Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2019

ĐÀO BỚI, PHỦ NHẬN QUÁ KHỨ NHƯ RÚT GẠCH CHÂN TƯỜNG



QĐND - Hiện tượng xét lại lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng, thậm chí xuyên tạc lịch sử đã xuất hiện những năm gần đây. Đây là vấn đề tiềm ẩn những nguy hại khôn lường đến tương lai, sự tồn vong của chế độ và quốc gia, dân tộc đúng như V.I.Lênin từng cảnh báo: “Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất, có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa”.
Từ cảnh báo đến hiện tượng đáng lo ngại
Khi bàn đến các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã cảnh báo hiện tượng: “Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.
Đáng tiếc là hiện tượng cán bộ, đảng viên vi phạm vẫn xảy ra. Dư luận gần đây từng bức xúc trước việc trên trang Facebook cá nhân của  PGS, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế chính sách, Trường Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội xuất hiện một số bài viết với tinh thần ca ngợi một nhân vật đã “có công” gây ra sự sụp đổ của Liên Xô. Từng là thành viên Nhóm tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 thế mà vào tháng 8-2018, ông ta đăng một status viết rằng: “Chủ nghĩa xã hội (CNXH) là quả bom nhiệt hạch lớn nhất mà các trí thức thế kỷ 19 từng nghĩ ra. Muốn hủy diệt một dân tộc, hãy dùng loại bom đó”.
Đầu năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thi hành kỷ luật ông Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Đà Nẵng. Đúng ngày 2-9-2018, ông Sơn viết trên Facebook cá nhân với nội dung xuyên tạc, xúc phạm Ngày Quốc khánh 2-9, gắn với kích động biểu tình. Cương lĩnh chính trị của Đảng, Điều lệ Đảng và Hiến pháp đều khẳng định thành quả của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945, nhưng ông Trần Đức Anh Sơn lại cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật lịch sử, dùng từ “lùa dân” tụ tập đông người. Là đảng viên, là người nghiên cứu lịch sử nhưng ông Sơn đã không tôn trọng sự thật lịch sử và còn kích động tụ tập đông người, biểu tình vào dịp các thế lực thù địch đang kêu gọi “tổng biểu tình ngày 2-9-2018”.
Một trường hợp khác cũng bị cộng đồng mạng lên án gay gắt là bà PGS, TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên Trường Đại học Ngoại thương. Bà này từng có những bài viết trên trang cá nhân xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thậm chí "cảm ơn Gorbachev làm cộng sản sụp đổ" và kêu gọi ủng hộ đối tượng phản động...
Ngoài những trường hợp cá biệt như nêu trên, mấy năm gần đây, tư tưởng đòi xét lại lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng có xu hướng gia tăng với nhiều vụ việc đáng lo ngại, như: Đòi công nhận, tôn vinh một số sĩ quan quân đội Việt Nam cộng hòa, xét lại lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ; phỉ báng lịch sử, xúc phạm hình tượng Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, thậm chí xuyên tạc, hạ bệ cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Nguy hiểm hơn, họ còn xuyên tạc cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là nồi da xáo thịt, hy sinh hàng triệu nhân mạng vô ích, lẽ ra có thể tránh chiến tranh...(?!).
Trên diễn đàn Quốc hội gần đây, có đại biểu đã cảnh báo một số biểu hiện thờ ơ chính trị trong lớp trẻ rất đáng báo động. Có một số người trẻ tuổi không quan tâm đến chính trị, xem nhẹ lịch sử, sống thực dụng, không có hình tượng lý tưởng để phấn đấu, thờ ơ thế cuộc, vô cảm trong quan hệ xã hội, bạo hành học đường, sa vào tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức... đang gặm nhấm và tha hóa nhân cách…
Những bài học quý giá từ lịch sử
Những hiện tượng nêu trên dễ trở thành những dòng thác nguy hiểm cuốn phăng và nhấn chìm thành quả cách mạng. Sự thất bại từ Liên Xô và Đông Âu là những bài học đắt giá.
