Quân
đội nhân dân và Công an nhân dân đều là lực lượng vũ trang cách mạng nòng cốt,
tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch
Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Sinh thời, Bác Hồ đã căn
dặn: “Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính
phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau,
giúp đỡ lẫn nhau”1. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người, 75 năm
qua, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Quân đội nhân dân và Công an nhân
dân luôn kề vai, sát cánh, đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Điều đó đã trở thành truyền thống vẻ vang, bài
học kinh nghiệm quý báu giữa hai lực lượng, là nhân tố quan trọng tạo nên sức
mạnh tổng hợp, góp phần làm nên thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng
dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đoàn
kết, gắn bó, hiệp đồng chiến đấu giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân
mang đậm bản chất cách mạng, kế thừa sâu sắc truyền thống yêu nước, đoàn kết
của dân tộc, kết hợp với tinh thần gương mẫu, trách nhiệm và quyết tâm chính
trị của hai lực lượng; là mối quan hệ thuộc về bản chất giữa các thành phần của
lực lượng vũ trang nhân dân - công cụ bạo lực chủ yếu bảo vệ Đảng, Nhà nước,
Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, xuất
phát từ yêu cầu tất yếu khách quan của mối quan hệ biện chứng giữa nhiệm vụ
quốc phòng và an ninh; giữa nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữa chức
năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Bởi vậy, trong suốt
quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó,
hiệp đồng chiến đấu giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã trở thành
nhân tố quan trọng không chỉ giúp mỗi lực lượng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm
vụ, mà còn tạo nên sức mạnh nội sinh cùng với toàn Đảng, toàn dân làm nên những
chiến công, thành tích xuất sắc trong chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây
và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Ngay
sau khi đất nước vừa giành được độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ,
Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã phát huy thế mạnh của từng lực lượng
phối hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ
thành quả cách mạng, bảo vệ an toàn tuyệt đối sự kiện chính trị lịch sử trọng
đại của đất nước - Ngày Quốc khánh 02/9/1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ
cộng hòa và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ2 vượt qua muôn
vàn khó khăn, thách thức, trong bối cảnh vận mệnh của đất nước “ngàn cân treo
sợi tóc”. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân cả nước đã đồng
loạt đứng lên kháng chiến, sẵn sàng “hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn
đất nước”3; trong đó, lực lượng Công an xung phong Hà Nội đã phối
hợp, hiệp đồng với các đơn vị Quân đội, Dân quân tự vệ và nhân dân trên địa bàn
chiến đấu anh dũng, “mỗi căn nhà là một pháo đài, mỗi góc phố là một chiến
lũy”, bảo vệ Thủ đô trong 60 ngày đêm, góp phần làm phá sản kế hoạch “đánh
nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, tạo điều kiện để các cơ quan chính
quyền, đoàn thể vận chuyển, di chuyển tài liệu, kho tàng, tài sản quốc dân và
tản cư người dân ra khỏi vùng có chiến sự.
Trong
chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quân đội nhân dân
và Công an nhân dân đã đồng cam, cộng khổ, chịu nhiều gian khổ, hy sinh, tăng
cường phối hợp, hiệp đồng chiến đấu trên tất cả các mặt trận. Trong vùng địch
tạm chiếm, hai lực lượng tập trung xây dựng cơ sở, nắm vững tình hình, diệt ác,
phá tề, trừ gian, trấn áp bọn mật thám, phản động nguy hiểm và tổ chức những
trận đánh ngay trong lòng địch. Ở vùng tự do và hậu phương căn cứ cách mạng,
mối quan hệ đoàn kết, gắn bó được thể hiện thông qua công tác phối hợp xây
dựng, củng cố lực lượng, đấu tranh chống hoạt động do thám, gián điệp, phản
động tay sai; chủ động hiệp đồng chiến đấu, bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của
địch, bảo vệ vững chắc hậu phương và khu căn cứ kháng chiến. Trên các chiến
trường, nhất là trong các chiến dịch lớn, lực lượng Công an đã phối hợp với lực
lượng Quân báo của Quân đội và lực lượng vũ trang địa phương tổ chức nắm vững
tình hình, bảo vệ bí mật quân sự, bảo vệ an ninh, an toàn giao thông cho các
trục đường vận tải và các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội,... tạo điều kiện
thuận lợi để Quân đội nhân dân tập trung lực lượng tiến công, tiêu diệt địch,
giành thắng lợi trong từng trận đánh, từng chiến dịch và làm nên Chiến thắng
Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Hiệp
định Geneve được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền, cách
mạng Việt Nam tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa
xã hội ở miền Bắc và thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền
Nam. Ở miền Bắc, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Quân đội
nhân dân và Công an nhân dân tiếp tục kề vai, sát cánh đẩy mạnh các hoạt động
phối hợp nắm chắc tình hình, đấu tranh đập tan âm mưu và kế hoạch dụ dỗ, cưỡng
ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam; tăng cường hiệp đồng chiến đấu trấn áp, xử lý
bọn phản cách mạng, lực lượng chống đối đường lối chủ trương của Đảng và chính
sách của Chính phủ. Đặc biệt, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực
phản động, nhất là việc hình thành các toán phỉ vũ trang ở các vùng rừng núi
hiểm trở Tây Nghệ An, Tây Bắc và Đông Bắc, Công an nhân dân mà nòng cốt là lực
lượng Công an nhân dân vũ trang đã hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân,
dân quân du kích, tự vệ và các ban, bộ, ngành, đoàn thể tiến hành kết hợp giữa
tuyên truyền, vận động với sử dụng biện pháp nghiệp vụ và tiến công quân sự vào
sào huyệt của lực lượng phỉ, bắt và tiêu diệt hầu hết các toán phỉ và bọn đặc
vụ Tưởng câu kết với chúng chống phá cách mạng4, góp phần ổn định
tình hình trên các địa bàn. Đồng thời, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan, tổ
chức chính trị - xã hội, các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an
ninh, cơ sở vật chất, kho tàng, công trình quân sự phục vụ chiến đấu, giữ vững
an ninh, trật tự ở các địa phương và trên toàn miền Bắc.
Mối
quan hệ đoàn kết, gắn bó, hiệp đồng chiến đấu giữa Quân đội nhân dân và Công an
nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ miền Bắc xã hội
chủ nghĩa còn được thể hiện thông qua sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ đấu tranh
chống gián điệp, biệt kích của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ
đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền các địa phương, lực lượng Công an nhân
dân đã chủ động triển khai các mặt công tác nghiệp vụ điều tra, phát hiện và
chủ động phối hợp, hiệp đồng chiến đấu với các đơn vị Quân đội, dân quân tự vệ
nhanh chóng bao vây, truy lùng, tiêu diệt hoặc bắt gọn hầu hết các toán gián
điệp, biệt kích của địch xâm nhập vào miền Bắc bằng cả đường không, đường biển,
đường bộ qua giới tuyến, vô hiệu hóa các hoạt động tình báo, gián điệp, biệt
kích của địch khi đánh ra miền Bắc. Chỉ tính riêng từ năm 1961 đến năm 1970,
chúng ta đã ngăn chặn và bắt 78 toán gián điệp, biệt kích gồm 463 tên, thu hơn
10 tấn vũ khí, chất nổ, 30 tấn nhu yếu phẩm các loại, nhiều phương tiện thông
tin liên lạc và các phương tiện chiến tranh khác5. Đặc biệt, sau khi
thu hồi được loại thuốc nổ (C4) của bọn gián điệp biệt kích, Bộ Công an đã chỉ
đạo lực lượng kỹ thuật phối hợp với các đơn vị Quân đội: Nhà máy Z41, Cục Quân
khí và Binh chủng Công binh, nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm thành công mìn hẹn
giờ, kíp mìn hóa học hẹn giờ các loại; sau đó chuyển giao công nghệ cho Bộ Quốc
phòng sản xuất với số lượng lớn, cung cấp kịp thời cho chiến trường miền Nam,
giúp lực lượng biệt động, đặc công của Quân giải phóng, an ninh miền Nam, trinh
sát vũ trang và an ninh vũ trang miền Nam sử dụng tập kích, đánh phá các mục
tiêu quân sự, như: Sân bay, bến cảng, Tổng nha Cảnh sát ngụy,... gây kinh hoàng
và làm thiệt hại lớn cho địch.
