Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Đối ngoại quốc phòng và đôi điều đúc rút trên chặng đường xây dựng, phát triển

 Nhìn lại chặng đường 60 năm qua kể từ khi Cục Liên lạc Đối ngoại (tiền thân của Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng) được thành lập (ngày 28-5-1964), công tác đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) đã đi từ không đến có, từ thắng lợi nhỏ đến thắng lợi lớn, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đến nay, Việt Nam đã mở rộng quan hệ ĐNQP với các quốc gia trên khắp năm châu, trong đó có đầy đủ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn. Hoạt động hợp tác quốc phòng trên nhiều lĩnh vực như khoa học, công nghiệp quốc phòng, tổ chức tuần tra, giao lưu với lực lượng biên phòng và hải quân các nước, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh... được triển khai tích cực và mang lại hiệu quả thiết thực. Việt Nam cũng đã cùng các nước ký kết nhiều bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng song phương đạt hiệu quả cao; tham gia các diễn đàn đa phương có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và cứu hộ, cứu nạn quốc tế. Những kết quả ấy đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Quân đội ta trong mắt bạn bè quốc tế và đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

Đối ngoại quốc phòng và đôi điều đúc rút trên chặng đường xây dựng, phát triển
Đoàn Tùy viên quân sự các nước tại Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: HIẾU MINH 

Thành công nói trên là nhờ đội ngũ làm công tác ĐNQP đã quán triệt sâu sắc các đường lối, quan điểm đối ngoại của Đảng qua các kỳ đại hội Đảng toàn quốc và nghị quyết của Đại hội Đảng bộ toàn quân qua các thời kỳ, đồng thời nỗ lực hết sức mình trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các nội dung, nhiệm vụ, yêu cầu liên quan tới đối ngoại.

Tuy vậy, nếu đánh giá một cách thẳng thắn, 60 năm qua còn có những thời điểm chúng ta làm được chưa nhiều, chưa tốt. Điển hình như sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, có lúc, có lần ĐNQP tham mưu để tổ chức cho đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng đi thăm, đi công tác đạt hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, đôi khi còn thiên về lễ tân mà quên đi nội dung hết sức quan trọng là cần tham mưu về đối sách như thế nào với “đối tác", "đối tượng”.

Việc hướng dẫn cho toàn quân trong triển khai công tác ĐNQP cũng có khi còn biểu hiện sơ sài, đơn giản, làm cho các cơ quan đối ngoại cấp cơ sở lúng túng trong quá trình xử lý những vấn đề cụ thể. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân trực tiếp và quan trọng hơn cả là có lúc chúng ta quán triệt chưa thật sâu sắc quan điểm của Đảng, từ đó biến thành nhận thức để nâng tầm nghiên cứu, tư duy chiến lược. Theo kinh nghiệm của thế hệ những người từng nhiều năm gắn bó với công tác ĐNQP như chúng tôi, sau khi quán triệt rồi thì phải đào sâu suy nghĩ, đọc rất nhiều về quan điểm, chính sách của “đối tác", "đối tượng” thì mới tham mưu, đề xuất đúng và trúng. Ngược lại, nếu không đọc, không suy nghĩ thì sẽ dẫn tới lối mòn, sáo rỗng, hoặc phân công, phân nhiệm không cụ thể dẫn tới thiên việc này, bỏ việc khác...

Cũng cần nhấn mạnh lại rằng, việc hướng dẫn phải tận tình, chu đáo hơn để các cơ quan ĐNQP cấp cơ sở không rơi vào trạng thái lúng túng khi triển khai nhiệm vụ. Nhớ lại một lần tàu bạn vào thăm cảng Tiên Sa của Đà Nẵng, hôm ấy bất ngờ thủy triều xuống thấp nên bạn không thể cho tàu lớn vào cảng. Rất may có sĩ quan của Cục Đối ngoại tham gia đón đoàn và kịp thời báo cáo. Sau đó, tôi chấp nhận chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và cho phép Cục Đối ngoại thuê tàu du lịch để chở bạn vào thăm đúng kế hoạch. Nêu ví dụ đó để thấy, trong một số tình huống “ngoài kịch bản” rất cần sự hướng dẫn cụ thể, xử trí linh hoạt để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ đối ngoại được giao.

Về lễ tân cũng cần có bước chuyển mới sao cho phù hợp. Tôi nhớ lần tháp tùng Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm Mỹ, Brazil và Bỉ, nghi thức của từng nước khác nhau. Chúng tôi bay từ Brazil về Paris (Pháp), rồi lại đi tàu hỏa sang Brussels (Bỉ). Bộ trưởng bạn cùng các sĩ quan tùy tùng với cờ hoa đón đoàn ta tại ga xe lửa rất chân tình. Nhưng bữa sáng hôm sau, bạn chỉ bố trí một lát bánh mì và một lát thịt lạnh để Bộ trưởng ta ăn sáng. Do đã nghiên cứu kỹ tập quán và lễ tân của phía bạn, anh em Cục Đối ngoại mang theo đồ ăn tối thiểu để có thể nấu nóng cho Bộ trưởng dùng. Nhưng Đại tướng Phạm Văn Trà nhắc tôi: “Chúng ta xác định đi công tác thì phải cố gắng để phù hợp với bạn. Tôi còn khỏe, các chú đừng quá lo!”. Lời dặn đó của Đại tướng Phạm Văn Trà tôi cứ nhớ mãi và nay nhắc lại cho thế hệ sau làm kinh nghiệm.

Trong điều kiện tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, mau lẹ, khó lường như hiện nay, những người trực tiếp làm công tác ĐNQP càng cần phải quán triệt thật sâu sắc quan điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng và học tập bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng (tháng 12-2021) để từ đó nâng tầm tư duy và chủ động tham mưu đúng, trúng. Chẳng hạn, cùng một khuôn khổ quan hệ nhưng với đối tác này và đối tác khác thì hàm lượng có thể khác nhau. Nếu không có tư duy tốt sẽ dẫn tới lúng túng trong tham mưu, đề xuất các nội dung và hoạt động hợp tác liên quan tới ĐNQP.

Chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển tuy chưa dài nhưng cũng không hề ngắn đối với một đơn vị như Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng. Mỗi cán bộ, sĩ quan, nhân viên làm công tác ĐNQP cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tự đào tạo và hoàn thiện bản thân, tự nâng tầm tư duy để tham mưu kịp thời, chính xác và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ĐNQP ngày càng tốt hơn, xứng đáng với truyền thống của đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trung tướng PHẠM THANH LÂN

Nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng

Doanh nghiệp Nhà nước tham gia phòng, chống "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực kinh tế

 Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một thành phần kinh tế khách quan của sự phát triển, tồn tại trong mọi nền kinh tế. Ở Việt Nam, DNNN là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, một số phần tử phản động, cơ hội lại thường xuyên phủ nhận , thậm chí xuyên tạc, bôi đen, bóp méo vai trò của DNNN.

Doanh nghiệp nhà nước đối với sự phát triển nền kinh tế đất nước

DNNN có vị trí, vai trò đặc biệt trong đường lối, chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. DNNN làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế Nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, nền tảng, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường, ổn định chính trị, xã hội của đất nước; giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, làm lực lượng chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của DNNN trong phạm vi toàn quốc năm 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tính đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Nhà nước đang tập trung hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực như: Quốc phòng an ninh (chiếm khoảng 17%); nông, lâm nghiệp và công trình thủy lợi (40%); hoạt động xổ số (13%); hoạt động công ích: Đô thị, chiếu sáng, cấp thoát nước… (14%); hoạt động trong các ngành, lĩnh vực khác kết hợp sản xuất kinh doanh (16%). DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chủ yếu hoạt động trong các ngành nông lâm, kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông và sản xuất kinh doanh như bất động sản, du lịch, vật liệu xây dựng…

Cả nước hiện có 77 DNNN quy mô lớn (chưa bao gồm các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp) gồm 6 tập đoàn kinh tế, 53 tổng công ty, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con. Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, 25,78% tổng vốn sản xuất kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định, đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp. Các DNNN đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước; thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Nhà nước tham gia phòng, chống "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực kinh tế
 Ảnh minh họa: TTXVN

Khu vực DNNN đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế: Năng lượng (cung cấp khoảng 87% sản lượng điện cho xã hội); xăng dầu (đóng góp khoảng 84% thị phần bán lẻ); tìm kiếm, thăm dò, chế biến và khai thác dầu khí (đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu; 70-75% nhu cầu phân đạm cho sản xuất nông nghiệp). Đặc biệt, DNNN cũng đóng góp vai trò quyết định trong nhiều lĩnh vực hạ tầng quan trọng của nền kinh tế, như: Viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông vận tải, cảng biển, tài chính ngân hàng, cung cấp nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho nền kinh tế, cung cấp dịch vụ công ích…

Âm mưu, thủ đoạn Diễn biến hòa bình đối với DNNN hiện nay

Các thế lực thù địch khoét sâu những yếu kém của DNNN: Nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn tài sản và vốn nhà nước; đưa ra những luận điệu xuyên tạc phiến diện, lệch lạc cho rằng sự yếu kém của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là do các DNNN làm ăn kém hiệu quả nhưng tuyệt nhiên không hề đề cập đến những đóng góp của DNNN đối với nền kinh tế và an sinh xã hội của đất nước.

Chúng rêu rao, tuyên truyền mô hình DNNN không còn phù hợp, khuyến khích cổ phần hóa triệt để hoặc giải thể DNNN. Trong quá trình hợp tác kinh tế quốc tế với Việt Nam, các thế lực thù địch thông qua các doanh nghiệp nước ngoài tìm cách đầu tư chủ yếu vào khu vực kinh tế tư nhân, chiếm lĩnh những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như bảo hiểm, ngân hàng, đầu tư tài chính… để chi phối, kiểm soát, hỗ trợ cho hưởng các ưu đãi về vốn vay, công nghệ…., làm cho sự phát triển của các công ty này dần phụ thuộc vào quỹ đạo của họ, đồng thời tăng sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân với DNNN.

Từ đó các thế lực thù địch hy vọng rằng, sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân sẽ lấn át kinh tế nhà nước, tiến tới làm mất vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, làm cho nền kinh tế nước ta phát triển chệch định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giải pháp quan trọng để DNNN tham gia phòng, chống "diễn biến hòa bình" 

Với vị trí, vai trò và tầm quan trọng của DNNN đối với sự phát triển nền kinh tế đất nước trong giai đoạn hiện nay, thì vai trò của DNNN trong việc phòng, chống "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực kinh tế càng hết sức quan trọng. Vậy, DNNN sẽ cần những giải pháp gì trong phòng, chống diễn biến hòa bình?

Thứ nhất, trong lĩnh vực lý luận, DNNN cần chủ động, tích cực tham gia đấu tranh, vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù, bảo vệ tính cách mạng, khoa học của học thuyết kinh tế Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ đường lối kinh tế của Đảng và luôn định giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam. Đây là giải pháp cơ bản lâu dài cần phải được quán triệt và tổ chức thực hiện trong suốt quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Muốn làm được điều đó, trước hết DNNN phải nghiên cứu để nắm chắc, hiểu sâu và hiểu một cách hệ thống các quan điểm kinh tế của Chủ nghĩa Mác-Lênin; tham gia tổng kết thực tiễn đường lối kinh tế của Đảng, chính sách kinh tế của Nhà nước để đúc kết thành lý luận, vận dụng một cách sáng tạo các tư tưởng kinh tế phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và tình hình quốc tế, không tạo ra khoảng trống về lý luận, tư tưởng để kẻ thù chống phá.

Thứ hai, DNNN cần tích cực tham gia đề xuất việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về DNNN. Hiện các quy định pháp luật liên quan về quản trị doanh nghiệp, quản lý vốn và tài sản, đất đai, đầu tư… chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đầu tư kinh doanh và quản trị điều hành DNNN trong kinh tế thị trường. Quy trình, thủ tục báo cáo, phê duyệt quá nhiều tầng nấc, chưa được phân cấp triệt để. Các DNNN, đặc biệt là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước buộc phải xin ý kiến, xin chấp thuận và phê duyệt của nhiều cơ quan quản lý trong việc quyết định các vấn đề quản trị kinh doanh của doanh nghiệp.

Sự chậm trễ trong việc ra quyết định này đã làm mất đi cơ hội, giảm đi hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của DNNN. Chính DNNN, qua thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh của mình phải chủ động, kịp thời, báo cáo, đề xuất cơ chế, chính sách để được điều chỉnh để gỡ bỏ rào cản hành chính, khuyến khích mạnh mẽ đầu tư mở rộng kinh doanh, phát triển các ngành nghề, sản phẩm mới, nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo phù hợp với xu thế thời đại, để DNNN thực sự phát huy được vai trò, sứ mệnh trong đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, tích cực, thường xuyên bám sát cơ quan có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đề án tái cơ cấu, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba, DNNN cần tham gia mạnh mẽ phát triển kinh tế gắn với thực hiện an sinh xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng vào sự yếu kém của nền kinh tế của nước ta để thực hiện các hành động chống phá. Vì vậy, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, gắn tăng trưởng kinh tế cao với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là giải pháp hữu hiệu nhất để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

DNNN đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vùng miền bằng cách đầu tư hạ tầng, tạo việc làm, khuyến khích phát triển kinh tế địa phương, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, DNNN đóng vai trò quan trọng trong thực hiện an sinh xã hội bằng cách tạo việc làm và cung cấp thu nhập ổn định, đầu tư vào giáo dục và đào tạo, đóng góp vào phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường và tài nguyên, và thực hiện trách nhiệm xã hội. Sự tham gia của DNNN giúp tăng cường sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống trong vùng miền.

