVID-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đó là những minh chứng hùng hồn nhất thể hiện bản chất tốt đẹp, cao quý của người Công an cách mạng “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”, thực sự xứng đáng là “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Đảng, Nhà nước trân trọng, chia sẻ, thấu hiểu, biểu dương và đánh giá rất cao những đóng góp, hy sinh, nỗ lực hết mình của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có các chiến sĩ CAND. Tôi thấu hiểu hơn và chia sẻ sâu sắc với cán bộ chiến sĩ toàn lực lượng, đặc biệt là những đồng chí đang trên tuyến đầu chống dịch, chống tội phạm. Các đồng chí xứng đáng được tôn vinh, ghi nhận, tạo điều kiện công tác bởi lao động nặng nhọc, độc hại, những cống hiến lặng thầm cho sự nghiệp phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước”.

Chúng ta nhìn nhận một cách xuyên suốt, toàn diện như vậy để thấy rõ bản chất, sứ mệnh thiêng liêng của lực lượng vũ trang sát cánh cùng nhân dân vượt qua thiên tai, dịch bệnh, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Ở đâu, lúc nào dân cần, dân khó thì đều có lực lượng vũ trang sát cánh, chung sức đồng lòng. Đó là sự thật khách quan phản bác các luận điệu sai trái trên mạng internet hiện nay, các thế lực xấu cố tình xuyên tạc bản chất lực lượng vũ trang “không phải vì dân”, “bỏ mặc dân trong đại dịch COVID-19”, từ đó tái diễn điệp khúc đòi phi chính trị hoá, tách lực lượng vũ trang khỏi sự lãnh đạo của Đảng.

Trong thiên tai, dịch bệnh, họ ác ý tung ra những tình huống, câu chuyện bịa đặt nhằm chế nhạo hình ảnh cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, gây chia rẽ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, cố tình bôi lem, phủ mờ bản chất “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ” của lực lượng vũ trang… 

Nguồn: Báo CAND

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu

 Sáng 8-9, ngay sau khi đến Thủ đô Brussels bắt đầu chương trình thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP) và Vương quốc Bỉ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu hoan nghênh Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao quốc hội Việt Nam thăm làm việc với Hội đồng châu Âu (EC) và Nghị viện châu Âu (EP) để trao đổi nhiều vấn đề Việt Nam và EC cùng quan tâm, trong đó có thúc đẩy hợp tác hai bên trên tất cả các lĩnh vực, nhất là hỗ trợ nhau trong phòng, chống Covid-19 và phục hồi sau đại dịch, củng cố hợp tác ASEAN và EU…; đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm và làm việc tại EU lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch. Chủ tịch EC cho rằng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới đã ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của việc thực thi hiệp định EVFTA, nhấn mạnh sắp tới hai bên cần khai thác hết tiềm năng to lớn mà hiệp định này mang lại. Chủ tịch Charles Michel chia sẻ quan điểm về hòa bình và an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nguyên tắc thượng tôn pháp luật và khẳng định EU mong muốn mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác với khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Về phần mình, Chủ tịch Vương Đình Huệ cảm ơn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã dành thời gian tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, nhấn mạnh đây là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, thay mặt Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đến châu Âu trong nhiệm kỳ mới, sau khi Việt Nam đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với  EU và EP.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ EU là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam về thương mại, đầu tư, đặc biệt là kết quả triển khai Hiệp định EVFTA sau hơn 1 năm có hiệu lực cho thấy những lợi ích kinh tế to lớn cho cả hai phía, thương mại tăng 18% dù chịu nhiều khó khăn của đại dịch Covid-19. Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội Việt Nam đóng vai trò tích cực trong quá trình chuẩn bị, ký kết, phê chuẩn và thúc đẩy triển khai hiệu quả EVFTA, đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi và lộ trình gia nhập các Công ước cơ bản của ILO. Để tăng cường hợp tác một cách toàn diện, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đề nghị EC tiếp tục ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp hai bên và thúc đẩy Nghị viện các nước EU sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA. Để hướng tới mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến  năm 2045, Việt Nam mong muốn EU hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm trong những lĩnh vực EU có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như phát triển bền vững, kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Về hợp tác phòng, chống Covid-19 và vaccine, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn EU đã ủng hộ 2,4 triệu liều vaccine giúp đỡ Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời bày tỏ mong muốn Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu dành ưu tiên cho Việt Nam trong tiếp cận nguồn cung vaccine của châu Âu, qua cơ chế COVAX hoặc chia sẻ vaccine dôi dư, hỗ trợ cung cấp trang thiết bị y tế thiết yếu, thuốc điều trị Covid-19 trong bối cảnh Việt Nam đang rất khó khăn do chủng mới Delta gây ra. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh với năng lực của Việt Nam cũng như nhằm chủ động trong nguồn cung vaccine trong nước và cung cấp cho khu vực, đề nghị EC ủng hộ hợp tác sản xuất vaccine tại Việt Nam.

