PHẢI CHĂNG? “VIỆT NAM LỰA CHỌN CON ĐƯỜNG
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ SAI LẦM
NGHIÊM TRỌNG”?
Long Vĩ
Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và các nước Đông Âu
cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 là một cơn địa chấn chính trị lớn của thế kỷ
20. Nó có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với thế giới XHCN và độc lập dân tộc mà
còn cả đối với thế giới tư bản chủ nghĩa.
Các thế lực thù địch với CNXH,
các chiến lược gia và chính khách cỡ lớn của CNTB đều hoan hỷ ăn mừng rằng đây là
hồi chuông báo tử, rằng chủ nghĩa xã hội (CNXH) sẽ diệt vong vào cuối thế kỷ
20. Đảng ta nhận định hoàn toàn ngược lại. Sự sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông
Âu kéo theo thoái trào của PTCS và công nhân thế giới là một tổn thất lớn,
nhưng đó là tạm thời chứ không phải tất yếu, tin rằng, các
nước XHCN còn lại sẽ giữ vững trận địa, đảng cộng sản và công nhân sẽ
khôi phục hoạt động trong điều kiện mới, xu thế XHCN sẽ tiếp tục đi lên
dưới hình thức này hay hình thức khác.
Câu trả lời
bước đầu đã có vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. CNXH không hề diệt
vong. Các nước XHCN còn lại không những giữ vững trận địa mà còn định
hướng vững vàng cho sự phát triển tiến lên. Các phong trào XHCN kiểu
Mỹ Latinh đã phát sinh, phát triển, khởi đầu từ Venezuela rồi lan ra một số
nước khác... Chủ nghĩa tư bản thế giới không thể chứng minh được rằng nó là lực
lượng thống trị toàn cầu và xã hội tư bản là xã hội tốt đẹp cuối cùng của loài
người. Ngay giữa lúc thế giới TBCN huênh hoang về sức sống dài lâu của nó thì
khủng hoảng cục bộ đã xảy ra, rồi đến khủng hoảng toàn diện hơn, kể từ năm 2008
đến nay vẫn còn chưa hoàn toàn hồi phục. Thế giới từ lưỡng cực thành đơn cực,
rồi nay lại thành đa cực. Các nước thuộc các chế độ chính trị, xã hội khác nhau
đều tham gia "toàn cầu hóa" và "hội nhập quốc tế", vừa cạnh
tranh, vừa hợp tác dưới nhiều cung bậc khác nhau.
Điểm qua như
thế để thấy rõ rằng, gần 3 thập kỷ đã trôi qua kể từ khi mô hình CNXH ở Liên Xô
và Đông Âu bị sụp đổ, xung quanh vấn đề nên theo hay không theo CNXH, diễn biến
tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và trong xã hội ở Việt Nam cũng không thuần
nhất và khá phức tạp, nhưng về cơ bản vẫn kiên định con đường mà Chủ tịch Hồ
Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Quan điểm cho
rằng "CNXH sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, vì thế Việt Nam không nên và không
thể gắn liền mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH" không phải bây giờ mới có
mà đã có từ lâu, từ sau khi CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Nhưng từ đó đến
nay, những kẻ chống đối không còn nói nhẹ nhàng như thế, họ thẳng thừng đòi
"ĐCSVN tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về
xây dựng CNXH, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là
chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng
ôn hòa...". Và đến thời điểm chúng ta đang tiến hành "phê phán các
quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
trong nội bộ", có người mang danh đảng viên, với vỏ bọc của người “thật sự
yêu nước” nói rằng, trong lựa chọn đường lối, Đảng ta đã sai lầm không chỉ từ
Hội nghị thành lập Đảng (năm 1930) mà là từ Đại hội Tua (năm 1920). Ý tứ đằng
sau những giọng điệu ấy là gì, chắc mỗi người chúng ta đều biết.
Với
quan điểm ấy, họ đã sai lầm ít nhất là ở 2
vấn đề lớn sau đây:
Một là, về sự
sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu
Thứ nhất: Sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu
là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể về xây dựng CNXH, chứ không phải sự sụp đổ
của CNXH nói chung, với tư cách là một nấc thang phát triển của xã hội loài
người, theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Thứ hai: Chế độ Xô viết ngay từ lúc mới ra
đời ở Nga sau Cách mạng Tháng Mười (năm 1917) và sau này trên toàn Liên bang Xô
viết, đã tỏ rõ tính ưu việt so với các chế độ chính trị-xã hội trước đó. Chính
quyền Xô viết thực sự là chính quyền của công-nông-binh và của nhân dân lao
động nói chung. Nhờ tính ưu việt đó, nó đã đánh thắng cuộc chiến tranh can
thiệp của các nước đế quốc sau Cách mạng Tháng Mười, lập lại hòa bình và xây
dựng chế độ mới, thực hiện công nghiệp hóa và tập thể hóa nông nghiệp thành
công, đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của phát xít Đức-Nhật, dẫn tới sự ra
đời của hệ thống XHCN thế giới. Vào thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX,
sự nghiệp xây dựng CNXH ở Liên Xô đạt được những thành công lớn, khiến cho Đảng
và Nhà nước Xô viết ngộ nhận là CNXH đã xây dựng xong và chủ trương Liên Xô
bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Sự thật thì cũng thời gian đó,
nhiều nhược điểm và khuyết tật trong nội bộ Nhà nước Xô viết cũng bắt đầu hé
lộ, nhất là khi so sánh với những bước phát triển của hệ thống tư bản chủ nghĩa
thời đó. Nếu vì sự sụp đổ sau này mà phủ nhận sạch trơn những gì chế độ Xô viết
đã giành được là một sai lầm nghiêm trọng trong cách nhìn lịch sử.
