Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN – GIÁ TRỊ VẸN NGUYÊN VÀ SỨC SỐNG TRƯỜNG TỒN
                                                 Bạch Long
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là thành tựu nổi bật và vĩ đại của trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội trong lịch sử thế giới hiện đại. Sức sống và ảnh hưởng của nó không chỉ được minh chứng bởi những biến đổi trong thế kỷ XIX, mà còn cả trong thế kỷ XX với cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH. Thời đại ấy vẫn đang là chiều hướng vận động, phát triển của lịch sử thế giới ngày nay. Vì vậy, quan điểm cho rằng, hiện nay “chủ nghĩa Mác - Lênin” không còn phù hợp nữa là hoàn toàn phi lý, phiến diện.
1.Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga năm 1917 là một sự kiện “rung chuyển thế giới”, có tầm ảnh hưởng lớn lao quyết định đến tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại; khẳng định thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin trong thực tiễn. Nó đã biến “bóng ma ám ảnh châu Âu” thành sức mạnh hiện hữu, chủ nghĩa Mác – Lênin từ lý luận trở thành hiện thực sinh động trên một vùng đất rộng lớn. Lần đầu tiên thế giới biết đến một chế độ xã hội mới, rồi một hệ thống thế giới mới-hệ thống xã hội chủ nghĩa-mà ở đó, quyền làm chủ của con người được bảo đảm và ngày càng thể hiện sinh động trong thực tế.
Sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đến nay vẫn như là một cái “cớ” không thể tốt hơn để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, công kích và phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin; và có vẻ như chúng ngày càng tìm thấy trong sự sụp đổ đó những “lý lẽ” có sức “thuyết phục” để xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin. Những luận điệu công kích, bóp méo ý nghĩa và tầm vóc của Cách mạng Tháng Mười, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, cho đó là học thuyết “viển vông”, “phi thực tế”, cùng những luận điệu cho rằng CNXH đã “cáo chung”, rằng “CNXH mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một CNXH “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được”[1]... được tung ra trên khắp các châu lục, được tuyên truyền trên khắp các phương tiện thông tin từ thô sơ đến hiện đại, được “mớm” lời cho tất cả các phần tử chống đối, thù địch ở mọi nơi, mọi chỗ.
2. CNXH ra đời dựa trên học thuyết cách mạng và khoa học, một học thuyết ra đời trên cơ sở “mảnh đất hiện thực khách quan”. C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã phát hiện ra một sự thật lịch sử: “Không phải ý thức của con người quyết định tồn tại của họ; trái lại, tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ”[2]. Trên cơ sở đó, các ông đã từng bước tìm ra được quy luật vận động, phát triển của lịch sử, chỉ ra tính tất yếu diệt vong của CNTB và tính tất yếu thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Các ông cho rằng: CNXH là “một phong trào hiện thực”[3], CNXH“không cần phải thực hiện một lý tưởng nào cả, mà chỉ cần giải phóng những nhân tố của xã hội mới đã phát triển trong lòng xã hội tư sản cũ đang sụp đổ”[4]. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công là sản phẩm trực tiếp, hiện thực của chủ nghĩa Mác - Lênin; là kết quả của việc giải quyết các mâu thuẫn thời đại ở nước Nga những năm đầu thế kỷ XX; là sự “giải phóng những nhân tố của xã hội mới đã phát triển trong lòng xã hội” Nga đương thời. CNXH được sinh ra từ cuộc cách mạng ấy là sinh ra từ hiện thực, thực tế; chủ nghĩa Mác – Lênin không phải là “ảo tưởng”, “viển vông”, “phi thực tế”, chủ nghĩa Mác – Lênin là sản phẩm từ “hiện thực khách quan”, nó dẫn dắt các lực lượng xã hội tiến bộ thúc đẩy lịch sử phát triển và cải tạo “hiện thực khách quan”.  
3. Không thể vì sự đổ vỡ của một hiện thực mà cho rằng học thuyết là ảo tưởng. Không thể vì sự sụp đổ của một mô hình cụ thể mà đồng nhất với sự sụp đổ của học thuyết. Cũng không thể vì những sai lầm, giáo điều, máy móc trong vận dụng và tổ chức thực hiện mà nói bừa rằng học thuyết sai lầm. Sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu không phải là do sai lầm của học thuyết, không đồng nghĩa với sự sụp đổ, sự  “cáo chung” của chủ nghĩa Mác - Lênin. Lý luận về CNXH của chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn giữ nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng cho nhân loại trên hành trình đi đến tương lai xã hội chủ nghĩa.
Ở đây, vẫn cần nhắc lại cho rõ: Sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô và Đông Âu không phải do chủ nghĩa Mác – Lênin lỗi thời, không phải là “lỗi” của học thuyết; mà đó thực sự là do đã hiểu sai, vận dụng sai, làm sai và cả sự phản động của Ban lãnh đạo ở các nước đó trong quá trình cải tổ, cải cách cùng với sự thúc đẩy của “diễn biến hòa bình”. Đáng lý phải thực hiện quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản, thì lại thực hiện “đa nguyên chính trị”; đáng lý phải giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thì lại buông lỏng, cắt xén và từ bỏ sự lãnh đạo ấy; đáng lý phải củng cố Đảng trên nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin, nâng cao sức chiến đấu, bảo đảm Đảng thực sự là đội tiền phong của giai cấp công nhân, của nhân dân và dân tộc, thì lại “biến” Đảng thành “một tổ chức chính trị-xã hội tự quản”, thành một “câu lạc bộ” đơn thuần, mất sức chiến đấu và đi đến tan rã. Đó là vấn đề quyết định làm sụp đổ CNXH ở Liên Xô và Đông Âu.
4. Trong bối cảnh mới hiện nay, chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn tỏ rõ sức sống và giá trị trường tồn cùng thời đại của nó. Chủ nghĩa Mác – Lênin không phải là giáo điều, CNXH không phải là một khuôn mẫu có sẵn, CNXH sinh động và sáng tạo trong đời sống hiện thực. Những người cộng sản không hề coi lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin như một cái gì đã “xong xuôi hẳn” và “bất khả xâm phạm”, mà phải “đẩy” nó lên, phát triển nó phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Không có CNXH chung chung, trừu tượng, mà bao giờ cũng phải dựa trên mảnh đất hiện thực, được thể hiện sinh động cụ thể trong từng quốc gia dân tộc.
CNXH hiện thực đang ở thập kỷ thứ mười của sự phát triển với những bước thăng trầm gồm cả những thành tựu, công lao to lớn đối với nhân loại và cả những tổn thất nặng nề, để rồi một số nước còn lại đang tiếp tục trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo cho CNXH hiện thực một diện mạo mới năng động, sáng tạo và phong phú hơn. Dù còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng sự phát triển của các nước XHCN còn lại đã chứng minh một cách rõ ràng: CNXH là hiện thực, thực tế, đã và đang đổi mới, được xây dựng, phát triển trên cơ sở từ những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá khứ; từ sự nhận thức lại và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện mới, dựa trên cơ sở “hiện thực khách quan” mới, dựa chắc vào đặc điểm, đặc thù của từng quốc gia dân tộc. Điều đó cho thấy sức sống bất diệt của chủ nghĩa Mác – Lênin trong bối cảnh lịch sử mới.
Mục tiêu giải phóng con người khỏi mọi ách áp bức, bóc lột, đưa con người lên làm chủ, đem lại cuộc đời tự do, hạnh phúc thực sự cho quần chúng nhân dân bằng con đường cách mạng XHCN mà chủ nghĩa Mác – Lênin đã vạch ra là mục tiêu hiện thực, là con đường thực tiễn, hợp quy luật, đã và đang diễn ra trên thế giới và ở Việt Nam. Điều đó cho thấy sức sống bất diệt và giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin; tỏ rõ con đường mà nhân dân ta đang đi là đúng đắn, chứ không phải là chúng ta “cố tình phải theo” một “học thuyết viển vông”, “phi thực tế” như sự bịa đặt, xuyên tạc của một số người.
5. Gần chín thập kỷ qua dư­ới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhân dân ta đã hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc, đưa cả n­ư­ớc đi lên chủ nghĩa xã hội; ngày nay, trước những biến động phức tạp của tình hình, sự nghiệp đổi mới đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển và đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Điều đó có được là bởi vì cách mạng Việt Nam được dẫn dắt và được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Những điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng của thế giới đương đại vừa đòi hỏi, vừa tạo điều kiện cho sự phát triển mới của chủ nghĩa Mác - Lênin. Bản chất cách mạng và khoa học, giá trị và sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin đòi hỏi và đặt ra yêu cầu rất cao đối với chúng ta hôm nay là phải trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa ấy, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng tiến lên. Vấn đề quan trọng là từ những thành công và thất bại của CNXH hiện thực, cần nghiêm túc phân tích, rút ra những bài học, những vấn đề lý luận, tiếp tục bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là yêu cầu sống còn của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trung thành, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặt nó trên “cơ sở hiện thực” mới đương đại, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước là câu trả lời rõ ràng của chúng ta, làm thất bại, phá sản mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đó là trung thành, đi theo một học thuyết cách mạng và khoa học, một học thuyết thực tế; là đi tiếp lịch sử dân tộc ta đã từng đi gần chín thập kỷ qua; là sự nối tiếp hiện thực-thực tiễn CNXH đã có, đang có ở Việt Nam, chứ không phải là “khư khư giữ lấy” một “chủ nghĩa hết thời”, “phi hiện thực”, một “lý tưởng mơ hồ”, cũng không phải là để “tự trấn an” như sự xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch.




[1]Ban Tuyên giáo Trung ương, Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 48.
[2]C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 15.
[3]C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 51.
[4]C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 17, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 445 - 446.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...