Chia sẻ với những quan ngại của EU về thẻ vàng IUU đối với khai thác thủy sản của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội thông báo Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để khắc phục và đã đạt những kết quả rất tích cực và đề nghị EC ủng hộ để Ủy ban châu Âu sớm gỡ thẻ vàng đối với Việt Nam, góp phần bảo đảm sinh kế của ngư dân Việt Nam cũng như lợi ích của người tiêu dùng châu Âu, nhất là trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Việt Nam cũng sẵn sàng trao đổi, hợp tác với EU trong vấn đề quyền con người trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với EU và EP tại các cơ chế hợp tác đa phương; sẵn sàng làm cầu nối thúc đẩy quan hệ EU - ASEAN tương xứng với khuôn khổ Đối tác Chiến lược ASEAN-EU vừa ký kết.

Trong trao đổi, hai bên nhất trí cần tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực hợp tác, trong đó có vai trò rất quan trọng của Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu. Trước mắt tạo điều kiện để thực thi hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), thúc đẩy các thành viên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA); EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với Covid-19, trong đó có việc viện trợ và hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn vaccine cũng như thuốc điều trị và trang thiết bị y tế… Hai bên khẳng định sẽ cùng nhau trao đổi để giải quyết một số tồn tại như gỡ thẻ vàng thủy sản IUU, thu hẹp khác biệt về vấn đề quyền con người…

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên cùng cho rằng trước tác động và hệ lụy do Covid-19 và biến đổi khí hậu gây ra, cần tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu cũng như tham gia các nỗ lực và hành động chung ứng phó biến đổi khí hậu. Hai bên cũng chia sẻ quan điểm ủng hộ một khu vực ASEAN ổn định, hợp tác và thịnh vượng; duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982.

Nguồn: BQĐND

Truy tố Trương Châu Hữu Danh cùng các thành viên nhóm "Báo Sạch"

Ngày 8/9, VKSND huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) cho biết đã ban hành cáo trạng truy tố Trương Châu Hữu Danh (SN 1982, ngụ tỉnh Long An), Nguyễn Phước Trung Bảo (SN 1982), Đoàn Kiên Giang (SN 1985), Nguyễn Thanh Nhã (SN 1980, cùng ngụ TP Hồ Chí Minh) và Lê Thế Thắng (SN 1982, ngụ TP Hà Nội) về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích, Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo cáo trạng, năm 2019, Danh cùng với các bị can nêu trên tạo Fanpge "Báo Sạch", Group "Làm Báo Sạch" và kênh Youtube "BS Channel" để viết, đăng 47 bài, video về các chủ đề được dư luận quan tâm trên Facebook. Trong đó Bảo, Danh giữ vai trò quản trị viên, Nhã, Giang và Thắng giữ vai trò biên tập viên. Cả 5 thành viên đều có sự thống nhất khi đăng các bài viết.

Quá trình thống nhất cùng nhau thành lập Fanpage "Báo Sạch" và Group "Làm Báo Sạch" đăng bài viết, các bị can nhận hợp đồng làm truyền thông quảng cáo cho doanh nghiệp thu hơn 2,8 tỷ đồng và chia nhau hưởng lợi.

Cụ thể, Nhã hưởng lợi 245 triệu đồng, Giang 250 triệu đồng, Thắng 260 triệu đồng, Danh 300 triệu đồng và Bảo 410 triệu đồng. Bảo còn giữ riêng 500 triệu đồng từ hợp đồng làm truyền thông cho một tập đoàn nhưng chưa chia cho thành viên trong nhóm.

Cuối tháng 12/2020, Danh bị bắt. Bảo, Giang, Nhã và Thắng đều rời khỏi nhóm. Thắng trực tiếp thao tác xóa Fanpage "Báo Sạch", kênh Youtube "BS Channel" và tự thoát khỏi Group "Làm Báo Sạch".

Theo VKSND huyện Thới Lai, các bị can lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để viết, đăng tải, phát tán thông tin chưa kiểm chứng, không đúng sự thật, tiêu cực, một chiều để đăng tải, phát tán công khai trên mạng xã hội Facebook và kênh Youtube.

Việc làm của các bị can nhằm hướng dư luận theo ý thức chủ quan, làm cho người đọc hiểu nhầm, hiểu sai sự thật, tạo điều kiện cho các phần tử lợi dụng tham gia bình luận tiêu cực, kích động một số người có nhận thức lệch lạc tham gia chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...