Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018


HỒ CHÍ MINH - TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC SÁNG NGỜI
Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng mác-xít sáng tạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Tư tưởng của Người không chỉ là sự vận dụng mà còn phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam, phản ánh tinh thần thời đại, xu thế vận động và phát triển của thế giới hiện đại và đương đại.
1. Tấm gương đạo đức trong chỉnh thể tư tưởng - đạo đức và phong cách của Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người hợp thành một hệ thống các quan điểm, nguyên tắc và phương pháp ở tầm chiến lược và sách lược về cách mạng và con đường cách mạng Việt Nam. Đó là cách mạng giải phóng dân tộc, chống đế quốc thực dân và phong kiến, xóa bỏ ách áp bức, bóc lột và nô dịch của chúng, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào mình và cho các dân tộc đang bị đế quốc thực dân thống trị. Khát vọng tự do và quyền làm chủ của nhân dân trong một xã hội công bằng, bình đẳng, dân chủ với thể chế pháp quyền là một trong những điểm nổi bật, nhất quán của tư tưởng Hồ Chí Minh. Động cơ thúc đẩy Người hành động không mệt mỏi để thực hiện, là: lòng yêu nước, thương dân vô hạn. Suốt đời, Người phấn đấu và theo đuổi hệ giá trị Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Đó là những giá trị cốt yếu của phát triển. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Cách mạng Tháng Mười Nga và thời đại được Người giác ngộ, đem lại cho Người niềm tin khoa học và lập trường cách mạng kiên định, đó cũng là nguồn sáng chiếu rọi cuộc hành trình tư tưởng - lý luận và tranh đấu trong thực tiễn của Người trên “Đường cách mệnh”1. Bởi thế, với Hồ Chí Minh: giải phóng là điều kiện, tiền đề của phát triển, giải phóng dân tộc để phát triển dân tộc, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đặt giải phóng dân tộc lên hàng đầu, trên lập trường của giai cấp công nhân; đặt cách mạng giải phóng dân tộc trong quỹ đạo của cách mạng kiểu mới - cách mạng vô sản, do Đảng kiểu mới - Đảng Cộng sản cách mạng chân chính lãnh đạo; xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, từng bước quá độ tới chủ nghĩa xã hội, đó là sự lựa chọn của Hồ Chí Minh và là chủ kiến, chủ thuyết phát triển của Người2.
Với Hồ Chí Minh, cách mệnh là phá cái cũ lỗi thời, lạc hậu đổi ra cái mới tiến bộ, phát triển. Cách mệnh trước hết phải có Đảng. Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt. Đảng không có chủ nghĩa giống như người không có trí khôn. Chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê-nin (Mác – Lê-nin). Người cách mệnh, Đảng cách mệnh phải giác ngộ, phải theo đuổi chủ nghĩa đó đến cùng. Cách mệnh do Đảng lãnh đạo phải có lực lượng, Công - Nông là gốc của cách mệnh, phải đoàn kết toàn dân thành lực lượng to lớn thì cách mệnh mới thành công. Đoàn kết là một tư tưởng chiến lược, nổi bật, xuyên suốt đường lối và phương pháp cách mạng của Hồ Chí Minh. Theo Người, thắng lợi của cách mạng không chỉ dựa vào thiên thời, địa lợi mà quan trọng, quyết định nhất là nhân hòa, cho nên mọi quyết sách, việc làm và hành động phải thuận lòng dân, hợp với ý nguyện của dân, không làm điều gì trái ý dân. “Vì dân” là mục đích của cách mạng, là lẽ sống của người cách mạng. Việc gì có lợi cho dân thì quyết làm cho bằng được. Việc gì có hại tới dân phải quyết tránh cho bằng được. Phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý cao nhất. Suốt đời làm công bộc tận tụy, làm đầy tớ trung thành của nhân dân là lựa chọn lẽ sống cao thượng nhất.
Là một điển hình mẫu mực của sự nhất quán giữa nhận thức và hành động, giữa nói và làm, đã nói là làm và sống theo phương châm: nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động, Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng kiệt xuất về một lãnh tụ của dân, suốt đời vì dân, gắn bó máu thịt với dân, dấn thân và dâng hiến cả đời mình trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc và nhân dân. Tận trung với Nước, tận hiếu với Dân để tận hiến, dâng hiến cả cuộc đời và sự nghiệp cho dân tộc, cho cả nhân loại. Đó là sự cao thượng, vĩ đại của Hồ Chí Minh. Bởi thế, Người sống mãi trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Không một chút riêng tư, Người suốt đời đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, kẻ thù nguy hiểm nhất; thứ “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”, làm hư hỏng không ít người cách mạng, làm suy yếu Đảng như thực tế đã xảy ra, làm cho dân mất niềm tin, kết cục là thất bại và đổ vỡ. Bài học đau đớn, phải trả giá đắt ở Liên Xô, Đông Âu cách đây 1/4 thế kỷ vẫn còn nguyên tính thời sự và ý nghĩa cảnh báo. Điều đó cho thấy đạo đức cách mạng của người cách mạng, của Đảng cách mạng, nhất là khi Đảng đã cầm quyền quan trọng biết nhường nào. Qua đó, thấy được sự mẫn cảm đặc biệt, tầm nhìn xa trông rộng của Hồ Chí Minh về vấn đề hệ trọng này.
Năm 1927, khi viết tác phẩm “Đường cách mệnh” - đặt nền móng tư tưởng lý luận, đồng thời chuẩn bị về chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng, Người đã đặt lên hàng đầu vấn đề “Tư cách của người cách mệnh”, trong đó nổi bật yêu cầu “phải giữ chủ nghĩa cho vững”, “phải ít lòng tham muốn về vật chất”. Di chúc để lại cho đồng bào, đồng chí trước lúc đi xa, Người căn dặn “Trước hết nói về Đảng”, phải: giữ gìn đoàn kết thống nhất như giữ gìn con ngươi của mắt mình; ra sức thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng; thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người còn căn dặn “đầu tiên là công việc với con người”, Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch và chính sách thật cụ thể, đúng đắn để chăm lo đời sống của dân, miễn thuế nông nghiệp cho bà con nông dân, giáo dục truyền thống dân tộc và cách mạng, chăm lo cuộc sống cho các gia đình chính sách, những người có công với nước, quan tâm tới sự tiến bộ, trưởng thành của phụ nữ, thanh niên, v.v. Tình thương yêu của Người dành cho tất cả mọi người, mọi cảnh đời, mọi số phận, không sót một ai. Nhân ái - Vị tha - Bao dung là những đặc trưng nổi bật của đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh, hiện thân sinh động và cảm động nhất về một “Con Người lý tưởng”, hài hòa Chân - Thiện - Mỹ, kết tinh và thăng hoa những phẩm chất tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam hòa quyện với tinh hoa văn hóa nhân loại và tinh thần thời đại.
2. Tấm gương đạo đức sáng ngời trong cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Trong cuộc hành trình 30 năm tìm đườngnhận đường và chọn đường đi cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã giác ngộ chủ nghĩa Mác, đã đến với nguồn sáng Lê-nin, tìm thấy trong “Luận cương về quyền tự quyết của các dân tộc” do V.I. Lê-nin khởi thảo con đường mà bấy lâu nay Người vẫn hằng mong mỏi tìm kiếm. Người đã nhận thấy chân lý, nhận ra “con đường giải phóng” - “con đường cứu sống chúng ta”, “cái cẩm nang chỉ dẫn hành động”. Ánh sáng từ Mác – Lê-nin đến Cách mạng Tháng Mười Nga và thời đại mới đã tạo nên bước ngoặt trong cuộc hành trình lịch sử của Người. Từ một người yêu nước, thương dân vô hạn, với tinh thần dân tộc sâu sắc, Nguyễn Ái Quốc trở thành một người cộng sản, thấm nhuần lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, suốt đời tranh đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp vĩ đại ấy thúc đẩy Người dấn thân và hy sinh, một lòng một dạ vì sự nghiệp cách mạng, mà sâu xa là vì Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của nhân dân, từ dân tộc mà đến với thế giới nhân loại, từ yêu nước mà đến với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, tranh đấu quên mình, hy sinh cả cuộc sống riêng tư vì sự nghiệp mà Người tự nhủ và căn dặn những người cách mạng - những học trò xuất sắc của Người thuộc thế hệ đầu tiên lập Đảng. Cả cuộc đời và sự nghiệp, Hồ Chí Minh đã làm tất cả vì Dân, vì Nước; trong gian lao khó nhọc, cả lúc hiểm nguy thử thách khi bị giam cầm, đọa đầy trong lao tù của chế độ Tưởng Giới Thạch, mất liên lạc với Đảng, với dân, Người vẫn một lòng kiên trinh với lý tưởng, giữ trọn niềm tin với nghị lực phi thường vượt lên hoàn cảnh. Trước sau như một: “Cả đời tôi chỉ có mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”3. Đồng thời, Người không ngừng phấn đấu với một ham muốn tột bậc làm cho Tổ quốc được độc lập, dân tộc được tự do, đồng bào có hạnh phúc - hạnh phúc bình dị mà vĩ đại: có cơm ăn, áo mặc, được học hành. Tấm gương đạo đức ấy không gì có thể mờ phai.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là đạo đức chiến đấu và hy sinh, từ dấn thân đến dâng hiến, suốt một đời gần dân, vì dân, thấu hiểu cuộc sống của dân và thấu cảm lòng dân. Trả lời nhà báo Cộng sản Cu Ba, Người nói: “Tôi tự nguyện dâng hiến đời tôi cho dân tộc” và “Mỗi người có một nỗi đau riêng, mỗi gia đình có một nỗi khổ riêng. Gộp tất cả nỗi đau khổ đó lại thành ra nỗi đau khổ của bản thân tôi!”. Lời nói chân thành tự trái tim Người có sức lay động muôn triệu trái tim.
Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên và công chức “dân là chủ và dân làm chủ”. Phải dân chủ chứ không được “quan” chủ, là đầy tớ công bộc của dân chứ không lên mặt “quan” cách mạng. Theo Người, đối với nhân dân của mình, họ là những người chủ đích thực chứ không phải thần dân, và Người “không phải là vua”4 mà là đầy tớ, công bộc của dân, “kính trọng lễ phép với dân”, “gần dân, học dân, hỏi dân, hiểu dân, tin dân để thương dân và suốt đời chỉ vì dân mà sống mà tranh đấu”. Bày tỏ lòng biết ơn, lời cảm ơn trước tình cảm thương mến của mọi tầng lớp nhân dân dành cho mình, Người nói: “Từ trước đến giờ tôi đã là người của đồng bào thì từ giờ về sau, tôi mãi mãi thuộc về đồng bào”. Đó là điển hình cho tình yêu, sự thủy chung của lãnh tụ vì dân.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ ở chỗ Người nêu gương đạo đức trong tranh đấu, từ chống giặc ngoại xâm đến chống “giặc nội xâm” mà Người còn nêu gương suốt đời trong thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Là Chủ tịch Nước, ở cương vị nguyên thủ quốc gia, đồng thời là Chủ tịch Đảng5, Người là tấm gương sáng ngời về cần, kiệm, liêm, chính, tuyệt đối không màng danh lợi, đứng ngoài vòng danh lợi, chỉ luôn coi mình là một người lính vâng lệnh quốc dân đồng bào, làm tròn nhiệm vụ do dân ủy thác. Khi chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 03-9-1945), Người đưa ra sáu vấn đề cấp bách phải làm ngay để lo cuộc sống cho dân6. Đặc biệt, Người chủ trương: “mở cuộc vận động kêu gọi các thành viên chính phủ” nhịn ăn để lấy gạo nuôi dân, cứ 10 ngày nhịn một bữa không chết đâu nhưng dân thì có bữa cơm bữa cháo, mỗi bữa là một bơ gạo, góp chung lại cứu dân nghèo và tôi xin làm trước tiên”. Người còn cẩn thận đến mức nếu đến ngày quy định nhịn ăn mà Người có việc phải tiếp khách thì Người sẽ nhịn bù vào hôm sau. Đã nói là làm, từ việc nhỏ đến việc lớn, lời nói đi đôi với việc làm, làm gương và nêu gương cho mọi người. Tấm gương ấy của Người làm cảm động muôn người; là tấm gương sống, quý hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Bởi thế, Chính phủ do Người đứng đầu thực sự là Chính phủ, là Nhà nước của dân, vì dân, hành động vì dân bởi rất mực thương dân.
Đạo đức Hồ Chí Minh có sức lay động, cảm hóa muôn triệu đồng bào trong nước và thu hút sự ngưỡng mộ, kính trọng của bạn bè quốc tế. Ngày đầu tiên trong hoạt động của Nhà nước (03-9-1945), Người đã có thư gửi quốc dân đồng bào, công bố lịch tiếp dân, tiếp đại biểu các giới đồng bào và các đoàn thể, “từ văn hóa giới, công giáo, công hội, thương giới, thanh niên, phụ nữ, công chức, Phật giáo, cho đến nông hội, Hoa kiều và các cháu nhi đồng”7. Trong đó, nêu rõ: “Xin gửi thư nói trước để tôi sắp xếp thời giờ rồi trả lời bà con, khỏi mất thời giờ chờ đợi mất công”. Người nêu yêu cầu “mỗi đoàn không quá mười vị, mỗi lần không quá một tiếng đồng hồ”8. Tôn trọng dân chủ, thiết tha lắng nghe tiếng nói của người dân như vậy, đó thực sự là đạo đức, là văn hóa đạo đức trong chính trị của Hồ Chí Minh.
Hiếm có vị chủ tịch nước nào như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sống đạm bạc, đến mức khắc khổ trong cái ăn, cái mặc hằng ngày; bởi thương dân mà tiết kiệm, bởi lãng phí là không thương dân, bởi mỗi đồng tiền bát gạo mà ta tiêu dùng đều do mồ hôi, nước mắt của dân làm ra. Người lên án gay gắt và nghiêm trị theo luật pháp những hành vi tham ô, tham nhũng, coi đó là bất liêm, bất chính, bất nghĩa, phải trừng trị như trừng trị một tội ác. Người nói cho cán bộ, công chức rõ, đồng bào đem mồ hôi nước mắt để làm ra tiền của, để trả lương cho ta. Nếu lười biếng và vô trách nhiệm trong công việc hàng ngày là lừa gạt dân chúng. Người lấy mình làm gương, chú trọng giáo dục đạo đức cho cán bộ đảng viên, công chức và rèn luyện kỷ luật công vụ, xiết chặt kỷ cương, nề nếp hành chính, sớm thành lập thanh tra chính phủ để kiểm soát hoạt động của bộ máy và hành vi công chức. Những biện pháp ấy đều chỉ vì mục đích “phục vụ dân” và “bảo vệ dân”.
Tấm gương Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở đức trung thực, khiêm tốn, vị tha, nhân ái, khoan dung, thấm nhuần chất nhân văn trong tham chính và cầm quyền, trong ứng xử với người, với việc, mà cao hơn tất cả là tình thương yêu dành cho dân chúng mãi không bao giờ thay đổi. Khi gửi thư chúc mừng thượng thọ một cụ già 80 tuổi (lúc đó Người đã 60 tuổi) mà Người xưng hô là cháu: “Cháu xin thay mặt Chính phủ chúc thọ Cụ. Chúc Cụ sống lâu muôn tuổi để cùng con cháu kháng chiến kiến quốc tới ngày thắng lợi”. Người lấy tiền tiết kiệm của mình để mua nước ngọt gửi ra trận địa cho bộ đội đang trực chiến giữa những trưa hè nóng nực. Người viết thư loan báo cho đồng bào rõ: để tỏ lòng biết ơn các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và những gia đình có công với nước, Người sẽ nhận tất cả con liệt sĩ là con mình, v.v. Mỗi một chiến sĩ ngã xuống trên chiến trường, Người như đứt từng khúc ruột. Người rộng lòng bao dung khoan thứ, kiềm chế ngay cả những lúc Người không hài lòng trước những việc làm sai, những người làm hỏng. Người căn dặn “phê bình việc chứ không phê bình (với ý xúc phạm) người”. Trong Di chúc, Người căn dặn “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, phê bình có lý có tình, ứng xử có tình có nghĩa,... Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng bào, đồng chí và không quên gửi lời chào bạn bè quốc tế và nhân dân thế giới, v.v.
Một con người, một nhân cách, với tấm gương đạo đức sáng ngời như thế mà lại tự thấy mình chưa xứng đáng, từ chối nhận huân chương. Người đã trở về với thế giới người Hiền gần nửa thế kỷ, nhưng không lúc nào ta cảm thấy Người đi xa, Người vẫn ở bên ta như động viên, nhắn nhủ, thúc giục để ở đời thì phải thân dân, làm người thì phải chính tâm, xứng đáng là đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của dân. Tấm gương đạo đức ngời sáng Hồ Chí Minh còn sáng mãi trong cuộc đời, trong dân tộc và thế giới, còn sống mãi với thời gian.
Như thế, nhà tư tưởng Hồ Chí Minh còn đồng thời là nhà đạo đức học Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sĩ kiên cường đấu tranh cho tự do, cho phẩm giá con người, người bạn lớn của nhân dân các dân tộc trên thế giới, nhà văn hóa kiệt xuất. Thực hành biền bỉ và nêu gương mẫu mực về đạo đức ở đời và làm người, đó là tư tưởng mà cũng là đạo đức, đó là phương pháp mà cũng là phong cách Hồ Chí Minh mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức học tập và làm theo.
Tấm gương đạo đức sáng ngời của Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, của Đảng ta, là niềm tự hào của mọi thế hệ người Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, trở thành động lực thúc đẩy chúng ta trong đổi mới, hội nhập để phát triển. Tấm gương đó tỏa sáng trong tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người, trở thành giá trị chuẩn mực và định hướng giá trị trong giáo dục và thực hành đạo đức cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có ảnh hưởng và hiệu ứng rộng rãi trong đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trên thế giới, bởi những người bạn bè, anh em của Việt Nam với tất cả tấm lòng chân thành, tin cậy đều dành cho Người sự khâm phục, ngưỡng mộ và kính trọng. “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, “Việt Nam - Bác Hồ”, từ lâu đã được các bạn bè quốc tế của chúng ta cất lên tiếng nói, tiếng gọi trìu mến, thân thương khi đến Việt Nam - Tổ quốc của Người, khi đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Thủ đô Hà Nội, “ngôi nhà sàn đơn sơ giản dị, ngát hương thơm cây cỏ hoa vườn nhưng tâm hồn lộng gió bốn phương thời đại” (Phạm Văn Đồng). “Hồ Chí Minh” và “Bác Hồ” đã từ lâu trở thành từ vựng quen thuộc, không chỉ là biểu tượng của nhà chính trị lỗi lạc mà sâu xa, rộng lớn hơn là nhà văn hóa lớn, biểu trưng cho văn hóa đạo đức, cho văn hóa nhân cách Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Sự thật ấy của lịch sử, tự nó đã bác bỏ tất cả những gì mà những kẻ thù địch đang ra sức xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam, mưu toan hạ thấp giá trị Hồ Chí Minh, gieo rắc những giả tượng xuyên tạc bản chất, cố tình ngụy tạo, với ác ý thâm độc gây ra những hoài nghi về đạo đức và tấm gương đạo đức của Người, nhất là đối với những người trẻ tuổi sinh ra và lớn lên trong thời hiện tại, không có những trải nghiệm thực tiễn trong quá khứ như các lớp cha anh của họ. Cũng có những kẻ cơ hội, xu thời, đã từng thụ hưởng những ân huệ đầy tình nghĩa của chế độ dân chủ cộng hòa do Hồ Chí Minh sáng lập, chỉ vì lòng dạ không còn trong sáng nữa, mang nặng những thiên kiến chủ quan, chủ nghĩa cá nhân, hám danh, vụ lợi và vị kỷ mà cố tình xuyên tạc sự thật hoặc đồng lõa với những kẻ xuyên tạc. Họ chẳng thể vấy bẩn được ai mà tự vấy bẩn chính mình, tự hạ thấp mình mà thôi.
Lịch sử vốn công minh, khách quan. Trí tuệ của nhân dân là sáng suốt. Dư luận thế giới là rộng lớn. Những ai có lương tri và trọng phẩm giá con người đều nói tiếng nói trung thực, có cốt cách của học thức và văn hóa trong cảm nhận, đánh giá về Hồ Chí Minh. Và đây là dòng chủ đạo, tự nó đã có sức mạnh phủ định và phê phán những giọng điệu lạc lõng xuyên tạc về Việt Nam, về Đảng và Bác Hồ.
GS, TS. HOÀNG CHÍ BẢO
________________
1 - Đây là một trong năm tác phẩm của Người được xếp hạng Bảo vật quốc gia.
2 - Tô Huy Rứa, Hoàng Chí Bảo (chủ biên) - Chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H. 2017.
3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 272.
4 - Người nói với những người giúp việc trong mỗi buổi sáng đi tập thể dục, khi nhìn thấy Người đều xuống xe đạp để chào: “Bác có phải là vua đâu mà các cô các chú cứ “hạ mã” thế!”.
5 - Đại hội II (1951), Đại hội III (1960) đều bầu Người là Chủ tịch Đảng.
6 - Chống giặc đói, giặc dốt, như chống giặc ngoại xâm; ra sắc lệnh bãi bỏ tất cả các thứ thuế phi lý và phi nhân là tàn tích của chế độ thực dân để lại; khẩn trương soạn thảo Hiến pháp dân chủ để xác lập quyền làm chủ của người dân; xây dựng nền văn hóa mới, tuyên bố tự do tín ngưỡng, cải tạo phong tục tập quán lạc hậu là tàn tích của chế độ thực dân phong kiến để lại và thực hành đại đoàn kết.
7 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 9.
8 - Sđd, Tập 4, Nxb CTQG. H. 2011, tr. 9
http://tapchiqptd.vn/vi/lam-that-bai-chien-luoc-dbhb/ho-chi-minh-tam-guong-dao-duc-sang-ngoi/11358.html


NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH ĐÃ BÁC BỎ MỌI SỰ XUYÊN TẠC
Hồ Chí Minh là một nhân cách cao đẹp, bởi Người có đức trong, trí sáng, cống hiến trọn đời cho dân tộc và nhân loại tiến bộ, luôn hiện hữu với người Việt Nam yêu nước. Dù ai đó cố tình đặt điều nói xấu, xuyên tạc và tung tin ngụy tạo về Người, thì cũng chỉ là một hành động “bàn tay không che nổi mặt trời”.
Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, con người hằng ngày, hằng giờ bị tống nhập biết bao tin tức, tin đúng nhiều và tin xuyên tạc sự thật cũng không ít. Len lỏi vào các kênh thông tin ấy, lợi dụng diễn đàn mở cũng như sự lan truyền rộng, nhanh của mạng in-tơ-nét, các thế lực thù địch đã trổ hết các “ngón nghề” thâm độc nhằm bôi xấu nhân cách Hồ Chí Minh. Nhưng, bôi làm sao được, khi cả cuộc đời của Người vô cùng trong sáng và đẹp đẽ; là tấm gương sáng không một chút bụi mờ, đã trở thành giá trị văn hóa thẩm thấu một cách tự nhiên vào đời sống của người Việt Nam yêu nước, như lớp lớp phù sa bồi đắp cho “cánh đồng” văn hóa của dân tộc càng thêm phì nhiêu.
Đạo đức trong sáng
Nói đến đạo đức Hồ Chí Minh thì không chỉ người Việt Nam chân chính, mà rất nhiều người trên thế giới, thậm chí cả những người không cùng chiến tuyến với Người đều phải nể trọng. Bởi lẽ, Hồ Chí Minh là hiện thân của lòng nhân ái cao cả, thấm đượm chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Người luôn tìm cách giác ngộ cho mọi người về quyền con người, tố cáo mạnh mẽ tội ác, áp bức, bất công của thực dân, đế quốc xâm lược và nô dịch những dân tộc nhược tiểu với bằng chứng thuyết phục nhất. Vì lẽ đó, Người là một chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược, giải trừ chủ nghĩa thực dân, chống mọi áp bức đối với con người; đồng thời, luôn có khát vọng xây dựng một xã hội mới tốt đẹp - xã hội xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm nồng hậu và sự chăm lo mọi bề đối với người lao động, đặc biệt là những người bị yếu thế trong cuộc sống. Người luôn gần dân, hiểu dân, vì dân, phấn đấu cho sự cường thịnh của dân tộc, trung thành với lý tưởng của Đảng: đưa dân tộc Việt Nam đi lên chủ nghĩa cộng sản. Người hiến cả đời cho dân tộc và “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”1. Người luôn lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ. Hồ Chí Minh đưa ra và tích cực thực hành quan điểm: Đảng phải “là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”2; người cách mạng phải là người phục vụ nhân dân, “sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”3. Người nói: “Đảng không phải làm quan, sai khiến quần chúng mà phải làm đầy tớ cho quần chúng và phải làm cho ra trò, nếu không quần chúng sẽ đá đít”4. Ngay cả chức Chủ tịch nước của mình, Người cũng nói là “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”5. Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ tiêu biểu nhất trên thế giới có cuộc sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư - những đặc tính cao đẹp của con người chân chính như một lẽ tự nhiên: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/ Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/ Thiếu một mùa, thì không thành trời/ Thiếu một phương, thì không thành đất/ Thiếu một đức, thì không thành người”6.
