Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018


QUÁN TRIỆT CÁC QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG VỀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã nhận định tổng quát thực trạng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, chỉ ra nguyên nhân của bất cập, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Việc quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định tới việc thực hiện, bảo đảm cho Nghị quyết đi vào cuộc sống đạt hiệu quả. Đó là những nội dung chính trong bài viết quan trọng của Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
TCCSĐT trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết như sau: 
Trong cấu trúc của nghị quyết, mỗi nội dung có vai trò, vị trí riêng của nó, trong đó các quan điểm, nguyên tắc có giá trị chỉ đạo bao trùm, bởi nó vừa phản ánh trình độ lý luận hóa thực tiễn, vừa là căn cứ xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, đặc biệt đối với những vấn đề mới và khó, đụng chạm đến các mối quan hệ phức tạp. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương đề ra 5 quan điểm chỉ đạo; việc quán triệt sâu sắc các quan điểm này có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định tới việc thực hiện, bảo đảm cho Nghị quyết đi vào cuộc sống đạt hiệu quả. 
Cụ thể hóa đường lối Đại hội XII của Đảng, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thảo luận và ban hành Nghị quyết về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương được xây dựng trên quan điểm đổi mới, coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt, đổi mới kinh tế đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị, và mọi quá trình đổi mới đều hướng vào mục tiêu vì con người. Yếu tố cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược trong Nghị quyết, là trung tâm, xuyên qua mọi đổi mới trên các lĩnh vực, có vai trò quan trọng nhất, quyết định thành công hay thất bại của sự nghiệp cách mạng của Đảng. 
Trên cơ sở đánh giá 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tổng kết thực tiễn ở cả phạm vi chiều rộng lẫn chất lượng chiều sâu; nghiên cứu khoa học để xác lập căn cứ thực tiễn-lý luận; đồng thời, bám sát các cơ sở chính trị-pháp lý và khảo cứu kinh nghiệm thế giới có chọn lọc, Nghị quyết đã đưa ra nhận định tổng quát thực trạng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, chỉ ra nguyên nhân của bất cập, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. 
Do đó, quán triệt sâu sắc, toàn diện các quan điểm của Nghị quyết là vấn đề cần được quan tâm trước hết để việc triển khai Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. 
Thứ nhất, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. 
Quan điểm trên đây tiếp tục khẳng định vị trí “then chốt” của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ trong công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, và rộng hơn là đối với toàn bộ sự nghiệp đổi mới. Vấn đề này đã được Đảng ta nhấn mạnh trong nhiều văn kiện trước đây, nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay khi mà cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy ở một số nơi nhận thức còn giản đơn, chưa thật sự chăm lo, quan tâm sâu sắc, chưa đầu tư đúng tầm mức cho xây dựng đội ngũ cán bộ, thậm chí có cả biểu hiện “khoán trắng” cho cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ… mới thấy tính thời sự của vấn đề. Một khi xác định vị trí “then chốt” của công tác cán bộ thì cấp ủy, nhất là người đứng đầu các cấp phải dành mối quan tâm đặc biệt, đầu tư xứng đáng cả tâm lực, trí lực và tài lực cho công tác cán bộ một cách bài bản, khoa học, tỷ mỷ, cẩn trọng với trách nhiệm cao nhất. Việc đầu tư cho đội ngũ cán bộ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi; không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn, thì đây là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. 
Một điểm mới được xác định trong Nghị quyết là đặt việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trở thành một trọng tâm trong công tác cán bộ, là vấn đề hệ trọng của Đảng, quyết định đến thành bại của sự nghiệp cách mạng, sự tồn vong của chế độ. Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Liên Xô đã cho chúng ta bài học sâu sắc về hậu quả nghiêm trọng khi sai lầm trong bố trí cán bộ cấp chiến lược. Các nghị quyết của Trung ương trước đây dù đã đề cập đến cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu cấp ủy các cấp, nhưng chưa thật sự bao quát toàn diện, sâu sắc, chưa xác định rõ và khẳng định là vấn đề trọng tâm của công tác cán bộ, và từ đó chưa đầu tư thỏa đáng các nguồn lực cần thiết cho xây dựng đội ngũ này. Do đó, việc xác định xây dựng cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp là trọng tâm sẽ tạo chuyển biến mới về nhận thức, đẩy lùi căn bệnh bình quân chủ nghĩa, “dàn hàng ngang cùng tiến” trong xây dựng cán bộ tồn tại bấy lâu nay, tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư, tạo đột phá mới cho xây dựng đội ngũ cán bộ theo tư duy hệ thống và thực tiễn. 
Công tác cán bộ có vị trí “then chốt," xuyên qua mọi mặt công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, vì thế phải tiến hành thận trọng, chặt chẽ, vững chắc, khoa học. Đường lối chính trị và công tác cán bộ là hai vấn đề trọng yếu có tính quyết định bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Song, đường lối chính trị cũng do cán bộ tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận mà chung đúc nên, đến lượt nó, khi đã có đường lối đúng thì chính cán bộ là người tổ chức thực hiện đường lối đó. Lựa chọn, sử dụng không đúng cán bộ không chỉ có nguy cơ lệch lạc trong khâu tổ chức thực hiện, mà kể cả gặp sai lầm trong khâu hoạch định đường lối. Đặt trong bối cảnh có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thì sai lầm trong công tác cán bộ càng nguy hiểm bội phần, nên cán bộ các cấp, trước hết là cán bộ cấp chiến lược, phải được chăm lo xây dựng bài bản, lựa chọn cẩn trọng, sàng lọc kỹ càng, quản lý chặt chẽ và có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích đội ngũ này đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển. Cấp ủy đảng các cấp luôn phải quán triệt sâu sắc vị trí “then chốt” và tính “hệ trọng” của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, bảo đảm cho “then cài” luôn vững chắc, nếu thấy suy yếu hoặc có biểu hiện bị “ruỗng mọt” phải kịp thời thay thế. Mặt khác, nói đến công tác cán bộ là nói đến vấn đề con người với tất cả nhu cầu, lợi ích, tâm lý, tình cảm… rất phức tạp nên nghĩ phải “chín”, tiến hành phải thận trọng, chắc chắn, không thể làm ẩu, làm bừa, phải được làm chặt chẽ ở tất cả các khâu, từ tuyển chọn, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, giới thiệu, ứng cử đến đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. 
Công tác cán bộ không thể tiến hành theo “phong trào” mà tiến hành thường xuyên, liên tục, không được gián đoạn; được quan tâm trong cả vòng đời của một con người từ khi bắt đầu được phát hiện ở dạng nguồn đến khi trưởng thành; từ trạng thái phát triển bình thường đến các bước ngoặt khi cất nhắc, bố trí, đề bạt; từ hoạt động tạo nguồn đến đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ. Nhấn mạnh đến luận điểm này đòi hỏi phải khắc phục những thói quen, nếp nghĩ không đúng chỉ tập trung làm “công tác nhân sự” trước mỗi kỳ đại hội mà xem nhẹ hoặc buông trôi ở các thời điểm khác, thiếu tiến hành thường xuyên, bền bỉ với sự tận tâm, tận lực, trách nhiệm cao nhất của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ. 
Tiếp cận trên quan điểm hiệu quả đối với công tác cán bộ là vấn đề mới được đặt ra trong Nghị quyết lần này. Hiệu quả có thể được tiếp cận từ góc độ kinh tế học, xem đầu tư cho cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, phải có công cụ, phương pháp đo lường mức độ đầu tư với kết quả thu được, mấu chốt là đánh giá cán bộ bằng sản phẩm cụ thể. Đánh giá cán bộ vì thế trở thành khâu đột phá, trước hết để bảo đảm cho quan điểm hiệu quả được hiện thực hóa trên thực tế, khắc phục tình trạng lãng phí không đáng có. Tuy nhiên, công tác cán bộ còn phải xem xét trên quan điểm hiệu quả tổng hợp, bởi nhiều khoản đầu tư không thể đo lường theo kiểu “lời lãi” thuần túy, mà chúng chi phối cả trực tiếp và gián tiếp đến hình ảnh, năng lực cạnh tranh, lòng tin của nhân dân với chế độ, tăng cường tiềm lực về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát triển văn hóa-xã hội... 
