Đến thời điểm này, nhiều tổ chức đảng ở cơ sở
tiến hành xong đại hội nhiệm kỳ, bầu ra cấp ủy, bí thư, phó bí thư khóa mới.
Chất lượng, hiệu quả công việc những người được bầu có đáp ứng kỳ vọng của đại
đa số đảng viên hay không sẽ cần thời gian trả lời.
Vấn đề phải được nhìn nhận
nghiêm túc, thấu đáo là các đảng viên có quyền bầu cử đã ứng xử với lá phiếu
bầu ấy như thế nào? Lá phiếu ấy có là sự lựa chọn sáng suốt, công tâm, gắn với
trách nhiệm cao nhất của đảng viên hay không? Lá phiếu ấy có bị sử dụng để
triệt hạ người khác hay không?
Lời
thề dưới cờ Đảng
Lời phát biểu của một đảng
viên tại đại hội của một chi bộ mà tôi được dự thính gợi lên nhiều điều đáng
suy ngẫm: “Mong rằng những đồng chí được bầu vào cấp ủy tới đây phải thực sự
tạo được mối đoàn kết thống nhất; giữ được sự công bằng, khách quan trong công
việc; tránh tình trạng ưu ái ai thì che lấp sai sót, thổi phồng thành tích,
không thích ai thì chì chiết khuyết điểm; tránh mọi biểu hiện cục bộ, bè phái,
cơ hội, vụ lợi, chỉ lo thu vén cá nhân; tránh cho được biểu hiện háo danh, phô
trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên
tuổi. Một con người có tính cách “chỉ nghĩ lợi cho mình” khi được trao quyền
lực càng có điều kiện để thực hiện điều này… Ở chiều ngược lại, khi thực hiện
quyền bầu cử của mình, mọi đảng viên phải đặt quyền lợi của tập thể lên trên
hết; phải thấy vinh dự nhưng cũng phải thấy trách nhiệm cao cả của mình khi sử
dụng lá phiếu bầu cử”. Đó là một ý kiến thẳng thắn, chân thành và cần
thiết với bất cứ tổ chức đảng nào.
Từ cuộc Tổng tuyển cử Quốc
hội khóa đầu tiên của nước ta năm 1946, Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân từ 18 tuổi
trở lên đi bầu cử để chọn người có đức, có tài cho đất nước. Bác đã nói rằng,
lá phiếu của cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng
lớn.
Quyền bầu cử và ứng cử là
những quyền chính trị cơ bản của công dân đã được hiến định trong Hiến pháp.
Đối với đảng viên, Điều lệ Đảng quy định chặt chẽ và rõ ràng: Đảng viên có
quyền ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định
của Ban Chấp hành Trung ương (đảng viên chính thức). Việc bầu cử ấy có ý nghĩa
quyết định để lập ra các cấp ủy đảng thực hiện các công việc của Đảng, đồng
thời nó cũng là cơ sở, là thành tố rất quan trọng để Đảng phân công cán bộ vào các
vị trí lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị, đặc biệt là cơ quan công
quyền. Điều này hoàn toàn phù hợp bởi Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền,
Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Mỗi
lá phiếu của đảng viên gánh trọng trách là "viên gạch hồng" góp phần
dựng xây Đảng, cũng là xây dựng đất nước.
Lịch sử hơn 90 năm ra đời,
phát triển, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sở dĩ Đảng ta luôn giữ vững được vai
trò lãnh đạo, “Đảng là đạo đức, là văn minh” chính là do Đảng đã thực hiện xuất
sắc trọng trách vì nước, vì dân, trong đó thực hiện tốt quyền bầu cử của đảng
viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muôn việc thành công hay thất bại đều
do cán bộ tốt hay kém”. Bầu cử trong Đảng là chọn được người tốt, người tài để
gánh vác việc Đảng, việc nước. Nếu không chọn được người xứng đáng thì chính
Đảng sẽ lâm nguy, sẽ dần mất vai trò lãnh đạo.
Trên thực tế, đảng viên
thực hiện quyền bầu cử của mình thông qua lá phiếu. Lá phiếu ấy không chỉ là
nghĩa vụ, trách nhiệm, mà nó còn thể hiện sự tôn trọng tổ chức, tôn trọng chính
bản thân đảng viên. Đồng nghĩa, mọi đảng viên phải thể hiện trí tuệ sáng suốt,
bản lĩnh vững vàng khi bỏ lá phiếu đó. Làm được như thế, đảng viên đã thực hiện
được quyền của mình một cách tốt nhất, đầy đủ nhất, dân chủ nhất. Rất đáng tiếc
khi vẫn còn hiện tượng một số đảng viên bầu cử mà không rõ quan điểm của mình,
lựa chọn a dua, cảm tính hay theo bè theo cánh…
Nguyên
tắc tập trung dân chủ - kim chỉ nam bầu cử trong Đảng
Lá phiếu khi bầu cử là
trách nhiệm cao cả của đảng viên, nhưng không có nghĩa với lá phiếu trên tay,
cùng những quyền được quy định, đảng viên muốn làm thế nào cũng được. Lá phiếu
là biểu hiện cụ thể của quyền lực, nhưng nó phải trong khuôn khổ, như con tàu
chỉ chạy trên đường ray. Lại cũng có quan điểm cho rằng, việc bầu cử chỉ là lấy
lệ, là hình thức, bởi “công tác nhân sự đã xong hết rồi”. Nhận thức ấy thật
không chính xác và không đúng với nguyên tắc tổ chức của Đảng. Trên thực tế, có
thể đâu đó có tổ chức đảng làm không chặt chẽ, nhưng chỉ là hiện tượng. Hãy
cùng phân tích cả lý luận và thực tiễn về quan điểm này.
Sở dĩ Đảng ta là một tổ
chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động là do Đảng được tổ chức một cách
khoa học. Điều rất quan trọng, đảng viên thực hiện quyền của mình nhưng phải
trong khuôn khổ những quy định chặt chẽ của Điều lệ Đảng, thống nhất từ chi bộ
đến Ban Chấp hành Trung ương. Đảng lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức
cơ bản. Đảng viên thực hiện quyền bầu cử bằng lá phiếu của mình nhưng phải chấp
hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ.
Bằng tài năng uyên bác của
mình, ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, V.I.Lênin đã đề ra nguyên tắc tập trung
dân chủ và lấy đây là nguyên tắc tổ chức cơ bản của một đảng Mác-xít. Nguyên
tắc ấy được Đảng ta vận dụng, phát triển vào chính điều kiện, hoàn cảnh của
Việt Nam. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là điều kiện bảo đảm phát huy
sáng kiến và tính tích cực sáng tạo của mọi tổ chức đảng, mọi đảng viên; đồng
thời bảo đảm sự thống nhất ý chí, thống nhất hành động của toàn Đảng. Nó hoàn
toàn không khó hiểu, không giáo điều mà rất khoa học. Cụ thể ở đây là, thực
hành dân chủ rộng rãi trong Đảng. Mọi đảng viên đều được thảo luận, thẳng thắn
nói hết ý kiến của mình, và khi đã thành nghị quyết thì mọi người đều phải chấp
hành, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức, cấp dưới phục tùng
cấp trên, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng đại hội toàn quốc và Ban Chấp
hành Trung ương. Nghị quyết của Đảng đều phải được biểu quyết theo đa số. Sau
khi có nghị quyết, mọi đảng viên đều phải chấp hành; nếu có điểm nào không đồng
ý thì đảng viên được quyền bảo lưu ý kiến hoặc đề đạt ý kiến của mình lên các
cơ quan cấp trên cho đến đại hội đại biểu toàn quốc, nhưng vẫn phải chấp hành
nghị quyết của Đảng.
Cũng chính Lênin đã rất
nhiều lần nhấn mạnh: "Giai cấp vô sản có một chế độ tập trung tuyệt đối và
có kỷ luật hết sức nghiêm minh…”. Rõ ràng, thống nhất ý chí, thống nhất hành
động là yêu cầu cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định sức mạnh của Đảng.
Đảng không chỉ khuyến khích mà còn yêu cầu các đảng viên thực hiện nghiêm túc
tự phê bình và phê bình nếu cá nhân mình hoặc đồng chí mình có khuyết điểm. Rất
đáng lên án hiện tượng lúc hội họp, thảo luận thì không phê bình, không đấu
tranh, nhưng lại dùng lá phiếu, hay những hình thức khác đi ngược lại với lợi
ích chung của tập thể. Điều ấy chỉ gây hại cho Đảng, gây ra sự mất đoàn kết và
là nguyên nhân làm cho tổ chức đảng suy yếu, mất vai trò lãnh đạo. Bởi thế, bất
luận hoàn cảnh nào, lá phiếu cũng không thể được dùng làm vũ khí để triệt hạ,
để tấn công, để tư thù, để kéo bè kết cánh.
Thực tế cũng chứng minh,
những tổ chức đảng mất đoàn kết, kéo bè kéo cánh, cán bộ, đảng viên không cùng
ý chí đều xảy ra những bài học đáng tiếc. Hậu quả là chi bộ, đảng bộ, tổ chức
đảng ở đó đều không hoàn thành nhiệm vụ, mất vai trò lãnh đạo.
Chuẩn
bị nhân sự tốt để bầu cử tốt
Để đảng viên thực hiện tốt
quyền bầu cử của mình thông qua lá phiếu thì cùng với trách nhiệm cao nhất của
từng đảng viên, nó cũng đòi hỏi tổ chức đảng, cấp ủy đảng phải lựa chọn được
những con người xứng đáng khi đề cử, ứng cử, biểu quyết danh sách bầu cử khóa
mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đại hội là dịp để ta sàng lọc cán bộ chứ không
chỉ bàn phương hướng. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán
bộ”. Những người được lựa chọn, giới thiệu, ứng cử, đề cử để bầu vào cấp ủy,
các vị trí lãnh đạo nhiệm kỳ mới phải là những người tiêu biểu về phẩm chất đạo
đức, năng lực công tác, tiên phong, gương mẫu, xứng đáng đại diện cho tập thể.
Nếu sự lựa chọn không đạt được các tiêu chí đó sẽ là nguyên nhân khiến các đảng
viên không phục, lá phiếu bầu ấy sẽ không đạt được chất lượng cao nhất. Trong
suy nghĩ của đại đa số đảng viên, ai cũng mong muốn, cũng đặt niềm tin vào một
cấp ủy đảng trí tuệ, công tâm, vì tập thể. Mỗi đồng chí được tín nhiệm phải
luôn ghi nhớ, họ đã gánh trọng trách nặng nề hơn-ấy chính là niềm tin mà tập
thể gửi gắm vào mình. Bởi thế, nếu thấy mình không đủ phẩm chất, năng lực, uy
tín, không đáp ứng được sự kỳ vọng của tập thể thì hãy dũng cảm xin rút khỏi vị
trí đó. Mỗi lá phiếu được bầu không chỉ giúp tổ chức đảng chọn ra được cấp ủy,
vị trí lãnh đạo mới mà cũng chính là "thuốc thử" đối với các đồng chí
được bầu. Kết quả ấy là "gương soi" phản chiếu để người được bầu tự
xem xét, thấy rõ những ưu điểm cũng như hạn chế, thiếu sót của bản thân để rút
kinh nghiệm, sửa chữa khắc phục. Đó thực sự là những đánh giá hết sức xác đáng.
Hơn 90 năm vinh quang của
Đảng ta đã để lại nhiều bài học quý. Nhiều bài học được đúc rút từ sự
thành công nhưng cũng có những bài học được rút ra từ chính những sai lầm,
khuyết điểm, đặc biệt trong vấn đề lựa chọn con người. Khi sự lựa chọn sai, bầu
ra những con người không xứng đáng sẽ chỉ làm cho tổ chức đảng yếu đi. Khi đó
Đảng chỉ còn là bức bình phong cho một số cá nhân đặc quyền đặc lợi. Những con
số mà các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên bị kỷ luật thời gian qua dù rất đau
đớn nhưng đã thừa nhận một phần thực tế tất yếu khi sự lựa chọn trao quyền là
không đúng. Chỉ tính từ năm 2013 đến tháng 6-2019, cấp ủy và ủy ban kiểm tra
các cấp đã kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật hàng chục nghìn cán bộ, đảng
viên. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến tháng 12-2019, đã có gần
90 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật (cả đương chức và nghỉ hưu). Ấy là
bài học rất đau xót trong lựa chọn cán bộ.
Nhắc lại lời dạy của Chủ
tịch Hồ Chí Minh để mỗi đảng viên chúng ta khắc cốt ghi tâm rằng: “Một dân tộc,
một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không
nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng
dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét