Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

V.I.Lênin với sự vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước Nga
1. Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã khai sinh ra chế độ xã hội chủ nghĩa đầu tiên và mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ đi lên CNXH.
V.I. Lênin đã nhận định về ý nghĩa thời đại của cách mạng Tháng Mười Nga 1917: “Chúng ta có quyền tự hào và quả thật chúng ta tự hào là đã có cái hân hạnh được bắt đầu xây dựng nhà nước Xô viết và do đó mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới…”[1]. Cùng với việc dựng cột mốc cho thời đại mới, sự nghiệp xây dựng CNXH đầu tiên trong lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Lênin cũng được bắt đầu ở nước Nga Xô viết. Sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước Nga giai đoạn này diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt.
Về bối cảnh chính trị, cách mạng XHCN mới chỉ thắng lợi bước đầu trong phạm vi một nước. Chính quyền Xô viết - Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới đã ra đời, các giai cấp bóc lột và chế độ người bóc lột người đã bị xóa bỏ, giai cấp công nhân, nhân dân lao động từ thân phận nô lệ đã trở thành chủ nhân của đất nước và một quá trình phát triển với chất lượng, quy mô và tốc độ mới đã diễn ra ở nước Nga. Tuy vậy, nước Nga Sa hoàng là một nước cựu đế quốc, những quan hệ chính trị quốc tế của nó với thế giới tư bản với dã tâm “giành lại thiên đường đã mất” đã khiến cho chính quyền Xô viết vào những tháng năm đầu tiên, giữa vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, phải liên tục đương đầu với những vụ nổi loạn, can thiệp của “thù trong, giặc ngoài”. Thêm vào đó, với những kinh nghiệm chính trị còn ít ỏi của giai cấp mới lên cầm quyền, giai cấp công nhân và hệ thống chính trị Xô viết gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức và xây dựng chế độ mới. Chỉ trong một thời gian ngắn, V.Lênin đã nhận ra sự khác biệt căn bản là “giành chính quyền đã khó nhưng xây dựng chính quyền còn khó hơn nhiều”. Rằng, “Chúng ta tuyệt đối không thể tự mãn với những thành quả đã đạt được, vì chúng ta chỉ mới bắt đầu chuyển lên chủ nghĩa xã hội; và về phương diện đó, điều quyết định vẫn chưa được thực hiện”[2]
Về bối cảnh kinh tế, nước Nga Xô viết bắt tay vào xây dựng CNXH từ những tiền đề kinh tế thấp kém: CNTB ở Nga mới phát triển ở giai đoạn đầu, trình độ sản xuất phổ biến của đất nước là tiểu nông, nhiều tàn tích của chế độ phong kiến nông nô, chế độ chuyên chế chưa được xóa bỏ; nền kinh tế kiệt quệ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (tiềm lực công nghiệp Nga chỉ còn một nửa mức trước chiến tranh, sản lượng nông nghiệp bị giảm 20%); chế độ mới lại bị CNTB bao vây kinh tế, cấm vận… Thêm vào đó, năng lực tổ chức quản lý còn yếu kém của chính quyền xô viết, “bệnh ấu trĩ tả khuynh” trong cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới cũng khiến cho bối cảnh kinh tế của nước Nga xô viết những năm đầu tiên gặp nhiều khó khăn. “Chúng ta đã quốc hữu hóa, đã tịch thu, đã đánh đổ, đã đập tan nhiều hơn là đã kịp tính toán. Mà xã hội hóa khác với tịch thu giản đơn chính là ở chỗ tịch thu chỉ cần có “tính kiên quyết”, không cần biết tính toán một cách đúng đắn và phân phối một cách đúng đắn cũng được, còn xã hội hóa mà không biết làm điều đó thì không xong.” [3]
Bối cảnh nước Nga khi bắt tay vào xây dựng CNXH có nhiều nét đặc thù so với lý luận chung của chủ nghĩa Mác về xây dựng CNXH. C.Mác quan niệm rằng, những tiền đề vật chất do CNTB phát triển ở trình độ cao làm chín muồi nguyên nhân kinh tế cơ bản của các cuộc cách mạng XHCN. Nhiệm vụ lịch sử của nó là giải quyết mâu thuẫn cơ bản trong lòng phương thức sản xuất TBCN - mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của lực lượng sản xuất với tính chất tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất. Từ kinh nghiệm của Công xã Pari (1871), C.Mác cũng đề cập đến tình thế để cách mạng thắng lợi là nó phải nổ ra đồng loạt cùng lúc ở nhiều nước, chí ít là những nước tư bản phát triển cao như Anh, Mỹ, Pháp, Đức… Nhìn chung, bối cảnh và đặc điểm kinh tế xã hội của Nga đương thời cần rất nhiều đến sự sáng tạo khi vận dụng lý luận của C.Mác về cách mạng XHCN. V.I. Lê nin chính là con người mà lịch sử cần đến và đã tạo ra trong sự nghiệp xây dựng CNXH hiện thực đầu tiên của nhân loại.        
2. Xây dựng CNXH hiện thực là một công trình kỳ vĩ liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, cả về nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn.
Bài viết này chỉ tập trung vào hai điểm cơ bản nhất mà Lênin đã có nhiều đóng góp, phát triển lý luận. Đó là quan niệm về CNXH (mô hình CNXH) và biện pháp để xây dựng CNXH (con đường đi lên CNXH) từ thực tiễn nước Nga.
Thứ nhất, từ mô hình “Chính sách cộng sản thời chiến” đến mô hình “Chính sách kinh tế mới”
Do sự quy định của bối cảnh lịch sử đặc biệt, những năm đầu của Cách mạng Tháng Mười, một kiểu tổ chức xã hội khá đặc biệt đã được V.I Lênin vận dụng. Chế độ xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới phải đương đầu với một nền kinh tế lạc hậu và kiệt quệ, lại bị 14 nước tư bản bao vây và kết hợp các lực lượng phản động ở trong nước chống đối, với dã tâm hòng “bóp chết” chế độ mới. Lúc này, trong tình cảnh nội chiến chống thù trong, giặc ngoài, thì bảo vệ chính quyền Xô viết là mục tiêu hàng đầu. Chính sách “cộng sản thời chiến” đã được áp dụng để đáp ứng những yêu cầu cấp bách ấy.
Chính sách “Cộng sản thời chiến” (1918-1921) thực chất là một biện pháp tình thế, thích ứng với trạng thái ngặt nghèo của nhà nước Xô viết non trẻ. Để huy động các nguồn lực cho những nhu cầu cấp thiết, các biện pháp mệnh lệnh hành chính thiên về việc sử dụng quyền lực nhà nước đã được ban bố và thực hiện. Mục đích là để trưng thu, tịch thu lương thực, thực phẩm và các tư liệu sản xuất nhằm phục vụ cho nhu cầu quốc phòng và dân sinh.
Mặt khác, trong ý tưởng của Lênin, cũng đã khởi phát tư duy rằng có thể ngay lập tức thực hiện những hình thức cộng sản chủ nghĩa vào giai đoạn đầu của cách mạng Tháng Mười. Người muốn “ngay tức khắc xóa bỏ thị trường, phân phối theo sản phẩm, trao đổi bằng hiện vật giữa thành thị và nông thôn”[4] và “biến toàn bộ xã hội thành một guồng máy kế hoạch hóa duy nhất”; Về xây dựng dân chủ, Lênin cũng đã có ý tưởng phát triển dân chủ rộng rãi, trực tiếp và ở trình độ cao. Người viết: “Có thể mở rộng sự quản lý nhà nước đến tất cả mọi người, không trừ một ai, làm cho quần chúng vừa trở thành là người lập pháp vừa là người hành pháp”[5]. Người từng nói về khẩu hiệu: “Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu.”[6]    
Mặt hợp lý và hạn chế của mô hình này đã bộc lộ trong một thời gian ngắn. Nhiều nguồn lực cho nhu cầu quốc phòng và dân sinh cấp thiết đã được huy động, qua đó giúp củng cố và phát triển sức mạnh của chính quyền xô viết. Song mặt khác, nhiều hạn chế, bất cập cũng đã bộc lộ: phương pháp mệnh lệnh hành chính, ý chí chủ quan muốn xây dựng ngay chủ nghĩa xã hội đã không được thực tế chấp nhận. Việc chưa quan tâm đến lợi ích chính đáng của cả “một biển người tiểu nông đang mong đợi lợi ích thường nhật sau cách mạng” đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc.
Cái hợp lý ban đầu và chỉ đúng trong một thời điểm nay đã trở thành khuyết điểm khi nó bị kéo dài quá mức. V.I Lênin nhận định: “Mùa xuân 1921, chúng ta thấy rõ rằng, chúng ta đã thất bại trong các ý định dùng phương pháp “xung phong”, nghĩa là dùng con đường ngắn nhất, trực tiếp nhất để thực hiện việc sản xuất và phân phối theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa.”[7] và “Chúng ta đã phạm một sai lầm là đã quyết định chuyển ngay sang việc sản xuất và phân phối cộng sản chủ nghĩa... cách làm như vậy là sai.”[8]    
Nguyên nhân làm nảy sinh tình trạng này đã được V.I. Lênin nhận ra: “Chúng ta chưa đủ sức để chuyển trực tiếp sang những hình thức thuần túy xã hội chủ nghĩa, sang việc phân phối thuần túy xã hội chủ nghĩa; và nếu chúng ta lại tỏ ra không có khả năng lùi bước, để chỉ đóng khung trong những nhiệm vụ dễ hơn mà thôi, thì có lẽ chúng ta đã bị nguy cơ diệt vong rồi.”[9]
Chính sách cộng sản thời chiến, có thể xem như thử nghiệm đầu tiên về một mô hình CNXH, đã làm trọn vai trò của nó và tất yếu sẽ phải thay đổi.   
Tháng 3 năm 1921, Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Nga, do V.I.Lênin lãnh đạo đã chuyển từ “Chính sách cộng sản thời chiến” sang “Chính sách kinh tế mới viết tắt là NEP. Nó đã được thực hiện trong quãng thời gian từ 1921-1927. Cần hiểu rằng NEP không chỉ là một chính sách mới để quản lý vĩ mô về kinh tế mà còn là một cải cách có tính tổng thể về mô hình chủ nghĩa xã hội, gồm nhiều nội dung.
Trước hết, chúng ta thấy sự điều chỉnh quan niệm về CNXH, rằng “danh từ nước Cộng hòa xô - viết xã hội chủ nghĩa có nghĩa là Chính quyền xô - viết quyết tâm thực hiện bước chuyển lên chủ nghĩa xã hội, chứ hoàn toàn không có nghĩa là đã thừa nhận chế độ kinh tế mới là chế độ xã hội chủ nghĩa”[10]. V.I Lê nin và Đảng Cộng sản Liên xô đã có điều chỉnh lớn về mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Chúng ta buộc phải thừa nhận là toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi về căn bản…” ở chỗ, “chuyển trọng tâm của cách mạng vào phát triển kinh tế và văn hóa.”[11] 
Việc nhận thức lại cho rõ về thời kỳ quá độ, cấu trúc của các thành phần kinh tế của nước Nga đương thời cũng là một bước tiến của tư duy về CNXH ở nước Nga. Theo V.I Lênin, nước Nga - một nước kinh tế còn lạc hậu, tất yếu phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài, trong đó nền kinh tế có “sự đan xen”, “những mảnh của CNXH” với “những mảnh của CNTB”. Trạng thái ấy làm cho các yếu tố của CNXH và các yếu tố của CNTB vừa đấu tranh, cạnh tranh với nhau, vừa nương tựa, thâm nhập vào nhau. Mối quan hệ chủ đạo giữa “các mảnh” hay các thành phần kinh tế đó, là quan hệ giữa sản xuất, trao đổi, lưu thông trên cơ sở của trao đổi hàng hóa theo nguyên tắc thị trường…
V.I Lê nin đặt vấn đề “Vậy thì danh từ quá độ có nghĩa là gì? Vận dụng vào kinh tế, có phải nó có nghĩa là trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội không? Bất cứ ai cũng đều thừa nhận là có...”[12]. Người nêu rõ các thành phần kinh tế ở nước Nga lúc đó là: “1) Kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, nghĩa là một bộ phận lớn có tính chất tự nhiên; 2) Sản xuất hàng hóa nhỏ (trong đó bao gồm đại đa số nông dân bán lúa mì); 3) Chủ nghĩa tư bản tư nhân; 4) Chủ nghĩa tư bản nhà nước; 5) Chủ nghĩa xã hội.”[13].  Như vậy, nếu như ở mô hình trước kia, chỉ có một thành phần kinh tế nhà nước, chỉ có sự trao đổi bằng hiện vật giữa thành thị và nông thôn, thì đến NEP, đã có sự đổi mới tư duy về kinh tế: phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, hoạt động theo đặc tính sở hữu của chúng và là bộ phận cấu thành của mô hình này. 
Việc “chuyển trọng tâm cách mạng vào lĩnh vực phát triển văn hóa” là bước một bước tiến có ý thức và có tính chất hiện thực để đi tới Chủ nghĩa xã hội. V.I Lênin nhấn mạnh, những người cộng sản phải học khoa học và công nghệ, cách tổ chức lãnh đạo, quản lý xã hội, giáo dục và đào tạo, cách làm ăn buôn bán…phải biết tiếp thu tất cả những gì quý giá nhất của nhân loại. Chủ nghĩa xã hội có thể thực hiện được hay không là “tùy ở kết quả của chúng ta có kết hợp được chính quyền xô viết với những tiến bộ mới nhất của chủ nghĩa tư bản”. V.I Lênin chủ trương: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt đẹp của nước ngoài: Chính quyền xô viết + trật tự nước Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơrớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ, etc... = chủ nghĩa xã hội.”[14] Đó là một tư duy khoa học. Đến đây, sự phát triển của CNXH ở nước Nga vừa có tính độc lập lại vừa là một bộ phận gắn bó biện chứng, kế thừa và đóng góp vào quá trình phát triển văn minh của nhân loại.    
Thứ hai, Chính sách kinh tế mới và các biện pháp xây dựng Chủ nghĩa xã hội. V.I Lê nin cho rằng, để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga xô viết, cần tập trung vào các biện pháp “khẳng định tính thiết yếu của việc thực hiện các hình thức “quá độ gián tiếp”, những “biện pháp trung gian”, “quá độ đặc biệt” của Chính sách kinh tế mới. Cụ thể:
(i) Cần phải phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần đối với một nước tiểu nông trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Những bất hợp lý của Chính sách “cộng sản thời chiến” bị bãi bỏ, chế độ “trưng thu lương thực thừa” được thay bằng thuế lương thực với tư cách là khâu đầu tiên, là “liệu pháp cấp tốc, cương quyết nhất, cấp thiết nhất” để phát triển lực lượng sản xuất nông nghiệp; nông dân được phép mua bán và trao đổi lương thực thừa của mình; lợi ích của người lao động được quan tâm và thực hiện thông qua phát triển sản xuất, kinh tế hàng hóa; việc trao đổi hàng hóa trên cơ sở của nguyên tắc thị trường được thừa nhận và phục hồi…Thực hiện chế độ thuế, tự do buôn bán, trao đổi hàng hoá, sử dụng quan hệ hàng - tiền trong xây dựng chủ nghĩa xã hội là “đòn xeo” chủ yếu để phát triển kinh tế, là hình thức cơ bản của các mối liên hệ kinh tế giữa công nghiệp với nền nông nghiệp hàng hoá, giữa thành thị với nông thôn. Thực hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước để xoá bỏ nền sản xuất nhỏ, chủ nghĩa quan liêu và phát triển sản xuất quy mô lớn. “Có thể sử dụng chủ nghĩa tư bản tư nhân… để xúc tiến Chủ nghĩa xã hội”[15] có thể được xem là nhận thức đổi mới nhất.
(ii) Phát triển “chủ nghĩa tư bản nhà nước” - mắt xích “trung gian quan trọng để xây dựng chủ nghĩa xã hội”. V.I Lênin đặt câu hỏi: “Liệu có thể kết hợp, liên hợp, phối hợp Nhà nước Xô viết, nền chuyên chính vô sản, với chủ nghĩa tư bản nhà nước được không? Tất nhiên là được.”[16] Người nhận định: “Kinh tế nông dân, với tư cách là một nền kinh tế tiểu nông, không thể đứng vững được, nếu không có một sự tự do trao đổi nào đó, và không có những quan hệ tư bản chủ nghĩa gắn liền với tự do trao đổi đó.”[17]Tìm cách ngăn cấm, triệt để chặn đứng mọi sự phát triển của trao đổi tư nhân, của CNTB - một sự phát triển không thể tránh được khi có hàng triệu người sản xuất nhỏ, “chính sách ấy là một sự dại dột và tự sát đối với đảng nào muốn áp dụng nó”. Và thái độ đúng đắn là “Chúng ta phải lợi dụng chủ nghĩa tư bản (nhất là bằng cách hướng nó vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước) làm mắt xích trung gian giữa nền tiểu sản xuất và chủ nghĩa xã hội, làm phương tiện, con đường, phương pháp, phương thức để tăng cường lực lượng sản xuất lên.”[18]
(iii) Phải học tập và sử dụng những giá trị của chủ nghĩa tư bản; kiên quyết phản đối việc “đem chủ nghĩa tư bản đối lập một cách trừu tượng với chủ nghĩa xã hội”. Theo V.I Lênin: “lùi một bước” và “thoả hiệp” bằng việc thu phục và trả lương cao cho chuyên gia tư sản là giải pháp tốt nhất xúc tiến Chủ nghĩa xã hội. Người cho rằng, không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm tổ chức quản lý, thì không thể nào chuyển lên chủ nghĩa xã hội được.
(iv) Củng cố chính quyền xô viết, tăng cường vai trò của quản lý, kết hợp chặt chẽ hành chính, tổ chức và kinh tế là biện pháp tốt nhất để xây dựng chủ nghĩa xã hội. “Cần thực hiện ở khắp mọi nơi và hết sức nghiêm ngặt sự kiểm kê và kiểm soát việc sản xuất và phân phối sản phẩm” của nhà nước đối với đời sống kinh tế - xã hội, trên cơ sở liên minh kinh tế để tăng cường củng cố liên minh công nông về chính trị.
Những quan niệm mới mẻ và đúng đắn về chủ nghĩa xã hội từ NEP đã được cuộc sống chấp nhận. Đó là phát triển kinh tế hàng hóa, áp dụng cơ chế và quy luật thị trường, tạo ra những đòn bẩy kinh tế để giải phóng lực lượng sản xuất, kích thích sản xuất và tính tích cực của người lao động thông qua lợi ích. Ra sức vận dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ, kinh nghiệm quản lý của chủ nghĩa tư bản, sử dụng các chuyên gia tư sản có tài vì lợi ích lâu dài của chủ nghĩa xã hội. Xây dựng và phát triển nền dân chủ, nhà nước xã hội chủ nghĩa, phát huy những “sáng kiến vĩ đại” của quần chúng nhân dân…Bằng cách đó, NEP đã tạo ra nguồn lực và động lực mới cho sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở nước Nga. 
Hiệu quả thực tế là, ở Liên Xô từ năm 1922, thành thị đã có đủ lương thực - thực phẩm, năm 1925 sản xuất nông nghiệp đạt 87%, công nghiệp đạt 75% sản lượng của năm 1913; thương nghiệp đã được tăng cường mạnh mẽ (về nội thương: tổng mức lưu chuyển hàng hóa năm 1926 đã bằng 2 lần năm 1924; về ngoại thương nhà nước mở rộng quan hệ buôn bán với hơn 40 nước); ngân sách nhà nước tăng lên gần 5 lần  trong năm 1925 so với năm 1922; đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt, tình hình chính trị - xã hội ổn định, khối liên minh công nông được củng cố, mối liên hệ thành thị nông thôn được khôi phục phát triển…
3. Từ “Chính sách cộng sản thời chiến” đến NEP, V.I Lênin đã trở thành nhà cách tân vĩ đại đầu tiên trong lịch sử xây dựng chủ nghĩa xã hội và để lại nhiều chỉ dẫn kinh điển quý báu cho công cuộc cải cách, đổi mới hiện nay.
Nhấn mạnh giá trị khai sáng, tinh thần mở lối và xác lập một kiểu phát triển - “một tuyến tiến hóa mới” cho nhân loại, nhà triết học chính trị học A.Dinoviev viết về V.I Lênin và cách mạng Tháng Mười: “Nếu không có Lênin, không có Cách mạng XHCN Tháng Mười và sau đó là Liên bang Xô viết thì trong lịch sử không thể xuất hiện cả một tuyến tiến hóa có quy mô ngang với tuyến mà đại diện là thế giới tư bản Phương Tây. Tuyến tiến hóa đó có ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ sự phát triển tiếp theo của nhân loại.”[19] “Chính sách kinh tế mới” là đóng góp đặc sắc của Lênin về vấn đề mô hình và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nó là cuộc cải cách đầu tiên và cũng là nơi hình thành những tư duy mới và bước phát triển lớn lao về lý luận chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay.
Kiến tạo một mô hình CNXH phù hợp với điều kiện lịch sử và trung thành với nguyên lý lý luận là khó, nhưng phát hiện và dũng cảm thừa nhận những khuyết tật và phủ định mô hình đó còn khó hơn, vì nó đòi hỏi không những kiến thức và sự sáng suốt, mà cả sự dũng cảm để phủ nhận chính mình. Điều đáng quan tâm là từ mô hình chính sách “cộng sản thời chiến” đến “Chính sách kinh tế mới” quãng thời gian là rất ngắn, chỉ vài ba năm để có một sự đổi mới chiến lược. Phải có một tầm vóc lớn về tư duy lý luận và quyết tâm chính trị mạnh mẽ thì V.I Lênin mới có thể đưa ra và thuyết phục những người đồng chí của mình cùng hướng tới sự cải cách. Cũng cần phải khẳng định uy tín chính trị của V.I Lênin trong toàn Đảng, nhưng điều cốt lõi chính là khả năng phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề của thực tiễn bằng tư duy lý luận của Người.        
Về đại thể, chúng ta có thể thừa nhận rằng, những tư duy mới mẻ của V.I Lênin trong NEP là những chỉ dẫn lý luận cơ bản định hướng cho quá trình cải cách, đổi mới của các nước XHCN trên thế giới hiện nay. Nếu không có những chỉ dẫn của V.I Lênin về NEP, rất có thể chúng ta còn phải mò mẫm, trăn trở, dằn vặt khá lâu nữa để đổi mới tư duy về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Hiện nay, trong sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, cần tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
Sự nghiệp đó luôn gắn liền với những cống hiến lý luận của V.I. Lênin trong quá trình lãnh đạo xây dựng CNXH ở quốc gia đầu tiên trên thế giới!
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh    

[1] V.I Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcova, 1977, tập  44, tr.184.
[2] V. I. Lê-nin: Toàn tập,  Sđd, t. 36, tr. 213.    
[3] V.I.Lê-nin: Toàn tập,  Sđd, t.36, tr. 360.
[7] V.I. Lênin Toàn tập, Sđd, tập 44, tr.254.
[8] V.I.Lênin. Toàn tập, Sđd, tập 44. tr.197
[9] V.I.Lênin, Toàn tâp,  Sđd, tập 45, tr. 328
[10] V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, tập 36, tr. 362
[11] V.I.Lênin. Toàn tập, Sđd, tập 45, tr. 428
[12]  V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, Tập. 36. tr.362.
[13]  V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, Tập. 36. tr.362.
[14] V.I.Lênin.Toàn tập, Sđd., Tập36, tr.684.
[15] V.I.Lênin Toàn tập, tập 43, Sđd tr.276.
[16] V.I.Lênin Toàn tập, tập 43, Sđd, tr.268
[17] V.I.Lênin Toàn tập, tập 43, Sđd, tr.376
[18] V.I.Lênin Toàn tập, tập 43, Sđd, tr.276
[19] A.Dinoviev, Người vĩ đại nhất của thế kỷ XX,  Thông tin những vấn đề lý luận, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Số 9 (5-2004) tr. 11-14.

Nguồn:http://hcma.vn/Home/Dien-dan-chinh-tri/5818/VILenin-voi-su-van-dung-phat-trien-chu-nghia-Mac-trong-dieu-kien-lich-su-cu-the-cua-nuoc-Nga

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...