Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2022

Giữ vững bản lĩnh quân nhân cách mạng

Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới thể hiện tư duy rất toàn diện và đặt ra yêu cầu cao về việc xây dựng, giữ vững bản lĩnh quân nhân cách mạng.

Yêu cầu này cần được nhận thức đầy đủ và triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt ở tất cả các cấp. Chúng ta biết rằng, giá trị cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ là sự hội tụ và kết tinh nhiều phẩm chất cao quý. Trong đó, một phẩm chất rất đáng quý là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Gần 8 thập niên xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã hun đúc, tôi luyện nên những cán bộ, chiến sĩ có "bản lĩnh sắt thép", luôn sẵn sàng “Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.

Đức tính của mỗi con người được tạo nên bởi nhiều phẩm chất xã hội khác nhau. Trong đó “bản lĩnh” là phẩm chất cơ bản được hình thành qua quá trình rèn luyện bền bỉ, lâu dài. Trong ngôn ngữ, từ “bản” nghĩa là gốc, nền tảng; yếu tố “lĩnh” thường gắn với ý nghĩa là đứng đầu, chỉ huy như “thủ lĩnh”, “tướng lĩnh”. “Bản lĩnh” có thể hiểu là phẩm chất của người có năng lực, tự tin, dám đi đầu, dám xông pha, bứt phá, dám chịu trách nhiệm, không lùi bước trước mọi khó khăn, thử thách. Với mỗi quân nhân, được rèn luyện tổng hợp trong môi trường quân ngũ là điều kiện thuận lợi để hình thành nên bản lĩnh vững vàng. Đặc biệt, hoạt động quân sự có tính đặc thù cao, diễn ra trong điều kiện khó khăn, phức tạp, gian khổ, ác liệt, nếu không có bản lĩnh thì con người không thể vượt qua. Chính vì vậy, bản lĩnh được hình thành từ thực tiễn chiến đấu, lao động và công tác. Có bản lĩnh, bộ đội sẵn sàng thực hiện lời thề thiêng liêng “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam...”. Bản lĩnh của người quân nhân cách mạng được tôi rèn thì “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”.

“Bản lĩnh” là một phẩm chất chung gắn với nhiều yếu tố, như: “Bản lĩnh chính trị”, “bản lĩnh chiến đấu”, “bản lĩnh công tác”, “bản lĩnh khoa học”... Trong phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, bản lĩnh chính trị là yếu tố đầu tiên. Đó là khả năng nhận thức chính trị, lập trường, quan điểm, thái độ chính trị, là ý chí và niềm tin vào giai cấp và chế độ. Đó cũng là yếu tố để mỗi quân nhân tự trả lời câu hỏi phục vụ lợi ích của ai? Chiến đấu, hy sinh vì cái gì? Quân đội ta là đội quân trung thành tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và nhân dân, “sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”. Trong Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, Quân ủy Trung ương chỉ rõ bản lĩnh chính trị là “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Kiên định lập trường Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Bản lĩnh chính trị vững vàng giúp bộ đội kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ được giao, giữ vững trận địa tư tưởng, tạo ra sức mạnh quân sự, có khả năng “miễn dịch” trước những luận điệu xuyên tạc và hành động chống phá của các thế lực thù địch.

Thực tế trong chiến đấu, trong những tình huống cam go, ác liệt nhất, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ được phát huy trở thành biểu tượng sáng ngời về hình ảnh con người Việt Nam. Bác Hồ từng giáo dục, rèn luyện bản lĩnh cho bộ đội phải luôn kiên định, vững vàng “lúc có địch cũng trấn tĩnh như không có địch, xa địch cũng nghiêm ngặt như gần địch”. Thế nên nhờ có bản lĩnh tuyệt vời, phi công Phạm Tuân mới vững tay lái Mic-21 hạ gục cả "pháo đài bay" B-52 trong tích tắc, bản lĩnh làm nên kỳ tích “1 thắng 20” của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ, bản lĩnh giúp Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân dẫu bị thương nát đùi vẫn bám trụ trận địa động viên bộ đội “nhằm thẳng quân thù mà bắn”... Và hàng triệu người con ưu tú khác đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam với bản lĩnh vững vàng đã làm nên lịch sử. Họ là những tượng đài bất tử được nhân dân ngợi ca: “Hoan hô anh Giải phóng quân/ Kính chào anh, con người đẹp nhất!/ Lịch sử hôn anh, chàng trai chân đất/ Sống hiên ngang, bất khuất trên đời” (Tố Hữu).

Không chỉ trong chiến đấu, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ còn được biểu hiện trong quá trình công tác. Quân đội ta đóng quân trên khắp mọi miền Tổ quốc, ở đâu cũng có bóng dáng cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời, biên cương đất nước. Họ là những chiến sĩ biên phòng dầm sương giá rét tuần tra biên giới, phòng, chống tội phạm. Là chiến sĩ hải quân vượt trùng dương đóng quân trên các nhà giàn, các điểm đảo. Là những bác sĩ quân y lao vào tâm dịch cứu chữa người nhiễm Covid-19... Họ còn là những người lính công nghệ của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội đã chung sức đưa tập đoàn trở thành đơn vị cung cấp viễn thông lớn nhất Việt Nam và đầu tư kinh doanh tại hàng chục quốc gia ở 3 châu lục. Những cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị khác nhau sẵn sàng làm việc trong những điều kiện đặc biệt, độc lập công tác, xa gia đình, người thân, đời sống thiếu thốn... Tất cả những trở ngại đó nếu không có bản lĩnh chắc chắn sẽ không thể vượt qua.

Mỗi quân nhân không chỉ thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị mà còn tham gia các hoạt động ngoài xã hội. Đó là điều kiện thuận lợi để bộ đội hòa nhập với môi trường xung quanh. Đất nước bước vào thời kỳ phát triển kinh tế, đời sống xã hội được nâng lên, điều kiện công tác của bộ đội cũng được cải thiện. Bên cạnh những thuận lợi cũng đặt ra những thách thức lớn, trước hết là về nhận thức. Lối sống thực dụng, ưa thụ hưởng, thích những nơi công tác thuận lợi, vị trí có điều kiện thăng tiến, ngại đi vùng sâu, vùng xa, ngại phấn đấu, rèn luyện đang tác động đến tâm tư, nguyện vọng của bộ đội. Những cám dỗ về vật chất, các tệ nạn xã hội, sản phẩm phi văn hóa, thông tin phản động đang từng ngày len lỏi vào trong suy nghĩ, lối sống của cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, các chiến sĩ trẻ là thành phần dễ chịu ảnh hưởng, tác động của các yếu tố trên. Vậy điều gì có thể tạo ra “sức đề kháng” để vượt lên trên mọi cám dỗ, tệ nạn, thói hư tật xấu? Có thể khẳng định, đó chính là bản lĩnh. Bản lĩnh thời nay của Bộ đội Cụ Hồ là sức mạnh để tiếp nhận những yếu tố mới tiến bộ, tránh xa những tiêu cực, lạc hậu, thói hư tật xấu. Bản lĩnh giúp bộ đội tự tin dấn thân trong công tác và lao động, bản lĩnh để sáng tạo và cống hiến.

Hiện nay, mục tiêu xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” đòi hỏi mỗi quân nhân không chỉ giữ vững bản lĩnh chính trị, bản lĩnh cách mạng mà cần phải có bản lĩnh trong xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, trong học tập, công tác, nghiên cứu khoa học mới có thể xây dựng quân đội vững mạnh, tinh nhuệ và hiện đại. Nét đẹp bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ trong chiến đấu phải được kế thừa và phát triển lên tầm cao mới, bản lĩnh để làm giàu thêm tri thức, để hội nhập và phát triển.

Có thể khẳng định, bản lĩnh đã tạo nên nét đẹp văn hóa trong nhân cách Bộ đội Cụ Hồ. Bản lĩnh là thước đo phẩm chất, là yếu tố tiên khởi để đánh giá người quân nhân cách mạng. Chính vì vậy, việc rèn luyện bản lĩnh là yêu cầu tự thân của mỗi quân nhân. Bên cạnh đó, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần luôn quan tâm đến việc xây dựng, rèn luyện bản lĩnh cho bộ đội thông qua học tập, bồi dưỡng lý tưởng, kiến thức, truyền thụ kinh nghiệm, giao nhiệm vụ thực tế, đưa bộ đội vào từng hoàn cảnh cụ thể sát với yêu cầu nhiệm vụ. Có bản lĩnh, bộ đội sẽ vững vàng trong mọi điều kiện, “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, từ đó, ngày càng trưởng thành và tiến bộ. Bản lĩnh vững vàng trong mọi hoàn cảnh sẽ mãi là phẩm chất cao quý của người quân nhân cách mạng, nét đẹp văn hóa ngời sáng Bộ đội Cụ Hồ.

Nguồn: Báo QĐND

Sáng đẹp tinh thần, phẩm chất người lính Quân y

Cùng với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; chủ động phòng, chống giảm nhẹ và khắc phục hậu quả tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, thảm họa, thiên tai…, đặc biệt, trước cơn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát phức tạp, khó lường, thời gian qua, cán bộ, nhân viên tại các Bệnh viện Quân dân y (BVQDY) trên địa bàn Quân khu 9 luôn nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh.

Đầu tháng 7-2021, trên địa bàn Thành phố Cần Thơ phát hiện ca lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, sau đó ít ngày số ca mắc liên tục tăng. Các cơ sở điều trị quá tải, thành phố phải gấp rút thành lập thêm các bệnh viện dã chiến (BVDC) để điều trị những bệnh nhân bị nhiễm. Được sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố, BVQDY TP Cần Thơ nằm tại huyện Cờ Đỏ nhanh chóng chuyển đổi toàn bộ công năng thành BVDC Quân dân y từ tầng 1 lên tầng 2, nhiệm vụ thu dung, điều trị cho người nhiễm Covid-19 vừa và nhẹ trên địa bàn, với quy mô 150 giường.

“Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng tôi khẩn trương rà soát lực lượng, trang thiết bị y tế, xây dựng các kế hoạch, quy chế hoạt động; tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên nắm rõ được chức năng, nhiệm vụ hoạt động của BVDC. Đồng thời, tổ chức diễn tập tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, các quy định mang mặc trang phục bảo hộ, quy trình xử lý rác thải, nước thải cho cán bộ, nhân viên. Đến nay, qua 2 đợt, chúng tôi đã phối hợp với ngành y tế địa phương tiếp nhận hơn 850 bệnh nhân Covid-19, điều trị khỏi ra viện 754 bệnh nhân, chuyển lên tuyến trên 90 bệnh nhân. Tất cả đều bảo đảm an toàn tuyệt đối; công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo cũng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình của Bộ Y tế”, Thượng tá, Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Phong, Giám đốc BVDC Quân dân y TP Cần Thơ cho biết.

Là một cán bộ tham gia BVDC từ những ngày thành lập cho đến nay, Thượng úy, Bác sĩ CKI Dương Thị Tố Trinh, Khoa Điều trị đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tận tình chữa trị cho người bệnh. Chồng chị Trinh cũng tham gia tuyến đầu tại Bộ CHQS TP Cần Thơ, đứa con nhỏ chị phải mang gửi ông bà ngoại chăm sóc. “Làm việc trong khu điều trị rất áp lực, nguy cơ lây nhiễm cao, do vậy trong quá trình thăm khám tôi phải luôn cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác. Lúc nào cũng phải mặc đồ bảo hộ kín mít, hôm nào thời tiết mát mẻ thì đỡ vất vả, còn trời nắng rất nóng bức, ngột ngạt, di chuyển khó khăn. Nhiều lúc kiệt sức vì công việc, nhớ nhà, nhớ con nhưng tôi luôn xác định phải cố gắng, đem hết khả năng để chăm sóc, chữa trị tốt nhất cho người bệnh”, chị Trinh chia sẻ.

Ngày 22-7-2021, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Trà Vinh đã ký quết định về việc chuyển BVQDY tỉnh thành BVDC số 2 để thu dung, sàng lọc, cách ly, điều trị, cấp cứu các trường hợp mắc bệnh Covid-19. Trung tá Đoàn Văn Tân, Giám đốc BVDC số 2 tỉnh Trà Vinh, chia sẻ: “Điều kiện thuận lợi để BVDC số 2 nhanh chóng hoạt động là được sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực sẵn có của BVQDY, cùng với tinh thần trách nhiệm vì nhân dân phục vụ của cán bộ, nhân viên. Qua hai đợt tiếp nhận, chúng tôi đã điều trị cho hơn 300 bệnh nhân khỏi bệnh, hơn 30 trường hợp chuyển viện lên tuyến trên, không có bệnh nhân nào tử vong. Cán bộ, nhân viên của BVDC còn tăng cường cho BVDC số 1, BVDC số 7 và các khu cách ly, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn TP Trà Vinh”.

Phục vụ tại BVDC số 2, chị Bùi Thị Phương Châm, Nhân viên phòng Tổ chức -  Hành chính, tâm sự: “Mỗi ngày tôi phải ra vào, lên xuống cầu thang hàng chục lần để đưa nhu yếu phẩm phục vụ cho bà con; thu dọn vệ sinh, hỗ trợ lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe người bệnh… Phải tiếp xúc với người bệnh, chất thải y tế mang mầm bệnh nên tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chống nhiễm khuẩn. Nếu không cẩn thận, chỉ cần lơ là, chủ quan thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và những người xung quanh”.

Là BVDC đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được giao nhiệm vụ thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, BVQDY tỉnh Sóc Trăng đã thông báo về việc tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân đến khám ngoại trú, điều trị nội trú để sử dụng làm cơ cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. “Để quản lý, điều hành BVDC, chúng tôi chia theo kiểu “vùng xanh”, “vùng đỏ”. “Vùng xanh” gồm Ban giám đốc, bộ phận hành chính, hậu cần, tổ điều trị cấp cứu thăm khám bệnh nhân qua điện thoại, hoặc zalo. “Vùng đỏ” là các bộ phận tiếp xúc với FO như: Nhận bệnh, khám sàng lọc, phân luồng người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, vận chuyển thuốc, thức ăn, nhu yếu phẩm, vệ sinh, xử lý rác thải y tế. Chúng tôi sử dụng cách điều hành này nhằm hạn chế khả năng lây nhiễm chéo, vừa tạo phương án dự phòng nguồn nhân lực trong mọi tình huống để có thể bổ sung cho đội ngũ điều trị trực tiếp ở khu cách ly”, Thượng tá, BSCKII Nguyễn Bích Phượng, Phó giám đốc BVDC tỉnh Sóc Trăng chia sẻ.

Nhờ sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên BVDC, trong tổng số trên 1.100 ca nhiễm Covid-19 nhập viện đã có hơn 900 bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện, trong đó có nhiều bệnh nhân là trẻ em. “Mục tiêu là giúp người bệnh hồi phục nhanh, xuất viện sớm, do vậy chúng tôi luôn xem bệnh nhân như người thân của mình. Ngoài nhiệm vụ điều trị cứu chữa, chúng tôi thường xuyên tiếp cận bệnh nhân để an ủi, tư vấn nhằm giảm sự căng thẳng, ổn định tâm lý để họ sớm khỏi bệnh, trở về đoàn tụ với gia đình, người thân”, Đại úy Huỳnh Hữu Nghĩa, Kỹ thuật viên xét nghiệm tâm sự.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ tại BVDC, cán bộ, nhân viên còn tham gia các tổ quân y phục vụ tại 5 khu cách ly do Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng quản lý, lấy mẫu test nhanh SARS-CoV-2 cho các quân nhân. Ngoài ra, còn tham gia nghiên cứu thuốc điều trị kháng virus Molnupiravir trên bệnh Covid-19 với Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Với ưu điểm hạn chế bệnh chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị, đã có 499 bệnh nhân sử dụng thuốc Molnupiravir, trong đó 429 bệnh nhân khỏi bệnh ra viện.

Nằm tại xã Tân Thành, huyện Bình Tân, từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát đến nay, Bệnh viện Đa khoa khu vực kết hợp Quân dân y tỉnh Vĩnh Long đã chuẩn bị tốt các phương án ứng phó với dịch bệnh. “Chúng tôi tổ chức tập huấn, luyện tập các phương án để cán bộ, nhân viên thuần thục và ứng phó hiệu quả khi có tình huống xảy ra. Ngoài tham gia cùng lực lượng y tế địa phương để xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, tiêm vắc xin ngừa Covid-19, cán bộ, nhân viên còn được cử đến các BVDC trên địa bàn tỉnh để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tuy phải làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng mỗi khi vào ca trực ai cũng đều thể hiện ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao nhất để cứu chữa người bệnh. Có những cán bộ, nhân viên dù hết thời gian được phân công, nhưng vẫn tình nguyện ở lại tiếp tục phục vụ ở các BVDC”, Thiếu tá Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực kết hợp Quân dân y Vĩnh Long nói.

Nằm trong khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, bếp ăn từ thiện BVQDY Sóc Trăng mỗi ngày đều phục vụ hằng trăm suất ăn và nước sôi miễn phí cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh. Từ khi chuyển đổi thành BVDC, mỗi ngày Thượng úy QNCN Lâm Sương, Nhân viên quản lý và bộ phận phục vụ đều phải chuẩn bị từ 4 giờ sáng để nấu hằng trăm suất ăn cho người bệnh. “Chế độ ăn uống cho người đang điều trị bệnh là 80.000 đồng/người/ngày. Để mọi người ăn ngon miệng, tổ phục vụ đều lên thực đơn khác nhau. Bữa ăn sáng thường là các món bánh canh, phở, bánh lọt; buổi trưa và tối sẽ phục vụ cơm đều đầy đủ rau xanh, canh, thịt cá, nguồn thực phẩm luôn tươi sống, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ở BVDC có nhiều trẻ em nên chúng tôi cũng nấu riêng để phục vụ”, Thượng úy QNCN Lâm Sương chia sẻ.

Anh Dương Văn Phước, Nhân viên phục vụ, BVDC tỉnh Sóc Trăng nói: “Để đảm bảo công tác chống nhiễm khuẩn, các phần ăn sẽ được bỏ vào hộp xốp và bọc kín lại, sau đó tổ phục vụ sẽ chuyển cho bộ phận khác đưa vào cho người bệnh. Công việc cũng hơi vất vả, nhưng thấy bệnh nhân ăn hết những phần ăn là động lực để chúng tôi sẽ cố gắng phục vụ tốt hơn nữa. Qua tìm hiểu hầu hết bệnh nhân đều nhất trí, đồng tình việc nấu ăn rất ngon miệng, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Sự quan tâm chu đáo, tận tình phục vụ là động lực để người bệnh ổn định sức khỏe, vững vàng tâm lý, mau chóng hồi phục”.

Thời gian trước, BVQDY TP Cần Thơ đã duy trì hiệu quả mô hình bếp ăn tình thương kết hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Cờ Đỏ, với hơn 50 tình nguyện viên tham gia, được chia làm 13 tổ nấu ăn thường xuyên trong ngày. Khi BVDC Quân dân y thành lập, việc phục vụ các bữa ăn cho bệnh nhân đã gặp không ít khó khăn, nhất là phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. “Để có những phần ăn ngon miệng, giúp bệnh nhân mau hồi phục sức khỏe, chúng tôi phải lên thực đơn chi tiết theo tuần, những bệnh nhân có bệnh nền được chỉ định chế độ ăn kiêng phù hợp. Trước khi đưa về đơn vị, lương thực, thực phẩm đều được kiểm duyệt, phun khử khuẩn. Chúng tôi liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn để cung ứng nguồn thực phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn phòng dịch”, Thượng tá, BSCKII Nguyễn Minh Phong cho biết.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Diễm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định: ‘Việc thành lập BVDC trên địa bàn tỉnh phải nói rằng rất là kịp thời, đặc biệt là tinh thần tự nguyện lên tuyến đầu chống dịch đã làm sáng ngời hình ảnh Thầy thuốc mặc áo lính. Càng trong khó khăn, vất vả thì phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ lại càng tỏa sáng. Những phẩm chất tốt đẹp ấy đang được cán bộ, nhân viên BVDC tô thắm bằng chính sự hài lòng của bệnh nhân. Tình cảm, tình thương và trách nhiệm của họ đều hướng tới mục tiêu Tất cả vì nhân dân, tất cả vì cộng đồng, chung tay đẩy lùi dịch Covid-19”.

Nguồn: Báo QĐND

Đưa công dân Việt Nam sơ tán từ Ukraine sang Ba Lan và Romania về nước


Ngày 13-3, các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam liên quan đã tổ chức hai chuyến bay đưa gần 600 công dân Việt Nam và gia đình sơ tán từ Ukraine sang Ba Lan và Romania về nước an toàn.

Đây cũng là hai chuyến bay đầu tiên được triển khai do Tập đoàn Sun Group tài trợ kinh phí và phối hợp với Vietnam Airlines theo hợp đồng ký ngày 10-3 sau khi được Chính phủ đồng ý:

- Chuyến bay số hiệu VN58 chở 288 người từ Warsaw (Ba Lan) hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào 9 giờ 30 phút. Trên chuyến bay có 63 trẻ em dưới 18 tuổi và 51 người cao tuổi.

- Chuyến bay số hiệu VN68 chở 291 người từ Bucharest (Romania), hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào 11 giờ. Trên chuyến bay có 15 trẻ em dưới 2 tuổi, 60 trẻ em dưới 12 tuổi, 19 người cao tuổi, 12 phụ nữ mang thai và người bệnh.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan và Romania đã phối hợp với các hội đoàn người Việt tổ chức đưa bà con ra sân bay, cử cán bộ hỗ trợ các thủ tục cần thiết và làm việc chặt chẽ với chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho bà con lên đường về nước.

Tính đến 16 giờ ngày 12-3, các cơ quan đại diện Việt Nam đã đón hơn 4.500 người sơ tán từ Ukraine sang các nước lân cận, cụ thể: Khoảng 950 người tại Romania, trong đó có 287 người đã được đưa về nước trên chuyến bay ngày 7-3, 291 người đã được đưa về nước trên chuyến bay ngày 12-3 và hiện còn hơn 300 người đăng ký nguyện vọng về nước; khoảng 2.800 người tại Ba Lan, trong đó 300 người đã được đưa về nước trên chuyến bay ngày 9-3, 288 người đã được đưa về nước trên chuyến bay ngày 12-3 và hiện còn 200 người đăng ký nguyện vọng về nước; 660 người tại Hungary, gần 130 người tại Slovakia, hơn 40 người tại Nga.

Các cơ quan đại diện cũng chủ động, khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương và các hội đoàn người Việt ở sở tại đón, thu xếp phương tiện đi lại, chỗ ăn ở tạm thời và các nhu yếu phẩm cho bà con; tiếp nhận hồ sơ, xử lý các vướng mắc về giấy tờ để bà con nhanh chóng hoàn thành các thủ tục cần thiết và hồi hương trên các chuyến bay tiếp theo.

Nguồn: Báo QĐND

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước

Phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, tỉnh Khánh Hòa có vị trí chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh; có tiềm năng, lợi thế, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, toàn diện, nhanh và bền vững; có điều kiện phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh; trở thành trung tâm của cả vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Tỉnh vừa có biển, đồng bằng, miền núi, với có 3 vịnh, là cửa ngõ của Tây Nguyên ra biển, có hệ thống giao thông gồm cả đường bộ, đường sắt, hàng không. Đặc biệt, tỉnh có bờ biển dài, có thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn với gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Tỉnh có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích, lễ hội truyền thống và địa danh lịch sử. Người dân thông minh, sáng tạo, hiền hòa, yêu nước, giàu truyền thống cách mạng, kiên cường, dũng cảm trong kháng chiến chống ngoại xâm. Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao với hệ thống cơ sở đào tạo, nghiên cứu trên địa bàn...

Trong năm 2021, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, triển khai quyết liệt, linh hoạt các biện pháp, giải pháp vừa bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa từng bước phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đạt và vượt 13/21 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, Khánh Hòa vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Kết quả hợp tác, liên kết với các địa phương khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên còn hạn chế. Vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông còn thấp, chưa đồng bộ; cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, dàn trải, hiệu quả sử dụng chưa cao. Kết quả việc khắc phục các sai phạm, nhất là thu hồi tài sản thất thoát còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm. Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế.

"Khánh Hòa phải xem xét, nghiên cứu nguyên nhân của những hạn chế trên. Phải chăng do tỉnh thiếu chủ động, tích cực; tiềm năng lớn mà cơ chế chính sách còn hạn hẹp", Thủ tướng đặt vấn đề.

Người đứng đầu Chính phủ nhận định, năm 2022 và những năm tới đây vẫn còn những khó khăn do phải khôi phục kinh tế nhanh, phát triển bền vững. Bên cạnh giải quyết những khó khăn nội tại của nền kinh tế còn phải xử lý các tác động của tình hình quốc tế và có thể phát sinh những khó khăn mới.

Do đó đề nghị Khánh Hòa tăng tính tự lực, tự cường; bám sát thực tiễn; dự báo tốt tình hình; linh hoạt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh phải phát huy hơn nữa tính chủ động, tích cực, sáng tạo, thích ứng với tình hình. Phát huy cho được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đồng thời tạo cơ hội mới để thu hút nguồn lực từ bên ngoài cho sự phát triển, nhất là tranh thủ nguồn lực về vốn, trí tuệ, khoa học quản trị để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Thủ tướng đề nghị tỉnh tổ chức triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và trực tiếp là Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà. Phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử văn hóa, đoàn kết, phẩm chất tốt đẹp của người dân Khánh Hòa. Tỉnh tiếp tục tập trung cho bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tận tụy, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ. xứng tầm với nhiệm vụ thời kỳ mới. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường giám sát, kiểm tra; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; khắc phục những hạn chế, yếu kém kéo dài nhiều năm như trong quản lý đất đai, quản lý cán bộ, khắc phục sai sót sau thanh tra, kiểm tra.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tỉnh Khánh Hòa phải kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh; đa dạng hóa huy động nguồn lực cho phát triển, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch, y tế, khoa học, công nghệ của cả khu vực... Trong đó nghiên cứu áp dụng mô hình "lãnh đạo công, quản trị tư; đầu tư công, quản lý tư; đầu tư tư, sử dụng công".

Về những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chinh yêu cầu Khánh Hòa phối hợp với các bộ, ngành tập trung nhiều hơn nữa cho công tác quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn; tận dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đồng thời tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển. Trong đó khẩn trương quy hoạch và thực hiện các quy hoạch khu kinh tế Vân Phong, khu đô thị sân bay Cam Lâm...

Đặc biệt quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trên cơ sở luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Trước hết là tập trung cho hậu cần nghề cá; ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân trên huyện đảo; củng cố quốc phòng, an ninh trên biển.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tỉnh cần tập trung phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Trong đó có việc tiếp tục tiêm vaccine Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế; tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tỉnh rà soát lại đầu tư công, trên tinh thần cắt giảm những dự án chậm, kém hiệu quả, tập trung cho các dự án trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả, tránh manh mún, dàn trải, chia cắt, nâng cao chất lượng đầu tư công. Cơ cấu lại các khoản chi, trong đó giảm đầu tư thường xuyên, tăng tỷ lệ cho đầu tư phát triển; cơ cấu lại thị trường du lịch, thích ứng với tình hình.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý về mặt nguyên tắc; đề nghị tỉnh Khánh Hòa phối hợp với các bộ, ngành bàn bạc giải quyết theo thầm quyền; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền giải quyết.

Nguồn: Báo QĐND

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...