Sự kiện mở đầu là cuộc ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân ngày 5/6/1911 của người thanh niên tràn đầy nhiệt huyết Nguyễn Tất Thành.
Rời Tổ quốc từ bến cảng Nhà Rồng, anh đi sang phương Tây, đến tận nước Pháp để tìm hiểu bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân Pháp-kẻ đã xâm lược Việt Nam, đặt ách thống trị, áp bức và bóc lột tàn bạo nhân dân mình, biến Việt Nam thành thuộc địa và tìm ra con đường cách mạng, đánh đổ thực dân, phong kiến, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho đồng bào mình. Để đạt mục đích đó, Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh sau này đã trải qua cuộc hành trình suốt 30 năm, qua các đại dương và châu lục, lăn lộn trong thực tiễn đấu tranh, tiếp xúc với mọi người lao động nghèo khổ, dù khác màu da, tiếng nói nhưng cùng chung một cảnh ngộ bị áp bức đọa đầy, cùng chung một kẻ thù là đế quốc thực dân, cùng có một khát vọng giải phóng mình khỏi thân phận nô lệ, giành lại độc lập, tự do và nhân phẩm con người.
1. Cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam, từ lúc khởi đầu đến khi giành được thắng lợi hoàn toàn là một quá trình lịch sử dài hơn 6 thập kỷ trong thế kỷ 20.
Trong những sự kiện đánh dấu bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi số phận dân tộc, không thể không nói đến các sự kiện của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh:
Năm 1919: Gửi 8 điều yêu sách đòi độc lập, tự do cho dân tộc mình tới hội nghị Versailles.
Năm 1920: Gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, đồng sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, tiếp cận Luận cương của Lênin về quyền tự quyết dân tộc, về cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.
Năm 1925: Viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” và huấn luyện cán bộ-những hạt giống đầu tiên của phong trào cách mạng Việt Nam.
Năm 1930: Sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp soạn thảo Chính cương sách lược vắn tắt, chương trình hành động của Đảng và dự thảo Điều lệ Đảng, thư kêu gọi đồng bào.
Năm 1941: Trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Năm 1945: Cách mạng Tháng Tám thành công đúng với dự báo của Người. Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời với bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ.
Năm 1946-1954: Cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp xâm lược và Chiến thắng lịch sử “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.
Năm 1965-1969: Chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, dốc lòng dốc sức cho cách mạng miền Nam; ra lời kêu gọi: Đồng bào chiến sĩ cả nước, ngày đêm theo dõi từng bước tiến của cách mạng miền Nam, viết Di chúc để lại cho đồng bào, đồng chí, nhìn thấy triển vọng toàn thắng đang đến gần với một niềm tin mãnh liệt.
Mục tiêu cao quý và thiêng liêng của cách mạng giải phóng dân tộc là độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, là độc lập thực sự gắn liền với tự do thực sự, là hạnh phúc đủ đầy cả vật chất lẫn tinh thần cho con người, cho nhân dân Việt Nam để họ thực sự là người chủ và làm chủ cuộc sống của mình.
2. Cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam có những đỉnh cao tiếp nối đỉnh cao: Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước thắng lợi theo đúng lời kêu gọi của Hồ Chí Minh: “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”; Điện Biên Phủ, năm 1954, chôn vùi chủ nghĩa thực dân kiểu cũ; Điện Biên Phủ trên không, 12 ngày đêm ở Hà Nội (12-1972), đánh bại B.52 của đế quốc Mỹ, làm cho “Hà Nội trở thành thủ đô của phẩm giá con người”; cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành xuất sắc mệnh lệnh của lãnh tụ vĩ đại “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, kết thúc cuộc kháng chiến kéo dài nhất trong lịch sử. Cuộc kháng chiến ấy đã đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh đổ chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam.
Cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam với những đỉnh cao đó trong thời đại Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc Việt Nam đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong chống ách áp bức thống trị của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân; đã nêu tấm gương cổ vũ, thúc đẩy các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, các dân tộc bị áp bức chống lại mọi thế lực xâm lược phi nghĩa và phi nhân, giành lấy tự do và nhân phẩm làm người, giành lại quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc-những quyền cơ bản, thiêng liêng của con người, của các dân tộc trên thế giới.
Đó là những giá trị làm nên sức sống và ý nghĩa của cách mạng Việt Nam, là những cống hiến của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh vào lịch sử và văn hóa nhân loại thời hiện đại. Đó cũng là ngọn nguồn cảm hứng từ Việt Nam-Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp-Điện Biên Phủ làm nên sức lan tỏa của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
3.
Sức lan tỏa của cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh
đạo đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới bắt nguồn từ bản thân cuộc cách
mạng ấy trong sự không tách rời với truyền thống lịch sử anh hùng, bất khuất
của dân tộc Việt Nam, với lịch sử quang vinh của Đảng và với cuộc đời, sự
nghiệp của Hồ Chí Minh-người anh hùng dân tộc vĩ đại, ngọn cờ đầu của phong
trào cách mạng giải phóng dân tộc, người bạn lớn của nhân dân các dân tộc bị áp
bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, nhà văn hóa kiệt xuất
của Việt Nam mang tầm vóc vĩ nhân, danh nhân văn hóa thế giới. (còn nữa)