Thứ ba: Vào những năm cuối thập niên 70,
đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, sau khi phát hiện sự chậm trễ của mình, Liên Xô
đề ra chính sách cải tổ; các nước XHCN Đông Âu cũng đề ra cải cách.
Cải tổ và cải cách nhằm mục tiêu tăng tốc về kinh tế và thực hiện chế độ dân
chủ rộng rãi hơn. Sai lầm của Liên Xô và các nước Đông Âu lúc đó là đã sa vào
chủ nghĩa đa nguyên, đa đảng đối lập, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng, gây
hoang mang, dao động trong đông đảo quần chúng, dẫn đến hỗn loạn xã hội, khiến
cho ở Đông Âu, chính quyền bị các thế lực thù địch cướp lấy, còn Liên Xô thì
chia rẽ sâu sắc trong nội bộ lãnh đạo, cuối cùng chính quyền cũng lọt vào tay
nhóm chống đối trong Bộ Chính trị, những kẻ chống chính quyền Xô viết từ rất
sớm. Không thấy nguyên nhân trực tiếp của sự sụp đổ là ở đây, mà coi sự sụp đổ
là tất yếu của chính quyền Xô viết cũng là sai lầm trong cách nhìn lịch sử.
Thứ tư: Bên cạnh những nguyên nhân chủ
quan nêu trên, còn có một nguyên nhân trực tiếp khác nữa là âm mưu và thủ đoạn
chống phá của các thế lực thù địch với cái gọi là “chiến thắng CNXH mà không
cần chiến tranh”, “xóa bỏ CNXH mà không cần súng đạn” trong chiến lược
"diễn biến hòa bình" của chủ nghĩa đế quốc. Do đó, Liên Xô và nhiều
nước khác đã sa vào cái bẫy này của chúng mà không tự giác phát hiện, khắc phục
và sửa chữa.
Hai là, về sự lựa chọn độc lập dân tộc gắn liền với
CNXH ở Việt Nam.
Thứ nhất: Đúng là ngay từ ngày mới thành
lập, Đảng ta đã đề ra chủ trương "làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ
địa cách mạng để đi tới chủ nghĩa cộng sản". Như cách nói ngày nay, đó là
làm cách mạng giải phóng dân tộc, tiến lên làm cách mạng XHCN. Đường lối
độc lập dân tộc gắn liền với CNXH được đề ra xuất phát từ thực tế tình hình
nước ta lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp, cũng xuất phát từ xu thế phát triển
có tính quy luật của thời đại mới sau Cách mạng Tháng Mười Nga là tiến lên
CNXH. Gần 9 thập kỷ, trải qua những chặng đường phát triển của cách mạng Việt
Nam với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn
của đường lối này, cớ sao vì sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu mà phải từ bỏ nó?
Thứ hai: Trong xây dựng CNXH, Việt Nam học
tập kinh nghiệm của Liên Xô và các nước XHCN đi trước nhưng hoàn toàn
không có sự sao chép. Mô hình xây dựng CNXH ở Việt Nam không phải là mô hình Xô
viết của Liên Xô, bởi sự khác biệt cơ bản là ở chỗ, một bên là từ cơ sở của chế
độ tư bản đi lên, một bên từ độc lập dân tộc đi lên. Hồ Chí Minh từng nói:
"Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được
hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo
mặc, ai cũng được học hành”[1]. CNXH
đối với Bác, như ngày nay chúng ta vẫn nói, là dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh. Nhầm lẫn giữa mô hình xây dựng CNXH ở Việt Nam với mô hình
Xô viết là một sự sai lầm lớn.
Thứ ba: Vào những năm Liên Xô và Đông Âu
tiến hành cải tổ và cải cách, Việt Nam cũng đề ra đuờng lối đổi mới. Những nhân
tố đầu tiên của đổi mới xuất hiện từ những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ
20, nhưng đổi mới toàn diện trở thành đường lối chính thức của Đảng Cộng sản
Việt Nam vào cuối năm 1986 theo Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Đổi mới của
chúng ta không đi theo vết xe đổ của cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu.
Đảng ta đã nêu rõ 6 nguyên tắc của đổi mới, trong đó vấn đề giữ vững định
hướng XHCN, đổi mới chứ không đổi màu là nguyên tắc đầu tiên. Chúng ta
cũng bác bỏ quan điểm cho rằng “đổi mới là nửa vời, không nhất quán”. Sự thật
là đổi mới của chúng ta qua hơn 30 năm đã đưa lại những thành tựu to lớn, có ý
nghĩa lịch sử, làm cho Việt Nam càng vững bước đi lên trên con đường độc lập
dân tộc và CNXH. Đánh đồng đổi mới của Việt Nam với cải tổ và cải cách ở Liên
Xô và Đông Âu là một sai lầm có dụng ý.
Thứ tư: Suốt hơn 30 năm đổi mới cho
thấy: Nhận thức của Đảng ta về CNXH và về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày
càng sáng tỏ hơn.
Cương lĩnh xây
dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ
rõ: "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn
đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế
phát triển của lịch sử"[2] .
Cương lĩnh nêu
lên 8 đặc trưng của CNXH mà nhân dân ta xây dựng, trong đó 3 đặc trưng đầu tiên
là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có
nền kinh tế phát triển cao dựa trên LLSX hiện đại và QHSX tiến bộ phù hợp.
Thử hỏi, con
đường độc lập dân tộc đi lên CNXH tươi sáng như thế tại sao chúng ta phải từ bỏ
chỉ vì mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ? Vậy “họ” đòi chúng
ta từ bỏ con đường XHCN, ý đồ thực sự của “họ” phía sau đòi hỏi này là gì?
Phải chăng đó là ý đồ đen tối của “họ” muốn đưa nước ta đi theo con đường tư
bản chủ nghĩa?