Thứ Tư, 4 tháng 4, 2018

PHÚC TRÌNH NHÂN QUYỀN 2016 CỦA TỔ CHỨC THEO DÕI NHÂN QUYỀN (HRW) VỀ VIỆT NAM HOÀN TOÀN VÔ GIÁ TRỊ
(LLCT) - Vẫn như hằng năm, ngày 19-6-2017, tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) có trụ sở ở Hoa Kỳ đã ra “Phúc trình thường niên” về tình trạng nhân quyền thế giới, trong đó có Việt Nam. Phúc trình năm nay dài 65 trang... Trong phần về Việt Nam được Hãng BBC rút “tít”: “Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động vì nhân quyền” ở Việt Nam! Vậy Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) là gì? Nội dung, bản chất của “Phúc trình” năm nay như thế nào? Cơ sở dữ liệu của văn bản có đáng tin cậy không?
Tổ chức theo dõi nhân quyền (tiếng Anh: Human Rights Watch - HRW) là một tổ chức phi chính phủ (NGOs), có trụ sở tại Hoa Kỳ và văn phòng đại diện ở một số quốc gia. Tiền thân của HRW là tổ chức Helsinki Watch, thành lập năm 1978 ( trong thời kỳ chiến tranh lạnh) với mục đích “giám sát” Liên Xô (trước đây) bằng cách thu thập tư liệu liên quan tới việc thực hiện hiệp ước của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) và “hỗ trợ” các nhóm bảo vệ nhân quyền tại nước này nhằm chống đối chế độ hiện hữu. Năm 1988, Helsinki Watch hợp nhất với một số tổ chức quốc tế khác đổi tên thành Human Rights Watch (HRW).
Hoạt động chính của HRW là: (a) Sưu tầm/ lượm lặt tài liệu, soạn thảo Phúc trình thường niên, đồng thời cung cấp thông tin và “gợi ý chính trị” cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ soạn thảo “Phúc trình Nhân quyền thế giới” và “Phúc trình Tôn giáo thế giới” hằng năm; (b) Cổ vũ cho cá nhân “đấu tranh cho nhân quyền” bằng hình thức trao giải thưởng nhân quyền. Và (c) mục tiêu của HRW là dùng vấn đề nhân quyền, dân chủ để kích động người dân chống lại chế độ xã hội do các Đảng Cộng sản lãnh đạo và các chế độ xã hội khác mà họ gọi là “độc tài”, các nhà nước “cứng đầu” (không theo “cái gậy chỉ huy” của Hoa Kỳ) chuyển sang chế độ dân chủ “ đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” và thể chế “tam quyền phân lập” theo mô hình “cổ điển” của phương Tây.
Với Việt Nam HRW luôn luôn đặt ở vị trí đặc biệt. Có thể nói, dung lượng của các Phúc trình thường niên thế giới phần về Việt Nam bao giờ cũng chiếm nhiều trang nhất. Năm nay, ngoài công bố Phúc trình, tổ chức này còn công bố dự liệu của Phúc trình trên web của mình. Phúc trình của HRW (về tình hình nhân quyền năm 2016), công bố ngày 19-6-2017 thực chất không có gì mới. Đó vẫn là những cáo buộc vô căn cứ về tình hình nhân quyền Việt Nam với “chứng cớ”: “Các nhà vận động dân chủ, những blogger hoạt động vì nhân quyền” bị bắt bớ, bỏ tù, bị côn đồ đánh đập “chỉ vì họ thực thi các quyền cơ bản của mình”. Đó vẫn là hành vi bao che, chạy tội cho những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, đặc biệt là tự do internet để xuyên tạc sự thật, bôi nhọ chế độ, vu cáo cơ quan chức năng, đặc biệt là công an. HRW viết “công an không chỉ bắt bớ, mà còn dung túng cho côn đồ đánh đập những người “bất đồng chính kiến”, những người đấu tranh “ôn hòa”, “bất bạo động”!
Phúc trình năm nay có một vài điểm mới. Đó là việc HRW tập trung, bao che, chạy tội cho hai nhóm đối tượng: Đó là (1) những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, nhất là blogger, sử dụng internet - Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân. Và (2) những kẻ lợi dụng vấn đề bảo vệ môi trường để phá hoại an ninh quốc gia, trật tự công cộng. Chẳng hạn, HRW viết: Việt Nam “kiểm duyệt báo chí, internet gắt gao”, bắt nhiều người “bất đồng chính kiến”, các cựu “tù nhân lương tâm”, blogger, trong đó có Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) ở Nha Trang, Khánh Hòa, (tháng 10-2016). Hoặc bắt Hoàng Đức Bình - người “đấu tranh bảo vệ môi trường”, đòi Formosa bồi thường cho người dân ở Diễn Châu, Nghệ An, tháng 5-2017(!) Ở phần cuối của Phúc trình “kiến nghị”:
“Yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải ra lệnh chấm dứt tình trạng được gọi là “hành hung những người đấu tranh cho nhân quyền”;
“Quốc hội Việt Nam cần hủy bỏ, sửa đổi các điều khoản trong Bộ luật Hình sự Việt Nam có nội dung “mơ hồ”, hình sự hóa hành vi “bất đồng chính kiến ôn hòa” với các tội danh về an ninh quốc gia được định nghĩa không chính xác”.
Và “kêu gọi (Đảng Cộng sản) Việt Nam chấm dứt chế độ độc đảng”(!).
Về quan điểm chính trị và quan niệm về nhân quyền, có thể nói Phúc trình của HRW năm nay vẫn giữ quan điểm trong thời kỳ Chiến tranh lạnh - kỳ thị với chế độ xã hội và nhà nước CHXHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo - cầm quyền. Với quan điểm đó, HRW nhìn nhận vấn đề nhân quyền trong xã hội Việt Nam một cách phiến diện, lệch lạc. Đồng thời, HRW nhìn nhận quyền con người chỉ là quyền cá nhân. Trong khi quyền con người còn bao gồm quyền của tập thể (quyền của nhóm xã hội), đặc biệt là quyền của quốc gia - dân tộc. Và trong những quyền của cá nhân dường như họ chỉ quan tâm đến quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do internet của một số kẻ vi phạm pháp luật. Mặt khác, HRW dường như cố tình “quên” hoặc “không biết” đến hạn chế quyền. Luật quốc tế về quyền con người đã quy định có một số quyền bị hạn chế, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do ngôn luận báo chí (ngày nay còn là quyền tự do internet), quyền lập hội và quyền hội họp hòa bình...
Về trường hợp Nguyễn Ngọc Như Quỳnh phạm pháp, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói trong thông cáo báo chí hôm 27-6-2017 trước khi công bố Phúc trình năm 2016 rằng: “Đưa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra xử, chỉ vì đơn thuần thực hiện quyền tự do ngôn luận và kêu gọi chính quyền cải tổ và có tinh thần trách nhiệm, thật là quá đáng”. Ông này thậm chí còn ca ngợi Nguyễn Ngọc Như Quỳnh rằng: “Trong 10 năm qua Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã làm việc không mệt mỏi để thúc đẩy nhân quyền và tự do dân chủ ở Việt Nam”(!)
Thực tế thì ngược lại. Tại phiên tòa xét xử công khai Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, các cơ quan chức năng đã cung cấp đầy đủ bằng chứng về các hành vi phạm tội của “Mẹ Nấm” (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh). Đó là việc Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã soạn thảo, đăng tải, “chia sẻ” trên Facebook của mình nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bôi nhọ nhiều cá nhân... đặc biệt có tập tài liệu “Stop police killing civilians” (Phải chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường). Đây là tài liệu do Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lập ra theo quan điểm của mình và không được kiểm chứng. Trên thực tế, đó là sự vu cáo trắng trợn cơ quan chức năng với mục đích để người đọc hiểu sai bản chất vấn đề, phá hoại mối quan hệ giữa nhân dân với lực lượng công an. Đặc biệt, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã có hành vi phát tán một số nội dung xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thậm chí bôi nhọ lãnh tụ Hồ Chí Minh(1).
Về trường hợp Hoàng Đức Bình phạm tội, bị bắt vào tháng 5-2017 cũng do y đã vi phạm pháp luật. Những ai quan tâm đến vụ việc này đều có thể tìm thấy thông tin trên mạng về vụ Formosa Hà Tĩnh gây ra ô nhiễm trên diện rộng ở nhiều tỉnh miền Trung, tháng 4, tháng 5-2016. Nguyễn Đình Thục, Hoàng Đức Bình và một số phần tử khác đã kích động người dân tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng. Nguyễn Đình Thục dùng loa phát thanh và Hoàng Đức Bình dùng điện thoại quay phim, phát trực tiếp trên mạng, vu cáo công an khủng bố, bắt bớ người dân và đòi Formosa “bồi thường cho người dân” đòi “đuổi Formosa” khỏi Việt Nam.
Nhằm gây tiếng vang trên cả nước và quốc tế, Nguyễn Đình Thục và Hoàng Đức Bình còn tụ tập, lôi kéo một số Giáo dân ra ở quốc lộ 1, cố tình gây ách tắc giao thông (đoạn qua Diễn Châu, Nghệ An). Thế nhưng với Phúc trình 2016 của HRW thì việc bắt Hoàng Đức Bình là “vi phạm nhân quyền, là “đàn áp” những người đấu tranh “bất bạo động”, ôn hòa”, “người yêu nước, đấu tranh bảo vệ môi trường”.
Về quan niệm nhân quyền, sai lầm cố hữu của HRW nói chung và trong Phúc trình 2016 nói riêng là họ chỉ xem quyền con người là quyền của cá nhânquyền của những kẻ phạm pháp mà bỏ qua nhiều quyền khác, như quyền của các nhóm xã hội, đặc biệt là quyền của quốc gia, dân tộc.
Điều 1 (Phần I), Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (1966) quy định: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”... Quy định này có nghĩa, việc các quốc gia lựa chọn chế độ xã hội nào - TBCN hay XHCN; chế độ đa đảng hay một đảng lãng đạo, thể chế tam quyền phân lập hay phân công phối hợp... cũng như xây dựng hệ thống pháp luật như thế nào là quyền của mỗi quốc gia, dân tộc, mà không có bất cứ cơ quan tổ chức nào, kể cả Liên Hợp quốc có quyền can thiệp.
Cũng cần phải nói thêm rằng, HRW cố tình không hiểu rằng, nhiều quyền con người có thể bị hạn chế, theo quy định của pháp luật quốc gia. Điều này cũng được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (1966). Chẳng hạn về quyền tự do ngôn luận, báo chí, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hội họp... Điều 19, (Về quyền tự do ngôn luận) quy định: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2... kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định,... để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội.
Những quyền nói trên trong Hiến pháp 2013 cũng quy định những hạn chế tương tự. Những trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, internet vừa qua, bị cơ quan chức năng bắt giữ, xét xử cầm tù mà Phúc trình của HRW đưa ra như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hoàng Đức Bình là vì họ đã vi phạm pháp luật Việt Nam.
Về lập luận, những hoạt động “ bất bạo động”, “ôn hòa” mà theo HRW cho là vô tội... có thể nói, đây lại thêm một sai lầm, ấu trĩ về pháp luật. Thiết nghĩ pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của các quốc gia trên thế giới không lấy khái niệm hoạt động “ôn hòa” hay bạo lực làm tiêu chí để xác định tội phạm, mà căn cứ vào tất cả các hành vi (kể cả “ôn hòa”, “bất bạo động” và bạo lực) có liên quan đến lợi ích của quốc gia dân tộc và các chủ thể khác làm tiêu chí. Bộ luật Hình sự hiện hành của Việt Nam quy định: Tội phạm “Là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự (Điều 8 Bộ luật Hình sự). Hành vi nguy hiểm ở đây có thể là “bạo động”, cũng có thể là “ôn hòa”, “bất bạo động”.
Nhân đây xin được cung cấp thông tin - Đạo luật Phản loạn của Mỹ quy định: “Việc viết, in, phát biểu hay phổ biến... mọi văn bản sai sự thực, có tính chất xúc phạm hay ác ý chống chính quyền đều là hành vi tội phạm”. Cũng theo Hiến pháp Hoa Kỳ, Tòa án tối cao được phép đưa ra những trừng phạt pháp lý khi phát hiện báo chí có hành vi phá hoại, lăng nhục, vu khống, xúc xiểm nhà nước, xã hội và cá nhân”.
Thứ hai, về mặt chứng cứ, dữ liệu của Phúc trình.
Như chính trang web của HRW và phát biểu Người phát ngôn của HRW khi công bố Phúc trình vừa qua: Phúc trình dựa trên “Tin tức trên báo chí nước ngoài, như Đài Á châu Tự do (RFA), Đài Tiếng nói Hoa kỳ (VOA), Đài BBC, Mạng lưới Truyền hình Sài Gòn (SBTN), các mạng xã hội như Facebook và YouTube, các trang mạng độc lập về chính trị, như Dân làm báo, Dân luận, Việt Nam Thời báo, Tin mừng cho người nghèo, Defend the Defenders, và các blog cá nhân”.
Như vậy là Phúc trình hoàn toàn không dựa vào các nguồn tin chính thức của Nhà nước Việt Nam cũng không dựa trên bất cứ nguồn tin nào của các tổ chức của Liên Hợp quốc, như UNDP, UNESCO,... HRW chỉ dựa trên những nguồn tin mạng của những cá nhân, tổ chức vốn có hận thù với cách mạng. Về nội dung, đó là những thông tin thất thiệt, không được kiểm chứng, từ các trang mạng có máy chủ ở nước ngoài.
Tôn trọng và bảo đảm quyền con người là quan điểm, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Điều này đã được thể hiện đầy đủ nhất quán trong Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Hiến pháp 2013 và trong những thành quả lớn lao trên thực tế, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Cương lĩnh 2011 của Đảng ta khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Hiến pháp 2013 đã dành cả một chương (Chương II) quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Trong chương này, các quyền con người được quy định đầy đủ và hoàn toàn tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người.
Cho đến nay, Việt Nam đã là thành viên của hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó có “Công ước chống tra tấn” (CAT).
Như các phương tiện thông tin đại chúng cung cấp, trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực bảo đảm quyền con người trên thực tế trên tất cả các nhóm quyền. Về quyền kinh tế, xã hội, từ một nước nghèo, thiếu ăn, cho đến nay (2016) thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam đã tăng từ 1.900 USD năm 2013 lên 2.215 USD năm 2016. Số người được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế tăng, 25,05% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm, kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho người dân tại các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển,...
Về các quyền dân sự, chính trị, trong đó có quyền tự do ngôn luận báo chí, tự do internet đã được Nhà nước ta bảo đảm cả về mặt pháp lý cũng như trên thực tế. Sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam thời gian qua là một minh chứng cho điều đó. Luật Báo chí 2016 (chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) đã có quy định mới về “quyền tác nghiệp của báo chí”. Quyền này được quy định cụ thể về “trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm”; Cơ quan báo chí, nhà báo được giữ bí mật nguồn tin của mình và “chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”...
Quyền tự do ngôn luận, báo chí, còn được thể hiện ở sự phát triển “như vũ bão của internet” ở Việt Nam. Việt Nam hiện nay nằm trong nhóm 20 quốc gia có số người dùng internet nhiều nhất thế giới, đứng thứ 8 ở khu vực châu Á và đứng thứ 2 trong ASEAN. Hiện có khoảng 50 triệu người Việt Nam sử dụng internet, chiếm 52% dân số. Riêng số người sở hữu tài khoản Facebook cũng lên tới 35 triệu người, bằng 1/3 dân số, trong đó 21 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động.
Ở Việt Nam, không chỉ người dân Việt Nam mà cư dân nước ngoài sinh sống, làm việc có điều kiện tiếp cận đầy đủ thông tin từ những hãng thông tấn báo chí lớn. Cho đến nay ở Việt Nam có tới 75 kênh truyền hình, sóng radio nước ngoài “online”, trong đó có các hãng nổi tiếng, như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia
Network, KBS, Bloomberg,... Có tới 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi. Qua
internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức, bài viết ở các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times, v.v..
Với quan điểm cầu thị, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối thoại về nhân quyền với nhiều quốc gia, tổ chức như Hoa Kỳ, EU, Australia... Uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế về nhân quyền ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp quốc khóa 2014 - 2016.
Có thể nói, với quan điểm kỳ thị với chế độ xã hội, Nhà nước CHXHCN Việt Nam từ thời kỳ chiến tranh lạnh; với cách nhìn nhận nhân quyền phiến diện, phản khoa học, chứng cứ giả tạo, thất thiệt,... Phúc trình thường niên 2016 của HRW là hoàn toàn vô giá trị, hơn nữa nó còn làm tổn hại đến lợi ích của Việt Nam và Hoa Kỳ - nơi “đứng chân” HRW.
_____________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính tri số 8-2017
(1) Như lưu trữ, phát tán “thơ” dung tục, phản động của Bùi Chát.

TS Cao Đức Thái

http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/2397-phuc-trinh-nhan-quyen-2016-cua-to-chuc-theo-doi-nhan-quyen-hrw-ve-viet-nam-hoan-toan-vo-gia-tri.html
QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ "CÁCH LÃNH ĐẠO" VÀ VẬN DỤNG TRONG LÃNH ĐẠO HIỆN NAY
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947) của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng hệ thống những luận điểm, chỉ dẫn sâu sắc về thái độ và phương pháp làm việc, nhất là về cách thức lãnh đạo. Dựa vào việc phân tích một khuynh hướng nghiên cứu mới của khoa học lãnh đạo hiện đại - Kiến tạo tri thức như chức năng của lãnh đạo, bài viết làm sáng tỏ hơn và khẳng định giá trị khoa học mang tính thời đại trong những luận điểm về “Cách lãnh đạo”. Qua đó gợi mở hướng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong nghiên cứu, đào tạo và thực hành lãnh đạo trong bối cảnh thế giới “phẳng” ngày nay.
1. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách lãnh đạo
Ngay từ năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn sâu sắc về cách lãnh đạo huy động trí tuệ quần chúng, học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng, chủ động dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức của tập thể, cộng đồng để tạo nên những quyết định lãnh đạo sáng suốt.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu thấu và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình... Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của “những người không quan trọng”(1).
Người đã lập luận hết sức thuyết phục rằng: “Những người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi của mọi người: trông từ trên xuống. Vì vậy sự trông thấy có hạn. Trái lại, dân chúng trông thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, một mặt khác: họ trông thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn. Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề cho đúng, ắt phải họp kinh nghiệm cả hai bên lại. Muốn như thế, người lãnh đạo ắt phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp người, với dân chúng”(2).
Là một người có trí tuệ uyên bác, nhưng trong lãnh đạo, Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào trí tuệ của nhân dân, luôn tin rằng họ là người hiểu nhất vấn đề của chính họ, cái mấu chốt là cán bộ lãnh đạo phải làm sao để khơi dậy nguồn lực trí tuệ đó. Người chỉ rõ: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(3).
Theo Hồ Chí Minh, muốn huy động được trí tuệ quần chúng nhân dân, phải từ bỏ cách lãnh đạo quan liêu, mệnh lệnh, áp đặt từ trên xuống rồi bắt quần chúng theo; thay vào đó là cách lãnh đạo “Làm theo cách quần chúng”.Khi đề cập cách thức lãnh đạo Làm theo cách quần chúng, Người chỉ rõ: “Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”(4).
Để thực hiện cách thức lãnh đạo này một cách có hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn rất cụ thể:
Thứ nhất,cán bộ cần phải hiểu rõ đặc điểm tâm lý, trình độ của quần chúng nhân dân, xem đó như một phần tất yếu của bối cảnh lãnh đạo. Người đã chỉ ra thuộc tính tĩnh của dân chúng: có lớp tiền tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu.Vì lý do đó, như một lẽ tất nhiên, ý kiến của mọi người sẽ rất khác nhau. Người nhấn mạnh ưu thế động của dân chúng, là sự cảm nhận, so sánh theo thời gian, so sánh theo bối cảnh không gian cụ thể. Cùng với đó là năng lực tổng quát của dân chúng trong việc phát hiện ra mâu thuẫn và đề ra cách giải quyết.
Thứ hai,khi đã hiểu rõ đặc điểm tâm lý, trí tuệ của quần chúng thì cán bộ nên sử dụng phương pháp gợi mở vấn đề và kích thích tư duy phản biện trong chính những người dân để cùng nhau giải quyết vấn đề. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “khi đem vấn đề ra bàn trước dân chúng, họ đem các ý kiến khác nhau so sánh. So đi sánh lại, sẽ lòi ra một ý kiến mà mọi người đều tán thành, hoặc số đông người tán thành. Ý kiến đó, lại bị họ so sánh tỷ mỷ từng đoạn, họ thêm điểm hay vào, bỏ điểm dở đi. Ý kiến đó trở thành ý kiến đầy đủ, thiết thực. Sau khi bàn bạc, so sánh, thêm thắt, thành một ý kiến đầy đủ, ý kiến đó tức là cái kích thước nó tỏ rõ sự phát triển trình độ của dân chúng trong nơi đó, trong lúc đó. Theo ý kiến đó mà làm, nhất định thành công. Làm không kịp ý kiến đó, là đầu cơ, nhút nhát. Làm quá ý kiến đó là mạo hiểm, hẹp hòi, “tả””(5).
Hồ Chí Minh hết sức phê phán những cán bộ có thái độ coi thường trí tuệ của nhân dân. Người viết: “Có người thường cho dân là dốt, không biết gì, mình là thông thái tài giỏi. Vì vậy, họ không thèm học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng. Đó là một sai lầm nguy hiểm lắm. Ai có sai lầm đó, phải mau sửa đổi. Nếu không sẽ luôn luôn thất bại”(6).
Thứ ba, tin vào trí tuệ của nhân dân, nhưng người lãnh đạo không được “theo đuôi quần chúng” mà phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, phải đóng vai trò chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo trong dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức tập thể để đưa ra các quyết định hợp lý. Vai trò của lãnh đạo trong quá trình ra quyết định thể hiện ở chỗ biết phát huy những kiến thức, phương pháp lý luận khoa học đã được học để so sánh, tổng hợp các ý kiến của nhân dân, làm sâu sắc hơn, lý giải cơ sở khoa học của nó và tiếp tục đưa sản phẩm tư duy, sáng tạo của mình cho nhân dân phản biện. Về luận điểm này, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cố nhiên, không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo. Người cán bộ cũng phải dùng cách so sánh của dân chúng mà tự mình so sánh. Nghĩa là đem các ý kiến khác nhau để so sánh kỹ, phân tích kỹ các nội dung của các tầng lớp xã hội có cái ý kiến đó. Tìm ra mối mâu thuẫn trong những ý kiến khác nhau đó. Xem rõ cái nào đúng, cái nào sai. Chọn lấy ý kiến đúng, đưa ra cho dân chúng bàn bạc, lựa chọn lại, để nâng cao dần dần sự giác ngộ của dân chúng”(7). “Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong từng bộ phận. Rồi lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mới. Cứ như thế mãi. Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo”(8).
Như vậy, trong chu trình vận động và phát triển tri thức của tập thể, của cộng đồng, Hồ Chí Minh vừa coi trọng vai trò của quần chúng nhân dân, vừa nhấn mạnh đến vai trò, sứ mệnh của người lãnh đạo trong việc tổ chức, dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức - tổ chức đối thoại, tranh luận nhằm tìm ra chân lý và tổ chức thực hành để kiểm nghiệm chân lý trong thực tiễn, rồi lại nâng kinh nghiệm thực tiễn (cũ và mới) thành lý luận mới, chính sách mới.
2. Vận dụng trong lãnh đạo phù hợp thời đại cách mạng công nghiệp 4.0
Lãnh đạo bao gồm nhiều hoạt động, từ việc xây dựng tầm nhìn, xác định mục tiêu, ra quyết định đúng, đổi mới để tổ chức phát triển, đến việc xây dựng văn hóa tổ chức, tạo động lực và sự cam kết của các thành viên hướng tới tầm nhìn, mục tiêu chung... Trong tất cả các hoạt động đó, việc tiếp nhận, xử lý thông tin, dữ liệu (đầu vào) để đi đến các quyết định quản lý hoặc quyết định chính sách hợp lý (đầu ra) có vai trò hết sức quan trọng. Các nhà khoa học đã ước tính 70% thời gian của lãnh đạo là dành cho việc tiếp nhận, xử lý các loại hình thông tin, dữ liệu thông qua các kênh khác nhau. Sự khác biệt về “chất” giữa đầu vào - đầu ra thể hiện ở các phương án quyết định mà nhà lãnh đạo cần phải lựa chọn: tính chất tổ hợp, khả năng phản ánh hiện thực khách quan, tính khả thi... Bên cạnh năng lực tổng hợp, phân tích và cảm nhận cá nhân của lãnh đạo thì chất lượng thông tin, dữ liệu đầu vào có tác động quan trọng đến chất lượng phương án quyết định quản lý hoặc quyết định chính sách đầu ra. Chính ở đây, có nhiều câu hỏi quan trọng được đặt ra như: làm thế nào để thu nhận được các thông tin, dữ liệu đầu vào có chất lượng trong hoạt động lãnh đạo quản lý; đánh giá mức độ tin cậy của các nguồn thông tin; giữa các loại thông tin dữ liệu khác nhau thậm chí mâu thuẫn nhau, thì làm thế nào để lựa chọn đúng, xây dựng phương án phù hợp?...
Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin, truyền thông, dữ liệu thì khoảng cách trong tiếp nhận thông tin giữa các nhóm xã hội khác nhau ngày càng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, như nhiều nhà khoa học đã chỉ ra, với một lượng thông tin hằng ngày rất lớn, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, thì con người có thể bị chìm ngập trong thông tin mà không đem lại kiến thức và tri thức đáng kể nào. Nhà lãnh đạo, với yêu cầu đưa ra được các quyết định đúng đắn để giải quyết các nhiệm vụ mà thực tiễn cuộc sống, công việc đặt ra, càng cảm nhận thấy tình trạng mất cân đối giữa một bên là thông tin ngày càng nhiều - và một bên là sự không theo kịp của năng lực xử lý thông tin để tạo ra tri thức có ích cho công việc. Trong hoàn cảnh đó, các nhà khoa học đã nhấn mạnh đến quá trình kiến tạo tri thức(knowledge creation) mang tính ứng dụng cao trong khi đối diện với các thách thức lãnh đạo. Nói cách khác, nếu coi việc ra quyết định là sự lựa chọn một trong các phương án hành động thì chất lượng thông tin, dữ liệu đầu vào và tính khả thi của các phương án đưa ra sẽ có tác động rất lớn đến hiệu quả của việc thực thi quyết định.
Herbert Simon đã lập luận về “Lý trí giới hạn - bounded rationality” (1972) dẫn đến các phương pháp ra quyết định dựa vào trí tuệ tập thể thông qua các phương pháp như delphi, hay lấy ý kiến bậc thang(9). Tuy nhiên, hạn chế lớn của cách tiếp cận này là tập trung vào việc lấy ý kiến các chuyên gia, trong giới hạn nhóm nhỏ của tổ chức, công ty hoặc công ty tư vấn.
Năm 2004, James Surowiecki (người Mỹ) đã công bố cuốn sách: “Trí tuệ đám đông - Vì sao đa số thông minh hơn thiểu số”, đưa ra nhiều dẫn chứng lịch sử và thực nghiệm xã hội khẳng định rằng sự đa dạng, độc lập của các ý kiến khác nhau của nhóm đông người là vô cùng cần thiết để đi đến những phán đoán sát với thực tế; một nhóm bình thường đông người có thể đưa ra quyết định hợp lý hơn cả các chuyên gia(10). Công trình nghiên cứu này gợi ý cho chúng ta rằng việc tìm kiếm phương án giải quyết các thách thức lãnh đạo không nên chỉ giới hạn bởi ý kiến của nhóm có trình độ cao mà cần huy động trí tuệ của nhiều người, kể cả người rất bình thường. Thách thức lớn nhất khi cần huy động trí tuệ tập thể - ý kiến quần chúng - là làm sao để họ tham gia vào quá trình cung cấp thông tin và gợi ý phương án hành động một cách chân thật nhất. Các ý kiến đó nên và cần xuất phát từ chính góc nhìn của chủ thể chứ không phải bị áp đặt bởi góc nhìn của nhà lãnh đạo hay một ai khác.
Trong thời gian dài, đã có định kiến về tương quan chênh lệch kiến thức, tri thức giữa người lãnh đạo và người dân bình thường. Theo đó, đa số ý kiến cho rằng người lãnh đạo luôn có nhiều thông tin, kiến thức hơn so với người dân; những cán bộ dưới quyền chỉ là người thừa hành, tiếp nhận thông tin và kiến thức từ lãnh đạo, vận dụng sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ do lãnh đạo giao. Nói cách khác, dòng chảy thông tin, kiến thức mang tính một chiều từ lãnh đạo đến nhân viên, từ cán bộ đến người dân thường. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, truyền thông, khả năng và cơ hội khai thác thông tin, dữ liệu của người dân đã được cải thiện rất nhiều. Việc nâng cao trình độ học vấn, cơ hội giao lưu văn hóa liên quốc gia đã gia tăng khả năng tổ hợp tri thức của chính những người dân bình thường. Thông qua đó, năng lực của người dân trong nhận biết mâu thuẫn và tìm phương án giải quyết vấn đề cũng có bước phát triển vượt trội. Vậy tri thức tổ hợp của lãnh đạo sẽ phải được gây dựng như thế nào, ở trình độ nào mới thể hiện được năng lực lãnh đạo và dẫn dắt?
Trong khoa học xã hội đã đề cập đến Tri thức bối cảnh hóa- contextualized knowledge như một trong những luận điểm có sức sống nhất trong các lý thuyết quản trị tri thức hiện đại. Theo đó, với tiến trình gia tăng mức độ phức tạp và phức hợp của các hiện tượng và tiến trình trong xã hội được cộng hưởng bằng sự tương tác hàm chứa nhiều điều “bất định” hơn là “tất định” thì sự hiểu biết của con người về bất kỳ một sự kiện hiện tượng nào cũng không thể “bất biến” mà phải gắn với bối cảnh cụ thể, không gian - thời gian của sự kiện, hiện tượng(11). Tri thức bối cảnh hóa (contextualized intelligence/knowledge) trở nên hết sức hữu dụng, đặc biệt đối với việc xử lý các thách thức lãnh đạo thì hiểu biết về bối cảnh cụ thể và có thể đang thay đổi từng ngày, từng giờ càng trở nên quan trọng. Thiếu thông tin, hiểu biết về bối cảnh của thách thức rất dễ đưa ra các quyết định sai lầm.
Các thách thức lãnh đạo và chính sách trong thực tiễn, luôn khác xa so với những kiến thức được học tập trong nhà trường. Trong rất nhiều trường hợp, tri thức khoa học truyền thống, những kiến thức hiện có của bản thân nhà lãnh đạo cũng như của tổ chức không đủ để giúp nhà lãnh đạo giải quyết được các thách thức đó. Trong hoàn cảnh này đòi hỏi nhà lãnh đạo và tổ chức phải kiến tạo tri thức mới, do đó, năng lực hỗ trợ và dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức trở nên hết sức quan trọng đối với nhà lãnh đạo. Trong quá trình kiến tạo tri thức này, mỗi chủ thể liên quan, cho dù là người có trình độ cao, hay những người học vấn thấp, lạc hậu, vẫn có một vị trí nhất định. Vai trò của họ không chỉ giới hạn ở việc trở thành đối tượng hưởng lợi của quá trình kiến tạo tri thức mà họ có khả năng đóng góp nhất định cho tri thức bối cảnh hóa đó.
Lý thuyết “Quản trị dựa vào tri thức” của Ikujiro Nonaka - một trong 20 nhà quản trị nổi tiếng thế giới thế kỷ XXI, nhấn mạnh kiến tạo tri thức (knowledge creation) là nền tảng cốt lõi để lãnh đạo, quản lý tổ chức/cộng đồng ngày càng phát triển thích ứng được với những thay đổi liên tục của thị trường, xã hội. Khi so sánh, đối chiếu chu trình kiến tạo tri thức SECI gồm 4 giai đoạn: xã hội hóa - ngoại hóa - tổng hợp - nội hóado I.Nonaka và các cộng sự phát hiện, khái quát trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn quá trình kiến tạo tri thức trong hàng loạt doanh nghiệp thành công nổi bật ở Nhật Bản(12), chúng ta nhận thấy có sự trùng hợp với những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh như đã trình bày ở trên.
