CẢNH GIÁC
VỚI CHIÊU TRÒ XUYÊN TẠC VAI TRÒ CÁN BỘ
VÀ CÔNG TÁC
CÁN BỘ CỦA ĐẢNG
Đã
thành thói quen, cứ trước mỗi sự kiện lớn của đất nước, nhất là các kỳ họp của
Ban Chấp hành Trung ương là trên một số trang mạng phản động, các thế lực thù
địch lại đăng phát nhiều tin, bài xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam.
Trong dịp Hội nghị lần thứ
9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc và bế mạc, những âm mưu
và hành động chống phá ấy lại tái diễn.
Những giọng điệu xuyên tạc nguy hiểm
Tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương tập trung
bàn về công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ Đại hội XIII và một số nội dung
quan trọng khác. Lợi dụng những yếu kém, bất cập của đội ngũ cán bộ và công tác
cán bộ thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị càng
gia tăng chống phá với những giọng điệu bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc nguy hiểm.
Chúng cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa,
biến chất của đội ngũ cán bộ thời gian qua là do sai lầm trong công tác cán bộ
của Đảng. Trước việc Đảng ta kiên quyết, xử lý nghiêm minh các sai phạm của
hàng loạt cán bộ từ Trung ương đến cơ sở thời gian qua, chúng bóp méo,
xuyên tạc rằng đó chỉ là các "phe cánh triệt tiêu nhau". Chúng
trắng trợn xuyên tạc rằng, bản chất công tác cán bộ của Đảng ta là không dân
chủ, thiếu minh bạch, làm theo kiểu “áo gấm đi đêm”, việc quy hoạch, sắp xếp
cán bộ chỉ nhằm “thanh trừng bè phái”, “đấu đá nội bộ”, “lợi ích nhóm”...
Đặc biệt, chúng triệt để lợi dụng, khoét sâu những bức xúc của nhân dân trước
tình trạng một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, chính quyền các cấp
tham nhũng, tiêu cực; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... để
tung ra những bài viết mang tính chủ quan, phiến diện một chiều, quy chụp mọi
sai lầm, khuyết điểm, yếu kém trong các lĩnh vực của đời sống xã hội cho đội
ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng.
Nguy hiểm hơn, chúng cho rằng mục đích của quy hoạch cán bộ
không vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích nhân dân mà chỉ là phục vụ
"lợi ích nhóm", là bước chuẩn bị để các cán bộ đương chức “hạ
cánh an toàn", chuẩn bị cho con em, "vây cánh" tiến thân... Từ
đó chúng trắng trợn bịa đặt rằng, trong việc quy hoạch bố trí, sắp xếp cán bộ
có sự "thương lượng", "thỏa hiệp" giữa các "phe
cánh". Lại có kẻ lên mặt khuyên rằng: “Đảng tốt hay xấu, quan chức
tốt hay xấu, người dân đều rõ cả. Do vậy, thay vì chống "luận điệu xuyên
tạc"... thì Đảng nên tôn trọng các giá trị dân chủ-nhân quyền-pháp quyền
và chứng minh Đảng trong sạch...”... Những giọng điệu thâm hiểm ấy ít nhiều đã
tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ và
công tác cán bộ của Đảng ta. Trước tình hình ấy, hơn lúc nào hết, toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần nhận thức rõ vấn đề, từ đó đề cao cảnh giác,
kiên quyết vạch trần, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc bịa đặt, sai
trái của các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội.
Thực tiễn khẳng định rõ vai trò của cán bộ và công tác cán
bộ
Đề cập về vai trò của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ,
trong nhiều bài viết, bài nói V.I.Lênin đã khẳng định, cách mạng muốn thành
công thì phải coi trọng việc tuyển chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ, vì
cán bộ có ý nghĩa quyết định thành bại của cách mạng. Thực tiễn Cách mạng Tháng
Mười Nga đã chứng minh rõ điều ấy. Nói về vai trò của công tác cán bộ,
V.I.Lênin cũng chỉ rất rõ: “Nhiệm vụ tổ chức của chúng ta chính là ở chỗ tìm ra
những nhà lãnh đạo và những nhà tổ chức trong quần chúng nhân
dân”(1)... Nghiên cứu và vận dụng sáng tạo những tư tưởng của V.I.Lênin,
Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm cán bộ là
nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đề cập đến vai trò của
cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công
việc"(2). "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc
kém”(3). Nói về vai trò của công tác tổ chức cán bộ, Người cũng chỉ rõ:
“Tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng để có thể sử dụng tốt đội ngũ cán
bộ có chất lượng cao là điều kiện cơ bản cho bộ máy tổ chức Đảng và các cơ quan
công quyền vận hành tốt, có hiệu quả và ít bệnh tật”(4). Quan điểm, tư tưởng ấy
của Người luôn được Đảng ta quán triệt, vận dụng linh hoạt khi tiến hành
công tác cán bộ. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta
luôn thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực
tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, chứ không có chuyện
"áo gấm đi đêm", “thanh trừng bè phái”, “đấu đá nội bộ” hay vì
“lợi ích nhóm”... như giọng điệu thâm hiểm mà các thế lực thù địch, phản động
rêu rao. Nhờ đó mà Đảng ta đã xây dựng được đội ngũ cán bộ ngày càng
trưởng thành, lớn mạnh. Cần khẳng định rõ rằng, đây là nhân tố có ý nghĩa quyết
định đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đặc biệt trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc,
thống nhất đất nước mặc dù số lượng không đông nhưng nhờ giáo dục, bồi dưỡng,
tôi luyện được đội ngũ cán bộ có chất lượng, luôn vững vàng trước mọi gian khó,
hiểm nguy, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng, luôn đi tiên phong trên mọi
mặt trận nên Đảng ta đã đoàn kết, động viên, phát huy được sức
mạnh tổng hợp của toàn dân, đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải
phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Sau giải phóng, đặc biệt là trong sự
nghiệp đổi mới, đội ngũ cán bộ của ta đã có sự phát triển mạnh cả về số lượng
và chất lượng. Nhờ phát huy tốt vai trò trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu
của đội ngũ cán bộ mà Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện thắng
lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam
XHCN. Sau 20 năm thực hiện “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng ta đã có bước
trưởng thành, phát triển cả về phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực, hoàn
thành nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, bắt nhịp tốt với xu
thế hội nhập, có trình độ ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ tốt, đáp ứng
kịp yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế. Đa số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà
nước, đoàn thể ở các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín. Cán bộ cấp chiến lược
vững vàng bản lĩnh chính trị, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh
đạo, chỉ đạo tổ chức nhân dân thực hiện. Hầu hết cán bộ lãnh đạo lực lượng vũ
trang được tôi luyện, thử thách qua thực tiễn, trung thành với Đảng, với nhân
dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của
nhân dân...
Không vì “con sâu làm rầu nồi canh” mà phủ nhận vai trò
của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ
Đúng như đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị
quyết Hội nghị lần thứ 7 (khóa XII), bên cạnh những ưu điểm là cơ
bản, nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ của ta đông nhưng chưa mạnh. Năng lực
của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ,
trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp... Một bộ phận không nhỏ
cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc cầm chừng, ngại khó, ngại
khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự
diễn biến", "tự chuyển hóa". Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý,
trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực,
phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng
vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ, nhất là
cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính
Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, cố ý làm trái, trục
lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử
lý kỷ luật Đảng và xử lý theo pháp luật. Chỉ tính trong hai năm gần đây, Ủy ban
Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng,
quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí
thư thi hành kỷ luật đối với 59 cán bộ diện Trung ương quản lý, 13 cán bộ Ủy
viên Trung ương và nguyên Ủy viên Trung ương; một Ủy viên Bộ Chính trị khóa
XII. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hàng nghìn cán bộ,
đảng viên vi phạm...