Thứ tư, DNNN phải tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với chống “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Chúng ta biết rằng, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác là mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành “diễn biến hòa bình”; đây cũng là vấn đề “tự diễn biến” của ta mà các thế lực thù địch đang mong đợi. Bởi vì, tham ô, lãng phí, quan liêu diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên biến chất làm cho nhân dân bất bình, mất lòng tin vào Đảng, vào chế độ; các thế lực thù địch lợi dụng thổi phồng, bóp méo, kích động nhân dân chống lại Đảng, Nhà nước.

Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch với nước ta trên lĩnh vực kinh tế, cùng với việc thực hiện tốt các giải pháp trên cần phải tiến hành tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tệ nạn xã hội khác và đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị.

Để tham gia chống tham nhũng hiệu quả, DNNN cần xây dựng và thực hiện chính sách và quy định rõ ràng về phòng chống tham nhũng, thiết lập các quy trình và quy trình kiểm soát nội bộ, đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý tài chính và quản lý nhân sự. Tăng cường giám sát và kiểm tra để phát hiện và ngăn chặn các hành vi tham nhũng, thành lập các cơ quan giám sát độc lập, thực hiện kiểm tra nội bộ định kỳ. Xây dựng một môi trường lành mạnh và đạo đức trong tổ chức nhằm thúc đẩy giá trị đạo đức và trách nhiệm, đảm bảo sự minh bạch và trung thực trong quản lý và giao dịch, xây dựng một văn hóa doanh nghiệp không chấp nhận tham nhũng.

Bên cạnh đó, DNNN cần đào tạo và nâng cao nhận thức, đạo đức và trách nhiệm cho cán bộ, người lao động và các đơn vị, tổ chức có liên quan về vấn đề tham nhũng, giúp họ hiểu rõ hơn về hậu quả của tham nhũng và cách phòng chống. Song song, cần xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến tham nhũng; tạo điều kiện và bảo vệ cho người báo cáo các hành vi tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật.

HOÀNG THỊ THU HÀ (Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước)

Phòng, chống "diễn biến hòa bình": Đừng quá sính ngoại!

 Thấy ông Phi, bạn hàng xóm đang lúi húi gấp đồ cho vào ba lô có vẻ chuẩn bị đi xa, ông Tài ngạc nhiên hỏi:

- Ông Phi định đi đâu mà thấy chuẩn bị đồ đạc lỉnh kỉnh thế?

- À, tôi đang chuẩn bị đồ để trưa nay lên thành phố trông cháu giúp vợ chồng con trai út. Rõ khổ! Đang đi học tự nhiên trường vỡ nợ, có nguy cơ giải tán, giờ bố mẹ chúng chẳng biết gửi con ở đâu?

Phòng, chống "diễn biến hòa bình": Đừng quá sính ngoại!
Ảnh minh họa:Internet 

 

Ông Tài hỏi dồn:

- Có phải cháu nội của ông học cái trường quốc tế gì đó mà mấy hôm nay trên ti vi nhắc đến liên tục không ông?

- Đúng rồi! Trường đó tên toàn tiếng nước ngoài nên tôi cũng không nhớ.

- Cái trường ấy tôi thấy có dấu hiệu lừa đảo đấy ông ạ! Khổ thân các cháu học sinh, đang yên đang lành tự nhiên lại chẳng được đi học nữa. Mà nói thật với ông, tôi chẳng thích mấy cái trường sính ngoại quá ấy đâu!

- Sao ông lại nói thế? Tôi thấy mô hình trường quốc tế hiện cũng khá phổ biến và có những mặt tích cực mà. Cơ bản là do chế tài, cách quản lý của ta thôi!

- Thì tôi thấy trường đó đặt trên đất nước ta, dạy các cháu người Việt Nam mà cả giáo viên lẫn học sinh đều chỉ giao tiếp bằng tiếng nước ngoài, lại còn bỏ không dạy Lịch sử là môn rất quan trọng đối với mỗi người Việt Nam. Như thế, chẳng có nguy cơ làm các cháu học sinh "mất gốc", không biết về lịch sử, truyền thống, văn hóa dân tộc; thậm chí gây nguy hại cho nước nhà hay sao? 

- Ông nói lạ! Làm gì có chuyện trường học mở trên nước mình mà lại không sử dụng ngôn ngữ của ta? Mà môn Lịch sử quan trọng thế, tôi nghĩ trường nào chẳng phải dạy, nhất là đối với các cháu học sinh tiểu học.

Thấy bạn vẫn nghi ngờ, ông Tài liền mở điện thoại, bấm bấm một hồi rồi đưa cho bạn:

- Đấy, ông đọc đi! Thông tin trên trang chủ của nhà trường do họ giới thiệu đấy nhé!

Ông Phi đọc một lượt phần giới thiệu của nhà trường, rồi hốt hoảng:

- Chết thật! Sao trường dạy cho thế hệ trẻ người Việt mà lại không sử dụng tiếng Việt nhỉ? Đã thế còn không đưa môn Lịch sử vào giảng dạy nữa? Như vậy làm sao mà đám trẻ thấm nhuần, hun đúc được tinh thần, cốt cách của người Việt Nam mình? Thảo nào lần trước cháu về quê, tôi dắt đến thăm mấy di tích lịch sử gần nhà thờ các anh hùng dân tộc, thấy cháu hờ hững lắm. Hỏi về các vị anh hùng, tướng lĩnh lừng danh của dân tộc mà cháu trả lời rất mù mờ, nhầm lẫn lung tung...

- Khi xem ti vi, lúc đầu, tôi cũng ngạc nhiên lắm, nhưng sau tìm hiểu mới biết, có một số trường khác cũng đang áp dụng phương pháp giảng dạy này. Thành thử nhiều học sinh mù tịt về lịch sử cha ông, truyền thống dân tộc. Cứ đà này, tôi lo sẽ có nhiều cháu thiếu tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, rỗng kiến thức lịch sử, văn hóa Việt, rồi chỉ nhìn đất nước, quê hương bằng ánh mắt tiêu cực... 

- Đúng vậy ông ạ! Ông nói làm tôi cũng thấy lo lắng. Chiều nay tôi phải góp ý với vợ chồng thằng út tìm trường khác cho con học! Trường quốc tế cũng tốt, hội nhập cũng tốt, nhưng vẫn phải giữ được nền tảng, cốt cách của người Việt Nam mình chứ ông nhỉ? Tiếng nước mình không thạo, lịch sử nước nhà không biết thì có giỏi đến đâu cũng chẳng trông mong gì đâu!

CHIẾN VĂN

Phòng, chống "diễn biến hòa bình": Chuyện tưởng là nhỏ...

 Được về phép, đến nhà Thủy Tiên chơi, đúng dịp nhà bạn vừa mua bộ hát karaoke mới nên Trung úy Phi hòa cùng mọi người trong gia đình thử chất lượng âm thanh.

Sau khi nhờ Thủy Tiên chọn cho mình một bài hát, Phi say sưa thể hiện như đang đứng trên sân khấu thực thụ. Đợi Phi hát xong, ông Tiến là bố của Thủy Tiên lại gần, nói:

- Cháu có chất giọng tốt đấy! Bây giờ, hai bác cháu ra ngoài bàn đá uống nước, trò chuyện một lát nhé!

Phòng, chống "diễn biến hòa bình": Chuyện tưởng là nhỏ...
Ảnh minh họa: Internet 

 

- Dạ vâng ạ!

Vừa rót xong chén trà mời ông Tiến, Phi giật mình bởi câu hỏi bất ngờ của người cựu chiến binh tuổi ngoài thất tuần:

- Cháu có biết bài cháu vừa hát của tác giả nào không?

- Dạ, cháu mới nghe và hát bài này vài lần nên chưa để ý tác giả ạ!

- Thế cháu có biết bài hát được sáng tác trong hoàn cảnh nào không?

- Dạ, cháu cũng... không biết ạ!

- Thế cháu có hiểu nội dung bài hát này không?

- Dạ, bài này nói về người lính! Cháu cũng là người lính nên thích ạ!

Nghe Phi nói vậy, ông Tiến cầm chén trà lên nhấp một ngụm. Sau khi trầm ngâm một lát, ông khẽ khàng:

- Đúng! Đây là bài hát về người lính! Và bác cũng biết cháu là sĩ quan Quân đội, chính vì thế nên bác mới mời cháu ra đây trò chuyện. Bài hát này thuộc thể loại nhạc vàng, do người của chế độ ngụy quyền Sài Gòn sáng tác. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bài hát này được phía bên kia sử dụng làm tác phẩm “tâm lý chiến” nhằm gây lung lạc lý tưởng, ý chí, giảm sức chiến đấu của bộ đội ta. Hồi đó, các bác đã phải rất vất vả để ứng phó với thủ đoạn này của địch...

- Ồ vậy ạ! Thế mà cháu không biết! Nhưng cháu nghĩ...

- Cháu nghĩ là bây giờ hòa bình, đất nước thống nhất, dân tộc hòa hợp rồi nên không cần phân biệt bài hát của “bên” này, “bên” kia nữa đúng không? Nghĩ như vậy là thiếu chín chắn, chưa sâu sắc cháu ạ! Sở dĩ Quân đội ta “bách chiến bách thắng” bởi chúng ta là những người lính làm nhiệm vụ chính nghĩa, cao cả. Vì vậy, chúng ta không thể hát những bài lâm ly bi đát, đầy thực dụng của đội quân phi nghĩa nhằm đánh vào tư tưởng của quân và dân ta. Nếu ở đơn vị mà cháu hát những bài “tâm lý chiến” kia, rồi các chiến sĩ cấp dưới hát theo, thì công tác tư tưởng ở đó thế nào? Nếu ra ngoài doanh trại, đứng trước quần chúng mà cháu chọn hát những bài như vậy, mọi người sẽ có cái nhìn về tâm thế, bản lĩnh của người sĩ quan hôm nay ra sao? Nhất là nếu có người quay lại bài cháu hát rồi tung lên mạng xã hội để kẻ xấu vào bình luận xuyên tạc thì hậu quả sẽ rất lớn. Các thế lực thù địch luôn tìm cách lôi kéo thế hệ trẻ vào thứ văn hóa tiêu cực này. Cháu là sĩ quan trẻ, có giọng tốt, sao không chọn những bài trong sáng, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống hào hùng của dân tộc và Quân đội ta để hát? Như vậy, vừa được thỏa mãn sở thích, lại vừa tuyên truyền văn hóa, lối sống tốt đẹp, qua đó góp phần tôn lên vẻ đẹp của Bộ đội Cụ Hồ và của chính cháu, phải không nào?

Trước những phân tích hợp lý, hợp tình của ông Tiến, Trung úy Phi như bừng tỉnh, nhận ra sự bồng bột, hồn nhiên của mình:

- Cháu cảm ơn bác vì những góp ý chân thành đã giúp cháu nhận ra mình cần phải tinh tế, sâu sắc hơn. Từ nay cháu sẽ không mắc những lỗi tương tự như vậy nữa!

CHIẾN VĂN

Phòng, chống "diễn biến hòa bình": Cảnh giác với dụng ý xấu

 Hôm nay, ông bà Đậu-Tuyết thịt con gà, làm bữa cơm mừng con gái út vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau bữa cơm, thấy ông Đậu ngồi bần thần ngoài sân, bà Tuyết đi tới, vừa kéo ghế vừa hỏi:

- Ông lại có chuyện gì à? Lúc nãy nói chuyện với con thì rôm rả, sao giờ lại tâm trạng thế? Hay là đang tương tư bà nào? Tôi là tôi nghi lắm!

- Ơ, cái bà này, toàn nghĩ linh tinh. Tôi đang lo đây này, không hơi đâu mà đùa với chả cợt.

Thấy chồng gắt lên, bà Tuyết biết mình đùa vô duyên, liền rót chén nước chè đưa cho chồng, giọng nhẹ nhàng:

- Tôi đùa một tí thôi mà... Ông uống nước đi rồi nói cho tôi nghe nào...

Phòng, chống "diễn biến hòa bình": Cảnh giác với dụng ý xấu
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa: TTXVN

- Hồi chiều, tôi ra đón con Ngà nhà mình thì gặp anh Tân cũng đợi con ở đấy. Anh Tân mở mạng xã hội đưa cho tôi xem. Tôi ngỡ ngàng khi đọc thấy đề thi ngữ văn trùng với suy đoán trên mạng, rồi có nhiều bình luận, chia sẻ, cho rằng có tiêu cực trong thi cử bà ạ!

