CẦN NHẬN RÕ THỦ ĐOẠN PHỦ NHẬN SỰ
LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐỐI VỚI QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
An Nhiên
Đảng
Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội
nhân dân Việt Nam là nguyên tắc bất di, bất dịch và không thể xuyên tạc!
Thế nhưng, hiện
nay, các thế lực thù địch với dã tâm chống phá đến cùng cách mạng Việt Nam nên
đang ra sức thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, bằng nhiều hình thức,
thủ đoạn tinh vi, thâm độc. Đặc biệt, sự chống phá đó của chúng càng quyết liệt hơn khi phủ nhận sự lãnh đạo
của Đảng đối với Quân đội là một trọng điểm của “chiến dịch” chống phá toàn diện
mà họ tiến hành. Hình thức và thủ đoạn chống phá rất đa dạng, xảo quyệt, thường
là lợi dụng những khuyết điểm của một số cán bộ, đảng viên để xuyên tạc, bôi nhọ,
nói xấu Đảng; kích động, lôi kéo những người cơ hội, tiêu cực, bất mãn, suy
thoái về tư tưởng chính trị đưa ra luận điệu, yêu sách đòi tách Quân đội khỏi sự
lãnh đạo của Đảng và trung lập về chính trị. Họ rêu rao rằng: Quân đội chỉ
trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với tổ chức hay
cá nhân nào. Thực ra luận điểm này ít có tác dụng, nhưng với chiêu bài “lặp đi
lặp lại” vẫn có người nhẹ dạ, nao núng, lầm tưởng, thậm chí còn có một số ít
người cho rằng: đó là ý kiến khách quan, nhằm mang lại lợi ích cho đất nước và
nhân dân, mà không thấy hết âm mưu nguy hiểm, thâm độc của chúng. Thực chất đây là âm
mưu “phi chính trị hóa” quân đội, tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với
Quân đội nhân dân Việt Nam, làm cho quân đội mất phương hướng về chính trị, xa rời mục tiêu lý tưởng
chiến đấu, thủ tiêu sức mạnh chính trị - tinh thần, dẫn đến mất sức chiến đấu,
phản bội lại lợi ích của quốc gia, dân tộc. Vì thế, việc nhận thức đúng đắn và
đầy đủ rằng: Đảng lãnh đạo Quân đội là tất yếu khách quan, có tính
quy luật trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam là rất quan trọng, đặc biệt
trong tình hình hiện nay. Sự khẳng định đó có cơ sở lý luận, thực tiễn vững chắc.
Trước
hết, xuất phát từ thực tiễn lịch sử ra đời, hình thành, phát triển của
Quân đội ta. Theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, giai cấp và nhà nước, chiến
tranh và quân đội là những hiện tượng chính trị - xã hội mang tính lịch sử. Sự
xuất hiện của chiến tranh và quân đội gắn chặt với sự xuất hiện của giai cấp và
nhà nước. Từ bản chất giai cấp và quy luật đấu tranh giai cấp, sự xuất hiện của
chiến tranh đã khẳng định sự ra đời của quân đội là tất yếu, phù hợp quy luật lịch
sử. Bất cứ quân đội nào cũng đều do giai cấp thống trị xã hội đó tổ chức ra và
là công cụ bạo lực vũ trang để bảo vệ lợi ích và địa vị thống trị của giai cấp ấy.
Giai cấp thống trị xã hội bao giờ cũng nắm quân đội để thực hiện mục đích chính
trị của giai cấp mình. Đây là vấn đề mang tính quy luật về sự lãnh đạo của giai
cấp thống trị xã hội đối với quân đội do giai cấp đó tổ chức ra. Như vậy, không
có bất cứ quân đội nào trung lập về chính trị, không bảo vệ lợi ích của giai cấp
nào trong một chế độ xã hội nhất định.
Quân
đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân do Đảng Cộng
sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện.
Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời có đặc thù là trước khi nhân dân ta giành được
chính quyền, thành lập Nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng trở thành nguyên tắc căn
bản trong xây dựng quân đội, quyết định bản chất giai cấp, mục tiêu lý tưởng
chiến đấu, sự trưởng thành, lớn mạnh và chiến thắng của Quân đội ta trong mọi
thời kỳ cách mạng. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với
Quân đội và sự trung thành tuyệt đối của Quân đội đối với Đảng là hai mặt thống
nhất của một vấn đề; hai mặt đó có mối quan hệ biện chứng, không tách rời, được
thực tiễn kiểm nghiệm trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành
của Quân đội ta.
Hai
là, xuất phát từ bản chất chính trị của Quân đội và mối quan hệ của
Quân đội với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Bản chất giai cấp, mục tiêu
chiến đấu và chức năng, nhiệm vụ của Quân đội phụ thuộc vào bản chất giai cấp,
mục đích chính trị của nhà nước tổ chức ra và nuôi dưỡng nó, không có quân đội
trung lập về chính trị, quân đội đứng ngoài giai cấp và nhà nước. Chính trị quy
định bản chất, chức năng, nhiệm vụ, các mối quan hệ cơ bản của quân đội với Đảng,
Nhà nước và nhân dân. Trong xã hội có giai cấp, không bao giờ có quân đội đứng
ngoài chính trị, không mang bản chất chính trị của giai cấp, nhà nước nào. Thực
tiễn lịch sử nhân loại chứng minh rằng, sự nghiệp cách mạng và con đường phát
triển của mỗi quốc gia, dân tộc, bao giờ cũng do một lực lượng chính trị đại biểu
cho lợi ích quốc gia, dân tộc dẫn dắt và lãnh đạo. Lực lượng chính trị lãnh đạo
quốc gia, dân tộc ấy sẽ tổ chức, lãnh đạo quân đội, đảm bảo cho nó thực sự là
công cụ bạo lực vũ trang của lực lượng chính trị đại biểu cho lợi ích quốc gia,
dân tộc đang lãnh đạo, dẫn dắt dân tộc đó phát triển. Điều này cho thấy rõ tính
chất phi lý, phản khoa học của cái gọi là “quân đội phi giai cấp”.
Đảng
Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập
dân tộc, mang lại quyền tự do, dân chủ, hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng
là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động
và của dân tộc. Vì thế, lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân là thống nhất.
Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Nhân dân là một chỉnh thể thống nhất, trong
đó Đảng giữ vai trò lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ đã tạo
được sự thống nhất giữa quyền lực chính trị với quyền lực xã hội trong nền dân
chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Để Quân đội thực sự trung thành, phục vụ lợi
ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, Đảng ta luôn quan
tâm chăm lo xây dựng Quân đội về chính trị, củng cố, tăng cường bản chất giai cấp
công nhân, chú trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng
cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Đồng thời, chăm lo xây dựng các mối
quan hệ giữa Quân đội với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Mối
quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt
Nam với Quân đội nhân dân việt Nam là mối quan hệ lãnh đạo và phục
tùng, Đảng giữ vai trò lãnh đạo đối với Quân đội bằng một cơ chế đặc thù, bảo đảm
cho Đảng thường xuyên giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Thực
tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng
định: sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng
vẻ vang của Quân đội; mối quan hệ giữa Đảng với Quân đội đã trở thành bản chất,
truyền thống quý báu của Quân đội nhân
dân Việt Nam. Mọi âm mưu tách Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo
của Đảng đều nhằm cô lập Đảng, làm cho Đảng mất đi lực lượng chính trị trung
thành, tin cậy nhất, mất đi sức mạnh vật chất to lớn để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế
độ xã hội chủ nghĩa.
Trong
mối quan hệ giữa Quân đội với Nhà nước và Nhân dân, Quân đội là công cụ bạo lực
của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, do Nhà nước quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng.
Quân đội là công cụ bạo lực của Nhà nước thực chất cũng chính là công cụ bạo lực
của Nhân dân; Quân đội bảo vệ Nhà nước xét đến cùng cũng chính là bảo vệ Nhân
dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, tất yếu phải lãnh đạo Quân đội. Chủ tịch
Hồ Chí Minh và Đảng ta rất quan tâm xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ
giữa Quân đội với Nhân dân, coi đây là một trong những nguyên tắc hết sức quan
trọng để làm cho quân đội kiểu mới khác hẳn về chất với các kiểu quân đội của
giai cấp, nhà nước bóc lột trước đây.
Ba
là, xuất phát từ thực tiễn xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng
vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 74 năm qua. Đảng Cộng sản
Việt Nam là người tổ chức và lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam; Quân đội phục
tùng sự lãnh đạo của Đảng là hai mệnh đề song hành ngay từ khi mới thành lập
Quân đội cho đến nay, đã tồn tại trong suốt quá trình xây dựng, trưởng thành và
chiến thắng của Quân đội ta. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân khi mới
ra đời đã là đội quân mang bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam, gánh vác sứ
mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt
Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Báo cáo tại Hội nghị
lần thứ Ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II), tháng 4 năm 1952, Chủ tịch
Hồ Chí Minh chỉ rõ: Quân đội ta là quân đội “quyết chiến quyết thắng”, “có lập
trường vững chắc, lập trường quân đội của nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo”.
Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy bản chất giai cấp của Quân đội ta
là bản chất giai cấp công nhân và Quân đội là của nhân dân, do Đảng Cộng sản –
đội tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo.
Thực
tiễn xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự
lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội ta đã thường xuyên
quán triệt, thấm nhuần sâu sắc mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, của
giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội. Quân đội ta luôn lấy mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của giai cấp
công nhân, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng, của dân tộc làm mục tiêu, lý tưởng
chiến đấu của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội luôn nhận rõ kẻ thù của
nhân dân, của dân tộc; xác định đúng đối tượng tác chiến; vận dụng, phát triển
sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc, luôn kề vai, sát cánh,
đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
tộc – sức mạnh vô cùng to lớn để chiến đấu và giành những chiến thắng vĩ đại,
đánh bại những tên đế quốc đầu sỏ, có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn nhiều
lần. Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta đã xây dựng được sức mạnh chiến đấu
vô địch, trở thành một trong những quân đội bách chiến, bách thắng ở thế kỷ XX.
Thực tiễn đó là không thể phủ nhận.
Hơn thế còn là minh chứng thuyết phục nhất để bác bỏ mọi luận điểm xuyên tạc,
kích động đòi tách Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Những luận điểm phi
lý này của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị cũng như mọi mưu đồ
chống phá cách mạng Việt Nam, đi ngược lại quy luật sẽ tất yếu thất bại./.