Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018


KHÔNG THỂ PHÊ PHÁN, PHỦ NHẬN, XUYÊN TẠC
MỤC TIÊU ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM
Vũ Lực
Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là mục tiêu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, là con đường duy nhất đúng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Thế nhưng, đã có một số ý kiến phê phán, phủ nhận, xuyên tạc mục tiêu này. Thật phi lý!
Từ khi mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ cho đến nay, những quan điểm phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc (ĐLDT) gắn liền với CNXH xuất hiện ngày càng nhiều. Nhìn chung, các quan điểm đều phủ nhận con đường đi lên của cách mạng nước ta là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chúng hết lời ca ngợi Goócbachốp, công khai đi theo con đường TBCN: “Không nên cứ tôn thờ CNXH một cách lý thuyết suông mà không hòa nhập vào thời đại, đi theo con đường TBCN. Tự giác thì sẽ đến đích nhanh hơn, không tự giác thì tất yếu cũng phải đi theo con đường đó, nhưng đến đích chậm chạp hơn, đau đớn hơn”. Các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền cho mô hình “xã hội dân chủ” và tư tưởng dân chủ tư sản; thực hiện âm mưu xóa bỏ chuyên chính vô sản, xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, phủ nhận đấu tranh giai cấp, gây mơ hồ về địch, ta; đề cao chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân tư sản. Đưa ra quan điểm về con đường “dân tộc” đi lên xây dựng xã hội văn minh do trí thức, sinh viên thanh niên làm nòng cốt; nhằm tác động vào giới trẻ để khuyến khích họ đấu tranh cho “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” và đẩy mạnh chiến tranh tâm lý tác động vào xã hội những khuynh hướng mơ hồ, lệch lạc để lừa bịp quần chúng nhân dân
Có quan điểm cho rằng, thế giới đương đại là thế giới đi theo con đường TBCN nên Việt Nam không thể giữ định hướng XHCN, họ đòi xét lại lịch sử, cho rằng Đảng ta đưa đất nước tiến lên CNXH là vội vàng. Một số người còn cho rằng, không thể đi theo con đường XHCN, vì đi theo con đường đó là đưa dân tộc vào chỗ chết, họ “khuyên” nên chọn con đường TBCN, quay lại con đường phát triển TBCN,… Tuy nhiển, điều đó là không thể, bởi những cơ sở sau:
Trước hết, dân tộc Việt Nam không thể giành được độc lập nếu không có đường lối cách mạng vô sản. 
Ngay từ khi thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược nước ta (năm 1858) đến trước năm 1930, đã có hàng trăm phong trào, cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, nhà yêu nước nhưng đều bị thực dân Pháp đàn áp tàn bạo và đều thất bại. Nguyên nhân chính là do không có đường lối cách mạng đúng theo một hệ tư tưởng tiên tiến, khoa học và cách mạng, phù hợp với tiến trình lịch sử.
Chỉ đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường duy nhất đúng để cứu nước, giải phóng dân tộc, là con đường giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp; giai cấp vô sản phải nắm lấy ngọn cờ giải phóng dân tộc, ĐLDT gắn liền với CNXH thì cách mạng nước ta mới thành công. Người chỉ rõ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản”. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh sự đúng đắn đó bằng những thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giành ĐLDT, giải phóng đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) ngày nay. Vì vậy, cần khẳng định, ĐLDT gắn liền với CNXH là sự lựa chọn của lịch sử, của toàn dân tộc Việt Nam, là sự phù hợp quy luật của tiến trình lịch sử nước ta.
Hai là, giành được ĐLDT mà không gắn với CNXH thì chẳng những không giữ được ĐLDT mà còn không thể mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. 