Khi
đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân,
lực lượng Công an nhân dân, nhất là Công an vũ trang đã trực tiếp phối hợp,
hiệp đồng chiến đấu với lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội
địa phương và dân quân tự vệ) vừa đánh trả quyết liệt máy bay địch, vừa bảo đảm
sơ tán nhân dân, bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trong Chiến
dịch Phòng không 12 ngày, đêm (năm 1972), quân và dân miền Bắc đã anh dũng
chiến đấu, tạo nên thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc, làm nên Chiến
thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vang động thế giới, góp phần quyết
định làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris
(năm 1973), rút hết quân đội Mỹ và đồng minh ra khỏi Việt Nam. Trong đó, có
công sức đóng góp to lớn và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Công an nhân
dân, nhất là lực lượng Công an Hà Nội với các đơn vị Quân đội và dân quân tự vệ
giữ vững trật tự trị an, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân đi sơ
tán.
Trên
chiến trường miền Nam, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục và Chính phủ
Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, lực lượng Quân đội và Công an đã
đồng cam, cộng khổ, bám đất, bám dân cùng nhau xây dựng cơ sở cách mạng; là lực
lượng nòng cốt đẩy mạnh phát triển chiến tranh nhân dân rộng khắp, tạo lập thế
trận tiến công địch bằng “hai chân, ba mũi”, trên cả ba vùng chiến lược: rừng
núi, nông thôn, đồng bằng và đô thị, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến
tranh của đế quốc Mỹ: “Chiến tranh đơn phương” (1954 - 1960), “Chiến tranh đặc
biệt” (1961 - 1965); “Chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968); “Việt Nam hóa chiến
tranh” (1969 - 1973), tạo thế và lực, giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công
và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết
thúc toàn thắng Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền
Nam, thống nhất đất nước. Sự phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa Quân Giải phóng
miền Nam Việt Nam với lực lượng An ninh miền Nam là biểu tượng cao đẹp của chủ
nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, tô thắm thêm truyền thống đoàn kết, gắn bó,
hiệp đồng chiến đấu giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong sự nghiệp
đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Hòa
bình lập lại, cả nước bước vào thời kỳ mới, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ
chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, hiệp
đồng giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân tiếp tục được phát huy và thúc
đẩy lên tầm cao mới; hai lực lượng đã đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ,
thường xuyên trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình trong nước, khu vực và trên
thế giới; chủ động làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về các
chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đồng thời
là lực lượng nòng cốt, trực tiếp triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ
trương, đường lối đó. Hai lực lượng đã cùng với toàn dân thực hiện thắng lợi
các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và
làm tròn nhiệm vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng;
phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự trên các địa bàn, tiến công triệt phá các tổ
chức FULRO, bóc gỡ nhiều băng nhóm tội phạm, nhen nhóm phản động trong nước.
Đồng thời, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu hoạt động xâm nhập phá hoại từ bên
ngoài của các tổ chức phản động lưu vong, góp phần giữ vững an ninh chính trị,
trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ
nghĩa.
Những
năm gần đây, trước diễn biến mới, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và
trong nước, Đảng, Nhà nước ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối
hợp giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa
XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới nhấn mạnh: “Tăng cường
quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân và các
ngành, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Luật Quốc phòng năm 2018 xác định: Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong
thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội,... có
trách nhiệm phối hợp với Quân đội nhân dân, dân quân tự vệ trong thực hiện
nhiệm vụ quốc phòng. Điều 11, Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định: Quân đội
nhân dân, dân quân tự vệ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Công an nhân dân
để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng,
chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
và xây dựng Công an nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết
định số 107/2003/QĐ-TTg, ngày 02/6/2003 về Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và
Bộ Quốc phòng; Nghị định số 77/2010/NĐ-CP, ngày 12/7/2010 về phối hợp giữa Bộ
Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ
gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng (nay là Nghị định số
03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng
trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã
hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng),... tạo hành lang
pháp lý, cơ sở quan trọng để phát triển mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, hiệp đồng
chiến đấu giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ngày càng chặt chẽ, có nền
nếp, toàn diện, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn trong giai đoạn mới.
Quán
triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã thường xuyên phối hợp trao đổi
thông tin, nắm chắc tình hình, đánh giá và dự báo sát, đúng các tình huống phức
tạp có thể xảy ra, làm cơ sở để chủ động điều chỉnh, bổ sung quyết tâm, kế
hoạch, phương án tác chiến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh quốc gia,
thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định chiến lược, sách
lược về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đồng thời đề xuất biện pháp giải
quyết hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh, như: Tình hình liên quan đến
Biển Đông, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, biển, đảo và nội địa,
nhất là trên các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ6.
Cùng với đó, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã tích cực tham mưu cho Hội
đồng Giáo dục quốc phòng, an ninh các cấp và là lực lượng nòng cốt trực tiếp
thực hiện công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các
đối tượng theo quy định, đạt được hiệu quả tích cực. Từ năm 2013 đến năm 2019,
cả nước có gần 2,7 triệu lượt cán bộ thuộc các đối tượng được bồi dưỡng kiến
thức quốc phòng và an ninh7. Đặc biệt, Cơ quan Thường trực Hội đồng
Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và
an ninh của các Quân khu và Thành phố Hà Nội tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc
phòng và an ninh cho hơn 300 chủng sinh thuộc Đại chủng viện Thánh Giuse Thành
phố Hồ Chí Minh và Đại chủng viện Thánh Quý Cần Thơ; hơn 120 chức sắc các tôn giáo
là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của 12 tỉnh, thành phố
phía Nam; 320 tăng, ni sinh của Học viện Phật giáo Việt Nam và gần 720 chức
sắc, nhà tu hành, đại diện các tổ chức tôn giáo trên địa bàn. Công tác giáo dục
quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên được triển khai đồng bộ từ bậc
trung học phổ thông đến đại học. Công tác phổ biến kiến thức quốc phòng và an
ninh cho toàn dân được đẩy mạnh, nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù
hợp với đặc điểm địa bàn, dân cư. Kết quả đó đã góp phần nâng cao nhận thức,
tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và
mọi tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ
quốc.
Để
tạo nền tảng bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa, từ lúc nước chưa nguy”,
Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, trực tiếp là cơ quan quân sự và cơ quan
công an ở địa phương đã chủ động phối hợp chặt chẽ, cùng với các ban, ngành,
đoàn thể tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp đẩy mạnh việc xây dựng tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững mạnh toàn diện cả
về tiềm lực, lực lượng và thế trận. Xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân,
thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh
nhân dân vững chắc, bảo đảm đủ sức tự xử lý thắng lợi các tình huống về quốc
phòng, an ninh xảy ra trên địa bàn; phòng, chống có hiệu quả âm mưu “diễn biến
hòa bình”, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, tạo sức mạnh bên
trong, góp phần ngăn ngừa và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược. Đối với
nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngoài việc phối hợp thực hiện tốt chức
năng thẩm định các dự án kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh,
Quân đội nhân dân và Công an nhân dân còn chủ động phối hợp bảo đảm an ninh
kinh tế trong xây dựng cộng đồng ASEAN, đàm phán gia nhập các tổ chức, diễn đàn
khu vực và thế giới, ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa
phương. Chủ động đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai quyết liệt các phương án,
kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, góp
phần tạo môi trường xã hội, môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi xã hội của đất
nước.
Thực
hiện chức năng đội quân công tác của Đảng, Quân đội nhân dân đã phối hợp chặt
chẽ với Công an nhân dân tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là đối với đồng bào các dân tộc
trên các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, biển, đảo, vùng đồng bào dân tộc
thiểu số, tôn giáo; giúp đỡ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai,
dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn8, xây dựng nông thôn mới, phát
triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng
cơ sở chính trị vững mạnh. Đồng thời, tổ chức xây dựng, nhân rộng các mô hình
tiên tiến, như: “Liên kết xây dựng vùng giáp ranh an toàn về an ninh, trật tự”,
“Dòng họ, tộc họ tự quản về an ninh, trật tự”, “Tiếng kẻng vùng biên”, ‘ Xóm
chài bình yên”, “Cụm tàu thuyền an toàn”, v.v. Qua đó, không chỉ góp phân nâng
cao nhận thức, củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương
và sự gắn kết chặt chẽ giữa người dân với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang
nhân dân, mà còn giúp nhân dân không ngừng nêu cao tinh thần cảnh giác cách
mạng trước âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù
địch, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, phát huy sức mạnh tổng
hợp đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh
thổ và an ninh biên giới quốc gia.
Đặc
biệt, trước diễn biến rất phức tạp của đại dịch Covid-19, Quân đội nhân dân và
Công an nhân dân là những lực lượng xung kích, đi đầu trên mặt trận phòng,
chống dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân,
dân quân tự vệ đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền, vận động nhân dân
nâng cao nhận thức về dịch bệnh Covid-19; cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân đã
phát huy phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, chủ động nhường doanh trại để lập
khu cách ly và tận tình chăm sóc người dân nghi bị lây nhiễm dịch bệnh, không
để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly; ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội
Biên phòng thường xuyên ngày, đêm bám trụ địa bàn, kiểm soát chặt chẽ việc đi
lại của người dân qua đường mòn, lối mở và ngăn chặn các hoạt động buôn bán ma
túy, hàng giả qua biên giới; việc thành lập tổ, đội liên ngành công an, quân sự
để duy trì an ninh trật tự tại các chốt, trạm kiểm dịch, tạo điều kiện cho
ngành y tế thực hiện tốt chức năng phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Tất cả
những hoạt động đó tưởng như độc lập, song đều thực hiện theo một kế hoạch phối
hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa hai lực lượng, với mục đích chung “vì nhân dân mà
chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ”.
Những
năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bên
cạnh những thuận lợi là chủ yếu, đất nước ta tiếp tục phải đối phó và giải
quyết những thách thức không nhỏ. Đáng chú ý là, các thế lực thù địch vẫn ráo
riết đẩy mạnh thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt chống
phá quyết liệt sự nghiệp đổi mới đất nước, đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa
bình”, tập trung phá hoại trước thềm đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII
của Đảng. Đồng thời, thúc đẩy mưu đồ “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang,
nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với
Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết giữa Công
an với Quân đội, làm cho lực lượng vũ trang xa rời mục tiêu, lý tưởng cách
mạng, không làm tròn vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, Nhà nước,
Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tình hình chính trị, trật tự xã hội, an ninh
thông tin, an ninh mạng, tội phạm, thiên tai, dịch bệnh,… tiếp tục diễn biến
phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định.
Hơn
lúc nào hết, lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân phải không ngừng
nâng cao chất lượng tổng hợp, nhất là bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn
nghiệp vụ, có nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, nguyên
tắc quan hệ phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh giữa hai lực
lượng. Trong đó, cần tập trung phối hợp nghiên cứu, dự báo chính xác âm mưu,
thủ đoạn, phương thức chống phá mới của các thế lực phản động, thù địch, các
phần tử khủng bố; nắm vững về đối tượng, đối tác; tiếp tục quán triệt,
nắm chắc tình hình, làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo chiến lược, đổi mới nội
dung, phương thức phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện
nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh
phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP,
ngày 05/9/2019 của Chính phủ, để không ngừng phát triển mối quan hệ đoàn kết,
gắn bó, hiệp đồng chiến đấu giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đáp ứng
tốt yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã
hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.
Kế
tục xứng đáng và phát huy truyền thống đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ,
có hiệu quả giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Quân
đội nhân dân tiếp tục sát cánh cùng Công an nhân dân, phấn đấu xây dựng lực
lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại,
thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của
Đảng, Nhà nước và Nhân dân, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng
lợi công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước Việt Nam “quân cường, nước mạnh”, ngày
càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong
muốn.
Đại
tướng NGÔ XUÂN LỊCH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
_______________
1 -
Hồ Chí Minh -Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 153.
2 -
Cùng với việc ngày 12/7/1946, Nha Công an Trung ương khám phá vụ án phản cách
mạng ở số 7 Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội); Công an nhân dân
đã phối hợp với Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ đồng loạt tấn công, bóc gỡ
40 trụ sở Quốc dân Đảng, bắt trên 100 tên phản động, đập tan âm mưu đảo chính,
lật đổ chính quyền cách mạng của thực dân Pháp và bọn phản động.
3 -
Hồ Chí Minh -Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 534.
4 -
Điển hình như: Chiến dịch tiễu phỉ ở Đồng Văn, Hà Giang, ta bắt, làm tan rã hơn
1.000 tên; trong đó, có 188 tên phản động Tưởng Giới Thạch, thu 355 súng các
loại. Vụ trấn áp bọn phản cách mạng gây bạo loạn ở Mường Khương, Lào Cai (năm
1960). Vụ nổi phỉ ở khu vực Đông Bắc (năm 1961). Vụ trấn áp cuộc bạo loạn lớn ở
Kỳ Sơn, Nghệ An (năm 1964).
5 -
Công an nhân dân - Lịch sử biên niên 1954 - 1975, Nxb CAND, H.
1997, tr. 174.
6 -
Công an và Quân đội đã phối hợp ngăn chặn, bóc gỡ và triệt phá nhiều vụ phức
tạp, điển hình, như: bạo loạn ở Tây Nguyên (năm 2001, 2004); phá rối an ninh ở
Mường Nhé, Điện Biên (tháng 5/2011); lợi dụng biểu tình đập phá gây rối trật tự
công cộng ở các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh và Thành phố Hồ Chí Minh
(tháng 5/2014); ngăn chặn hiệu quả hoạt động của các tàu, thuyền nước ngoài vi phạm
trái phép vùng biển Việt Nam; tham gia phân định cắm mốc biên giới trên bộ,
v.v.
7 -
Trong đó, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng theo Thông tư
số 38/2014/TT-BQP và Thông tư số 24/2014/TT-BQP của Bộ Quốc phòng là hơn
2.678.000 người; Thông tư số 05/2015/TT-BCA của Bộ Công an là hơn 72.000 người.
8 -
Chỉ tính riêng từ tháng 01/2014 đến tháng 9/2019, lực lượng vũ trang đã tham
gia tìm kiếm cứu nạn: 8.087 vụ (trong đó, thiên tai: 1.437 vụ, tìm kiếm cứu nạn
trên biển, trên sông: 1.997 vụ); cháy nổ, sập, sự cố hóa chất: 2.967 vụ; cháy
rừng: 1.671 vụ; sự cố tràn dầu: 16 vụ. Điển hình như: Ứng cứu sập hầm Nhà máy
Thủy điện Đa Dâng (năm 2014); ứng phó đợt mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh và các
tỉnh miền núi phía Bắc (năm 2015); ứng phó lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm
trọng trên diện rộng tại các tỉnh vùng Tây Bắc và các tỉnh: Quảng Nam, Khánh
Hòa, Thanh Hóa (năm 2017, 2018); ứng phó cháy rừng nghiêm trọng ở các tỉnh miền
Trung (năm 2019); sự cố hóa chất do cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn - Phích
nước Rạng Đông, Hà Nội (2019), v.v.