Mô hình SECI khẳng định rằng quá trình tạo ra tri thức là quá trình biến hóa liên tục giữa tri thức ẩn (tacit knowledge) và tri thức hiện (explicit knowledge).Tri thức ẩnlà những hiểu biết của cá nhân, nó có tính chủ quan và là tri thức dựa trên trải nghiệm cá nhân, nhiều khi không thể thể hiện bằng lời, con số, hay công thức (nó phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể). Tri thức hiệnlà những tri thức có tính khách quan, logíc có thể thể hiện bằng lời, con số hoặc các công thức (nó không phụ thuộc vào bối cảnh). Tất cả mọi tri thức đều ở dạng tri thức ẩn hoặc bắt nguồn từ tri thức ẩn. “Tri thức mới được tạo ra từ sự tương tác liên tục giữa tri thức ẩn và tri thức hiện”(13). Theo I.Nonaka, tương tác qua lại giữa tri thức ẩn và tri thức hiệnlà sự di chuyển liên tục qua lại giữa cách nhìn chủ quan và khách quan, hướng đến chân lý; trong đó đối thoại và thực hành đóng vai trò quan trọng để khách quan hóa tri thức ẩn của cá nhân và kiểm chứng nó, giúp nó tiệm cận đến chân lý.
Điều này đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minhđãnhấn mạnh: dân chúng so sánh đúng, giải quyết đúng, là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe cũng thấy. Đây chính là nguồn tri thức ẩnvô tận mà bất cứ một nhà lãnh đạo, quản lý nào muốn thành công thì khôngthể bỏ qua, coi nhẹ. Sự kiến tạo tri thức đối với người lãnh đạo, không chỉ giới hạn ởviệc tự mình tìm ra tri thức mới, hoặcdựa vào đội ngũ chuyên gia. Họ cần phải tìm ra các phương thức, công cụ khác nhau, để đối thoại với người dân, kích hoạt quá trình làm nổi lên tri thức ẩn (ngoại hóa tri thức ẩn) và từ đó, chuyển hóa thành tri thức hiện(khách quan, khái quát hóa tri thức ẩn) mang tính hữu dụng để sẵn sàng đối diện và vượt qua các thách thức. Đó chính là vai trò lãnh đạo và dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức, trong phạm vi hẹp ở cơ quan, tổ chức, haytrên bình diện cộng đồng, xã hội rộng lớn.
Đối với cán bộ lãnh đạo,quản lý khu vực công (đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội,...), việc phát triển năng lực lãnh đạo dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức sẽ đi cùng với việc xây dựng các công cụquản trị tri thức, rèn luyện các kỹ năng thông qua đào tạo, kèm cặp, trải nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên,trước hết cần phải rèn luyện một năng lực quan trọng đầu tiên trong quan hệ với dân chúng, như Hồ Chí Minhđã chỉ ra:“Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói”(14).
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, người dân có thể tìm kiếm, trao đổi thông tin và học hỏi nhanh hơn, nhiều hơn thông qua sử dụng mạng internet; vai trò của trí tuệ nhân tạo, của sức sáng tạo ở con người ngày càng quan trọng thì năng lực dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức trong cơ quan, tổ chức, cộng đồng xã hội, để hóa giải những thách thức trong lãnh đạo, quản lý càng trở thành đòi hỏi cấp thiết đối với người lãnh đạo. Năng lực đó được coi là một trong những năng lực cốt lõi của nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai.
Năng lực lãnh đạo, dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức có thể được đào tạo, bồi dưỡng, do đó, nó cần trở thành hợp phần quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam và trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
_______________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2017
 (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 285, 286, 295, 294, 296, 295, 297, 291, 295.
(9) Simon, H. (1972): “Theory of boubded rationality” trong sách Guire, C.B.Mc. and Radner, R. (Eds), Decision and organization, North-Holland Publishing Company.
(10), (13) James Surowiecki: Trí tuệ đám đông - Vì sao đa số thông minh hơn thiểu số, Nxb Trí Thức, Hà Nội, 2014.
(11) Helga Nowotny, Peter Scott and Michael
Gibbons: Tư duy lại khoa học - tri thức và công chúng trong kỷ nguyên bất định, Nxb Tri thức, 2009.
(12) Nonaka, I., Toyama, R. và Hirata, T:Quản trị dựa vào tri thức, Nhà xuất bản Trẻ, 2011.

TS Bùi Phương Đình
TS Nguyễn Thị Thanh Tâm
Viện Lãnh đạo học và chính sách công,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/2412-quan-diem-cua-ho-chi-minh-ve-%E2%80%9Ccach-lanh-dao-va-van-dung-trong-lanh-dao-hien-nay.html

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...