Có những khoản đầu tư trước mắt nhưng kết quả thu được trong dài hạn. Vì vậy, quán triệt luận điểm này đòi hỏi phải huy động nguồn lực xứng đáng để đầu tư cho phát triển đội ngũ cán bộ, từ đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng đến chính sách tiền lương, nhà ở, bảo đảm đời sống, tạo động lực cho cán bộ. Cán bộ được đầu tư cả nguồn lực tài chính và phi tài chính cho học tập, đào tạo, rèn luyện... mới có cơ hội nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng, đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, có thể thích ứng với môi trường thay đổi. Khi chính sách tiền lương, nhà ở bảo đảm đời sống thì cán bộ mới yên tâm cống hiến, dấn thân, phấn đấu cho các giá trị công lợi, giữ gìn liêm chính, góp phần xây dựng văn hóa cầm quyền của Đảng. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chỉ cần tập trung đầu tư nguồn lực vật chất mà xem nhẹ đầu tư cho giáo dục chính trị tư tưởng, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử và lòng tự hào dân tộc. 
Thứ hai, thực hiện nghiêm, nhất quán Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm. 
Quan điểm trên đây tiếp tục khẳng định vấn đề có tính nguyên tắc là Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, được đưa ra trong Nghị quyết Trung ương 3 Khóa VIII nhưng đã phát triển lên một tầm cao mới cho phù hợp với tình hình thực tế. Đó là việc thực hiện nghiêm, nhất quán Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Phải nhấn mạnh điều này bởi ở nơi này hay nơi khác, lúc này hay lúc khác có tình trạng Đảng buông lỏng lãnh đạo đối với công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; xem nhẹ nguyên tắc tập trung dân chủ trong quy hoạch, bổ nhiệm, tạo kẽ hở cho chạy chức, chạy quyền, tham nhũng trong công tác cán bộ; hoặc tuyệt đối hóa quản lý của Nhà nước đối với công chức, viên chức, làm chia cắt sự thống nhất quản lý biên chế trong toàn hệ thống chính trị hoặc ở một số khâu xây dựng đội ngũ công chức, viên chức. Hơn nữa, hiện vẫn còn có nội dung trong một số quy định của Nhà nước chưa phù hợp với các quy định của Đảng, gây khó khăn, bất cập khi triển khai trên thực tế. Vì vậy, phải khắc phục những nhận thức lệch lạc hoặc hạn chế, thiếu sót đó, từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ một cách tổng thể, đồng bộ và liên thông trong hệ thống chính trị. 
Điểm mới nổi bật ở quan điểm trên đây được đề cập xuyên suốt trong toàn bộ Nghị quyết lần này chính là nhận diện và xác định cách thức giải quyết hai mối quan hệ giữa chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện cho thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo của cán bộ; và giữa phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, ràng buộc quyền hạn với trách nhiệm, kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm sai phạm. Giải quyết tốt hai mối quan hệ này sẽ đột phá vào những mắt xích trọng yếu đang nuôi dưỡng chủ nghĩa trung bình, trì trệ, bảo thủ, tình trạng vô trách nhiệm, thiếu kỷ luật, kỷ cương, không xác định rõ trách nhiệm, triệt tiêu các đổi mới, sáng tạo, làm thui chột ý chí và năng lực của những con người dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho lộng quyền, tha hóa quyền lực. Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trước hết là để công tác cán bộ được khách quan, minh bạch, chống chạy chức, chạy quyền, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín, bệnh phường hội, lợi ích nhóm, thân hữu, dòng tộc, “cánh hẩu”... chi phối trong công tác cán bộ, chà đạp hoặc xem nhẹ các nguyên tắc, quy định, quy trình. Kiến tạo, mở rộng không gian, môi trường khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung được bảo vệ bởi cơ chế “bảo đảm chính trị” để cán bộ tự tin phấn đấu, dấn thân mà không sợ rủi ro chính trị, để tránh tư tưởng an phận thủ thường làm thui chột tài năng, nhuệ khí, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. 
Thực tế cho thấy, sáng tạo và đột phá luôn thuộc về thiểu số, vượt trước nhận thức của số đông, nếu không nhận được sự đồng tình ủng hộ của tập thể, nếu không có cơ chế bảo vệ cán bộ thì không những các ý tưởng đột phá bị rơi vào quên lãng, mà trong không ít trường hợp người có ý tưởng đột phá phải hứng chịu búa rìu của tập thể, chịu áp lực chỉ trích, kể cả chịu các tổn thất chính trị. Do đó, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là một điểm thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Trung ương lần này. Khi cán bộ có tư tưởng đổi mới, sáng tạo vì cái chung thì tập thể phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận dân chủ trên tinh thần tôn trọng cái mới, phải xây dựng thể chế, cơ chế để bảo vệ những con người năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm trước tập thể về quyết định của mình. Nguyên tắc tập trung dân chủ đòi hỏi khi tập thể đã thông qua thì mọi cá nhân phải phục tùng, ý kiến thiểu số được bảo lưu, nhưng cần bảo lưu có thời hạn. Hết thời hạn bảo lưu theo quy định, các ý kiến khác biệt, mới mẻ của thiểu số cần phải được đưa ra nghiên cứu nghiêm túc, nhất là khi các giải pháp của tập thể không chịu đựng được thử thách của thực tiễn, không được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, không đạt kết quả trong thực tế và không như mong muốn. 
Phân cấp, phân công được nhấn mạnh trong quan điểm này nhằm làm cho các chủ thể quản lý cán bộ xác định rõ hơn quyền và ràng buộc trách nhiệm, chủ động trong nhiệm vụ của mình, tránh tình trạng ỷ lại, đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm ở những việc khó. Tất nhiên, phân công, phân cấp phải gắn với ràng buộc trách nhiệm vào quyền hạn, tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm soát quyền lực, nếu không quyền lực sẽ bị lạm dụng, dẫn tới tình trạng phân tán, chia cắt trong công tác cán bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo môi trường cho lộng quyền, lạm quyền, tha hóa quyền lực. Kiểm soát quyền lực không phải là vấn đề mới về mặt lý luận, nhưng trong bối cảnh mới hiện nay phải được tổng kết và nghiên cứu có chiều sâu để triển khai có hiệu quả, nhưng nguyên lý chung là ở đâu có quyền lực ở đó phải được kiểm soát, trước hết là kiểm soát bằng thể chế, cơ chế, bằng ràng buộc quyền hạn với trách nhiệm được xác định rõ ràng, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy các cấp đối với công tác cán bộ. Công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình; có sự giám sát của cơ quan dân cử; xử lý nghiêm các sai phạm, không có vùng cấm, để tạo sức răn đe đối với những người, những nơi có thể xảy ra tham nhũng, tiêu cực, xem thường quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để lập lại trật tự, kỷ cương, và tất yếu phải kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả. 
Thứ ba, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, thường xuyên đổi mới công tác cán bộ phù hợp với tình hình thực tiễn. Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân; đặt trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. 
Quan điểm này được tích hợp bởi nhiều luận điểm, trong đó yêu cầu đầu tiên là tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, thường xuyên đổi mới công tác cán bộ phù hợp với tình hình thực tiễn. Đại hội VI của Đảng (12-1986) trong khi khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện đã rút ra bài học tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, nhưng tập trung nhiều trên phương diện kinh tế. Lần này, Nghị quyết yêu cầu tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, bởi nhìn lại quá trình thực hiện Chiến lược cán bộ 20 năm qua, có nơi, có lúc xuất hiện tư tưởng chủ quan, duy ý chí, nhất là đổi mới công tác cán bộ chưa đồng bộ, chưa tương thích với đổi mới kinh tế; nhiều cơ chế, chính sách đối với cán bộ chưa phù hợp với cơ chế thị trường như tiền lương chưa tính toán đầy đủ các yếu tố của thị trường, tương quan giữa khu vực công với khu vực tư; tuyển chọn, đề bạt cán bộ có nơi, có lúc chưa thật sự bảo đảm nguyên lý cạnh tranh lành mạnh giữa các ứng viên; các quy luật về nhu cầu, lợi ích, tâm lý của con người chưa được tính toán kỹ và vận dụng hợp lý theo quy luật khách quan trong công tác cán bộ. Hay nói cách khác, khi vận hành kinh tế thị trường thì việc tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan là phải cạnh tranh, nhưng trong công tác cán bộ quá trình thực hiện chưa thể hiện rõ nét tính cạnh tranh theo đúng quy luật này. Tôn trọng quy luật khách quan đòi hỏi công tác cán bộ phải xuất phát từ thực tiễn và quay trở lại thực tiễn làm cơ sở, căn cứ để hoàn thiện lý luận, quan điểm về công tác cán bộ; cảnh giác và phòng ngừa với các biểu hiện chủ quan, duy ý chí và chủ nghĩa quan liêu hay giáo điều trong công tác cán bộ. 
Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới, thông qua thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân... là vấn đề mang tính nguyên lý của Đảng ta. Trước hết, phải xuất phát từ yêu cầu xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước-thị trường-xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đối phó với những thách thức từ mặt trái của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và tác động của biến đổi khí hậu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế xanh... 
Lợi ích của nhân dân là căn cứ xuất phát cho sáng tạo, đổi mới của cán bộ; phong trào cách mạng là môi trường cho cán bộ rèn luyện, phấn đấu, đồng thời là nơi kiểm nghiệm, tôn vinh những cán bộ đem lại lợi ích cho nhân dân, được nhân dân ghi nhận, là nơi sàng lọc những cán bộ yếu kém, thoái hóa, biến chất, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Mỗi thời kỳ lịch sử, ứng với nhiệm vụ cách mạng cụ thể, phải có đội ngũ cán bộ tương ứng. Nhiệm vụ bao trùm của thời kỳ cách mạng từ nay đến năm 2030 là đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, và đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh và hạnh phúc. Phải bám sát nhiệm vụ cách mạng đó để xây dựng tiêu chuẩn và cơ cấu hợp lý; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp; lấy khả năng hoàn thành nhiệm vụ, hiệu quả, sản phẩm cụ thể để đánh giá và sàng lọc cán bộ; lấy phong trào cách mạng của nhân dân làm môi trường rèn luyện, thử thách cán bộ. 
Xây dựng đội ngũ cán bộ phải đặt trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, và giữa chúng có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều nội dung, nhưng trung tâm vẫn là cán bộ, đảng viên và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiệu quả sẽ tác động tích cực, sâu sắc đến xây dựng đội ngũ cán bộ. Chỉ khi có chuyển biến tích cực thật sự trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ cấp chiến lược, của người đứng đầu cấp ủy các cấp trong phấn đấu, rèn luyện, đấu tranh, ngăn chặn, đầy lùi suy thoái và phòng chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả thì xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới thành công; làm tiền đề cho xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng các phương thức khác nhau, nhưng xuyên qua mọi phương thức lãnh đạo là đội ngũ cán bộ và đảng viên. Hiệu quả các phương thức lãnh đạo của Đảng phụ thuộc trực tiếp vào cán bộ. 
Vì vậy, chất lượng cán bộ được nâng cao sẽ quyết định đến hiệu quả thực hiện các phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng: bằng chủ trương, đường lối thông qua các nghị quyết của Đảng; bằng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục; bằng nêu gương; bằng tổ chức và đảng viên; bằng kiểm tra, giám sát. Nói một cách khác, các phương thức lãnh đạo của Đảng có phát huy được hay không đều do việc xây dựng, lựa chọn, bố trí cán bộ có đúng đắn, phù hợp hay không; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với xây dựng đội ngũ cán bộ. Chỉ khi gắn xây dựng đội ngũ cán bộ với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thì mới bảo đảm tính đồng bộ của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát huy tốt nhất phương thức lãnh đạo của Đảng. 
Cán bộ là nhân tố “động” của tổ chức, cho nên, xây dựng đội ngũ cán bộ phải gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chỉ trên cơ sở xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, không chồng chéo, trùng lắp, phân quyền và phân cấp rõ ràng, rành mạch, mới bảo đảm cho cán bộ thực sự phát huy tinh thần, trách nhiệm, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. 
Trong quá trình vận hành bộ máy, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, một bộ máy thiết kế bất hợp lý không những không phát huy được đầy đủ năng lực của cán bộ, mà trong không ít trường hợp còn làm hỏng cán bộ. 
Thời gian qua, không ít nơi cán bộ đùn đẩy trách nhiệm, làm việc trung bình chủ nghĩa có nguyên nhân là do bộ máy thiết kế trùng dẫm ở bộ phận này hay bộ phận khác; chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo. Không ít tiêu cực, phiền nhiễu, hách dịch, cửa quyền của cán bộ cũng do bộ máy phình to, tạo nên nhiều tầng nấc, không có địa chỉ chịu trách nhiệm cụ thể. Cải cách tiền lương, tạo động lực cho cán bộ cũng rất khó khăn khi bộ máy phình to, biên chế tăng nhanh, chi thường xuyên cao, khó có nguồn lực tài chính cho tăng lương nhằm bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức để họ yên tâm làm việc, cống hiến. 
Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ và kiện toàn, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị phải được tiến hành đồng bộ, đặt trong mối quan hệ hữu cơ, cái này là tiền đề cho cái kia và ngược lại. 
Xây dựng đội ngũ cán bộ phải dựa trên cơ sở nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng và thu hút, trọng dụng nhân tài. Thoát ly khỏi quá trình nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài thì có nghĩa là công tác cán bộ chỉ tiến hành phần “ngọn” mà tách rời khỏi phần “gốc” làm nền tảng. Một nền giáo dục tiên tiến, nhân văn, phù hợp và hội nhập sẽ có ý nghĩa tích cực vào việc tạo nguồn cán bộ cho đất nước. Đây là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, ý thức trách nhiệm với đất nước, lòng tự tôn dân tộc v.v. ở mỗi con người. Khoa học đã chứng minh rằng, nhiều nhân cách và kỹ năng của con người định hình từ thuở ấu thơ và nền giáo dục đóng góp quan trọng vào hình thành nhân cách và kỹ năng đó, như sử dụng ngoại ngữ, làm việc theo nhóm, ý thức tập thể, xây dựng quan hệ hợp tác liên cá nhân, các giá trị đạo đức căn bản của con người (tình yêu nước, danh dự, tự trọng, dấn thân, đức hy sinh...). Xây dựng đội ngũ cán bộ có mối liên hệ hữu cơ với nền giáo dục quốc dân.
Vì vậy, đổi mới công tác cán bộ phải gắn với cải cách nền giáo dục nước nhà để tạo nguồn nhân lực dồi dào, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, phát huy cán bộ trên nền tảng vững chắc đó. Tất nhiên, không phải có nguồn dồi dào là có cán bộ đáp ứng được yêu cầu, mà chất lượng cán bộ còn tùy thuộc vào khả năng phát hiện, trọng dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Phải đổi mới căn bản công tác phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài một cách dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch thì mới sử dụng ở mức cao nhất, hiệu quả nhất các tài năng trong xã hội, kể cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài. 
