MỘT ĐẢNG LÃNH ĐẠO KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ ĐỘC QUYỀN
Trần Trí Nam
Trong thời
gian qua, với nhiều lý lẽ ngụy biện không ít người có quan điểm đòi xóa bỏ điều
4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đòi Việt Nam đa nguyên về
chính trị, đa đảng đối lập thì mới giúp cho đất nước phát triển giàu mạnh thêm,
nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, … Bên cạnh đó, lợi dụng một số những hạn
chế trong quá trình lãnh đạo xây dựng đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, một
số ít người đòi Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ vai trò lãnh đạo mình. Họ vin vào
chủ nghĩa Mác cho rằng: mâu thuẫn là động lực của sự phát triển nên tuyên
truyền Việt Nam muốn phát triển thì phải đa đảng, khi đó mới có sự cạnh tranh
thì Việt Nam mới có thể phát triển… Vậy một đảng lãnh đạo liệu có phải là độc
quyền? Theo chúng tôi, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất lãnh đạo cách
mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay hoàn toàn không phải là độc quyền. Điều này,
được thể hiện trên các lý do sau:
Thứ nhất, những quan điểm sai
trái trên đều do các đối tượng bất mãn với chế độ; các thế lực thù địch trong
và ngoài nước, nhất là các tổ chức phản động lưu vong chống phá nước ta nêu ra,
đó không phải là nguyện vọng của đông đảo nhân dân Việt Nam. Họ dùng mọi biện
pháp, thủ đoạn, bằng bất kỳ giá nào cũng phải lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam. Các phương pháp, thủ đoạn như tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chế độ,
chính sách của Đảng và nhà nước. Trên internet và qua các phương tiện truyền
thông đại chúng tấn công vào quan điểm tư tưởng của nhân dân và nhất là tư
tưởng của các nhà lãnh đạo cấp cao của nhà nước…
Thử hỏi rằng,
nếu đa nguyên, đa đảng thì tất yếu sẽ làm cho Việt Nam hỗn loạn, đây cũng chính
là tiền đề cơ bản của cái gọi là “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu”, “cách
mạng da cam”, “cách mạng đường phố” và “bạo loạn lật đổ” mà các thế lực thù
địch với Việt Nam đã thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Trong con đường mà
các thế lực thù địch vạch ra để lật đổ chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam là phải
thành lập được một tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản ở Việt Nam.
Như vậy,
những người tuyên truyền đòi đa đảng ở Việt Nam không hề muốn Việt Nam phát
triển, nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc, đó chỉ là lời lẽ ngụy biện để lừa
phỉnh nhân dân Việt Nam mà thôi. Thực chất là họ muốn Việt Nam lâm vào tình
cảnh mất ổn định, nhân dân Việt Nam rơi vào trạng thái xung đột lẫn nhau, muốn
xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, muốn lái Việt Nam theo con
đường tư bản chủ nghĩa.
Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam
trở thành lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng và nhân dân Việt Nam là sự lựa
chọn của lịch sử. Lịch sử cách mạng Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân,
đế quốc đã xuất hiện và phủ định đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập như một
tất yếu tự nhiên. Năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo toàn dân tộc đứng
lên khởi nghĩa, giành chính quyền, thiết lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa. Đặt quyền lợi của quốc gia, dân tộc lên trên hết, nên trong những ngày đầu
gìn giữ chính quyền và nền độc lập dân tộc. Thay mặt Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã tự tuyên bố giải tán Đảng, và Chính phủ do Người đứng đầu đã mở rộng thành
phần cho mọi tổ chức, chính đảng cùng tham gia lãnh đạo đất nước. Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã rất sáng suốt khi không thâu tóm quyền lực mà chia đều cho các tổ
chức khác để cùng chung tay chống quân thù. Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh
đạo đã đấu tranh, đánh tan các tổ chức phản động, loại bỏ những quan điểm đường
lối đi ngược lại với lợi ích dân tộc. Sau 1954, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chủ
trương tổng tuyển cử tự do, thành lập chính phủ liên hiệp, thống nhất nước nhà.
Nhưng chính chính quyền Ngô Đình Diệm dưới sự hậu thuẫn của Mỹ đã bác bỏ và phủ
nhận thể chế đa nguyên đó.
Mặt khác,
được sự tiếp sức của đế quốc Mỹ, các tổ chức phản động ở miền Nam cũng đã từng
lập nên một chính thể đa nguyên với sự tham gia của nhiều đảng phái. Nhưng mục
đích chính trị của các đảng phái đó lại chống lại nền độc lập dân tộc và quyền
lợi của nhân dân lao động, nên nhân dân Việt Nam đã đứng lên lật đổ thể chế
chính trị đó, thiết lập nên nền chính trị nhất nguyên và lựa chọn Đảng Cộng sản
Việt Nam là người đại diện duy nhất cho quyền lợi của nhân dân lao động và cả
dân tộc Việt Nam.
Đảng Cộng sản
Việt Nam – một chính đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đã và đang
không ngừng xây dựng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trên thực tế
trong nền chính trị nhất nguyên. Nền chính trị nhất nguyên ở nước ta, là do
nhân dân, vì nhân dân ta lựa chọn từ chính những trải nghiệm trong lịch sử đấu
tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thứ ba, Đảng
Cộng sản Việt Nam đã và đang khẳng định là lực lượng duy nhất có khả năng lãnh
đạo cách mạng và nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt
của Đảng Cộng sản Việt Nam – đại diện cho giai cấp công nhân và toàn thể dân
tộc Việt Nam, tuy chưa được sống cuộc sống đủ đầy, nhưng chúng ta có quyền tự
hào vì được sống với hòa bình và nền chính trị ổn định. Đặc biệt, chúng ta đã
tổ chức thành công nhiều hội nghị lớn tầm quốc tế mà luôn đảm bảo tốt về an
ninh. Nhất là, Hội nghị cấp
cao APEC lần thứ 25 vừa qua tại Đà Nẵng đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều dấu
ấn cả về công tác tổ chức, sự thân thiện, và sự ủng hộ, hân hoan chào đón của
nhân dân Đà Nẵng nói riêng và toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung. Nhìn
vào thành quả, Việt Nam đã có nhiều bước phát triển to lớn về chính trị, kinh
tế và văn hóa, đời sống của nhân dân được cải thiện, điều đó là nhờ sự lãnh đạo
và dẫn dắt của Đảng, được thể chế hóa vào điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dưới sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam đã đem lại những
quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động: Đó là
độc lập, tự do cho dân tộc; là quyền tự quyết dân tộc, quyền bình đẳng với mọi
quốc gia khác trong việc lựa chọn con đường phát triển đi lên của mình; là
quyền tự do lập hiến và lập pháp, lựa chọn và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; là quyền bình đẳng giữa
các dân tộc, giữa các thành phần kinh tế; quyền tự do làm giàu theo pháp luật,
phát huy dân chủ gắn liền với giữ vững kỷ cương xã hội; là sự phát triển trong
đa dạng các sắc màu văn hóa dân tộc; là sự tiến bộ trong giáo dục, văn hóa, xã
hội, khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu vì sự tiến bộ và phát triển toàn diện
con người…
Tóm lại, những thành tựu không
thể phủ nhận của nền chính trị nhất nguyên đó đã khẳng định và ngày càng củng
cố vững chắc hơn vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, là Đảng duy nhất lãnh đạo
sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, và đó hoàn toàn không phải là độc
quyền như một số quan điểm sai trái đã rêu rao tuyên truyền./.