Gần đây, Cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Quốc phòng tống
đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam một số đối tượng
nguyên cán bộ thuộc Binh đoàn 15 (Tổng công ty 15) để điều tra những vi phạm
pháp luật trong quá trình công tác khi còn đương chức.
Đây là việc xử lý cần thiết
nhằm giữ gìn kỷ cương phép nước, kỷ luật quân đội. Tuy nhiên, các thế lực thù
địch, cơ hội chính trị lợi dụng vụ việc trên để xuyên tạc, bôi nhọ quân đội.
Hành vi đen tối đó chính là hành vi của những “săng-ta chính trị” như cách gọi
của V.I.Lênin.
Vẫn
luận điệu “chọc gậy bánh xe”, tạo dựng mâu thuẫn
Ngày 8-3, CQĐT của Bộ Quốc
phòng tống đạt quyết định bắt tạm giam, khám xét nhà riêng Đại tá Đỗ Văn Sang,
nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh đoàn 15 và Đại tá Phạm Văn Giang,
nguyên Giám đốc Công ty 72 thuộc Binh đoàn 15 để điều tra về hành vi vi phạm
quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo quy
định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Sự việc trên lập tức được
một số trang mạng xã hội xuyên tạc, “chọc gậy bánh xe”, tạo dựng mâu thuẫn nội
bộ với những luận điệu phản động, suy diễn. Từ những hiện tượng đơn lẻ, hành vi
vi phạm của một số cá nhân..., các thế lực thù địch xuyên tạc thực tiễn, hướng
lái sang luận điệu xưa cũ khi “khuyến cáo” Đảng và Nhà nước “xem lại” chủ
trương quân đội làm kinh tế... Nghiêm trọng hơn, từ những hiện tượng nêu trên,
một số trang thông tin điện tử, facebook bới móc, thêm thắt, dắt dây, bôi nhọ
các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng.
Có thể thấy rằng, những
luận điệu xuyên tạc, gây kích động lần này cũng chỉ là “bổn cũ soạn lại”, không
khác nhiều so với những lần trước mỗi khi Đảng, Nhà nước, quân đội phát giác và
thực hiện quy trình tố tụng với các cán bộ vi pháp pháp luật. Lần này, vẫn với
chiêu thức cũ, chúng đã biến những sự việc cụ thể và sai phạm của các cá nhân,
để xuyên tạc, phủ nhận chủ trương đúng đắn trong tham gia xây dựng kinh tế của
doanh nghiệp quân đội và bôi nhọ lãnh đạo cấp cao. Từ đó, hạ thấp uy tín của
quân đội, phá hoại sức mạnh, chỗ dựa của Đảng, Nhà nước và nhân dân, công phá
vào “thành trì của niềm tin”. Luận điệu thâm độc ấy cần được vạch trần, làm rõ…
Xử lý
nghiêm minh, chủ trương nhất quán
Trước hết, cần khẳng định,
việc xử lý các cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao có sai phạm, vi phạm pháp luật là
cần thiết để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, không ngừng làm trong sạch bộ máy
của Đảng, Nhà nước. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng
như theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong kháng chiến trước kia và hòa bình, xây dựng
đất nước hiện nay.
Ngay từ những ngày đầu
kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã kiên quyết chống tham ô, tiêu cực với tinh thần: Xử lý nghiêm minh, bất kể
người đó là ai. Năm 1950, thông tin Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân
nhu vi phạm pháp luật nghiêm trọng được gửi đến Trung ương. Bác Hồ giao Thiếu
tướng Trần Tử Bình, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Phó tổng Thanh tra Quân đội
yêu cầu điều tra làm rõ. Ít lâu sau, nhận báo cáo điều tra cụ thể, Bác Hồ dứt
khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan,
nguy hiểm”. Năm 1964, Bác Hồ tiếp tục nhận được ý kiến xin giảm tội cho một cán
bộ tha hóa, biến chất là một thứ trưởng. Sau khi xem xét, cân nhắc, Người quyết
định: "Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt".
Đó chỉ là hai ví dụ trong
rất nhiều trường hợp cán bộ sai phạm bị Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên
quyết xử lý nghiêm khắc. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI
và XII), với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, nhiều vụ đại
án với không ít cán bộ cấp cao, trong đó có tướng lĩnh quân đội, công an bị xử
lý kỷ luật, pháp luật.
Phải xem xét, xử lý cán bộ,
đảng viên, nhất là các đồng chí cán bộ cấp cao là điều không ai mong muốn.
Nhưng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” thì
nhất định phải loại khỏi đội ngũ những phần tử thoái hóa, biến chất, “kỷ luật
vài người để cứu muôn người” như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú
Trọng từng khẳng định. Vì thế, việc xử lý các sai phạm của một số cán bộ quân
đội, trong đó có người nguyên là cán bộ của Binh đoàn 15 thời gian qua là bình
thường. Nó không chỉ thể hiện sự nghiêm minh, thượng tôn pháp luật mà còn củng
cố niềm tin của nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ, chứ không phải “làm suy giảm
năng lực bảo vệ chủ quyền quốc gia của một dân tộc” như sự xuyên tạc của một số
đối tượng thù địch với cách mạng Việt Nam.
Việc xử lý nghiêm minh đó
tiếp tục thể hiện tinh thần cách mạng tiến công, trách nhiệm chính trị và thái
độ không khoan nhượng của Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng với các
sai phạm của cán bộ đương chức cũng như nguyên chức trong quân đội. Đó là sự cụ
thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây
dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ Quân đội; đúng như chỉ đạo và mong muốn của
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng: Quân
đội phải luôn gương mẫu đi đầu, ngăn chặn cho được những biểu hiện suy thoái,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phải vô tư trong sáng, tuyệt đối
trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; không ngừng rèn luyện, phấn
đấu, giỏi kỹ chiến thuật; giữ gìn mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, giữ
nghiêm kỷ cương, kỷ luật… Vì lẽ đó, việc “quy chụp trách nhiệm”, xuyên tạc và
bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng hòng hạ thấp uy tín quân
đội, chia rẽ nội bộ, làm giảm sút niềm tin của nhân dân là thủ đoạn đầy ác ý,
vô căn cứ, cần bị vạch trần và lên án.
