HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
VỀ CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN
Quang Tiến
Quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí
Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải ra sức đấu tranh chống chủ nghĩa cá
nhân. Người cho rằng, chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng độc hại, tồn tại
dai dẳng trong mỗi người cán bộ, đảng viên, luôn chờ cơ hội để trỗi dậy; là
nguy cơ làm suy yếu Đảng, giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng. Người coi
chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm, kẻ thù của những người cách mạng. Người nói:
“Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá từ trong
phá ra”, “Muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài thì trước hết phải đánh thắng kẻ
địch bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là
chỉ chăm lo vun vén cho lợi ích riêng, đặt lợi ích của cá nhân, của gia đình
mình lên trên lợi ích chung của giai cấp, của dân tộc, “miễn là mình béo, mặc
thiên hạ gầy”, nó là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ,
đảng viên, tha hóa Ðảng. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch
chủ nghĩa cá nhân”, Người nghiêm khắc lên án chủ nghĩa cá nhân - nguyên nhân
sinh ra các căn bệnh: quan liêu, tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh,
“hữu danh vô thực” (loại bệnh có biểu hiện là làm được ít nhưng báo cáo, khoe
khoang thì nhiều), cận thị (loại bệnh có biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn
vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng), tị nạnh, xu nịnh, a dua và bệnh kéo
bè, kéo cánh. Những căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng này dễ làm cho Ðảng mất dần
tính cách mạng, trí tuệ, đạo đức và tính nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chừng nào còn
chủ nghĩa cá nhân nó sẽ “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục
tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin của dân đối với Đảng.
“Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn
lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi,
nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”, “Do cá nhân
chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa.
Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường
tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa
rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn
lên, không chịu học tập để tiến bộ”. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà phạm phải
nhiều sai lầm, làm mất đoàn kết nội bộ, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém
tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng, của
Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Trước yêu cầu phát triển của cách mạng, đội ngũ
cán bộ, đảng viên sẽ ngày càng tăng lên, nhưng nếu không được giáo dục tốt, tổ
chức tốt, cán bộ không tự rèn luyện tốt thì chính trong đội ngũ này sẽ nảy sinh
những tiêu cực, làm thoái hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Do
vậy, phải kịp thời phát hiện và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, không để
chúng lây ngấm vào cơ thể sống của Đảng. Người kết luận: “Chủ nghĩa cá nhân là
một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”.
Tuy nhiên, Người cũng lưu ý, “đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là
giày xéo lên lợi ích cá nhân. Mỗi người đều có tính cách, sở trường, đời sống
riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không
trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu”. Theo đó, đấu tranh chống
chủ nghĩa cá nhân cần phải nhận thức rõ những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân,
tránh nhầm lẫn chủ nghĩa cá nhân với lợi ích cá nhân chân chính, tính cách cá
nhân, năng khiếu, sở trường… của mỗi con người. Nhận thức đúng đắn và đầy đủ để
phát huy mặt mạnh ở mỗi con người, tạo điều kiện cho họ đóng góp tích cực vào
sự nghiệp cách mạng.
Người luôn nhắc nhở các tổ chức đảng phải hết
sức quan tâm giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, không
để cho chủ nghĩa cá nhân tồn tại trong hàng ngũ những người cộng sản. Người
giành nhiều bài nói, bài viết về rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán
bộ, đảng viên, đó là hệ thống những quan điểm, biện pháp hữu hiệu để chống chủ
nghĩa cá nhân, nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Theo
Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh
gay go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ không kém cuộc đấu tranh chống lại
ngoại xâm, bởi lẽ chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù không lộ nguyên hình, nó ẩn nấp
trong tư tưởng, suy nghĩ và hành vi của mỗi cá nhân. Người so sánh: “Tư tưởng
Cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó
nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng
Cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như
cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”. Điều hết sức nguy hiểm là nếu chủ nghĩa cá
nhân tồn tại trong cán bộ, đảng viên sẽ làm tha hóa biến chất về đạo đức lối
sống, suy yếu Đảng, giảm sút lòng tin của quần chúng đối với Đảng, tổn thương
mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao,
quyền lực càng lớn mà mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng
thì càng nguy hiểm. Người coi việc chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần
thiết, thường xuyên của những người cộng sản chân chính. Người cho rằng: “Trước
mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu
mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”. Vì thế, cán bộ,
đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng,
không sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Người chỉ ra, chủ nghĩa cá nhân là sự biểu hiện
tập trung nhất của suy thoái đạo đức, lối sống, tha hóa nhân cách cộng sản, trở
thành nguy cơ lớn của đảng cầm quyền. Do vậy, đấu tranh chống chủ nghĩa cá
nhân, nâng cao đạo đức cách mạng được xem là công việc liên quan trực tiếp tới
vận mệnh của Đảng, quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng ở nước ta.
Theo đó, chống chủ nghĩa cá nhân trước hết phải chống từ trong Đảng và trong bộ
máy chính quyền. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc về
bản chất cũng như sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân, phải tự sửa mình bằng
cách “mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải tự
rửa mặt”. Người cán bộ phải biết rèn luyện nhân cách, thực hành đạo đức cách
mạng, phải “chí công vô tư”, không sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho
Ðảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”.
Hiểu rõ nguồn gốc, bản chất, đặc điểm, tác hại
và những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân là điều kiện cần thiết để nêu cao tinh
thần tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật, quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện đạo đức
cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí
Minh về chống chủ nghĩa cá nhân, mỗi con người chúng ta phải vượt lên chính
mình, vượt qua những cám dỗ của lợi ích vật chất và những tác động của mặt trái
nền kinh tế thị trường, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu
chống phá của các thế lực thù địch. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII xác định
rõ, phải kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, kịp thời
ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên của Đảng. Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp bởi những biểu hiện của
chủ nghĩa cá nhân luôn được che đậy rất khôn khéo, tinh vi dưới nhiều hình
thức, gắn liền với lợi ích của từng cá nhân, lợi ích nhóm. Vì vậy, đấu tranh
chống chủ nghĩa cá nhân vừa là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, vừa là nhiệm vụ
cơ bản, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân. Để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân
có hiệu quả, chúng ta cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là,
giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho
cán bộ, đảng viên. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân chỉ thực sự có hiệu quả
khi mỗi cán bộ, đảng viên hiểu rõ mục tiêu lý tưởng, đường lối, chủ trương,
chính sách của Đảng; tiêu chuẩn, tư cách, đạo đức cách mạng của người cộng sản.
Do đó, các cấp ủy đảng phải thường xuyên chú trọng giáo dục nâng cao trình độ,
bản lĩnh chính chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên thông qua tổ
chức học tập chính trị, kết hợp với rèn luyện trong thực tiễn. Xây dựng cho cán
bộ, đảng viên tinh thần trách nhiệm và ý thức chính trị, nhận thức rõ về sự
nguy hại của chủ nghĩa cá nhân đối với cơ quan, đơn vị và xã hội. Tuyên truyền
sâu rộng cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh”, xác định các tiêu chí về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng
viên. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, làm cho
mỗi cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống;
tạo động lực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hai là,
tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, củng cố mối liên hệ mật thiết với
nhân dân. Đây là nội dung quan trọng tác động trực tiếp đến nhận thức và hành
động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách
mạng nước ta qua các giai đoạn lịch sử. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh
thần đoàn kết thống nhất trên cơ sở đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức và
tình yêu thương đồng chí; luôn “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ
gìn con ngươi của mắt mình”. Đoàn kết thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây
dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với
nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân,
tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân tham gia góp ý phê bình cán bộ,
đảng viên; qua đó, góp phần phòng ngừa và đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ
nghĩa cá nhân.
Ba là,
phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình. Phát huy dân chủ, đề cao tự
phê bình và phê bình nhằm tạo sự thống nhất về ý chí và hành động, phát huy ưu
điểm, sửa chữa khuyết điểm, tăng cường sự giám sát của tập thể đối với đảng
viên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là vũ khí sắc bén và rất cần thiết để
chống chủ nghĩa cá nhân. Người khẳng định: “Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ
quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. “Trên đe dưới búa” của
phê bình thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí”. Người chỉ
rõ, trong tự phê bình và phê bình phải thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm
túc; tự phê bình và phê bình có lý, có tình, trên tinh thần thương yêu đồng
chí, tôn trọng nhân cách của mỗi con người. Theo đó, trong hoạt động lãnh đạo
của tổ chức đảng phải thực sự phát huy dân chủ; mỗi cán bộ, đảng viên phải thực
hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng. Thông qua
tự phê bình và phê bình để đấu tranh khắc phục những biểu hiện của chủ nghĩa cá
nhân; góp phần thiết thực xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, lãnh đạo
cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Bốn là, tăng
cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ
góp phần giáo dục, răn đe đối với cán bộ, đảng viên, đấu tranh, ngăn chặn các
biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên
và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước”. “Kiểm soát khéo,
bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất
định bớt đi”. Theo đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần coi trọng công tác
kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra
phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và phải bám sát nhiệm vụ chính trị của
cơ quan, đơn vị. Thông qua kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, sửa sai;
đồng thời, phòng ngừa, ngăn chặn những trường hợp vi phạm khuyết điểm. Thi hành
kỷ luật Đảng phải tự giác, nghiêm minh, tránh bao che, đơn giản, phiến diện
hoặc trù dập, trả thù lẫn nhau; kiên quyết sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng những
đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những phần tử cơ
hội, thực dụng, mang nặng chủ nghĩa cá nhân.
Trong giai đoạn hiện nay, đấu tranh chống chủ
nghĩa cá nhân gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII thể hiện
quyết tâm chính trị và tư tưởng nhất quán của Đảng về tầm quan trọng đặc biệt
của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thể hiện tầm tư duy và thái độ kiên
quyết, kiên trì của Đảng đối với việc đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của
Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Đồng thời, gắn thực hiện Nghị quyết với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ
Chính trị, khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh” một cách thường xuyên, có hiệu quả. Đây là nội dung quan trọng,
khẳng định vị trí, vai trò của việc học tập Bác đối với công tác xây dựng Đảng
về đạo đức trong giai đoạn hiện nay, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý
thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, làm cho
Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” theo lời Bác
dạy./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét