Cứ
đến dịp Quốc hội họp, đâu đó lại xuất hiện một vài giọng điệu đả kích, cho
rằng: "Quốc hội Việt Nam chỉ quyết định theo chỉ đạo của Đảng, là cơ quan
thảo luận cho vui và chỉ mang tính hình thức". Những giọng điệu này hoàn
toàn lạc lõng trước sự tín nhiệm ngày càng cao của cử tri, nhân dân dành cho
Quốc hội Việt Nam-một cơ quan liên tục tự đổi mới, cải tiến cách thức làm việc
nhằm tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả làm việc và
thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Một trong những lập luận của những người đả
kích là "các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều được tiến hành trên
cơ sở Đảng cử, dân bầu nên không có tự do ứng cử", rồi "khi bầu cử
thì vận động, ép buộc bầu người này, người kia, như thế là không dân chủ".
Theo Hiến pháp cũng như quy định của Luật Bầu
cử ĐBQH và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND), mọi công dân Việt Nam
nếu thấy mình đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND đều có quyền
tự ứng cử. Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn
vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế cũng
có quyền giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.
Việc tổ chức 3 vòng hiệp thương để chốt danh
sách người ứng cử cũng là chuyện bình thường và nước nào cũng có cách làm tương
tự để rà soát người đáp ứng đủ tiêu chuẩn ứng cử. Công việc này ở mỗi nước được
giao các cơ quan khác nhau đảm nhiệm, tùy theo đặc điểm, tình hình. Tại Việt
Nam, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) là tổ chức mang tính đại diện rộng rãi của các tổ
chức xã hội, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị và các tầng lớp nhân
dân, các giai cấp, các dân tộc… Vì vậy, MTTQ là tổ chức phù hợp nhất tiến hành
các vòng hiệp thương nhằm xác định được danh sách ứng cử ĐBQH, đại biểu
HĐND đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và đáp ứng được tính cơ cấu, đại
diện theo vùng, miền, địa phương, dân tộc, giới tính, độ tuổi, giai tầng, trong
đó có cả người được giới thiệu và người tự ứng cử. Người được giới thiệu hay
người tự ứng cử có thể là đảng viên, có thể là người ngoài Đảng nếu có đủ điều
kiện và theo đúng các quy định của pháp luật.
Thực tế qua các kỳ bầu cử cho thấy, rất nhiều
người tự ứng cử đã giành được sự tín nhiệm của cử tri nơi cư trú hoặc nơi công
tác, học tập nên vượt qua vòng hiệp thương thứ hai; có đủ tiêu chuẩn và tín
nhiệm vượt qua vòng bỏ phiếu hiệp thương thứ ba để có tên trên danh sách phiếu
bầu; được cử tri nơi bầu cử tín nhiệm bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND. Ví
dụ ĐBQH Phạm Quang Dũng (đoàn Nam Định) và ĐBQH Nguyễn Anh
Trí (đoàn Hà Nội) đều là những người tự ứng cử.
Cùng với đó, cũng có rất nhiều người được các
tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang
nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế giới thiệu (trong
đó có người là đảng viên, có người không phải là đảng viên), dù vượt qua các
vòng hiệp thương nhưng không đạt được tỷ lệ phiếu bầu ở nơi ứng cử ĐBQH,
đại biểu HĐND. Ví dụ, tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, có 15 đại biểu
thuộc diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu nhưng không
trúng cử để trở thành ĐBQH.
Việc vận động bầu cử là việc làm bình thường
ở các nước, Việt Nam không là ngoại lệ. Cáo buộc “ép buộc” bầu người này, bầu
người kia được đưa ra một cách vu vơ, thiếu dẫn chứng cụ thể thì rất khó thuyết
phục. Thực tế, nếu có hành vi ép buộc người khác bầu cử, hành vi đó đương nhiên
vi phạm Điều 95 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, nhẹ thì bị xử
lý hành chính, nặng thì bị xử lý hình sự. Bất kỳ ai nhận thấy mình bị mua
chuộc, ép buộc khi bỏ phiếu đều có thể khiếu nại, tố cáo để làm rõ và xử lý.
Như vậy, về mặt pháp luật, quyền tự do ứng
cử, tự do bầu cử của công dân Việt Nam được Hiến định và được pháp luật quy định
rất rõ ràng, được tôn trọng và bảo vệ. Về mặt thực tiễn, dù người tự ứng cử hay
người được giới thiệu, dù là đảng viên hay người ngoài Đảng, ứng cử viên nào
được cử tri tín nhiệm thì mới được cử tri bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND.
Ngược lại, ứng cử viên nào không đủ tín nhiệm với cử tri thì đều không
được bầu, không cứ đó là ứng cử viên tự do hay ứng cử viên được giới thiệu.
Lập luận thứ hai mà những người đả kích Quốc
hội Việt Nam đưa ra là "Quốc hội Việt Nam chỉ thảo luận, thông qua những
nội dung theo quyết định của Đảng, việc thảo luận chỉ để “cho vui”, mang tính
hình thức". Luận điệu cũ rích này khó có thể thuyết phục được những người
quan tâm, theo dõi hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Thực tế, các nội dung được Quốc hội thảo luận
đều thuộc phạm vi chức năng, quyền hạn của Quốc hội theo Hiến pháp và pháp
luật. Không phủ nhận, những vấn đề quan trọng mà Quốc hội bàn thảo đều có dấu
ấn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này là bình thường, bởi theo Điều
4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là
lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, cũng theo Hiến pháp, Đảng
Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám
sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. Mọi
hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam đều hướng tới nhân dân, vì nhân dân. Bởi
vậy, việc Quốc hội Việt Nam thảo luận về những vấn đề do Đảng lãnh đạo là đúng
Hiến pháp, hướng tới nhân dân, vì nhân dân, đáp ứng đúng nguyện vọng của cử tri
và nhân dân.
Mọi vấn đề đưa ra nghị trường đều được Quốc
hội thảo luận, tranh luận một cách dân chủ, thẳng thắn. Những nội dung không
thuộc bí mật quốc gia đều được công bố công khai, minh bạch cả về tài liệu lẫn
các ý kiến thảo luận. Thậm chí, những phiên họp liên quan tới các vấn đề lớn
của đất nước, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm đều được phát thanh,
truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát.
Mỗi vấn đề được Quốc hội thảo luận đều có
những ý kiến đồng tình, ý kiến phản bác. Tất cả ý kiến dù đồng tình hay phản
bác đều được trân trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ và Quốc hội chỉ quyết định
theo đa số. Tính dân chủ thể hiện rất rõ ở tỷ lệ thông qua các dự án luật, dự
thảo nghị quyết, thậm chí là quyết định công tác nhân sự, tuyệt đại đa số đều
không đạt tỷ lệ ủng hộ tuyệt đối, bởi không đại biểu nào bị ép buộc phải nhấn
nút biểu quyết đồng ý nếu bản thân chưa nhất trí. Nếu ai theo dõi hoạt động của
Quốc hội thường xuyên sẽ thấy, có những nội dung được Quốc hội thông qua chỉ
với khoảng 70% ĐBQH nhấn nút đồng ý, trong khi tỷ
lệ ĐBQH khóa XIV là người ngoài Đảng chiếm 4,2% tổng số ĐBQH.
Như vậy, trong số những đại biểu nhấn nút không đồng ý, chắc chắn có đại biểu
là đảng viên. Do đó, không thể có chuyện ĐBQH là đảng viên đều phải
nhấn nút biểu quyết đồng ý theo “chỉ đạo”.
Thực tế cũng có những nội dung sau khi thảo
luận, tranh luận đã bị Quốc hội bác bỏ, chẳng hạn việc Quốc hội chưa đồng ý
thành lập Tòa án Nhân dân khu vực, Viện Kiểm sát Nhân dân khu vực khi thông qua
các luật tổ chức liên quan tới hai ngành này. Hay nổi bật hơn là việc Quốc hội
bác bỏ chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc vào năm 2010. Gần đây nhất,
tại Kỳ họp thứ tám, cơ quan soạn thảo đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm
giờ. Tuy nhiên, sau khi các đại biểu Quốc hội nhận được ý kiến của cử tri đã
thảo luận rất sôi nổi về vấn đề này. Có đại biểu đồng ý, có đại biểu không đồng
ý. Kết quả biểu quyết cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội không nhất trí mở rộng
khung thỏa thuận làm thêm giờ. Đó là những minh chứng rõ ràng nhất để
khẳng định: Quốc hội Việt Nam không “thảo luận cho vui” mà thảo luận, tranh
luận một cách thực sự, mang tính dân chủ cao, quyết định theo đa số, theo ý
nguyện của cử tri và nhân dân.
Bởi vậy, những luận điệu cũ rích nhằm đả
kích, làm giảm sút niềm tin, sự tín nhiệm của cử tri, nhân dân với Quốc hội
chẳng thể làm thay đổi được thực tế: Quốc hội Việt Nam thực sự là Quốc hội dân
chủ, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; cử tri, nhân dân đã, đang và vẫn
sẽ luôn tin cậy, dành sự tín nhiệm cao cho Quốc hội cũng như dành sự quan tâm
rất lớn tới các hoạt động của Quốc hội…