TƯ
TƯỞNG HỒ CHÍ MINH MÃI MÃI SOI ĐƯỜNG
CHO CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn
diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là kết quả của
những năm bôn ba, lăn lộn trong hoạt động thực tiễn, nghiên cứu, học tập, vận
dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể ở nước
ta. Tư tưởng đó vẫn mãi là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam.
Nửa
cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, các sĩ phu
yêu nước đã liên tiếp đứng lên tổ chức các phong trào cứu nước, từ lập trường
Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản và qua khảo nghiệm lịch sử đều lần
lượt thất bại. Đất nước ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác, “tình
hình đen tối như không có đường ra”1. Trong bối cảnh đó, ngày
05-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Sài Gòn ra nước ngoài
tìm con đường giải phóng dân tộc. Trong hành trình bôn ba ấy, Người đã gặp, đọc
và hiểu rõ ý nghĩa lớn lao của bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận
cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lê-nin đăng trên
báo L’Humanite (Nhân đạo) của Đảng Xã hội Pháp, ngày 16 và 17-7-1920. Nghiên
cứu Luận cương này, Người khẳng định con đường cách mạng Việt Nam là giải phóng
dân tộc gắn liền với cách mạng vô sản.
Những
năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào phong
trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, phát triển các điều kiện về
chính trị, tư tưởng, lý luận, tổ chức, cán bộ để thành lập một Đảng chân chính
cách mạng. Người đã vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin phù
hợp với đặc điểm, thực tiễn Việt Nam. Thông qua các tác phẩm nổi tiếng như: “Bản
án chế độ thực dân Pháp” (1925), “Đường kách mệnh” (1927) và nhiều
tác phẩm khác, Người đã xây dựng hệ tư tưởng cách mạng đặc sắc, có ảnh hưởng
đặc biệt tới phong trào cách mạng. Tiêu biểu như: tư tưởng nêu cao mục tiêu
giải phóng dân tộc, gắn liền giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải
phóng xã hội và con người; nêu cao sức mạnh của công nhân, nông dân - công nông
là gốc của cách mạng - đồng thời đoàn kết toàn dân tộc; vai trò chủ động của
cách mạng ở các thuộc địa, phối hợp với cách mạng ở chính quốc nhưng không phụ
thuộc vào cách mạng ở chính quốc (tức các nước tư bản, đế quốc phương Tây).
Người nhấn mạnh vai trò to lớn của cách mạng ở các nước phương Đông; phải tiến
hành cách mạng triệt để chứ không thể là cải cách, cải lương; cách mạng trước
hết phải có một Đảng cách mạng; nêu cao chủ nghĩa quốc tế, tranh thủ giúp đỡ
quốc tế nhưng phải nêu cao ý chí tự lực, tự cường dân tộc, “muốn người ta giúp
cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”2.
Mùa
Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tư tưởng cách mạng của Người đã quy tụ, đoàn kết những chiến sĩ cộng sản, cùng
một ý chí, cùng một quyết tâm hy sinh chiến đấu cho một lý tưởng cao cả. Tư
tưởng đó đã thể hiện ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên tại Hội nghị
thành lập Đảng, với mục tiêu chiến lược là đánh đổ đế quốc Pháp và chế độ phong
kiến, “làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, “để đi tới xã hội cộng sản”3.
Ngày 28-01-1941, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, cùng Trung ương Đảng phát triển
đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, đưa sự nghiệp cách mạng phát triển mạnh
mẽ. Tư tưởng của Người là cách mạng phải bắt đầu từ nhân dân, có dân thì có tất
cả, phải đoàn kết toàn dân tộc, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết;
xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc, xây dựng lực lượng chính trị của quần
chúng và lực lượng vũ trang nhân dân. Hồ Chí Minh phát triển phong phú tư tưởng
về chiến lược và sách lược cách mạng; về lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp;
về tình thế và thời cơ cách mạng; về ý chí tự lực, tự cường dân tộc và tranh
thủ điều kiện quốc tế; về khoa học, nghệ thuật khởi nghĩa toàn dân, vũ trang
toàn dân. Đây là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm
1945 - một trong những thành tựu vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế
kỷ XX. Thắng lợi đó đã mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, gắn liền độc
lập dân tộc với phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Sau
khi nước nhà được độc lập, tư tưởng nổi bật của Hồ Chí Minh là xây dựng Nhà
nước thật sự của dân, do dân, vì dân, xây dựng chế độ mới để mọi người dân được
tự do, hạnh phúc. Theo Bác, “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ
từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc
chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống
trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến
dân, ta phải hết sức tránh”4. Nhà nước lo việc nội trị, chăm lo đời
sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng đời sống mới, lo việc kháng
chiến bảo vệ nền độc lập và lo về chiến lược ngoại giao. Tư tưởng ngoại giao Hồ
Chí Minh là thêm bạn, bớt thù, là mở cửa, hợp tác chân thành với các nước, là
thành thực, tôn trọng lẫn nhau. “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không
gây thù oán với một ai”5.
Hồ Chí
Minh cùng Đảng, Nhà nước lãnh đạo hai cuộc kháng chiến suốt 30 năm, làm thất
bại mưu đồ xâm lược, thống trị của những đế quốc mạnh nhất thời đại, giành
thắng lợi với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07-5-1954) và đại thắng Mùa
Xuân 1975 (30-4-1975) thống nhất đất nước. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh tạo sức
mạnh trong chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, làm
nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Kiên quyết bảo vệ nền độc lập dân tộc với chân
lý: Không có gì quý hơn độc lập, tự do.
Tư
tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là
sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam. Người nhấn
mạnh tính tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội và phải nắm vững đặc điểm to nhất là
từ một nước nông nghiệp lạc hậu, trải qua chiến tranh lâu dài cần phải tiến dần
từng bước lên chủ nghĩa xã hội, không thể làm giống như các nước khác; cần phải
tìm ra quy luật riêng của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Hồ Chí Minh
quan niệm: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”6,
“Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử
địa lý khác”7. Chủ nghĩa xã hội là mọi người được tự do, ấm no, hạnh
phúc, được học hành, được chữa bệnh, có nhà ở tử tế, trẻ em được nuôi dưỡng,
người già được chăm sóc. Tư tưởng đó của Người được Đảng ta quán triệt sâu sắc
trong đường lối đổi mới từ Đại hội VI (1986) và được hiện thực hóa trong phát
triển đất nước vững chắc, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đạt được những
thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Ngay
từ khi chuẩn bị thành lập Đảng và suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt
là trong điều kiện Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh đã nêu bật tư tưởng về xây dựng
một Đảng chân chính cách mạng - Đảng Cộng sản Việt Nam - cả về chính trị, tư
tưởng, lý luận, tổ chức và đạo đức; thấm nhuần đạo đức cách mạng, quét sạch chủ
nghĩa cá nhân. Người nhấn mạnh: Đảng ta là đạo đức, là văn minh.
Dân tộc Việt Nam phải là một dân tộc dũng cảm, thông thái, văn minh, có
đạo đức.
Với hệ
thống tư tưởng sâu sắc và những đóng góp to lớn cho cách mạng, sự mẫu mực trong
đời sống, năm 1987, Hồ Chí Minh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa
của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam,
Nhà văn hóa kiệt xuất”. Dù cho các thế lực thù địch có cố tình xuyên tạc như
thế nào chăng nữa, thì tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn mãi mãi soi đường cho Đảng ta
và dân tộc Việt Nam; sống mãi trong sự nghiệp đấu tranh của các dân tộc trên
thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương
lĩnh 1991, tháng 6-1991), bổ sung và phát triển (tháng 01-2011), Đảng ta khẳng
định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư
tưởng, kim chỉ nam cho hành động”8. Qua nhiều năm nghiên cứu, Đại
hội IX của Đảng (tháng 4-2001) đã tổng kết và nêu rõ những nội dung cơ bản của
tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Chỉ thị
05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh” được cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhân dân tích cực hưởng ứng,
thực hiện. Điều đó càng khẳng định tư tưởng của Người vẫn là ngọn đuốc soi
đường cho Đảng ta, nhân dân ta trên con đường đổi mới theo định hướng xã hội
chủ nghĩa, với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cùng
với đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã
hội chủ nghĩa; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh
nhân dân; thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhằm giữ
vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo của Tổ quốc.
Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ,
từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực
lượng; gắn bó mật thiết quốc phòng, an ninh với đối ngoại, vì lợi ích quốc gia,
dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác,
phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, Việt Nam là bạn, là đối tác tin
cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc
lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Sự
lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách
mạng. Công cuộc đổi mới đất nước càng khẳng định rõ điều đó. Trong quá trình
đổi mới, Đảng khẳng định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng
Đảng là then chốt. Nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là nâng cao năng lực lãnh đạo và
sức chiến đấu của Đảng. Đại hội XII của Đảng chủ trương tăng cường xây dựng
Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn
Đảng hiện nay tập trung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác –
Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4
(khóa XI, XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người
lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân như mong muốn của Bác Hồ.
Tư
tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt
Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam ngày càng khẳng định giá trị khoa học bền
vững và tính hiện thực của tư tưởng bất diệt đó.
PGS,
TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC
_____________
1 - Hồ
Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 401.
2
- Sđd, Tập 2, tr. 320.
3 -
ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 1998, tr. 2.
4 - Hồ
Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 64-65.
5
- Sđd, Tập 5, tr. 256.
6, 7
- Sđd, Tập 10, tr. 390, 391.
8 -
ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG,
H. 2011, tr. 88.
http://tapchiqptd.vn/vi/theo-guong-bac/tu-tuong-ho-chi-minh-mai-mai-soi-duong-cho-cach-mang-viet-nam/11693.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét