Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

CHẤN CHỈNH NHỮNG SAI PHẠM, LỆCH LẠC TRONG HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN


CHẤN CHỈNH NHỮNG SAI PHẠM, LỆCH LẠC
 TRONG HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN
Sách là sản phẩm văn hóa đặc biệt. Bất cứ một sai phạm nào, nhất là sai phạm về chính trị tư tưởng và lệch lạc về văn hóa, đạo đức sẽ “tiêm nhiễm” và để lại những “di chứng” tai hại trong đời sống tinh thần công chúng. Đây cũng là một biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ không thể xem thường.

Nhiều cuốn sách có nội dung lệch lạc tư tưởng chính trị, sai sót về lịch sử
Đứng trước sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện truyền thông đại chúng và sự “lên ngôi” của văn hóa nghe nhìn, hoạt động xuất bản, phát hành sách những năm qua gặp không ít khó khăn. Nhưng nhìn chung, việc duy trì xuất bản số lượng sách giữ được ổn định, nhiều đầu sách có sự phát triển mới về chất lượng. Công tác thẩm định, biên tập các đầu sách xuất bản được quản lý chặt chẽ hơn. Việc in ấn, trình bày sách ngày càng hiện đại, bắt mắt và sự phong phú về nội dung của các loại sách góp phần thu hút bạn đọc quan tâm hơn đến văn hóa đọc.
Tuy nhiên, một trong những biểu hiện nổi cộm trong hoạt động xuất bản những năm gần đây là khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận thuần túy không bị ngăn chặn, đẩy lùi, mà tiếp tục có những biểu hiện mới phức tạp, tinh vi hơn. Việc buông lỏng quản lý để các đối tác liên kết thao túng trong các khâu xuất bản dẫn tới hệ lụy là cho ra đời nhiều cuốn sách có nội dung vô bổ, thậm chí lệch lạc, độc hại vì đã “hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng, xuyên tạc lịch sử; sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng” như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra. Đây là những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ không thể xem thường.
Thời gian qua, có những cuốn sách ngay sau khi phát hành bị bạn đọc phản ứng gay gắt bởi cách viết dễ dãi, tự nhiên chủ nghĩa, miêu tả tỉ mỉ các hành vi tình dục rất phản cảm. Đáng báo động hơn, những cuốn sách có nội dung sai phạm về chính trị tư tưởng, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta; nhìn nhận cuộc sống hiện thực xã hội dưới con mắt u ám, quy chụp, thiếu tính xây dựng; đề cập đến các nhân vật, sự kiện nhạy cảm trong lịch sử chưa đúng mực, thấu đáo, công tâm. Bên cạnh đó, một số tác phẩm viết về lịch sử nhưng không phải để làm đúng hơn về lịch sử, mà mang dụng ý “xét lại lịch sử” và có cả những cuốn sách mượn cớ viết về chiến tranh giải phóng dân tộc để “giải thiêng lịch sử” với sự ngộ nhận, mơ hồ, thậm chí mang ý đồ chính trị xấu.
Khoảng chục năm trở lại đây, cơ quan quản lý Nhà nước đã phải thu hồi, dừng phát hành hàng chục cuốn sách chứa nội dung tư tưởng có thể tiêm nhiễm “độc hại” vào tâm hồn công chúng, như cuốn sách dịch “Chuyện ở nông trại” có nhiều luận điểm sai trái, phản động về chế độ XHCN; cuốn sách dịch “Đường nô lệ” có nội dung phê phán nặng nề chế độ XHCN; cuốn sách “Tranh luận để đồng thuận” có những luận điểm đi ngược lại chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội; cuốn “Việt Nam, thay đổi để hạnh phúc” có nhiều nội dung sai lầm, ấu trĩ về nhận thức chính trị; cuốn “Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc” có nội dung xuyên tạc lịch sử về chủ quyền Biển Đông của Việt Nam; cuốn sách “Miếng ngon Hà Nội” có nội dung bị sửa chữa một cách lệch lạc với động cơ chính trị xấu; cuốn sách “Tôn giáo và văn hóa-Lý thuyết cơ bản và giải pháp định hướng khai thác các giá trị văn hóa tôn giáo phục vụ phát triển xã hội Việt Nam hiện nay” có sai phạm nghiêm trọng về nội dung chính trị, tư tưởng…
Nếu am hiểu lịch sử, có nhãn quan chính trị đúng đắn, phông văn hóa sâu rộng, có lẽ một số “tác giả” thời hiện đại không thể viết những chi tiết lịch sử sai lệch, như: “Pháp xâm lược Việt Nam năm 1868” (trong khi mốc lịch sử này là 1858); “Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1953” (trong khi mốc lịch sử này là 1954); “Ngày toàn quốc kháng chiến là ngày 23-11-1946” (trong khi sự kiện lịch sử này chính xác là ngày 19-12-1946). Không chỉ vậy, người ta đã tùy tiện “sáng tạo” ra huyền thoại “Lạc Long Quân, Âu Cơ, Thần Lửa, Thánh Gióng” là “tứ bất tử” của văn hóa truyền thống Việt Nam (!). Trong khi từ lâu các nhà nghiên cứu và nhân dân ta bao đời nay coi “tứ bất tử” là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh. Đấy là những sai sót trong các cuốn sách “Danh nhân và thời đại”, “Huyền thoại với lời ru”, “Đại Quang Việt sử tập 1” do một nhà xuất bản (NXB) ở phía Nam liên kết với một đối tác doanh nghiệp sách xuất bản, phát hành. 
Cần tăng cường quản lý chặt chẽ các khâu xuất bản
Là một trong những lĩnh vực quan trọng của văn hóa, tư tưởng, hoạt động xuất bản nói chung, việc xuất bản sách nói riêng, có vai trò to lớn góp phần xây dựng nhân sinh quan cách mạng, niềm tin khoa học, đạo đức và lối sống tốt đẹp cho cán bộ, đảng viên và đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân. Vì vậy, bất cứ kẽ hở nào trong công tác quản lý xuất bản cũng như để lọt những cuốn sách có nội dung, tư tưởng thiếu lành mạnh, độc hại ra thị trường đều có thể dẫn đến những hệ lụy tai hại. 
Theo nhận định của Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), những năm gần đây, các sai phạm trong hoạt động xuất bản có xu hướng gia tăng, mỗi năm phát hiện khoảng 10% sai phạm về nội dung xuất bản. Nói một cách cụ thể hơn, cứ 10 cuốn sách ra đời thì có một cuốn sách có “vấn đề” về nội dung. Tỷ lệ này rất đáng suy ngẫm. Vì nếu một cuốn sách có sai phạm, đặc biệt là sai phạm về chính trị tư tưởng, về lịch sử, văn hóa dân tộc, thì sau khi phát hành, một sai phạm có thể dẫn đến vô vàn hệ lụy khi bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tiếp nhận, thẩm thấu thông tin, nội dung sai phạm đó. Đơn cử, nếu không ngăn chặn, thu hồi kịp thời một số cuốn sách có thông tin sai lệch về dấu mốc, sự kiện lịch sử và nội dung văn hóa truyền thống dân tộc, thì rất có thể hàng vạn, thậm chí hàng triệu thanh thiếu niên nước ta sẽ không có nhận thức đúng về các sự kiện lịch sử Pháp xâm lược Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngày Toàn quốc kháng chiến; hoặc có thêm hoài nghi về “tứ bất tử” của văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.
Sách là sản phẩm văn hóa đặc biệt. Bất cứ sai phạm nào, nhất là sai phạm về chính trị tư tưởng và lệch lạc về văn hóa, đạo đức đều có thể “tiêm nhiễm” và để lại những “di chứng” tai hại trong đời sống tinh thần công chúng và làm vẩn đục môi trường văn hóa đọc. Do vậy, các NXB và những người làm công tác xuất bản phải nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực xuất bản, để tự mình nêu cao ý thức chính trị, trách nhiệm xã hội trong việc cho ra đời những cuốn sách có giá trị phục vụ công chúng. Trong đó, cần quán triệt sâu sắc và nắm vững Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” và thực hiện nghiêm túc Luật Xuất bản năm 2012. Đây vừa là những định hướng quan trọng, vừa là những quy định cụ thể để các NXB và những người làm công tác xuất bản đi đúng quỹ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình góp phần xây dựng thị trường xuất bản Việt Nam thật sự lành mạnh, phong phú, mang lại đời sống tinh thần tốt đẹp cho nhân dân.
