PHÒNG, CHỐNG CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG TÍN NGƯỠNG,
TÔN GIÁO CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA HIỆN NAY
Trần Trí Nam
Thời gian
qua, bên cạnh những kết quả tốt đẹp về thực hiện chính sách tín ngưỡng, tôn
giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam, ở một số nơi vẫn còn nảy sinh một số vụ việc
va chạm giữa chính quyền với tổ chức tôn giáo mà nguyên nhân có khi thuộc về
khuyết điểm của cấp chính quyền địa phương, có khi thuộc về một số cá nhân của
tổ chức tôn giáo. Về phía chính quyền ở một số nơi, còn không ít cán bộ, đảng
viên có nhận thức chưa đúng, có thái độ mặc cảm, định kiến với tổ chức tôn giáo
và chức sắc tôn giáo, nên trong giao tiếp và xử lý công việc, có biểu hiện
thiếu thân thiện, công bằng và khách quan. Vụ việc xảy ra tại Nhà thờ Thái Hà,
Nhà Chung ở Hà Nội là tranh chấp về đất đai liên quan tới cơ sở cũ của tổ chức
tôn giáo. Vụ việc này xuất phát từ khuyết điểm của các cấp chính quyền không
thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng, cụ thể là Khoản a Điều 3 của Chỉ thị
1940/2008 về đất đai trong “trường hợp cơ sở tôn giáo có nhu cầu chính đáng sử
dụng nhà, đất đó vào mục đích tôn giáo thì tùy từng trường hợp cụ thể, Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể xem xét giao nhà, đất với
diện tích phù hợp; hoặc tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở mới
theo quy định của pháp luật”.
Ngoài ra,
hiện tượng các cá nhân hoặc nhóm cá nhân lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để có
các hành vi trục lợi, lừa bịp, buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan ngày càng
gia tăng và tạo ra những hệ lụy, dẫn đến làm mất uy tín của tôn giáo, gây khó
xử cho chính quyền. Hiện tượng muốn Nhà nước “ưu tiên, ưu đãi”, hoặc lạm dụng
sự thân thiện của chính quyền để khuếch trương tôn giáo, gây hiểu lầm trong xã
hội về thái độ của Nhà nước đối xử không công bằng giữa các tôn giáo, ưu đãi
tôn giáo này, khó khăn với tôn giáo kia đang ngày càng phức tạp. Đáng chú ý,
một số phần tử cơ hội chính trị, lấy danh nghĩa linh mục giáo sứ, trụ trì cơ sở
thờ tự như Nguyễn Văn Lý, Thích Quảng Độ, Đặng Hữu Nam… lợi dụng phương tiện
truyền thông và quan hệ với bên ngoài chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân bằng
cách tán phát thông tin, tài liệu vu cáo, xuyên tạc, thổi phồng một số khuyết
điểm nhỏ của chính quyền thành hành động đàn áp giáo dân, gây căng thẳng không
đáng có giữa chính quyền và tôn giáo. Hành động của họ đi ngược lại hoàn toàn
với chính sách nhất quán về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam,
cũng như phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Có thể khẳng định rằng, từ
khi nước ta giành được độc lập đến nay đã hơn 70 năm qua, Đảng, Nhà nước ta
luôn đặc biệt quan tâm và coi trọng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đảm bảo
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân,
thực hiện đoàn kết chặt chẽ lương - giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhất quán với chính sách tín ngưỡng, tôn giáo ở trong
các văn kiện của Đảng, Điều 24, Hiến pháp 2013 hiến định: “1. Mọi người có
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các
tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà
nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không
ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo
để vi phạm pháp luật”[1].
Cụ thể hóa
Điều 24 Hiến pháp 2013 và trước sự phát triển của tình hình trong đời sống tín
ngưỡng, tôn giáo, ngày 18/11/2016, Quốc hội đã thông qua và ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo số
02/2016/QH14 gồm 09 chương, 68 điều, quy định chi tiết các vấn đề về tín
ngưỡng, tôn giáo. Đáng chú ý, ngoài các vấn đề được kế thừa, phát triển so với
các văn bản pháp luật trước đó, Luật Tín
ngưỡng, tôn giáo dành hẳn Chương VIII quy định về quản lý nhà nước và xử lý
vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Như vậy,
chính sách, pháp luật ở Việt Nam khẳng định nhất quán quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của công dân cũng như cam kết bảo đảm các quyền đó gắn với lợi ích
quốc gia, dân tộc. Những chính sách đó của Đảng, Nhà nước Việt Nam được ban
hành những năm gần đây, đã định hướng và tạo hành lang pháp lý cũng như chỉ dẫn
cần thiết cho các cấp ủy đảng, chính quyền trong đối xử với các tổ chức tôn
giáo, các chức sắc và tín đồ tôn giáo ở các địa phương trong toàn quốc. Đồng
thời, đó cũng là hành lang pháp lý để các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc
và tín đồ tôn giáo hoạt động.
Theo khẳng
định của đồng chí Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khi tiếp
Đức Hồng y Reinhard Marx, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức (Báo điện tử Chính
phủ, ngày 11-1-2016): Trước năm 2000, Nhà
nước ta công nhận và cấp phép cho 3 tổ chức tôn giáo, tới nay đã công
nhận và cấp phép hoạt động cho 40 tổ chức thuộc 14 tôn giáo. Còn về số
lượng người theo các tôn giáo cũng đang tăng lên. Theo số liệu Tổng điều tra
dân số năm 2009, cả nước có 15.651.467 người theo tôn giáo. Trong đó Phật giáo
có 6,8 triệu, Công giáo 5,7 triệu, Tin lành 734.168 người. Đến năm 2011, theo
số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, cả nước có 25,4 triệu người là tín đồ các
tôn giáo, trong đó Phật giáo là 10 triệu, Công giáo 6,1 triệu, Tin lành là 1,5
triệu[2].
Như vậy, số lượng tín đồ các tôn giáo sau hơn 10 năm đã tăng tới 10 triệu
người, trong đó Tin lành tăng gấp 2 lần. Hàng chục nghìn cơ sở thờ tự (nhà thờ,
chùa chiền, thánh thất...) được xây dựng mới, được tu sửa, nâng cấp. Các trường
đào tạo chức sắc được mở ra ở nhiều nơi với nhiều cấp học, số lượng người theo
học ngày càng đông, số lượng chức sắc tăng lên. Riêng Công giáo có 7 đại chủng
viện, 26 tổng giám mục, 5 nghìn linh mục, 3 người là đại biểu Quốc hội khóa XIII,
38 người tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, hơn 300 người tham gia Hội đồng
nhân dân cấp huyện, quận[3].
Bên cạnh
sự phát triển về số lượng, quy mô tín ngưỡng, tôn giáo thì sách, báo, ấn phẩm
văn học tôn giáo được xuất bản với số lượng lớn; các ngày lễ của các tôn giáo
được tổ chức long trọng, nhiều sự kiện tôn giáo có tầm quốc gia và quốc tế được
tổ chức (thí dụ Đại lễ Vesak của Phật giáo); quan hệ giữa nhà nước Việt Nam và
các giáo hội trong và ngoài nước ngày càng thân thiện, hiểu biết lẫn nhau. Mối
quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo trong nước và ngoài nước rộng mở.
Những kết
quả của chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo hơn 70 năm qua ở Việt Nam là không
thể phủ nhận. Do đó, tất cả những biểu hiện lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để
chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đều trái với
tinh thần tự do tín ngưỡng, tôn giáo và hành lang pháp lý về tín ngưỡng, tôn
giáo ở Việt Nam. Song để phòng, chống các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù
địch lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, hơn lúc
nào hết, chúng ta cần hướng dẫn các chức sắc tôn giáo
hoạt động tôn giáo theo đúng chính sách, luật pháp của Đảng, Nhà nước. Phải
tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, ý thức dân
tộc, làm cho các chức sắc tôn giáo, giáo dân thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm
trong các giáo hội ở một nước văn minh, tiến bộ. Đồng thời, chúng ta cần giáo
dục, giác ngộ cho họ nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời chống âm mưu thủ
đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá sự
nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vì mục tiêu “Dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” gắn với thực hiện phương châm “Tốt đời - đẹp
đạo”, “Nước vinh - đạo sáng”./.
[1] Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các Hiến pháp
Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992, 2013), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2015, tr.203-204.
[2]
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đức Hồng y Reinhard
Marx, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Báo điện tử Chính phủ, ngày 11-1-2016.
[3] TS
Phạm Huy Thông: “Tình hình tôn giáo và những yêu cầu đặt ra với công tác tôn
giáo vận”,
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/2263/Tinh_hinh_ton_giao_va_nhung_yeu_cau_dat_ra_voi_cong_tac_ton_giao.