Một quan điểm nhất quán nữa
của Đảng mà những “săng-ta chính trị” xuyên tạc từ vụ án của một số cán bộ của
Binh đoàn 15 vừa qua, đó là chủ trương quân đội làm kinh tế. Có thể thấy, quân
đội tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế không phải là vấn đề mới mà
nó gắn liền với quá trình ra đời, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của
quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Ở Việt Nam, tham gia sản xuất, xây dựng kinh
tế, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân phát triển kinh tế-xã hội là một chức
năng cơ bản của QĐND Việt Nam, vừa thể hiện sâu sắc bản chất, truyền thống Bộ
đội Cụ Hồ, vừa cho thấy ý thức, trách nhiệm chính trị của quân đội trong việc
quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về kết hợp kinh tế với
quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.
Quan điểm quan trọng nêu
trên cũng đã được hiến định. Điều 68 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam (sửa đổi năm 2013) ghi rõ: “... kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh
tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh...”. Việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với
quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước
Việt Nam. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là của toàn dân, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là
ở nơi dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Tham gia lao động
sản xuất, phát triển kinh tế của quân đội cũng chính hướng tới mục tiêu đó.
Một điều dễ nhận thấy trong
thực tiễn, đó là, các đơn vị quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt trong xây
dựng các khu kinh tế-quốc phòng thực sự là nhân tố quan trọng trong công cuộc
xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh
tế, xã hội ở từng địa phương, vùng, miền gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh
của đất nước; tham gia có hiệu quả xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, tăng
cường quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên
giới, biển, đảo, vùng căn cứ cách mạng, đẩy lùi các hủ tục; xây dựng làng, bản
văn hóa; cùng đồng bào các dân tộc xây dựng vành đai biên giới, xây dựng “thế
trận lòng dân” vững chắc.
Như vậy, lao động sản xuất
là một nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của QĐND Việt Nam, một nhân tố làm nên
nhân cách, phẩm giá Bộ đội Cụ Hồ. Vì thế, những luận điệu đòi “xem lại” chủ
trương quân đội làm kinh tế vì cho rằng "sự phối kết giữa quốc phòng với
làm kinh tế chỉ tạo ra “quái thai”, là cội nguồn của nhiều vấn nạn"… là
không có cơ sở thực tiễn và không thể chấp nhận.
Những
“săng-ta chính trị” và thái độ của chúng ta
Vào đêm trước của cuộc Cách
mạng Tháng Mười Nga, lãnh tụ V.I.Lênin đã viết bài “Một vụ săng-ta chính trị”
trên Báo Người vô sản đăng số 10, ngày 6-9-1917 nhằm đấu tranh chống lại bọn
săng-ta chính trị. Đó là bọn chuyên "vu khống, dối trá, ám chỉ, tố cáo và
phao tin đồn nhảm". Mục đích của bọn phản động này là: Bịa đặt, dọa dẫm,
vu khống Đảng và các lãnh đạo của Đảng. Trong công tác xây dựng Đảng về tư
tưởng, bảo vệ Đảng trong những thời khắc khó khăn khi mà các lực lượng đối lập,
thù địch bôi nhọ Đảng, chia rẽ Đảng với quần chúng nhân dân, giai cấp công nhân
với nông dân và trí thức, V.I.Lênin đã viết: “Chúng ta tin tưởng ở đảng, chúng ta
thấy ở đó trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta”. Trước “phút
giao thừa” của cuộc cách mạng, quyết tâm “bảo vệ năng lực công tác của đảng ta,
bảo vệ các lãnh tụ của đảng”, V.I.Lênin đã kêu gọi toàn thể đảng viên nâng cao
nhận thức, cảnh giác trước những âm mưu chia rẽ nội bộ và hãy đoàn kết, siết
chặt đội ngũ, tin tưởng vào tư cách của một đảng chân chính cách mạng và bảo vệ
nền tảng Chủ nghĩa Mác, bảo vệ các lãnh tụ của Đảng. "Chúng ta hãy kiên
quyết vạch mặt bọn săng-ta. Hãy kiên quyết đưa những mối nghi ngờ nhỏ nhất ra
trước sự xét xử của những người công nhân giác ngộ, ra trước sự xét xử của đảng
chúng ta", V.I.Lênin kêu gọi.
Trong thời đại bùng nổ
thông tin hiện nay, các thế lực cơ hội chính trị, thù địch, phản động với nhiều
“mưu ma chước quỷ” thường xuyên gieo rắc thông tin xấu độc, xuyên tạc tình
hình, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo. Trước các loại thông tin bịa đặt như thời
gian qua, mỗi chúng ta cần hết sức tỉnh táo, biết phân tích để phân biệt đúng
sai. Đồng thời có thái độ kiên quyết đấu tranh, phản bác bằng những thông tin
chính thống, công khai, minh bạch. Đó là thái độ, ý thức và trách nhiệm chính
trị của mỗi cán bộ, đảng viên, công dân, quân nhân, góp phần đẩy lùi bóng tối
thông tin, bảo vệ thanh danh của Đảng, uy tín của quân đội, nhất là khi chúng
ta đang tiến hành đại hội đảng các cấp hướng tới Đại hội Đảng bộ Quân đội lần
thứ XI và Đại hội XIII của Đảng.