Hiểu nỗi lo lắng của chồng, bà Tuyết nói:

- Tôi thấy ông vì lo quá mà mất khôn rồi đấy. Tin ông nói đã đăng trên các báo, đài, ti vi rồi. Hiện nay, công an đang vào cuộc điều tra, đã phát hiện một thanh niên chia sẻ trên TikTok và đang tiếp tục truy tìm nguồn tán phát thông tin này. Cơ quan công an khuyến cáo người dân không chia sẻ những thông tin sai lệch. Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 khẳng định, đề thi môn Ngữ văn được bảo mật an toàn tuyệt đối trước giờ thi. Còn thông tin ông đọc trên mạng gồm bài viết, bình luận, chia sẻ là những kẻ xấu cố tình tán phát làm ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh dự thi, gây hoang mang dư luận; nham hiểm hơn nữa còn là xuyên tạc công tác giáo dục, tổ chức thi cử để xảy ra tiêu cực của cơ quan các cấp đấy ông ạ!

Ở trong bếp, Ngà nghe rõ và hiểu đầu đuôi câu chuyện, liền mang đĩa cam lên mời bố mẹ, giọng vui vẻ:

- Con cảm ơn bố mẹ đã lo lắng cho con. Con trực tiếp tham gia kỳ thi và một số bạn ở các phòng khác đều nói kỳ thi năm nay tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế. Còn con qua đối chiếu thấy kết quả làm bài cũng khả quan nên bố mẹ yên tâm ạ!

- Con nó nói đúng đấy ông ạ! Chương trình Thời sự tối nay cũng vừa đưa tin về kỳ thi được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, sâu sát và toàn diện; quá trình tổ chức thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế...

- Thì tôi cũng vì lo cho con nhà mình nên khi thấy thông tin, rồi đọc những bình luận đâm ra hoang mang. Tôi không biết đó là âm mưu của kẻ xấu, cố tình dựng chuyện, thổi phồng, xuyên tạc.

Nghe vậy, bà Tuyết nhìn ông Đậu, giọng nhẹ nhàng:

- Đấy ông thấy chưa, từ giờ phải chú ý cảnh giác với thông tin trên “phây”, trên "tích tốc", trên mạng đấy, không phải thấy gì cũng tin được đâu. Mình chỉ nên tin báo chí chính thống, không lại mắc mưu những kẻ có dụng ý xấu đấy ông ạ!

 CHÍ THỊNH

Báo chí Hàn Quốc đưa tin đậm nét về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Báo chí và các phương tiện truyền thông Hàn Quốc ngày 1-7 đã đăng tải nhiều thông tin về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực kinh tế thương mại nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30-6 đến 3-7.

Các báo đều đưa tin về Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc ở trung tâm Seoul vào ngày 1-7.

Hãng truyền thông Newsis của Hàn Quốc dẫn phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng nước này, ông Ahn Deok-geun nhấn mạnh các biện pháp nhằm thúc đẩy thương mại song phương đạt mục tiêu 150 tỷ USD (207 nghìn tỷ won) vào năm 2030. Bộ trưởng Ahn cho rằng, hai nước cần mở rộng phạm vi đầu tư và thương mại sang các lĩnh vực, không chỉ bao gồm hàng hóa trung gian mà còn cả hàng tiêu dùng, dịch vụ và cơ sở hạ tầng...

Báo chí Hàn Quốc đưa tin đậm nét về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Quan chức Hàn Quốc đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân tại sân bay quân sự Seongnam, tỉnh Gyeonggi. 

Đặc biệt, Bộ trưởng Ahn cho rằng, để xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định, cần cụ thể hóa kế hoạch tạo sức mạnh tổng hợp bằng cách kết nối nguồn tài nguyên khoáng sản cốt lõi của Việt Nam như đất hiếm với công nghệ sản xuất tiên tiến của Hàn Quốc.

Newsis cũng nêu bật thông tin việc Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước đã trao 23 văn bản thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, xây dựng khu công nghiệp, công nghệ bán dẫn, y dược, hàng không, logistics, công nghệ thông tin, cơ khí… Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các công ty Hàn Quốc trong các lĩnh vực tiên tiến như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và năng lượng hydro.

Đánh giá về diễn đàn này, trang mk.co.kr (Hàn Quốc) cho rằng, kể từ khi mối quan hệ giữa hai nước được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022, diễn đàn doanh nghiệp này được thiết kế nhằm tăng cường hơn nữa cầu nối hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Cùng đưa tin về diễn đàn nói trên, tờ Hankuk Kyongjae nêu bật việc các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam quyết định mở rộng đầu tư, thương mại trong các lĩnh vực như chuyển đổi kỹ thuật số và hợp tác chuỗi cung ứng. Cũng theo đánh giá của báo này, sau khi 2 nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2022, sự kiện này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy để mở rộng đầu tư và thương mại cũng như tìm kiếm các biện pháp để tăng cường hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Hãng tin Yonhap cho biết, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất trong số 146 nước đầu tư vào Việt Nam, đầu tư tổng cộng hơn 87 tỷ USD. Trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc. Yonhap lưu ý, thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tích cực làm việc để thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn tại Việt Nam.

TTXVN

Việt Nam - Hàn Quốc đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2025

 Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, chiều 2-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Tại hội kiến, Tổng thống Yoon Suk Yeol nhấn mạnh, Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu trong việc triển khai chính sách tại khu vực, trong đó có Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Sáng kiến đoàn kết Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Hàn Quốc của Hàn Quốc.

Việt Nam - Hàn Quốc đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam ủng hộ những chính sách lớn của Hàn Quốc và sẵn sàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hai nước Việt Nam-Hàn Quốc cùng thành công hơn nữa, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp có trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông báo với Tổng thống Yoon Suk Yeol về những kết quả quan trọng mà hai bên đã đạt được trong cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng, bao gồm những định hướng lớn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện tiếp tục phát triển sâu rộng và thực chất, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, cũng như những tiến triển nhanh chóng, thực chất của quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Hàn Quốc thời gian qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị hai bên tiếp tục duy trì và tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; tiếp tục thực hiện thường xuyên các cơ chế hợp tác hiện có trong lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng và an ninh, phù hợp với mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Việt Nam - Hàn Quốc đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. 

Hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác chặt chẽ đưa quan hệ kinh tế đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất, qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2025 và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030. 

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên cùng hợp tác khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ sinh học; thúc đẩy Chính phủ Hàn Quốc tăng cường đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực bán dẫn, hydrogen và trí tuệ nhân tạo (AI); đề nghị thúc đẩy các khoản vay thông qua Quỹ Xúc tiến phát triển kinh tế (EDPF) trị giá 2 tỷ USD và điều kiện vay không ràng buộc đối với các khoản vay Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) trị giá 2 tỷ USD để phát triển hạ tầng chiến lược như xây dựng tuyến đường sắt cao tốc. 

Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư đầy tiềm năng và nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam đã tạo nên hệ sinh thái đầu tư thuận lợi; đề nghị tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia các dự án trọng điểm của Việt Nam, trong đó có các dự án về năng lượng, điện khí (LNG); khẳng định sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam phục vụ phát triển ngành bán dẫn, công nghệ cao; hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành Công nghiệp văn hóa. Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết, Việt Nam là nước đầu tiên ký Hiệp định về biến đổi khí hậu với Hàn Quốc; khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) vào tháng 4-2025.

Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch, tăng cường hợp tác giữa các địa phương và giao lưu nhân dân tạo sự gắn kết và hiểu biết giữa người dân hai nước; nhất trí hợp tác chặt chẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân mỗi nước tại nước còn lại, giúp họ ổn định cuộc sống và an toàn; quan tâm hỗ trợ các gia đình đa văn hóa Việt-Hàn. 

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Yoon Suk Yeol nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn quốc tế và khu vực cùng quan tâm; tiếp tục tăng cường hợp tác trong các khuôn khổ ASEAN như ASEAN-Hàn Quốc, Mekong-Hàn Quốc. Tổng thống Yoon Suk Yeol đánh giá cao Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc và đề nghị tiếp tục ủng hộ việc nâng cấp quan hệ ASEAN-Hàn Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện; hoan nghênh lập trường của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề Biển Đông, nhằm góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực.

Việt Nam - Hàn Quốc đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Kim Jin Pyo, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu đổi mới sáng tạo toàn cầu Hàn Quốc, nguyên Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc. 

* Chiều 2-7, tại thủ đô Seoul, trong chương trình thăm chính thức Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu đổi mới sáng tạo toàn cầu Hàn Quốc Kim Jin Pyo, nguyên Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc. 

Ông Kim Jin Pyo từng thăm Việt Nam vào tháng 1-2023 trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc và trong chuyến thăm này, ông đã dự lễ khánh thành trụ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST). 

Tin, ảnh: TTXVN

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...