Công tác cán bộ vẫn còn những hạn chế, bất cập, như: Việc thực
hiện một số nội dung có nơi còn hình thức. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu,
chưa phản ánh đúng thực chất... Quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể, liên
thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương... Công tác đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn,
chưa gắn với quy hoạch và theo chức danh. Luân chuyển cán bộ và thực hiện chủ
trương bố trí một số chức danh không phải là người địa phương, trong đó có bí
thư cấp ủy các cấp còn bất cập, chưa đạt yêu cầu. Việc sắp xếp, bố
trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy
trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ
tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng,
"cánh hẩu" xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã
hội. Chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hóa bằng các cơ chế,
chính sách phù hợp. Chính sách cán bộ giữa các cấp, các ngành có mặt còn thiếu
thống nhất, chưa đồng bộ... Phân cấp quản lý cán bộ chưa theo kịp tình
hình, còn tập trung nhiều ở cấp trên... Việc kiểm tra, giám sát thiếu chủ động,
chưa thường xuyên, còn nặng về kiểm tra, xử lý vi phạm, thiếu giải pháp hiệu
quả để phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ
còn bị động, chưa theo kịp tình hình... Đầu tư xây dựng đội ngũ làm công tác tổ
chức, cán bộ chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ...
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng những khuyết điểm, sai phạm
của một số tập thể, cá nhân nói trên chỉ là cá biệt, là “con sâu làm rầu
nồi canh”. Chúng ta không thể chỉ "thấy cây mà không thấy rừng",
không thể lấy cái cá thể để suy diễn, quy chụp lên cái tổng thể. Không thể chủ
quan, phiến diện dựa vào thiếu sót, khuyết điểm của một vài tập thể, cá nhân mà
phủ nhận sạch trơn vai trò của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Có thể
khẳng định rằng, sự trưởng thành, lớn mạnh của đội ngũ cán bộ những năm
qua là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa
lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Trong điều kiện
mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của cán bộ và công tác cán
bộ. Dư luận đồng tình với quan điểm của Đảng ta được thể hiện trong phát biểu
của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Phải coi cán bộ là nhân
tố quyết định sự thành bại của cách mạng, công tác cán bộ là khâu “then
chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”(5). Đặc biệt
đối với việc chuẩn bị nhân sự cán bộ cho nhiệm kỳ tới, tại Hội nghị Trung ương
9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp tục chỉ đạo: “Trong quá trình thực hiện phải
hết sức thận trọng, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định
của Đảng về công tác cán bộ, phải thật sự công tâm, khách quan, tuyệt đối không
được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu
chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có quan điểm lệch lạc, mất đoàn
kết, tham nhũng, tiêu cực”.
Những giọng điệu tuyên truyền xuyên tạc về vai trò cán bộ và
công tác cán bộ, nhất là nội dung Hội nghị Trung ương 9 là chiêu trò hết sức lố
bịch, đi ngược lại lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đảng ta càng
tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thì các thế lực thù địch, phản động càng
gia tăng sự xuyên tạc chống phá. Những kết quả đạt được, những bài
học rút ra từ thực tiễn càng tiếp thêm ý chí, quyết tâm để chúng
ta tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và công tác cán
bộ. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc
Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội
ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; phát huy được trách nhiệm của cả hệ thống
chính trị trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Mặt khác, toàn xã hội cần đề cao
cảnh giác, nhận diện, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch
để kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, phản động hòng phá
hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
PHÙNG KIM LÂN
(1) Lênin, Toàn tập, tập 35, Nxb Tiến bộ, Moskva ,
tr.333.
(2,3,4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2004, tập 5,
tr.269; tr.240.
(5) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế
mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.
http://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/canh-giac-voi-chieu-tro-xuyen-tac-vai-tro-can-bo-va-cong-tac-can-bo-cua-dang-ta-559397