Trong thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới, thì việc đấu tranh lật đổ ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành ĐLDT là mục tiêu trước mắt của mọi quốc gia, dân tộc bị áp bức, của các dân tộc thuộc địa. Song, việc xác định mục tiêu lâu dài, con đường phát triển tiếp theo của mỗi nước, mỗi dân tộc lại tùy thuộc vào quan điểm, lập trường của giai cấp cầm quyền. Một số nước sau khi kiên trì đấu tranh giành được ĐLDT quyết định đưa đất nước tiến thẳng lên CNXH, bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN, trong đó có Việt Nam. Bởi lẽ, tính chất của thời đại mới đã tạo ra khả năng hiện thực cho những dân tộc đang còn lạc hậu tiến thẳng lên CNXH. Những khả năng hiện thực này xuất phát từ nhận thức về thời đại, từ cơ sở khoa học trong quan niệm cũng như giải pháp để giải quyết vấn đề ĐLDT. ĐLDT là mục tiêu, là tiền đề để đi lên CNXH, CNXH là phương hướng phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam. Chỉ có cách mạng XHCN mới giải phóng triệt để giai cấp vô sản và nhân dân lao động khỏi áp bức bóc lột, bất công, mới đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và đưa nhân dân lao động trở thành người làm chủ xã hội. “ĐLDT là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho ĐLDT”. CNXH bảo đảm quyền dân tộc tự quyết, quyền lựa chọn con đường và mô hình phát triển đất nước; bảo đảm quyền và phát huy năng lực làm chủ của nhân dân, xóa bỏ triệt để tình trạng áp bức, bóc lột. CNXH tạo ra sự trao đổi, hợp tác kinh tế, văn hóa giữa các nước dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, vì một thế giới không có chiến tranh, không có sự hoành hành của tội ác, của tàn bạo và bất công, bảo đảm cho con người phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Do phát triển đất nước theo định hướng XHCN, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (LHQ), 5/8 mục tiêu đã về đích trước năm 2015, được LHQ nhìn nhận là hình mẫu quốc tế trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo; đưa tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia) trên toàn quốc từ 58,1% năm 1993 xuống còn 14,8% năm 2007 và 7,8% năm 2013. Chính phủ luôn dành nguồn lực lớn cho công tác xóa đói giảm nghèo. Trong giai đoạn 2005 - 2012, Nhà nước đã dành 864.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm dành 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này. Vì vậy, tỷ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân mỗi năm (giai đoạn 2005 - 2012) giảm từ 2,3% đến 2,5%3. Bởi thế, Chương trình phát triển LHQ đã ghi nhận Việt Nam là một trong mười nước có mức tăng thu nhập cao nhất trong 40 năm qua. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng bất bình đẳng, tệ nạn xã hội,… vẫn còn là do đất nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH, nên những tồn dư của xã hội cũ không thể mất trong một sớm một chiều.
Phát triển theo mô hình TBCN là phát triển đất nước theo hình thái kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng tư hữu tư nhân tư bản về tư liệu sản xuất. Trong xã hội TBCN, tư liệu sản xuất thuộc về giai cấp tư sản, còn nhân dân lao động là những người làm thuê, bị bóc lột sức lao động. Hậu quả là một bộ phận nhỏ của xã hội trở nên giàu có dựa trên sức lao động và sự nghèo khổ của đa số người dân trong xã hội. “Xã hội 1%, của 1%” là vì thế. Đó cũng là căn nguyên của phong trào chiếm lấy phố Uôn ở Mỹ thời gian qua.
Ba là, ĐLDT mà không gắn với CNXH thì nhân dân ta sẽ không được hưởng một nền dân chủ thực sự và một xã hội ổn định. 
Dân chủ tư sản phục vụ cho lợi ích của thiểu số giai cấp tư sản và giai cấp này nắm mọi quyền hành trong tay chi phối toàn xã hội. Đó là một nền dân chủ cho số ít, chuyên chính cho số đông và là căn nguyên mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội tư bản không được hưởng một nền dân chủ thực sự. Trái lại, dân chủ XHCN, với tư cách là chế độ nhà nước được sáng tạo bởi nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, cho nên, luôn đảm bảo mọi quyền lực đều thuộc về tay nhân dân. Nhà nước XHCN là thiết chế chủ yếu thực thi dân chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua chính đảng của mình. Điều đó cho thấy, dân chủ XHCN vừa có bản chất giai cấp công nhân, vừa có tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc.
Xã hội TBCN gắn liền với chế độ đa đảng chính trị. Nước ta không thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng không có nghĩa là bảo thủ, mất dân chủ như các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, mà đó là yêu cầu khách quan. Không thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng để đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Về lý luận, dân chủ không đồng nghĩa với đa nguyên, không phải cứ có đa nguyên là có dân chủ. Dân chủ là quyền tự quyết của nhân dân trước những vấn đề trọng đại của đất nước, của dân tộc. Dân chủ XHCN thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của công dân, bảo đảm cho nhân dân là chủ thể của quyền lực. Quyền làm chủ của nhân dân được thể chế hóa thành các chuẩn mực mang tính pháp quyền, thành nguyên tắc tổ chức và vận hành của Nhà nước cũng như các thiết chế chính trị khác, tạo nên chế độ dân chủ.
Trên thế giới có nhiều nước theo chế độ đa đảng chính trị, nhưng về bản chất vẫn chỉ là đảng đại diện cho một lực lượng xã hội duy nhất là giai cấp tư sản và lực lượng ấy thay nhau lãnh đạo đất nước, cùng bảo vệ quyền và lợi ích của giai cấp mình. Tuy thế, giữa các đảng phái này cũng luôn có sự tranh chấp quyền lợi với nhau, mà thực chất là sự tranh chấp giữa các nhóm lợi ích, giữa quyền lợi của các nhóm tư bản trong từng ngành, từng lĩnh vực, điều này thường dẫn đến tình trạng bất ổn về chính trị trong nội bộ đất nước, cản trở sự phát triển chung của xã hội. Thực tế cho thấy, ở những nước mà đa đảng đi kèm với đa nguyên chính trị là những nước có nền chính trị kém ổn định, thường diễn ra các cuộc tranh giành quyền lực làm cản trở sự phát triển của nền kinh tế, mất ổn định chính trị, thậm chí lâm vào cảnh hỗn loạn xã hội như đã từng xảy ra ở một số nước hiện nay và nhân dân là người phải gánh chịu hậu quả. Do vậy, dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế một đảng hay đa đảng, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chế độ cầm quyền phục vụ cho lợi ích của giai cấp nào cũng như cách thức vận hành cụ thể của bộ máy nhà nước trong từng xã hội.
Bốn là, ĐLDT mà không gắn với CNXH thì nhân dân ta sẽ mất đi bản sắc văn hóa dân tộc, đạo đức xã hội bị xuống cấp. 
Thực tiễn hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay cho thấy, những tác động tiêu cực của lối sống và văn hóa có nguồn gốc từ xã hội TBCN đến đời sống xã hội nước ta đang hằng ngày, hằng giờ làm phai nhạt bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc nếu không ngăn chặn kịp thời. Đặc trưng của sự “xâm lăng văn hóa” là cùng với sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ “văn hóa tư sản” vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, là sự thâm nhập của lối sống thực dụng trong xã hội. Những tác động đó đã góp phần trực tiếp hủy hoại nhiều tổ chức và con người. Nó làm xuất hiện và phát triển những căn bệnh khó có liều thuốc chữa hữu hiệu; mặt trái của kinh tế thị trường tác động vào những giá trị tinh thần, chính trị, đạo đức và truyền thống thương yêu, đùm bọc của dân tộc ta. Sự giúp đỡ lẫn nhau bị hạ xuống hạng thứ yếu trong hệ thống giá trị; chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, địa vị của đồng tiền lên ngôi.
Vì vậy, để giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc, hội nhập mà không hòa tan chỉ có kiên định với sự lựa chọn con đường tiến lên CNXH, cùng với xóa bỏ ách áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu, loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực từ văn hóa và lối sống ngoại lai, tạo những điều kiện để tiếp thu những giá trị văn hóa, văn minh của thời đại, làm phong phú thêm cốt cách, lối sống và bản sắc văn hóa cùng với sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Năm là, giành ĐLDT mà đưa đất nước theo con đường TBCN là đi ngược lại ước mơ, nguyện vọng, ý chí và phủ nhận sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam. 
Đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành ĐLDT, giải phóng nhân dân khỏi áp bức bóc lột, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người làm chủ đất nước là ước mơ, là khát vọng cháy bỏng của nhân dân ta bao đời nay. Vì vậy, sau khi giành được ĐLDT, không có lý do gì để “lùi lại” giai đoạn dân chủ nhân dân mà lịch sử đã vượt qua. Đảng ta không thể đưa đất nước đi theo con đường TBCN, không thể đưa giai cấp bóc lột quay trở lại địa vị thống trị, đưa dân ta trở lại con đường lầm than, cơ cực, tiếp tục chịu thân phận ngựa trâu. Vì vậy, không thể tự tước đoạt, tự hủy hoại thành quả cách mạng với bao sự hy sinh xương máu của hàng triệu người dân Việt Nam mới có được. Giành được ĐLDT, tiến thẳng lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN đối với nước ta là sự lựa chọn hợp quy luật phát triển của nhân loại, đồng thời cũng phù hợp với đặc điểm của dân tộc ta, nguyện vọng, ý chí của nhân dân ta.
Sáu là, kiên định mục tiêu ĐLDT gắn liền với CNXH là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và BVTQ. 
Ngày nay, Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập thì dân tộc và CNXH là một. Chỉ có xã hội XHCN mới thực hiện được ước mơ lâu đời của nhân dân lao động là vĩnh viễn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu. Đó là điều kiện tiên quyết để xây dựng một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”4. Thực hiện mục tiêu ĐLDT gắn liền với CNXH trong điều kiện mới, quán triệt tư tưởng đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia, dân tộc với mục tiêu xuyên suốt là giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chế độ chính trị XHCN, kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi nhất cho công cuộc xây dựng và BVTQ. ĐLDT gắn liền với CNXH tạo cơ sở cả về lý luận và thực tiễn để chúng ta vận dụng sáng tạo các bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữ vững độc lập, tự chủ đi đôi với hội nhập quốc tế; triển khai các hoạt động đối ngoại một cách đồng bộ và toàn diện. Theo đó, kiên định mục tiêu ĐLDT gắn liền với CNXH mới có thể phát huy cao nhất sức mạnh dân tộc, sức mạnh nội sinh nhằm giữ vững độc lập, tự chủ trên mọi lĩnh vực đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Đó là chăm lo xây dựng  “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất”5. Do vậy, cho dù thế giới ngày nay và trong những năm tới có thể có nhiều đổi thay, nhưng ĐLDT gắn liền với CNXH mãi mãi là mục tiêu, con đường duy nhất đúng, là tất yếu lịch sử của dân tộc ta trên con đường xây dựng và BVTQ.

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12,  Nxb CTQG, H. 2011.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011.
4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016.
3 - Nâng cao hiệu quả các chính sách giảm nghèo, Báo Nhân Dân, ra ngày 08-6-2014.


CẢNH GIÁC, ĐẤU TRANH TRƯỚC MỘT SỐ THÔNG TIN XẤU ĐỘC
TRÊN MẠNG INTERNET
Thùy Văn
Internet và mạng xã hội ngày càng phát triển và đây là xu hướng của thế giới. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Mạng xã hội và internet ở Việt Nam hiện nay phát triển rất mạnh. Đây chính là cơ hội và cũng là thách thức của chúng ta. Các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng các trang mạng xã hội đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta.
Thực tiễn cho thấy Internet là một sản phẩm văn minh của công nghệ thông tin, có nhiều tiện ích to lớn trong đời sống hiện đại. Thế nhưng nếu chủ quan, đơn giản, nhiều người sẽ bị “lạc lối” trên mạng xã hội, thậm chí nguy hiểm hơn là vô hình trung gián tiếp tán phát những thông tin xấu độc, hoặc rò rỉ thông tin bí mật Nhà nước, gây hại cho cộng đồng; thậm chí tiếp tay cho các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước… Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/BTTTT ngày 19-8-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Trong đó có nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội như: Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; giả mạo tổ chức, cá nhân và tán phát thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Còn không ít người dùng mạng xã hội chưa nắm vững các quy định này nên đã có sai phạm. Đây là vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới.
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang tăng cường chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta với nhiều âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, nham hiểm, xảo quyệt. Đặc biệt là chúng lợi dụng vấn đề ô nhiễm môi trường, hay vấn đề chống tham nhũng của Đảng và nhà nước ta, tự do tôn giáo…, các hoạt động chống phá ngày càng gia tăng cả về cấp độ, mật độ, tần suất và lưu lượng. Một trong những thủ đoạn mà chúng ráo riết thực hiện là lợi dụng Internet để truyền bá các quan điểm sai trái, tung tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Những thông tin kiểu này đang được âm thầm phát tán, tạo ra sự dao động hoang mang trong các tầng lớp nhân dân, làm lung lay lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đây là thủ đoạn chiến tranh tâm lý vô cùng nguy hiểm.
Các thế lực thù địch sử dụng Internet làm phương tiện tuyên truyền thông qua các hình thức: Sử dụng các Website, dịch vụ thư điện tử (email), trang mạng xã hội (facebook), Zalo các dịch vụ hội thoại (chat), điện thoại (VoIP), diễn đàn (forum), Twitter, Youtube, MySpace Thông qua đó chúng tích cực lôi kéo, tuyên truyền bôi nhọ lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng, đả phá học thuyết Mác - Lênin, tưởng Hồ Chí Minh, ủng hộ, cổ vũ cho các thế lực quá khích, phản động trong nước.Rõ ràng là mạng Internet đã bị lợi dụng để thực hiện những ý đồ xấu làm hủy hoại niềm tin trong xã hội, tạo sự bất ổn, “tự diễn biến” để thực hiện ý đồ chống phá của các thế lực thù địch. Việc nhìn nhận và phân tích rõ bản chất cũng như động cơ của những luồng thông tin này là hết sức cần thiết.
Trên thực tế, thủ đoạn phổ biến của các đối tượng thù địch trong vấn đề này là sử dụng và khai thác triệt để sự phát triển của công nghệ thông tin để thực hiện ý đồ đen tối. Tập trung vào sự sở hở của chính quyền các cấp trong quản lý đất đai, môi trường, những biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên...
Như chúng ta đã biết, Doanh nghiệp Formosa đã gây ra ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung và hậu quả của nó là cá biển chết hàng loạt, điều này nhân dân cả nước đều biết. Nhưng cá chết thì “ruồi” bâu, cá chết càng lắm thì “ruồi” bâu càng nhiều. Bởi nó tuy thối nhưng lại là cơ hội cho “đám ruồi” bậu xậu kiếm ăn. Và không có gì lạ, lợi dụng việc này những kẻ bán nước, hại dân lại như những con kền kền lao vào “nhai đi” “nhai lại”, viết bài, đăng ảnh, nói xấu, bôi nhọ, vu cáo, bịa đặt đối với Đảng, Nhà nước ta trên các trang mạng. Gần đây trước thềm Hội nghị trung ương 7 (khóa XII), thì một số trang mạng  như: “quan làm báo”, “dân làm báo” lại lập tức xuất hiện, gây xôn xao dư luận bằng các thông tin trái chiều được tung ra liên quan tới công tác cán bộ của Đảng, bóp méo không đúng sự thực.
Để tạo sự chú ý của dư luận, các phần tử cơ hội chính trị đã tô vẽ những điều mà chúng tưởng tượng ra về sự “xuống cấp” nghiêm trọng của cán bộ; lấy cái hiện tượng quy thành bản chất, dùng cái đơn lẻ quy thành hệ thống, “đổi trắng thay đen”.  Lợi dụng tâm lý hiếu kỳ của một số ít người, chúng dựng lên các tin giật gân, vẽ ra các cuộc “đấu đá”, “phe nhóm” trong Đảng. Chúng dùng công nghệ số để ghép ảnh người này với người kia, hay cắt ghép ảnh chụp những ngôi biệt thự, những siêu xe sang trọng và lấy đó làm “chứng cứ” quy chụp các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng ta. Không dừng lại ở đó, chúng còn lấy hình ảnh cuộc sống của các “đại gia” trong xã hội rồi cho đó là của con ông nọ, bà kia, gán cho họ tội “trốn thuế”, “buôn lậu”, “ nhận hối lộ” sống sa đọa, dẫn đến suy diễn, gây bức xúc xã hội.
Lợi dụng vấn đề này, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết với lời lẽ thô tục, phủ nhận sự nỗ lực, cố gắng của Đảng, Nhà nước trong giải quyết vấn đề tham nhũng, chúng cho rằng vấn đề chống tham nhũng đang đi vào bế tắc, hay đây là cuộc thanh trừng của các nhóm, phe, cánh… làm mất lòng tin của nhân dân đối với chế độ.
Internet với đặc trưng nổi bật có nhiều trang mạng khác nhau mang tính cá nhân, tính tương tác cộng đồng cao nhưng lại là không gian ảo rất khó kiểm chứng, kiểm soát thông tin và các mối quan hệ. Vì vậy, người sử dụng Internet phải luôn tỉnh táo, có bản lĩnh vững vàng để không bị “cuốn theo”. Người sử dụng Internet cần nhận diện những trang báo, trang thông tin, những diễn đàn trên mạng xã hội đã và đang hàng ngày liên tục đăng tải những thông tin xấu độc; cần phải thận trọng, cảnh giác, sàng lọc thông tin. Không nên đăng tải, chia sẻ thông tin từ những trang web, trang mạng xã hội không rõ nguồn gốc… vì những thông tin này rất khó kiểm chứng. Chỉ từ một đường link bịa đặt của một đối tượng xấu được đài, báo hải ngoại dẫn lại; không ít trang mạng xã hội trong nước đã chia sẻ, gây dư luận xấu, sự hoang mang trong dư luận.
Mặt khác, việc dẫn nguồn, chia sẻ thông tin từ các trang báo điện tử, mạng xã hội phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Người dùng mạng xã hội không được dùng trang cá nhân chia sẻ, tổng hợp như một trang thông tin điện tử và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời bình luận, những thông tin đi kèm đường link mình chia sẻ; phải tự chắt lọc thông tin cho mình vì mạng xã hội không phải là kênh thông tin chính thống; phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra; phải tự trang bị kiến thức để chống lại những thông tin xấu, độc hại trên mạng, không để thông tin xấu lung lạc.
Với khả năng trao đổi thông tin đa dạng và sự tham gia cung cấp, trao đổi thông tin của hàng triệu người, trên thực tế khó có thể ngăn cản và kiểm chứng thông tin từ trong nước ra nước ngoài thông qua Internet. Chúng ta đã sử dụng đến giải pháp bức tường lửa để ngăn chặn thông tin phản động từ nước ngoài, nhưng trên thực tế chúng đã xây dựng rất nhiều website khác nhau làm cho chúng ta không thể kiểm soát, ngăn chặn được hoàn toàn những thông tin phản động đó. Vì vậy, để cảnh giác và đấu tranh với những thông tin xấu độc trên các trang mạng xã hội hiện nay cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt 3 quan điểm, 10 nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Chỉ thị 34 của Ban Bí thư Trung ương (Khóa X) và Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “ tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” trong nội bộ Đảng” gắn với yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh chống “DBHB” trong tình hình mới; tổ chức tốt học tập các chuyên đề, tài liệu về đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet. Trong tuyên truyền, giáo dục cần tập trung làm rõ âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch trên Internet; những vấn đề, sự kiện mà chúng lợi dụng xuyên tạc, mức độ nguy hại, ảnh hưởng của các thông tin sai trái, thù địch đó đối với cán bộ, nhân dân.
 Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không để xảy ra hiện tượng cán bộ, đảng viên và quần chúng bị kẻ địch lôi kéo, móc nối; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những quan điểm, tư tưởng sai trái thẩm lậu vào đơn vị. Thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định về quản lý tài liệu, không để các ấn phẩm văn hóa độc hại, tài liệu phản động lọt vào đơn vị, trang bị phương pháp tiếp cận thông tin trên mạng Internet một cách khoa học và đúng đắn.
Hai là, đẩy mạnh hoạt động đấu tranh trực diện của các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình.
Báo chí truyền thông là công cụ sắc bén và là lực lượng đi đầu trong công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet. Trước sự chống phá của các thế lực thù địch chúng ta phải cung cấp thông tin một cách kịp thời, thường xuyên, chính xác, đầy đủ là sự phản bác có hiệu quả nhất, là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện yêu cầu cần thoát khỏi thế “chống đỡ” để chuyển mạnh sang thế “tấn công” các thế lực thù địch. Sớm khắc phục tình trạng sai tôn chỉ mục đích trên một số tờ báo, tạp chí, đưa quá nhiều mảng tối của đời sống chính trị, tạo “mảnh đất” để địch dễ dàng lợi dụng, khai thác thông tin, nói xấu chế độ.
Ba là, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên mạng Internet
Cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên mạng Internet là cuộc chiến không khói súng, cuộc cách mạng của cả nền chuyên chính chống lại bọn phản động mà đối thủ nhiều khi không lộ diện, tính chất rất khó khăn và phức tạp. Chính vì vậy phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp. Phải huy động toàn xã hội, toàn dân tham gia cuộc đấu tranh này; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng. Chú trọng việc tham gia của các tổ chức quần chúng, các đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp...
Sự phát triển của Internet là thành tựu của nhân loại và trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, mang lại những tiện ích nhiều mặt cho con người trên toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển xã hội trên nhiều lĩnh vực, đó là điều chúng ta không thể phủ nhận. Tuy nhiên, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng thành tựu đó để mạng lại những tác hại không hề nhỏ. Nếu những người sử dụng Internet không vững vàng trong nhận thức, thiếu nhãn quan chính trị đúng đắn, thiếu thông tin chính thống, khi tiếp xúc với những quan điểm sai trái, thù địch sẽ có những suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến mơ hồ, mất niềm tin. Nhận diện và đấu tranh với những chiêu trò bôi xấu, vụ lợi trên mạng Internet là việc làm cần thiết đối với mỗi chúng ta./.



HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
VỀ CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN
Quang Tiến
Quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải ra sức đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Người cho rằng, chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng độc hại, tồn tại dai dẳng trong mỗi người cán bộ, đảng viên, luôn chờ cơ hội để trỗi dậy; là nguy cơ làm suy yếu Đảng, giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng. Người coi chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm, kẻ thù của những người cách mạng. Người nói: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá từ trong phá ra”, “Muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là chỉ chăm lo vun vén cho lợi ích riêng, đặt lợi ích của cá nhân, của gia đình mình lên trên lợi ích chung của giai cấp, của dân tộc, “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”, nó là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tha hóa Ðảng. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người nghiêm khắc lên án chủ nghĩa cá nhân - nguyên nhân sinh ra các căn bệnh: quan liêu, tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, “hữu danh vô thực” (loại bệnh có biểu hiện là làm được ít nhưng báo cáo, khoe khoang thì nhiều), cận thị (loại bệnh có biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng), tị nạnh, xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh. Những căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng này dễ làm cho Ðảng mất dần tính cách mạng, trí tuệ, đạo đức và tính nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin của dân đối với Đảng. “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”, “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà phạm phải nhiều sai lầm, làm mất đoàn kết nội bộ, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Trước yêu cầu phát triển của cách mạng, đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ ngày càng tăng lên, nhưng nếu không được giáo dục tốt, tổ chức tốt, cán bộ không tự rèn luyện tốt thì chính trong đội ngũ này sẽ nảy sinh những tiêu cực, làm thoái hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Do vậy, phải kịp thời phát hiện và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, không để chúng lây ngấm vào cơ thể sống của Đảng. Người kết luận: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”. Tuy nhiên, Người cũng lưu ý, “đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân. Mỗi người đều có tính cách, sở trường, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu”. Theo đó, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cần phải nhận thức rõ những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tránh nhầm lẫn chủ nghĩa cá nhân với lợi ích cá nhân chân chính, tính cách cá nhân, năng khiếu, sở trường… của mỗi con người. Nhận thức đúng đắn và đầy đủ để phát huy mặt mạnh ở mỗi con người, tạo điều kiện cho họ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng.
Người luôn nhắc nhở các tổ chức đảng phải hết sức quan tâm giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, không để cho chủ nghĩa cá nhân tồn tại trong hàng ngũ những người cộng sản. Người giành nhiều bài nói, bài viết về rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đó là hệ thống những quan điểm, biện pháp hữu hiệu để chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ không kém cuộc đấu tranh chống lại ngoại xâm, bởi lẽ chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù không lộ nguyên hình, nó ẩn nấp trong tư tưởng, suy nghĩ và hành vi của mỗi cá nhân. Người so sánh: “Tư tưởng Cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng Cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”. Điều hết sức nguy hiểm là nếu chủ nghĩa cá nhân tồn tại trong cán bộ, đảng viên sẽ làm tha hóa biến chất về đạo đức lối sống, suy yếu Đảng, giảm sút lòng tin của quần chúng đối với Đảng, tổn thương mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao, quyền lực càng lớn mà mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng thì càng nguy hiểm. Người coi việc chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết, thường xuyên của những người cộng sản chân chính. Người cho rằng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”. Vì thế, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, không sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Người chỉ ra, chủ nghĩa cá nhân là sự biểu hiện tập trung nhất của suy thoái đạo đức, lối sống, tha hóa nhân cách cộng sản, trở thành nguy cơ lớn của đảng cầm quyền. Do vậy, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng được xem là công việc liên quan trực tiếp tới vận mệnh của Đảng, quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Theo đó, chống chủ nghĩa cá nhân trước hết phải chống từ trong Đảng và trong bộ máy chính quyền. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc về bản chất cũng như sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân, phải tự sửa mình bằng cách “mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải tự rửa mặt”. Người cán bộ phải biết rèn luyện nhân cách, thực hành đạo đức cách mạng, phải “chí công vô tư”, không sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Ðảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”.
Hiểu rõ nguồn gốc, bản chất, đặc điểm, tác hại và những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân là điều kiện cần thiết để nêu cao tinh thần tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật, quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân, mỗi con người chúng ta phải vượt lên chính mình, vượt qua những cám dỗ của lợi ích vật chất và những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII xác định rõ, phải kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của Đảng. Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp bởi những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân luôn được che đậy rất khôn khéo, tinh vi dưới nhiều hình thức, gắn liền với lợi ích của từng cá nhân, lợi ích nhóm. Vì vậy, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vừa là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân. Để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân có hiệu quả, chúng ta cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân chỉ thực sự có hiệu quả khi mỗi cán bộ, đảng viên hiểu rõ mục tiêu lý tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tiêu chuẩn, tư cách, đạo đức cách mạng của người cộng sản. Do đó, các cấp ủy đảng phải thường xuyên chú trọng giáo dục nâng cao trình độ, bản lĩnh chính chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên thông qua tổ chức học tập chính trị, kết hợp với rèn luyện trong thực tiễn. Xây dựng cho cán bộ, đảng viên tinh thần trách nhiệm và ý thức chính trị, nhận thức rõ về sự nguy hại của chủ nghĩa cá nhân đối với cơ quan, đơn vị và xã hội. Tuyên truyền sâu rộng cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xác định các tiêu chí về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; tạo động lực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hai là, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, củng cố mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Đây là nội dung quan trọng tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng nước ta qua các giai đoạn lịch sử. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất trên cơ sở đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức và tình yêu thương đồng chí; luôn “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đoàn kết thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân tham gia góp ý phê bình cán bộ, đảng viên; qua đó, góp phần phòng ngừa và đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
Ba là, phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình. Phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình nhằm tạo sự thống nhất về ý chí và hành động, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, tăng cường sự giám sát của tập thể đối với đảng viên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là vũ khí sắc bén và rất cần thiết để chống chủ nghĩa cá nhân. Người khẳng định: “Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. “Trên đe dưới búa” của phê bình thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí”. Người chỉ rõ, trong tự phê bình và phê bình phải thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm túc; tự phê bình và phê bình có lý, có tình, trên tinh thần thương yêu đồng chí, tôn trọng nhân cách của mỗi con người. Theo đó, trong hoạt động lãnh đạo của tổ chức đảng phải thực sự phát huy dân chủ; mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng. Thông qua tự phê bình và phê bình để đấu tranh khắc phục những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân; góp phần thiết thực xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ góp phần giáo dục, răn đe đối với cán bộ, đảng viên, đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước”. “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”. Theo đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và phải bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Thông qua kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, sửa sai; đồng thời, phòng ngừa, ngăn chặn những trường hợp vi phạm khuyết điểm. Thi hành kỷ luật Đảng phải tự giác, nghiêm minh, tránh bao che, đơn giản, phiến diện hoặc trù dập, trả thù lẫn nhau; kiên quyết sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những phần tử cơ hội, thực dụng, mang nặng chủ nghĩa cá nhân.
Trong giai đoạn hiện nay, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII thể hiện quyết tâm chính trị và tư tưởng nhất quán của Đảng về tầm quan trọng đặc biệt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thể hiện tầm tư duy và thái độ kiên quyết, kiên trì của Đảng đối với việc đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đồng thời, gắn thực hiện Nghị quyết với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” một cách thường xuyên, có hiệu quả. Đây là nội dung quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò của việc học tập Bác đối với công tác xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” theo lời Bác dạy./. 


Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...