BÀN THÊM NỘI DUNG XÂY DỰNG ĐẢNG VỀ ĐẠO ĐỨC
Đã
quá nửa nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, các cơ quan nghiên cứu, cơ quan tham
mưu, các tổ chức đảng cũng mới chỉ dành nhiều thời lượng để nói đến vấn đề đạo
đức, lối sống của cá nhân cán bộ, đảng viên theo 9 dấu hiệu nhận biết mà Nghị
quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã vạch ra. Những vấn đề lý luận và thực
tiễn xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là nội dung xây dựng Đảng về đạo đức vẫn
chưa thực sự được làm sáng tỏ, chưa nhất quán và chưa tương xứng với nội dung
xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Không
phải đến bây giờ Đảng ta mới nói đến vấn đề đạo đức trong công tác xây dựng
Đảng mà sách “Đường Cách mệnh” - “cuốn giáo trình đầu tiên” do
chính Nguyễn Ái Quốc biên soạn và giảng dạy cho các thanh niên yêu nước để vận
động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết về “Tư cách một người cách mệnh”.
Đó là một trong 15 vấn đề của cuốn sách và được viết ngay từ trang đầu với đầy
đủ các mối quan hệ xác định của đạo đức: đối với tự mình, đối với người và đối
với việc.
Ngay từ
những năm đầu cầm quyền của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra những
khuyết điểm, nguy cơ thoái hóa, biến chất, quan liêu, xa dân của một bộ phận
cán bộ, đảng viên do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Tác
phẩm “Sửa đổi lối làm việc” - “cuốn giáo trình thứ hai” mà Chủ
tịch Hồ Chí Minh biên soạn và triển khai học tập trong toàn Đảng cũng dành hẳn
1 chương nói về “Tư cách và đạo đức cách mạng” trong 6 chương của cuốn sách.
Trong
suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên cảnh
báo, nhắc nhở, răn dạy cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng bằng rất nhiều
bài phát biểu, bài viết trên báo. Đặc biệt, tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành
lập Đảng, Người khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”; và trong “Di
chúc”, vấn đề đạo đức cách mạng được viết nghiêng trong những lời căn dặn
căn cốt nhất về xây dựng Đảng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và
cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm
liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng
đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(1).
Tuy vậy,
từ khi giải phóng hoàn toàn đất nước, Đảng cầm quyền trên phạm vi cả nước, vấn
đề đạo đức trong xây dựng Đảng lại chưa được đặt xứng tầm. Tại Đại hội IV (năm
1976) Đảng ta mới chỉ xác định phương châm “phải xây dựng Đảng vững mạnh về cả
ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức”(2). Công tác giáo dục, rèn luyện đạo
đức của cán bộ, đảng viên thường chỉ được đề cập một cách khiêm tốn trong nội
dung xây dựng Đảng về tư tưởng.
Thực hiện
đường lối đổi mới của Đảng, từ Đại hội VI của Đảng đến nay, không có nhiệm kỳ
nào mà Đảng ta không đề cập đến tình trạng suy thoái về đạo đức của một bộ phận
không nhỏ cán bộ, đảng viên, coi đó là một trong 4 nguy cơ đe dọa đến vai trò
lãnh đạo của một đảng cầm quyền. Vì thế, tại Đại hội XII của Đảng (năm 2016),
vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức lần đầu tiên được nhắc đến với tư cách là “mặt
thứ tư” trong công tác xây dựng Đảng để trở thành một chỉnh thể: “Xây
dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”(3).
Để nghiên
cứu xây dựng Đảng về đạo đức ngang tầm với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng
và tổ chức, cần nhất quán về sử dụng phương pháp tiếp cận tương thích với đầy
đủ những yếu tố cấu thành, như lý luận xây dựng Đảng về đạo
đức (khái niệm, vai trò, đặc điểm, nội dung, phương thức, quan điểm, nguyên
tắc, nhận diện sự suy thoái về đạo đức...); thực trạng đạo đức
trong Đảng và thực trạng công tác xây dựng Đảng về đạo đức
(ưu, khuyết điểm, nguyên nhân và những kinh nghiệm); phương hướng và
giải pháp xây dựng Đảng về đạo đức trong thời gian tới...
Xây dựng
Đảng về đạo đức là hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên về xây dựng, hoàn
thiện những chuẩn mực đạo đức cách mạng; giáo dục, rèn luyện đạo đức cho đội
ngũ đảng viên, tạo sự thống nhất trong nhận thức, nâng cao ý thức tự giác rèn
luyện, tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng; đấu tranh chống nhận thức và
hành động phi đạo đức và các quan điểm sai trái, thù địch về đạo đức, lối sống,
góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, xây dựng
Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và
xã hội.
Nội dung
cụ thể xây dựng Đảng về đạo đức được thể hiện như sau:
Trước
hết, xây dựng những chuẩn mực đạo đức cách mạng cho tổ chức đảng và đảng viên.
Đạo đức
là những chuẩn mực ứng xử do cộng đồng xã hội thừa nhận và hành động theo những
chuẩn mực đó, thời nào cũng có và quốc gia nào cũng có. Điểm nhấn về đạo đức
trong Đảng là đạo đức cách mạng xoay quanh những chuẩn
mực giá trị: Cần - Kiệm - Liêm - Chính và những nguyên tắc sống: chí
công, vô tư. Đạo đức đó đối lập với chủ nghĩa cá nhân, cho nên muốn
xây dựng đạo đức cách mạng thì đồng thời và kiên quyết chống chủ
nghĩa cá nhân.
Xây dựng
Đảng về đạo đức với những chuẩn mực giá trị đạo đức cách mạng
đòi hỏi đạo đức trong Đảng phải trở thành phương châm hành động, vì lợi
ích của nhân dân và vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chuẩn
mực đạo đức của mỗi tổ chức là những giá trị xã hội mà tổ chức
hướng tới. Mỗi tổ chức đều phải tạo dựng hình ảnh cho mình. Hình ảnh đó mang
tính ổn định, đặc trưng trong suốt quá trình ra đời, tồn tại và phát triển. Đó
là những chân giá trị riêng do người sáng lập đưa ra, các thành viên trong tổ
chức thuộc các thế hệ tự nguyện, thừa nhận, tôn trọng, giữ gìn và phát huy
trong suốt thời gian công tác.
Tổ chức
đảng là cầu nối giữa Trung ương Đảng với nhân dân, là cơ quan lãnh đạo địa
phương, đơn vị nên các giá trị về chuẩn mực đạo đức của tổ chức đảng là
rất cần thiết và cần phải được đặc biệt quan tâm. Với vai trò là lực lượng lãnh
đạo, tổ chức đảng phải thực sự là chuẩn mực về việc tuân thủ các nguyên tắc
hoạt động, trung tâm đoàn kết và bao gồm những người sống thực sự “có tình có
nghĩa”; mẫu mực nhất trong thực hiện tự phê bình và phê bình vì sự phát triển
của mỗi người và vì sự vững mạnh của tổ chức. Là cơ quan quyết định các chính
sách, chủ trương, quyết định các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống kinh
tế - xã hội của nhân dân, của địa phương, đất nước, vì thế, tính nhân văn của
tổ chức đảng nằm ngay trong quá trình nghiên cứu, thảo luận và ban hành các
quyết định thuộc thẩm quyền. Chuẩn mực đạo đức của mỗi tổ chức tạo thành văn
hóa tổ chức - văn hóa đảng, nó đối lập với chủ nghĩa hình thức,
bệnh quan liêu, lợi ích nhóm, tình trạng bè cánh trong tổ chức. Tình trạng độc
đoán, chuyên quyền, mất đoàn kết hay những chủ trương sai lầm do tầm nhìn hạn
hẹp và lợi ích nhóm chi phối chính là những hành vi vô đạo đức của một tổ chức
đảng.
Chuẩn
mực đạo đức của người đảng viên thống nhất với lý tưởng của
Đảng; có tinh thần yêu nước, lòng trung thành, làm gương, nêu gương, danh dự,
tinh thần bảo vệ lẽ phải, phê phán, đấu tranh với sai trái. Những chuẩn mực đạo
đức được đúc kết, dễ nhớ, dễ thực hành sẽ làm nền tảng, là căn cứ cho mọi tổ
chức đảng và đảng viên trong hành động.
Theo đó,
từ những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của dân tộc, của nhân loại nói chung, mỗi
cấp, mỗi ngành cần căn cứ vào các quy định về tư cách của người đảng viên trong
Điều lệ Đảng, Quy định những điều đảng viên không được làm hay không mắc những
biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được chỉ rõ trong Nghị quyết Hội nghị
Trung ương 4 khóa XII để xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho tổ chức của
mình, chuẩn hóa hành vi đạo đức của cán bộ, đảng viên sát với yêu cầu thực hiện
chức năng, nhiệm vụ được giao. Ví dụ: chuẩn mực đạo đức của chiến sĩ công an,
của anh bộ đội cụ Hồ, đạo đức của người thầy giáo, thầy thuốc, của doanh
nhân... Đối với cán bộ, công chức, cần xác định rõ tinh thần trách nhiệm, bổn
phận phục vụ nhân dân, tinh thần tiết kiệm chống tham nhũng, lãng phí và mối
quan hệ với tập thể, cộng đồng và toàn xã hội.
Hai là,
tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, tạo
sự thống nhất trong nhận thức và hành vi đạo đức.
Xây dựng
Đảng về đạo đức được tiến hành thông qua giáo dục, tuyên truyền vai trò, nội
dung đạo đức để nâng cao nhận thức, để mỗi đảng viên tự giác rèn luyện, tu
dưỡng, gương mẫu, làm gương, nêu gương về đạo đức.
Giáo dục,
rèn luyện đạo đức không chỉ trên trường lớp mà còn trong cả môi trường lao
động, chiến đấu và sinh hoạt đời thường; học tập mọi lúc, mọi nơi, học tập suốt
đời.
Giáo dục
đạo đức phải kiên trì, thường xuyên vì sự thay đổi tư duy, quan niệm giá trị
đạo đức là một quá trình khó khăn, lâu dài. Không phải ai cũng dễ dàng đồng
thuận với những tiêu chí, chuẩn mực đạo đức mới vì những ảnh hưởng về văn hóa
truyền thống, tập quán của địa phương, dòng họ và gia đình hay những vấn đề về
tín ngưỡng, tôn giáo, thậm chí là lợi ích cá nhân chi phối.
Trong
giáo dục đạo đức cách mạng, phải coi trọng học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh, học tập các tấm gương tiêu biểu của dân tộc, của
ngành mình, địa phương mình. Các cấp ủy đảng phải lãnh đạo tổ chức đảng, đảng
viên, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thông
tấn, báo chí tuyên truyền, cổ vũ những tấm gương đạo đức, kiến tạo môi trường
lành mạnh trong Đảng và xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật
đảng và phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát và phản biện xã hội thông
qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Khi xây
dựng được chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, cần công khai, tuyên truyền, vận động
thực hiện, cổ vũ, khích lệ những tấm gương mẫu mực về đạo đức. Chuẩn mực đạo
đức đó phải luôn được kiểm điểm, nhắc nhở nhau qua sinh hoạt của tổ chức đảng,
của tập thể người lao động. Mỗi đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ lãnh
đạo, quản lý cần xây dựng kế hoạch rèn luyện đạo đức cách mạng hằng ngày và tu
dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời; hình thành phương thức làm chủ bản thân, kiểm
soát các ham muốn vật chất và tham vọng quyền lực, nâng cao ý thức cảnh giác,
không một phút lơ là trước cám dỗ, cạm bẫy, phòng ngừa nguy cơ rệu rã tâm lý,
sống buông thả trước tiền tài, quyền lực, dục vọng.
Làm
gương, nêu gương là cách giáo dục đạo đức tốt nhất đối với cán bộ, đảng viên,
nhất là việc làm gương của người lãnh đạo, quản lý. Phương châm giáo dục đạo
đức là làm gương, nêu gương: “một tấm gương sáng bằng hàng trăm bài diễn văn
tuyên truyền”.
Ba là,
đấu tranh tự phê bình và phê bình trong nội bộ về giữ gìn chuẩn mực đạo đức
cách mạng của cán bộ, đảng viên.
Chủ tịch
Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình trong Đảng như việc “rửa mặt hằng
ngày”. Người đòi hỏi phải “quét sạch”, phải “tẩy bỏ”, phải “đánh bại
giặc nội xâm”, “căn bệnh gốc, bệnh mẹ đẻ ra trăm thứ bệnh con, xấu
xa, hư hỏng, lỗi thời” của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Một
dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn,
không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu
lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.”(4).
Tự phê
bình và phê bình là tất yếu khách quan, trở thành quy luật phát triển của Đảng.
Tự phê bình, phê bình trong Đảng chủ yếu diễn ra ở chi bộ mà đảng viên sinh
hoạt và các cấp ủy đảng mà đảng viên tham gia. Vì vậy phải tiếp tục đổi mới nội
dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xây dựng quy định tự
phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và
bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh cho lẽ phải. Ở những nơi có vấn đề phức
tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hoặc những nơi
có vấn đề về đoàn kết, nhất là khi cán bộ chủ chốt có khuyết điểm, cấp trên cần
chủ động gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo.
Bốn là,
phát huy tính tự giác rèn luyện, tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng của
mỗi cán bộ, đảng viên.
Với mỗi
người, phải rèn đủ cả bốn đức: cần - kiệm - liêm - chính, phải đủ
cả bốn đức mới là người hoàn toàn, thiếu một đức thì không thành
người. Nếu đào tạo cán bộ là “công việc gốc” của Đảng thì việc
giáo dục, rèn luyện cán bộ hằng ngày, phải lấy đức làm gốc. Tài
là quan trọng, có đức phải có tài nhưng đức là gốc, là hàng đầu,
tài phải được bảo đảm bằng đạo đức và bởi đạo đức.
Trong
phương châm hành động, thực hành lối sống và thái độ ứng xử, yêu
cầu về đạo đức đó là phải trung thực, khiêm tốn, giản dị, trách
nhiệm, có lòng chân thành, có đức bao dung, có tình đồng chí thương
yêu lẫn nhau. Phải nói ít làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm,
đã nói thì phải làm, không được làm gì tổn hại tới uy tín, thanh
danh của Đảng, tới lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân. Phải biết
trọng liêm sỉ, danh dự, khí tiết, trong sáng, chính trực, không có gì
mờ ám, khuất tất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao sự gương mẫu, tính tiên
phong “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Người căn dặn cán bộ,
đảng viên, nhất là thanh niên tuổi trẻ, phải cần cù và chịu khó,
siêng năng và tiết kiệm, chỉ ham muốn phục vụ cách mạng, phục vụ
nhân dân, ham học, ham làm, ham tiến bộ; không ham tiền tài, không ham
danh vọng, địa vị, quyền chức. Nếu cá nhân cán bộ, đảng viên tự mình không
làm chủ được, thì dễ rơi vào hư hỏng, thậm chí vi phạm pháp luật. Cho
nên, người có đạo đức gương mẫu là người có đức hy sinh, có lòng vị
tha, nhân ái, không vị kỷ, vụ lợi, vượt qua những cám dỗ tầm thường
cá nhân chủ nghĩa, tuyệt đối không tham vọng quyền lực.
Đạo đức
của Đảng và trong Đảng là đạo đức cách mạng, xa lạ với chủ nghĩa
cá nhân và phải suốt đời chống chủ nghĩa cá nhân - “giặc nội xâm” ở
trong lòng, chú trọng phát triển mọi khả năng sáng tạo của cá nhân,
quan tâm tới lợi ích cá nhân nhưng kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.
Đạo đức cách mạng thể hiện ở cách ứng xử hằng ngày của mỗi người đối với công
việc, sinh hoạt hay giao tiếp nên nó gắn bó suốt đời với mỗi cán bộ, đảng viên.
Chính vì thế mà mỗi người phải tu dưỡng, tạo dựng, rèn luyện và giữ gìn đạo đức
cách mạng suốt đời. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đạo đức cách mạng
không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát
triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng
trong”(5).
Năm là,
tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức
cách mạng.
Giáo dục
nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và các quy định của Đảng đối với tổ chức
đảng và đảng viên đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra tổ chức đảng,
đảng viên thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức
chính trị - xã hội và của nhân dân trong phát hiện những đảng viên vi phạm phẩm
chất đạo đức, tham nhũng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.
Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ
toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc
chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống
trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến
dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu
ta, kính ta”(6).
Tăng
cường kiểm tra, giám sát cũng là tăng cường kiểm soát quyền lực trong điều kiện
Đảng cầm quyền. Không một cá nhân nào, tổ chức nào của Đảng được phép đặt mình
ra ngoài sự kiểm tra, giám sát của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của nhân
dân. Siết chặt nguyên tắc tập trung dân chủ, thống nhất và bình đẳng trong thực
thi Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với mọi cán bộ, đảng viên của hệ
thống chính trị, không có “vùng cấm”, “hạ cánh an toàn”, không có “đặc quyền”
hay ngoại lệ.
Không thể
để bất cứ cán bộ, đảng viên nào nằm ngoài sự kiểm tra của tổ chức, sự giám sát
của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, ở bất cứ đâu, trên bất cứ phương
diện hoạt động, trên lĩnh vực công tác và địa bàn sinh sống nào... Phát huy dân
chủ một cách đúng hướng và thật sự rộng rãi là điều tối cần thiết, nếu không
nói là nhân tố quyết định thành công. Xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ,
khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy
thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thiết
lập, hoàn thiện định chế xử lý kịp thời cho tất cả công tác kiểm tra, giám sát
của các cấp ủy, của bộ máy đảng, của nhân dân đối với mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức,
mỗi cán bộ, đảng viên. Cùng với việc đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của tổ
chức, các cấp ủy, các tổ chức đảng hết sức chú trọng tiếp thu ý kiến góp ý của
nhân dân, sự phát hiện của công luận về cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên
thuộc quyền quản lý của mình một cách toàn diện, theo hướng chặt chẽ, minh
bạch.
Sáu là,
đấu tranh chống nhận thức và hành động phi đạo đức và các quan điểm sai trái,
thù địch về đạo đức, lối sống.
Đấu tranh
với các quan niệm sai trái, phản động đi ngược lại các giá trị đạo đức cách
mạng, như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa vị kỷ, chủ nghĩa tự
do. Trong điều kiện thông tin nhiều chiều, cần phải hết sức cảnh giác chống lại
những luận điệu xuyên tạc của chúng. Hơn nữa, trong điều kiện hội nhập quốc tế,
thực hiện chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,
mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm cho nhiều chuẩn mực đạo đức thay đổi
theo chiều hướng tiêu cực.
Như vậy,
yêu cầu đấu tranh chống tư tưởng của các thế lực thù địch trong tuyên truyền về
lối sống thực dụng, vụ lợi với chủ nghĩa cá nhân - “giặc nội xâm” phá hoại Đảng
từ bên trong ngày càng trở nên phức tạp và cấp bách. Do vậy, cần chủ động thông
tin trung thực, kiên trì, thường xuyên những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của dân
tộc, những chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, trên cơ
sở khoa học làm rõ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đấu
tranh trên lĩnh vực nhận thức về những chuẩn mực đạo đức, lối sống để tạo nên
truyền thống đạo đức mới của con người mới xã hội chủ nghĩa.
Cần xây
dựng ý thức đạo đức cách mạng và tổ chức thực hành đạo đức cách mạng; chuyển
hóa các quan điểm, tư tưởng đạo đức cách mạng thành tình cảm đạo đức cách mạng
(về lẽ sống, nghĩa vụ, lương tâm, danh dự...); biến các đòi hỏi của Đảng và xã
hội đối với người đảng viên thành nhu cầu nội tâm, hành vi tự giác rèn luyện,
tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời, trong phong cách công tác và lối sống đời
thường. Đó cũng là cách miễn dịch tốt nhất trước những luận điệu tuyên truyền
của các thế lực thù địch.
Bảy là,
phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng về đạo đức.
Các cấp
ủy, chính quyền phải nhận thức sâu sắc, quán triệt và thực hiện nghiêm Quyết
định số 217-QĐ/TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày
12-12-2013, của Bộ Chính trị quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các
đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng
chính quyền. Xây dựng các cơ chế bảo đảm và phát huy vai trò của nhân dân trong
công tác xây dựng Đảng, nhất là xây dựng đội ngũ đảng viên về phẩm chất đạo
đức, lối sống, tinh thần nêu gương và giữ mối liên hệ mật thiết với nhân
dân.
Xây dựng
Đảng về đạo đức hiện nay góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao
năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật
sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí
công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh
đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(7). /.
-----------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn
tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 611 - 612
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr. 625
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr. 202
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 672
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 612
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64 - 65
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 611 - 612
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr. 625
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr. 202
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 672
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 612
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64 - 65
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 611 - 612
Nguyễn Minh Tuấn
PGS, TS, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc
gia Hồ Chí Minh
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2018/51513/Ban-them-noi-dung-xay-dung-Dang-ve-dao-duc.aspx