Trước mỗi kỳ đại hội
đảng các cấp, nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, các cơ quan chức
năng lại nhận được những đơn thư nặc danh, mạo danh; trên các trang mạng xã hội
(MXH) lại lan truyền những thông tin sai trái, bóp méo, xuyên tạc, kích động
chia rẽ nội bộ, bôi nhọ những cán bộ liên quan đến công tác nhân sự đại hội.
Đáng tiếc rằng, tham
gia vào "đám mây mù" ấy có một số người là cán bộ, đảng viên. Những
biểu hiện đó cũng đã được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cảnh báo
và chỉ rõ, đó là tình trạng “lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin,
truyền thông, MXH để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của
Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Những hành vi thấp hèn không thể chấp
nhận
Đại hội đảng các cấp
là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng với cán bộ, đảng viên và quân dân cả
nước. Mặc dù chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị và hơn một năm nữa Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng mới diễn ra,
nhưng từ nhiều tháng qua, bên cạnh những thông tin tích cực góp phần định hướng
dư luận, một thực tế đang diễn ra là nắm bắt được nhu cầu thông tin của người
dân về công tác chuẩn bị đại hội, nhất là chuẩn bị nhân sự, một số phần tử
thoái hóa biến chất, cơ hội chính trị tung lên các trang MXH đủ các loại thông
tin bịa đặt, bôi nhọ, suy diễn, đồn đoán, nhận định vô căn cứ về công tác cán
bộ, nhằm gây nhiễu loạn thông tin, chia rẽ nội bộ và phá hoại sự thành công của
đại hội đảng các cấp. Đặc biệt, họ lợi dụng quyền tự do ngôn luận để gửi đơn
thư nặc danh, mạo danh; triệt để sử dụng internet tán phát thông tin xuyên tạc,
nói xấu Đảng, Nhà nước và cá nhân các đồng chí lãnh đạo. Điển hình là
trường hợp ông Lê Hữu Thuận, Phó bí thư chi bộ, Trưởng khoa Lý luận Mác-Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc Trường Chính trị Trần Phú (Hà Tĩnh) đưa những thông
tin sai sự thật về sức khỏe cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước
lên Facebook... Hành vi của ông Thuận gây ra những tác động xấu trong
dư luận, nhất là khi những thông tin ấy được những người thiếu nhãn quan chính
trị chia sẻ, bình luận... Đây chỉ là một ví dụ minh chứng cho biểu hiện suy
thoái, "tự diễn biến, "tự chuyển hóa"...
Những thông tin xuyên
tạc, bịa đặt, nói xấu cán bộ, đảng viên do những phần tử thoái hóa, biến chất,
cơ hội trong nội bộ ta tung ra thường biểu hiện ở một số kiểu dạng, như: Xuyên
tạc, nói sai sự thật về tình hình sức khỏe cán bộ; moi móc, thêu dệt bí mật đời
tư; bình phẩm, phán xét về trình độ, năng lực; xuyên tạc nhân phẩm, đạo đức lối
sống... Họ không là thầy thuốc, nhưng lại dựa vào những thông tin cóp nhặt trên
mạng về sức khỏe cán bộ. Chẳng hề chứng kiến sự kiện, vậy mà bịa đặt, dựng lên
những câu chuyện gắn với hoạt động đối nội, đối ngoại của lãnh đạo Đảng,
Nhà nước tán phát trên mạng... khiến dư luận hiểu sai về trình độ, khả năng ứng
xử của cán bộ, hiểu sai về đường lối đối nội, đối ngoại của lãnh đạo Đảng và
Nhà nước ta.
Từ những vụ việc đã xử
lý, hoặc đang trong quá trình xử lý, họ đưa ra bình luận ác ý, rồi suy diễn,
bịa đặt rằng các đối tượng đã “bôi trơn” nên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ
quan bảo vệ pháp luật không dám làm mạnh tay. Vấn đề càng trở nên nguy hiểm khi
những thông tin ấy bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng khai thác để
tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chẳng hạn từ những thông tin trong
nội bộ về kết quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng ta tiến hành, một số
trang mạng ở nước ngoài đã xuyên tạc, bóp méo, vu khống, suy diễn, cho rằng đó
là cuộc “thanh toán phe phái”, “trả thù cá nhân” giữa người này với người kia,
nhóm này với nhóm khác vì "lợi ích nhóm"... nhằm gieo rắc những hoài
nghi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân... Bên cạnh đó, ngay trong nội bộ ta
cũng có những cán bộ, đảng viên phát ngôn thiếu ý thức xây dựng, suy diễn chủ
quan về các mối quan hệ, cho rằng người này ủng hộ người kia, người này cùng ê
kíp người kia, rồi tự họ phân chia phe phái. Từ những sự việc mà báo chí đã đưa
tin, có người đã xuyên tạc, suy diễn rằng người này đang "dắt tay"
người kia vào vị trí này, vị trí nọ. Họ bình phẩm, phát xét rồi nhận định
"sắp xếp" người này nghỉ thì người kia lên thay và cuộc chiến chống
tham nhũng sẽ đi về đâu, cán cân quyền lực sẽ nghiêng về phe nào? Để hướng lái
nội dung đại hội, nhất là công tác nhân sự, khi nghe những thông tin trái chiều
trong quần chúng, một số cán bộ, đảng viên chẳng những không định hướng mà còn
hùa theo, đưa ra những thông tin bình phẩm về trình độ, năng lực của người này,
người kia rồi đặt lên bàn cân so sánh. Khi cần hạ bệ người nào, họ tập trung
khoét sâu những hạn chế, khuyết điểm ở những ngành, những lĩnh vực mà cán bộ đó
phụ trách, rồi quy kết trách nhiệm theo kiểu “bới lông tìm vết”, "có ít xít
ra nhiều", thậm chí là trắng trợn dựng chuyện, bịa đặt, đổi trắng thay
đen, bóp méo, làm thay đổi bản chất của các vụ việc liên quan đến một số cán
bộ, nhất là những đồng chí nằm trong quy hoạch nhân sự đại hội đảng các
cấp... Thực chất của những việc làm trên vẫn là những trò cũ rích đã xuất
hiện trong các kỳ đại hội trước đây.
Sai trái cả về pháp lý và đạo lý. Xét về góc độ pháp lý, rõ ràng việc sử dụng
các phương tiện truyền thông để đăng phát những thông tin xuyên tạc, bịa đặt,
bôi nhọ nhằm xâm hại lợi ích của tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật.
Cán bộ, đảng viên nào sử dụng các phương tiện thông tin, dùng đơn thư nặc danh,
mạo danh để tố cáo sai sự thật, nói xấu, hạ thấp uy tín của người khác, là vi
phạm các quy định của Đảng. Pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận
của công dân, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Việc lợi
dụng tự do ngôn luận, tự do trên mạng để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của
người khác, nói xấu, hạ thấp uy tín tổ chức và cá nhân, cần phải xử lý nghiêm
theo quy định của pháp luật.
Nhìn từ góc độ đạo
đức, những biểu hiện xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, hạ thấp uy tín cán bộ thông
qua MXH, thông qua đơn thư nặc danh, mạo danh là việc làm mờ ám, vụng trộm, lén
lút, không trong sáng, không nhân văn giữa con người với con người; giữa người
dân, cấp dưới với lãnh đạo, chính quyền cấp trên. Nếu động cơ trong sáng, thực
sự vì sự tiến bộ của người khác, với tinh thần xây dựng vì sự vững mạnh của tập
thể, vì sự ổn định, phát triển của đất nước thì không thiếu hình thức, biện
pháp phê bình, góp ý dân chủ, công khai, minh bạch. Nếu họ thực sự công tâm, vì
mục đích xây dựng thì không có chuyện trong suốt quá trình công tác của cán bộ,
đảng viên họ không phê bình góp ý và phải chờ đến thời điểm chuẩn bị đại hội
mới tung ra.
Việc tung tin xuyên
tạc, bịa đặt, viết đơn thư nặc danh, mạo danh nói xấu cán bộ là hành động thấp
hèn và gây ra những hậu quả xấu cho cá nhân, tổ chức. Rõ nhất là sự nghi kỵ,
chia rẽ đoàn kết trong nội bộ, ảnh hưởng đến sức lãnh đạo của tổ chức đảng và
nhiệt huyết cách mạng của cán bộ, đảng viên. Mục đích của những chiêu trò
ấy mới nghe tưởng chỉ nhằm vào từng cá nhân đơn lẻ, nhưng xét cho cùng vẫn là
nhằm đánh vào vai trò lãnh đạo của Đảng, hạ thấp uy tín lãnh tụ, uy tín cán bộ,
đảng viên để chống phá Đảng, chống phá chế độ, chống phá dân tộc ta. Dù
thể hiện dưới hình thức nào thì những hành động ấy cũng không che giấu nổi tâm
địa xấu xa của những phần tử cơ hội chính trị, "tự diễn biến",
"tự chuyển hóa" và càng không thể đánh lừa được dư luận; bởi lẽ đại
đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn cảnh giác, bình tĩnh, tỉnh táo,
sáng suốt trong việc chọn lọc và tiếp nhận thông tin.
Nêu cao cảnh giác, tăng cường đấu tranh
phòng, chống thông tin xuyên tạc, bịa đặt
Sự quan tâm theo dõi
của người dân đến công tác cán bộ của Đảng, những thông tin về công tác chuẩn
bị, nhất là công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp, đặc biệt là Đại
hội XIII của Đảng là điều dễ hiểu và đáng mừng. Bởi lẽ có lo lắng, quan tâm đến
tương lai, vận mệnh của dân tộc, đường hướng phát triển của đất nước thì nhân
dân mới có nhu cầu thông tin về công tác chuẩn bị đại hội đảng. Để chuẩn bị chu
đáo, toàn diện cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng,
ngày 15-8-2019, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 55-KL/TW. Sau khi khẳng định
rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của
Đảng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo
làm tốt công tác chuẩn bị, tiến hành đại hội đảng bộ các cấp theo những nội
dung rất cụ thể. Về công tác chuẩn bị nhân sự, Ban Bí thư nhấn mạnh: Chủ động
phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, đấu tranh, không để tác động, chi phối bởi
những thông tin giả, thông tin không chính thức, xấu độc, có dụng ý bịa đặt,
xuyên tạc, gán ghép trên internet, MXH liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự.
Để thực hiện tốt chỉ
đạo của Ban Bí thư, có nhiều việc cần làm, nhưng trước hết mỗi đảng viên và
quần chúng phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo trước những thông tin sai trái như
đã nêu, kịp thời phát hiện và tẩy chay, không tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền thông
tin xấu độc, nhất là trên không gian mạng. Muốn làm được điều đó, ngoài việc
học tập tìm hiểu, rèn luyện của mỗi người, các cấp ủy đảng cần chú trọng đẩy
mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị,
trang bị phương pháp xem xét, tiếp cận thông tin một cách đúng đắn, khoa học
cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Chỉ có bản lĩnh vững vàng, nhận thức đầy
đủ, hiểu biết thấu đáo, dân trí nâng cao thì đảng viên và người dân mới có thể
đủ sức đề kháng để tự phòng vệ trước các luồng thông tin tiếp nhận.
Cùng với đó, cần tăng
cường thông tin chính thống, đặc biệt là những thông tin liên quan đến công tác
tổ chức cán bộ, công tác nhân sự chuẩn bị cho đại hội đảng để đáp ứng nhu cầu
thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cơ quan lãnh đạo của Đảng phải
công minh, tỉnh táo để tiếp nhận, xử lý thông tin trái chiều một cách thấu đáo,
đúng pháp luật và Điều lệ của Đảng. Khi thông tin chính thống được dân chủ,
công khai, minh bạch, thông thoáng, nhân dân sẽ tin hơn và kẻ xấu muốn lợi dụng
để xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu cũng khó mà thực hiện.
Mặt khác, mỗi chúng ta
phải có trách nhiệm kịp thời lên tiếng, đấu tranh, đẩy lùi thông tin xuyên tạc,
bịa đặt; kiên quyết không để kẻ xấu coi thường kỷ cương phép nước, cố tình bôi
nhọ uy tín, thanh danh cán bộ, đảng viên, nói xấu Đảng, Nhà nước và cá nhân các
đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm gây hoang mang dư luận, gây nghi kỵ lẫn
nhau, chia rẽ đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng không tốt đến công tác chuẩn bị nhân
sự của đại hội đảng các cấp, nhất là Đại hội XIII của Đảng.