Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

Bảo vệ di sản Hồ Chí Minh là góp phần bảo vệ "nền văn hóa tương lai"- Bài 2: Hồ Chí Minh khai sáng nhiều giá trị phù hợp với sứ mệnh của UNESCO

         “Những giá trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo đuổi suốt cuộc đời mình cũng rất gần với những giá trị mà UNESCO đã và đang thúc đẩy kể từ khi thành lập năm 1945 đến nay. Nhiều triết lý, tư tưởng, phương châm sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có giá trị với chúng ta ngày nay. UNESCO vui mừng nhận thấy các giá trị Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục được thúc đẩy không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên toàn thế giới”. Đó là chia sẻ của ông Michael Croft, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) tại Việt Nam.

Sự kết hợp hài hòa văn hóa Đông - Tây trong một nhân cách lớn

Phóng viên (PV): Trong nghị quyết vinh danh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” từ năm 1987, UNESCO khuyến nghị các nước thành viên triển khai các biện pháp thích hợp nhằm “làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh”. Sự khuyến nghị đó mang ý nghĩa gì, thưa ông?

Ông Michael Croft: Tôi cảm thấy vinh dự và xúc động khi được trả lời về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà còn là chính khách mang tầm vóc thời đại của nhân loại trong thế kỷ 20.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
Ông Michael Croft. 

Chúng ta biết Đại hội đồng UNESCO năm 1987 đã thông qua một nghị quyết nhằm khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam (1890-1990). Tôi cho rằng, đây là một sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế, ở đây chính là sự ghi nhận của các quốc gia thành viên UNESCO, đối với vai trò của hệ tư tưởng và những cống hiến cho cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những giá trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo đuổi suốt cuộc đời mình cũng rất gần với những giá trị mà UNESCO đã và đang thúc đẩy kể từ khi thành lập năm 1945 đến nay là xây dựng hòa bình thông qua hợp tác quốc tế. Ngày nay, hệ tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam. Vì vậy, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế từ năm 1987 giúp khơi gợi thêm niềm tự hào của người dân Việt Nam về một nhân vật lịch sử đã có những đóng góp vĩ đại không chỉ cho đất nước mình mà còn cho nền hòa bình trên thế giới.

PV: Sinh thời, Hồ Chí Minh từng nói: “Quan sơn muôn dặm một nhà, vì trong bốn biển đều là anh em”. Điều này cũng phù hợp với tinh thần, ý nghĩa của Ngày Quốc tế Khoan dung 16-11-1995 mà UNESCO đã thông qua với sự đồng thuận của 185 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Ông Michael Croft: Đúng là như vậy, chúng ta nhìn thấy văn hóa khoan dung, lòng yêu thương sâu sắc đối với con người và thiên nhiên được thể hiện rõ ràng trong triết lý, trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Văn hóa khoan dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở nhận thức, tư duy, phương pháp cách mạng của ông. Trong hành trình cứu nước và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhận chọn lọc hầu hết các giá trị tư tưởng lớn của loài người từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây: Từ tư tưởng nhân nghĩa, đề cao sự tu dưỡng cá nhân của Nho giáo; sự từ bi, vị tha của Phật giáo; tư tưởng dân chủ, bình đẳng của phương Tây đến tư tưởng duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu giá trị tư tưởng tiến bộ trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp năm 1791.

Tôi cũng được biết, ngay từ những ngày đầu tiên ở cương vị lãnh đạo đất nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ, Việt Nam sẽ luôn thể hiện tinh thần hữu nghị, hợp tác với bất kỳ quốc gia nào coi Việt Nam là một quốc gia tự do và độc lập. Những ví dụ đó cho thấy, Hồ Chí Minh là một trong những chính khách đi tiên phong cổ vũ về giá trị tinh thần khoan dung, đối thoại văn hóa, tin tưởng vào những giá trị tốt đẹp của các dân tộc khác.

Chúng ta công nhận các quyền phổ quát của con người và các quyền tự do cơ bản của người khác. Chỉ có lòng khoan dung mới có thể bảo đảm sự tồn tại của những cộng đồng hỗn hợp ở mọi khu vực trên thế giới. Đây chính là giá trị mà Liên hợp quốc và UNESCO mong muốn thúc đẩy và lấy ngày 16-11 hằng năm để khuyến khích mọi quốc gia, dân tộc và mọi người cùng hưởng ứng Ngày Quốc tế Khoan dung.

Ngày nay, Việt Nam đã làm hết sức mình cho cộng đồng quốc tế thấy rằng: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Điều này có nghĩa là văn hóa khoan dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng vẫn được các thế hệ người Việt Nam phát huy hiệu quả.

PV: Việc UNESCO khẳng định: “Hồ Chí Minh là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc” chứa đựng thông điệp gì, thưa ông?

Ông Michael Croft: Khẳng định điều này bởi vì Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân mẫu mực của sự tiếp thu tinh hoa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Bôn ba qua các đại dương và lục địa, từ phương Đông sang phương Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh hình thành một quan điểm độc đáo về tầm quan trọng của đối thoại liên văn hóa làm nền tảng cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và là một công cụ ngoại giao quan trọng. Di sản Hồ Chí Minh trở thành "sức mạnh mềm" của văn hóa quốc gia.

Tôi được biết, tư duy Hồ Chí Minh rất cởi mở, thể hiện đối thoại văn hóa sâu sắc khi ông cho rằng: “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại. Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”.

Những yếu tố cấu thành di sản văn hóa Hồ Chí Minh là sự chắt lọc, tổng hợp những tinh hoa văn hóa Việt Nam kết hợp với những tinh hoa nhân loại vì sứ mệnh giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đây là một lý tưởng nhân văn cao cả, cần thiết cho Việt Nam, cho các nước và cho nhân loại.

PV: Từ năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra triết lý: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, phục vụ Tổ quốc, dân tộc và nhân loại”. Gần nửa thế kỷ sau, năm 1996, UNESCO đưa ra 4 trụ cột là: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tồn tại”. Đề nghị ông cho biết tầm nhìn văn hóa của Hồ Chí Minh về giáo dục và mối quan hệ của tầm nhìn đó với triết lý giáo dục mà UNESCO đã đưa ra?

Ông Michael Croft: Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của bất kỳ cá nhân, tổ chức, quốc gia, dân tộc nào. Chúng ta cũng thấy rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà lãnh đạo của Việt Nam coi trọng giáo dục hơn cả, ngay khi ông đang lãnh đạo các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tôi đánh giá rất cao Chủ tịch Hồ Chí Minh ở điểm này, vì việc đề cao vai trò giáo dục của ông chính là hướng tới tương lai, bởi giáo dục là nền tảng của mọi công cuộc xây dựng và phát triển.

UNESCO đã xây dựng 4 trụ cột học tập để thúc đẩy giáo dục, trong đó, tôi muốn chú trọng vào 2 trụ cột là “học để làm” và “học để chung sống”. Các trụ cột này nhấn mạnh vào việc học nghề để nâng cao trình độ chuyên môn, gắn việc học với những yêu cầu tại môi trường làm việc để đáp ứng được những tình huống ngoài dự kiến trên tinh thần làm việc nhóm. Hơn nữa, học tập còn là để hiểu biết về nhau, về lịch sử, về truyền thống và tín ngưỡng của nhau để góp phần thúc đẩy một giá trị tiến bộ chung.

Tôi cho rằng, những trụ cột này của UNESCO tương đồng với phương châm học tập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyến khích người dân. Rõ ràng Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn xa của một nhà giáo dục lớn của thế giới.

Giá trị Hồ Chí Minh đã, đang lan tỏa ở nhiều nơi trên thế giới

PV: Cách đây tròn một thế kỷ, ngày 23-12-1923, nhà thơ, nhà báo Xô viết O.Mandelstam đã viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Ông bình luận gì về nhận định này?

Ông Michael Croft: Đây là điểm mà tôi đánh giá rất cao ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là luôn hướng về tương lai và ông đặt nền móng xây dựng tương lai ngay trong các hành động của mình thời bấy giờ. Chúng ta thấy rất nhiều triết lý, tư tưởng, phương châm sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay các giá trị mà ông đã kêu gọi cộng đồng chung tay xây dựng vẫn rất thiết thực và giá trị với chúng ta ngày nay. Đó là lý tưởng về hòa bình, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa nhân văn, tự do, dân chủ và công bằng xã hội. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng tôi tin rằng, nhân dân Việt Nam và các dân tộc trên thế giới sẽ nhớ mãi về những lý tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PV: Theo góc nhìn của UNESCO, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp, cống hiến gì cho văn hóa nhân loại?

Ông Michael Croft: Tham dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 35 năm Ngày UNESCO ra Nghị quyết số 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức ngày 6-9-2022 tại Hà Nội, bà Audrey Azouley, Tổng giám đốc UNESCO đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sinh ra nước Việt Nam độc lập, mà ảnh hưởng của ông còn vượt ra xa khỏi biên giới đất nước. Trong suốt cuộc đời, ông đã duy trì mối quan hệ rất chặt chẽ, kết nối với nhiều nền văn hóa khắp nơi trên thế giới. Với UNESCO, giáo dục, văn hóa chính là trụ cột của một nền độc lập. Về mặt này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tầm nhìn sâu rộng và đúng đắn”.

Chúng ta đều thấy rõ những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho văn hóa của nhân loại, đó là việc đề cao lòng khoan dung, tình nhân ái, yêu thương giữa con người, giữa các dân tộc hay giữa con người với thiên nhiên; đó là việc coi trọng ngoại giao văn hóa, thúc đẩy sự hiểu biết chung giữa các nền văn hóa để có thể tôn trọng những bản sắc văn hóa riêng, tôn trọng sự khác biệt và tính đa dạng của các biểu đạt văn hóa. UNESCO vui mừng khi thấy các giá trị Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục được thúc đẩy không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên toàn thế giới.

PV: Sứ mệnh của UNESCO là bằng nỗ lực không mệt mỏi của mình để góp phần thúc đẩy đối thoại văn hóa, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới. Theo ông, Việt Nam cần phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh như thế nào để góp phần vào mục tiêu cao cả trên của UNESCO?

Ông Michael Croft: Để có thể phát huy hơn nữa các giá trị đó, tôi cho rằng, các bạn cần xây dựng một kế hoạch hành động bao trùm và huy động sự tham gia của mọi thành phần xã hội. UNESCO sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các bạn trong hành trình này.

Nhân dịp này, tôi xin được chia sẻ thêm, Việt Nam luôn là một thành viên chủ động và tích cực, mang đến nhiều bài học thành công của mình cho các quốc gia thành viên của UNESCO kể từ khi gia nhập năm 1976 đến nay. Chúng tôi đánh giá cao kết quả mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện những cam kết với UNESCO và Liên hợp quốc. Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận trong việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó có những mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng từ rất sớm, như: Chấm dứt đói nghèo; bảo đảm cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; thúc đẩy bình đẳng giới; vệ sinh môi trường; xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, văn minh...

Tôi cũng hy vọng rằng, thông qua việc tích cực học tập, nghiên cứu, vận dụng những di sản tư tưởng Hồ Chí Minh để lại, dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục thu được những thành quả tiến bộ về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của nhân loại. Điều này cũng là mong muốn, khát vọng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo QĐND

Cán bộ Quân đội “7 dám” là phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn hiện nay

         Phương châm xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ Quân đội “7 dám” theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương (QUTƯ) là sự tiếp nối và cụ thể hóa những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn hiện nay. Đây là sự phát triển tư duy lý luận với nội hàm mới, yêu cầu mới, đòi hỏi ngày càng cao đối với phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ Quân đội trong giai đoạn cách mạng mới. Vì thế, mọi sự rêu rao, xuyên tạc về vấn đề này cần kiên quyết vạch trần, bác bỏ.

Sự xuyên tạc trơ trẽn

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, tại Hội nghị QUTƯ lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTƯ có bài phát biểu quan trọng, mang tầm chiến lược, định hướng căn bản để QUTƯ, Bộ Quốc phòng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Quân đội thực hiện tốt mọi nhiệm vụ đề ra trong những năm tới, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTƯ đã nhấn mạnh về công tác cán bộ và chú trọng xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần “7 dám”: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Đây là sự đúc kết sâu sắc lý luận và thực tiễn, thể hiện nét đặc sắc trong tư duy lý luận của người đứng đầu Đảng ta và QUTƯ về công tác cán bộ Quân đội trong giai đoạn cách mạng mới.

Thế nhưng, thời gian qua, trên một số diễn đàn, trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị đã cố ý tung tin sai trái, xuyên tạc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTƯ. Chúng rêu rao rằng, “xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội "7 dám" chỉ là khẩu hiệu suông”; “làm gì có cán bộ nào thực hiện được "7 dám”, “cán bộ "7 dám" chỉ là lý luận hão huyền”. Chúng còn lợi dụng một số hạn chế trong công tác cán bộ và một vài cán bộ trong Quân đội vi phạm pháp luật đã bị xử lý hình sự rồi tung hỏa mù thật giả lẫn lộn, đánh đồng hiện tượng với bản chất, cố tình lèo lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực nhằm gây mất lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ nói riêng và đối với Đảng, Nhà nước ta nói chung.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
Ảnh minh họa: TTXVN 

 

Sự đúc kết sâu sắc về xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Người chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Cách đây 62 năm, trong “Thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên” ngày 13-2-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”. Người đã cổ vũ tinh thần đổi mới, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm trong phát triển sản xuất và xây dựng hợp tác xã. Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng trong việc chủ động, kiên quyết khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, đường mòn lối cũ, chậm đổi mới.

Suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, Đảng ta luôn quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và khẳng định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Do vậy, công tác cán bộ luôn được Đảng xác định là khâu “then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn nhất quán xác định bảo vệ cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương: “Khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Quán triệt tinh thần đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 “Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, trong đó yêu cầu “cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung”.

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 của Chính phủ “Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” đã quy định: “Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ”.

Để việc bảo vệ cán bộ bằng thể chế ngày càng thiết thực và hiệu quả, Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Thể chế bảo vệ cán bộ không trái với các khuôn khổ, nguyên tắc vận hành hệ thống chính trị, đặc biệt là Hiến pháp và Điều lệ Đảng; thể chế bảo vệ cán bộ phải xác định được các chủ thể tham gia với những quy định chi tiết về quyền hạn, trách nhiệm và mối quan hệ; thể chế bảo vệ cán bộ cần xác lập được các tiêu chí đánh giá cụ thể, phù hợp; thể chế bảo vệ cán bộ cần xác lập được cơ chế kiểm soát cán bộ và phương pháp thực hiện đúng đắn.

Nhờ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng đội ngũ cán bộ nên công tác cán bộ ở nước ta ngày càng đạt nhiều kết quả quan trọng. Quy trình thực hiện công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch. Điều đó minh chứng việc xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ Quân đội “7 dám” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTƯ là một chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược; tình cảm, niềm tin và yêu cầu cao của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đó cũng là kim chỉ nam, phương châm hành động trong xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tinh thần cán bộ Quân đội “7 dám” được khẳng định trong gian khó

Với tinh thần nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đảng ta chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu ở nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị chưa tạo sự lan tỏa sâu rộng... Những hạn chế này có nguyên nhân từ một số khâu trong công tác cán bộ chậm được đổi mới; chính sách cán bộ chưa thật sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc; chưa có cơ chế hiệu quả để bảo vệ cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...

Thời gian qua, một số cán bộ Quân đội mắc sai phạm, bị xử lý hình sự và kỷ luật chủ yếu do không chịu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về đạo đức, lối sống, làm tổn hại đến danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam. Một vài cá nhân đó sai phạm xuất phát từ lý do chủ quan, chứ tuyệt nhiên không phải do sai lầm từ chủ trương, đường lối trong công tác cán bộ của Đảng, lại càng không phải là biểu hiện mất dân chủ, thiếu minh bạch, “áo gấm đi đêm” vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; đồng thời cũng không phải là hệ quả của chủ trương “xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội "7 dám" vì đó là khẩu hiệu suông” như các thế lực thù địch rêu rao.

Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay cho thấy đại đa số cán bộ, đảng viên trong Quân đội vẫn tuyệt đối trung thành và một lòng một dạ phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Điều đó được thể hiện sinh động trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19” đã có hàng nghìn cán bộ, đảng viên, các y sĩ, bác sĩ, chiến sĩ Quân đội tự nguyện gác lại việc riêng, tình nguyện xung phong đến tuyến đầu chống dịch, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, thậm chí hy sinh tính mạng để hết lòng hết sức cứu chữa bệnh nhân, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sự xuất hiện đúng lúc, kịp thời của đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp trong Quân đội ở những “điểm nóng” đại dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương... và nhiều tỉnh, thành phố trong năm 2021 là biểu hiện rõ nét của tinh thần cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tiên phong đương đầu, dám hành động vì lợi ích chung ngay cả đối với những việc khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ và trong những tình huống nóng bỏng nhất. Đó là bằng chứng về “lòng son dạ sắt” của những cán bộ hội tụ phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ thời bình.

Phương châm xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ Quân đội “7 dám” theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTƯ là sự tiếp nối và cụ thể hóa những đặc trưng, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Đây là sự phát triển tư duy lý luận với nội hàm mới, yêu cầu mới, đòi hỏi ngày càng cao đối với phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ Quân đội trong giai đoạn cách mạng mới. Khi cán bộ các cấp trong Quân đội hội tụ đầy đủ tâm-tầm-tài, uy tín và luôn thấm nhuần, thể hiện tinh thần “7 dám”, Quân đội ta sẽ có nền tảng vững chắc, tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có sức mạnh tổng hợp và sức chiến đấu cao, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.

Trung tá, TS ĐỖ NGỌC HANH, Phó chủ nhiệm khoa Triết học Mác-Lênin, Trường Sĩ quan Chính trị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị của WEF - Khẳng định vai trò tại các diễn đàn đa phương

     Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thành phố Davos của Thụy Sĩ từ ngày 16-1 là dịp để Việt Nam khẳng định đóng góp và vai trò tại các diễn đàn đa phương.

Các chuyên gia Thụy Sĩ đã đưa ra ý kiến trên khi trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại địa bàn về chuyến công tác của Thủ tướng, cùng hy vọng chuyến công tác sẽ thành công tốt đẹp.

Theo ông Philipp Rösler, nguyên Phó thủ tướng Đức và Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam ở Thụy Sĩ, Việt Nam có những đóng góp rõ rệt tại các diễn đàn đa phương thời gian qua.

Ông nhấn mạnh: “Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao, trong đó có nhiều đại diện doanh nghiệp, dự Hội nghị Thường niên của WEF tại Davos sắp tới là một cột mốc quan trọng. Hoạt động của đoàn sẽ là một thành công nữa trong chuỗi những sự kiện đối ngoại nổi bật của Việt Nam thời gian qua. Bằng những hoạt động như này, Việt Nam chứng tỏ cho bạn bè quốc tế thấy rằng mình là một quốc gia có thế mạnh trong các kế hoạch kinh tế định hướng tương lai, tập trung mạnh vào tăng trưởng bền vững và số hóa, trong tất cả các ngành từ thực phẩm, nông nghiệp, sản xuất đến các dịch vụ và giải pháp kỹ thuật số".

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN

Tại Davos, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu, chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại các phiên trọng tâm của Hội nghị, bao gồm phiên Đối thoại Chiến lược Quốc gia Việt Nam-WEF với các tập đoàn hàng đầu về chủ đề "Chân trời tiếp theo: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam;" phiên Đối thoại chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu," và phiên thảo luận với một số lãnh đạo ASEAN về “Thúc đẩy vai trò hợp tác toàn cầu trong ASEAN."

Ông Ivo Sieber, nguyên Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, cho biết ông rất kỳ vọng vào chuyến công tác sắp tới của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Davos bởi lẽ Thủ tướng không chỉ tham dự hội nghị tại Davos mà còn có những cuộc tiếp xúc bên lề.

Ông đánh giá trải qua hơn 50 năm từ ngày thiết lập quan hệ chính thức, Việt Nam và Thụy Sĩ có nhiều dự án hợp tác phát triển chung, cũng như những điểm tương đồng. Ông lấy ví dụ việc Việt Nam đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, trong khi Thụy Sĩ cũng giữ cương vị Chủ tịch cơ quan này hồi năm ngoái.

Ông chia sẻ: “Tôi hy vọng rằng chuyến công tác sắp tới của đoàn đại biểu do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu sẽ là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế".

Việt Nam nên tận dụng những nền tảng thúc đẩy hợp tác đa phương như hội nghị tại Davos để cho thế giới thấy các thành tựu mà Đảng cùng chính phủ làm được trong những năm qua. Đây là ý kiến của ông Roger Köppel, người từng là thành viên của đảng Nhân dân Thụy Sĩ và đang giữ chức Tổng Biên tập tờ Die Weltwoche, trong cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại sự kiện ra mắt Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Thụy Sĩ ở thành phố Zurich.

Ông nhấn mạnh: “Các bạn đã trải qua những đau thương của chiến tranh trong thế kỷ 20 nhưng tôi thấy, Việt Nam gác lại quá khứ, hướng tới tương lai và nỗ lực gìn giữ hòa bình. Với tôi, Việt Nam là hình mẫu của hợp tác và duy trì cân bằng".

Trong khi đó, ông Ewald Beivi, quan chức phụ trách quan hệ và phát triển kinh doanh tại Đại học Zurich, cho rằng hội nghị tại Davos là cơ hội để lãnh đạo các nước, cùng các tập đoàn và tổ chức gặp nhau, trao đổi quan điểm, xây dựng kế hoạch hành động.

Ông nói: “Hội nghị của WEF tại Davos là cơ hội rất lớn để Việt Nam có thể tìm kiếm những ý tưởng mới và tìm hiểu về những xu hướng mới. Điều quan trọng là cần phải tới đó để lắng nghe và kết nối. Có thể nói nếu không bắt kịp những xu hướng mới của thời đại, bạn sẽ gặp bất lợi trong quá trình cạnh tranh trên toàn cầu hiện nay”.

Theo TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ, bắt đầu chuyến công tác dự WEF Davos 2024

 Sáng 16-1 (giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Zurich, Thụy Sĩ, bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ (WEF Davos 2024).

Mặc dù đã hơn 7 giờ sáng nhưng ở Zurich trời vẫn còn tối. Trong cái lạnh âm 3 độ C, ra sân bay đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long và Phu nhân; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Lê Thị Tuyết Mai; các cán bộ Đại sứ quán, Phái đoàn Việt Nam tại Geneva và kiều bào Việt Nam tại Thụy Sĩ.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân. Ảnh: VGP 

Dự kiến trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì, tham dự và phát biểu tại các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos 2024 như: Tọa đàm thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn; Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF; Đối thoại chính sách "Việt Nam - Định hướng tầm nhìn toàn cầu"; Tọa đàm về thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam; phiên thảo luận "Thúc đẩy vai trò hợp tác toàn cầu trong ASEAN".

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF; tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp WEF; đồng thời dự và phát biểu tại Tọa đàm về kinh nghiệm và mô hình phát triển trung tâm tài chính quốc tế của Thụy Sĩ; tiếp lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Sĩ.

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Davos 2024 với các hoạt động dày đặc thể hiện sự chủ động, tích cực, đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại hội nghị. Qua đó, bạn bè quốc tế hiểu hơn về tiềm năng, cơ hội hợp tác, vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam nhằm thu hút tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước; đồng thời thúc đẩy hợp tác với Thụy Sĩ, nhất là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Theo TTXVN

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...