Thứ tư, quán triệt nguyên tắc về quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ. Xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính; giữa xây và chống, trong đó xây là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; giữa đức và tài, trong đó đức là gốc; giữa tính phổ biến và đặc thù; giữa kế thừa, đổi mới và ổn định, phát triển; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể. 
Yêu cầu trước hết trong quan điểm này là quán triệt nguyên tắc về tính thống nhất giữa đường lối chính trị với đường lối cán bộ. Đường lối cán bộ phải phục tùng đường lối chính trị. Đường lối chính trị vạch ra mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng, con đường và các giải pháp để đạt được mục tiêu của sự nghiệp cách mạng, trong đó có xây dựng đội ngũ cán bộ. Ngược lại, ứng với đường lối chính trị ở từng thời kỳ phải có đường lối cán bộ phù hợp. Yêu cầu cơ bản của đường lối cán bộ là xây dựng được một đội ngũ cán bộ có khả năng hoạch định và tổ chức thực thi đường lối chính trị đạt kết quả tối ưu. Vì vậy, sai lầm trong lựa chọn cán bộ, đặc biệt cán bộ cấp chiến lược, không chỉ làm ảnh hưởng tới hiệu quả khâu tổ chức thực hiện, mà không loại trừ nguy cơ sai lầm về đường lối khi cán bộ là người tham gia hoạch định đường lối. Quán triệt luận điểm này đòi hỏi phải khắc phục các biểu hiện xây dựng cán bộ thoát ly đường lối chính trị, không xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà định ra tiêu chuẩn, cơ cấu cán bộ, hoặc tuyệt đối hóa cán bộ mà xem nhẹ đường lối chính trị. Điều này không phải không hiện hữu ở nơi này hay nơi khác, cấp này hay cấp khác, nhất là khi chuẩn bị cho đại hội chỉ tập trung lo “nhân sự” mà xem nhẹ chất lượng của đường lối, chủ trương; chuẩn bị nhân sự không gắn với đánh giá khả năng hoạch định đường lối, chủ trương và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương đó trong thực tiễn. 
Xử lý mối quan hệ biện chứng giữa quan điểm giai cấp với thực hiện đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng đội ngũ cán bộ là quan điểm nhất quán của Đảng ta từ trước tới nay. Quán triệt quan điểm giai cấp, cố nhiên không chỉ quan tâm đến nguồn gốc xuất thân của cán bộ, mà cơ bản hơn là mọi cán bộ đều phải được giáo dục để thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phải được giác ngộ mục tiêu, lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng; phải đứng trên lập trường của Đảng để xem xét, xử lý mọi công việc, kể cả tác phong sinh hoạt đời thường; phải được thử thách, rèn luyện qua thực tiễn để thấu hiểu và thấu cảm đời sống nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm hạnh phúc của chính mình; phải lấy mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sự phát triển của đất nước, hạnh phúc của nhân dân làm khát vọng dấn thân, cống hiến và hy sinh; rèn tác phong và lối sống gần gũi, gắn bó với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, tẩy trừ các căn bệnh “quan cách mạng” xa cách nhân dân, xa lạ với bản chất của người cán bộ cách mạng. 
Đi đôi với quán triệt quan điểm giai cấp là phát huy khối đại đoàn kết dân tộc trong công tác cán bộ, đặc biệt là mở rộng dân chủ để thu hút, trọng dụng nhân tài rộng rãi; đổi mới công tác hiệp thương, bầu cử để thu hút người ngoài Đảng tham gia Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; mở rộng diện quy hoạch và tổ chức thi tuyển để trọng dụng được cả người trong và ngoài Đảng có tài đức, tâm huyết phấn đấu cho đất nước; bảo đảm liên thông giữa nhân lực khu vực công với khu vực tư; có cơ chế để bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, trí thức, văn nghệ sĩ trong các thiết chế lãnh đạo, quản lý; xây dựng cốt cán trong các tôn giáo; có chính sách trọng dụng nhân tài, chuyên gia có trình độ cao không phân biệt thành phần giai cấp, những người có tâm huyết tham gia vào các tổ chức khác nhau để hiến kế, đóng góp trí tuệ, sức lực cho đất nước. Phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong công tác cán bộ, bao gồm cả tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Quan trọng nhất là Đảng phải có chủ trương, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài cả trong nước và ở nước ngoài, cả khu vực công và khu vực tư; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; xây dựng chỉ tiêu cơ cấu phù hợp; nếu chưa bảo đảm cơ cấu thì phải để trống, bổ sung sau; gắn việc thực hiện chỉ tiêu với trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu. 
Khi xử lý các mối quan hệ lớn như giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, xây và chống, đức và tài, quan điểm nêu trên đã định vị được vai trò, tính chất của từng yếu tố trong từng cặp quan hệ, nhất khi thao tác cụ thể như một biện pháp kỹ thuật của công tác cán bộ. Trong giải quyết mối quan hệ giữa cơ cấu và tiêu chuẩn phải xem tiêu chuẩn là chính-quan điểm này tạo cơ sở cho nhận thức và xử lý nhiều bất cập trước đây vì nặng về cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn dẫn tới chất lượng cán bộ không đảm bảo; đặt cơ sở cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa cho các vị trí lãnh đạo, quản lý, đặc biệt với cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số. Trong giải quyết mối quan hệ giữa đức và tài thì đức là gốc, mà đã là gốc thì phải được quan tâm chăm lo đặc biệt nhằm bảo đảm sự vững chắc, bởi nếu nền móng không vững thì mọi cái sẽ lung lay. Nói cách khác, đức bảo đảm cho tài được sử dụng đúng đắn. Cán bộ cấp càng cao thì tiêu chuẩn đạo đức càng phải chuẩn mực, nghiêm ngặt. Không có đức thì không dùng. Bởi tài năng mà thiếu đạo đức càng nguy hiểm khi tài năng đó chỉ sử dụng cho chủ nghĩa cá nhân, gây tổn hại cho sự nghiệp cách mạng. Có đức rồi thì phải chú trọng cả tài năng, bởi nếu như đạo đức bảo đảm cho tài năng được vận hành đúng phương hướng, mang lại giá trị tốt đẹp cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân, thì tài năng bảo đảm cho làm việc hiệu quả, khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Trong mối quan hệ giữa xây và chống thì xây là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài, chống là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Luận điểm này chỉ rõ vai trò, vị trí của cả xây và chống; cái gốc vẫn là lấy xây để tạo khả năng phòng ngừa các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, tăng cường sức đề kháng, miễn dịch trước môi trường rất phức tạp; chống để răn đe, ngăn ngừa, cảnh tỉnh những người có nguy cơ mắc sai lầm do lợi dụng cơ chế, chính sách, nhất là khi tiêu cực xã hội còn nhức nhối thì chống phải được xem là nhiệm vụ quan trọng. 
Một loạt mối quan hệ khác được đề cập trong quan điểm này như giữa tính phổ biến và đặc thù; giữa kế thừa, đổi mới và ổn định, phát triển; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể. Đây là các mối quan hệ rất cơ bản, nếu không nhận thức thấu đáo và thiếu giải pháp hợp lý, khi thao tác thành biện pháp kỹ thuật rất dễ nghiêng về cực này hay cực kia. Quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù chi phối rất lớn đến công tác cán bộ, bản chất là xử lý quan hệ giữa cái chung và cái riêng. Không chú ý thỏa đáng tính đặc thù thì sẽ không tính toán hết tính tộc người, tính địa phương, yếu tố giới, đặc điểm từng loại cán bộ… trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ; còn cường điệu hóa tính đặc thù, xem nhẹ tính phổ biến sẽ dẫn tới chủ nghĩa đặc thù, bất chấp tiêu chuẩn chung, làm suy yếu tổ chức, hạn chế đến chất lượng cán bộ. Khi xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết phải xuất phát từ cái chung, tính phổ biến, nhưng cũng không được bỏ qua cái riêng, tính đặc thù. Một chính sách phù hợp, có sức sống thì phải hội tụ cả tính phổ quát và tính chuyên biệt. Có như vậy mới bảo đảm hài hòa, tiếp nối giữa các độ tuổi cán bộ để tranh thủ được trí tuệ, kinh nghiệm của lớp cán bộ cao niên, nhưng đồng thời cũng phát huy được tài năng, sự táo bạo, khả năng bứt phá của lớp trẻ. 
Quan hệ giữa kế thừa, đổi mới và ổn định, phát triển cũng là quan hệ rất cơ bản có ý nghĩa trong công tác cán bộ. Phát triển bền vững vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu hướng tới của đổi mới, làm cho đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành cả về mặt lượng lẫn mặt chất. Kế thừa, ổn định là điều kiện, tiền đề, môi trường cho đổi mới, sáng tạo và phát triển. Ổn định của đội ngũ cán bộ không đồng nghĩa với trì trệ, bảo thủ mà là trạng thái phát triển trong cân bằng, không dẫn tới rối loạn, bất ổn, giữ vững bản chất cách mạng. Đổi mới là phương thức của phát triển, làm cho đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ luôn cập nhật thực tiễn, bổ sung thêm những năng lượng mới, bản chất là phủ định yếu tố bất hợp lý, cũ kỹ, lạc hậu, kế thừa những hạt nhân hợp lý, sáng tạo nên giá trị mới cho đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Kế thừa bảo đảm cho các giá trị của lịch sử, của quá khứ không bị đứt gãy, gián đoạn, mà luôn được thu nhận, tiếp diễn trong hiện tại và tương lai, không vấp phải tình trạng khủng hoảng khi chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Đổi mới, phát triển lại là tiền đề cho kế thừa và ổn định; nếu không đổi mới và phát triển mà chỉ dậm chân tại chỗ thì sẽ trở thành lạc lậu, trì trệ, không phù hợp với thời đại. 
Quan hệ giữa thẩm quyền, trách nhiệm tập thể và cá nhân là vấn đề rất cốt yếu trong công tác cán bộ, cũng là nội dung chủ yếu của nguyên tắc tập trung dân chủ, trên thực tế còn gặp không ít vướng mắc khi triển khai. Rất phổ biến là trách nhiệm tập thể chung chung, trách nhiệm cá nhân không rõ ràng, nên khi xảy ra các tiêu cực, vi phạm không xác định được cá nhân chịu trách nhiệm. Trách nhiệm tập thể chung chung cũng là môi trường cho cá nhân núp bóng, mượn danh tập thể để hợp thức hóa động cơ cá nhân mà né tránh nguyên tắc, kỷ luật của tổ chức. 
Trong khi khắc phục tình trạng vai trò tập thể chung chung, không phải dễ dàng tìm được giải pháp thích hợp mà dễ nhảy từ cực nọ sang cực kia, tức xem nhẹ vai trò tập thể, cá nhân lộng quyền, lạm quyền trong các khâu khác nhau của công tác cán bộ.
Vì vậy, xử lý mối quan hệ giữa thẩm quyền, trách nhiệm tập thể và cá nhân đòi hỏi phải thể chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ thành quy chế, quy định, quy trình để trao quyền cụ thể ở từng khâu, từng mặt đối với cá nhân hay tập thể, ràng buộc trách nhiệm với quyền hạn được giao, khắc phục các kẽ hở cho lộng quyền, lạm quyền hoặc thói vô trách nhiệm trong công tác cán bộ. 
Một số thí điểm đặt ra trong Nghị quyết lần này theo hướng tìm tòi, phát huy vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân trong công tác cán bộ, đồng thời vẫn giữ vững, tăng cường trách nhiệm của tập thể với quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ theo đúng quy định và không xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ. 
Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là cấp ủy, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu của Đảng, trong đó cơ quan tổ chức, cán bộ là nòng cốt. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó máu thịt với nhân dân; thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ. 
Quan điểm này xác định rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và từng chủ thể đối với xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới công tác cán bộ; trật tự, vị trí, vai trò của từng chủ thể đối với từng khâu, từng mặt của công tác cán bộ. Trong khi xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, quan điểm này chỉ rõ trách nhiệm trực tiếp là của cấp ủy, tổ chức Đảng, trước hết là người đứng đầu và các cơ quan tham mưu của Đảng làm công tác tổ chức, cán bộ có vai trò nòng cốt. Điều này nhất quán với nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, trách nhiệm trước hết của cấp ủy đảng, tổ chức đảng trong chăm lo xây dựng toàn diện mọi mặt từ công tác tạo nguồn, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển cũng như chính sách đối với cán bộ, từ chăm lo phát triển tâm lực đến trí lực, thể lực, được thực hiện thường xuyên trong cả vòng đời của người cán bộ. 
Cùng với trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp là phải phát huy mạnh mẽ, đầy đủ vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Trách nhiệm của Nhà nước thể hiện ở năng lực thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng thành pháp luật để quản lý cán bộ theo pháp luật; thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức, góp phần kiểm soát quyền lực; thực hiện các nhiệm vụ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bầu cử, thi đua-khen thưởng, quản lý công chức, viên chức theo phân công, phân cấp; huy động nguồn lực và quản lý có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, từ nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng-kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng đến chính sách tiền lương, nhà ở… Nhà nước phải ngày càng làm tốt hơn vai trò thể chế hóa đường lối cán bộ của Đảng, bao gồm từ ghi nhận về mặt lập pháp, thực thi về mặt hành pháp và bảo vệ về mặt tư pháp. Nhà nước trở thành vấn đề trung tâm bảo đảm cho cán bộ có môi trường nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để trưởng thành lành mạnh, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá; được đầu tư tương xứng với sự cống hiến, phấn đấu vì lợi ích chung; được bảo vệ một cách chính đáng đối diện với nguy cơ rủi ro, bất lợi… 
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội có trách nhiệm đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ, bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc trong công tác cán bộ. Trong điều kiện tăng cường kiểm soát quyền lực, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phải làm tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, từ phản biện đường lối cán bộ khi ở dạng dự thảo, chuyển tải đầy đủ nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đến giám sát đội ngũ cán bộ công chức, bao gồm cả hành vi công vụ đến đạo đức, lối sống, bảo đảm cho cán bộ luôn trong sạch, liêm chính, phòng ngừa tha hóa, sa ngã. 
Quan điểm này cũng nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông, báo chí trong xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Không phải bây giờ Đảng ta mới thấy vai trò của báo chí, mà trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta đã rất coi trọng sử dụng báo chí trở thành phương tiện đắc lực hỗ trợ, phục vụ cho công tác cán bộ. Nhưng hiện nay, chúng ta đang đối diện với sự bùng nổ của mạng xã hội, cách mạng công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, báo chí kỹ thuật số ngày càng lấn át báo in truyền thống… và tác động hàng ngày, hàng giờ đến đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Phải nắm chắc trận địa truyền thông, báo chí, hóa giải các sức ép bất lợi của mạng xã hội, đặc biệt quan tâm tới công tác chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ. Báo chí và truyền thông phải góp phần làm tốt việc tổng kết thực tiễn, nhất là phát hiện gương điển hình tiên tiến, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để bảo vệ, tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng, tạo ảnh hưởng lan tỏa; phát hiện những tiêu cực trong đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ để tạo dư luận đấu tranh có hiệu quả; hình thành nên dư luận xã hội ủng hộ, cổ vũ cái mới, cái tiến bộ trong đội ngũ cán bộ cũng như phê phán, đấu tranh với những thói hư, tật xấu, tiêu cực, biểu hiện tha hóa quyền lực; đồng thời cũng phải bảo vệ cái đúng, người tốt, người dám xả thân vì dân, vì nước. 
Tư tưởng dựa vào dân để xây dựng đội ngũ cán bộ thực chất là việc lấy dân làm gốc, tuy không mới nhưng đặt trong bối cảnh công tác cán bộ ở nơi này hay nơi khác, lúc này hay lúc khác còn tiến hành khép kín, chưa huy động được đầy đủ sự tham gia của nhân dân, tình trạng quan liêu, xa dân, thờ ơ của cán bộ với nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân nhiều nơi đáng báo động, nên nhấn mạnh việc phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ trong Nghị quyết lần này lại mang ý nghĩa thời sự cấp bách. 
Điều đó bắt nguồn từ việc cụ thể hóa những nội dung mới của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là nhân dân tham gia xây dựng Đảng và sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; Đảng chỉ hoàn thành sứ mệnh của mình khi cán bộ, đảng viên được nhân dân tin yêu, ủng hộ, đùm bọc; đường lối của Đảng chỉ trở thành phong trào cách mạng, được hiện thực hóa trong đời sống khi được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, mọi phát ngôn và hành động của cán bộ được dân tin và làm theo; dân chỉ tin Đảng khi cán bộ thật sự gương mẫu, có uy tín, có phẩm chất đạo đức tốt và tất cả vì dân, nói đi đôi với làm. 
Vì vậy, phải đổi mới nhiều cơ chế, chính sách để khắc phục các căn bệnh xa dân, thờ ơ trước nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; bảo đảm cho cán bộ, đảng viên gắn bó mật thiết với người dân ở đơn vị công tác, đơn vị chiến đấu, nơi cư trú… bằng việc xác định trách nhiệm, công việc cụ thể; có cơ chế để nhân dân tham gia phản ánh, giám sát, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là mức độ hài lòng của người dân đối với hành vi công vụ; đổi mới cơ chế tiếp xúc cử tri để nhân dân được trực tiếp phản ánh trung thực nguyện vọng đối với đại biểu dân cử ngay tại khu dân cư một cách thuận lợi nhất cho người dân; hoàn thiện cơ chế, phương thức tiếp nhận, xử lý đơn thư của nhân dân một cách minh bạch theo trách nhiệm giải trình; định hình cơ chế để nhân dân thực sự trực tiếp bãi miễn những đại biểu thoái hóa, biến chất trên đơn vị dân cư mà họ đã bỏ phiếu bầu ra. 
Báo chí phải làm tốt định hướng dư luận đối với nhân dân và trở thành một kênh thông tin chính thống phản ánh xã hội, những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước./.
Theo: TTXVN
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Binh-luan/2018/50992/Quan-triet-cac-quan-diem-chi-dao-cua-Dang-ve-xay-dung.aspx


BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ HÀNH TRÌNH

TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỦA HỒ CHÍ MINH

Cách đây hơn một thế kỷ, ngày 5-6-1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc bước lên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin sang phương Tây, mang trong mình một khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước khỏi ách thống trị thực dân phong kiến. Có thể nói, đây là sự kiện lịch sử quan trọng, là bước mở đầu để Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc trở thành lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam sau này. Sự kiện này có ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đối với tiến trình giải phóng dân tộc Việt Nam.
1. Hướng tới chân trời mới
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, sau khi hoàn thành bình định về quân sự, chúng thi hành chính sách “khai thác thuộc địa” hết sức tàn bạo đối với nước ta, gây ra sự biến động to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam, làm thay đổi kết cấu giai cấp, đảo lộn cuộc sống mọi tầng lớp nhân dân. Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến.
Dưới ách cai trị của thực dân Pháp, đời sống các tầng lớp nhân dân ngày càng bị bần cùng hoá. Mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và chế độ thuộc địa ngày một gay gắt, trở thành mâu thuẫn vừa cơ bản, vừa chủ yếu. Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ ngày càng gia tăng. Những mâu thuẫn trên trở thành lực cản kìm hãm sự phát triển của xã hội Việt Nam.
Đứng trước những mâu thuẫn dân tộc và giai cấp ngày càng gay gắt, nhiều phong trào đấu tranh chống Pháp và phong kiến tay sai nổ ra khắp nơi với nhiều xu hướng cứu nước khác nhau. Đó là các cuộc khởi nghĩa chống Pháp dưới ngọn cờ Cần vương; nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân diễn ra, điển hình là cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế dưới sự lãnh đạo của Hoàng Hoa Thám kéo dài hơn 30 năm; phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục... do các sỹ phu yêu nước chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo. Đó là trang sử vẻ vang của dân tộc trên con đường đấu tranh giành độc lập. Mặc dù diễn ra rộng khắp cả nước, nhưng tất cả các cuộc đấu tranh đều thất bại. Có thể nói, "Trong suốt gần một thế kỷ thống trị của thực dân Pháp, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không ngừng phát triển, kẻ trước ngã, người sau đứng dậy. Nhưng tất cả những cuộc khởi nghĩa yêu nước ấy đã bị dìm trong máu. Những đám mây đen lại bao phủ đất nước Việt Nam"(1).
Hệ tư tưởng phong kiến và tư sản đã hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ lịch sử đặt ra là lãnh đạo toàn dân chống Pháp, giành lại độc lập dân tộc.
Vì vậy, đến đầu thế kỷ XX, việc tìm ra con đường cứu nước, giành lại độc lập dân tộc, mở đường cho đất nước phát triển, trở thành đòi hỏi khách quan, cấp bách của dân tộc Việt Nam.
Được sinh ra trong gia đình trí thức phong kiến có truyền thống yêu nước, Nguyễn Tất Thành sớm mang trong mình lòng yêu nước, thương dân và có tầm nhìn vượt xa những “lối mòn cứu nước” của các bậc tiền bối. Những năm tháng theo cha học hành, trong đó có thời gian sống gần Triều đình Huế đã làm cho Người thấy rõ hơn cuộc sống phụ thuộc, thấp hèn của giới quan chức phong kiến, tay sai. Từ cuộc sống quan trường lận đận, trắc trở của người cha, Nguyễn Tất Thành càng thấu hiểu ý nghĩa thực tế của câu: "Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ". Cho nên, sau khi ông Nguyễn Sinh Huy bị bãi chức (đầu năm 1910) và vào Nam Kỳ hành nghề bốc thuốc trị bệnh cứu người, còn Nguyễn Tất Thành càng nhận thức rõ hơn sự thối nát của chế độ quan trường. Thực tế này càng thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Trong tác phẩm Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên đã viết: "Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, Anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc"(2).
Tuy nhiên, đi đâu và làm gì để tìm ra con đường cứu nước thành công luôn  là công việc hết sức khó khăn. Bởi lẽ, bọn thực dân bưng bít mọi thông tin, ngăn cản những tư tưởng tiên tiến, cấm du nhập sách báo tiến bộ hòng giam hãm dân ta trong vòng nô lệ. Người đã nói với nhà báo Liên Xô Ôxip Manđenxtam: "Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế... Nhưng trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như dạy con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rútxô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài"(3).
Trong quá trình xác định con đường cứu một dân tộc, lòng căm thù giặc và quyết tâm chưa đủ, mà còn phải lý giải được nguyên nhân thất bại của các bậc tiền bối, hiểu được điều kiện chủ quan và khách quan của bối cảnh lịch sử, trên cơ sở đó mà vạch ra hướng đi của con đường cũng như những yếu tố đảm bảo thắng lợi.
Trước thất bại liên tiếp về con đường cứu nước của các bậc tiền bối, Người nhận xét:
"Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương... Điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương.
Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”.
Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì còn trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo người ta kể thì Cụ còn mang nặng cốt cách phong kiến"(4).
Câu hỏi đặt ra cho dân tộc ta: Ai là người lãnh đạo thành công nhiệm vụ giải phóng dân tộc ở Việt Nam? đến lúc này vẫn chưa có lời giải.
Bối cảnh trên đây, sau này được Hồ Chí Minh nói rõ khi trả lời nhà văn Mỹ  Anna Luy Xtơrông: "Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ"(5)!?
Từ những trải nghiệm cuộc sống và với trí tuệ vượt trội, Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ra mâu thuẫn giữa chế độ đàn áp bóc lột dã man của bọn thực dân ở Việt Nam với cái lý tưởng cao đẹp của nước Pháp: "Tự do - Bình đẳng - Bác ái", muốn biết cái gì bí mật ẩn náu ở nước Pháp xa xôi!. Người cho rằng: "Muốn đánh hổ thì phải vào hang hổ!".
Chính những nhận thức về bối cảnh đất nước và sự tìm hiểu của Nguyễn Tất Thành về nước Pháp đã thôi thúc Người đi tìm đường cứu nước. Đây không phải là hành động ngẫu nhiên, tự phát mà là sự lựa chọn sáng suốt, một quyết tâm lớn đáp ứng đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam. Quyết định sang phương Tây của Nguyễn Tất Thành cũng chính là phủ nhận về mặt ý thức nhà nước thực dân nửa phong kiến ở Việt Nam, là việc mở cửa ra thế giới để đón nhận những nhân tố mới của thời đại, tiếp thu lý luận tiên tiến, tích hợp tinh hoa văn hoá nhân loại để hình thành con đường cứu nước.
2.Nhận ra con đường sáng
Khi rời Tổ quốc, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc mặc dù có quyết tâm cao, nhưng sự hiểu biết về thế giới chưa nhiều. Từng bước một, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập lý luận và hoạt động xã hội, Nguyễn Ái Quốc dần dần hiểu rõ bối cảnh của thế giới và xác định được hành trình con đường cứu nước. 
Trong hành trình cứu nước, lúc đầu Người làm nghề phụ bếp, rồi sau đó là công nhân trên tàu buôn Pháp. Nhờ đó, Người có dịp qua nhiều quốc gia như: Xingapo, Côlômbô, Aicập, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Mỹ. Đầu năm 1913, Người từ Mỹ về Lơ Havơrơ, sau đó sang Anh. Tại đây, Người làm nghề đốt lò, quét tuyết, phục vụ khách sạn. Bất kỳ hoàn cảnh nào, Người thường xuyên chú ý tìm hiểu đời sống và gần gũi với người lao động. Người rất xúc động trước điều kiện sống cực khổ và bị đàn áp của người da đen. Sau những tháng năm trải nghiệm cuộc sống người dân thuộc địa làm thuê, Người dần dần nhận ra một điều: ở đâu cũng có người nghèo và sự giàu nghèo không phụ thuộc vào màu da, chủng tộc. Người lao động ở đâu cũng khổ cực và biết thương yêu nhau.
Cuối năm 1917, Người từ Anh trở lại Pháp, vừa tiếp tục lao động kiếm sống, vừa tích cực tham gia hoạt động chính trị, xã hội. Người liên hệ chặt chẽ với công nhân Pháp, những đại biểu thuộc địa và những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Đây là thời kỳ hoạt động sôi nổi và có hiệu quả trong hành trình tìm thấy con đường cứu nước Việt Nam. Đầu năm 1919, Người vào Đảng Xã hội Pháp chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái(6). Giữa năm 1919, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi Bản yêu sách tám điểmcủa nhân dân An Nam tới Hội nghị các nước đế quốc họp tại Vécxây (Versailles). Mặc dù Yêu sách chỉ nêu những yêu cầu tối thiểu trong khuôn khổ cải cách, nhưng đã không nhận được câu trả lời. Từ thực tế ấy, Người kết luận: "Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình"(7) . Thực tế trên đã giúp Nguyễn Ái Quốc hiểu thêm bối cảnh khách quan mà hành trình cứu nước không thể bỏ qua.
Sự kiện cực kỳ quan trọng làm chuyển biến cơ bản nhận thức con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Người là khi đọc bảnSơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo(L’Humanité) tháng 7-1920. Luận cương đã mang lại cho Người ánh sáng về con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa. Khẳng định ý nghĩa to lớn của Luận cương trong hành trình tìm ra con đường cứu nước, Người viết: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta"(8). Cho đến cuối đời, Hồ Chí Minh càng trung thành với con đường độc lập dân tộc bao nhiêu, thì càng trung thành bấy nhiêu với những lý luận Lênin viết trong Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Điều này thể hiện rất rõ khi Người trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Sáclơ Phuốcniô: "Từ ngày Luận cương của Lênin đã hoàn toàn soi sáng cho tôi, tôi không còn chỉ  dự các cuộc họp của Đảng một cách thụ động nữa. Tôi lao vào cuộc chiến đấu, hăng hái bàn cãi, tiến công mạnh mẽ những kẻ chống lại Lênin và Quốc tế thứ ba"(9).
Sự kiện được đọc bản Sơ thảo những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin cùng với những hoạt động sát cánh với công nhân, trí thức Pháp và các đại biểu thuộc địa, đồng bào Việt Nam trên đất Pháp... đã tạo tiền đề quan trọng để Nguyễn Ái Quốc tích cực thảo luận và quyết định bỏ phiếu ủng hộ Đảng gia nhập Quốc tế thứ ba tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp họp tại thành phố Tua, tháng 12-1920. Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên có nhiều đóng góp tích cực cho vấn đề giải phóng thuộc địa. Người đã tham gia dự thảo Nghị quyết về chủ nghĩa Cộng sản và các thuộc địa và Lời kêu gọi những người bản xứ ở các thuộc địa tại Đại hội lần thứ nhất (1921) và lần thứ hai (1922) Đảng Cộng sản Pháp.
Với những sự kiện trên đây, Nguyễn Ái Quốc đã từ người yêu nước trở thành người cộng sản chân chính. Đây cũng là mốc quan trọng đánh dấu việc Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước. Người đã hoàn thành sứ mạng Người tìm đường cho cách mạng Việt Nam.
Tìm ra con đường cứu nước đã khó, tiến hành tuyên truyền, vận động quần chúng và tổ chức thắng lợi đường lối ấy trên thực tế còn khó hơn nhiều. Vì trong suốt tiến trình thực tế hoá đường lối ấy, người lãnh đạo có quyết tâm chưa đủ mà còn phải đánh giá đúng tình hình, lựa chọn đúng thời điểm, địa bàn"đột nội" và phải tìm được những cộng sự có thực tế và kinh nghiệm vận động tổ chức quần chúng. Tháng 6-1923, trong thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc phác họa công việc của mình khi trở về Tổ quốc là: "Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập"(10).Tuy nhiên, con đường ấy còn nhiều gian truân. Người đã trải qua nhiều công việc, hoạt động ở nhiều quốc gia như nghiên cứu lý luận tại Trường Đại học Phương Đông, dự nhiều hội nghị quốc tế tại Liên Xô, làm cán bộ Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản và nhiều năm làm phiên dịch trong Phái bộ Bôrôđin tại Trung Quốc (1924-1927). Cũng trong thời gian này, tại Quảng Châu, Người đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - Tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giữa năm 1927, Người trở lại Liên Xô, thực hiện nhiệm vụ do Quốc tế Cộng sản giao ở Pháp, Bỉ, Đức, Thụy Sĩ, Italia rồi về Xiêm (Thái Lan), Trung Quốc. Đầu năm 1930 tại Hồng Kông (Trung Quốc), Người đã chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng tại đây, từ giữa năm 1931 đến năm 1933, Người bị thực dân Anh bắt giam. Đầu năm 1934, sau khi thoát tù, Người trở lại Liên Xô học Trường Quốc tế Lênin và làm nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa (thuộc Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản).
Thành công nổi bật trong hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là nhận thức và giải quyết thỏa đáng mối quan hệ dân tộc và giai cấp - vấn đề quan trọng và nhạy cảm mà ngay Quốc tế Cộng sản cũng có lúc mắc sai lầm. Người rất chú ý đặc điểm và truyền thống dân tộc, nhưng không vì thế mà xa rời lập trường giai cấp. Những luận điểm sáng tạo về mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng thuộc địa còn được thể hiện rõ trong nhiều bài báo, đặc biệt trong tham luận của Người được trình bày tại Đại hội V của Quốc tế Cộng sản năm 1924. Trong bối cảnh Quốc tế Cộng sản chịu ảnh hưởng sâu sắc của trào lưu "tả" khuynh, biệt phái từ sau khi Lênin qua đời (1924), nhất là sau Đại hội VI của Quốc tế Cộng sản (1928), Người vẫn kiên trì học tập lý luận và thường xuyên bắt liên lạc với Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở trong nước, lập kế hoạch về nước thực thi con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Nét đặc sắc nhất cuộc hành trình cứu nước 30 năm là không bao giờ Nguyễn Ái Quốc xa rời mục đích về nước cứu đồng bào. Khi ở Liên Xô dự Đại hội lần thứ VI Quốc tế Thanh niên, Người nói với nhà văn Liên Xô I. Êrenbua: "Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở và Tổ quốc"(11). Khi hoạt động trong Bát lộ quân Trung Quốc, Người vẫn bí mật liên lạc với Ban lãnh đạo Đảng trong nước khẩn trương xây dựng căn cứ địa vùng biên giới Việt Trung. Cuối tháng 6-1940, ngay sau khi Pháp đầu hàng phátxít Đức, Người chỉ thị gấp cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp không đi học Trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Diên An nữa, mà cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh đi Quế Lâm, Nam Ninh (Quảng Tây) hướng về Cao Bằng đón thời cơ mới. Đầu năm 1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh kết thúc Hành trình cứu nước, trở về vùng rừng núi Cao Bằng - địa đầu Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo nhân dân ta thực hành đường lối cứu nước mới, mở ra giai đoạn mới trong công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam.
__________________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2011
(1) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.9, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.314.
(2),(4),(6),(7) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.12, 12, 41-42, 31.
(3),(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t1, Sđd, tr.477, 192.
(5) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, t.1, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006,  tr.41.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.127.
(9) Sđd, t.12, tr.471.
(11) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sđd, t.2, tr.63.
 PGS,TSLê Văn Tích
Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Min
http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/349-boi-canh-lich-su-va-hanh-trinh-tim-duong-cuu-nuoc-cua-ho-chi-minh.html



HÀNH TRÌNH CỨU NƯỚC CỦA HỒ CHÍ MINH:
 BÀI HỌC VỀ LÝ TƯỞNG CHO TUỔI TRẺ
Tinh thần độc lập tự chủ, bản lĩnh dám nghĩ dám làm, dám dấn thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh  là bài học quý báu để thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Ngày này hơn một thế kỷ trước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra nước ngoài tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ thực dân phong kiến.
Cuộc hành trình ấy là bài học về lý tưởng cho thanh niên ngày nay, để mỗi bạn trẻ thể hiện tình cảm, tâm huyết của mình, đóng góp trí tuệ, tài năng xây dựng quê hương đất nước “sánh ngang với các cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Người lúc sinh thời.
Theo GS.TS, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Cơ, Giảng viên cao cấp, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh 105 năm trước đã thể hiện bản lĩnh độc lập và tư duy sáng tạo của người thanh niên yêu nước.
Khi Phan Bội Châu quyết định sang Nhật Bản với mục đích kiều viện đã gặp cụ Nguyễn Sinh Sắc trên dòng sông Lam và nói chuyện đưa Nguyễn Ái Quốc, lúc đó là Nguyễn Sinh Cung sang Nhật để theo Đông Du, nhưng Nguyễn Ái Quốc không đồng tình. Đó có thể nói là cảm nhận, mẫn cảm hết sức sáng suốt của Nguyễn Ái Quốc trong việc lựa chọn sang phương Tây tìm đường cứu nước.
Mong muốn của Nguyễn Ái Quốc là tự do, bình đẳng, bác ái và quyết định sang phương Tây để tìm những ẩn náu sau những từ hoa mỹ đó, nhưng đồng thời để kiểm nghiệm thực tiễn xem nước Pháp và các nước khác đã làm gì để cứu được mình. Đó là động lực khiến Nguyễn Ái Quốc đã từ chối Đông Du mà tự quyết định sang phương Tây tìm chân lý.
21 tuổi, với lòng nhiệt thành của tuổi trẻ và hành trang là bầu máu nóng sục sôi lòng yêu quê hương đất nước, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm con đường chân lý. Để làm được điều đó phải có lòng quyết tâm mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân, nhất là trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.
PGS.TS  Nguyễn Quốc Bảo, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong con người của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh hội đủ những yếu tố cần thiết cho sự dấn thân vào quá trình tìm đường, mở đường, dẫn đường cho dân tộc Việt Nam đi theo. Đó là ý chí lớn lao, tinh thần ham học hỏi, sẵn sàng vượt qua gian khó, tự nguyện hòa vào cuộc sống của giai cấp cần lao để trực tiếp cảm nhận về thời cuộc…
Đến nước nào, Người cũng làm việc để kiếm sống và hoạt động. Đi đến đâu, Người cũng tự nghiên cứu, tự học. Cả cuộc đời Người là bài học về sự tu dưỡng, rèn luyện, coi cuộc sống là bài học sống động cho mình, coi khó khăn là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, tất cả chỉ vì một mục tiêu lý tưởng là giành “Độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào”.
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo, động lực thôi thúc và khát vọng cháy bỏng của Bác là câu nói nổi tiếng: “Tôi ra nước ngoài để xem họ làm thế nào để về cứu giúp đồng bào mình”. Người đã không đi theo con đường cứu nước của thế hệ cha ông mà tìm con đường cứu nước đúng đắn, giành thắng lợi cho nhân dân thoát khỏi cảnh áp bức, tù đầy, hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nếu như 105 năm trước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân với những “giấc mơ con”, thì đã không có cuộc trở về mùa Xuân năm 1941 để Cách mạng Việt Nam có một vị lãnh tụ thiên tài, đức độ, lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách Mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội.
Sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, đưa nhân dân lầm than thành người chủ đất nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã trọn đời cống hiến cho đất nước, dân tộc. Điều này đòi hỏi trách nhiệm đưa Việt Nam trở thành nước giàu mạnh, sánh ngang với các cường quốc trên thế giới, tất cả phụ thuộc vào tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân của thế hệ trẻ hôm nay.
GS.TS, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Cơ cho rằng, trong chiến tranh thanh niên sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Ngày nay, cuộc sống nhiều mặt đã tác động, làm cho tư duy, cách suy nghĩ của mỗi người cũng khác nhau và không thể xếp họ trong cùng một trang lứa, cùng suy nghĩ. Trăm nghìn người có trăm nghìn suy nghĩ khác. Việc này chỉ tạo nên sự đồng thuận khi biết giáo dục thanh niên có lý tưởng trong sáng, biết học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ngày nay Đảng rất coi trọng việc học tập, noi gương và làm theo Bác Hồ, nhưng làm sao sự học tập đó phải hiệu quả, tránh hình thức, phải thực chất,
Đất nước đã hòa bình, độc lập, tự chủ và phát triển, nhưng khát vọng đưa Việt Nam “sánh ngang với các cường quốc năm châu” vẫn luôn là niềm thôi thúc bao lớp thanh niên hôm nay tiếp tục học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng. Trong hành trình đưa đất nước tiến lên, tinh thần độc lập tự chủ, bản lĩnh dám nghĩ dám làm, dám dấn thân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành – Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là bài học quý báu để thế hệ trẻ hôm nay vững vàng niềm tin trong hành trình lập thân, lập nghiệp./.
https://vov.vn/chinh-tri/hanh-trinh-cuu-nuoc-cua-ho-chi-minh-bai-hoc-ve-ly-tuong-cho-tuoi-tre-517280.vov

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...