QĐND - Ở Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam, mọi người vẫn gọi vui Trung tá Lê Ngọc Sơn là anh “nông dân chính hiệu”. Bởi, khi đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB Liên hợp quốc (LHQ) ở châu Phi, dù điều kiện địa hình, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nhưng với sự sáng tạo và đôi tay cần cù, anh Sơn vẫn tạo ra được vườn rau xanh mơn mởn, cải thiện bữa ăn cho bản thân và đồng nghiệp.
Trò chuyện với Trung tá Lê Ngọc Sơn, tôi được biết, khi làm
nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan (UNMISS) tháng 11-2019, anh được bố
trí làm việc tại căn cứ Aweil thuộc bang Northern Bahr El Ghazal, cách thủ đô
Juba khoảng 700km. Thời điểm anh sang, Nam Sudan vừa bước vào mùa khô (kéo dài
từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 5 năm sau). Khu vực anh đóng quân, nhiệt độ
ngoài trời thường khoảng 50-56ºC. Đến Aweil một tháng thì thế giới xuất hiện
đại dịch Covid-19. Lúc đó, việc mua rau xanh ngày thường đã rất khó, phải mất
nhiều thời gian tìm kiếm ở chợ và các khu dân cư. Vì vậy, anh nghĩ, nếu dịch
Covid-19 lan đến Nam Sudan, nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao do phải thường xuyên
tiếp xúc lâu với người dân. Muốn bảo đảm an toàn mà vẫn có rau xanh ăn, phải tự
trồng để chủ động được nguồn rau tại chỗ. Trong hành trang của anh Sơn mang
theo khi ấy đã có nhiều loại hạt giống rau, song, xung quanh nhà ở chỉ toàn là
đất sỏi khô cằn, thời tiết lại nắng gay gắt, rau khó có thể sống được.
“Nông dân” áo lính ở Nam Sudan
Trung tá Lê Ngọc Sơn thu hoạch cà chua từ vườn rau do anh dày công chăm sóc. Ảnh: PHƯƠNG MAI
Sau khi nghiên cứu địa hình, anh Sơn quyết tâm cải thiện khu đất để nâng cao độ màu. Hằng ngày, sau mỗi giờ làm việc và tranh thủ giờ nghỉ trưa, anh mượn xe đẩy (xe cút kít) đi đến khu vực cuối căn cứ (cách chỗ ở khoảng 300m) lấy đất màu mang về đổ thành vườn. Rồi anh đến khu tập kết rác thu góp lá cây, cành cây mục mang về làm phân bón. Anh còn gom chai nhựa, bỏ sỏi vào và đào lỗ cắm làm hàng rào vây quanh, rồi lấy những nan tre đan thành bờ chắn để giữ đất không tràn xuống rãnh... Không lâu sau, nhờ sự cần cù, chịu khó, anh đã tạo dựng được một mảnh vườn xinh xắn. Để sớm có rau ăn, anh Sơn gieo hạt rau muống rồi tận dụng mái che của một thiết bị cứu hỏa để che cho rau. Nhờ có mái che, nhiệt độ giảm đi nhiều, rau muống lên xanh tốt, cung cấp đủ nhu cầu rau tối thiểu cho anh và nhiều đồng nghiệp trong những ngày nắng nóng.
Khi tháng 5 đến, Trung tá Lê Ngọc Sơn bắt tay vào trồng rau đại trà; mỗi ô hình cánh hoa, anh trồng một loại rau khác nhau. Do trời không mưa như mọi năm, để bảo vệ vườn rau, anh phải làm mái, chặt lá chuối khô phủ lên và tưới nước để hạ nhiệt độ. Sau đó, anh còn dùng chiếc chăn mang từ Việt Nam sang căng tiếp dưới mái che.
Thấy cây sinh trưởng tốt, Trung tá Lê Ngọc Sơn thu gom các loại cây, que trong căn cứ, dựng giàn leo cho những cây mướp đang ngày một lớn dần. Từ thành quả bước đầu, anh tiếp tục mở rộng, khai phá, làm thêm 3 mảnh vườn khác. “Nếu để phục vụ nhu cầu rau cho riêng tôi, chỉ một mảnh vườn nhỏ là đủ. Nhưng tôi muốn trồng để chia sẻ với đồng nghiệp. Vì khi dịch xảy ra, đồng nghiệp không an toàn thì chính mình cũng không an toàn”, Trung tá Lê Ngọc Sơn chia sẻ. Với suy nghĩ đó nên từ 4 mảnh vườn, anh đã trồng gần 20 loại rau xanh, như: Cải cay, đậu đũa, rau đay, đậu bắp, rau muống, mướp, cà chua... Anh cũng không quên trồng một số loại hoa để làm đẹp cảnh quan môi trường xung quanh khu ở. Mùa mưa đến, mảnh đất sỏi khô cằn hôm nào đã phủ kín rau xanh và rực rỡ sắc hoa. Không sử dụng hết, anh lại đem tặng rau xanh cho hơn 20 đồng nghiệp các nước và nhân viên người địa phương làm việc tại căn cứ Aweil. Thấy việc làm của anh mang lại hiệu quả rõ rệt, các nhân viên địa phương và người dân xung quanh rất thích thú và nhờ anh hướng dẫn kỹ thuật để cùng trồng. Việc làm của Trung tá Lê Ngọc Sơn không những thể hiện ý chí, sự sáng tạo của người Việt Nam, mà còn làm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thêm tỏa sáng trên nước bạn xa xôi.
CHIẾN VĂN
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nong-dan-ao-linh-o-nam-sudan-652496
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét