ĐỊNH
HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM LÀ MỘT TẤT YẾU, KHÔNG PHẢI LÀ TÙ MÙ, HƯ ẢO
Việt Giang
Trong sự phát triển không ngừng của
xã hội, mỗi quốc gia, dân tộc đều phải tự mình giải quyết bài toán tự định vị
trong một thế giới đang thay đổi khôn lường. Do đó, phải luôn tỉnh táo và sáng
tạo, lựa chọn hướng đi đúng đắn nếu không muốn chết chìm trong cơn lốc cạnh
tranh toàn cầu. Bởi vậy, sự lựa chọn mục tiêu và hoạch định phương hướng phát
triển là vấn đề có ý nghĩa căn bản, then chốt, có tính quyết định tới sự tồn
vong của các quốc gia, dân tộc.
Trên
con đường phát triển của mình, nước ta không nằm ngoài quy luật đó. Từ những trải
nghiệm lịch sử và lý luận, Việt Nam luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội. Bởi nếu xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa sẽ dẫn tới sự lệch lạc
trong quyết sách chính trị và trong sự chỉ đạo thực tiễn, sẽ dẫn tới nguy cơ chệch
hướng trong quá trình phát triển hướng tới những giá trị cao đẹp của loài người.
Nếu như vậy, chúng ta sẽ phải trả cái giá rất đắt và có thể không thể cứu vãn
được. Do đó, Việt Nam càng cần phải chỉ rõ và kiên định với hướng đi mà mình đã
chọn - định hướng xã hội chủ nghĩa. Nắm vững điều này, cũng có nghĩa chúng ta
đã nắm vững cái tất yếu, nhận thức được quy luật phát triển chung của nhân loại,
nắm được bản chất của lịch sử xã hội trong sự biến đổi mờ ảo của thực tại, trên
cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Cùng xây dựng chế độ xã hội chủ
nghĩa, trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, song ở Việt Nam khác Trung
Quốc. Trung Quốc xác định họ đã qua thời kỳ quá độ, đang xây dựng chủ nghĩa xã
hội với khoảng thời gian dài, thậm chí rất dài, cho nên trong các văn kiện của
Đảng Cộng sản Trung Quốc không có khái niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đảng
Cộng sản Việt Nam xác định, đất nước đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội, nên không thể không bao hàm vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tại Đại hội lần thứ VII (6/1991), Đảng
Cộng sản Việt Nam mới chính thức sử dụng thuật ngữ “định hướng xã hội chủ
nghĩa” trong các văn kiện của mình. Khái niệm này vừa nói lên điểm xuất phát của
nước ta từ một nước chậm phát triển…, vừa nói lên những chặng đường, những giai
đoạn, những bước quá độ mà chúng ta sẽ phải đi qua, và thông qua những bước quá
độ ấy, các nhân tố xã hội chủ nghĩa như những mầm non sẽ dần hình thành, phát
triển, hoàn thiện đạt tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Như vậy, trong mối quan hệ
biện chứng đó, chủ nghĩa xã hội vừa là mục tiêu của sự định hướng, vừa có mặt
ngay từ đầu trong sự định hướng, với tính cách là những nhân tố hợp thành. Nói
cách khác, ở tầm khái quát hơn, định hướng
xã hội chủ nghĩa là một quá trình xác định những giới hạn, những “độ” tồn tại của
những yếu tố đảm bảo, trong khoảng thời gian, trên con đường đi tới chủ nghĩa
xã hội Việt Nam, bắt đầu từ điểm xuất phát tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa đã xác
định, nếu vượt ra ngoài những giới hạn ấy và “độ” ấy thì có thể (và tất yếu) xuất
hiện một chế độ xã hội khác với chủ nghĩa xã hội.
Theo quan điểm của các nhà kinh điển
sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin, lịch sử bắt đầu từ đâu thì tư duy cũng bắt đầu
từ đó. Kinh nghiệm lịch sử đã xác nhận ý tưởng của các ông: không rõ cái đích
thì cũng không rõ định hướng, không có cái chuẩn để quy tụ mọi sự vận động.
Do đó, xét trên bình diện lý luận,
về lôgich hình thức, nếu chủ nghĩa xã hội là mục tiêu tất yếu thì hiển nhiên định
hướng xã hội chủ nghĩa cũng là tất yếu trong chỉnh thể hữu cơ của toàn bộ sự
nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhưng đồng thời, đối tượng của nhận
thức về định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ dừng lại ở tiền đề mục tiêu, mà rộng
hơn và sâu hơn, nó bao hàm nhận thức cả tính quy luật, bản chất chủ nghĩa xã hội,
những tiền đề, những điều kiện quy định toàn bộ sự vận động của xã hội Việt Nam
hướng tới mục tiêu đã chọn, được thể hiện thông qua con đường, phương thức, bước
đi và hệ giải pháp theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa.
Nếu xét theo lôgich biện chứng, định
hướng xã hội chủ nghĩa là một bộ phận trong toàn bộ sự tất yếu của sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Về nhận thức, đây chính là vấn đề phương
pháp luận vô cùng quan trọng. Có thể giả định, con đường quá độ lên chủ nghĩa
xã hội là con đường thẳng, có thể hình dung đâu là bước đầu, đâu là bước tiếp
theo và đâu là bước cuối cùng để khỏi lạc mất phương hướng. Tuy nhiên, lịch sử
không vận động theo con đường thẳng tắp và trơn tru, không cho phép người ta có
thể dự báo được tất cả mọi vấn đề một cách chính xác trong tiến trình vận động
phức tạp của nó. Mà trái lại, lịch sử vận động mặc dù có quy luật, tuân theo
quy luật nhưng lại theo một con đường quanh co, phức tạp. Để tránh chủ quan,
duy ý chí, đốt cháy giai đoạn dẫn tới tình trạng làm cho con đường đó vốn đã phức
tạp lại càng phức tạp hơn, quanh co hơn, thậm chí chệch hướng, thì không thể
không hoạch định những giới hạn cho phép, trong những khả năng cụ thể, vững
vàng đi tới mục tiêu đã vạch ra. Đó chính là quá trình định hướng xã hội chủ
nghĩa.
Hơn nữa, xây dựng chủ nghĩa xã hội
là một sự nghiệp hoàn toàn mới mẻ, chưa có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam, nên
quá trình nhận thức và tổ chức xây dựng sẽ rất khó khăn, lâu dài, thậm chí có
những bất trắc, thất bại tạm thời. Do đó, nếu không có lý luận khoa học, cách mạng
soi đường thì không thể có được một thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn,
không thể thấy được quy luật vận động của xã hội loài người trong muôn vàn cái
hỗn độn, ngẫu nhiên, không thể nào đi tới đích được. Mặt khác, kinh nghiệm thực
tiễn xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa từ lịch sử chủ nghĩa xã hội thế giới (bao
gồm cả kinh nghiệm thất bại và thành công) trong suốt một thế kỷ qua và hôm nay
càng thể hiện sự cần thiết trong định hướng xã hội chủ nghĩa của quá trình phát
triển.
Cho nên, sự thống nhất giữa nhận thức
quy luật và tính quy luật, sự đồng tâm về tư tưởng, sự tỉnh táo và đúng đắn
trong xử lý các tình huống phức tạp có ý nghĩa hết sức to lớn, thậm chí có vai
trò quyết định. Đặc biệt, khắc phục và ngăn ngừa những khuynh hướng tự phát và
vô chính phủ, nhất là chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa thực dụng, là vấn đề mang tầm
chiến lược, có tính nóng bỏng, thành bại. Vì vậy, để xây dựng chủ nghĩa xã hội,
rõ ràng không thể không bao hàm định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xét trên phương diện tổ chức thực
tiễn. Ở tầm vĩ mô, lịch sử thế giới càng về cuối thế kỷ XX, đầu XXI càng là thời
kỳ phát triển rút ngắn với tốc độ mạnh mẽ
chưa từng thấy; đồng thời, xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa với tốc độ chóng mặt
tạo nên một thế giới vừa thống nhất, vừa đấu tranh hết sức phức tạp giữa các quốc
gia dân tộc. Bối cảnh đó đã làm xuất hiện tính đa dạng của sự phát triển, với
những quy luật riêng, nhưng đồng thời không loại trừ sự thống nhất với nghĩa là
những vấn đề mang tính quy luật chung, có ý nghĩa phổ biến đối với mọi quốc
gia, dân tộc trong tiến trình phát triển. Bởi vậy, càng cần phải định hướng trong
sự phát triển đối với các quốc gia, dân tộc.
Như vậy, chúng ta thấy rằng, nói định
hướng xã hội chủ nghĩa là chúng ta vừa nhận thức được vị trí của chính mình, vừa
nhận thức được quy luật vận động của xã hội để xác định cái đích hướng tới, vừa
phản ánh được khát vọng ngàn đời của dân tộc. Đồng thời đó cũng là sự xác định
con đường tổng quát để đạt được mục tiêu đề ra trong sự vận động vô cùng phức tạp
của thế giới đương đại, mà nếu lệch khỏi nó, chúng ta sẽ bị chệch hướng, thụt
lùi. Từ đó, thấy rằng, định hướng xã hội chủ nghĩa là một tất yếu, một nhu cầu,
một phương án duy nhất đúng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa; là một biểu hiện thực tiễn sinh động của toàn bộ sự phát
triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực ngày nay.