NHỮNG CHUYỂN BIẾN
TIẾN BỘ VỀ GIÁO DỤC
VỚI DÂN TỘC THIỂU SỐ
Ở VIỆT NAM
Một
trong những chỉ số quan trọng để minh chứng việc bảo đảm quyền con người ở các
quốc gia có được thực thi và đi vào cuộc sống hay không là việc tạo điều kiện,
cơ hội thuận lợi cho mọi người dân được quyền học hành, nâng cao trình độ, đặc
biệt là người dân tộc thiểu số (DTTS), người yếu thế trong xã hội. Những năm
qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách, giải pháp thiết thực, phù hợp để tăng
cường bảo đảm các điều kiện học tập và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo
nguồn nhân lực vùng DTTS.
Những chuyển biến tích cực
trong công tác giáo dục DTTS ở Việt Nam không những góp phần bảo đảm quyền văn
hóa cho mọi người dân, mà còn là minh chứng sinh động nhằm phản bác các luận
điệu sai trái của các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu giáo
dục của nước ta, trong đó có thành tựu nổi bật của công tác giáo dục
DTTS.
Hiện thực hóa khát vọng “ai cũng được học hành” của Chủ tịch Hồ
Chí Minh
Việt Nam là quốc gia đa dân
tộc, trong đó có 53 DTTS, với 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Đa
số người DTTS cư trú ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải
miền Trung, chiếm 3/4 diện tích của cả nước. Đây là những nơi núi cao, địa hình
chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nhưng đồng thời cũng là địa bàn có vị trí
chiến lược, xung yếu về quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.
Dưới chế độ thực dân, phong
kiến trước đây, hầu hết người DTTS ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa quanh năm suốt
tháng chỉ biết quẩn quanh nơi rừng sâu núi thẳm, sống tự cấp tự túc, không được
đến trường, đến lớp nên rơi vào cảnh mù chữ, ít có kiến thức, hiểu biết về mọi
mặt của đời sống xã hội. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công không chỉ là
bước ngoặt vĩ đại đưa dân tộc Việt Nam bước sang trang sử mới, mà cũng là thời
điểm giúp đồng bào các DTTS từng bước được tiếp cận với ánh sáng tri thức văn
hóa của dân tộc và nhân loại. Khi trả lời các nhà báo nước ngoài dịp đầu năm
1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột
bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự
do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
“Ham muốn tột bậc” của Bác
Hồ cũng là mục tiêu cao cả, khát vọng cháy bỏng của Đảng, Nhà nước Việt Nam hơn
bảy thập niên qua, đó là làm cho mọi người dân, nhất là đồng bào DTTS “ai cũng
được học hành”. Từ khi lập Đảng, lập quốc đến nay, trong các văn kiện đại hội
của Đảng và các bản Hiến pháp, bao giờ Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng đề cập
đến việc tạo cơ hội bình đẳng, điều kiện thuận lợi cho nhân dân nói chung, các
DTTS nói riêng được quyền tiếp cận, hưởng thụ môi trường, dịch vụ giáo dục cơ
bản để không ngừng nâng cao kiến thức, trình độ, góp phần bảo đảm chất lượng
nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
|
Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc nơi đào tạo nguồn cán bộ là người
dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn
|
Đảng Cộng sản Việt Nam đã
nhiều lần khẳng định, giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu
tư cho phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Việc quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo
dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho đồng bào DTTS ở biên giới, miền núi
không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của Đảng, Nhà nước đối với những người dân ở
khu vực “phên giậu” Tổ quốc, mà còn là vấn đề vừa có ý nghĩa chiến lược, vừa là
nhiệm vụ thường xuyên để góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc
và nâng cao sức mạnh nội sinh cho đất nước.
Trên cơ sở quán triệt
nguyên tắc về chính sách dân tộc “Bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết
hài hòa quan hệ giữa các dân tộc và giúp nhau cùng phát triển”, những năm qua,
cùng với đẩy mạnh phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã
hội, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chú trọng chăm lo công tác giáo dục
ở vùng đồng bào DTTS. Xuất phát từ đặc điểm lịch sử dân tộc và điều kiện địa
lý, địa hình ở các nơi không giống nhau, Việt Nam đã thành lập nhiều mô
hình trường học đáp ứng nhu cầu học tập cho người DTTS, như: Trường thanh niên
dân tộc, trường vừa học vừa làm, trường thiếu sinh quân, trường phổ thông dân
tộc nội trú và bán trú, trường dự bị đại học dân tộc… Những mô hình này đã được
đại diện UNESCO ghi nhận là một trong những nỗ lực, sáng tạo của Việt Nam nhằm
tạo cơ hội cho mọi người DTTS được đến trường đến lớp, góp phần xóa nạn mù chữ,
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Chú trọng chăm lo nguồn đào tạo nhân lực là người DTTS
Mọi chủ trương, chính sách
chỉ có ý nghĩa khi đi vào thực tiễn và được thực tiễn kiểm chứng. Thành công
của công tác giáo dục DTTS ở Việt Nam được thể hiện sinh động qua những “con số
biết nói”. Hiện nay, 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường THCS, tiểu học và
hầu hết các xã có trường, điểm trường và lớp học mầm non; cả nước có 315 trường
phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố với tổng số 109.245 học sinh nội
trú. Trong đó, số trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia chiếm
khoảng 40%. Ngoài ra còn 975 trường phổ thông dân tộc bán trú, 5 trường đào tạo
dự bị đại học dân tộc.
Theo ông Đỗ Văn Chiến, Bộ
trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, những năm qua, việc đầu tư phát triển giáo
dục, đào tạo ở vùng DTTS, miền núi được Đảng, Nhà nước và các địa phương xác
định là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển KT-XH. Đến nay, đã
có 51/53 DTTS có học sinh cử tuyển đi học đại học, học sinh là người DTTS ở
vùng đặc biệt khó khăn được Nhà nước hỗ trợ chi phí ăn, ở, học. Mạng lưới
trường, lớp giáo dục mầm non, trường phổ thông ở vùng DTTS, miền núi tiếp tục
được củng cố, mở rộng. Trong đó mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú đã góp
phần to lớn trong tạo nguồn đào tạo cán bộ, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân
lực có chất lượng ở vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc
biệt khó khăn trong suốt thời gian qua.
Một trong những việc làm
thiết thực thể hiện sự quan tâm đối với giáo dục DTTS là nhiều địa phương đã
đẩy mạnh triển khai việc dạy tiếng DTTS cho học sinh bản địa. Hiện tại 23 tỉnh,
thành phố có đông đồng bào DTTS đang triển khai dạy và học 8 thứ tiếng DTTS,
gồm: Tiếng Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, Mơ Nông, Thái. Đây là minh
chứng rõ nét trong việc góp phần bảo đảm quyền văn hóa cho các DTTS theo đúng
tinh thần Hiến pháp 2013 đã hiến định: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói,
chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống
và văn hóa tốt đẹp của mình”.
Nhờ chú trọng chăm lo, vun
đắp sự nghiệp “trồng người” ở vùng DTTS, hiện nay tỷ lệ người DTTS biết chữ độ
tuổi 15-60 đạt 93,44%. Cả nước có hơn 13.000 người DTTS có trình độ trên đại
học, đại học, cao đẳng; hơn 78.000 người có trình độ trung học chuyên nghiệp.
Vì vậy, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo các cấp là người DTTS trong hệ thống chính trị
ngày càng tăng cao. Điển hình là trong 4 nhiệm kỳ Quốc hội liên tiếp gần đây,
tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người DTTS chiếm từ 15,6% đến 17,3%, cao hơn tỷ lệ
người DTTS trên tổng số dân là 14,6%. Một trong những những nhân tố tiêu biểu
được dư luận biết đến là chị Triệu Thị Huyền, dân tộc Dao ở thôn Khe Phưa, xã
Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, chị
Huyền được đề cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV khi mới 24 tuổi và là
đại biểu trẻ nhất của Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021.
Ngoài việc chăm lo, hỗ trợ
học sinh đi lại, ăn ở để học hành ngày càng tốt hơn, Nhà nước Việt Nam đã
có những chính sách hỗ trợ thiết thực góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh
thần cho các em. Trong số 19 ấn phẩm báo, tạp chí vừa được Thủ tướng Chính phủ
quyết định cấp cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn
2019-2021 có hai ấn phẩm dành riêng cho học sinh các DTTS. Đó là Chuyên đề
“Măng non” của Báo Nhi đồng cấp cho trường tiểu học các xã vùng DTTS
và miền núi; Chuyên đề “Thiếu nhi Dân tộc” của Báo Thiếu niên Tiền
phong cấp cho trường THCS các xã vùng DTTS và miền núi, trường dân tộc nội
trú, dân tộc bán trú cụm xã vùng DTTS và miền núi. Những tờ báo này được ví như
cánh tay nối dài giữa Đảng, Nhà nước với những chủ nhân tương lai của đất nước
ở vùng DTTS, miền núi; đồng thời góp phần cung cấp thông tin, truyền bá tri
thức, hướng dẫn học sinh các DTTS thực hiện nếp sống văn minh, khoa học.
Những chuyển biến tiến bộ
trong sự nghiệp giáo dục Việt Nam nói chung, công tác giáo dục DTTS nói riêng
đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong lần thứ ba trở lại thăm Việt Nam vào
tháng 8-2017, bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO, đã khẳng định: “Tôi thấy
Việt Nam có nhiều thay đổi, nhất là sự phát triển tích cực về kinh tế cũng như
chất lượng giáo dục, trong đó có thành tựu về thúc đẩy sự công bằng, bình đẳng
về giáo dục”.
PHÚC NỘI
http://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/thanh-tuu-nhan-quyen-viet-nam/nhung-chuyen-bien-tien-bo-ve-giao-duc-voi-dan-toc-thieu-so-o-viet-nam-566189