Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

“THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC VIỆT NAM LÀ KHAI HÓA VĂN MINH” - MỘT LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC



Hiện nay, có luận điệu cho rằng, “thực dân Pháp xâm lược Việt Nam là sự khai hóa văn minh”. Đây hoàn toàn là sự ngộ nhận, tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, nhằm hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cần phải kiên quyết đấu tranh, bác bỏ.
Chủ nghĩa thực dân là một “vết nhơ”, một lực cản sự tiến bộ trong lịch sử nhân loại. Mặc dù vậy, vẫn có những người do vô tình (thiếu thông tin), hoặc cố ý xuyên tạc thực tế lịch sử, khi biện minh, “ngợi ca” sự thống trị, “những đóng góp to lớn” của chủ nghĩa thực dân phương Tây đối với các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ la-tinh. Đối với nước ta, họ rêu rao rằng, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam là sự “khai hóa văn minh” cho một dân tộc lạc hậu và lập luận rằng: “Thời Pháp thuộc, có thể Việt Nam chưa giàu có, nhưng trước đó Việt Nam cũng đã sung sướng đâu?”; hoặc, các công trình, đường sá,… Việt Nam hiện nay đang sử dụng đều do Pháp xây dựng, chứ Đảng Cộng sản đã làm được gì đâu!, v.v. Đây hoàn toàn là luận điệu xuyên tạc, hòng phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hạ thấp, xem thường dân tộc Việt Nam của những kẻ ngộ nhận, thế lực thù địch, phản động.
Trên thực tế, việc phê phán, lên án và vạch trần bản chất của chủ nghĩa thực dân phương Tây nói chung, thực dân Pháp nói riêng đã được lịch sử nhân loại làm rõ. Chủ tịch Hồ Chí Minh tố cáo thực chất cái gọi là “khai hóa văn minh” của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam: đó chỉ là bình phong để họ áp đặt sự thống trị, thực hiện công cuộc khai thác ở một nước thuộc địa.
Về chính trị, pháp lý, sau khi xâm chiếm Việt Nam, “văn minh” của thực dân Pháp được thể hiện ở chỗ, họ đã không áp dụng những thành tựu của cuộc Đại cách mạng Pháp năm 1789 để thủ tiêu chế độ phong kiến chuyên chế đã lỗi thời, thay bằng một chế độ chính trị mới tiến bộ hơn, được soi chiếu bởi tư tưởng của những nhà khai sáng dân chủ tư sản; trái lại, những “nhà khai hóa” lại duy trì chế độ phong kiến làm tay sai cho bộ máy thống trị thực dân. Đặc biệt, thực dân Pháp thi hành ở Việt Nam chính sách pháp luật hết sức phản động, phân biệt đối xử giữa người da trắng và người bản địa. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (năm 1925), Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) viết: “Về hành chính và pháp lý: cả một vực thẳm cách biệt người Âu với người bản xứ. Người Âu hưởng mọi tự do và ngự trị như người chủ tuyệt đối; còn người bản xứ thì bị bịt mõm và bị buộc dây dắt đi, chỉ có quyền phải phục tùng, không được kêu ca, vì nếu anh ta dám phản đối thì anh ta liền bị tuyên bố là kẻ phản nghịch hoặc là một tên cách mạng, và bị đối xử đúng với tội trạng ấy”1.
Để duy trì ách thống trị của mình, thực dân Pháp còn thi hành chính sách “chia để trị”, hòng “làm nguội được tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong lòng người An Nam và tạo ra những mối xung khắc giữa anh em ruột thịt với nhau”2. Về công lý thì càng không được thực thi, “lẽ phải” đương nhiên thuộc về người da trắng, vì thế mà bất cứ tên thực dân nào cũng có thể giết chết, tàn sát hoặc cưỡng dâm người bản xứ; nếu có bị đưa ra tòa thì cũng được tha bổng. “Đó là việc áp dụng nguyên tắc nhằm bảo tồn bằng mọi cách uy tín của người da trắng trước bọn da vàng”3. Càng mỉa mai hơn khi những “nhà khai hóa” đã bộc lộ rõ bộ mặt lừa dối và tàn bạo khi thực hiện “chế độ lính tình nguyện” bằng cách tiến hành những cuộc lùng ráp lớn về nhân lực trên toàn cõi Đông Dương, đẩy hàng chục vạn người dân Việt Nam phải bỏ mạng nơi đất khách quê người, trở thành người đóng “thuế máu” cho chúng. Thậm chí, chính quyền thực dân đã hành hạ, tra tấn những người trong gia đình họ, cho đến khi những người trốn lính buộc phải nhận “tình nguyện” tham gia quân đội.
Không những thủ tiêu các quyền tự do, dân chủ của người dân, thực dân Pháp còn thẳng tay chém giết những người Việt Nam yêu nước dám đứng lên chống lại sự thống trị tàn bạo của chúng, tắm các cuộc khởi nghĩa, các phong trào đấu tranh yêu nước trong biển máu. Các nhà tù khổ sai ở Guyan, Tân Calêđôni, Côn Đảo,... đều đầy ắp tù chính trị người bản xứ sau những cuộc đàn áp. Súng liên thanh và máy chém đều chóng vánh buộc những ai “bướng bỉnh”, dám phản kháng lại sự “khai hóa văn minh” kiểu thực dân phải im hơi lặng tiếng. Đó có phải là khai hóa văn minh? Phải chăng, sự “khai hóa văn minh” được thể hiện ở phương châm: “Đối với cái giống nòi Annamít ấy, chỉ có một cách tốt để cai trị nó - đó là ách thống trị bằng sức mạnh...”4.
Trong lĩnh vực kinh tế, nhằm vơ vét tài nguyên, khoáng sản, làm giàu cho chính quốc, thực dân Pháp đã đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa, đỉnh cao là cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914) và lần thứ hai (1919 - 1929), làm khánh kiệt tài nguyên của đất nước. Đi kèm với đó, hệ thống giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng biển,…) phục vụ cho việc khai thác thuộc địa được mở mang; một số công trình dân sinh phục vụ cho nhu cầu của giới thực dân được xây dựng, chứ không nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân bản xứ.
Đáng nói hơn là, nhằm nô dịch, đầu độc, bóc lột dân ta, chính quyền thuộc địa đã áp dụng chính sách độc quyền, khuyến khích tiêu thụ rượu, thuốc phiện. “Lúc ấy, cứ một nghìn làng thì có đến một nghìn năm trăm đại lý bán lẻ rượu và thuốc phiện. Nhưng cũng trong số một nghìn làng đó lại chỉ có vẻn vẹn mười trường học”5. Từ năm 1900 đến năm 1910, chính quyền thuộc địa thu về 45 triệu tiền lời từ rượu. Đồng thời, sử dụng nhiều biện pháp khuyến khích, ép buộc người dân sử dụng thuốc phiện. Chế độ đó đã làm hại giống nòi Việt Nam nhưng đem lại nguồn thu không nhỏ cho những tên thực dân. Trong thời kỳ 1900 - 1907, ngân sách thu được từ thuốc phiện là 54 triệu đồng, bình quân mỗi năm Đông Dương thu được xấp xỉ 6,8 triệu đồng và năm 1911 thu về là 9 triệu đồng. Điều này đã được chính toàn quyền Đông Dương viết trong thư gửi cho những người thuộc quyền: “Kính gửi ông Công sứ, Tôi trân trọng yêu cầu ông vui lòng giúp đỡ những cố gắng của Nha Thương chính trong việc đặt thêm đại lý bán lẻ thuốc phiện và rượu, theo chỉ thị của ông Tổng Giám đốc Nha Thương chính Đông Dương. Để tiến hành việc đó, tôi xin gửi ông một bản danh sách những đại lý cần đặt trong các xã đã kê tên; phần lớn các xã này, vẫn hoàn toàn chưa có rượu và thuốc phiện”6. Cùng với đó, thực dân Pháp còn thực hiện chế độ cho vay nặng lãi, sưu cao, thuế nặng, với nhiều loại thuế, chỉ tính “từ năm 1890 đến năm 1896, thuế trực thu tăng gấp đôi; từ năm 1896 đến năm 1898 lại tăng lên gấp rưỡi”7. Điều đó làm cho đời sống người dân vốn đã cơ cực lại càng cơ cực, nhiều người vì gánh nặng nợ nần đã phải “bán vợ, đợ con” và nhà cửa, ruộng vườn để thoát nợ nần, tù tội.
Nói về “công lao khai hóa” của thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Sự tương phản càng nổi bật không kém trong lĩnh vực kinh tế. Một bên là những người bản xứ,... họ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt trong những lao tác nặng nhọc nhất và bạc bẽo nhất để kiếm sống một cách chật vật, và hầu như chỉ bằng sức của họ thôi, để nuôi mọi ngân quỹ của chính quyền. Một bên là những người Pháp và người nước ngoài: họ đều đi lại tự do, tự dành cho mình tất cả các tài nguyên của đất nước, chiếm đoạt toàn bộ xuất nhập khẩu và tất cả các ngành nghề béo bở nhất, bóc lột trâng tráo trong cảnh dốt nát và nghèo khốn của nhân dân”8. Người còn vạch trần thực chất “công cuộc khai hóa văn minh” của chủ nghĩa thực dân khi chỉ ra rằng, chính quyền thực dân Pháp đã không những không thủ tiêu chế độ ruộng đất phong kiến, mà còn tiếp tay, dung dưỡng cho nhiều tên địa chủ thực dân và địa chủ tay sai cướp đoạt ruộng đất của các làng xã, của người nông dân và duy trì phương thức kinh doanh phát canh thu tô lạc hậu, nhưng lại rất an toàn. Trên thực tế, có những tên tư bản sau khi sang Đông Dương và Việt Nam đã biến thành những tên địa chủ theo đúng nghĩa. Đó là “công lao” quay ngược bánh xe lịch sử tiến hóa. Do đó, nền kinh tế Việt Nam thời thực dân thực tế vẫn là một nền kinh tế lạc hậu, què quặt và để lại di chứng lâu dài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam sau này.
Vì vậy, trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án những chính sách kinh tế thời kỳ chế độ thực dân: “Về kinh tế - Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, rừng mỏ, nguyên liệu… Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta được giầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”9. Đó phải chăng là sự khai hóa văn minh của thực dân Pháp ở Việt Nam?
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực dân Pháp đã thể hiện sự “khai hóa” bằng “chính sách ngu dân” để trị. Tuy người Pháp có mở một số trường dạy chữ, dạy nghề, nhưng không phải vì mục tiêu nâng cao dân trí, mà chủ yếu nhằm đào tạo ra một đội ngũ người Việt có thể giúp việc đắc lực cho việc khai thác, bóc lột và duy trì lâu dài nền thống trị thuộc địa của mình. Điều này được Hồ Chí Minh dẫn ý kiến của ngay chính những người Pháp có “tâm địa thực dân” về nền giáo dục ở Đông Dương và Việt Nam: “Truyền học vấn cho bọn Annamít hoặc cho phép chúng tự chúng có học vấn, tức là một mặt cung cấp cho chúng những súng bắn nhanh để chống chúng ta, và mặt khác đào tạo những con chó thông thái gây rắc rối hơn là có ích...”10, hoặc “Chúng ta chỉ cần dạy tiếng Pháp cho người An Nam, dạy cho họ biết đọc, biết tính toán chút ít thôi; biết hơn nữa chỉ là thừa vô ích”11. Với mục đích hạn chế thanh thiếu niên Việt Nam đến trường, chính quyền thực dân quy định, hệ tiểu học gồm 5 lớp từ thấp đến cao, học sinh phải thi lấy bằng Sơ học yếu lược sau khi học được 3 năm và phải học bằng tiếng Pháp ở hai năm cuối. Các quy định khắt khe đó đã khiến nhiều học sinh nông thôn bỏ học, nên tình trạng mũ chữ vẫn là phổ biến trong dân chúng. Theo thống kê năm 1914, bình quân cả ba xứ, chỉ có 20% số trẻ em đến tuổi đi học được đến trường, 80% trẻ em Việt Nam bị thất học12.
Việc giảng dạy được thực hiện bằng tiếng Pháp và chương trình mang tính nhồi sọ, nô dịch và ngu dân, làm sai lệch lịch sử dân tộc Việt Nam, nghiêng hẳn về tuyên truyền cho nền văn hóa Pháp, phủ nhận sự tồn tại độc lập của nền văn minh bản địa, nhằm làm lạc hướng, tạo ra trong thanh thiếu niên tư tưởng lệ thuộc Pháp, khiếp sợ trước sức mạnh vật chất của chính quốc, hàm ơn đối với “công khai hóa” của chủ nghĩa thực dân và do đó sẵn lòng phục tùng Pháp, biến họ thành những kẻ mất gốc, quên đi nguồn gốc dân tộc và lịch sử nước mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngoài mục đích giáo dục để đào tạo tùy phái, thông ngôn và viên chức nhỏ đủ số cần thiết phục vụ cho bọn xâm lược - người ta đã gieo rắc một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát nữa, vì một nền giáo dục như vậy chỉ làm hư hỏng mất tính nết của người đi học, chỉ dạy cho họ một lòng “trung thực” giả dối, chỉ dạy cho họ biết sùng bái những kẻ mạnh hơn mình, dạy cho thanh niên yêu một Tổ quốc không phải là Tổ quốc của mình và đang áp bức mình. Nền giáo dục ấy dạy cho thanh thiếu niên khinh rẻ nguồn gốc dòng giống mình”13. Ngay cả người Pháp cũng nhận xét: “Về phương diện tinh thần, người Pháp không tổ chức một nền giáo dục mới thay thế cho nền giáo dục An Nam mà họ đã bỏ đi. Họ chỉ xây dựng được một ít trường học để đào tạo ra những con vẹt, những người vong bản thiếu đạo đức và thiếu cả kiến thức phổ thông”14. Không chỉ vậy, thực dân Pháp còn tăng cường kiểm soát các ấn phẩm, nhất là báo chí, sử dụng phương tiện văn hóa để tuyên truyền cho chủ nghĩa thực dân, công kích tư tưởng tiến bộ, phong trào cách mạng trên thế giới. Họ “cấm học sinh đọc tác phẩm của Huygô, Rútxô và Môngtexkiơ”15, vì lo sợ tư tưởng của các nhà khai sáng sẽ tác động đến thanh niên. Đi cùng với chính sách ngu dân, thực dân Pháp tăng cường thực hiện chính sách đầu độc, trụy lạc đối với người dân, nhất là đối với thanh niên; nạn cờ bạc, mại dâm, mê tín, thói hư, tật xấu,… được chính quyền các cấp dung túng, cho phát triển, trở thành ung nhọt, gây nhức nhối trong xã hội Việt Nam, v.v.
Còn trên lĩnh vực y tế, hầu như người dân không được hưởng sự chăm sóc y tế, thường xuyên đối mặt với các loại dịch bệnh, đặc biệt là các loại bệnh truyền nhiễm có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khả năng gây tử vong.
Rõ ràng, với những tư liệu sinh động, thuyết phục trên, nhất là những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã vạch trần bản chất của chủ nghĩa thực dân là khai thác kinh tế. Còn chiêu bài “khai hóa”, “bình đẳng, bác ái” chỉ là bình phong để họ thực hiện mục đích của mình. Đó là sự thật lịch sử, mà không ai có thể phủ nhận.
PGS, TS. LÝ VIỆT QUANG, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
____________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 11
2 - Sđd, Tập 2, tr. 125.
3, 4 - Sđd, Tập 1, tr. 11-12, 11.
5, 6, 7 - Sđd, Tập 2, tr. 40, 39, 81.
8 - Sđd, Tập 1, tr. 12.
9 - Sđd, Tập 4, tr. 2.
10, 11 - Sđd, Tập 1, tr. 11, 424.
12 - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Lịch sử - Lịch sử Việt Nam, Tập 7 (từ năm 1897 - 1918), Nxb Khoa học xã hội, H. 2013, tr. 172.
13, 14, 15 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 424.

ĐẤU TRANH LOẠI BỎ BIỂU HIỆN “LỢI DỤNG, LẠM DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN” - GIẢI PHÁP LÀM TRONG SẠCH ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN



Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: “lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn” là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống rất nghiêm trọng của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống chính trị. Chính vì vậy, đấu tranh loại bỏ nó là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Hiện nay, trong bộ máy công quyền ở nước ta, đa phần cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có những biểu hiện lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ diễn ra trên nhiều lĩnh vực, với những thủ đoạn rất tinh vi. Có người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái nhằm chiếm đoạt tài sản (cá nhân, tổ chức, nhà nước), làm sai lệch kết quả hoặc thông tin nào đó,… để trục lợi cá nhân. Có người lại thao túng công tác cán bộ, lạm dụng quyền lực để cất nhắc, bổ nhiệm đề bạt người thân, người nhà, “cánh hẩu” vào các vị trí, chức vụ được cho là nhạy cảm, “dễ sinh lời”, v.v. Việc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi của cán bộ, đảng viên do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân cơ bản nhất là do cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các tổ chức của Đảng, các cơ quan của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương cũng như các tổ chức chính trị xã hội các cấp chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả; còn có những kẽ hở để một số cán bộ, đảng viên lợi dụng, lạm dụng, cố ý làm trái.
Trên thực tế, việc thực hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng và thực thi Luật Phòng chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ sau Đại hội XII đến nay đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng. Đã có hơn 1.300 cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý liên quan đến các biểu hiện lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, chuyên quyền, độc đoán trong công tác cán bộ,... dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát tiền, tài sản của nhà nước, nhân dân; làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, lợi dụng biểu hiện đó, các thế lực thù địch, cơ hội, phản động xuyên tạc, quy kết, thổi phồng, thực hiện ý đồ xấu. Bởi vậy, đấu tranh loại bỏ những biểu hiện lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn là một trong những vấn đề cấp bách, giải pháp rất quan trọng nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh hiện nay.
Để thực hiện mục tiêu đó, chúng ta cần tập trung làm tốt một số vấn đề chủ yếu sau:
Một là, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phòng, chống hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, làm cho mọi người thấy rõ việc đấu tranh xóa bỏ hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ là tất yếu khách quan, giải pháp quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xử lý nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên sai phạm không làm “chậm lại” sự phát triển, mà ngược lại, càng làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân. Để đạt hiệu quả cao, các tổ chức đảng, nhất là chi bộ phải làm tốt công tác giáo dục, quán triệt cho mọi cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức vụ trong hệ thống chính trị về tinh thần, ý thức phục vụ, chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định; nâng cao tinh thần phê bình và tự phê bình; phân tích chất lượng cán bộ, đảng viên hằng năm phải lấy Luật Công chức, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, đảm bảo quá trình thực thi công vụ của công chức Nhà nước phải “suốt đời làm công bộc của nhân dân, không màng đến vòng danh lợi” làm căn cứ đánh giá. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần cụ thể hóa để thực hiện tốt Quy định 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên nêu gương “phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống lợi dụng chức vụ, quyền hạn”; nguwoif có chức vụ càng cao thì sự gương mẫu, tinh thần “dĩ công vị thượng” càng phải được khẳng định; tuyệt đối “không để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi”.
Hai là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ, chức trách, quyền hạn của cán bộ, đảng viên. Đây là giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những biểu hiện, hành vi vi phạm quy chế, quy định pháp luật,… của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của bộ máy công quyền. Vì thế, phải tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; duy trì nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết ngăn chặn tình trạng quan liêu, buông lỏng quản lý, xa rời thực tiễn, cơ sở. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn, phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan phòng, chống tham nhũng, giúp việc các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử phải vững mạnh, thực sự là những “thanh bảo kiếm” sắc bén, có bản lĩnh bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, can ngăn những việc làm chưa đúng. Cùng với đó, phải phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, kịp thời phát hiện những biểu hiện sai trái, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân và gia đình; có quy định chặt chẽ để ngăn ngừa hiệu quả những sự tác động vào hoạt động của các cơ quan này; tránh tình trạng làm cho qua, hình thức, chiếu lệ, nể nang, thậm chí biểu hiện bao che, chống lưng, sân sau, lợi ích nhóm.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong toàn hệ thống chính trị. Các cơ quan, đơn vị cần nhanh chóng hoàn thiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; quy định về việc ngăn chặn những người có chức, có quyền lợi dụng cương vị công tác để trục lợi; quy định về cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định về điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, lợi dụng chức, quyền, tham nhũng, uy tín thấp. Song song với đó, cần thực hiện tốt cơ chế kiểm soát, giám sát và phản biện từ trên xuống, từ dưới lên, từ bên ngoài (của nhân dân, các tổ chức xã hội,…) và từ trong nội bộ cơ quan, tổ chức, làm cho cán bộ, đảng viên “không thể” và “không dám” lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc cố ý làm trái trong khi thi hành công vụ. Trong đó, việc phát huy tai mắt nhân dân, vai trò của báo chí là một giải pháp rất quan trọng. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều vụ án tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được phát giác từ quần chúng nhân dân và báo chí, dư luận xã hội.
Bốn là, kịp thời xử lý đối với cán bộ, đảng viên có những biểu hiện, hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Đây là việc làm hết sức quan trọng, có tác dụng trực tiếp cảnh báo, phòng ngừa, răn đe đối với các tổ chức đảng và đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật; thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và kỷ luật của Đảng. Các cơ quan, đơn vị phải quán triệt và thực hiện đúng phương châm chỉ đạo của Đảng xử lý những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật nói chung, hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn nói riêng một cách nghiêm minh, chính xác, khách quan, đúng người, đúng tội; không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; tạo môi trường làm việc văn hóa, thân thiện, đoàn kết , … để cán bộ, đảng viên được tôi luyện và trưởng thành.
Đấu tranh loại bỏ những biểu hiện lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn ra khỏi suy nghĩ, hành vi của cán bộ, đảng viên là việc làm mang tính cấp bách và là một trong những giải pháp rất cơ bản làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN SỸ HỌA, Học viện Lục quân

“LÒ LỬA” NAM Á TRƯỚC NGUY CƠ BÙNG PHÁT



Ngày 14-02-2019, vụ tấn công của nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad (có trụ sở tại Pa-ki-xtan) vào khu vực Ca-sơ-mia do Ấn Độ kiểm soát đã châm ngòi cho một loạt hành động trả đũa quân sự lẫn nhau giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Dư luận quốc tế lo ngại rằng, căng thẳng trên nếu không được giải quyết kịp thời có thể làm bùng nổ “lò lửa” Nam Á vốn đã âm ỉ từ lâu.
Lịch sử quan hệ thù địch giữa hai nước
Xét một cách toàn diện, những mâu thuẫn dai dẳng, có lúc căng thẳng đến đỉnh điểm xảy ra giao tranh giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan có nguồn gốc sâu xa từ trong lịch sử. Dưới thời thuộc địa Anh, tiểu lục địa Ấn Độ được chia làm hơn 500 vương quốc do các ông hoàng bản địa lãnh đạo về hình thức, còn quyền lực thật do người Anh nắm giữ. Tháng 8-1947, Anh quyết định trao trả độc lập cho vùng Nam Á theo Kế hoạch Mun-bát-ten (Mountbatten), chia khu vực này thành 02 quốc gia độc lập là Ấn Độ (với người Hin-đu chiếm đa số) và Pa-ki-xtan (với đa số là người Hồi giáo).
Sau quyết định chia tách, 90 triệu người dân của các tiểu quốc đứng trước sự lựa chọn gia nhập một trong hai quốc gia mới. Trong quá trình di chuyển về lãnh thổ quốc gia lựa chọn, các tôn giáo đã tàn sát lẫn nhau, làm hàng trăm nghìn người dân bị giết hại, đẩy mâu thuẫn hận thù tôn giáo, sắc tộc giữa hai nước lên cao. Không lâu sau đó, tháng 10-1947, cuộc tranh chấp khu vực Ca-sơ-mia bằng quân sự lần đầu tiên xảy ra giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan. Do cuộc chiến kéo dài không có hồi kết, ngày 01-01-1949, một thỏa thuận ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian được ký với quyết định dành 65% lãnh thổ Ca-sơ-mia cho Ấn Độ kiểm soát và phần còn lại thuộc về Pa-ki-xtan. Đường ranh giới ngừng bắn (LOC) được thiết lập và từ đó đến nay vẫn được coi như biên giới giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan tại Ca-sơ-mia.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, đa số người Hồi giáo ở khu vực Ca-sơ-mia thuộc phần kiểm soát của Ấn Độ không muốn nằm dưới quyền cai trị của người Hin-đu, cùng với việc nhiều tín đồ Hồi giáo ở đây bị phân biệt đối xử khi di cư tới những khu vực khác của Ấn Độ, khiến mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc ngày càng lên đỉnh điểm. Với lý do đòi lại công bằng cho những người Hồi giáo anh em ở bên kia biên giới, nhiều nhóm vũ trang được thành lập tại phần lãnh thổ Pa-ki-xtan để thực hiện những cuộc tấn công nhằm vào người Hin-đu, nhưng kết quả không những không đạt được, mà còn làm cho mối quan hệ giữa hai tôn giáo, hai quốc gia ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Không dừng ở đó, năm 1965, Ca-sơ-mia tiếp tục là khu vực tranh chấp lần thứ hai giữa Pa-ki-xtan và Ấn Độ, trực tiếp là giữa hai tôn giáo nhưng kết cục cũng không cải thiện được tình hình. Và rồi, cuộc xung đột lần thứ ba tiếp tục diễn ra vào năm 1971, khi Ấn Độ trợ giúp phong trào ly khai đòi độc lập ở Đông Pa-ki-xtan với kết quả là nước Băng-la-đét được thành lập. Và mâu thuẫn giữa hai nước ngày càng gia tăng.
Trước tình hình đó, để khẳng định sức mạnh quân sự răn đe đối thủ, cả hai nước bước vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và trong cuộc xung đột nghiêm trọng gần đây nhất (tháng 5-1999), tại vùng Ca-gin, hai nước đã đe dọa và có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân. Nguyên nhân là do biệt kích Pa-ki-xtan đã xâm nhập vào vùng lãnh thổ Ca-sơ-mia thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ, nhằm tái chiếm một thung lũng mà Pa-ki-xtan cho rằng là của mình. Về mặt địa lý, Ca-gin là vùng đất nằm sát đường ranh giới giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan do Liên hợp quốc lập ra tại khu vực Ca-sơ-mia. Khu vực này được bao quanh bởi những dãy núi cao có giá trị lớn về mặt quân sự, nhất là việc triển khai các phương án cơ động lực lượng yểm trợ, tiếp tế quân lương qua tuyến đường nối với Ska-du - một thị trấn của Pa-ki-xtan, cách Ca-gin khoảng 170km về phía Tây Bắc. Nếu chiếm được Ca-gin, Pa-ki-xtan sẽ kiểm soát toàn bộ khu vực Ca-sơ-mia. Ban đầu, I-xla-ma-bát phủ nhận trách nhiệm về cuộc tấn công và cho rằng đó là kế hoạch của một nhóm phiến quân độc lập. Tuy nhiên, các cuộc điều tra do Liên hợp quốc tiến hành đều khẳng định: quân đội Chính phủ Pa-ki-xtan là lực lượng thực hiện kế hoạch chiếm đóng Ca-gin. Thậm chí, Mỹ còn chỉ rõ rằng, hầu hết 700 quân xâm nhập qua đường ranh giới Ca-sơ-mia là thuộc Quân đoàn 10 của Pa-ki-xtan. Với quyết tâm không thể để mất khu vực địa hình có giá trị chiến lược này, ngày 06-6-1999, Ấn Độ dồn tổng lực tấn công quân sự với chiến dịch mang tên Vi-jay. Sau hơn một tháng giao tranh dữ dội, con số thương vong của cả hai phía đã lên tới gần 2 nghìn người; cuộc tranh chấp Ca-gin đã đẩy hai nước tới sát bờ vực chiến tranh hạt nhân, nguy hiểm hơn cả thời điểm năm 1962, khi Liên Xô và Mỹ đe dọa sử dụng tên lửa hạt nhân xung quanh việc giải quyết vấn đề Cu-ba. Đứng trước tình hình này, nhiều quốc gia trên thế giới không thể ngồi im. Cuối tháng 6-1999, Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn và các cố vấn an ninh quốc gia đã có cuộc họp khẩn cấp để kịp thời tháo ngòi nổ chiến tranh. Với những dữ liệu điều tra có được về việc Pa-ki-xtan đang chuẩn bị triển khai lực lượng hạt nhân, trong thư gửi Thủ tướng Na-oa Sa-ríp, Tổng thống Bin Clin-tơn đặt điều kiện tiên quyết là I-xla-ma-bát phải rút quân, nếu không Oa-sinh-tơn sẽ giữ lại 100 triệu USD mà nước này vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Sau nhiều cuộc trao đổi gay gắt, cuối cùng Mỹ cũng đã tạo được sức ép với nhà lãnh đạo Pa-ki-xtan trong chuyến thăm Oa-sinh-tơn vào đầu tháng 7-1999. Ngày 11-7-1999, Pa-ki-xtan buộc phải rút quân khỏi Ca-gin, kết thúc một trong những cuộc chiến được coi là đẫm máu nhất giữa hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân tại Nam Á.
Có thể nói, Ca-sơ-mia là tâm điểm tranh chấp giữa hai nước và trên thực tế, sau trận chiến Ca-gin năm 1999, Ấn Độ và Pa-ki-xtan đã có những nỗ lực đàm phán nhằm xây dựng một mối quan hệ hữu hảo hơn. Điều đó được thể hiện rõ nét vào năm 2015, sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi đã mời người đồng cấp Pa-ki-xtan Na-oa Sa-ríp tham dự lễ nhậm chức của mình. Tiếp theo đó, Niu Đê-li đã khởi động một tiến trình hòa giải với quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, kế hoạch của hai bên chưa kịp triển khai thì ngày 02-01-2016, căn cứ không quân Pa-than-kot của Ấn Độ lại bị nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad tấn công. Hy vọng hòa bình vừa nhen lên đã lại vụt tắt.
Nguy cơ thổi bùng lò lửa Nam Á
Vụ tấn công khủng bố ngày 14-02-2019 nhằm vào Ấn Độ thêm một lần nữa thổi bùng những mâu thuẫn giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và có thể biến Nam Á thành một “lò lửa” khó kiểm soát. Cáo buộc I-xla-ma-bát đứng đằng sau vụ đánh bom, Niu Đê-li đã thực hiện hàng loạt hành động đáp trả, như: xóa bỏ ưu đãi tối huệ quốc đối với Pa-ki-xtan, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đập ở thượng nguồn sông Ấn làm giảm nguồn nước chảy vào Pa-ki-xtan, đưa chiến đấu cơ không kích các cơ sở của Jaish-e-Mohammad trên đất Pa-ki-xtan. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thực hiện không kích vào một quốc gia khác cũng sở hữu vũ khí hạt nhân. Đáp lại, Pa-ki-xtan lập tức bắn hạ 02 máy bay Ấn Độ, điều động thêm 05 đơn vị tên lửa đất đối không LY-80 (HQ-16) và ra-đa cảnh giới đường không IBIS-150 cùng nhiều máy bay không người lái tới sát đường biên giới nhằm răn đe đối thủ.
Xét về tương quan sức mạnh quân sự, Pa-ki-xtan hiện duy trì lực lượng quân đội đông đảo với 560.000 binh sĩ, nhưng vẫn kém hơn nhiều so với con số 1,2 triệu quân của Ấn Độ. Trong trường hợp khẩn cấp, Niu Đê-li vẫn còn lực lượng dự bị và tổng động viên đông đảo gấp nhiều lần I-xla-ma-bát. Ấn Độ hiện có khoảng 3.500 xe tăng, trong đó có các xe tăng hiện đại nhất của Nga là T-90; trong khi đó, Pa-ki-xtan chỉ sở hữu khoảng 2.500 xe, chủ yếu do Trung Quốc sản xuất. Về không quân, Pa-ki-xtan hiện có 425 máy bay chiến đấu các loại do Pháp, Mỹ, Trung Quốc sản xuất; Ấn Độ sở hữu 800 máy bay nhưng đa số có từ thời Liên Xô, như: MIG-21 và MIG-27, sức mạnh chủ lực của không quân Ấn Độ nằm ở 200 chiếc Su-30 với đầy đủ trang thiết bị, vũ khí tối tân. Về hải quân, Ấn Độ sở hữu nhiều tàu chiến cỡ lớn hơn Pa-ki-xtan. Điểm đáng lưu ý là, dù yếu thế hơn nhiều so với Ấn Độ về sức mạnh quân sự, nhưng Pa-ki-xtan vẫn nắm trong tay “vũ khí tối thượng” có sức mạnh tương xứng, đó chính là vũ khí hạt nhân. Theo thống kê, Pa-ki-xtan sở hữu khoảng từ 140 - 150 đầu đạn hạt nhân, hơn một chút so với Ấn Độ (khoảng 130 - 140). Theo nhận định của các nhà phân tích, ngưỡng giới hạn cho một cuộc chiến tranh hạt nhân bùng nổ giữa hai quốc gia này hiện đang ở mức “báo động đỏ”. Học thuyết hạt nhân của Pa-ki-xtan chỉ thị rõ mục tiêu tấn công hạt nhân duy nhất là Ấn Độ. Nguy hiểm hơn, Pa-ki-xtan cũng có quan điểm sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trước, nhằm đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường trên quy mô lớn của Ấn Độ. Về phần mình, Ấn Độ đã phát triển học thuyết “khởi phát nhanh” để sẵn sàng trả đũa ngay sau một cuộc tấn công bất thường của Pa-ki-xtan, với việc huy động nửa triệu binh sĩ trong 72 giờ và tấn công bằng xe bọc thép, nhanh chóng chiếm các mục tiêu giới hạn dưới ngưỡng hạt nhân của I-xla-ma-bát.
Hiện tại, nhiều cường quốc, nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nga đang nỗ lực ngăn chặn việc bùng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện ở Nam Á. Những tín hiệu phát đi gần đây của Ấn Độ và Pa-ki-xtan cho thấy, cấp độ thù địch đã vượt xa các đụng độ ở biên giới. Hay nói cách khác, nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quân sự Ấn Độ - Pa-ki-xtan trên quy mô lớn là rất cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan không chỉ giết chết hàng triệu người ở Nam Á, mà còn gieo rắc thảm họa lên ngành nông nghiệp toàn cầu bởi một lượng rất lớn khói, tro bụi bay vào bầu khí quyển và có thể dẫn tới cái chết của khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới.
Theo các nhà phân tích quốc tế, cả Ấn Độ và Pa-ki-xtan đều đang ở trên “con dốc trơn” và nếu họ không ngừng ngay các cuộc không kích cũng như nã pháo vào nhau, rất có thể hai nước láng giềng trang bị vũ khí hạt nhân này sẽ không còn đường lui. Hiện nay, cánh cửa để hạ nhiệt căng thẳng dù hẹp nhưng cơ hội cho một thỏa hiệp vẫn còn, nếu mỗi bên chịu dẹp bớt những toan tính, lợi ích riêng để cùng ngồi lại vì sự ổn định chung. Bởi, tiếp tục quân sự hóa cuộc xung đột chỉ làm suy yếu khả năng đạt được một giải pháp thông qua đàm phán. Nếu ban lãnh đạo mỗi nước không thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ, tranh chấp và bạo lực sẽ tiếp tục khiến vòng xoáy xung đột gia tăng lên những cấp độ mới.
Dư luận kỳ vọng, thời gian tới, với sự giúp đỡ của các cường quốc và tổ chức quốc tế, hai nước sẽ giải quyết cuộc xung đột thông qua các biện pháp ngoại giao và đối thoại vì mục đích hòa bình, ổn định không của chỉ riêng hai nước, mà cả của khu vực và thế giới.

CHIẾN LƯỢC “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” CỦA MỸ NHÌN TỪ CUỘC KHỦNG HOẢNG Ở VÊ-NÊ-DU-Ê-LA



Sau khi thực hiện thành công chiến lược “Diễn biến hòa bình” làm tan rã chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, Mỹ tiếp tục sử dụng chiến lược này để loại bỏ chính thể ở những quốc gia không chấp nhận vai trò lãnh đạo của Oa-sinh-tơn. Trong đó, Vê-nê-du-ê-la đã và đang trở thành tâm điểm chống phá.
Vị thế của Vê-nê-du-ê-la trong chiến lược toàn cầu của Mỹ
Vê-nê-du-ê-la là quốc gia có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ trên nhiều phương diện. Đặc biệt, trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc và Nga hiện nay, Vê-nê-du-ê-la càng trở nên quan trọng đối với Mỹ cả về kinh tế, chính trị và quân sự.
Về kinh tế, Mỹ theo đuổi toan tính kiểm soát nguồn dầu mỏ khổng lồ của Vê-nê-du-ê-la1, hòng đánh bật ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ra khỏi quốc gia này, hướng tới kiểm soát toàn bộ nguồn tài nguyên dầu mỏ của thế giới. Theo các chuyên gia, đây là một trong những nội dung quan trọng nhất, có ý nghĩa then chốt trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, nhằm tiếp tục duy trì vị thế cho đồng đô la được bảo đảm bằng tổng giá trị tài nguyên dầu mỏ của thế giới và cũng là một trong những trụ cột của nền kinh tế Mỹ.
Về chính trị, Mỹ không chấp nhận tư tưởng cách mạng Bô-li-va hay “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” do cố Tổng thống Hu-gô Cha-vét khởi xướng và người tiếp nối tư tưởng này là Tổng thống đương nhiệm Ni-cô-lát Ma-đu-rô. Chính vì vậy, kể từ năm 1999, khi ông Hu-gô Cha-vét lên cầm quyền ở Vê-nê-du-ê-la, Oa-sinh-tơn đã đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, nhằm loại bỏ chính thể ở Ca-ra-cát, dựng lên một chính thể khác nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ tại quốc gia này, nhưng chưa thành công. Hiện nay, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm - người từng tuyên bố không chấp nhận chủ nghĩa xã hội, đang ráo riết đẩy nhanh quá trình thay đổi thể chế chính trị ở Vê-nê-du-ê-la.
Về quân sự, Mỹ đặc biệt lo ngại trước hoạt động của Nga không chỉ đầu tư vào ngành khai thác dầu mỏ, mà còn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Vê-nê-du-ê-la. Hiện tại, Vê-nê-du-ê-la là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga ở Mỹ La-tinh. Mát-xcơ-va cũng đang nghiên cứu khả năng sử dụng một căn cứ quân sự ở Vê-nê-du-ê-la trên cơ sở thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên; đồng thời, sử dụng các hải cảng, sân bay của Vê-nê-du-ê-la để bảo dưỡng kỹ thuật và tiếp nhiên liệu cho lực lượng không quân và hải quân hoạt động ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Đây có thể là biện pháp của Nga nhằm đáp trả sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ và NATO tại những quốc gia Đông Âu sát biên giới Nga. Về phía Mỹ, nước này phản đối việc hợp tác quân sự giữa Nga và Vê-nê-du-ê-la; đồng thời, tính đến phương án sau khi hai nước rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Mát-xcơ-va có thể bố trí những loại tên lửa này trên lãnh thổ Vê-nê-du-ê-la để đáp trả quyết định của Mỹ biến châu Âu thành căn cứ tên lửa khổng lồ sát biên giới Nga.
Chiến lược “Diễn biến hòa bình” của Mỹ ở Vê-nê-du-ê-la
Hoa Kỳ đang dựa vào Học thuyết Môn-rô2 được Quốc hội nước này thông qua năm 1823, để tự cho mình quyền được can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia ở Mỹ La-tinh - nơi Oa-sinh-tơn coi là “sân sau” của họ. Trên thực tế, Mỹ đang tìm mọi biện pháp ngăn chặn, kiềm chế sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc ở khu vực Mỹ La-tinh, nhất là khi chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đang động chạm tới “sân sau” của họ; trong đó, Mỹ hết sức chú trọng ngăn cản việc thực thi dự án xây dựng Kênh đào thế kỷ đi qua Ni-ca-ra-goa để thay thế Kênh đào Pa-na-ma do họ đang kiểm soát. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện đột phá xóa bỏ thể chế chính trị ở Vê-nê-du-ê-la cũng như ở Cu-ba, Ni-ca-ra-goa, Bô-li-vi-a và các nước khác ở khu vực Mỹ La-tinh đang ủng hộ dự án chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, đi ngược quỹ đạo của Oa-sinh-tơn.
Để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” loại bỏ chính thể ở Vê-nê-du-ê-la, Mỹ đã và đang áp dụng nhiều biện pháp khác nhau.
Một là, tạo cớ để can thiệp. Thông qua bộ máy truyền thông khổng lồ và nhận được sự hưởng ứng của truyền thông nhiều nước đồng minh, Mỹ không ngừng lên án chính thể của Tổng thống Hu-gô Cha-vét trước đây và Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô hiện nay là chế độ “độc tài”, “tham nhũng” và “vi phạm nhân quyền”. Đồng thời, tiến hành cuộc chiến tranh thông tin - tâm lý trên quy mô quốc tế, dựa vào những khó khăn và khủng hoảng kinh tế do tác động của nhiều yếu tố: chủ quan và khách quan, bên trong và bên ngoài,… để kích động người dân Vê-nê-du-ê-la xuống đường biểu tình đòi thay đổi lãnh đạo đất nước, với cáo buộc “yếu kém và bất lực trong quản lý kinh tế”. Biện pháp này đã từng được Mỹ sử dụng khá hiệu quả ở nhiều quốc gia, như: Nam Tư (dẫn tới cuộc chiến tranh Cô-xô-vô năm 1999), Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi và Xy-ri (trong các biến động chính trị mang tên “Mùa Xuân A-rập”) và U-crai-na.
Hai là, hậu thuẫn lực lượng đối lập. Một trong những khiếm khuyết rất nghiêm trọng trong hệ thống chính trị của Vê-nê-du-ê-la là chấp nhận sự tồn tại của chế độ đa đảng chính trị. Ở Vê-nê-du-ê-la hiện nay, ngoài Ðảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất - đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, còn có nhiều đảng phái chính trị khác không chỉ được phép tồn tại mà còn có quyền tham gia ứng cử, đề cử vào quốc hội và bầu cử tổng thống. Trong đó, đáng chú ý là các đảng đối lập, như: Công lý trước tiên, Ý nguyện nhân dân, Hành động dân chủ, v.v. Trong cuộc bầu cử Quốc hội Vê-nê-du-ê-la ngày 06-12-2015, các đảng đối lập đã giành chiến thắng và thống nhất với nhau sẽ luân phiên trao ghế Chủ tịch Quốc hội Vê-nê-du-ê-la cho lãnh đạo các đảng này. Ngày 05-01-2019, thành viên của Đảng Ý nguyện nhân dân là Hoan Gu-ai-đô - nhân vật thân Mỹ và đã từng được Cục Tình báo Trung ương Mỹ tuyển mộ, được trao quyền Chủ tịch Quốc hội Vê-nê-du-ê-la. Đây chính là cơ hội để Mỹ hành động. Theo kịch bản được Oa-sinh-tơn soạn thảo, ngày 23-01-2019, Hoan Gu-ai-đô tuyên bố là “Tổng thống lâm thời của Vê-nê-du-ê-la”. Ngay lập tức, Mỹ và nhiều nước đồng minh tuyên bố công nhận Hoan Gu-ai-đô là “Tổng thống hợp hiến duy nhất của Vê-nê-du-ê-la” và không công nhận Ni-cô-lát Ma-đu-rô là tổng thống, mặc dù ông được người dân Vê-nê-du-ê-la bầu lên, thông qua cơ chế dân chủ bỏ phiếu trực tiếp toàn dân và vừa tuyên thệ nhậm chức trước đó vài ngày.
Ba là, thực hiện các biện pháp cấm vận, trừng phạt kinh tế và cô lập ngoại giao. Lấy lý do “Vê-nê-du-ê-la gây nên mối đe dọa đặc biệt đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ”, Oa-sinh-tơn đã áp đặt các biện pháp cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với Ca-ra-cát. Từ năm 2013 đến 2017, các lệnh cấm vận tài chính của Mỹ ước tính gây thiệt hại cho Vê-nê-du-ê-la khoảng 350 tỷ USD. Đặc biệt, ngày 28-01-2019, Mỹ đã tung ra “đòn trừng phạt hạng nặng” để chống lại chính quyền Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô. Mỹ đã phong tỏa tất cả tài sản của Tập đoàn Dầu khí quốc doanh Vê-nê-du-ê-la (PDVSA) và mọi khoản tiền mà Mỹ mua dầu của Vê-nê-du-ê-la sẽ chuyển vào một tài khoản được đóng băng (bao gồm tiền mua dầu trong năm 2019 khoảng 11 tỷ USD và 7 tỷ USD tài sản của công ty này ở Mỹ), nhằm cắt nguồn thu ngoại tệ từ dầu mỏ, đẩy chính quyền Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô vào tình trạng khó khăn trong giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước. Không những vậy, Mỹ còn kêu gọi các nước đồng minh không thừa nhận chính quyền hiện tại và tiến hành các biện pháp cô lập ngoại giao đối với Vê-nê-du-ê-la.
Bốn là, kết hợp biểu tình, bạo loạn lật đổ chính quyền từ bên trong với răn đe quân sự từ bên ngoài. Đây là phương thức mà Mỹ đã tiến hành để lật đổ chính thể nhiều nước trên thế giới. Năm 2012, lấy cảm hứng từ chiến dịch can thiệp quân sự vào Li-bi để tiêu diệt nhà lãnh đạo Ca-đa-phi, Mỹ đã áp dụng kịch bản này để loại bỏ Tổng thống Hu-gô Cha-vét. Theo đó, từ bên ngoài, Mỹ đã tổ chức một số tàu ngầm đột nhập vào vùng biển của Vê-nê-du-ê-la, vừa làm nhiệm vụ trinh sát thăm dò, vừa khiêu khích hải quân nước này để tạo cớ can thiệp quân sự. Bên trong Vê-nê-du-ê-la, Mỹ kích động các lực lượng đối lập nổi loạn, buộc chính phủ Vê-nê-du-ê-la đáp trả. Tiếp đó, bộ máy truyền thông tung tin cáo buộc Tổng thống Hu-gô Cha-vét “đàn áp người dân”, tạo tiền đề thành lập chính phủ lâm thời và kêu gọi Mỹ can thiệp. Đặc biệt, trong cuộc đảo chính do các lực lượng đối lập mà đứng đầu là Hoan Gu-ai-đô tiến hành vào ngày 30-4-2019 vừa qua, Mỹ sử dụng một nhóm lực lượng đối lập có vũ trang cùng một số phần tử đào ngũ từ quân đội nước này làm nòng cốt để tạo nên hình ảnh một lực lượng hậu thuẫn hùng hậu, kích động người dân xuống đường biểu tình nhằm loại bỏ Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô. Để thực hiện kịch bản này, thủ lĩnh các lực lượng đối lập Hoan Gu-ai-đô dựng sẵn băng ghi hình mô tả hình ảnh của ông nhận được “sự ủng hộ của Quân đội Vê-nê-du-ê-la” đã sẵn sàng lật đổ Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô. Bên cạnh đó, Mỹ và phe đối lập tìm mọi cách lôi kéo, mua chuộc các lãnh đạo thân tín chủ chốt của Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô và Quân đội Vê-nê-du-ê-la để tiến hành đảo chính quân sự. Đồng thời, bộ máy truyền thông tung tin “Ni-cô-lát Ma-đu-rô đã bỏ chạy sang Cu-ba trên một chuyến bay đặc biệt”; tìm mọi cách để chia rẽ, kích động để tiếp tục các cuộc biểu tình, bạo loạn có thể dẫn đến một cuộc nội chiến. Từ đó, “Tổng thống lâm thời” Hoan Gu-ai-đô sẽ kêu gọi Mỹ can thiệp quân sự.
Đến thời điểm này, các biện pháp chiến lược “Diễn biến hòa bình” của Mỹ ở Vê-nê-du-ê-la cơ bản đã thất bại. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa từ bỏ toan tính lật đổ chính quyền của Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô và thay bằng một chính thể chịu sự kiểm soát của Oa-sinh-tơn. Do đó, các chuyên gia dự báo trong thời gian tới, tình hình Vê-nê-du-ê-la sẽ diễn biến phức tạp, gay gắt hơn. Nếu chính quyền của Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô không có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội; ngăn chặn âm mưu cấu kết giữa lực lượng bên trong với các thế lực thù địch bên ngoài; tìm tiếng nói chung với phe đối lập,… thì nguy cơ bùng phát nội chiến tại nước này là rất cao. Khi đó, Mỹ có thể trực tiếp hoặc thông qua một cuộc chiến tranh ủy nhiệm để can thiệp quân sự vào Vê-nê-du-ê-la. Điều đó có thể kéo theo cả Nga và Trung Quốc can dự để bảo vệ lợi ích của họ tại Vê-nê-du-ê-la, biến nước này thành một Li-bi, I-rắc hoặc Xy-ri thứ hai và khu vực Mỹ La - tinh có nguy cơ trở thành một “lò lửa Trung Đông” mới.
Đại tá LÊ THẾ MẪU - Đại tá NGUYỄN ĐỨC XIỂN
______________
1 - Chiếm tới gần 25% trữ lượng dầu mỏ của các nước thành viên OPEC, lớn hơn trữ lượng của A-rập Xê-út (21,9%), I-ran (12,8%), I-rắc (12,1%) và Cô-oét (8,4%).
2 - Theo Học thuyết này, bất kỳ nỗ lực nào của các nước bên ngoài can thiệp vào các nước thuộc Bắc Mỹ và Nam Mỹ đều bị Hoa Kỳ xác định là “hành động xâm lược”, buộc Oa-sinh-tơn phải can thiệp để ngăn chặn.


TỪ “CÁCH MẠNG CÂY”, “CÁCH MẠNG CÁ” ĐẾN “CÁCH MẠNG MÀU”


TỪ “CÁCH MẠNG CÂY”, “CÁCH MẠNG CÁ” ĐẾN “CÁCH MẠNG MÀU”
QĐND - Hãy bảo vệ màu xanh đất Việt, hãy chung tay bảo vệ môi trường (BVMT), hãy bảo vệ động vật hoang dã, đấu tranh vì thành phố văn minh, hãy loại bỏ các dự án “ăn cả vào tương lai”…
Những năm gần đây, có rất nhiều phong trào kêu gọi người dân bằng những mỹ từ đẹp đẽ. Từ đó, nhiều người dân bị cuốn theo, tham gia tụ tập, ghi chữ ký, tâm thư, tuần hành những tưởng đòi quyền lợi cho mình. Nhiều sự việc phải qua một thời gian dài mới lộ ra, đó chỉ là những chiêu trò mà các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam thông qua các tổ chức xã hội dân sự một cách rất tinh vi.
Từ “cách mạng cây”, “cách mạng voọc”
Chuyến thăm, làm việc tại Na Uy của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gần đây mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, trong đó có việc ký kết hợp tác kinh tế. Trong bối cảnh giá điện tăng khiến người dân lo lắng thì thông tin sắp tới Tập đoàn Scatec Solar của Na Uy sẽ đầu tư 500 triệu USD vào điện mặt trời tại Việt Nam; đồng thời xây dựng phòng thí nghiệm giúp Việt Nam nghiên cứu, chuyển giao và tiến đến xuất khẩu công nghệ năng lượng tái tạo được dư luận rất hoan nghênh.
Vậy mà một số trang mạng vẫn cố tình bóp méo, xuyên tạc rằng, các dự án điện mặt trời sẽ tàn phá cảnh quan, môi trường ven biển như ở Bình Định, một dự án điện mặt trời lớn đã phải hủy bỏ vì lý do gây ô nhiễm môi trường. Song theo các chuyên gia, điện mặt trời hoàn toàn không gây ô nhiễm. Cơ quan chức năng ở Bình Định cho biết, từng có âm mưu thủ đoạn bịa đặt thông tin để kích động người dân phản đối, tạo điểm nóng ở địa phương.
Vài năm gần đây, trên không gian mạng liên tục xuất hiện nhiều trang web, trang mạng xã hội với danh nghĩa BVMT, bảo vệ động vật hoang dã, vì hệ sinh thái và phát triển bền vững… nhưng luôn gắn với việc phản đối một vài dự án kinh tế-xã hội (KT-XH) nào đó ở các địa phương. Cứ ở đâu có các dự án du lịch, du lịch sinh thái gắn với danh lam thắng cảnh thì ở đó lại xuất hiện một số trang mạng “chuyên đề” phản đối. Từ chuyện làm cáp treo ở chùa Hương, ở Fansipan đến chuyện bảo vệ Sơn Trà, Tam Đảo hay hang Sơn Đoòng… Họ đưa ra những lời "có cánh" kêu gọi người dân chung tay, tham gia ký các văn bản được gọi là "kiến nghị" gửi lên Chính phủ, thậm chí gửi ra các tổ chức quốc tế. Không ít người nhẹ dạ cả tin làm theo mà không biết rằng, đứng sau các hoạt động ấy núp dưới danh nghĩa "tổ chức xã hội dân sự", các "nhà dân chủ" trở thành những chuyên gia kích động chống phá đất nước.
Như ở Đà Nẵng, Vĩnh Phúc gần đây xuất hiện các trang facebook và blog kêu gọi người dân BVMT sinh thái, phản đối một số dự án KT-XH. Các trang này hoạt động như những tờ báo điện tử với nhiều bài viết của một số cây bút chuyên nghiệp, những hot facebooker nhưng nhiều hơn cả vẫn là các “nhà dân chủ”, những người tự xưng là nhân sĩ, trí thức có tiếng nói đối lập với chính quyền. Đặc biệt, các trang này xuất hiện công khai tư cách của nhóm Green Trees-một nhóm tự xưng là tổ chức xã hội dân sự có hơn 10.000 thành viên, do các đối tượng chuyên chống phá Đảng, Nhà nước, như: Phạm Đoan Trang, Nguyễn Anh Tuấn, Trịnh Hữu Long giật dây. Những đối tượng này từng đứng sau kích động tụ tập, biểu tình phản đối dự án thay thế cây xanh ở Hà Nội, sau đó kích động biểu tình nhân sự cố môi trường biển miền Trung. Đối tượng Phạm Đoan Trang đã công khai gọi là “cách mạng cá”. Gần đây, từ khi đối tượng Nguyễn Anh Tuấn được đào tạo ở nước ngoài về nước định cư tại Đà Nẵng, chúng áp dụng nhiều chiêu trò kích động, lợi dụng vấn đề môi trường sinh thái để lôi kéo người dân giống như đã làm ở Hà Nội. Chúng không giấu giếm ý đồ sau “cách mạng cây”, “cách mạng cá” sẽ có thể là “cách mạng voọc” ở Đà Nẵng khi thổi phồng vấn đề môi trường sinh thái. Ở địa phương này, dưới sự kích động của chúng, từng xảy ra các phong trào ký đơn tập thể, tụ tập vì môi trường...
Đến lợi dụng vấn đề dân sinh, đất đai
Cách đây ít lâu, việc chính quyền TP Hồ Chí Minh giải phóng mặt bằng khu đất thuộc vườn rau Lộc Hưng (quận Tân Bình) để xây dựng trường học, công trình phúc lợi, đã xuất hiện tình trạng các cá nhân vi phạm cản trở, chống đối người thi hành công vụ, căng băng rôn, biểu ngữ gây mất trật tự. Ngay lập tức, các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng sự việc hòng biến vụ giải phóng mặt bằng này thành điểm nóng về “tranh chấp đất đai”, khoét sâu mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền, biến Lộc Hưng thành điểm nóng kiểu Đồng Tâm, Tiên Lãng. Các báo đài hải ngoại, như: RFA, VOA… tung nhiều bài viết, hình ảnh xuyên tạc “chính quyền cướp đất của dân”, “công an đánh dân”, “dân oan ca thán, chính quyền bất chấp”… Các tài khoản facebook có tên Lê Công Định, Lê Nguyễn Hương Trà, Trịnh Sơn, Nguyễn Tín, Bạch Cúc… đăng tải nhiều bài viết quy chụp chính quyền địa phương “đàn áp giáo hội”, “đập phá nhà dân”... Chúng rêu rao, sắp có “ngòi nổ Tiên Lãng giữa Sài Gòn”, kêu gọi người dân xuống đường hướng dẫn dùng hung khí chống đối… Nhưng nhờ sự cảnh giác của người dân và sự vào cuộc kiên quyết của chính quyền, âm mưu đó đã bị thất bại.
Ở Hà Nội, gần đây, nhân sự việc các hộ dân thôn Bắc Lãm (phường Phú Lương, quận Hà Đông) tự ý thi công, san đường trên đất giao thông nội đồng nằm trong quy hoạch dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và gây sức ép với chính quyền một cách phi lý, nhiều đối tượng xấu đã kích động, lái vấn đề để khoét sâu mâu thuẫn, làm nóng tình hình. Chúng gây sức ép, kêu gọi và không cho các gia đình cho trẻ đến trường, ép buộc các em tham gia những hoạt động gây rối, mất an ninh trật tự tại địa phương, cản trở việc dạy và học của học sinh và giáo viên.
Lừa phỉnh, lôi kéo giới trẻ
Voice-một tổ chức được cho là ngoại vi của tổ chức khủng bố Việt Tân ở nước ngoài nhiều năm qua đã tìm mọi cách kích động, lôi kéo, mở các lớp đào tạo hàng trăm thanh niên thành những “nhà hoạt động dân chủ” rồi đưa về Việt Nam hoạt động chống phá bằng hình thức kích động, biến các sự việc KT-XH thành những vấn đề chính trị gây bức xúc dư luận. Trong đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hiện nay là các địa phương xuất hiện nhiều hiện tượng phức tạp từ một số đối tượng do Voice đào tạo trở về hoạt động.
Những “học viên” do chúng đào tạo sau khi trở về đều không còn là những công dân lương thiện đóng góp công sức, trí tuệ để dựng xây đất nước mà bị huyễn hoặc trở thành những “nhà dân chủ”, “nhà hoạt động xã hội”, biết “tổ chức các chiến dịch xã hội”, “gây quỹ”, “viết dự án”, mà bản chất là hướng tới mạo danh vì dân chủ, nhân quyền, vì môi trường sống… để chống phá đất nước. Mấy năm gần đây, Nguyễn Anh Tuấn-đối tượng được chúng đưa đi đào tạo ở nước ngoài trở về Việt Nam, được coi là hạt giống cho nhiều hoạt động chống phá. Sinh sống tại Đà Nẵng nhưng đối tượng này thường xuyên có mặt hoặc tán phát thông tin kích động các sự việc ở Hà Tĩnh, Bình Thuận, Hà Nội, Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh... Với thủ đoạn là bám sát vào phản ứng hay bức xúc từ xã hội để chúng “thổi” lên thành một phong trào chính trị chống lại chính quyền nhằm nuôi dưỡng “ý thức phản kháng” của người dân, tuyển lựa và mở rộng lực lượng xã hội tham gia. Từ các chiêu trò này, sâu xa hơn chúng âm mưu tập dượt, đi tới đấu tranh bất bạo động rồi xa hơn là bạo loạn, lật đổ theo mô hình "cách mạng màu", "mùa xuân Ả-rập"…
Cảnh giác với âm mưu “cách mạng màu”
Đối tượng Phạm Đoan Trang trong một tài liệu phản động để tập huấn cho các “nhà lãnh đạo trẻ” của chúng mà cơ quan chức năng thu được đã công khai nêu những cách thức hoạt động trên dựa theo mô hình cách mạng sắc màu để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa. Cái gọi là tổ chức Green Trees do đối tượng này từng cầm đầu đã áp dụng những “chiến lược đấu tranh bất bạo động” trong cuốn “Từ độc tài đến dân chủ” của Gene Sharp. Theo đó, chúng mượn những hoạt động dân sự ôn hòa và hợp pháp, như: BVMT, thiện nguyện hay biểu diễn nhạc... để lôi kéo đám đông. Mỗi lần chính quyền xử lý các hoạt động như vậy, chúng sẽ khiến dân chúng và quốc tế có thiện cảm với phong trào đối lập, vì nghĩ rằng các nhà đối lập vô tội và bị xử oan. Còn nếu chính quyền không xử lý thì các nhóm đối lập sẽ có đủ thời gian để xây dựng lực lượng và uy tín thông qua những hoạt động dân sự tưởng chừng vô hại đó. Khi đã có lực lượng, mối quan hệ và lôi kéo được cảm tình của đám đông, các nhóm đối lập sẽ phát động cách mạng đường phố để lật đổ chính quyền. Chiến lược này đã được sử dụng lặp đi lặp lại trong cuộc "cách mạng màu", "mùa xuân Ả-rập" như đã diễn ra ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Chúng luôn núp dưới cái bóng vì tương lai, vì sự phát triển của dân tộc nhưng thực tế những hoạt động đó chỉ nhằm mục tiêu phá hoại, chọc gậy, ném đất đá vào bánh xe phát triển của đất nước. Đôi khi, một hạt cát có thể làm hỏng một cỗ máy, một trào lưu núp bóng dân sinh có thể tạo ra những đám cháy nguy hiểm, đe dọa an ninh chính trị của đất nước.
Vì thế, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải vào cuộc, xử lý nghiêm minh, ngăn chặn không để hình thành cái gọi là “cách mạng cây”, “cách mạng cá”, “cách mạng voọc”. Phải sớm xử lý các trang mạng xã hội chuyên kích động, tập hợp lực lượng và tổ chức các cuộc tụ tập, biểu tình như đã xảy ra ở Hà Nội, Hà Tĩnh, Bình Thuận… Bài học từ các vụ tụ tập, biểu tình phản đối thay thế cây xanh ở Hà Nội cho thấy, có nguyên cớ ban đầu từ một số trang facebook kêu gọi, kích động người dân. Vì thế, cần sớm tìm ra những đối tượng cầm đầu, điều hành những fanpage, phối hợp với các cơ quan quản lý mạng xã hội để xử lý. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm tốt công tác quản lý, phối hợp với Facebook bóc gỡ nhiều trang mạng có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.
Đối với chính quyền các địa phương, phải nâng cao hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo, quản lý; khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập, khuyết điểm trong quản lý KT-XH, giải quyết thỏa đáng những vướng mắc, mâu thuẫn ở cơ sở, không để kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng, bóp méo, chống phá.
Đối với người dân, cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước những lời kêu gọi đấu tranh vì môi trường, vì dân sinh, dân chủ. Đấu tranh vì quyền lợi chính đáng là cần thiết nhưng trước hết phải đúng pháp luật và phải dựa vào pháp luật, dựa vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, không nên chủ quan, thiếu suy nghĩ để vô hình trung tiếp tay cho các thế lực phản động phá hoại môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
THÁI HƯNG

VIỆT NAM SẴN SÀNG ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC CHO NỖ LỰC CHUNG CỦA QUỐC TẾ VÌ HÒA BÌNH, AN NINH, PHÁT TRIỂN VÀ TIẾN BỘ



Nhân dịp Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có bài viết “Đối tác vì Hòa bình bền vững: Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của quốc tế vì hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ”. Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết:
 “Đối tác vì Hòa bình bền vững: Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của quốc tế vì hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ”
Ngày 7-6-2019, trong khuôn khổ Khóa 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam đã được đông đảo các quốc gia thành viên tín nhiệm cao bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Việc Việt Nam lần thứ hai trong vòng hơn 10 năm được bầu làm thành viên cơ quan có vai trò hàng đầu của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của Việt Nam đổi mới, hội nhập, mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế trong những năm tới.
Trong lần đầu tiên tham gia vào công việc của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã nỗ lực rất cao và được các thành viên Liên hợp quốc hợp tác, ủng hộ và đã đảm nhiệm thành công nhiệm vụ của mình, góp phần đề cao tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, giảm căng thẳng và thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh tại nhiều khu vực trên thế giới, đồng thời có những sáng kiến cụ thể, thực chất về nội dung cũng như giúp cải tiến phương thức hoạt động của Hội đồng Bảo an.
Với chính sách đối ngoại hòa bình, hòa hiếu, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, sẵn sàng đóng góp có trách nhiệm và tích cực thúc đẩy hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ trên thế giới, Việt Nam đã tham gia tích cực vào nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Cộng đồng Pháp ngữ, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM)…; chủ trì thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, mà gần đây là Năm APEC 2017 và Hội nghị Hợp tác WEF-ASEAN 2018, qua đó khẳng định khả năng chủ động tham gia dẫn dắt, định hình các cơ chế quốc tế và khu vực. Việt Nam cũng đã tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, lần đầu tiên triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 đến Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (tháng 10-2018) và mới đây hoàn thành tốt vai trò nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ lần thứ hai (tháng 2-2019), từng bước phát huy vai trò “trung gian, hòa giải” trong giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.
Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập sâu rộng, thế và lực của đất nước đã được nâng lên. Kinh tế luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, GDP tăng bình quân 6,67%/năm, năm 2018 tăng 7,08%, tiềm lực và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Việt Nam nằm trong số ít quốc gia đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc MDG 2015, nhất là về giảm nghèo. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược/đối tác toàn diện với 28 nước, trong đó có tất cả các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an. Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn và đường lối đối ngoại rộng mở: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế, không chỉ giúp nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước trên trường quốc tế, mà còn giúp Việt Nam tiếp tục đóng góp chủ động và tích cực hơn vào đời sống chính trị khu vực và thế giới.
Bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, với những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang lan tỏa trên toàn cầu, mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo, là khát vọng thiết tha của mọi quốc gia, dân tộc, nhưng thế giới vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức về hòa bình và an ninh. Chiến tranh, xung đột, khủng bố, nghèo đói và chậm phát triển vẫn là những mối đe dọa thường trực ở nhiều khu vực. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, dân túy, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, việc theo đuổi sức mạnh cường quyền, đi ngược luật pháp quốc tế đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh và phát triển của các quốc gia. Các vấn đề toàn cầu như khủng bố, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… đã vượt quá năng lực giải quyết của bất cứ một quốc gia riêng lẻ nào, dù đó là siêu cường, đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác của tất cả các quốc gia.
Trong bối cảnh đó, hợp tác đa phương, với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm, đang đứng trước cả những thách thức và cơ hội. Liên hợp quốc và trực tiếp là Hội đồng Bảo an, với chức năng ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, kiến tạo và gìn giữ hòa bình, từ thực tiễn của gần 75 năm tồn tại và phát triển, cần và phải là trung tâm hợp tác, huy động được tất cả các quốc gia, nhất là các quốc gia vừa và nhỏ, tham gia, đóng góp nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của mình trong việc tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững cho các thách thức toàn cầu hiện nay.
Từng trải qua những năm dài chiến tranh và hy sinh tất cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước, tạo dựng môi trường hòa bình cho phát triển, người dân Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết giá trị của hòa bình. Việt Nam có kinh nghiệm, có khả năng và đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tham gia thúc đẩy giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Thật vinh dự và tự hào khi Việt Nam chúng ta được cộng đồng quốc tế tín nhiệm với mức rất cao để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra và tinh thần Chỉ thị 25/CT-TW ngày 08-8-2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, theo đó Việt Nam “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc”, góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước, đồng thời thể hiện tốt vai trò thành viên có trách nhiệm, tham gia đóng góp vào xây dựng một trật tự thế giới hòa bình, công bằng, dân chủ và tiến bộ. Đây cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định vị thế đất nước và nâng cao uy tín quốc gia trên trường quốc tế, tự tin tiếp bước đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trong hệ thống quản trị toàn cầu, làm sâu sắc thêm quan hệ song phương với các nước, các đối tác trên thế giới, thể hiện hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thân thiện, năng động và yêu chuộng hòa bình, thể hiện niềm tin của người dân Việt Nam vào một thế giới đối thoại đa chiều, tôn trọng luật pháp quốc tế, hòa bình, hợp tác bình đẳng, cùng phát triển.
Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam đồng thời sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020. Đây là trọng trách rất lớn, là “trách nhiệm kép”, cũng là cơ hội thuận lợi giúp Việt Nam thúc đẩy việc tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, bao gồm ASEAN, qua đó đóng góp hiệu quả vào việc đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương đối với hòa bình và an ninh của khu vực và quốc tế.
Với thế và lực mới của đất nước, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân, chúng ta sẽ hợp tác cùng nhau thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và vận dụng, phát huy sáng tạo, linh hoạt tư tưởng phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh về hòa bình và hợp tác quốc tế, “giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta”[1]. Tôi tin tưởng rằng với kinh nghiệm trong nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng và sẽ nỗ lực hết sức mình để đảm nhiệm thành công trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, thực sự trở thành “Đối tác vì Hòa bình bền vững”, và mong nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, hợp tác của các nước thành viên Hội đồng Bảo an, các thành viên Liên hợp quốc để cùng đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì một hành tinh xanh, và màu cờ xanh của Liên hợp quốc sẽ mãi là màu xanh của hòa bình, của phát triển bền vững và là màu xanh của niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng.
-----------------------
[1]Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, trang 228.
TTXVN


Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...