Nghị quyết số: 35- NQ/TW Ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Bộ Chính trị xác định rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nội dung cơ bản, hệ trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó lực lượng tuyên giáo ở các cơ quan, đơn vị là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Do đó, để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, trước hết cần phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh coi đây là nền tảng tinh thần của xã hội; kiên định, tin tưởng vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.
Thực tế cho thấy, ngay từ khi Đảng ta ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn, công tác bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau. Vào thời điểm vô cùng khó khăn, những năm 90 của thế kỷ XX, khi chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu tan rã, Đảng ta vẫn kiên trì con đường chủ nghĩa xã hội lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Cương lĩnh năm 1991 tiếp tục xác định xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Công tác đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng tập trung làm sáng tỏ bản chất cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định tính tất yếu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời kiên quyết đấu tranh phản bác những luận liệu sai trái, thù địch, chống phá Đảng, nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới Quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng an ninh và các chiến lược chuyên ngành khác”.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh, phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái thù địch có lúc có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao, công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngời còn chưa kịp thời.
Để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tiếp tục đấu tranh có hiệu quả, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng chúng ta cần thực hiện tốt một số định hướng:
Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận, làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc những nguyên lý cơ bản, giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bản chất, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Các cơ quan, đơn vị cần quán triệt, triển khai nghiêm túc, Chỉ thị 23- CT/TW ngày 9 tháng 02 năm 2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”; Nghị quyết số 35- NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Coi trọng việc kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả.
Các cơ quan, đơn vị chủ động tuyên truyền, nhân rộng gương “người tốt, việc tốt”, các điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; lấy tuyên truyền về kết quả đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; công tác phòng chống dịch Covid -19 và một số nội dung quan trọng khác làm chủ đạo, đảm bảo tính khách quan, toàn diện cả những mặt tích cực và những mặt còn hạn chế trong xã hội. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nhiều cấp độ, phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực và tầng lớp nhân dân. Cùng với việc nhận diện rõ các thông tin xấu, độc, xuyên tạc cần kết hợp đấu tranh trực diện và giám tiếp để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng (mạng internet, mạng xã hội) theo kịch bản chặt chẽ, tổ chức chiến dịch truyền thông thống nhất, đa dạng, rộng rãi, có sự phối hợp đồng bộ của nhiều lực lượng để tăng tính hiệu quả và sức lan tỏa. Đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực phải trên tinh thần xây dựng, lấy “xây” làm chính và lấy “xây” để “chống”, lấy mặt tích cực đẩy lùi tiêu cực. Trong tuyên truyền cần chỉ rõ sự sụp đổ của nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu là do đảng cộng sản của những nước đó đã vận dụng học thuyết Mác - Lênin một cách cứng nhắc, giáo điều, duy ý chí nên dẫn đến sai lầm, chứ không phải do chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, lạc hậu. Đặc biệt, trước những khó khăn rất lớn như hiện nay: sự suy thoái về kinh tế do dịch bệnh Covid -19, thiên tai, bão lụt, hạn hán liên tiếp xảy ra. Thì chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn còn nguyên giá trị và sức sống bền vững trong thế kỷ XXI.
Đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền, tạo sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng. Thường xuyên xây dựng lực lượng nòng cốt, bảo đảm tốt phương tiện, kỹ thuật, công nghệ cho công tác thông tin tuyên truyền.