Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2022

Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích biển tại cuộc đàm phán ở LHQ

Phiên đàm phán thứ năm của Hội nghị liên chính phủ về xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia (BBNJ) đã kết thúc sau hai tuần làm việc khẩn trương.

Theo TTXVN, đoàn đàm phán liên ngành của Việt Nam do Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc dẫn đầu đã tham gia phiên đàm phán, có những đề xuất, đóng góp thực chất cho dự thảo văn kiện, góp phần tích cực vào tiến trình đàm phán về các vấn đề trực tiếp liên quan quyền và lợi ích biển của Việt Nam, đồng thời bảo vệ lợi ích chung của các nước đang phát triển.

Văn kiện sẽ là cơ sở pháp lý để thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và khai thác nguồn gien biển ngoài vùng tài phán quốc gia, đồng thời bảo đảm công bằng trong chia sẻ lợi ích từ việc khai thác và sử dụng bền vững nguồn gien biển phong phú tại vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia.

Trong bối cảnh còn tồn tại khoảng cách lớn trong khả năng tiếp cận, khai thác tài nguyên gien biển giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển, việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý toàn cầu về xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển, chia sẻ lợi ích có được từ khai thác nguồn gien biển là vô cùng cấp thiết.

Đàm phán phiên thứ năm đã đạt nhiều tiến triển lớn trên tất cả các nhóm vấn đề được thảo luận. Khung cơ bản của dự thảo văn kiện đã hình thành. Các nước đang phát triển và phát triển đã có những nhượng bộ nhất định, song chưa thể thông qua dự thảo văn kiện.

Hội nghị quyết định sẽ triệu tập phiên đàm phán tiếp theo trong thời gian sớm nhất có thể với kỳ vọng có thể kết thúc đàm phán xây dựng văn kiện về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia.

Đàm phán BBNJ cũng góp phần quan trọng trong củng cố hệ thống dựa trên UNCLOS 1982 trong quản trị các vùng biển và đại dương, bảo đảm sự phát triển bền vững cho tất cả các nước và thế hệ tương lai. 

Hoàn cảnh ra đời Bản Tuyên ngôn Độc lập

Ngày 25/8/1945, Hồ Chí Minh cùng Ủy ban Dân tộc giải phóng về đến Hà Nội. Người ở tại số nhà 48, phố Hàng Ngang của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô. Cũng tại đây, trong những ngày tháng 8 lịch sử, Người đã viết Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tiếp tục vun đắp tình hữu nghị giữa Quân đội Việt Nam và Kazakhstan

Chiều 25-8, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nur-Sultan đã diễn ra buổi giao lưu hữu nghị Quân đội Việt Nam và Kazakhstan.

Tham dự buổi giao lưu về phía Việt Nam có toàn bộ các thành viên hai đội tuyển Kinh tuyến và Xạ thủ chiến thuật tham dự Army Games 2022 tại Kazakhstan. Về phía Kazakhstan có một số cựu chiến binh, dẫn đầu là Trung tướng Dzhahasaev Bulat. 

Đặc biệt, trong số các bạn bè Kazakhstan tới dự buổi giao lưu, có mặt thân nhân của cố Trung tướng Zhansen Kereev - một tướng lĩnh quân sự nổi bật người Kazakhstan trong quân đội Liên Xô trước đây, người được nhà nước Liên Xô cử sang làm cố vấn quân sự cao cấp cho Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 1981 - 1982 và được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Trong không khí thân tình và đầm ấm, các cựu chiến binh Kazakhstan và một số cán bộ đã từng công tác tại Việt Nam đã xúc động chia sẻ những kỷ niệm về quãng thời gian sống và công tác tại Việt Nam, về thân thế và sự nghiệp, những kinh nghiệm, bài học của cố Trung tướng Kerreev trong việc xây dựng quân đội, chăm lo cho chiến sĩ, đóng góp vào tình hữu nghị giữa nhân dân và quân đội Việt Nam và Kazakhstan, sự sẻ chia, sát cánh giữa các cựu chiến binh hai nước trước đây cần tiếp tục được thế hệ trẻ tiếp tục vun đắp, củng cố và phát triển, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi giao lưu, Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan Phạm Thái Như Mai nhắc lại những ngày tháng Tám lịch sử khi nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đứng lên giành chính quyền và lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945, tiền thân của nước CHXHCN Việt Nam ngày nay, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.

Đại sứ khẳng định nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ to lớn, chí tình của nhân dân và quân đội các nước anh em, đặc biệt là Liên Xô cũ, trong đó có nhân dân và quân đội Kazakhstan trong suốt chặng đường dài xây dựng và bảo vệ đất nước. Những câu chuyện cảm động, bổ ích về lịch sử chiến đấu sát cánh cùng nhân dân Việt Nam của những người bạn Kazakhstan trong buổi giao lưu sẽ góp phần giúp thế hệ trẻ Việt Nam trân trọng hơn sự quý giá của hòa bình, độc lập và tự do mà chúng ta đang được tận hưởng ngày hôm nay.

Cũng nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập ngành ngoại giao, Đại sứ đánh giá cao những nhiệm vụ cao quý, đầy trọng trách của các nhà ngoại giao Việt Nam, những chiến sĩ trên mặt trận đối ngoại trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác, đoàn kết quốc tế cao cả giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

* Trước đó, vào ngày 23-8, lễ bế mạc Hội thao Quân sự Quốc tế lần thứ 8 (Army Games 2022) tại Kazakhstan đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Quân sự Ái quốc ở thủ đô Nur-Sultan. Trung tướng Marat Khusainov, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Kazakhstan tổng kết Hội thao Army Games-2022, chúc mừng thành công của các đội tuyển tham dự cuộc thi và nhấn mạnh, các cuộc tranh tài diễn ra gay cấn nhưng đầy tình hữu nghị.

Có 26 đội từ 15 nước tham gia thi đấu ở Army Games 2022 tại Kazakhstan với ba môn: Xạ thủ chiến thuật, Kinh tuyến và Pháo binh từ ngày 13 đến 22-8-2022. Việt Nam tham gia thi đấu hai môn Xạ thủ chiến thuật và Kinh tuyến cùng với đội tuyển của 8 nước khác và được xếp thứ tư chung cuộc.

VĨNH TRỌNG

Nguồn: Báo QĐND

Bế mạc Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2022: Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam xếp ở vị trí thứ 5

Tối 27-8 (theo giờ địa phương), Lễ bế mạc Hội thao quân sự quốc tế - Army Games 2022 đã được tổ chức tại công viên Patriot ở ngoại ô Moscow, LB Nga.

Đoàn Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tham gia Army Games 2022 ở nước ngoài do Đại tá Tạ Quang Thảo, Phó cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, làm Trưởng đoàn dự lễ bế mạc.

Trước đó, chiều cùng ngày đã diễn ra trận chung kết của Bảng 1 cuộc thi “Xe tăng hành tiến” với kết quả Đội tuyển Xe tăng LB Nga giành vị trí thứ nhất, Đội tuyển Belarus xếp thứ hai và đứng ở vị trí thứ ba là Đội tuyển Trung Quốc. Năm nay, Đội tuyển Xe tăng QĐND Việt Nam đạt thành tích lọt vào vòng bán kết Bảng 1 của cuộc thi.

Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức đã trao Cúp cho Đội tuyển Xe tăng LB Nga. Các đoàn ca nhạc của Bộ Quốc phòng LB Nga cũng biểu diễn một số tiết mục văn nghệ độc đáo, trong đó nổi bật có nhóm biểu diễn nhạc Jazz.

Army Games 2022 diễn ra từ ngày 13 đến 27-8 và có 264 đội tuyển đến từ 34 quốc gia tham gia tranh tài ở 34 nội dung thi đấu. Army Games lần này được tổ chức ở 12 quốc gia, bao gồm: Nga, Algeria, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Trung Quốc, Iran, Kazakhstan, Mongolia, Uzbekistan, Venezuela và Việt Nam. Đây cũng là năm đầu tiên Army Games được tổ chức tại một quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ (Venezuela). Trong khi đó, có hai quốc gia lần đầu tiên tham gia một kỳ Army Games, đó là Bolivia và Rwanda.

Kết quả toàn đoàn, LB Nga xếp ở vị trí đầu tiên, Uzbekistan xếp thứ hai; Belarus và Kazakhstan cùng xếp ở vị trí thứ ba; Trung Quốc và Iran cùng xếp vị trí thứ 4. Đoàn QĐND Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 toàn đoàn với 1 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc và 5 Huy chương đồng.

Cùng với việc đăng cai tổ chức cuộc thi “Vùng tai nạn” tại Việt Nam, QĐND Việt Nam còn cử các đội tuyển tham gia thi đấu ở một số nội dung khác như: Xe tăng hành tiến (thi đấu tại LB Nga), Đội quân văn hóa (LB Nga), Tiếp sức quân y (LB Nga), Đột phá đặc biệt (LB Nga), Môi trường an toàn (Uzbekistan), Bếp dã chiến (Uzbekistan), Kỹ năng thành thục (Belarus), Xạ thủ chiến thuật (Kazakhstan) và Kinh tuyến (Kazakhstan).

Thành tích cụ thể của các đội tuyển của QĐND Việt Nam tại Army Games 2022 như sau: Đội tuyển Vùng tai nạn (Huy chương vàng); Đội tuyển Đội quân văn hóa (Huy chương bạc); Đội tuyển Kỹ năng thành thục (đội nam giành Huy chương bạc, đội nữ giành Huy chương đồng); Đội tuyển Tiếp sức quân y (Huy chương đồng); Đội tuyển Môi trường an toàn (Huy chương đồng); Đội tuyển Bếp dã chiến (Huy chương đồng), Đội tuyển Xạ thủ chiến thuật và Đội tuyển Kinh tuyến cùng xếp ở vị trí thứ 4; Đội tuyển Xe tăng lọt vào tới vòng bán kết. Ngoài ra, trong lần đầu tiên tham gia một kỳ Army Games, Đội tuyển Đột phá đặc biệt với thành phần gồm 12 học viên quân sự đang học tập tại LB Nga đã giành Huy chương đồng.

Cũng trong thời gian diễn ra các nội dung thi đấu trong khuôn khổ Army Games 2022, Đoàn đại biểu cấp cao QĐND Việt Nam do Thượng tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam làm Trưởng đoàn đã đến LB Nga tham dự Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự quốc tế Army-2022 và Hội nghị an ninh quốc tế Moscow lần thứ 10.

VŨ HÙNG (từ Moscow, LB Nga)

Nguồn: Báo QĐND

77 năm ngoại giao Việt Nam: Tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Suốt 77 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống ngoại giao hòa hiếu nhưng quật cường của dân tộc và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam không ngừng phát triển toàn diện, vững mạnh, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo và rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao là một mặt trận chiến lược trong hai cuộc kháng chiến và kiến quốc. Với những quyết sách mưu lược và khôn khéo, ngoại giao đã góp phần quan trọng bảo vệ chính quyền cách mạng và nhân dân sau Cách mạng Tháng Tám. Cùng các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa... “vừa đánh, vừa đàm”, “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”, mặt trận ngoại giao đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các lực lượng tiến bộ và nhân dân thế giới đối với sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của nhân dân ta, tạo nên những thắng lợi làm rạng rỡ lịch sử dân tộc, từ đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 đến Hiệp định Paris năm 1973. Sau khi đất nước thống nhất, ngoại giao là mặt trận tạo lối, mở đường, từng bước phá thế bị bao vây, cấm vận, khơi thông quan hệ với nhiều đối tác, mở ra cục diện mới cho phát triển đất nước.

Trong hơn 35 năm đổi mới, kế thừa và vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, ngoại giao cùng các trụ cột, binh chủng đối ngoại đã đi đầu tạo dựng, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc và nâng cao vị thế quốc gia.

Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng... Với mạng lưới quan hệ đối ngoại rộng mở và ngày càng sâu sắc, môi trường hòa bình, ổn định và độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ngày càng được củng cố vững chắc; đồng thời, mở ra nhiều thị trường xuất nhập khẩu, tranh thủ nhiều nguồn vốn, công nghệ và tri thức bên ngoài phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, ngoại giao y tế và ngoại giao vaccine đã đóng góp quan trọng vào thực hiện thành công chiến lược vaccine, tạo tiền đề tiên quyết để nước ta chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và vươn lên sau đại dịch.

Việc nước ta đảm nhận nhiều trọng trách quốc tế như Chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, cùng với ứng xử đúng đắn, có lý, có tình tại nhiều diễn đàn đa phương đã khẳng định và nâng cao hình ảnh, uy tín nước Việt Nam độc lập, tự chủ, đổi mới, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tin cậy, chân thành và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại đã góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, con người, thành tựu đổi mới và bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài góp phần củng cố đại đoàn kết dân tộc, huy động nhiều nguồn lực của kiều bào cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tốt bảo hộ công dân ta ở nước ngoài, nhất là khi xảy ra xung đột, chiến tranh, dịch bệnh trên thế giới.

Có được những thành tựu nói trên là nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là kết tinh nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các trụ cột, binh chủng đối ngoại, các ngành, các cấp. Những thành quả đó cũng là kết tinh truyền thống vẻ vang của đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, nỗ lực phấn đấu và cống hiến bền bỉ của các thế hệ cán bộ ngành ngoại giao. Chính sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã tôi luyện ngành ngoại giao ngày càng trưởng thành và phát triển, tạo nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh.

Dưới ánh sáng đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, đối ngoại nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, gắn với thực hiện chủ trương “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Là lực lượng chủ lực trên mặt trận đối ngoại của đất nước, ngành ngoại giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn với đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội để triển khai đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại. Trong đó, trọng tâm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đi đôi với kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, tranh thủ tối đa các yếu tố quốc tế thuận lợi, “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tìm cách làm mới, hướng đi mới, lĩnh vực mới để mở rộng thị trường, huy động các nguồn lực bên ngoài cho thực hiện khát vọng, tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước; phát huy vai trò Việt Nam tại các cơ chế đa phương quan trọng để nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Trước đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cần xây dựng ngành ngoại giao trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hiện đại. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc tháng 12-2021: “Một nhà ngoại giao, một nhà hoạt động đối ngoại giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi”, điều cốt yếu là cần xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, tận tâm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vững vàng, mưu lược, có phong cách chuyên nghiệp, có trình độ đạt tới tầm khu vực và quốc tế. Muốn vậy, cần tăng cường hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại giao cả về bản lĩnh chính trị lẫn trình độ, năng lực.

Nhìn lại chặng đường 77 năm qua, các thế hệ cán bộ ngoại giao tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người sáng lập và để lại cho nền ngoại giao nước ta một di sản tư tưởng ngoại giao đặc sắc và vô giá. Học tập, vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao của Người và phát huy truyền thống vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam, toàn ngành ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết tâm xây dựng ngành ngoại giao Việt Nam trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

BÙI THANH SƠN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Nguồn: Báo QĐND

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...