Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

Sắp xử phúc thẩm vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại Đồng Tâm

Dân trí Theo dự kiến, từ ngày 8/3 tới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ 8 - 10/3, do thẩm phán Ngô Tự Học làm chủ tọa.

Phiên phúc thẩm được mở để xem xét kháng cáo của 6 bị cáo. Trong đó, các bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến cùng cho rằng mức án cấp sơ thẩm tuyên cho mình là nặng, xin tòa cấp phúc thẩm căn cứ các tình tiết để giảm nhẹ thêm hình phạt.

Riêng bị cáo Bùi Thị Nối kháng cáo vì không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại cho mình.

Trước đó, tại bản án sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Lê Đình Công, Lê Đình Chức tử hình; Lê Đình Doanh tù chung thân; Bùi Viết Hiểu 16 năm tù và Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù cùng về tội "Giết người".

Cùng tội danh trên, bị cáo Nguyễn Văn Tuyển bị tòa tuyên phạt 12 năm tù.

23 bị cáo còn lại bị tòa sơ thẩm tuyên phạt các mức án từ 15 tháng tù (hưởng án treo) đến 6 năm tù giam về cùng tội "Chống người thi hành công vụ". Trong đó, bị cáo Bùi Thị Nối bị tuyên phạt 6 năm tù giam.

Theo bản án sơ thẩm, đất Đồng Sênh ở Đồng Tâm là đất quốc phòng nhưng ông Lê Đình Kình (SN 1936) cùng các bị cáo trong vụ án đã thành lập "Tổ đồng thuận" nhằm lấn chiếm, sử dụng khu đất này và vu khống chính quyền. Nhóm này nhiều lần chống đối cơ quan chức năng và bắt giữ trái phép giữ công an, cán bộ...

Sáng 9/1/2020, cảnh sát vào thôn Hoành bảo vệ các mục tiêu đã bị "Tổ đồng thuận" ném bom xăng, lựu đạn, dùng dao tấn công bất chấp việc lực lượng chức năng kêu gọi chống đối.

Lúc này, các chiến sĩ cảnh sát Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy và Dương Đức Hoàng Quân đi trên trần nhà đã bị ngã xuống hố sâu 4 m. Bị cáo Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh đã dùng dao nhọn chọc xuống rồi nhiều lần đổ xăng vào hố, thiêu 3 cảnh sát tử vong.

Cấp sơ thẩm cho đánh giá, đây là vụ án hình sự nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, bất chấp pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước, ngang nhiên xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Nhà nước và chính quyền địa phương, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, đặc biệt là những người đang thi hành công vụ.

HĐXX cho rằng, các bị cáo thực hiện hành vi vô cùng dã man, tàn bạo và mất hết tính người, các bị cáo đã dùng xăng đốt làm 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh.

Các bị cáo Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Doanh, Lê Đình Chức và Nguyễn Quốc Tiến là những bị cáo cầm đầu, vừa tổ chức chuẩn bị công cụ, phương tiện, phân công vị trí, nhiệm vụ cho các bị cáo khác, vừa trực tiếp thực hiện hành vi tấn công lực lượng chức năng.

Bị cáo Lê Đình Công được xác định là người giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, thường xuyên lôi kéo, kích động, kêu gọi chống đối, tổ chức các cuộc họp bàn, tung các video clip, ghi hình và phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội tuyên bố giết chết từ 300-500 chiến sĩ công an…

Công tích cực chuẩn bị công cụ, phương tiện và phân công vị trí, nhiệm vụ cho các bị cáo khác. Bị cáo là người chỉ đạo và góp tiền mua xăng, mua lựu đạn, hướng dẫn các bị cáo khác và trực tiếp làm bom xăng, bùi nhùi; trực tiếp thực hiện hành vi ném bom xăng, lựu đạn về phía lực lượng chức năng.

Bị cáo Lê Đình Chức là người chỉ đạo Lê Đình Doanh đổ xăng ra chậu, cùng Doanh đẩy chậu xăng đang cháy xuống hố; trực tiếp đổ xăng thêm 3-5 lần xuống hố làm 3 cán bộ, chiến sĩ công an bị thiêu cháy.

Hành vi của 2 bị cáo này là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 3 người đang thi hành công vụ hi sinh. Hành vi của bị cáo thể hiện tính côn đồ, tàn ác, mất nhân tính và không còn khả năng cải tạo, nên cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất của khung hình phạt, loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Đối với bị cáo Lê Đình Doanh, Tòa án cho rằng, lẽ ra cần loại bỏ vĩnh viễn Doanh khỏi xã hội nhưng trong vụ án này, bố và chú của Doanh đã bị tước bỏ quyền sống nên không cần thiết phải loại bỏ bị cáo này khỏi xã hội để thể hiện tính nhân đạo.

Các bị cáo Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Văn Tuyển cũng vì tham lam nên lôi kéo người khác. Việc 3 cảnh sát bị đốt tử vong có liên quan với hành vi của 2 bị cáo này.

Bị cáo Nguyễn Quốc Tiến là người trực tiếp đi mua 10 quả lựu đạn, chuẩn bị xăng để chống đối, tham gia họp bàn để chống đối. Tiến trực tiếp ném bom xăng về phía công an với động cơ giết người, không cảnh sát nào chết là nằm ngoài ý muốn của bị cáo.

Hà Nội xử phạt người đăng tải cách tự điều trị COVID-19 tại nhà

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vừa ra quyết định xử phạt hành chính với chị L.T.H vì đăng tải cách hướng dẫn tự chữa COVID-19 tại nhà không có cơ sở khoa học, sai sự thật.

Ngày 24/2, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ra Quyết định số 36/QĐ-XPVHC xử phạt vi phạm hành chính với L.T.H (sinh năm 1992, ở phường Phúc La, quận Hà Đông) vì đã đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật về dịch Covid-19.

Cụ thể, vào hồi 7h12 ngày 31/1/2021, L.T.H đã đăng tải bài viết trên tài khoản mạng xã hội Facebook có tên "Nhẫn đôi ĐTJ", với nội dung: "Mọi người đọc và chuẩn bị cho mình, phòng khi Covid ghé thăm nhé cả nhà. Bs Thùy Trang đã nói rất rõ và hôm nay báo chí mới đưa tin. Bs Thùy Trang có nói trước vì đã nhìn thấy Covid-19 (năm 2019) và Covid-19 (năm 2020) có khác nhau...", đồng thời hướng dẫn cách tự điều trị Covid-19 tại nhà bằng chanh tươi, thuốc ho, tylenol... nếu áp dụng phương pháp điều trị này sẽ khỏi bệnh trong 5 ngày, hiệu quả giảm đến 99%...

Theo Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, toàn bộ nội dung bài viết không có cơ sở khoa học, chưa được cơ quan chức năng có chuyên môn thẩm định, áp dụng, là thông tin sai sự thật. Do vậy, việc L.T.H đăng tải, chia sẻ nội dung sai sự thật về việc điều trị Covid-19 tại nhà trên mạng xã hội Facebook đã vi phạm quy định tại Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Căn cứ theo các quy định pháp luật, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã phạt tiền L.T.H 7,5 triệu đồng và buộc phải gỡ bỏ thông tin vi phạm (hiện đã tự gỡ bỏ thông tin vi phạm).

Trước đó, Công an quận Cầu Giấy đã triệu tập chị N.T.T. (SN 1989, ở Cầu Giấy, Hà Nội) để làm rõ hành vi đăng tải nội dung bôi nhọ, cán bộ và người dân Hải Dương trong phòng, chống dịch COVID-19.

Công an quận Cầu Giấy đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chị T. về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” theo điểm a, Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ.

Căn cứ vi phạm này chị T. sẽ bị phạt 7,5 triệu đồng.

Thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thành công

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã kết thúc thành công rực rỡ, hợp với ý đảng, lòng dân, đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu về mọi mặt để toàn Đảng, toàn dân, quyết định những vấn đề lớn của đất nước. Thế nhưng, đây lại là dịp các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phá hoại.

Sau khi Đại hội kết thúc, các thế lực thù địch ở nước ngoài, số đối tượng phản động, cơ hội chính trị, các trang báo mạng thiếu thiện chí với Việt Nam như BBC, RFA, RFI... Các đối tượng tập trung công kích, tìm cách nói xấu, hạ uy tín, tìm cách xiên xỏ, bôi nhọ từng người.

Một số tổ chức thù địch tìm cách xuyên tạc, chống phá công  tác bảo vệ Đại hội Đảng, trực tiếp là bôi nhọ lực lượng QĐND, CAND. Với vai trò là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, danh dự, uy tín của lực lượng QĐND, CAND cũng luôn là mục tiêu các thế lực thù địch nhằm vào để xuyên tạc, phá hoại. Ngay sau lễ xuất quân diễn tập phương án bảo vệ Đại hội XIII của Đảng tại Quảng trường Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), trên fanpage của Tổ chức khủng bố Việt Tân, số cơ hội chính trị đã đăng tải tràn lan những thông tin xấu độc công kích, bôi lem hoạt động trên.

Trang fanpage của Việt Tân đăng bài “Nghi ngờ dân, sợ dân, Đảng Cộng sản Việt Nam diễn tập chống dân” cùng với luận điệu như: “Đảng quang vinh vĩ đại muôn năm, và các ông các bà đều khẳng định được nhân dân tin tưởng, yêu mến... vậy các ông các bà lo sợ điều gì mà phải diễn tập hoành tráng để bảo vệ ĐH Đảng lần thứ 13 vậy”. Đáng chú ý, các đối tượng này còn cố tình xuyên tạc bản chất khi so sánh rằng: “Diễn tập để bảo vệ ĐH Đảng chứng tỏ đảng không hề tin tưởng nhân dân, vẫn sợ nhân dân nổi loạn...”.

Đây đích thực là giọng điệu của những kẻ “miệng lưỡi không xương”, “bán trời không văn tự”. Thực tế từ lâu nay, sự lớn mạnh của lực lượng QĐND, CAND chính là “cái gai” trong mắt của các đối tượng chống đối chính trị, phản động. Do vậy, để chống phá thành công của Đại hội Đảng XIII, việc số đối tượng chống đối tìm cách bôi đen, chia rẽ giữa lực lượng QĐND, CAND với Đảng, với nhân dân, thủ đoạn này nguy hiểm, nhằm phủ nhận tầm quan trọng của lực lượng vũ trang với vai trò là chỗ dựa, là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân. Chúng luôn muốn tìm mọi cách đòi phải “phi chính trị hóa” lực lượng QĐND, CAND, làm cho lực lượng này suy yếu, nằm ngoài vai trò lãnh đạo của Đảng, không còn là chỗ dựa thì ắt sẽ dẫn đến Đảng, chính quyền không còn được bảo vệ, mất vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành đất nước và chế độ sẽ sụp đổ. Đây là luận điệu rất trơ trẽn, lố bịch.

Bên cạnh vai trò đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác bằng việc lắng nghe và tiếp nhận các thông tin từ phía cơ quan ngôn luận chính thống, tỉnh táo để nhận diện các thông tin xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Để từ đó tạo sức đề kháng, tăng khả năng “miễn dịch”, tránh rơi vào bẫy tin giả hoặc a dua, tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động. Chủ động lên án, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Q.C.504

Việt Nam bảo đảm có 90 triệu liều vaccine ngừa Covid-19

GS, TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế cho biết, trong năm 2021, Bộ Y tế bảo đảm sẽ cung cấp 90 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho người dân Việt Nam.

Đây là thông tin được GS, TS Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 diễn ra sáng ngày 24-2.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đến sáng 24-2 Việt Nam ghi nhận 2.403 bệnh nhân, trong đó 1.760 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, hiện có hai trường hợp bệnh nhân nặng, đặc biệt bệnh nhân cao tuổi (79 tuổi là người nhập cảnh, có nhiều bệnh nền) đang rất nặng, tiên lượng khó qua khỏi. Các chuyên gia của Hội đồng chuyên môn đã nhiều lần hội chẩn quốc gia điều trị cho trường hợp này.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đến nay 10 địa phương của đợt dịch thứ 3 này đã trải qua nhiều ngày không ghi nhận ca bệnh gồm: Hòa Bình 25 ngày, Điện Biên 20 ngày, Hà Giang 20 ngày, Bình Dương 19 ngày, Hưng Yên 17 ngày, Bắc Giang 15 ngày, Gia Lai 14 ngày, Bắc Ninh 13 ngày, TP Hồ Chí Minh 12 ngày, TP Hà Nội chín ngày.

Đánh giá chung tình hình dịch trên cả nước, Bộ trưởng cho biết về cơ bản chúng ta đã kiểm soát tốt. Các địa phương đều cơ bản đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban Chỉ đạo Quốc gia, của Bộ Y tế.

Đối với chùm ca bệnh tại Hải Phòng, nhận định ban đầu có liên quan đến Hải Dương. Hải Phòng đã lấy gần ba nghìn mẫu, trong đó có 358 trường hợp F1 và các trường hợp liên quan. Đến nay tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính. Đối với tình hình dịch tại Hải Dương, đến nay tình hình đang được kiểm soát tốt. Tốc độ lấy mẫu xét nghiệm và truy vết của Hải Dương tăng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế không có chủ trương cho xét nghiệm tự nguyện, để tránh gây lãng phí và tốn kém. Đề nghị các địa phương thực hiện theo các văn bản chỉ đạo cụ thể vấn đề này.

Liên quan đến vấn đề giải trình tự gien của virus SARS-CoV-2 tìm thấy trong các ca mắc tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay: kết quả giải trình tự gien của trường hợp bệnh nhân Nhật Bản đã tử vong và chùm ca bệnh tại Hà Nội cho thấy đây là virus SARS-CoV-2 nhóm 20C, chủng này lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc)... nhưng không có ở Nhật Bản. Tốc độ lây nhiễm không cao, tuy nhiên mức độ tăng nặng chưa rõ ràng.

Đối với chủng lưu hành tại Hải Dương là biến chủng SARS-CoV-2 tại Anh, có một mẫu là chủng lưu hành tại Nam Phi; tám mẫu lưu hành tại Quảng Ninh cũng là biến chủng của Anh. Mầm bệnh có thể đã tồn tại trong cộng đồng, do vậy cần nâng cao cảnh giác trong phòng, chống dịch. 

Bộ Y tế kiến nghị tiếp tục thực hiện các công tác phòng, chống dịch theo Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, đối với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác, tập trung giám sát các cơ sở y tế, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho trong cộng đồng, các chuyên gia nước ngoài và những người nhập cảnh. 

Về việc cung ứng vaccine phòng, chống Covid-19, Bộ trưởng Y tế cho hay, hiện nay vaccine có các nguồn sau. Đầu tiên, nguồn của COVAX Facility khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để trong năm 2021 có đủ 30 triệu liều này.

Thứ hai, nguồn vaccine của AstraZeneca. Ngày hôm qua (23-2) Bộ Y tế đã đàm phán lần cuối cùng với AstraZeneca và Công ty VNVC. Lô 30 triệu liều vaccine này được Bộ Y tế mua của AstraZeneca thông qua công ty VNVC. Hôm nay và ngày mai, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ thực hiện theo điều 26 của Luật Đấu thầu cho mua vaccine theo cơ chế đặc biệt để Việt Nam sớm có vắc xin. 

Thứ ba, là nguồn vaccine của Pfizer. Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán, khả năng trong năm 2021, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế xin chủ trương huy động xã hội hóa cho việc tiếp cận nguồn vaccine này.

Thứ tư, đối với vaccine Sputnik V của Nga, Bộ Y tế đang tích cực đàm phán. Trong tuần này, Bộ Y tế sẽ họp hội đồng cấp phép cho vaccine của Nga. Nhà sản xuất thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều.

Ngoài ra, Bộ Y tế, các tập đoàn, công ty khác không kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác.

Bộ trưởng Y tế khẳng định, trong năm 2021 chúng ta không thiếu vaccine. Bộ Y tế đang hết sức nỗ lực để triển khai tiêm. "Có thể nói rằng, chúng ta triển khai trong đợt này là đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu liều. Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong ngành y tế và ngoài ngành tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, bảo đảm độ bao phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, 117 nghìn liều đã về đến Việt Nam hôm nay là nguồn của Astra Zeneca. Về lộ trình cung cứng vaccine, trong quý 1, dự kiến có 1,3 triệu liều, trong đó 117.000 liều đã về ngày 24-2, số còn lại về trong tháng 3; Quý 2 dự kiến có 9,5 triệu liều và Quý 3 có 25,9 triệu liều; Quý 4 có 51,1 triệu liều. Như vậy tổng số là 90 triệu liều.

Theo Bộ trưởng, 117 nghìn liều đầu tiên này sẽ ưu tiên tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19; tiếp đến là lực lượng biên phòng đang làm nhiệm vụ tại các chốt, lực lượng công an tại các khu vực cách ly phong tỏa, lực lượng lấy mẫu, truy vết, lực lượng phòng, chống dịch thuộc các tổ Covid-19 cộng đồng; các phóng viên tác nghiệp tại khu vực có dịch...

Đầu tháng 3, Bộ Y tế sẽ tiến hành tiêm số vaccine này. Cuối tháng 3 có thể thêm 1,2 triệu liều. "Việc tiêm vaccine được thực hiện trên nguyên tắc ưu tiên tiêm người có nguy cơ cao đến người có nguy cơ thấp, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau", Bộ trưởng cho biết.

Đối với vaccine trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin các công đoạn vẫn đang theo đúng tiến độ. Dự kiến đến năm 2022, chúng ta sẽ sản xuất được vaccine. Bộ Y tế rất kỳ vọng vào việc sản xuất vaccine của Việt Nam, trong đó vaccine của Nanogen sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 trong tuần này và vaccine của Ivac có hiệu quả rất tốt.

Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu

Ngày 23-2, nhận lời mời của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 2-2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở Cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề "Giải quyết các nguy cơ đối với hòa bình và an ninh quốc tế liên quan đến khí hậu".

 Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tham dự và phát biểu tại một sự kiện trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thể hiện vai trò và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thách thức toàn cầu hàng đầu hiện nay. Sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ khẳng định và đề cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. 

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng: 

Thưa Ngài Chủ tịch, 

Tôi đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ Anh và Ngài Chủ tịch, Thủ tướng Boris Johnson trong việc tổ chức cuộc họp hôm nay của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chủ đề rất quan trọng là “Giải quyết các nguy cơ đối với hòa bình và an ninh quốc tế liên quan đến khí hậu”. Xin cám ơn Ngài António Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc và các báo cáo viên khác vừa trình bày nhiều thông tin, khuyến nghị hữu ích và thiết thực. 

Thưa Ngài Chủ tịch, 

Trái đất, hành tinh xanh, ngôi nhà chung của chúng ta đang phải chịu những tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu. Năm 2020 là một trong ba năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử hiện đại với những tác động dồn dập, nghiêm trọng của lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, nước biển dâng, cùng với đó là bùng phát khủng khiếp chưa từng có của đại dịch Covid-19. 

Tất cả những điều tồi tệ này đã đè nặng lên đời sống chính trị, kinh tế xã, hội của các quốc gia, gây thất nghiệp, đói nghèo, đe dọa sinh kế hàng trăm triệu người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn hoặc làm trầm trọng hơn các xung đột hiện có ở không ít quốc gia, khu vực, từ đó đe dọa môi trường hòa bình, an ninh quốc tế. Hơn nữa, chính xung đột và bất ổn lại là căn nguyên làm suy yếu thêm năng lực tự cường của các quốc gia, tước đi những nguồn lực quý báu lẽ ra được dành cho ứng phó với các thách thức biến đổi khí hậu. 

Trước tình hình đó, tôi xin khuyến nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với sứ mệnh hàng đầu là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cần tập hợp nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế cùng hành động quyết liệt với các giải pháp căn cơ sau: 

Thứ nhất, có cách tiếp cận toàn diện, cân bằng khi xử lý mối liên hệ giữa các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên toàn cầu, nhất là loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của xung đột như nghèo đói, bất bình đẳng, hành động chính trị cường quyền và can thiệp, áp đặt đơn phương. Tuân thủ nghiêm túc Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế phải thực sự trở thành chuẩn mực hành xử của các quốc gia trong quan hệ quốc tế. 

Thứ hai, để thực hiện hiệu quả Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững (SDG-2030), Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu (COP-21), Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế cần dành thêm nguồn lực để hỗ trợ các nước đang phát triển, chậm phát triển, quốc đảo nhỏ, nước không có biển đang phải chịu tác động biến đổi khí hậu nặng nề nhất nhưng lại thiếu nghiêm trọng về chuyên môn, nguồn lực. 

Thứ ba, rất mong Hội đồng Bảo an tiếp tục tăng cường năng lực cảnh báo, trung gian hòa giải, ngăn ngừa và giải quyết xung đột tại các khu vực, trong đó có phương thức thông qua hợp tác chặt chẽ với các tổ chức khu vực. 

Thứ tư, để giải quyết hài hòa mối liên hệ giữa khí hậu và an ninh, cần tiếp tục bảo đảm các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, quyền tự chủ và trách nhiệm chủ đạo của quốc gia. Lợi ích chung của cộng đồng và mọi người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương phải được đặt ở vị trí trung tâm trong các chiến lược, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc gia và toàn cầu. 

Thưa Ngài Chủ tịch, 

Theo Ngân hàng thế giới, Việt Nam là top 6 quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, do đó chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu là chủ trương lớn, quyết tâm chính trị cao của Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu (SDG-2030, COP-21) và ủng hộ mọi nỗ lực giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu tại Hội đồng Bảo an và các diễn đàn đa phương khác. Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ nguồn lực của cộng đồng quốc tế để thực hiện tốt hơn các cam kết của mình. Việt Nam hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN và tích cực ủng hộ hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc. 

Thưa Ngài Chủ tịch, 

Dù thế giới đang phải căng ra để ứng phó với đại dịch Covid-19, nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của ngài Tổng Thư ký Liên hợp quốc: “Tạo lập hòa bình với thiên nhiên là nhiệm vụ trọng tâm của thế kỷ XXI”, chúng ta cần tăng cường hành động và đoàn kết quốc tế và tôi tin rằng những “thách thức” của biến đổi khí hậu hoàn toàn có thể trở thành “động lực” của sự thay đổi, góp phần xây dựng một tương lai hòa bình và phát triển bền vững hơn cho các thế hệ mai sau. 

Xin trân trọng cảm ơn!

“Nông dân” áo lính ở Nam Sudan

QĐND - Ở Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam, mọi người vẫn gọi vui Trung tá Lê Ngọc Sơn là anh “nông dân chính hiệu”. Bởi, khi đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB Liên hợp quốc (LHQ) ở châu Phi, dù điều kiện địa hình, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nhưng với sự sáng tạo và đôi tay cần cù, anh Sơn vẫn tạo ra được vườn rau xanh mơn mởn, cải thiện bữa ăn cho bản thân và đồng nghiệp.

Trò chuyện với Trung tá Lê Ngọc Sơn, tôi được biết, khi làm nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan (UNMISS) tháng 11-2019, anh được bố trí làm việc tại căn cứ Aweil thuộc bang Northern Bahr El Ghazal, cách thủ đô Juba khoảng 700km. Thời điểm anh sang, Nam Sudan vừa bước vào mùa khô (kéo dài từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 5 năm sau). Khu vực anh đóng quân, nhiệt độ ngoài trời thường khoảng 50-56ºC. Đến Aweil một tháng thì thế giới xuất hiện đại dịch Covid-19. Lúc đó, việc mua rau xanh ngày thường đã rất khó, phải mất nhiều thời gian tìm kiếm ở chợ và các khu dân cư. Vì vậy, anh nghĩ, nếu dịch Covid-19 lan đến Nam Sudan, nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao do phải thường xuyên tiếp xúc lâu với người dân. Muốn bảo đảm an toàn mà vẫn có rau xanh ăn, phải tự trồng để chủ động được nguồn rau tại chỗ. Trong hành trang của anh Sơn mang theo khi ấy đã có nhiều loại hạt giống rau, song, xung quanh nhà ở chỉ toàn là đất sỏi khô cằn, thời tiết lại nắng gay gắt, rau khó có thể sống được.

 


“Nông dân” áo lính ở Nam Sudan

Trung tá Lê Ngọc Sơn thu hoạch cà chua từ vườn rau do anh dày công chăm sóc. Ảnh: PHƯƠNG MAI 

Sau khi nghiên cứu địa hình, anh Sơn quyết tâm cải thiện khu đất để nâng cao độ màu. Hằng ngày, sau mỗi giờ làm việc và tranh thủ giờ nghỉ trưa, anh mượn xe đẩy (xe cút kít) đi đến khu vực cuối căn cứ (cách chỗ ở khoảng 300m) lấy đất màu mang về đổ thành vườn. Rồi anh đến khu tập kết rác thu góp lá cây, cành cây mục mang về làm phân bón. Anh còn gom chai nhựa, bỏ sỏi vào và đào lỗ cắm làm hàng rào vây quanh, rồi lấy những nan tre đan thành bờ chắn để giữ đất không tràn xuống rãnh... Không lâu sau, nhờ sự cần cù, chịu khó, anh đã tạo dựng được một mảnh vườn xinh xắn. Để sớm có rau ăn, anh Sơn gieo hạt rau muống rồi tận dụng mái che của một thiết bị cứu hỏa để che cho rau. Nhờ có mái che, nhiệt độ giảm đi nhiều, rau muống lên xanh tốt, cung cấp đủ nhu cầu rau tối thiểu cho anh và nhiều đồng nghiệp trong những ngày nắng nóng. 

Khi tháng 5 đến, Trung tá Lê Ngọc Sơn bắt tay vào trồng rau đại trà; mỗi ô hình cánh hoa, anh trồng một loại rau khác nhau. Do trời không mưa như mọi năm, để bảo vệ vườn rau, anh phải làm mái, chặt lá chuối khô phủ lên và tưới nước để hạ nhiệt độ. Sau đó, anh còn dùng chiếc chăn mang từ Việt Nam sang căng tiếp dưới mái che. 

Thấy cây sinh trưởng tốt, Trung tá Lê Ngọc Sơn thu gom các loại cây, que trong căn cứ, dựng giàn leo cho những cây mướp đang ngày một lớn dần. Từ thành quả bước đầu, anh tiếp tục mở rộng, khai phá, làm thêm 3 mảnh vườn khác. “Nếu để phục vụ nhu cầu rau cho riêng tôi, chỉ một mảnh vườn nhỏ là đủ. Nhưng tôi muốn trồng để chia sẻ với đồng nghiệp. Vì khi dịch xảy ra, đồng nghiệp không an toàn thì chính mình cũng không an toàn”, Trung tá Lê Ngọc Sơn chia sẻ. Với suy nghĩ đó nên từ 4 mảnh vườn, anh đã trồng gần 20 loại rau xanh, như: Cải cay, đậu đũa, rau đay, đậu bắp, rau muống, mướp, cà chua... Anh cũng không quên trồng một số loại hoa để làm đẹp cảnh quan môi trường xung quanh khu ở. Mùa mưa đến, mảnh đất sỏi khô cằn hôm nào đã phủ kín rau xanh và rực rỡ sắc hoa. Không sử dụng hết, anh lại đem tặng rau xanh cho hơn 20 đồng nghiệp các nước và nhân viên người địa phương làm việc tại căn cứ Aweil. Thấy việc làm của anh mang lại hiệu quả rõ rệt, các nhân viên địa phương và người dân xung quanh rất thích thú và nhờ anh hướng dẫn kỹ thuật để cùng trồng. Việc làm của Trung tá Lê Ngọc Sơn không những thể hiện ý chí, sự sáng tạo của người Việt Nam, mà còn làm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thêm tỏa sáng trên nước bạn xa xôi. 

CHIẾN VĂN

Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nong-dan-ao-linh-o-nam-sudan-652496

Nhanh chóng tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân

 Sáng 24-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng; trong đó có vấn đề vaccine. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 8 ngày giãn cách xã hội toàn tỉnh Hải Dương (từ ngày 16-2), 4 ngày gần đây số ca mắc mới trong ngày đã có dấu hiệu giảm (trung bình 9 ca/ngày); hầu hết các trường hợp này là F1 và đã được cách ly tập trung từ trước. Số ca dương tính giảm rõ rệt trong khu cách ly và khu phong tỏa. 

Trong 5 ổ dịch chính, 2 ổ dịch tại Kinh Môn và Nam Sách cơ bản đã được khống chế; trong mấy ngày vừa qua chỉ rải rác 1 đến 2 ca trong ngày; ổ dịch tại Chí Linh và Cẩm Giàng đã có dấu hiệu khả quan hơn khi 3 ngày gần đây số ca trong ngày đã giảm xuống dưới 5 ca; ổ dịch tại TP Hải Dương cần tiếp tục theo dõi sát khi ghi nhận ca bệnh trong cùng một gia đình được phát hiện thông qua giám sát triệu chứng, gồm 4 ca tại Phường Hải Tân, TP Hải Dương, trong đó BN 2.287 tiếp xúc gần BN 1.734, BN 1.734 liên quan ổ dịch (đám cưới) tại xã Nam Tân huyện Nam Sách (nơi có công nhân Công ty POYUN tham dự). 

Đối với ổ dịch thứ 6, ổ dịch mới tại xã Kim Liên, huyện Kim Thành, đến nay đã ghi nhận 13 ca mắc mới, xuất phát từ 1 trường hợp dương tính đầu tiên được phát hiện thông qua rà soát, sàng lọc tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành. 

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực kiểm soát dịch quyết liệt của các địa phương; khẳng định, vaccine là yếu tố quan trọng dẫn tới giảm số ca mắc Covid-19 trên thế giới trong thời gian qua. Cho biết, Bộ Chính trị đã có kết luận về mua vaccine bằng nguồn ngân sách và các nguồn hợp pháp khác với yêu cầu làm công khai, minh bạch, kịp thời, song, Thủ tướng cũng lưu ý, dù có vaccine nhưng vẫn phải chú ý phòng bệnh, chữa bệnh, thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, tránh tình trạng chủ quan. 

Thủ tướng cũng đánh giá cao Hải Dương, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh là địa phương đã xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định phòng, chống dịch để răn đe. Bộ Y tế cũng đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương có vaccine cho nhân dân trong thời gian sớm nhất. Đến nay, đã có hơn 100.000 liều vaccine đã về đến Việt Nam để sớm đưa vào tiêm chủng cho người dân. Trong thời gian tới, vaccine sẽ được về Việt Nam với khối lượng nhiều hơn, kịp thời phục vụ người dân. 

Nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo để có vaccine với tinh thần phải "thần tốc hơn" với những biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt, đúng đối tượng. 

"Chiến lược của chúng ta là 100 triệu dân được tiêm vaccine", Thủ tướng nêu rõ đồng thời cho rằng, không thể một lúc đủ cho cả trăm triệu dân mà phải có thứ tự ưu tiên: Nhân viên y tế tại cơ sở điều trị, cơ sở xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu; lực lượng biên phòng, quân đội, công an tại khu cách ly; lực lượng khoanh vùng dập dịch tại vùng có dịch, lực lượng phòng, chống dịch tự nguyện và các đối tượng khác theo nghị quyết của Chính phủ. 

"Một nguyên tắc rất quan trọng là đối tượng có nguy cơ cao trước, nguy cơ thấp sau, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau", Thủ tướng nói và cho biết, ngay hôm nay Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng ký nghị quyết về vấn đề này. 

Thủ tướng cũng đề cập đến nhiệm vụ giải cứu hàng hóa tại 3 tỉnh trong cực tăng trưởng: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương; sao cho cần có các biện pháp tiếp tục lưu thông hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; không ngăn sông, cấm chợ. 

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp trong vùng dịch, vừa đảm bảo yêu cầu phòng dịch, vừa không để ách tắc. 

Chủ tịch UBND dân cấp tỉnh, nhất là những tỉnh đang có dịch cần có biện pháp cụ thể kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Ban hành những biện pháp cụ thể tại địa phương mình như phong tỏa, thực hiện các Chỉ thị 15, 16, 19 có liên quan và kịp thời giải tỏa khi tình hình đã ổn định. 

Ngành Giáo dục Đào tạo các địa phương cần đẩy mạnh việc học tập trực tuyến để đảm bảo việc học tập cho các em. Các Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế và UBND các địa phương, nhất là Bộ Quốc phòng chuẩn bị sẵn sàng các khu vực cách ly, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung và tăng cường kiểm tra, giám sát cách ly y tế, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong các cơ sở y tế tập trung. Tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát đường biên giới đường bộ, đường thủy, quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, không để tình trạng vượt biên trái phép nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. 

Bộ Y tế, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương phải chuẩn bị một số khu vực như Singapore đã làm đó là hình thành những khu vực giao dịch cần thiết, an toàn, không để ách tắc. "Bảo vệ sức khỏe nhân dân rất quan trọng nhưng không thể vì chống dịch mà ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh", Thủ tướng nêu rõ. 

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch và khuyến cáo chủ động khai báo y tế cũng như một số biện pháp khác trên tinh thần không giật gân, gây sốc và gây hoang mang dư luận. 

Thủ tướng đồng ý là các địa phương, nhất là khu vực có cảng như Hải Phòng đảm bảo lưu thông hàng hóa bình thường, biện pháp thông thoáng, chủ động phòng, chống, không ngăn sông, cấm chợ. Sản xuất phải an toàn, không được chủ quan. Các cấp, các ngành trong cả nước, các doanh nghiệp đảm bảo sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế mạnh mẽ, kể cả kinh tế dịch vụ tùy tình hình mỗi địa phương, tránh tình trạng phải đóng cửa, khoanh vùng. 

Thủ tướng giao Bộ Y tế làm đầu mối để tiếp nhận các kênh có vaccine phù hợp với điều kiện của Việt Nam với giá rẻ, minh bạch để có khối lượng vaccine cần thiết phục vụ cho nhân dân. "Tiếp cận nhiều vùng chứ không phải chỉ có một vùng", Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, vận dụng phù hợp, không để tình hình ách tắc xảy ra. Cùng với đó là nhanh chóng tổ chức việc tiêm chủng vaccine cho các đối tượng theo Nghị quyết của Chính phủ. Tỉnh nào quá khó khăn về kinh phí chi thường xuyên phục vụ cho chống dịch thì Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng để có biện pháp xử lý. 

Thủ tướng chỉ đạo cần nhanh chóng ban hành nghị quyết sau cuộc họp này để đảm bảo tinh thần chủ động, tích cực, không chủ quan nhưng không được buông lỏng, coi thường vấn đề phòng, chống dịch, nhất là những nơi đang có dịch. Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục xử lý nghiêm những vi phạm, nỗ lực hơn nữa trong phòng, chống dịch Covid-19 để tiến tới không còn địa phương nào có ổ dịch, đặc biệt là ở Hải Dương và Hải Phòng.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...