Đó cũng chính là những nội dung, giá trị cốt lõi của đạo đức mới - đạo đức cách mạng được Người đúc kết và thực hành. Giá trị đạo đức truyền thống và đạo đức cách mạng được hội tụ, giao thoa và cộng hưởng trong nhân cách của Người, trở thành khuôn mẫu lý tưởng cho đạo đức xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Cuộc đời của Người là sự trọn vẹn của các giá trị chân - thiện - mỹ, không bị tha hóa. Từ thuở thiếu niên cho đến phút lâm chung, từ lúc hàn vi với thân phận của một người dân nô lệ, luôn bị mật thám đế quốc theo dõi, bị tù đày, bị xử án tử hình vắng mặt đến khi trở thành Chủ tịch nước, Người luôn thủy chung với chính mình, tịnh tâm tu dưỡng giữa muôn vàn cái động, cái biến thiên của sự đời và không hề bị suy chuyển trước mọi sự cám dỗ của quyền lực, tiền bạc, v.v. Hồ Chí Minh còn là hiện thân của tình đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển của các dân tộc trên thế giới. Nhân loại tiến bộ trên thế giới thấy ở Người niềm tin vào cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ của con người.
Trí tuệ sáng trong
Nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh còn được tăng thêm, tôn đẹp lên bởi trí tuệ của Người. Trí tuệ ấy là kết tinh của tri thức nhân loại, là kết quả của quá trình kế thừa giá trị truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để không ngừng phát triển, sáng tạo trong thời đại mới. Trong nhân cách của Người, ta thấy sự sâu sắc của một nhà hiền triết phương Đông, sự uyên bác như một nhà thông thái phương Tây và sự nhạy bén của một nhà cách mạng lỗi lạc. Người để lại cho đời sau di sản tư tưởng, lý luận đồ sộ, hàm chứa những triết lý nhân sinh sâu sắc trong cuộc sống và là kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Người là nhà lãnh đạo cách mạng, nhà ngoại giao, nhà báo, nhà thơ,… Ở vai trò nào, Người cũng cho ta những chỉ dẫn sáng suốt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Điều đó chỉ có được ở một nhân cách vĩ đại, lấy việc học tập suốt đời để nâng cao nhận thức, coi việc rèn luyện trong thực tiễn để hoàn thiện bản thân. Người học trong đường đời, học mọi lúc, mọi nơi; học ở nhân dân, ở nhân loại cần lao. Động lực và mục đích của việc học tập, tu dưỡng của Người là vì dân, vì nước, vì tiến bộ của nhân loại mà không hề mưu lợi cho bản thân; học để làm việc, làm người, làm cán bộ; để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại; luôn đem trí tuệ của mình phục vụ cách mạng. Điều đó làm cho trí tuệ của Hồ Chí Minh sáng trong muôn đời, tô đậm thêm nhân cách cao đẹp của Người. Nhân cách ấy chỉ có ở người có chí lớn, luôn hướng thiện và sẵn lòng phục vụ cho sự tiến bộ - nhân cách của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, điều kiện sống của con người có sự phát triển lớn, nhưng vẫn còn đó những điều đáng lo ngại cho sự xuống cấp về đạo đức, nhân cách con người. Đâu đó trên thế giới, máu vẫn đổ trong những cuộc tranh chấp, chiến tranh, khủng bố; vũ khí hạt nhân, máy bay, xe tăng, tên lửa,… vẫn còn là những phương tiện để con người ứng xử với nhau. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu, sự phát triển của tri thức khoa học phải phục vụ cho tiến bộ nhân loại; trí và đức phải là hai nhân tố quyện chặt với nhau thành một thể thống nhất cho quá trình hình thành, phát triển nhân cách và là sự vận hành của thế giới đương đại. Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, không ai có thể phủ nhận tư tưởng và nhân cách của Người đã trở thành những giá trị tiến bộ của thế giới; không những là tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc Việt Nam mà còn là giá trị chung cho sự phát triển của nhân loại. Hồ Chí Minh là vị anh hùng giải phóng dân tộc và là một nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam; biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của một dân tộc đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Người đã đóng góp về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật, là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam. Tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau. Cuộc đời Hồ Chí Minh là một cuốn truyện chân thực của một biểu tượng về chân - thiện - mỹ, mà bất cứ người chân chính nào cũng thấy xúc động và mong muốn hoàn thiện mình như thế.
