XÂY DỰNG Ý THỨC TÔN
TRỌNG NHÂN DÂN, PHÁT HUY DÂN CHỦ, CHĂM LO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN
Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy
dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân là nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí
Minh, tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới; đồng thời là giải pháp quan
trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị giai đoạn
hiện nay.
1. Về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ,
chăm lo đời sống nhân dân
Trước hết, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng
Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dânđược thể hiện là phải có
thái độ đánh giá cao vai trò, vị trí của nhân dân.
Theo Bác, muốn thật sự tôn trọng nhân dân thì
phải hiểu dân. Chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn
khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Cùng với thái độ đánh
giá cao vai trò của nhân dân, ý thức tôn trọng nhân dân còn phải đặc biệt chú ý
không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm nhân dân. Phải
luôn luôn tôn trọng và giữ gìn của công, của nhân dân.
Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý
thức tôn trọng nhân dân. Từ chỗ đánh giá cao vai trò của dân, Hồ Chí Minh nhấn
mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân
dân, làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám
nói, dám làm.
Dân chủ được Người giải thích ngắn gọn, súc
tích là dân làm chủ và dân là chủ. Trong nước dân chủ thì địa vị cao nhất là
dân, dân là quý nhất, lực lượng nhân dân là mạnh nhất. Phát huy dân chủ là phát
huy tài dân. Muốn vậy, thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân,
hỏi dân. Học hỏi dân để lãnh đạo dân. Theo Hồ Chí Minh “Không học hỏi dân thì
không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học
dân”(1).
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống
nhân dân là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Người
nói rằng “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta
được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn
áo mặc, ai cũng được học hành”(2)
Theo Bác, muốn có sức dân, lòng dân thì phải
chăm lo đời sống của dân. Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh vẫn quan tâm “đầu tiên
là công việc đối với con người”. Người dặn trong Di chúc “Đảng cần phải có kế
hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời
sống của nhân dân”.
Thứ hai, đạo đức Hồ Chí Minh về ý thức tôn
trọng Nhân dân thể hiện nổi bật ở sự thống nhất giữa tư tưởng đạo đức và tư
tưởng chính trị của Người.
Ý thức tôn trọng nhân dân ở khía cạnh đạo đức
cần phải khai thác ở việc coi trọng, đề cao nhân dân. Tôn trọng nhân dân trong
đạo đức Hồ Chí Minh là đề cao ý dân, sức dân, bởi “dễ mười lần không dân cũng
chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, “đối với dân ta đừng có làm
điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”(3). Người yêu cầu cán bộ,
đảng viên hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, yêu kính nhân dân, thật sự tôn
trọng nhân dân.
Đạo đức Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ được
hiểu ngắn gọn: dân là chủ và dân làm chủ. Từ chỗ nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý
thức, năng lực làm chủ, phát triển văn hóa chính trị và tính tích cực công dân,
khuyến khích nhân dân tham gia vào công việc của Đảng, Chính phủ, thì một điều quan
trọng là tạo điều kiện cho dân “dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám
làm”(4).
Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân
dân thể hiện rất rõ ở quan điểm khi Người nói về một trong những điều tóm tắt,
thì đạo đức cách mạng là: Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên
trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân
dân. Chăm lo đời sống nhân dân là sứ mệnh của Đảng ta ngay từ khi ra đời. “Đảng
không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải
phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(5).
Trăn trở về đời sống Nhân dân, trong Di chúc,
Người không quên nhắc nhở Đảng, Nhà nước “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình,
để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Thứ ba, phong cách Hồ Chí Minh tôn trọng nhân
dân xuất phát một cách tự nhiên từ nhân cách, cuộc đời, cái tâm, cái đức vì
nước, vì dân của Người. Phong cách tôn trọng nhân dân của Hồ Chí Minh thể hiện
nhiều cách. Hồ Chí Minh có cách giao tiếp hoàn toàn mới giữa lãnh tụ và quần
chúng nhân dân, thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng con người.
Phong cách Hồ Chí Minh phát huy dân chủ xuất
phát từ chỗ tôn trọng nhân dân, đề cao vai trò, vị trí của nhân dân. Dù bận rất
nhiều công việc đối nội, đối ngoại, nhưng về với dân, đến với quần chúng, những
người “không quan trọng” để học dân, hỏi dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân
làm, để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý là nhu cầu thường trực của Bác.
Để thực hiện phong cách dân chủ, cần phải
hiểu: “nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế
vẫn là quý báu và bổ ích. Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện
tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa
công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ
quần chúng phê bình”(6). Người chỉ rõ: “để phát huy ưu điểm, điều quan trọng
nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc
gì cũng phải bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay”(7).
Phong cách Hồ Chí Minh chăm lo đời sống cho
nhân dân:
Trong sự nghiệp kiến thiết chủ nghĩa xã hội,
Người cho rằng “hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng
vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”(8). Người nói: “một
ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu cực khổ là một ngày tôi ăn
không ngon, ngủ không yên”, Người biến tình thương thành trách nhiệm của bản
thân.
Theo Người, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải
gần gũi nhân dân, quan tâm đến những việc nhỏ cho đời sống hằng ngày của Nhân
dân. “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống
của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và
Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng
và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều
phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo, tổ chức, giáo
dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính
sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt,
bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”(9).
Nói chuyện tại hội nghị sản xuất cứu đói,
Người chỉ rõ: “Khi thiếu gạo, cán bộ không biết tổ chức sản xuất tự cứu, không
biết tổ chức nhân dân giúp đỡ nhau. Không biết tổ chức trưng vay. Khi nhận được
gạo, lại còn cấp phát tràn lan, chậm chạp, gạo đến người đói chậm, người không
đói cũng nhận được gạo. Quá tệ hơn nữa là gạo của Chính phủ giúp dân, chừng một
nửa đến tay dân đói, còn một nửa bị tham ô, lãng phí”(10).
Theo Hồ Chí Minh, tham nhũng là tội ác với
dân, cần nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, ở cương vị
nào.
2. Thực hiện có hiệu quả xây dựng ý thức tôn
trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân
Năm 2019 là năm toàn Đảng, toàn quân và toàn
dân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019); 70
năm Bác viết tác phẩm “Dân vận” (1949 - 2019); 50 năm tác phẩm “Nâng cao đạo
đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969 - 2019).
Thứ nhất, đối với tổ chức đảng, chính quyền,
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội:
Trong bối cảnh nêu trên, việc thực hiện có
hiệu quả chủ đề xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo
đời sống nhân dân trong năm 2019 và các năm tiếp theo chính là góp phần thực
hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “về đẩy mạnh học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó, cần chú trọng một số
nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:
Quán triệt đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh, đường
lối quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về "dân làm gốc"; chỉ
đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận
lợi nhất cho nhân dân tự do sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.
Nghiêm túc triển khai thực hiện: Quyết định số
217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị khóa XI “về việc ban hành Quy chế
giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể
chính trị - xã hội”; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị
quy định “về việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân
dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; Quy định 124-QĐ/TW
ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư khóa XII về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốcViệt
Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn
luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng
viên”.
Thứ hai, đối với cán bộ lãnh đạo, người đứng
đầu, cần chủ động, tích cực trong thực hiện các chương trình, kế hoạch, mục
tiêu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trường; phát huy sức dân,
huy động nhân dân tham gia thực hiện các mục tiêu đề ra vì lợi ích của nhân
dân.
Thực hiện nghiêm Quy định 08-Qđi/TW, ngày
25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về“Trách nhiệm nêu gương của
cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy
viên Ban Chấp hành Trung ương”. Nghiêm túc thực hiện yêu cầu về tiếp xúc, trao
đổi, đối thoại với nhân dân được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về
“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là “cán bộ chủ chốt và cán
bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân,
chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng
viên và có biện pháp giải quyết kịp thời”.
Thứ ba, đối với cán bộ, đảng viên, công chức
trong hệ thống chính trị:
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch,
vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy
lùi suy thoái trong đội ngũ cán bộ. Thực hiện tốt Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban
Chấp hành Trung ương khóa XII về "Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ
cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".
Tự giác thực hiện nghiêm Quy định 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa XI về “Những điều đảng viên không được làm”, Quy định
101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của
cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”, Quy định số 55-QĐ/TW ngày
19-12-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường
vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.
Trong đó, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương
mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Ðảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích
chung của Ðảng, Nhà nước và của nhân dân./.
PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa
-----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6,
tr.432.
(2) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4,
tr.187, 169.
(4) (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15,
tr.293, 526
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.289.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.421.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.402.
(9) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9,
tr.518, 519.
Theo: tuyengiao.vn