MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG ĐẤU TRANH
VỚI CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, XUYÊN TẠC VỀ HỒ
CHÍ MINH
Trần Trí Nam
Thời gian gần
đây, trên các phương tiện thông tin truyền thông xuất hiện nhiều quan điểm sai
trái, xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đáng
chú ý như Trọng Đạt, Thụy Khuê, Ngô Kỷ… và các tổ chức người Việt lưu vong ở
nước ngoài. Chúng thường tán phát, đăng tải các tài liệu, clip bóp méo thông
tin, xuyên tạc, đổi trắng thay đen, cực đoan, thậm chí một số còn dùng những
lời lẽ hằn học, chửi bới, mạt sát Hồ Chí Minh, v.v… Bằng các thủ đoạn như: bịa
đặt nhân chứng, tài liệu, hoặc dựa trên một vài sự kiện có thật để xuyên tạc về
cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh, cộng với cách trình bày lắt léo, với bút pháp
có vẻ ly kỳ hấp dẫn nên chúng đã đánh lừa được không ít người nhẹ dạ cả tin.
Ngoài ra, số
người viết sách, báo, cả báo viết, cả báo mạng, để cố tình xuyên tạc Hồ Chí
Minh cho đến nay không ít. Họ xuyên tạc đủ điều, “bôi đen” Hồ Chí Minh từ đời
riêng, đến cả các mối quan hệ công tác và cố ý khái quát cả những hiện tượng
nhất thời, không đúng. Một số cá nhân bất mãn đã cực đoan, xuyên tạc, hằn học,
thâm thù Hồ Chí Minh. Họ làm ra vẻ là những người “trong cuộc”, là những người
nằm trong lòng các sự kiện đó, nên họ cho rằng, họ là những người nắm chắc được
bản chất của sự kiện để đưa ra thông điệp cho người đọc, người nghe rằng, những
điều họ viết, họ nói mới là sự thật. Đáng nực cười còn có những kẻ tự phong cho
mình là người “vén những tấm màn bí mật” ở chốn “thâm cung bí sử”. Song dễ nhận
thấy rằng họ thường là người bất mãn với chế độ chính trị, với cách mạng Việt
Nam, bị nhiều người coi là “những phần tử phản động”,… Vì vậy, họ có thái độ
cay cú, sẵn sàng bịa chuyện, hoặc dựa trên một vài sự kiện, tài liệu có thật để
rồi thêm thắt, bình luận, hoặc viết rất ly kỳ, tinh vi để nói xấu Hồ Chí Minh,
nói xấu cách mạng, tự bào chữa cho những sai lầm của họ hoặc gia đình họ trong
quá khứ, hoặc nhấn mạnh, tô đậm những sai lầm, khuyết điểm của Đảng.
Rõ ràng các
quan điểm sai trái, xuyên tạc về Hồ Chí Minh đều thiếu cơ sở khoa học và đều
mang tính suy diễn, chủ quan, áp đặt, thêu dệt, thổi phồng, đánh tráo thông
tin. Và tất cả các công trình khoa học đúng đắn về Hồ Chí Minh cả ở trong nước
và ngoài nước được công bố tự nó là những mũi tiến công vào những luận điệu
xuyên tạc về Hồ Chí Minh. Nhưng, chừng ấy thôi chưa đủ. Rất cần tới việc mọi
người, trước hết là cán bộ, đảng viên phải tự nâng cao ý thức cảnh giác, không
ngộ nhận trước những loại thông tin gọi là “mới” loan truyền trên mạng hoặc qua
con đường rỉ tai nhau có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ về Hồ Chí Minh, về cả
những bài viết, những tác phẩm đấu tranh trực diện để chống lại những luận điệu
đó.
Có người cho
rằng, những luận điệu xuyên tạc với cái tâm xấu ấy, những giọng điệu cực đoan,
chửi rủa, mạt sát ấy không đáng để chúng ta viết bài chống lại; cách tốt nhất
là hãy cứ “lờ” đi, chỉ cần có những công trình nghiên cứu nghiêm chỉnh, đúng
đắn về Hồ Chí Minh là đủ, v.v… Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. Trong
tình hình hiện nay, rất cần thiết phải có những bài viết trực diện phản bác lại
những luận điệu xuyên tạc cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh. Để làm tốt
điều này, cần chú ý đến đối tượng phản bác. Những người xuyên tạc Hồ Chí Minh
thường có cái tâm xấu, hoàn toàn có quan điểm, lập trường khác chúng ta. Do
vậy, không nên lấy lời lẽ chửi rủa để đối lại lời lẽ chửi rủa của những người xuyên
tạc. Những luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh của những người không có tâm trong
sáng thường là rất cực đoan. Sự phê bình nào cũng cần cái chất văn hóa, có như
thế sự phê bình, phê phán mới ở tầm trí tuệ, mới có tác dụng. Những bài phê
phán, phản bác sắc bén bao giờ cũng cần đi kèm với lối lập luận, với hành văn
trong sáng, hấp dẫn, đầy tính nhân văn, hướng thiện, hướng cho người đọc vào
cái đẹp của tình và lý. Nên chăng chúng ta cần chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ xung kích đấu tranh chống
lại các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh. Cần có những bài viết phản bác kịp
thời. Muốn vậy, phải có bộ phận chuyên trách theo dõi để phối hợp hoạt động
nhịp nhàng giữa nhân tố nòng cốt với công chúng.
Thứ hai, kịp thời, đúng lúc cung cấp tài liệu cho cả người viết và
người đọc. Đây là yếu tố rất quan trọng, bởi lẽ kịp thời, đúng lúc là một nhân
tố bảo đảm sự thắng lợi trong cuộc đấu tranh tư tưởng nói chung, nhất là trong
thời buổi công nghệ thông tin phát triển nhanh đến chóng mặt như hiện nay. Theo
đó, chúng ta cần tận dụng các phương tiện một cách phong phú, hiệu quả. Chưa
bao giờ mặt trận tư tưởng được mở rộng với nhiều phương tiện, hình thức như
giai đoạn hiện nay. Do vậy, người chiến sĩ trên mặt trận này cần nắm bắt và tận
dụng những lợi thế đó để phục vụ cho đấu tranh trên mặt trận tư tưởng.
Thứ ba, quan tâm, đầu tư kinh phí và xã hội hóa vấn đề này để huy
động tiềm lực của toàn xã hội cho hoạt động đấu tranh chống xuyên tạc về Hồ Chí
Minh. Chắc chắn rằng với điều kiện kinh phí từ nhiều nguồn lực khác nhau chúng
ta có thể nâng cấp các phương tiện hoạt động đấu tranh trên mặt trận tư tưởng,
cũng như động viên, khích lệ và thu hút trí tuệ của các cấp, các ngành và cả hệ
thống chính trị vào nhiệm vụ đấu tranh, phủ nhận các quan điểm sai trái, xuyên
tạc về Hồ Chí Minh.
Thứ tư, thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ chuyên trách trên mặt
trận tư tưởng văn hóa cũng như các lực lượng khác tham gia đấu tranh chống
xuyên tạc về Hồ Chí Minh. Đương nhiên, phương tiện vẫn chỉ là phương tiện, cái
quan trọng nhất phải là con người sử dụng phương tiện đó. Do vậy, cái lôgíc của
vấn đề còn lại là ở chỗ, con người đó phải được đào tạo, phải được luôn luôn
được bồi dưỡng, được tu dưỡng. Điều này đòi hỏi chất lượng người chiến sĩ trên
mặt trận tư tưởng. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần nâng cao nhận
thức và có thể tự đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, xuyên tạc
về Hồ Chí Minh./.