Thứ Tư, 14 tháng 7, 2021

Vẫn “lạc điệu” trong đánh giá tình hình nhân quyền ở Việt Nam

Thêm một lần nữa, những nội dung trong báo cáo mà “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam” đưa ra trong năm 2020-2021 đều phản ánh sai lệch, thiếu khách quan, xuyên tạc thực tế về vấn đề nhân quyền và can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam...

Ngày 20/6/2021 vừa qua, “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam” đã công bố cái gọi là “báo cáo nhân quyền tại Việt Nam năm 2020-2021” dài 107 trang, trong đó đề cập đến 8 quyền: Quyền sống; quyền tự do và an ninh thân thể; quyền được xét xử công bằng bởi toà án độc lập và vô tư; quyền được tham gia đời sống chính trị quốc gia; quyền tự do phát biểu và tự do thông tin; quyền tự do tôn giáo và thờ phượng; quyền được làm việc và hưởng thụ thành quả lao động; quyền được đối xử bình đẳng không kỳ thị và quyền được hưởng cuộc sống an lạc. Đồng thời, báo cáo còn đưa ra 3 phụ lục về cái gọi là “danh sách tù nhân lương tâm bị bắt giam trong năm 2020-2021”; “danh sách tù nhân lương tâm còn bị giam cầm” và “giải thưởng Nhân quyền Việt Nam 2020”...

Thêm một lần nữa, những nội dung trong báo cáo mà “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam” đưa ra trong năm 2020-2021 đều phản ánh sai lệch, thiếu khách quan, xuyên tạc thực tế về vấn đề nhân quyền và can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam. Báo cáo cho rằng, sau hơn 5 năm kể từ ngày vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đến lần kiểm điểm định kỳ năm 2019 theo đánh giá của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam “vẫn chưa tương thích với Công ước quốc tế và Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm những quyền cơ bản, từ phân việt đối xử, bắt, giam giữ tùy tiện, vi phạm các đảm bảo về xét xử công bằng đến hạn chế quyền tự do tôn giáo, tự do quan điểm và biểu đạt, tự do lập hội”.

Là tổ chức được thành lập vào năm 1997, có trụ sở tại Hoa Kỳ, “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam” hoạt động dưới danh nghĩa “quy tụ một số cá nhân và đoàn thể dấn thân trong lãnh vực tranh đấu và bảo vệ nhân quyền và tự do mà mọi người dân Việt Nam đều có quyền hưởng như đã được quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các văn kiện quốc tế nhân quyền khác”.

Vậy nhưng trên thực tế, báo cáo mà họ đưa ra hằng năm đều đi ngược lại với mục đích, tôn chỉ hoạt động của mình, nội dung báo cáo sai lệch, phản ánh một cách phiến diện, thiếu khách quan, minh bạch về thực tiễn tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

Trong các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước từ trước đến nay, quyền con người và pháp luật về quyền con người là nội dung rất quan trọng, được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

Hiến pháp năm 2013 bao gồm 11 chương, 120 điều, trong đó riêng Chương II có 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đồng thời, các nội dung liên quan đếnquyền con người không chỉ được quy định trong Chương II mà còn được đưa vào các chương khác của Hiến pháp, tạo cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người được thụ hưởng, thực hiện và bảo vệ quyền con người của mình.

Điểm đáng chú ý là khi quy định quyền con người, quyền công dân, các điều của Hiến pháp xác định rõ “mọi người có quyền”, “công dân có quyền” để khẳng định tính pháp lý của các quyền được Hiến pháp thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ. Đồng thời, để bảo đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, hệ thống pháp luật về quyền của con người cũng đã được bổ sung, hoàn thiện như việc ban hành Luật Báo chí; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng…

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo quyền con người, Việt Nam cũng đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất về quyền con người và được luật hóa. Cụ thể, tham gia 4 Công ước Geneve của Luật Nhân đạo quốc tế năm 1957 (cải thiện tình trạng cho thương binh và bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ; cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh và những người đắm tàu thuộc lực lượng vũ trang trên biển; đối xử với tù binh chiến tranh; bảo vệ thường dân trong thời gian chiến tranh).

Tham gia Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế - xã hội và văn hóa, ký ngày 24/9/1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, ký ngày 18/12/1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, ký ngày 19/3/1982; Công ước về quyền trẻ em, ký ngày 20/2/1990; Công ước về quyền của người khuyết tật, ký ngày 22/10/2007; tham gia trong việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền, ký ngày 23/10/2009, Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC), ngày 7/4/2010...

Thời gian qua, quyền con người được quy định một cách rõ ràng, cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Việc đảm bảo quyền con người là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp, pháp luật. Những thành quả trong việc bảo đảm, tôn trọng quyền con người và nâng cao chất lượng thụ hưởng các quyền con người của mọi người dân được thể hiện trên mọi lĩnh vực, ở mọi điều kiện, hoàn cảnh và đã được cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc ghi nhận, đánh giá cao.

Điển hình như, Việt Nam là một trong sáu quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015 và được xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau của Liên hợp quốc.

Tạp chí The Economist tháng 8/2020 xếp Việt Nam trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Năm 2019, Việt Nam đã vinh dự lọt vào tốp 10 danh sách những quốc gia đáng sống và làm việc nhất thế giới. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới vào năm 2019.

Theo Báo cáo “Phát triển con người năm 2019” được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 9/12/2019, với chỉ số HDI là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng 4,8 năm, số năm đi học trung bình tăng 4,3 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng trên 354%; tỷ lệ nghèo đa chiều ở Việt Nam giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 3,73% (năm 2019)...

Theo báo cáo của trang mạng "We are social", năm 2020 Việt Nam có hơn 68 triệu dân sử dụng Internet (chiếm tỷ lệ 70% dân số) với mục đích sinh kế, học tập, giải trí, biểu đạt và thực hiện các quyền con người của mình, kể cả những quyền dân sự, chính trị như tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật, văn kiện Đại hội Đảng.

Đồng thời, với những thành tựu trong việc tôn trọng, bảo đảm về quyền của con người, Việt Nam được tín nhiệm là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016). Tại khóa họp lần thứ 73, tại trụ sở Liên hợp quốc vào ngày 7/6/2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu gần tuyệt đối (192/193 phiếu).

Mới đây, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1 và tháng 4 năm 2021 với nhiều dấu ấn, đóng góp, trong đó có vấn đề bảo đảm quyền con người trước đại dịch COVID-19 được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và thể hiện uy tín, vị thế quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam.

Thành tựu đảm bảo nhân quyền tại Việt Nam trên các lĩnh vực đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế, đặc biệt là những thành tựu của Việt Nam trong việc phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm quyền sống là quyền cao nhất trong đại dịch COVID-19 là những minh chứng rõ nét nhất trong bảo đảm quyền của con người trước những biến cố, đại dịch mà người dân trên toàn thế giới phải trải qua.

Trong báo cáo của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam còn đưa ra phụ lục về cái gọi là “danh sách  tù nhân lương tâm bị bắt giam trong năm 2020-2021”; “danh sách tù nhân lương tâm còn bị giam cầm”... Tuy nhiên, đây cũng chỉ là âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp mà Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam sử dụng để chống phá Việt Nam. Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” mà chỉ có những công dân vi phạm pháp luật Việt Nam bị bắt giữ, truy tố và xét xử; các đối tượng bị bắt giữ, xử lý do vi phạm pháp luật Việt Nam, được điều tra, xét xử theo đúng quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự, phạm nhân trong trại giam được bảo đảm các quyền theo quy định của pháp luật.

Những người mà Mạng lưới Nhân quyền gọi là “tù nhân lương tâm” như Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Đoan Trang, Lê Trọng Hùng, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Phước Trung Bảo, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Văn Hóa... thì thực tế, đây là những đối tượng lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, sử dụng mạng xã hội xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội, cổ súy tuyên truyền chống phá đất nước. Hằng năm, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam còn đưa ra cái gọi là “Giải thưởng Nhân quyền” để “vinh danh” những người vi phạm pháp luật bị bắt và xử lý.

Mọi cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật Việt Nam thì lẽ dĩ nhiên phải chịu những hình thức xử lý của pháp luật Việt Nam và đó cũng chính là minh chứng trong việc bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức. Do đó, việc liệt kê danh sách các “tù nhân lương tâm” hay cái gọi là “Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam” hằng năm cũng chỉ là chiêu trò mà Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam hay một số tổ chức như RSF, AI, Freedom House... đã lợi dụng để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Và rõ ràng, thêm một lần nữa, họ lại chứng tỏ sự trái lối, lạc điệu trong tiếp cận vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Lợi dụng đại dịch Covid - 19 để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Những ngày qua, lợi dụng phát ngôn của một số người thiếu hiểu biết và có cái nhìn phiến diện về vấn đề nảy sinh khi sinh viên, tình nguyện viên của tỉnh Hải Dương vào TP Hồ Chí Minh tham gia chống dịch Covid-19, các thế lực thù địch, bất mãn đã thổi phồng thông tin, đánh lái dư luận theo nhiều chiều hướng tiêu cực.

Mục đích của họ nhằm kích động chia rẽ vùng miền, làm suy yếu sức mạnh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và sâu xa hơn là âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Họ vẽ ra kịch bản trong tưởng tượng rằng, có một “âm mưu chính trị” đằng sau lý do giúp TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 với cái mà chúng gọi là “đội quân Nam tiến của miền Bắc”. Các thế lực thù địch tự khẳng định "TP Hồ Chí Minh có thể tự phòng, chống dịch chứ không cần người miền Bắc vào giúp đỡ". Từ đây, họ kích động người dân tại TP Hồ Chí Minh tẩy chay, từ chối sự giúp đỡ chống dịch của những tình nguyện viên từ các tỉnh. Không dừng lại ở đó, những kẻ bất mãn, thù địch còn cố ý gợi lại lịch sử đau thương của dân tộc trong thời kỳ đế quốc, thực dân chia cắt hai miền Nam-Bắc để phụ họa cho giọng điệu chống phá: "Miền Nam và miền Bắc không thể là một trong cuộc chiến chống dịch"(!).

Mấy ngày qua, lợi dụng phát ngôn của một số người thiếu hiểu biết và có cái nhìn phiến diện về vấn đề nảy sinh khi sinh viên, tình nguyện viên của tỉnh Hải Dương vào TP Hồ Chí Minh tham gia chống dịch Covid-19, các thế lực thù địch, bất mãn đã thổi phồng thông tin, đánh lái dư luận theo nhiều chiều hướng tiêu cực.

Thế nhưng, ngay cả những cái đầu hoang tưởng đến đâu cũng chẳng hình dung nổi cái “âm mưu chính trị" đằng sau lý do giúp TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 là gì? Ngược lại, chỉ có sự thật hiện hữu mà mọi người dân Việt Nam đều biết, đó là, cả nước đang chung sức, đồng lòng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, sớm mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, để không chỉ TP Hồ Chí Minh mà cả nước tiếp tục khôi phục sản xuất, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.

Các thế lực thù địch cũng tưởng tượng rằng, gợi lại quá khứ nước ta bị chia cắt hai miền sẽ kích động được sự phân biệt, chia rẽ Bắc-Nam. Để đập tan âm mưu của đế quốc, thực dân, để non sông thống nhất một nhà, toàn dân tộc đã hy sinh biết bao máu xương và nước mắt. Không ai dại gì mong muốn chia cắt Bắc-Nam, bởi đó là điều mà không đất nước nào mong muốn.

Việc các thế lực thù địch cố tình lợi dụng chống phá khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam chính là âm mưu thâm độc, nham hiểm. Nhưng thủ đoạn nêu trên, ai cũng biết là rất thô vụng, thể hiện sự bất lực "cắn càn"!

Bộ Quốc phòng huy động hơn phương tiện vận chuyển vắc xin Covid-19

Ngày 14/7, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 133 điểm cầu triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. 

Theo báo cáo của Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), Phó Ban Chỉ đạo tại hội nghị, Việt Nam đã vượt mốc 30.000 ca lây nhiễm, trong đó từ ngày 27/4 đến nay, số ca mắc trong cộng đồng tăng nhanh với 29.154 ca tại 58 tỉnh, thành, điểm nóng là TPHCM và các tỉnh như Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang… số ca mắc đang gia tăng.

Quán triệt nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị đã ban hành nhiều văn bản, công điện chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong toàn quân; tổ chức kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu và phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực biên giới và các địa phương có dịch bùng phát mạnh; chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho các sự kiện lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội.

Cục Quân y chỉ đạo quân y các đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp truy vết, khoanh vùng, cách ly, không để dịch lan rộng. Toàn quân thành lập 1.485 tổ lấy mẫu xét nghiệm; xét nghiệm diện rộng với 30.000 mẫu; tổ chức tập huấn xét nghiệm trực tuyến, cấp phát test chẩn đoán kháng nguyên nhanh nhằm tăng cường khả năng xét nghiệm cho các đơn vị. Đến nay, toàn quân đã tiêm được trên 211.000 liều vắc xin, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và các đơn vị đóng quân tại các vùng dịch.

Chuẩn bị cho đợt tiêm chủng sắp tới, Cục Quân y đã chỉ đạo các đơn vị thành lập 295 tổ tiêm và 91 tổ hồi sức cấp cứu, sẵn sàng triển khai điểm tiêm tại các bệnh viện, bệnh xá sư đoàn, học viện, nhà trường, đội điều trị; tổ chức tập huấn tiêm vắc-xin Covid-19 trong toàn quân bảo đảm an toàn cao nhất. Đồng thời rà soát, bổ sung nhân lực, trang bị, thuốc, vật tư y tế; triển khai các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 khi có yêu cầu; bảo đảm vật tư, hóa chất, trang bị, sinh phẩm, test xét nghiệm phòng, chống dịch cho các đơn vị.

Các đơn vị Quân đội đã triển khai lực lượng phối hợp với ngành Y tế để phòng, chống dịch cho nhân dân tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM và một số tỉnh trên địa bàn Quân khu 7, Quân khu 9; điều động các xe, Labo xét nghiệm cơ động, cử các tổ lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, thực hiện xét nghiệm gần 500 nghìn mẫu tại Bắc Giang, Bắc Ninh và hiện xét nghiệm gần 160.000 mẫu tại TPHCM; triển khai các bệnh viện dã chiến (BVDC) số 1, 2, 3 thu dung hơn 2.000 bệnh nhân tại Bắc Giang, Bắc Ninh và hiện nay BVDC số 5A tại TPHCM thu dung, điều trị hơn 200 bệnh nhân. Lực lượng hóa học tiến hành phun khử khuẩn diện rộng với hàng chục nghìn héc-ta tại các ổ dịch; chuyển đổi công năng Bệnh viện Quân y Miền Đông Quân khu 7 thành Bệnh viện điều trị Covid-19; chuẩn bị sẵn sàng cho BVDC số 5B/Quân khu 7 tại Bình Dương, số 6/Quân khu 9 tại Tiền Giang đi vào hoạt động khi có lệnh.

Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành thiết lập Sở Chỉ huy Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin và Văn phòng đặt tại Bộ Quốc phòng và Cục Quân y để chỉ đạo, điều hành, tổng hợp các số liệu về chiến dịch tiêm vắc xin trên toàn quốc; rà soát, thiết lập các kho bảo quản vắc-xin tại 8 đầu mối, dự kiến tiếp nhận, vận chuyển gần 113 triệu liều vắc xin (đến năm 2022); xây dựng kế hoạch vận chuyển, cấp phát vắc xin đến các điểm tiêm tại các quận, huyện trên toàn quốc với 1.333 xe, tăng cường 562 xe.

Bộ Quốc phòng đã cử 2 đoàn chuyên gia sang Lào, tặng vật tư, trang bị phòng, chống Covid-19; họp trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch với Nhật Bản, Nga, Cu-ba và quân y các nước ASEAN. Học viện Quân y hợp tác nghiên cứu thành công phương pháp xét nghiệm SARS-CoV-2 công suất lớn, tham gia đánh giá thử nghiệm vắc xin Nanocovax, hiện nay thử nghiệm giai đoạn 3 trên 13 nghìn người.

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản biểu dương các đơn vị trong toàn quân đã triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Trong thời gian tới, nguy cơ dịch tái bùng phát trở lại và có thể lan rộng ra nhiều tỉnh thành. Để tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả tốt, Thượng tướng Vũ Hải Sản yêu cầu cấp ủy, chỉ huy đơn vị đề cao vai trò trách nhiệm, tiếp tục quán triệt nghiêm các chỉ thị của trên về phòng chống, dịch Covid-19, thực hiện phương châm "sớm hơn, cao hơn một bước", "chống dịch như chống giặc"; tăng cường tuyên truyền cho bộ đội không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, chấp hành tốt các quy định về phòng chống dịch, đặc biệt là quy định 5K của Bộ Y tế.

Các đơn vị đóng quân tại các địa phương có dịch lây lan trong cộng đồng kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất, triển khai đầy đủ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; tạm dừng các hoạt động ngoài đơn vị không cần thiết; tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ, phối hợp, hiệp đồng với địa phương để nâng cao hiệu quả công tác truy vết, xét nghiệm và điều trị bệnh nhân Covid-19.

Các đơn vị đóng quân tại các địa phương có ổ dịch nhỏ, khu trú và đã được khống chế, kiểm soát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ, sẵn sàng các phương án ứng phó và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch như thiết lập khu cách ly tập trung, khử trùng, khử khuẩn ổ dịch, triển khai bệnh viện dã chiến, tổ chức xét nghiệm...

Cục Quân y chỉ đạo quân y các đơn vị duy trì nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; thường xuyên phối hợp với hệ thống y tế địa phương nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa bàn đóng quân để triển khai kịp thời, đồng bộ, các biện pháp phòng, chống dịch.

Việt Nam coi trọng, tham gia đầy đủ tiến trình Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người

Ngày 14-7, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo quốc tế về xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ).

Hội thảo là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động chuẩn bị cho việc xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện của Việt Nam cũng như thúc đẩy thực hiện Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2019. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của hơn 150 đại biểu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang khẳng định, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương với vai trò trung tâm của LHQ, ủng hộ nguyên tắc công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đối thoại thực chất, hợp tác hiệu quả trên lĩnh vực quyền con người. Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh Việt Nam coi trọng, tham gia đầy đủ và luôn dành sự quan tâm xuyên suốt đến tiến trình UPR, cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, trách nhiệm vào công việc của HĐNQ và đang ứng cử làm thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Với tinh thần đó, Báo cáo giữa kỳ tự nguyện của Việt Nam được xây dựng để cung cấp những thông tin chân thực, toàn diện và phản ánh những cam kết, nỗ lực nhất quán của Việt Nam để tiếp tục ổn định kinh tế-xã hội, bảo đảm quyền con người, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19.

Về phía LHQ, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam hoan nghênh Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương và bảo vệ quyền con người mà minh chứng là quyết định thực hiện Báo cáo giữa kỳ tự nguyện. LHQ đánh giá cao Việt Nam đã chủ động đương đầu với các thách thức trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, sẵn sàng chấp thuận và có hành động triển khai các khuyến nghị trong những lĩnh vực còn khó khăn. Các cơ quan LHQ tại Việt Nam tự hào đã cùng nhau hỗ trợ Việt Nam triển khai ít nhất 75% khuyến nghị được chấp thuận. Trong khi đề xuất một số ưu tiên mà Việt Nam cần giải quyết nhất là bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền con người trong chuyển đổi số, ông Kamal khẳng định các cơ quan LHQ ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác hỗ trợ chính phủ và người dân Việt Nam trong lĩnh vực này.

Hội thảo đã lắng nghe các chuyên gia đến từ Ban Thư ký HĐNQ LHQ, Bộ Ngoại giao các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản trình bày về kinh nghiệm triển khai các khuyến nghị UPR và xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện của các nước này. Các đại biểu cũng đã tham gia tham luận, đóng góp ý kiến, thông tin về những khó khăn, thách thức đặt ra, cũng như đúc kết, chia sẻ các bài học kinh nghiệm hay, thực tiễn tốt liên quan trong quá trình xây dựng báo cáo giữa kỳ thực hiện các khuyến nghị UPR tại Việt Nam. Các thông tin, ý kiến này sẽ được tổng hợp, tham khảo trong quá trình xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III của Việt Nam gửi đến HĐNQ LHQ.

Nguồn: Báo QĐND

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...