Đại Nguyễn
Để chống phá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, các thế
lực thù địch, cơ hội chính trị tung ra rất nhiều quan điểm, luận điệu khác
nhau, bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Sau đây xin nêu lên một số
quan điểm đó:
Một là, có quan điểm vin vào yếu tố thời đại để phủ nhận chủ
nghĩa Mác - Lê-nin. Quan điểm đó cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin chỉ phù hợp
với thế kỷ XIX, hoặc cùng lắm là đầu thế kỷ XX, nó chỉ thích hợp với cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai, chỉ thích hợp với văn minh cơ
khí, còn bây giờ nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI - là thời đại của cách mạng
khoa học - công nghệ, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, văn minh tin học, kinh
tế tri thức, kinh tế số, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nên không còn thích
hợp nữa, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã bị lỗi thời (!).
Đúng là thời đại mà chúng ta đang sống khác
rất nhiều so với thời đại của Mác - Ăng-ghen - Lê-nin, đã có nhiều biến đổi to
lớn, sâu sắc về kinh tế, xã hội, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và
công nghệ. Không nhận thức được những biến đổi to lớn của thời đại sẽ không
hiểu đúng bản chất của thời đại. Tuy nhiên, những biến đổi đó không vượt ra
ngoài những quy luật, những nguyên lý chung nhất mà C. Mác đã khám phá ra.
Chẳng hạn, đó là những quy luật phổ biến của phép biện chứng duy vật, những quy
luật phổ biến của sự phát triển xã hội loài người, như quy luật quan hệ sản
xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quy luật cơ sở hạ
tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội,
kinh tế xét đến cùng quyết định chính trị, quy luật đấu tranh giai cấp trong xã
hội có giai cấp, quy luật giá trị thặng dư, những nguyên lý khoa học về nhà
nước, cách mạng xã hội, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân...
Đứng trên quan điểm khách quan, có một số
luận điểm cụ thể của Mác, Ăng-ghen, Lê-nin không còn phù hợp với điều kiện lịch
sử mới, đã bị thực tiễn lịch sử vượt qua, song những nguyên lý cơ bản của chủ
nghĩa Mác - Lê-nin, bản chất khoa học và cách mạng vẫn giữ nguyên giá trị cần
phải bảo vệ. Hoàn cảnh lịch sử cụ thể luôn luôn thay đổi, song những quy luật
phát triển cơ bản, phổ biến của lịch sử loài người mà chủ nghĩa Mác - Lê-nin
nêu lên là không thay đổi, có giá trị trường tồn. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn là
lý luận và phương pháp luận khoa học cho sự nhận thức xã hội, nhận thức thời
đại mà không một học thuyết nào có thể thực hiện được vai trò đó.
Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác
- Lê-nin trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
(Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi
tình hình sản xuất và đời sống của công nhân Khu công nghiệp VSIP Bắc
Ninh) _Nguồn: baochinhphu.vn
Hai là, có quan điểm cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải
là sản phẩm của Việt Nam, nó là “ngoại lai”, “ngoại nhập” từ phương Tây, không
phù hợp với Việt Nam là một xã hội phương Đông, kinh tế lạc hậu; thậm chí có ý
kiến nói “du nhập chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử”,
do đó “cần phải từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin”(?).
Quan điểm trên đây là sai lầm vì không hiểu
được sức mạnh của sự trừu tượng hóa, khái quát hóa của lý luận Mác - Lê-nin.
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là lý luận khoa học nên cũng giống như các khoa học khác
(kể cả khoa học tự nhiên) có giá trị phổ quát, vượt biên giới quốc gia - dân
tộc, còn khi áp dụng nó đương nhiên phải chú ý đến điều kiện lịch sử cụ thể của
từng quốc gia - dân tộc để tránh giáo điều, máy móc. Mặc dù chủ nghĩa Mác có
nguồn gốc lý luận trực tiếp từ các nước phương Tây, như Đức (về triết học), Anh
(về kinh tế chính trị), Pháp (về lý luận chủ nghĩa xã hội), nhưng Chủ tịch Hồ
Chí Minh cho rằng “không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng
cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”, không
thể cấm bổ sung chủ nghĩa Mác bằng dân tộc học phương Đông. Nhưng khi nói vậy,
Người vẫn khẳng định “chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng cả ở đó”(2) - tức ở
phương Đông. Những quy luật của chủ nghĩa Mác vạch ra không chỉ đúng với các
nước phát triển mà còn đúng cả với các nước kém phát triển. Vì, về mặt phương
pháp luận như C. Mác đã từng chỉ ra, trong cái phát triển cao chứa đựng cái
phát triển ở trình độ thấp hơn dưới dạng lọc bỏ.
Mặt khác, nếu thực tiễn là tiêu chuẩn của
chân lý thì những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam từ khi chủ nghĩa
Mác - Lê-nin được truyền bá vào Việt Nam - một nước vốn là thuộc địa nửa phong
kiến, lạc hậu, kém phát triển nhưng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng
sản Việt Nam vận dụng sáng tạo, đưa đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm
1945, thắng lợi của kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược,
giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội,
tiến hành đổi mới mạnh mẽ, toàn diện đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam
có nhiều đổi mới về tư duy lý luận, đã nhận thức lại chủ nghĩa Mác - Lê-nin
theo tinh thần khẳng định sức sống, giá trị bền vững của những nguyên lý cơ bản
của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đồng thời loại bỏ những nhận thức không đúng, ấu
trĩ, giáo điều về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản
Việt Nam đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho phù hợp
với điều kiện lịch sử mới trên một loạt vấn đề, như mục tiêu, đặc trưng và
phương hướng cơ bản của xây dựng chủ nghĩa xã hội, vấn đề phát triển kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân,... đó là những vấn đề
không có sẵn trong di sản kinh điển mác-xít. Không có sự vận dụng, phát triển
sáng tạo đó thì không có được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà
nhân dân Việt Nam đạt được trong gần 35 năm đổi mới.
Ba là, có quan điểm sai lầm đem đối lập chủ nghĩa Mác với chủ
nghĩa Lê-nin, đối lập C. Mác với V.I. Lê-nin để phủ nhận cả chủ nghĩa Mác lẫn
chủ nghĩa Lê-nin, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin nói chung. Họ viện dẫn ra sự
“đối lập” là C. Mác và Ph. Ăng-ghen cho rằng, cách mạng vô sản phải nổ ra đồng
thời trong các nước tư bản, ít ra là trong các nước tư bản phát triển, còn V.I.
Lê-nin lại cho rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể nổ ra và thành công ở một
số nước, thậm chí ở một nước riêng lẻ, còn lạc hậu, còn nhiều tàn tích của chế
độ nông nô như nước Nga.
Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga năm
1917 đã chứng minh tính đúng đắn của quan điểm và phương pháp của V.I. Lê-nin.
Sự đối lập giữa C. Mác với V.I. Lê-nin mà họ dựng lên là giả tạo, bịa đặt.
V.I. Lê-nin là người mác-xít, ông đã tự nhận mình là học trò của Mác: Chủ nghĩa
Mác và chủ nghĩa Lê-nin thống nhất với nhau về bản chất. Chủ nghĩa Lê-nin là
chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản. C. Mác và
V.I. Lê-nin sống ở hai thời đại khác nhau, C. Mác sống ở thời kỳ chủ nghĩa tư
bản trong giai đoạn tự do cạnh tranh, còn đến V.I. Lê-nin chủ nghĩa tư bản đã
chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, khi đó cách mạng vô sản, phong trào
giải phóng dân tộc nổi lên, mỗi ông phải giải quyết những nhiệm vụ do thời đại
của mình đặt ra. V.I. Lê-nin không thể máy móc, giáo điều ngồi chờ cho cách
mạng vô sản nổ ra đồng thời ở các nước tư bản phát triển được, mà phải chủ động
nhận thức thời cơ, tình thế cách mạng và tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa
Tháng Mười Nga. V.I. Lê-nin trung thành với chủ nghĩa Mác trong bản chất cách
mạng, khoa học, biện chứng, chứ không phải trung thành một cách máy móc bởi vì
học thuyết của các ông không phải giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động.
Bốn là, có quan điểm đem đối lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tư
tưởng Hồ Chí Minh để phủ nhận cả chủ nghĩa Mác - Lê-nin lẫn tư tưởng Hồ Chí
Minh.
Quan điểm trên đây là sai lầm cả về lịch sử
và lô-gic. Về mặt lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh có cội nguồn và được hình thành
từ việc tiếp thu các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa
của nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin
chính là nguồn gốc lý luận quan trọng nhất, là cơ sở chủ yếu nhất để hình thành
và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Thông qua hoạt động trí tuệ và thực tiễn
sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp
của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để nghiên cứu thực tiễn và tìm ra con đường cách
mạng Việt Nam, vượt lên trước những nhà yêu nước đương thời, khắc phục được sự
khủng hoảng về con đường tiến lên của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh
chính là sự vận dụng sáng tạo, phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác -
Lê-nin trong điều kiện lịch sử mới. Như vậy, về mặt lô-gic, về bản chất, tư
tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với chủ nghĩa Mác - Lê-nin chứ không có sự đối lập
như một số người tưởng tượng ra. Và do đó cũng không có cái gọi là “cuộc nội
chiến về tư tưởng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lê-nin” từ năm
1930 đến nay ở Việt Nam như có người nhận định. Một số người nhân danh đề cao
tư tưởng Hồ Chí Minh để hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Họ nói tư
tưởng Hồ Chí Minh mới là sản phẩm của Việt Nam, có nguồn gốc Việt Nam, còn chủ
nghĩa Mác - Lê-nin là “ngoại lai”, “ngoại nhập”, không phù hợp với Việt Nam,
thậm chí có người muốn đưa chủ nghĩa Mác - Lê-nin ra khỏi nền tảng tư tưởng của
Đảng ta, chỉ giữ lại tư tưởng Hồ Chí Minh (!). Quan điểm đó nhân danh đề cao tư
tưởng Hồ Chí Minh, song thực chất, trực tiếp và gián tiếp chính là nhằm phủ
nhận cả tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã có chủ nghĩa
Mác - Lê-nin. Đảng ta xác định nền tảng tư tưởng của Đảng gồm chủ nghĩa Mác -
Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là rất đúng đắn, phù hợp, thể hiện mối quan hệ
biện chứng, thống nhất, gắn bó giữa hai bộ phận cấu thành nền tảng tư tưởng của
Đảng.
Năm là, có quan điểm đem quy sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa
ở Liên Xô và Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, “sai lầm từ gốc,
từ bản chất của học thuyết”.
Chúng ta thấy rằng, sự sụp đổ của chế độ xã
hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã
hội - mô hình chủ nghĩa xã hội tập trung, quan liêu, bao cấp, hành chính, mệnh
lệnh, xa rời quần chúng nhân dân với nhiều khuyết tật, chứ không phải là sự sụp
đổ của chủ nghĩa xã hội nói chung. Sự sụp đổ ấy có nguyên nhân khách quan và
chủ quan, bên trong và bên ngoài, sâu xa và trực tiếp. Chính những khuyết tật
của mô hình chủ nghĩa xã hội đó không được phát hiện và khắc phục kịp thời, tồn
tại kéo dài, tích tụ lại đã đẩy xã hội Xô-viết đến sự sụp đổ. Sự sai lầm về
đường lối cải tổ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô trước đây - cả đường lối
kinh tế, chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và đối ngoại, sự phản bội lại lý
tưởng xã hội chủ nghĩa của một số lãnh đạo cao nhất trong Đảng cùng với âm mưu
và hoạt động “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc, sự chống phá của các
thế lực thù địch là những nguyên nhân trực tiếp. Không thể quy sự sụp đổ của
Liên Xô vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chính sự nhận thức sai, vận dụng sai, sự
phản bội lại chủ nghĩa Mác - Lê-nin của một số người cao nhất trong ban lãnh
đạo Đảng Cộng sản Liên Xô là nguyên nhân chủ yếu. Vì vậy, quyết không được đồng
nhất những sai lầm đó với bản thân chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Tại sao công cuộc
cải cách, mở cửa của Trung Quốc, công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt
Nam lại đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng? Cải tổ sẽ không thất bại
nếu Đảng Cộng sản Liên Xô có đường lối cải tổ đúng đắn, trung thành và sáng tạo
trong vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trung thành với lý tưởng xã hội chủ
nghĩa, có bản lĩnh chính trị vững vàng, cảnh giác với âm mưu và hoạt động chống
phá chủ nghĩa xã hội của các thế lực đế quốc thù địch, nếu xây dựng Đảng và Nhà
nước vững mạnh, trong sạch, gắn bó mật thiết với nhân dân, chống được quan
liêu, tham nhũng... Bài học về sự sụp đổ của Liên Xô nay đã trải qua gần 30 năm
song vẫn là lời cảnh báo thường xuyên đối với các đảng cộng sản đang cầm quyền
ở các nước xã hội chủ nghĩa để tránh đi vào “vết xe đổ” của Liên Xô./.
------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.
Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, t. 2, tr. 289
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 509