Chủ trương phát triển kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) được Đảng ta chính thức đưa ra tại Đại hội IX (2001). Mô hình KTTT định hướng XHCN đã được Đảng và Nhà nước ta vận dụng khách quan, khoa học, sáng tạo, trở thành nền tảng tư tưởng phát triển của đất nước, trong đó nhấn mạnh vị trí, vai trò con người chính là động lực và cũng là mục tiêu cao nhất của sự phát triển.
Các thế lực thù địch, phản động tăng cường công kích, xuyên tạc, phủ nhận các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng qua các Đại hội với các luận điệu sau: 1) Xuyên tạc, bác bỏ định hướng XHCN của Việt Nam. Những nhóm này cho rằng phát triển KTTT thì không thể xây dựng CNXH, chủ trương gắn KTTT với định hướng XHCN là không có cơ sở, bởi chúng đối lập nhau như nước với lửa, không thể dung hòa. 2) Nhiều luận điệu phê phán quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế diễn ra không thực chất, chưa đạt nhiều kết quả, chỉ mang tính hình thức, cơ cấu kinh tế nước ta đang tỏ ra lạc hậu so với các nước khác. 3) Phủ nhận những nỗ lực thực hiện PTBV, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường của đất nước, ra sức lôi kéo các cộng đồng dân tộc thiểu số, các nhóm dễ bị tổn thương để phản đối, kích động biểu tình, ngăn cản các chính sách PTBV của Đảng và Nhà nước ta. 4) Tranh thủ những ý kiến nghi ngại về khả năng thích ứng của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng để tìm cách chống phá, cản trở những nỗ lực hội nhập phục vụ phát triển mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Những quan điểm, luận điểm này bộc lộ dã tâm, mưu đồ xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Đảng. Những lý lẽ đưa ra có thể thấy là những quan điểm, lập luận hết sức phiến diện và phi khoa học, không có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn, chứa đựng nhiều mâu thuẫn trong phân tích, đánh giá. Thực tế cho thấy:
Thứ nhất, cần khẳng định KTTT là sản phẩm của nhân loại, được hình thành, phát triển gắn liền với quá trình xã hội hóa sản xuất, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại. Thực tiễn kể từ khi bắt đầu quá trình hội nhập, mở cửa nền kinh tế những năm 1990 và đặc biệt cho đến những năm gần đây Đảng và Nhà nước đẩy mạnh chủ trương phát triển KTTT định hướng XHCN, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam từng bước được cải thiện, đạt mức tăng khá cao trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trì trệ. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt gần 2.800USD trong năm 2019, tăng 28 lần so với mức GDP bình quân đầu người năm 1990 (khoảng gần 100 USD). Định hướng XHCN đã tiếp tục chứng minh tính đúng đắn và ưu việt của mình thông qua đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước ta đã làm rất tốt mục tiêu kép vừa ra sức chống dịch, vừa duy trì phục hồi và phát triển kinh tế, qua đó giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ nền tảng chính trị tốt đẹp cũng như những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đã đạt được thời gian qua. Do vậy, điều quan trọng nhất là kinh tế của Việt Nam tăng trưởng nhanh, đời sống con người phát triển và từng bước vươn lên ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới. Đối chiếu với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam, có thể thấy việc Đảng ta lựa chọn mô hình “KTTT định hướng XHCN” là một hướng đi đúng đắn và phù hợp, thể hiện sự khoa học và sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển thời đại và yêu cầu phát triển đất nước đặt ra.
Thứ hai, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam, nhất là trong 5 năm trở lại đây, đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực và thực chất, thể hiện tính đúng đắn trong chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế. Quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu gắn với năng suất lao động, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm trong những kỳ Đại hội gần đây. Thành quả cho sự quyết tâm đó thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt mức 6,7% (cao hơn tốc độ tăng bình quân 5,9%/năm của giai đoạn 2011-2015), đạt mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Cùng với đó, mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế ngày một lớn, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt gần 44,5%, cao hơn nhiều so với mức 33,6% của giai đoạn 2011-2015. Tỷ trọng giữa các ngành đã có sự chuyển biến đáng kể, theo hướng giảm tỷ trọng các ngành nông lâm thủy sản, tăng tỷ trọng trong công nghiệp - xây dựng, duy trì tỷ trọng ngành dịch vụ luôn ở mức cao (dao động trong khoảng 40%) trong tổng cơ cấu GDP. Mặc dù còn một vài hạn chế, nhưng có thể khẳng định rằng những kết quả đối mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam thời gian qua là rất đáng ghi nhận, thể hiện sự đúng đắn trong tư duy, định hướng phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta.
Thứ ba, là một trong những quốc gia được dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực nhất từ biến đổi khí hậu, PTBV đã trở thành nội dung quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, PTBV của Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ khoảng 75% năm 2015 lên 90% năm 2019, tỷ lệ học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học xấp xỉ 100%, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (nhiệm kỳ 2016-2021) là khoảng 25%. Ngoài ra, hơn 99% các hộ gia đình Việt Nam đã được tiếp cận với điện năm 2019, tỷ lệ dân số sử dụng in-tơ-nét là xấp xỉ 66%. Trên cơ sở đó, Đại hội XIII (2021) của Đảng khi đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã trình bày 5 quan điểm phát triển: 1) Phát triển nhanh và bền vững. 2) Về thể chế phát triển. 3) Về nguồn lực con người. 4) Về xây dựng nền kinh tế, tự chủ. 5) Về sức mạnh tổng hợp quốc gia trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với những thành tựu PTBV mà nước ta đã đạt được thời gian qua cho thấy, những chủ trương, định hướng của Đảng về PTBV đóng vai trò rất quan trọng, nó khẳng định đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước là đúng đắn. Đồng thời, là cơ sở vững chắc để củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, qua đó làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong tiến trình đưa đất nước phát triển theo định hướng XHCN của Đảng và nhân dân ta.
Thứ tư, hội nhập và liên kết kinh tế trong kỷ nguyên mới là xu hướng tất yếu, với các liên kết kinh tế khu vực và song phương đang và sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Những năm qua, Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh phát triển KTĐN, hội nhập kinh tế với thế giới cũng như tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới kinh tế, KTĐN Việt Nam đã từng bước khẳng định là một động lực phát triển quan trọng thiết yếu của nền kinh tế. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng từ mức khoảng 5 tỷ USD trong năm 1990 lên gần 30 tỷ USD năm 2000, lên khoảng 160 tỷ USD năm 2010 và lên khoảng 500 tỷ USD năm 2019, với cơ cấu hàng hóa chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm xuất khẩu thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến, mang hàm lượng giá trị gia tăng cao. Là một nước có độ mở kinh tế cao (khoảng 200% GDP), Việt Nam đã và đang tham gia 17 FTA, trong đó có 2 FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang thực hiện là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đó mang lại nhiều kết quả tích cực đối với Việt Nam, đóng góp vào các mục tiêu về tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu cũng như thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Tựu chung lại, những nỗ lực của Đảng và Nhà nước là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh mới, việc nước ta lựa chọn con đường chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển KTĐN là một lựa chọn đúng đắn và sáng suốt mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, góp phần nâng cao thực lực kinh tế và thực hiện khát vọng phát triển đất nước ngày càng lớn mạnh, phồn vinh.
Để đấu tranh với các thế lực sai trái, thù địch, tất cả mỗi người Việt Nam phải kiên định lập trường, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng Nhà nước nói chung và tư tưởng phát triển kinh tế nói riêng; rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, chuyên môn, tầm nhìn để chủ động tranh luận, đấu tranh với các quan điểm sai lầm của các đối tượng. Cần phân biệt rõ các đối tượng chính để có giải pháp, hình thức phù hợp. Đối với một số quần chúng nhân dân do hạn chế về nhận thức, ta nên kiên trì giải thích, giáo dục để họ hiểu. Đối với kiều bào ở xa đất nước nếu có người không phải chủ tâm mà do bị lôi kéo, nhận thông tin lệch chuẩn, cũng phải chú ý tiếp xúc, vận động để bà con luôn có được nguồn tin chính thức, chính xác, đồng tình, ủng hộ đối với phát triển quê hương. Đối với lực lượng thù địch, đối kháng, cần có lập luận chặt chẽ, minh chứng rõ ràng, ngôn ngữ sắc bén để phản bác, phải phân hóa đội ngũ của họ, cô lập kẻ xấu để tập trung đấu tranh. Cuối cùng cách bảo vệ đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước ta hiệu quả có thể nói gọn là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cốt lõi sau: 1) Triển khai thành công trong thực tiễn các nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế bền vững, hài hòa mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội đất nước. 2) Thực hành rộng rãi, kiên trì việc duy trì kỷ cương phép nước, phòng, chống tham nhũng, chống quan liêu, lãng phí mạnh mẽ, tích cực hội nhập quốc tế mọi mặt kể cả kinh tế, tạo thành quốc lực ngày càng vững mạnh, trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển, có uy tín trên thế giới. 3) Chủ động, sáng tạo trong giải thích, thông tin, truyền thông tất cả đường lối, chính sách của Đảng để mọi công dân thấu hiểu, tự giác nâng cao nhận thức, giác ngộ trước các thủ đoạn chống phá của thế lực xấu. 4) Tích cực đấu tranh dư luận bằng các biện pháp phù hợp, kể cả trên mặt trận tư tưởng văn hóa, các diễn đàn, trên sách báo, trên các phương tiện truyền thông.