ÂM NHẠC ĐỂ
XUYÊN TẠC, CHỐNG PHÁ ĐẤT NƯỚC
QĐND - Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”
trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, các thế lực thù địch sử dụng mọi chiêu trò
chống phá Việt Nam trên nhiều phương diện với các thủ đoạn hết sức thâm độc,
tinh vi; trong đó lợi dụng các hoạt động âm nhạc để tác động tiêu cực về tinh
thần, tư tưởng đang được chúng coi là một trọng điểm.
Do vậy, việc nhận diện và
đấu tranh với những chiêu trò của các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động này
để chống phá cách mạng Việt Nam trong tình hình hiện nay là rất cần thiết.
Mục tiêu chống phá trên
lĩnh vực âm nhạc của các thế lực thù địch nằm trong mục tiêu chống phá trên
lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, đó là: Xuyên tạc, phủ nhận, tiến tới xóa bỏ sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nền văn hóa, văn học, nghệ thuật và đội
ngũ văn nghệ sĩ nước nhà. Thông qua âm nhạc để tuyên truyền, xuyên tạc, gây
chia rẽ nội bộ, hoài nghi lịch sử, “phi chính trị hóa” giới nghệ sĩ, tạo ra
nhiều xu thế ly khai, thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước;
khuyến khích những xu hướng âm nhạc xa lạ làm nhiễu loạn lối sống, đạo đức, văn
hóa Việt Nam.
Về thủ đoạn, các đối tượng
sử dụng mạng lưới thông tin tuyên truyền, chủ yếu là mạng xã hội và một số diễn
đàn, chương trình nghệ thuật để truyền bá, xuyên tạc, bóp méo quan điểm, chủ
trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với lĩnh vực nghệ thuật. Vu
cáo Đảng Cộng sản Việt Nam bóp nghẹt tự do, dân chủ, áp đặt máy móc quan điểm
trong nghệ thuật, trấn áp những nghệ sĩ đấu tranh cho tự do tư tưởng, tự do
sáng tạo; bôi nhọ, đả kích các nhân vật, nhà phê bình nghệ thuật có quan điểm
chính thống, đúng đắn; phê phán, làm trầm trọng hóa một vài sai sót của cơ quan
quản lý Nhà nước trong việc cấp phép lưu hành, hoặc cấm lưu hành các tác phẩm
nghệ thuật nhạy cảm. Đặc biệt, chúng triệt để khai thác những sáng tác nghệ
thuật lệch lạc, tiêu cực, bị phê phán mạnh mẽ trong nước để phổ biến, tán phát
rộng rãi; thậm chí còn tổ chức trao giải thưởng, trả nhuận bút cao, khích lệ
tính hám danh của một số nghệ sĩ, lôi kéo họ vào hoạt động chống đối chính trị,
đưa ra những phát ngôn, sáng tác bất lợi cho đất nước và chế độ xã hội chủ
nghĩa (XHCN).
Ở trong nước, thời gian gần
đây, môi trường âm nhạc đang bị ô nhiễm với các album nhạc chế tiêu cực đưa
lên trang mạng, blog, YouTube của một bộ phận giới trẻ, hay hiện
tượng một số nhạc sĩ, ca sĩ trẻ thành danh sáng tác, phát hành một số ca khúc
với ca từ vô nghĩa, dung tục, thô thiển, phản văn hóa, suy đồi đạo đức, mang
mặc trang phục biểu diễn hở hang, dị biệt; cả việc một số chương trình lạm
dụng, khai thác quá đà dòng nhạc dư luận cho là “sến sẩm”… đã không nhận được sự
đồng tình, thậm chí là rất bức xúc của đông đảo công chúng yêu nhạc. Nghiêm
trọng hơn, một số văn nghệ sĩ có biểu hiện cực đoan hoặc bị các thế lực thù
địch lôi kéo nên đã sáng tác và truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại
với lợi ích của nhân dân và đất nước; bộc lộ thái độ hoài nghi vào sự lãnh đạo
của Đảng, có những phát ngôn sai trái, lệch lạc; có trường hợp lợi dụng danh
nghĩa giáo viên dạy nhạc, thường xuyên tuyên truyền những ca khúc có nội dung
kích động, chống chính quyền, phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chủ trương, chính
sách của Đảng, Nhà nước… Những vụ việc, hiện tượng nêu trên đang làm vẩn đục
dòng chủ lưu âm nhạc Việt Nam, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ tiếp tay cho các
thế lực thù địch chống phá nghệ thuật cách mạng, chống phá chế độ XHCN ở Việt
Nam.
Để tiếp tục xây dựng, phát
triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc và chủ
động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù
địch trên lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc, trước hết cần tiếp tục đổi mới và
nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo của Đảng đối với nghệ thuật; bồi dưỡng,
nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, đặc trưng của nghệ thuật cho cán bộ,
đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, cán bộ
trực tiếp chỉ đạo, quản lý lĩnh vực này. Xây dựng cơ chế lãnh đạo, quản lý khoa
học, bảo đảm được định hướng chính trị; khắc phục những hiện tượng can thiệp
thô thiển đối với hoạt động nghệ thuật cũng như xu hướng thả nổi, không phê
phán những tác giả, tác phẩm đi ngược lại các giá trị chân-thiện-mỹ, những giá
trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và cách mạng.
Không ngừng đổi mới nội
dung, hình thức, nâng cao số lượng, chất lượng các hoạt động nghệ thuật. Xây
dựng đề án và cơ chế bảo tồn, truyền bá các loại hình nghệ thuật cổ truyền;
tăng cường quảng bá các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng tốt, định hướng thẩm
mỹ cho công chúng. Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, phát triển lý luận nghệ thuật.
Kiên quyết khắc phục những yếu kém kéo dài của hoạt động phê bình nghệ thuật.
Nâng cao năng lực, hiệu quả
lãnh đạo của tổ chức đảng trong các đơn vị hoạt động văn nghệ, quan tâm bồi
dưỡng, kết nạp vào Đảng những văn nghệ sĩ trẻ tuổi, tâm huyết, có nhiều cống
hiến đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật nước nhà. Củng cố, đổi mới
hoạt động của các hội nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương nhằm nâng cao
khả năng tập hợp, động viên phát huy tiềm năng sáng tạo và phát triển đội ngũ
nghệ sĩ. Tích cực phát triển văn nghệ quần chúng, hướng dẫn, khuyến khích
quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn
hóa văn nghệ truyền thống của dân tộc.
Cùng với đó, cần nêu cao
cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực
thù địch lợi dụng các hoạt động âm nhạc để chống phá Việt Nam. Tập trung tuyên
truyền, giáo dục để mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là đội ngũ văn nghệ
sĩ nhận thức rõ, đề cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các
thế lực thù địch đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” văn học,
nghệ thuật, muốn tách các lĩnh vực này ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước Việt Nam. Phát huy tốt vai trò các cơ
quan tuyên giáo, Hội đồng Lý luận phê bình văn học-nghệ thuật Trung ương, các
cơ quan nghiên cứu chiến lược, cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật và đội
ngũ chuyên gia, chuyên sâu đấu tranh trên lĩnh vực nghệ thuật. Tổ chức tốt các
hoạt động nghệ thuật trọng điểm, các đợt sáng tác, quảng bá, biểu diễn rộng rãi
các tác phẩm nghệ thuật để lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy chân-thiện-mỹ dẹp cái
phản văn hóa, nhất là vào thời điểm trước, trong và sau các ngày lễ lớn, các sự
kiện chính trị trọng đại của đất nước.
Đẩy mạnh phòng, chống suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong lĩnh vực nghệ thuật và đội ngũ nghệ sĩ. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng
trong các đơn vị hoạt động nghệ thuật cần coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo
toàn diện và sức chiến đấu; xây dựng kế hoạch của tập thể và chỉ đạo mỗi nghệ
sĩ thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng người nghệ sĩ “chuyên môn giỏi, văn
hóa, đạo đức tốt, sống có trách nhiệm với bản thân, với công chúng và với đất
nước”; cam kết không vi phạm 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Kết hợp chặt chẽ quản lý của tổ
chức với tự quản lý của mỗi cá nhân, qua đó kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những
nhận thức mơ hồ, lệch lạc, những tư tưởng ly tâm, những hành vi mang tính phản
kháng trong các hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật có thể dẫn đến “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ nghệ sĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét