KÝ ỨC VÀ KHÁT VỌNG
Ngày 17 tháng 2 năm 1979-mới đấy mà
đã 40 năm tròn, biết bao đổi thay mới mẻ, biết bao điều kỳ diệu đã diễn ra trên
đất nước chúng ta, song cái ngày khói lửa bùng lên khắp miền biên giới phía Bắc
thật khó quên. Như muôn vạn người dân Việt Nam, những chiến binh và nhà báo
chiến sĩ chúng tôi từng trải qua những năm tháng cùng quân dân ta chiến đấu bảo
vệ Tổ quốc lại cháy lên những ký ức và khát vọng.
Ngày ấy Mục Nam quan-Hữu Nghị quan
bỗng chốc trở lại thành Ải Nam quan chống chọi với sức mạnh phương bắc. Trên
đường chúng tôi tiến về phía ấy cả đoạn đầu tiên của đường Thiên Lý đã không
còn người đi chợ Đồng Đăng, Kỳ Lừa; tuyến đường sắt Lạng Sơn sang Trung Quốc cỏ
đã mọc. Đường đã không còn là đường cho người đi, làng bản người Tày, người
Nùng đã không còn là nơi ở của dân bản. Thay vào đó, những tốp người bồng bế
nhau chạy vào các vùng núi cao, trú ngụ trong hang đá rồi tìm đường xuyên núi
rừng để về phía sau. Những cánh đồng không bóng người chỉ còn lại những xác
trâu bò, lợn gà… bị đạn, nằm lại... Những hình ảnh đầu tiên về chiến sự biên giới
đã được đăng trên Báo Quân đội nhân dân để ngay hôm sau tràn trên các
trang báo quốc tế.
Ngày ấy, qua khu vực ga Tam Lung,
chúng tôi lên đồi Chậu Cảnh đúng lúc Đại đội trưởng Phan Bá Mạnh cùng đại đội
của anh vừa phản kích thắng lợi giành lại vị trí chiến thuật quan trọng này ven
Quốc lộ 1. Trong làn đạn của đối phương từ các đồi bên cạnh bắn sang,
chúng tôi chỉ kịp trao đổi ngắn gọn; những pha ảnh, thước phim truyền hình chụp
và quay nhanh chóng.
Gương mặt sạm đen khói súng bê bết
đất và máu cùng giọng nói đanh chắc của Phan Bá Mạnh hôm đó còn mãi hằn sâu
trong tâm trí chúng tôi. Thật đau xót khi những bài viết, bức ảnh và thước phim
của chúng tôi chuyển về chưa kịp đến Hà Nội thì hôm sau chúng tôi nghe tin dữ:
Đại đội trưởng Phan Bá Mạnh đã hy sinh cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ của đại đội
anh.
Ngay dưới chân đồi, chiếc xe chở nhà
quay phim Như Đạt và tốp làm phim của Điện ảnh Quân đội vẫn nằm bất động. Các
anh đi trước chúng tôi, tất cả đều trúng đạn, thi thể các anh đã được chuyển về
phía sau. Trở về sở chỉ huy dã chiến của Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, rồi về lại
thị xã Lạng Sơn, chúng tôi được các đồng chí chỉ huy cho biết quân đối phương
quá đông, hỏa lực nhiều bắn như đổ đạn, các đơn vị thiệt hại nặng, rất nhiều
cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh trên các phòng tuyến phía Bắc
Lạng Sơn. Đại tá Lê Sơn (sau này là Thiếu tướng), Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh
Lạng Sơn thông báo cho chúng tôi về tình hình mặt trận và khẳng định tất cả các
đơn vị vẫn bám trụ trên các vị trí được phân công, các chiến sĩ bị lạc đang
được hướng dẫn trở về đơn vị.
*
* *
Những ngày sau đó, chúng tôi vừa
được chứng kiến cuộc sơ tán của những cơ quan tỉnh Lạng Sơn, vừa được đến với
nhiều trận địa mới của các trung đoàn thuộc Sư đoàn 3. Đến thời điểm quân đối
phương mở đợt tấn công lần thứ hai (ngày 27-2) thì chúng tôi đã gặp được các
đơn vị mới từ phía sau tăng cường lên mặt trận. Một tuyến phòng thủ mới được
lập nên ngay tại khu vực Khánh Khê và những trận đánh quyết liệt của Sư đoàn
327 trong những ngày tiếp theo đã làm nên tên gọi Khánh Khê đầy tự hào cho sư
đoàn. Phía trên, gần Đồng Đăng cán bộ, chiến sĩ một đại đội thuộc Trung đoàn
Công an vũ trang (Bộ đội Biên phòng hiện nay) mang tên Thanh Xuyên đã cho chúng
tôi biết anh em vừa báo cáo với Bộ tư lệnh về quyết tâm chiến đấu đến giọt máu
cuối cùng để giữ con đường 4B huyết mạch và bảo vệ, giúp đỡ cho nhân dân sơ tán
về phía sau…
Như vậy đấy, ngay những ngày đầu
tiên của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc, tất cả những đơn vị, những
người lính của chúng ta đều đã thể hiện tinh thần quyết đánh và quyết thắng như
lớp lớp ông cha để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Và cuộc chiến
đấu của quân dân ta còn tiếp diễn suốt nhiều năm sau đó.
Theo bước chân chiến sĩ đi về phía
tiếng súng nổ, chúng tôi đã có mặt trên nhiều vùng biên giới phía Bắc. Những
điểm cao-điểm tựa 400, 600, 820… ở Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, Bình Liêu, Lạng
Sơn, Quảng Ninh. Những dãy núi Nhạc Sơn, con đèo Ô Quy Hồ ở Hoàng Liên Sơn (Lào
Cai hiện nay), dòng sông Bằng Giang và những cung đường xuyên các vùng núi đá,
đồng lúa ở Cao Bằng… Rồi Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và con sông Nho
Quế; rồi Thanh Thủy, điểm cao 1509, Vị Xuyên ở Hà Giang… Chúng tôi không thể
quên hình ảnh những chiến sĩ công an, dân quân, những người mẹ, người chị,
những thầy, cô giáo vác từng chiếc bửng (ống bương, vầu khoét rỗng, đựng nước)
tiếp tế cho bộ đội trên những điểm cao ở Cao Lộc, Tràng Định. Và những mẹ Hiếu,
mẹ Mùi… ở thị xã Hà Giang tiếp cơm, tiếp rau, chăm sóc cho thương binh ở mặt
trận Vị Xuyên. Cũng chính các mẹ là những người đưa tiễn các anh đến nơi yên
nghỉ trong những nghĩa trang nằm ven các ngọn đồi, cánh đồng biên ải… Chúng tôi
vẫn nhớ những tháng năm ấy là những đoàn người ra trận trong đó có các chiến
binh từng vượt Trường Sơn năm xưa tái ngũ sát cánh cùng những chàng trai mười
tám, đôi mươi. Lại có những người đã vào độ tuổi 50, 60 cũng làm đơn tình
nguyện ra mặt trận…
*
* *
Càng không thể quên những ánh mắt
chiến binh rực lửa trên các điểm cao nhìn bao quát những vùng núi sông Tổ quốc.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới là vậy, phía sau là bình yên, phía trước và
ngay dưới chân người lính là khỏi lửa, là đất rung, là đủ loại đạn bắn thẳng,
đạn cầu vồng.
Điểm bắt đầu của biên cương Tổ quốc
là trái tim chiến sĩ. Khi đất nước bị đe dọa, khi sơn hà nguy biến thì câu “Nam
quốc sơn hà” lại vang động mọi thôn làng, ngõ phố và người chiến binh là những
người đầu tiên và cuối cùng sẵn sàng đón nhận hòn tên mũi đạn. Và tất cả
là chí khí độc lập, tự do, hòa bình và chủ quyền lãnh thổ, tự lực tự cường luôn
truyền đời, hiện hữu trong mỗi người dân Việt Nam.
Nhưng, đâu chỉ một thời mà là mãi
mãi chúng ta cháy bỏng khát vọng “Sửa hòa hiếu cho hai nước/ Tắt muôn đời
chiến tranh/ Chỉ cần vẹn đất cốt sao an ninh” (Nguyễn Trãi-Bình Ngô
đại cáo, thế kỷ 15). Chính nghĩa và khát vọng ấy đã được đường lối sáng
suốt và tài tổ chức của Đảng ta biến thành sức mạnh toàn dân tộc để đi từ thắng
lợi này đến thắng lợi khác. Chúng ta quyết chiến đấu và chúng ta cũng biết kết
thúc cuộc chiến để hai dân tộc được sống trong hòa bình, xây dựng. 40 năm
qua, những lớp người đã buộc phải cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc
cũng chính là những người kiến tạo hòa bình, hữu nghị và hợp tác với đất nước
láng giềng Trung Hoa. Xét cho cùng, đích đến cao đẹp của Đảng và nhân dân ta là
hướng tới bản chất và nguyện vọng cao cả đó của hai dân tộc Việt Nam-Trung Hoa
cũng như mọi dân tộc trên thế giới.
Sau những năm tháng khói lửa kéo dài
là công cuộc hồi sinh kỳ diệu trên khắp miền biên giới phía Bắc Tổ quốc. Chúng
tôi đã được đến những rừng hồi, rừng thảo quả, những vườn cam, quýt, hồng, mận
và đủ thứ cây dược liệu quý… ở Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu… Người Việt Nam,
người Trung Quốc đều được hưởng những đặc sản ấy như bao đời đã quen thuộc.
Chúng tôi được đến những cánh đồng hoang hóa đã được tắm tưới bởi mồ hôi công
sức của những người dân các dân tộc vùng biên cương cùng bộ đội, công nhân.
Những ngôi nhà sàn, nhà đất trình tường đã được dựng lại, những làng bản, lâm
trường mới, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa, sân vận động mới khang trang đã
mọc lên khắp nẻo biên cương… Những cửa khẩu quốc tế to đẹp, như: Tân Thanh,
Móng Cái, Thanh Thủy… không ngày nào không tấp nập xe cộ, chất ngất hàng hóa
qua lại giữa hai thị trường tiềm năng của hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Biên
cương yên ả, người dân hai bên qua lại làm ăn, thăm thú, cưới hỏi. Những làng
bản sát đường biên đôi bên kết nghĩa để sống hòa thuận, an lành. Kết nghĩa
đồn-trạm hữu nghị giữa lực lượng biên phòng hai bên đã góp phần chung tay xây
dựng và bảo vệ biên giới, cửa khẩu bình yên. Nhiều năm gần đây, những bạn hàng,
doanh nghiệp đôi bên bắt tay kinh doanh mỗi năm một nhiều, người Trung Quốc đã
quá quen với cảnh hàng nghìn, hàng vạn người Việt Nam sang học tập, làm ăn và
du lịch. Các đô thị, khu du lịch lớn của Việt Nam cũng đã quá quen với những
làn sóng du khách Trung Quốc.
Thời bình đã mở ra cơ hội phát triển
cho cả ta và bạn, và đương nhiên là cả những khó khăn, thách thức mới, nhiều
bề, nhiều phương diện mà hai nước đều phải gắn kết bằng hợp tác hòa bình, tôn
trọng lẫn nhau để vượt qua. Ổn định biên giới cả trên bộ, trên biển và trên
không là một phần trọng yếu trong ổn định mọi mặt của cả hai quốc gia láng
giềng. Chúng ta đã và sẽ luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ,
hòa bình trong việc triển khai quan hệ với các nước lớn, các đối tác quan trọng
và các nước láng giềng. Chúng ta mong và tin rằng mọi mối quan hệ đó ngày càng
nở hoa, tươi đẹp. Khát vọng ấy, đường lối ấy đã, đang và sẽ nhân lên sức mạnh
và vị thế đất nước trong cả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã
hội chủ nghĩa hôm nay cũng như mai sau.
MẠNH HÙNG
http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/ky-uc-va-khat-vong-566619