TỪ CHÍNH PHỦ KIẾN THIẾT HỒ CHÍ MINH
ĐẾN CHÍNH PHỦ KIẾN TẠO HIỆN NAY
Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám
1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung
xây dựng Chính phủ kiến thiết quốc gia với các kế sách diệt giặc đói, giặc dốt,
thiết lập cơ quan lập pháp, thực hiện tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết...;
xây dựng chính phủ đoàn kết và quy tụ nhân tài, nỗ lực làm việc, một lòng vì
nước vì dân, gương mẫu, nói đi đôi với làm; kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh; phát
huy đầy đủ trí tuệ, sức mạnh, trách nhiệm của nhân dân. Những quan điểm của
Người đã đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng Chính phủ kiến tạo hiện nay.
1. Chính phủ kiến thiết
Hồ Chí Minh
Trước Cách mạng Tháng Tám
(1945), nước ta thuộc chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm và dưới nền
thống trị của hai đế quốc chủ nghĩa là Pháp và Nhật. Cách mạng Tháng Tám (1945)
thành công, Hồ Chí Minh đã lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hòa và bắt tay
ngay vào xây dựng đất nước với các kế sách diệt giặc đói, diệt giặc dốt, giáo
dục đạo đức, thiết lập cơ quan lập pháp, thực hiện tự do tín ngưỡng, lương giáo
đoàn kết. Như vậy, Chính phủ Hồ Chí Minh là Chính phủ kiến thiết nhất, kiến tạo
nhất trong lịch sử của dân tộc. Tất nhiên, đó là kiến tạo, kiến thiết trong
hoàn cảnh kháng chiến - kiến quốc, chống thực dân, đế quốc xâm lược và bước đầu
quá độ lên CNXH trên phạm vi nửa nước. Thành quả lớn nhất của sự kiến tạo mà
Chính phủ Hồ Chí Minh đem lại đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945
đưa dân tộc tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Tinh thần của kiến tạo, kiến
thiết đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn tả một cách mộc mạc: “Non hai tháng
trước đây, trước cuộc khởi nghĩa 19-8-1945, nói tới hai chữ Chính phủ người ta
nghĩ ngay tới một bọn đầu đảng cướp nguy hiểm, xảo quyệt. Trái lại, ai ai đối
với Chính phủ nhân dân hiện nay cũng đều có một cảm tình thân mật xen lẫn với
một tôn kính sâu xa: Chính phủ đối với ta như người “anh cả” trong gia đình,
một đồng chí phụ trách trong một địa phương, một người đứng mũi chịu sào ta có
thể vững lòng trông cậy và gửi số mệnh”(1). Phân biệt rõ trước và
sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh chỉ rõ: trước là những hội đồng kỳ mục cũ
thối nát, phạm vào công lý, tự do của dân chúng... Nay, tức là sau Cách mạng
Tháng Tám, “bao nhiêu những cái xấu xa, thối nát, bất công, áp bức của chế độ
cũ, của các hội đồng kỳ mục trước sẽ không thể tồn tại trong các Ủy ban nhân
dân bây giờ. Ủy ban nhân dân là Ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho
dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó”(2).
Tinh thần tự do dân chủ mà Hồ Chí Minh nói đến và Chính phủ do Người đứng đầu
thực hiện, chính là một trong những biểu hiện sáng giá nhất của một Chính phủ
kiến tạo trong buổi bình minh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hồ Chí Minh khẳng định
“Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm. Chính phủ làm một phần; chỉ giúp kế
hoạch cổ động, giúp ý kiến. Chính phủ làm một phần, để làm kiểu mẫu cho dân.
Một phần đồng bào địa phương tự làm lấy”(3). Kiến thiết, kiến tạo là
Chính phủ không phải “vừa đá bóng vừa thổi còi”, không làm thay nhân dân, không
làm thay tư nhân; ngược lại phải dựa vào nhân dân, phát huy đầy đủ trí tuệ, sức
mạnh, trách nhiệm của nhân dân. Người nói: “Công việc đổi mới, xây dựng là
trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân...
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(4). Chính phủ Hồ
Chí Minh là một Chính phủ hoàn toàn chủ động trong việc thiết kế chiến lược
phát triển đất nước với đường lối “kiến quốc” trên tất cả các mặt; chủ động đối
phó với những diễn biến hết sức phức tạp, bất lợi khi thù trong, giặc ngoài
quyết liệt phá hoại thành quả của cách mạng. Hồ Chí Minh là người mở đường, tạo
môi trường kinh doanh thuận lợi cho giới công thương và các giới khác. Từ năm
1946, Người đã tuyên bố “Quyền tư hữu tài sản của công dân được bảo đảm và Nhà
nước bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của những người lao động riêng
lẻ”. Điều đặc biệt nhất là ngay từ kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (10-1946),
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến Chính phủ liêm khiết, Chính phủ kiến thiết quốc
gia, xây dựng một nước Việt Nam mới, Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp
nhân tài không đảng phái, Chính phủ chú trọng thực tế, nỗ lực làm việc, biết
làm việc, có gan góc, một lòng vì nước, vì dân. Về bản thân, Hồ Chí Minh gương
mẫu hứa trước Quốc hội “không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan
phát tài”. Người đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
luôn gương mẫu, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều. Người xây dựng nền chính
trị “đoàn kết và thanh khiết”, kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh, tự giác. Chính
phủ Hồ Chí Minh, từ Chủ tịch nước đến các Phó Chủ tịch và Nội các toàn tâm,
toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Quan điểm của Hồ Chí Minh là “đem
tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”; để giành thắng lợi trong cuộc chiến
đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, tạo ra những cái mới mẻ, tốt
tươi cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng
vĩ đại của toàn dân.
Hồ Chí Minh duy nhất một
lần tuyên bố trước Quốc hội về một Chính phủ liêm khiết, kiến thiết, đoàn kết,
thực tế, nỗ lực làm việc, một lòng vì nước, vì dân, nhưng trong một phần tư thế
kỷ (1945-1969), Chính phủ đó đã làm nên những kỳ tích, những điều tưởng chừng
“không thể”. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự
nghiệp kháng chiến chống hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, cùng với những thành tựu
vĩ đại khác mãi mãi được ghi vào lịch sử như một trong những giai đoạn chói lọi
nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách
mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại
của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại
sâu sắc. Những trang sử chói lọi của cách mạng Việt Nam dưới sự tổ chức dẫn dắt
của Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mãi mãi gắn liền với tên
tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người khai
sinh nền Cộng hòa Dân chủ Việt Nam, người vun trồng khối đại đoàn kết dân tộc
và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.
Với những nội dung nêu
trên, chúng ta hiểu và khẳng định Chính phủ Hồ Chí Minh là một Chính phủ kiến
tạo, đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng Chính phủ kiến tạo các giai đoạn
sau.
2. Chính phủ kiến tạo
hiện nay
Hiện nay, còn có nhiều
cách hiểu khác nhau về nội hàm Chính phủ kiến tạo. Có ý kiến hỏi: “Chính phủ
kiến tạo là tuyên ngôn hành động hay mô hình của Chính phủ”? Chính phủ kiến tạo
khác gì với Chính phủ điều hành từ trước đến nay? Kiến tạo khác gì kiến thiết?
“Kiến tạo” và “kiến thiết” có mối quan hệ thế nào? Chính phủ kiến tạo hay kiến
tạo Chính phủ? Chính phủ kiến tạo là Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ,
Chính phủ liêm chính hay là thiết kế, xây dựng một Chính phủ có bốn nội dung:
Kiến tạo - Hành động - Phục vụ - Liêm chính?...
Rõ ràng là chúng ta chưa
định hình được một khung lý thuyết sáng tỏ và mạch lạc về Chính phủ kiến tạo.
Gần đây, trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV
(18-11-2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên nêu định nghĩa
về “Chính phủ kiến tạo”. Theo ông, Chính phủ kiến tạo phải là: (1) Một chính
phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể
chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó
với những diễn biến trên thực tế. (2) Nhà nước không làm thay thị trường, những
khu vực nào thị trường có thể làm được, doanh nghiệp tư nhân có thể làm được
thì nhà nước không can thiệp mà tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm; Nhà nước
đầu tư vào những khu vực doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư. (3) Chính phủ
kiến thiết một môi trường kinh doanh thuận lợi. (4) Nói đi đôi với làm; kỷ
luật, kỷ cương nghiêm minh; phải thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công
việc. Xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử, tòa án điện tử...
“Chính phủ” theo tiếng Hy
Lạp là “cầm lái”. Công việc của chính phủ là cầm lái. Điều này, ngay sau Cách
mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tới khi Người khẳng định
“nếu không có chính phủ thì không ai dẫn đường”. Chính phủ “dẫn đường” của
chính phủ không hoàn toàn giống nhau. Nhưng cơ bản của nội dung “dẫn đường”,
“cầm lái” có nghĩa là chính phủ ban hành cơ chế, chính sách và xây dựng bộ máy
nhân lực; tạo ra một phương thức quản lý thích hợp để kiến tạo môi trường và
điều kiện thuận lợi cho các hoạt động, các tầng lớp nhân dân phát huy mọi tiềm
năng phát triển. Điều quan trọng nhất không phải ở tuyên ngôn mà là hành động.
Chính phủ kiến tạo hiện
nay là sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh và tư duy, nhận thức của các nhiệm kỳ
trước về tinh thần của một chính phủ kiến tạo. Trong nhiệm kỳ 2011-2015, người
đứng đầu Chính phủ cũng đã khẳng định: “phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành
nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển”. Hiểu một cách khác, qua hơn 30
năm đổi mới, rõ ràng là chúng ta đang vận hành một Chính phủ kiến tạo phát
triển.
Điều cần thiết nhất hiện
nay là phải xác định được mục đích và nguồn lực của chính phủ kiến tạo. Mục
đích của chính phủ kiến tạo phải vì dân và do dân. Chính phủ vì dân nghĩa là
việc gì lợi cho dân, dù nhỏ mấy cũng phải hết sức làm; việc gì hại cho dân, dù
nhỏ mấy cũng phải tránh. Chính phủ do dân là phải động viên toàn dân, tổ chức
và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
Tình hình thế giới và
trong nước hiện nay có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen;
đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi
mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng,
Chính phủ và nhân dân ta phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa. Tất
cả những nhận thức với các chiều cạnh khác nhau nêu trên, chúng ta hiểu chính
phủ kiến tạo hiện nay là một chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính
sách để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Muốn vậy, phải chú trọng chất
lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở nâng cao năng
suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực, chủ động hội nhập quốc tế.
Phát triển chiều sâu
trong mô hình tăng trưởng hiện nay phải chú trọng cả vốn đầu tư, xuất khẩu và
thị trường trong nước. Trong khi sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, phải
phát huy vai trò quyết định của nội lực, trong đó chú trọng vai trò của doanh nghiệp
nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và khu vực sản xuất nông
nghiệp.
Để kiến tạo phát triển,
phải đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế và các ngành,
các lĩnh vực. Trọng tâm là đầu tư công, cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng
tâm là các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; cơ cấu lại ngân sách
nhà nước; giải quyết nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công, cơ cấu lại doanh nghiệp
nhà nước; cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Chính phủ kiến tạo, như
trên đã nói, cuối cùng là mục đích hoạt động của Chính phủ. Đại hội XII xác
định phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện
đại. Nước công nghiệp theo hướng hiện đại phải đạt các tiêu chí phát triển về
kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là những vấn đề mà chính phủ kiến tạo phải
quan tâm.
Kiến tạo là để phát
triển, vì phát triển và phải phát triển nhanh, bền vững. Vì vậy, trên cơ sở
thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phải thể chế
hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản; sở hữu trí tuệ; huy động, phân bổ và sử dụng
hiệu quả đất đai, tài nguyên, tài sản công. Đặc biệt, hoàn thiện thể chế phát
triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Không phân biệt hình
thức sở hữu, thành phần kinh tế trong việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Mọi
doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế thị trường,
bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật. Bảo đảm quyền tự do kinh
doanh, cạnh tranh lành mạnh của các chủ thể kinh tế đã được Hiến pháp quy định;
xóa bỏ các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh. Khuyến khích và tạo
điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động khởi nghiệp. Hoàn thiện thể chế về cạnh
tranh; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Trong nền kinh tế thị
trường, quản trị doanh nghiệp phải đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, hoạt động
theo cơ chế thị trường. Các đơn vị sự nghiệp công lập phải được trao quyền tự
chủ, tự chịu trách nhiệm về phạm vi hoạt động, về tổ chức bộ máy, biên chế,
nhân sự và tài chính. Chính phủ phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hợp
tác xã tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, hỗ
trợ phát triển thị trường. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi phát
triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền
kinh tế. Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
Chúng ta quan niệm nền
kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ,
đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng
XHCN. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý
của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu
“dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, Chính phủ có trách
nhiệm xây dựng và thực hiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và
các loại thị trường; gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền
vững, tiến bộ và công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm môi trường và
ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc
tế.
Một chính phủ kiến tạo
phải là sự hoạt động đồng bộ của cả hệ thống từ chính phủ Trung ương đến chính
quyền địa phương. Không thể “trên nóng dưới lạnh” như người đứng đầu Chính phủ
đã chỉ ra. Chính phủ và chính quyền địa phương phải có mối quan hệ chặt chẽ,
mật thiết, không thể “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nhiều địa phương cấp
tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường, xã hiện nay đang có những vấn đề ở các
mức độ và tính chất khác nhau, như bộ máy chưa trơn tru, đồng bộ, khoa học. Đó
chưa thể gọi là một chính phủ kiến tạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc đã chỉ rõ: chính phủ kiến tạo thì phải được lòng dân, lấy lòng dân làm
thước đo. Có những cái đúng pháp luật, thậm chí đúng thực tế, nhưng không được
lòng dân, không được dân đồng tình, ủng hộ thì cần phải xem lại. Chỉ đạo của
Thủ tướng thể hiện sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh khi
xây dựng chính phủ kiến tạo trong tình hình, bối cảnh hiện nay. Hồ Chí Minh
dạy: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng,
vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với
quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách
nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên
cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được
việc. Đằng này, cán bộ ta chỉ biết khư khư giữ nếp cũ. Cái không hợp cũng không
dám sửa bỏ. Cái cần thiết cũng không dám đặt mới. Đó là thói không phụ
trách“quá hữu, gặp sao hay vậy”(5). Tư tưởng Hồ Chí Minh hoàn toàn
đúng đắn, phù hợp với một Chính phủ kiến tạo trong bối cảnh đổi mới và hội nhập
hiện nay, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Cốt tủy của một chính phủ
kiến tạo là cán bộ và công tác cán bộ. Bởi vì mọi việc đều do người làm ra, từ
nhỏ đến to, từ xưa đến nay đều như vậy cả. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc.
Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vấn đề cán bộ
quyết định mọi việc. Cơ chế, bộ máy tốt mà con người không có đạo đức, cố tình
xuyên tạc, phá hoại thì không cơ chế, bộ máy nào phát huy nổi hiệu lực, thậm
chí gây hậu quả khôn lường. Vì vậy, cùng với việc nâng cao năng lực, hiệu quả
xây dựng và thực hiện thể chế, đường lối, chủ trương của Đảng thì điều trọng
yếu bậc nhất vừa trước mắt, vừa lâu dài là xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất
chính trị, đạo đức, năng lực trí tuệ, bản lĩnh và phương pháp, phong cách công
tác theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Một đội ngũ cán bộ phải hết
lòng, hết sức, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, dám chịu trách nhiệm trước
nhân dân, không tham quyền cố vị, tránh xa vòng danh lợi. Nếu không vậy thì
những nghị quyết và những chỉ thị, tuyên ngôn về chính phủ kiến tạo sẽ hóa ra
lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng(6) như
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo.
Không thể chấp nhận một
bộ máy hành chính từ Trung ương (Chính phủ) đến địa phương (chính quyền địa
phương) mà từ việc nhỏ đến việc lớn, phải có ý kiến của Thủ tướng thì mới giải
quyết. Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ, liêm chính không có đất cho loại
cán bộ không có năng lực giải quyết công việc, thiếu tính chuyên nghiệp trong
nhiệm vụ, chức trách được giao, nói không đi đôi với làm, thiếu tinh thần trách
nhiệm.
Muốn có cán bộ tốt, không
phải chỉ làm “đúng quy trình”, vì trong mỗi bước quy trình thì điều quan trọng
nhất là chất lượng. Phải kiểm soát được chất lượng các khâu của quy trình, nếu
không, “đúng quy trình” chỉ là cái vỏ che chắn. Vì vậy, phải làm theo tư tưởng
Hồ Chí Minh “để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến họ mà cất nhắc
cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và
công bằng”(7).
Nghị quyết Trung ương 5
khóa XII “Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa”, tháng 6-2017 đề cập đến việc nâng cao năng lực xây dựng và thực hiện
thể chế của Nhà nước với ý nghĩa là một mắt khâu quan trọng của Chính phủ kiến
tạo. Một trong những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện từ nay đến năm 2020 là
“Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nền kinh tế và năng lực kiến tạo sự phát
triển của Nhà nước, đặc biệt là năng lực, hiệu quả thể chế hóa đường lối, chủ
trương của Đảng và tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách của Nhà nước”(8).
Việc Nhà nước xây dựng và
thực hiện thể chế được nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII có thể coi là
những nội dung căn cốt của chính phủ kiến tạo hiện nay mà chúng ta đang ra sức
thực hiện.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý
luận chính trị số 1-2017
(1), (2) Hồ Chí Minh:
Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.21, 22.
(3), (5), (6), (7) Xem Hồ
Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.81, 286, 290, 336.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn
tập, Sđd, t.6, tr.232.
(8) ĐCSVN: Văn kiện Hội
nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng,
Hà Nội, 2017, tr.54.
PGS, TS Bùi Đình Phong
Viện Hồ Chí Minh và các
lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị quốc
gia Hồ Chí Minh
http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/2506-tu-chinh-phu-kien-thiet-ho-chi-minh-den-chinh-phu-kien-tao-hien-nay.html