Hồ Chí Minh là người mẫu mực về việc nói đi đôi với làm, làm nhiều hơn nói; ở chỗ tự giác dấn thân vào sự nghiệp cách mạng, suốt đời tự rèn luyện mình theo những tiêu chí đạo đức cách mạng trong mọi hoàn cảnh, trọn đời vì nước, vì dân, có nhân cách cao cả và trong sáng. Điều này là không thể phủ nhận! Thế nhưng, vẫn có những kẻ nhẫn tâm xuyên tạc phẩm chất, nhân cách cao đẹp của Người. Nói xấu Hồ Chí Minh là điều trái với sự thật, bởi cuộc đời Người như một chân lý của cái đẹp, cái tốt. Bởi vậy, ai đó có tâm xấu muốn đặt điều vu khống, nói xấu, “bôi đen” về phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh trên các phương tiện truyền thông, thậm chí viết cả sách, dựng cả phim cho việc này, đều gặp phải cái cảnh “ngược sáng” khi quy chiếu vào cuộc đời, phẩm chất đạo đức của Người và chẳng khác nào như những con bọ húc đầu vào núi. Với cái tâm đen tối của mình, những kẻ đó tìm mọi mưu ma chước quỷ để dựng chuyện bôi xấu, xuyên tạc theo nhiều cách rất tinh vi, thâm độc. Họ cắt ghép tài liệu, hình ảnh, dựng nên những nhân chứng giả để chứng minh cho điều họ viết, họ nói, tạo nên sự nhiễu loạn thông tin, khiến người nghe hoang mang, nghi ngờ, v.v. Ví như câu chuyện có người cho rằng, không có chuyện UNESCO tôn vinh Hồ Chí Minh. Nhưng sự thật, Nghị quyết vẫn được lưu trữ trong kho của UNESCO và được đại diện UNESCO tại Việt Nam nhắc lại trong dịp Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người. Một sự thật hiển nhiên vậy mà họ còn rắp tâm cố tình xuyên tạc, huống hồ ở đây là vấn đề nhân cách của Người. Họ lừa được ai? Họ chỉ lừa được những người cùng cảnh với họ và những người còn hạn chế về nhận thức.
Sự thật tự đã nói lên tất cả, bản chất vấn đề luôn là cái bất biến - nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh luôn trường tồn. Dù có bị xuyên tạc như thế nào đi chăng nữa thì nhân cách cao cả và sáng ngời của Hồ Chí Minh vẫn luôn hiện hữu với mọi người. Sự xuyên tạc, nếu có thu được, theo một số người tự cho là “thành công”, thì cũng chỉ là nhất thời mà thôi. Những kẻ cố tình xuyên tạc, đi ngược lại với sự thật thì cũng chẳng khác nào dùng bàn tay mà che mặt trời vậy!
GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG
_______________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 187.
2 - Sđd, Tập 15, tr. 622.
3 - Sđd, Tập 7, tr. 50.
4 - Sđd, Tập 6, tr. 367.
5 - Sđd, Tập 4, tr. 187.
6 - Sđd, Tập 6, tr. 117.
http://tapchiqptd.vn/vi/lam-that-bai-chien-luoc-dbhb/nhan-cach-ho-chi-minh-da-bac-bo-moi-su-xuyen-tac/11680.html


TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH MÃI MÃI SOI ĐƯỜNG
 CHO CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là kết quả của những năm bôn ba, lăn lộn trong hoạt động thực tiễn, nghiên cứu, học tập, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể ở nước ta. Tư tưởng đó vẫn mãi là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam.
Nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, các sĩ phu yêu nước đã liên tiếp đứng lên tổ chức các phong trào cứu nước, từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản và qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại. Đất nước ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác, “tình hình đen tối như không có đường ra”1. Trong bối cảnh đó, ngày 05-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Sài Gòn ra nước ngoài tìm con đường giải phóng dân tộc. Trong hành trình bôn ba ấy, Người đã gặp, đọc và hiểu rõ ý nghĩa lớn lao của bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lê-nin đăng trên báo L’Humanite (Nhân đạo) của Đảng Xã hội Pháp, ngày 16 và 17-7-1920. Nghiên cứu Luận cương này, Người khẳng định con đường cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc gắn liền với cách mạng vô sản.
Những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, phát triển các điều kiện về chính trị, tư tưởng, lý luận, tổ chức, cán bộ để thành lập một Đảng chân chính cách mạng. Người đã vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin phù hợp với đặc điểm, thực tiễn Việt Nam. Thông qua các tác phẩm nổi tiếng như: “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), “Đường kách mệnh” (1927) và nhiều tác phẩm khác, Người đã xây dựng hệ tư tưởng cách mạng đặc sắc, có ảnh hưởng đặc biệt tới phong trào cách mạng. Tiêu biểu như: tư tưởng nêu cao mục tiêu giải phóng dân tộc, gắn liền giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người; nêu cao sức mạnh của công nhân, nông dân - công nông là gốc của cách mạng - đồng thời đoàn kết toàn dân tộc; vai trò chủ động của cách mạng ở các thuộc địa, phối hợp với cách mạng ở chính quốc nhưng không phụ thuộc vào cách mạng ở chính quốc (tức các nước tư bản, đế quốc phương Tây). Người nhấn mạnh vai trò to lớn của cách mạng ở các nước phương Đông; phải tiến hành cách mạng triệt để chứ không thể là cải cách, cải lương; cách mạng trước hết phải có một Đảng cách mạng; nêu cao chủ nghĩa quốc tế, tranh thủ giúp đỡ quốc tế nhưng phải nêu cao ý chí tự lực, tự cường dân tộc, “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”2.
Mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng cách mạng của Người đã quy tụ, đoàn kết những chiến sĩ cộng sản, cùng một ý chí, cùng một quyết tâm hy sinh chiến đấu cho một lý tưởng cao cả. Tư tưởng đó đã thể hiện ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên tại Hội nghị thành lập Đảng, với mục tiêu chiến lược là đánh đổ đế quốc Pháp và chế độ phong kiến, “làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, “để đi tới xã hội cộng sản”3. Ngày 28-01-1941, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, cùng Trung ương Đảng phát triển đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, đưa sự nghiệp cách mạng phát triển mạnh mẽ. Tư tưởng của Người là cách mạng phải bắt đầu từ nhân dân, có dân thì có tất cả, phải đoàn kết toàn dân tộc, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết; xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc, xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân. Hồ Chí Minh phát triển phong phú tư tưởng về chiến lược và sách lược cách mạng; về lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp; về tình thế và thời cơ cách mạng; về ý chí tự lực, tự cường dân tộc và tranh thủ điều kiện quốc tế; về khoa học, nghệ thuật khởi nghĩa toàn dân, vũ trang toàn dân. Đây là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - một trong những thành tựu vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Thắng lợi đó đã mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, gắn liền độc lập dân tộc với phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Sau khi nước nhà được độc lập, tư tưởng nổi bật của Hồ Chí Minh là xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, xây dựng chế độ mới để mọi người dân được tự do, hạnh phúc. Theo Bác, “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”4. Nhà nước lo việc nội trị, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng đời sống mới, lo việc kháng chiến bảo vệ nền độc lập và lo về chiến lược ngoại giao. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là thêm bạn, bớt thù, là mở cửa, hợp tác chân thành với các nước, là thành thực, tôn trọng lẫn nhau. “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”5.
Hồ Chí Minh cùng Đảng, Nhà nước lãnh đạo hai cuộc kháng chiến suốt 30 năm, làm thất bại mưu đồ xâm lược, thống trị của những đế quốc mạnh nhất thời đại, giành thắng lợi với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07-5-1954) và đại thắng Mùa Xuân 1975 (30-4-1975) thống nhất đất nước. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh tạo sức mạnh trong chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Kiên quyết bảo vệ nền độc lập dân tộc với chân lý: Không có gì quý hơn độc lập, tự do.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam. Người nhấn mạnh tính tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội và phải nắm vững đặc điểm to nhất là từ một nước nông nghiệp lạc hậu, trải qua chiến tranh lâu dài cần phải tiến dần từng bước lên chủ nghĩa xã hội, không thể làm giống như các nước khác; cần phải tìm ra quy luật riêng của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Hồ Chí Minh quan niệm: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”6, “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác”7. Chủ nghĩa xã hội là mọi người được tự do, ấm no, hạnh phúc, được học hành, được chữa bệnh, có nhà ở tử tế, trẻ em được nuôi dưỡng, người già được chăm sóc. Tư tưởng đó của Người được Đảng ta quán triệt sâu sắc trong đường lối đổi mới từ Đại hội VI (1986) và được hiện thực hóa trong phát triển đất nước vững chắc, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng và suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là trong điều kiện Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh đã nêu bật tư tưởng về xây dựng một Đảng chân chính cách mạng - Đảng Cộng sản Việt Nam - cả về chính trị, tư tưởng, lý luận, tổ chức và đạo đức; thấm nhuần đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Người nhấn mạnh: Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Dân tộc Việt Nam phải là một dân tộc dũng cảm, thông thái, văn minh, có đạo đức.
Với hệ thống tư tưởng sâu sắc và những đóng góp to lớn cho cách mạng, sự mẫu mực trong đời sống, năm 1987, Hồ Chí Minh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất”. Dù cho các thế lực thù địch có cố tình xuyên tạc như thế nào chăng nữa, thì tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn mãi mãi soi đường cho Đảng ta và dân tộc Việt Nam; sống mãi trong sự nghiệp đấu tranh của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991, tháng 6-1991), bổ sung và phát triển (tháng 01-2011), Đảng ta khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”8. Qua nhiều năm nghiên cứu, Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001) đã tổng kết và nêu rõ những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Chỉ thị 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện. Điều đó càng khẳng định tư tưởng của Người vẫn là ngọn đuốc soi đường cho Đảng ta, nhân dân ta trên con đường đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cùng với đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo của Tổ quốc. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; gắn bó mật thiết quốc phòng, an ninh với đối ngoại, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng. Công cuộc đổi mới đất nước càng khẳng định rõ điều đó. Trong quá trình đổi mới, Đảng khẳng định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đại hội XII của Đảng chủ trương tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay tập trung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân như mong muốn của Bác Hồ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam ngày càng khẳng định giá trị khoa học bền vững và tính hiện thực của tư tưởng bất diệt đó.
PGS, TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC
_____________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 401.
2 - Sđd, Tập 2, tr. 320.
3 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 1998, tr. 2.
4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 64-65.
5 - Sđd, Tập 5, tr. 256.
6, 7 - Sđd, Tập 10, tr. 390, 391.
8 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 88.
http://tapchiqptd.vn/vi/theo-guong-bac/tu-tuong-ho-chi-minh-mai-mai-soi-duong-cho-cach-mang-viet-nam/11693.html

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...