Để không cho những cuốn sách có nội dung vô bổ, lệch lạc xuất hiện, trôi nổi trên thị trường, cần phải đề cao trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc cấp phép, thẩm định, quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động, các khâu liên quan đến xuất bản sách. Kịp thời phát hiện, kiên quyết thu hồi, nghiêm khắc xử lý, xử phạt các hành vi vi phạm, như: Xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản; tự ý thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản. Đồng thời, chủ động thu hồi, không cho tái bản, phát hành những cuốn sách có nội dung nhạy cảm về chính trị mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; các cuốn sách có nội dung kích động bạo lực, truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; các cuốn sách chứa đựng nội dung xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc…
Một giải pháp không kém phần quan trọng là phải củng cố, nâng cao vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của các NXB trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động xuất bản theo khuôn khổ pháp luật. Đội ngũ đảng viên-biên tập viên các NXB cần phải thể hiện rõ vai trò là những người “gác cổng” chặt chẽ, tỉ mỉ, thận trọng và là “bộ lọc” trung thành, thông minh, tinh tế không để lộ, lọt ra thị trường những bài viết, những trang bản thảo, những trang sách có nội dung lệch lạc về tư tưởng chính trị, sai sót về sự kiện, nhân vật lịch sử hay có những nội dung phức tạp, nhạy cảm chưa được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá chính xác.
Sách là một trong những người bạn đồng hành tin cậy để góp phần làm phong phú đời sống tâm hồn, nâng cao trí tuệ, mở rộng tầm nhìn, nâng đỡ tinh thần con người hướng đến các giá trị chân-thiện-mỹ. Nhưng đó phải là những cuốn sách thật sự có ý nghĩa, giá trị về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật thể hiện. Ngược lại, những cuốn sách có thể gây phương hại đến đời sống tình cảm, tinh thần và niềm tin của con người, thì mỗi bạn đọc cần tỉnh táo, sáng suốt trong việc lựa chọn, tìm đọc sách, phấn đấu trở thành độc giả thông thái để có thể tiếp nhận, làm chủ được những cuốn sách hay, bổ ích.
THIỆN VĂN
http://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/chan-chinh-nhung-sai-pham-lech-lac-trong-hoat-dong-xuat-ban-553902

VIỆT NAM KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA


VIỆT NAM KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI
HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA
Việc Trung Quốc đưa vào sử dụng các trạm quan trắc trên các cấu trúc xây dựng, cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Ngày 08/11/2018, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời các câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng về việc vừa qua Trung Quốc đưa vào sử dụng các trạm quan trắc trên một số cấu trúc ở quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc đưa vào sử dụng các trạm quan trắc trên các cấu trúc xây dựng, cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. 
Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động nói trên, tuân thủ nghiêm “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).”
* Trả lời câu hỏi của phóng viên việc Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết kêu gọi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Việt Nam hoan nghênh việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba. Việt Nam cho rằng việc tiếp tục duy trì lệnh cấm vận đối với Cuba là không phù hợp, cần sớm được dỡ bỏ hoàn toàn, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân Cuba, góp phần quan trọng vào việc phát triển cũng như duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực châu Mỹ.”./.

Mạnh Hùng
http://dangcongsan.vn/thoi-su/viet-nam-khang-dinh-chu-quyen-doi-voi-hai-quan-dao-hoang-sa-va-truong-sa-504331.html

NGHĨ VỀ LỜI KHUYÊN CỦA BÁC HỒ VỚI VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT VIỆT NAM


NGHĨ VỀ LỜI KHUYÊN CỦA BÁC HỒ VỚI VĂN HỌC,
NGHỆ THUẬT VIỆT NAM
Nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lòng mỗi người chúng ta luôn thầm nghĩ về Bác, không chỉ đối với sự nghiệp cách mạng cao cả, vĩ đại của Người mà còn ở những lời ân cần nhắc nhở, dạy bảo và vai trò to lớn của Người đối với văn học, nghệ thuật nước nhà.
Vừa là lãnh tụ, vừa là một nhà văn hóa lớn nên sự quan tâm và những lời căn dặn của Người về văn học, nghệ thuật lại càng trở nên sống động, tha thiết.
Trong Nhật ký trong tù, Bác Hồ đã viết: “Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây?”. Có lẽ, vốn sinh ra, lớn lên và được nuôi dưỡng trong tiếng ru của mẹ với những câu hò ví dặm, những điệu hát phường vải bay bổng trên dòng sông Lam xứ Nghệ, cùng sự am hiểu chữ nghĩa, thơ ca của cha, lại được tiếp xúc với bao nhiêu chí sĩ yêu nước giỏi văn thơ và đầy khí phách… nên Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất mê thơ, sành thơ và cũng đầy cảm xúc thi ca. Người có những áng văn, những bài thơ sáng tác trước cách mạng. Vì yêu nước, thương dân, Người đã toàn tâm, toàn trí dành cho cách mạng, tạm gác thơ ca. Và khi bị kẻ địch cầm tù, Bác Hồ lại tiếp tục “ngâm thơ”, “làm thơ”, vừa để nâng cao chí khí của mình, vừa đợi đến ngày tự do để tiếp tục hoạt động cách mạng. Nhật ký trong tù đã minh chứng cho tâm hồn thi sĩ của Bác.
Nhưng trước khi làm thơ, vào những năm đầu thế kỷ XX, Hồ Chủ tịch đã là một nhà báo lớn, tờ Người cùng khổ - Le Paria - với nhiều bài viết sắc sảo đầy tính chiến đấu, cùng những vở kịch, tranh minh họa, tranh châm biếm đả kích bọn đế quốc, thực dân, đã khẳng định tên tuổi của Người trong giới báo chí tại Pháp. Đặc biệt, nhiều bức tranh đả kích do Người vẽ, đến nay vẫn còn giá trị và cũng chứng minh tài năng đa dạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, cùng với những hoạt động ở Pháp, trong mối quan hệ của Bác với những nhà văn hóa, những nhà văn, họa sĩ, nhà thơ nổi tiếng, Nguyễn Ái Quốc luôn được đánh giá là một người am hiểu tường tận và sâu sắc cả văn hóa Phương Đông lẫn văn hóa Phương Tây.
Ngày 19.12.1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Hồ Chủ tịch lại cùng Trung ương Đảng trở về chiến khu Việt Bắc, lãnh đạo cuộc chiến đấu thần thánh giải phóng dân tộc. Trong trăm công nghìn việc của một vị lãnh tụ tối cao, Hồ Chủ tịch đã đặt những nền móng đầu tiên cho lý luận, thực tiễn một nền văn hóa, văn nghệ cách mạng Việt Nam. Năm 1948, trường Mĩ thuật kháng chiến và các đoàn văn công, kịch nói, ca múa nhạc, chèo, tuồng… cùng các cơ quan văn hóa, văn nghệ ra đời và phát triển một cách đồng bộ, mạnh mẽ, và Bác Hồ là người vạch đường chỉ lối. Nhà điện ảnh Xô Viết nổi tiếng Các-men, người đã làm nên những thước phim tài liệu lịch sử vô giá về cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam, sau này, trong nhiều hồi ức của mình, đã ca ngợi Bác Hồ là người rất am hiểu về điện ảnh. Và trong nhiều cuộc trao đổi, luận bàn với Các-men, Người đã có nhiều ý kiến hết sức sâu sắc, quý giá. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định (Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật) đã kể nhiều kỷ niệm về Bác, trong đó có câu chuyện, khi nghe một nghệ sĩ trẻ kêu ca về phương tiện nghèo nàn, khó khăn, Bác đã hết sức thông cảm, chia sẻ, nhưng rồi Người nói: “từ trong cái khó, mới ló cái khôn”. Cũng chính từ thời kỳ đó, nền nhiếp ảnh Việt Nam bắt đầu làm nên sự nghiệp của mình. Tóm lại, có thể nói, từ sau toàn quốc kháng chiến đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7.5.1954), tại trung tâm căn cứ địa cách mạng, Hồ Chủ tịch là người đã lãnh đạo, dẫn dắt, đưa đường, chỉ lối, đặt nền móng cho nền văn hóa, văn nghệ cách mạng Việt Nam.
Năm 1955, hòa bình lập lại hoàn toàn trên Miền Bắc, đất nước ta bước vào giai đoạn mới, hàn gắn vết thương chiến tranh, công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong không khí náo nức, hồ hởi, say mê của cuộc sống mới, cùng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, một luồng gió sáng tạo mới trong văn hóa, văn nghệ đã bừng lên. Từ năm 1957, các hội sáng tạo văn học, nghệ thuật, các trường nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, múa; các đoàn văn công: tuồng, chèo, cải lương, kịch nói… lần lượt ra đời. Trong nhiều tấm ảnh tư liệu quý giá còn lưu giữ đến nay, hình ảnh Bác Hồ luôn luôn tươi cười xuất hiện cùng anh chị em văn nghệ sĩ, lúc thì Bác ở trụ sở Liên hiệp văn học, nghệ thuật, lúc thì ở các trường nghệ thuật, lúc thì múa hát cùng các cháu thiếu nhi, lúc thì ở đoàn văn công… với những lời dạy quý báu, chân tình, thương yêu sâu sắc, cảm thông với những khó khăn, thử thách trong công việc lao động sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, và chính Bác Hồ cũng khẳng định một vị trí cao quý, vinh quang của người nghệ sĩ cách mạng Việt Nam: “Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận, anh chị em là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Cũng trong suốt nửa sau của thế kỷ XX cho đến tận hôm nay, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ vẫn còn là những bài học lớn, sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Đối với giới nghệ sĩ sân khấu, có một lời nhắn nhủ này của Bác, nghe có vẻ nôm na, giản dị, chân tình, nhưng không kém phần sâu sắc và đầy tính lý luận, đó là sau khi khen ngợi: “tuồng là tốt đấy, nhưng cần phải cải tiến”, rồi Bác lại thâm thúy nói tiếp: “nhưng chớ gieo vừng ra ngô”. Càng ngẫm nghĩ lời Bác, chúng ta càng thấy thấm thía, càng thấy sâu sắc và từ thực tiễn hoạt động sáng tạo nghệ thuật, quả thật, nhiều lúc chúng ta đã “gieo vừng ra ngô” mà không hề hay biết. Có một thời kỳ cải tiến, cách tân dẫn đến phá chèo, mà có người nói vui là chẹo, chéo, chẽo chứ không còn là chèo nữa. Người ta biến chèo thành kịch có bài hát mới, vừa chắp vá, vừa nhộn nhạo, vừa ta vừa tây. Người ta đưa cả ca khúc “sến” với dàn trống tây, kèn tây, ghi-ta tây vào chèo, lấy cớ là ăn khách để bỏ đi hàng loạt các làn điệu, lời ca của chèo cổ, cũng như bỏ đi bộ gõ, đàn nguyệt, đàn đáy, nhị, sáo, đàn bầu… trong sáng tác âm nhạc. Nhưng rất may, sau một thời gian không lâu, chính những người nghệ sĩ cũng đã nhận ra và tự điều chỉnh những quan niệm sáng tạo về những loại hình nghệ thuật đã có từ ngàn xưa của ông cha. Rõ ràng, đến nay, sự cách tân của chèo - tiếp thu những tinh hoa của truyền thống cùng những tìm tòi hiện đại, tiên tiến - đã mang lại những hiệu quả mới, những dấu ấn mới, những chất liệu mới, mặc dù chặng đường sáng tạo nghệ thuật còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Cũng như chèo, nghệ thuật cải lương và ca múa nhạc cũng qua những thời kỳ “gieo vừng ra ngô” như thế. Có thời, người ta không diễn cải lương mà chỉ cần ca, ca thật hay, không chỉ đổ 6 câu vọng cổ, mà là bắn hàng trăm chữ liên hồi, liên tục. Rồi hóa trang, phục trang cứ như tích Tàu, La Mã - xanh xanh, đỏ đỏ lòe loẹt, kim sa, kim tuyến vô tội vạ. Trong ca nhạc thì không còn là hát nữa, mà là hú hí điên cuồng, trang phục hở hang, khêu ngợi, nhảy nhót tán loạn, xập xí, xập ngầu, vừa pha cả Úc, Phi, Mĩ, Á, Âu…, ánh sáng lập lòe, khói bay mù mịt… Nhưng rất may, vẫn còn những người có tâm trong giới văn hóa, văn nghệ, cũng như báo chí, công luận lên tiếng kịp thời, đúng lúc mà một trật tự kỷ cương về văn hóa, văn nghệ đã dần được thiết lập - vừng trở lại đúng là vừng, chứ không phải là ngô nữa. Bài học “chớ gieo vừng ra ngô” của Bác Hồ lại càng thấm thía, sâu sắc hơn bao giờ hết.
Viết về Bác Hồ, về sự nghiệp, đạo đức, tư tưởng, công lao của Người đối với văn học, nghệ thuật, đối với cách mạng Việt Nam, đã có nhiều công trình cả trong nước và trên thế giới, của các nhà khoa học, văn hóa, văn nghệ sĩ… mà trong đó, không ít người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về Người. Bởi thế, những dòng viết trên đây chỉ là góp thêm vài suy nghĩ, tâm sự của một người nghệ sĩ đã 50 năm nặng lòng với văn học, nghệ thuật để tưởng nhớ công ơn của Bác Hồ đối với văn học, nghệ thuật nước nhà./.
 Lê Huy Quang

(Theo: Tạp chí Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật)



GIƯƠNG CAO NGỌN CỜ ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI THEO TINH THẦN CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI


GIƯƠNG CAO NGỌN CỜ ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI THEO TINH THẦN CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI
Cách đây 101 năm (ngày 7/11/1917), thế giới chứng kiến một sự kiện trọng đại, đó là thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, mở ra một trang sử mới hào hùng với sự ra đời của Nhà nước Xô Viết chuyên chính vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người, đưa chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực.
Lần đầu tiên trên thế giới, chính quyền đã từ trong tay thiểu số người bóc lột chuyển sang tay đa số người lao động bị bóc lột vươn lên làm chủ. Cách mạng tháng Mười thủ tiêu mọi hình thức bóc lột giai cấp và áp bức dân tộc, mở đường thắng lợi cho độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.
Cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra một bước ngoặt căn bản trong lịch sử loài người, từ thế giới tư bản chủ nghĩa sang thế giới xã hội chủ nghĩa, mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đánh giá: "Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế"(1).
Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga đã có tác động to lớn đến việc quyết định con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở ra một chương mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Xét về mặt lý luận và cả thực tiễn, Cách mạng Tháng Mười Nga đã có ảnh hưởng to lớn đối với con đường giải phóng dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong suốt thế kỷ XX và trong điều kiện hiện nay.
Đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước cách mạng Việt Nam đều bị thất bại vì không có đường lối cứu nước đúng đắn. Giữa lúc đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, sau gần 10 năm bôn ba tìm con đường cứu nước đã tiếp thu được ánh sáng của Cách mạng tháng Mười khi Người được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin (1920), tác phẩm lý luận bàn về vấn đề cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trong thời đại cách mạng vô sản. Người đã tìm thấy con đường duy nhất đúng đắn để cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Đó là con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn với giải phóng giai cấp; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; cách mạng giải phóng dân tộc từng bước gắn với phong trào cách mạng thế giới… Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác còn đường cách mạng vô sản”(2). Đó là con đường gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế thời đại. Với niềm tin đó, Người đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta, sáng lập và rèn luyện Đảng ta, lãnh đạo nhân dân ta giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Toàn dân ta luôn một lòng đi theo Đảng. Vì vậy, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của lịch sử Việt Nam, của toàn dân tộc Việt Nam.
Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), Đảng đã khẳng định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Trong suốt gần 90 năm qua, Đảng và nhân dân ta luôn kiên trì và thực hiện mục tiêu này. Nhờ vậy mà cách mạng nước ta đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra trong 15 năm sau ngày thành lập Đảng, từ cao trào Xôviết Nghệ - Tĩnh, cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939 đến cao trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945. Cách mạng Tháng Tám đã xoá bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"; củng cố vững chắc hơn độc lập dân tộc, từng bước đưa nước ta lên chủ nghĩa xã hội đã ngày càng khẳng định đường lối đúng đắn mà Đảng ta đã lựa chọn.
Trung thành với mục tiêu và con đường mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lựa chọn, Đảng ta chủ động vận dụng trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể với những nhiệm vụ và phương pháp cụ thể. Cương lĩnh chính trị tháng 10/1930 của Đảng nêu rõ: “Tiến hành cách mạng dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến lên CNXH, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa”. Chính cương Đảng Lao động Việt Nam được thông qua tại Đại hội II của Đảng tháng 02/1951 cũng nêu: “Cách mạng Việt Nam hiện nay là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến tới CNXH”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1991) kết luận: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH. Đó là bài học xuyên suốt cách mạng nước ta”(3). Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa khẳng định: “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Qua các kỳ Đại hội Đảng, bài học lớn, được đặt ở vị trí hàng đầu là bài học phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tại Đại hội XII của Đảng đã phân tích bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế, từ đó chỉ rõ: “Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn”(4).
Đánh giá thành tựu và hạn chế 30 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) Đại hội XII khẳng định, nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN. “Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”(5).
Khẳng định những giá trị và kết quả này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua của đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đó là kết quả của quá trình đổi mới có nguyên tắc, năng động trên cơ sở kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời, cũng là cơ sở để mỗi người Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc lịch sử, ý nghĩa và giá trị hiện thực của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đối với cách mạng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Thành tựu mà chúng ta đạt được minh chứng cho sức sống của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam"(6).
Trong giai đoạn hiện nay, cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội diễn ra rất phức tạp. Chủ nghĩa xã hội đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học sau các sự kiện chính trị xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII cũng đã nhận định rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, trong đó chỉ rõ: Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái. Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.... Từ đó đề ra mục tiêu và giải pháp nhằm thực hiện tốt công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn. Nghị quyết nêu rõ, "Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh"; Tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là những mô hình mới, kinh nghiệm hay; khuyến khích phát triển tư duy lý luận phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng".
Nghị quyết cũng yêu cầu, chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình; xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Hơn 100 năm đã trôi qua, nhìn lại chiến thắng vĩ đại và chói lọi của Cách mạng Tháng Mười Nga giúp chúng ta càng nhận thức rõ hơn những giá trị và đóng góp to lớn mà cuộc cách mạng này đã mang lại cho nhân loại, càng nhận thức sâu sắc hơn những bài học xương máu từ sự đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội hiện thực mô hình Xô-viết và càng kiên định hơn con đường đổi mới vì độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách, song với lý tưởng cao đẹp và những bài học thực tiễn sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga tiếp tục soi rọi, toả sáng, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
________________________
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.387.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.30.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb Sự thật, H.1991, tr.4.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.75.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.66.
(6) Phát biểu kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga
Hoa Hiền
http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/guong-cao-ngon-co-doc-lap-dan-toc-va-cnxh-theo-tinh-than-cach-mang-thang-muoi-504058.html

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...