Một đêm đông giá lạnh cuối tháng 12-1991, lá cờ đỏ búa liềm từ đỉnh tháp Kremli ở thủ đô Moscow (Nga) sau 74 năm tung bay đã phải hạ xuống, thay vào đó là lá cờ ba sắc. Liên Xô sụp đổ, CNXH với tư cách là một thể chế cũng tan rã trên quê hương V.I.Lênin và sau đó là 8 nước Đông Âu. Ít ai biết rằng, sự kiện đó có liên quan đến việc Gorbachev, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên xô khởi xướng một trào lưu tư tưởng mang tên “suy ngẫm lại lịch sử” cách đó chỉ 4 năm (1987) với tinh thần công kích Stalin, phủ nhận thắng lợi của chiến tranh Vệ quốc... Tháng 3-1988, báo Nước Nga Xô-viết đăng bức thư của Nina Andreyeva, nữ giảng viên ở Học viện Khoa học kỹ thuật Leningrad lên án trào lưu suy ngẫm lại lịch sử, chỉ rõ nó thực chất là dòng nước ngược, bôi đen Liên Xô xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Thế nhưng, thay vì ủng hộ ý kiến tâm huyết này, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô triệu tập hội nghị khẩn cấp để đánh trả “thế lực chống đối cải tổ”. Ngày 5-4-1988, Báo Sự Thật đăng bài phản kích Nina Andreyeva. Sau đó, các cơ quan báo chí đồng loạt phản kích. Toàn bộ lịch sử Liên Xô bị miêu tả như một mớ đen ngòm. Sang năm 1989, trào lưu chuyển sang phê phán, phủ định Cách mạng Tháng Mười, Chủ nghĩa Lênin và chính Lênin, bãi bỏ môn học Chủ nghĩa Mác-Lênin trong trường học. Cơn lốc xét lại lịch sử ngày càng mạnh mẽ, lôi cuốn toàn bộ xã hội. Một số tờ báo và tạp chí cấp tiến, như: Họa báo, Tia lửa và Tin tức Moscow công khai phủ định quá khứ, phủ định lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, phủ định CNXH.
Sau này, năm 1994, nhà văn Boldarev đã nhìn lại: “Trong 6 năm, báo chí đã thực hiện được mục tiêu mà quân đội châu Âu có trang bị tinh nhuệ nhất cũng không thể thực hiện được khi xâm lược nước ta bằng lửa và kiếm vào những năm 40. Quân đội đó có thiết bị kỹ thuật hàng đầu nhưng thiếu một thứ. Đó là hàng triệu ấn phẩm mang vi trùng”. Những cuộc hội thảo rầm rộ nhằm xem xét lại vai trò của V.I.Lênin và Hồng quân trong chiến tranh vệ quốc, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, bôi nhọ các gương anh hùng cách mạng. Khi hình tượng V.I.Lênin bị đánh sụp thì Đảng cũng tự đào hố chôn mình và đó cũng là lúc Gorbachev tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô dẫn đến sự tan rã của Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết. Một sự kiện sau này được Tổng thống Nga vladimir  Putin thừa nhận đó là cơn địa chấn khủng khiếp, là thảm họa của thế kỷ 20. Đau xót trước sự công phá khủng khiếp của trào lưu xét lại lịch sử, năm 1991 nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ có đoạn: “… Cả đàn sói chồm lên, cắn vào lịch sử/ Cào chiến công, xé cả xác anh hùng/ Ôi! Nỗi đau này là nỗi đau chung/ Lương tâm hỡi, lẽ nào ta tự sát? Lũ phản bội, điên cuồng, hèn nhát/ Và cả bay quân cướp nước, giết người/ Chớ vội cười! Chân lý vẫn xanh tươi …”.
Đây cũng không phải là lần đầu chủ nghĩa xét lại xuất hiện ở Liên Xô. Vào đầu những năm 60, 70 của thế kỷ 20, ở Liên Xô xuất hiện “Chủ nghĩa xét lại hiện đại” do Khơrutsốp (nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô) khởi xướng đòi xét lại học thuyết Mác-Lênin. Trong thời kỳ đó, ở Việt Nam cũng xuất hiện những cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí, triết gia, sĩ quan quân đội… ngả theo “chủ nghĩa xét lại”. Tuy nhiên, sau đó hiện tượng này được chấn chỉnh, Đảng Cộng sản bảo vệ được trận địa tư tưởng. Vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, trước địa chấn xét lại ở Liên Xô, ở nước ta trào lưu này lại sống lại. Có lần, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đau xót nhắc đến làn sóng muốn bỏ Đảng, bỏ chế độ XHCN... Nhưng điều may mắn là Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, nhận rõ nguy cơ và nhanh chóng xốc lại tư tưởng và đội ngũ, xác định kiên định mục tiêu con đường XHCN mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Bài học quý từ Cuba, đất nước XHCN anh em vững vàng suốt mấy chục năm qua trong vòng vây kìm kẹp của đế quốc có tinh thần đoàn kết keo sơn của toàn dân để bảo vệ thành quả cách mạng. Còn nhớ khi lãnh tụ Fidel Castro từ trần, người dân Cuba xếp hàng ký tuyên thệ sẽ bảo vệ thành quả cách mạng đã được Fidel định nghĩa lúc sinh thời. Lời thề mà những người dân Cuba đã ký tên cam kết viết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì những lý tưởng này. Chúng tôi xin thề!".
Bảo vệ thành quả cách mạng - nhiệm vụ không bao giờ được lơi lỏng
Sinh thời, V.I.Lênin từng nêu một luận điểm nổi tiếng: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”. Tôn trọng sự thật lịch sử cũng là điều được V.I.Lênin đặc biệt quan tâm. Dù sách báo viết về Cách mạng Tháng Mười đã có rất nhiều nhưng V.I.Lênin đánh giá rất cao cuốn sách “Mười ngày rung chuyển thế giới” do nhà báo trẻ người Mỹ John Reed viết, ra mắt lần đầu năm 1919 tại Mỹ. Có lẽ, lý do khiến V.I.Lênin viết thư cho nhà xuất bản, kêu gọi phải in tác phẩm ra hàng triệu bản bằng đủ các thứ tiếng là vì tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử. John Reed đã làm được điều đúng như tâm niệm: “Kể lại lịch sử những ngày vĩ đại ấy bằng con mắt của một người ghi chép có lương tâm, cố gắng ghi lại sự thật”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm thía cái giá của độc lập, tự do và để giữ gìn nó, phải biết trân trọng các trang sử truyền thống, biết bảo vệ thành quả cách mạng. Người từng viết: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Người cũng thường xuyên nhắc nhở: “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng...”. Theo Người: “Tự vệ là bảo vệ lấy mình, lấy gia đình mình, rồi đến thành phố mình, nước mình”.
Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên (1946) do Người làm Trưởng ban soạn thảo đã có lời nói đầu nêu rõ nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng: “Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ. Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Quốc hội nhận thấy rằng Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của cách mạng và phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây…”.
Điều 64, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là sự nghiệp của toàn dân… Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh”.
Những bài học lịch sử và thực tiễn càng cho chúng ta thấm thía vì sao phải bảo vệ thành quả cách mạng, phê phán và đẩy lùi mọi âm mưu, thủ đoạn hạ thấp thành quả cách mạng, xuyên tạc lịch sử. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải luôn bảo vệ sự thật lịch sử, bảo vệ những chiến công, thành quả của cách mạng như những điều thiêng liêng nhất. Những hiện tượng xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lịch sử phải được coi là hành vi phá hoại, như đào phá vào nền móng, chân tường của ngôi nhà hòa bình, độc lập của Tổ quốc. Với những người là cán bộ, đảng viên thì đó chính là những biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã được ghi rõ trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, trong các điều cấm đảng viên không được làm. Đặc biệt, tại Quy định số 102-QĐ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm có nêu rõ phải khai trừ khỏi Đảng những đảng viên: “Cố ý nói, viết có nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành quả cách mạng của Đảng và dân tộc”. Đảng viên phải gương mẫu, đồng chí, đồng đội và nhân dân phải tăng cường giám sát việc phát ngôn của cán bộ, đảng viên; không để những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị nảy sinh kéo dài mà không được chấn chỉnh dẫn đến trượt dài trên vũng bùn sai phạm như một vài cán bộ nghỉ hưu có dấu hiệu "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" gần đây.
Bảo vệ không chỉ bằng làm tốt việc giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống mà còn phải gắn với bảo vệ thể chế, bảo vệ cuộc sống hòa bình, ổn định, phát triển đất nước, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thế hệ đi sau trên nền tảng thành quả của người đi trước phải trân trọng, vun đắp và biết phát huy để những thành quả ấy ngày càng đơm hoa, kết trái; để lịch sử như tấm gương soi, giúp thế hệ sau soi vào cả quá khứ và hiện tại, tương lai với sự trân trọng, biết ơn, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá.
NHẤT MINH
 https://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/dao-boi-phu-nhan-qua-khu-nhu-rut-gach-chan-tuong-572547

CHÍNH SÁCH NHẤT QUÁN CỦA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM LÀ TÔN TRỌNG VÀ BẢO ĐẢM QUYỀN TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO VÀ TỰ DO KHÔNG TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO CỦA CÔNG DÂN



Chiều 9-5, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời một số câu hỏi báo chí quan tâm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về việc Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ vừa qua ra báo cáo về tình hình tôn giáo tại Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ đã ghi nhận những thành tựu và tiến triển trong công tác bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam nhưng đáng tiếc trong báo cáo vẫn còn một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt  Nam.
Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế. Thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được bảo đảm với hàng nghìn lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm. 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trong đó trên 24,3 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, chiếm 27% dân số; gần 53 ngàn chức sắc, 134 ngàn chức việc, 28 ngàn cơ sở thờ tự. Việt Nam có đời sống sinh hoạt tôn giáo phong phú với hơn 8000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm.
Các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế. Việt Nam đã đăng cai tổ chức nhiều sự kiện tôn giáo quốc tế lớn như Kỷ niệm 500 năm Cải chánh Tin Lành (2017) và lần thứ 3 tổ chức Đại Lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak (2019)”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc việc Indonesia bắt giữ và phá hủy các tàu cá của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc Bộ Biển và Nghề cá cùng một số lực lượng trên biển của Indonesia bắt giữ, tiêu hủy tàu cá của Việt Nam. Đây là hành động không phù hợp với quan hệ song phương, trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Indonesia qua các kênh khác nhau về vấn đề này và đề nghị Bộ Biển và Nghề cá và các lực lượng trên biển của Indonesia cần có hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển năm 1982 và quan hệ song phương giữa hai nước; đề nghị phía Indonesia đối xử nhân đạo với tàu cá và ngư dân Việt Nam phù hợp với quan hệ hai nước và tinh thần đoàn kết ASEAN.
Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Indonesia trên tinh thần Đối tác chiến lược, vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.”
Câu hỏi của phóng viên về việc Hoa Kỳ cho hai tàu hải quân đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Ga Ven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.
Là một quốc gia ven Biển Đông và là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”./.
TTXVN
https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/chinh-sach-nhat-quan-cua-nha-nuoc-viet-nam-la-ton-trong-va-bao-dam-quyen-tu-do-tin-nguong-ton-giao-va-tu-do-khong-tin-nguong-ton-giao-cua-cong-dan-573703

PHÚC TRÌNH NHÂN QUYỀN VÀ TÔN GIÁO NĂM 2019 CỦA BỘ NGOẠI GIAO MỸ XUYÊN TẠC SỰ THẬT, CẢN TRỞ QUAN HỆ VIỆT NAM - HOA KỲ



QĐND - Vẫn như mọi năm, năm 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố hai văn bản-được gọi là “phúc trình” về tình hình Nhân quyền (NQ, 14-3-2019) và tự do Tôn giáo (TDTG, 29-4-2019) trên thế giới. Trong hai văn bản nói trên, những người soạn thảo đã thể hiện sự kỳ thị đối với những quốc gia có chế độ xã hội, chính sách, pháp luật khác biệt với Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam.
Có thể nói hai bản phúc trình nói trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn bám giữ những quan điểm cổ hủ, lỗi thời từ thời kỳ “Chiến tranh lạnh”-kỳ thị với chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đồng thời xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ nhân quyền nói chung và tình hình tôn giáo ở Việt Nam nói riêng. Hơn nữa, những thông tin mà hai bản phúc trình đưa ra chỉ là sự cóp nhặt, sao chép cẩu thả những thông tin trên mạng, lại không được kiểm chứng. Chẳng hạn Phúc trình NQ 2019 đã lấy thông tin từ Phúc trình của tổ chức HRW (là một tổ chức bị “cấm cửa” ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác). Phúc trình NQ 2019 viết: "Nhiều người hoạt động chính trị, các blogger bị bắt bớ và giam cầm tùy tiện, bị giết tại nơi tạm giam; những phiên tòa ở Việt Nam thì luật sư được khuyến khích chống lại thân chủ và bản án thì đã được định sẵn khi chưa tranh tụng!".
Ngay khi phúc trình được lưu hành, nhiều quốc gia đã bày tỏ bất bình đối với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và rằng phúc trình NQ, TDTG năm 2019 đã can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, tác động xấu đến tình hình chính trị quốc tế và trong mỗi nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thẳng thắn bác bỏ những cáo buộc Việt Nam vi phạm quyền con người (QCN) và quyền tự do tôn giáo (QTDTG); đồng thời tái khẳng định các QCN và QTDTG đã được hiến định và quy định trong các đạo luật, nghị định của Chính phủ, cũng như được bảo đảm trong thực tế.
Vậy quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về QCN và QTDTG như thế nào?
Trước hết, QCN nói chung, QTDTG nói riêng là một mục tiêu nhất quán, xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Ở Việt Nam, QCN được xác định từ Luận cương (Cương lĩnh) chính trị, năm 1930, các cương lĩnh tiếp theo cho đến Cương lĩnh 2011. Ngay sau khi giành được độc lập, xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam), các Hiến pháp Việt Nam, từ Hiến pháp đầu tiên-1946 đến Hiến pháp 2013 đều nhất quán quy định Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm QCN, quyền công dân.
Hiến pháp 2013, lần đầu tiên đã dành cả một chương (Chương II) quy định về “QCN, quyền và nghĩa vụ công dân”. Chương này không chỉ quy định đầy đủ các QCN, quyền và nghĩa vụ công dân mà còn quy định những nguyên tắc cơ bản về QCN. Những nguyên tắc đó bao gồm: 1) Nguyên tắc về mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân, trong đó Nhà nước có nghĩa vụ, người dân là chủ thể của quyền; 2) Nguyên tắc hạn chế quyền (chẳng hạn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo… (Điều 24); quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình… (Điều 25) có thể bị hạn chế “vì lợi ích an ninh Quốc gia, trật tự xã hội…”. Cần lưu ý rằng, quyền tự do ngôn luận, báo chí, quyền tiếp cận thông tin…” là những quyền bị hạn chế. Đây là điều hai bản phúc trình của Hoa Kỳ 2019 đã cố tình bỏ qua.
Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định những cam kết quốc tế của Nhà nước Việt Nam với cộng đồng quốc tế về QCN. Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam viết: “Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về QCN mà nước ta ký kết”.
Trước Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 7, khóa IX đã xác định: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là: Thực hiện nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật”.
Đồng thời, nghị quyết xác định “nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia”.
Trong những năm qua, QCN, quyền công dân của nhân dân ta được bảo đảm trong thực tế. Trên lĩnh vực quyền kinh tế xã hội và văn hóa năm 2018:  Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,08%, mức cao nhất trong vòng một thập niên trở lại đây. Kinh tế vĩ mô ổn định với việc giữ được mục tiêu CPI, thâm hụt ngân sách giảm, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện... Năm 2018, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục “lập kỷ lục mới” khi “phá vỡ kỳ tích” năm 2017. Tính đến hết ngày 15-12-2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 233,07 tỷ USD.
Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đà tăng mạnh trong năm 2018 và thiết lập mức kỷ lục mới trong nhiều năm trở lại đây. Hơn 19 tỷ USD đã được rót vào Việt Nam trong năm 2018 cho thấy niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư cũng như tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam vươn lên là một trong những nền kinh tế có sức hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới. Điều đáng nói, Việt Nam đã yêu cầu các nhà đầu tư đáp ứng ngành công nghiệp 4.0 như công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ thân thiện với môi trường...
Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 diễn ra vào trung tuần tháng 9-2018 tại Hà Nội đã thu hút hơn 1.000 đại biểu, trong đó có 7 tổng thống và thủ tướng, 2 phó thủ tướng… đã chứng tỏ vị thế chính trị-kinh tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Trên lĩnh vực xã hội, năm 2018 còn được xem là năm “được mùa-bội thu” của bóng đá Việt Nam với thành công của hai đội bóng-U.23 và Olympic quốc gia. Một trong những thành tích gây ấn tượng quốc tế là đội U.23 Việt Nam đoạt ngôi á quân Vòng chung kết U.23 châu Á ở Thường Châu, Trung Quốc. 
Các quyền dân sự, chính trị đã được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Trên lĩnh vực quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, theo số liệu của cơ quan chức năng, cho đến nay cả nước có 857 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in (86 báo Trung ương, 113 báo địa phương), 658 tạp chí (521 tạp chí Trung ương, 137 tạp chí địa phương), 1 hãng thông tấn quốc gia. Có 105 báo, tạp chí điện tử (tăng 7 báo so với năm 2014). Các Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC đã phủ sóng 99,5% diện tích lãnh thổ, qua vệ tinh tới nhiều nước trên thế giới. Hiện hơn 90% hộ gia đình Việt Nam đã sử dụng sóng truyền hình của Ðài Truyền hình Việt Nam.
Hiện nay quyền tự do trên internet, mạng xã hội đã được bảo đảm thể hiện ở số lượng lớn các báo, trang điện tử và mạng xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ hiện có tới 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động. Giá cả dịch vụ internet ở Việt Nam rẻ nhất khu vực. Ngày nay người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới như AFP, AP, BBC, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times…Với những số liệu như trên, không thể nói QCN, QTDTG ở Việt Nam bị vi phạm nghiêm trọng như hai phúc trình vừa công bố.
Trên một góc độ khác, quyền bình đẳng của tất cả mọi người được bảo đảm. Những ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý cho dù đó là cán bộ của Đảng, Nhà nước hay công dân. Năm 2018, không ít cán bộ cấp cao của Nhà nước vi phạm pháp luật đã bị khởi tố bắt tam giam.
Trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0, có thể nói Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của internet. Việt Nam đã kết nối internet khá sớm. Từ đây người Việt Nam đã có thể tiếp cận với các nguồn thông tin dựa trên internet, mạng xã hội. Tuy nhiên cũng như nhiều quốc gia khác, những thế lực chống phá Việt Nam trong và ngoài nước đã lợi dụng internet, mạng xã hội phát tán thông tin xấu độc chống Đảng, Nhà nước, phá hoại cuộc sống thanh bình của nhân dân ta. Ứng phó với tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp trấn áp tội phạm mạng, đồng thời xây dựng hành lang pháp lý nói chung, pháp luật về mạng điện tử nói riêng, trong đó có Luật An ninh mạng, 2018.
Nhằm bảo đảm các QCN, quyền công dân phù hợp với Hiến pháp, đồng thời “cập nhật” những yêu cầu mới do sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội, Quốc hội Việt Nam đã ban hành nhiều bộ luật, trong đó có luật và nghị định về quyền tiếp cận thông tin (2016); Luật An ninh mạng (2018).
Ngày nay, bảo đảm cuộc sống thanh bình cho xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thì không thể không bảo vệ an ninh mạng. Không như những lập luận xuyên tạc của hai bản phúc trình Hoa Kỳ mới công bố, Luật An ninh mạng Việt Nam chỉ quy định các chế tài đối với việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi chống Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chẳng hạn như: Tổ chức, hoạt động, chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người.
Luật An ninh mạng chỉ cho phép cơ quan chức năng điều tra, làm rõ chủ thể nguồn thông tin xấu độc khi cần thiết, đặc biệt là những hành vi vi phạm an ninh quốc gia. Xét về lợi ích của cá nhân, tổ chức, Luật An ninh mạng là một bảo đảm về pháp lý cho người sử dụng internet, mạng xã hội không bị lừa đảo bởi các thông tin sai sự thật (như thông tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bán hàng “rởm”; thông tin tác động xấu đến môi trường văn hóa như lạm dụng tình  dục, mại dâm, ma túy và khuyến khích bạo lực…).
Xét về mặt lịch sử, hai văn bản phúc trình thường niên do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ soạn thảo và công bố là sản phẩm của thời kỳ chiến tranh lạnh (1946-1989). Khi đó, thế giới hình thành hai hệ thống (TBCN và XHCN) đối lập nhau về chính trị, hệ tư tưởng. Đồng thời với các cuộc chiến tranh xâm lược, các nước đế quốc còn đẩy mạnh cuộc chiến tranh ý thức hệ, nhằm lật đổ các quốc gia đi theo con đường XHCN, trong đó có Việt Nam. Sau chiến tranh lạnh, quan hệ quốc tế đã có sự thay đổi lớn. Các quốc gia đều cam kết tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có QCN. Đồng thời các quốc gia còn khẳng định tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và thể chế chính trị của nhau-trong đó có hệ thống pháp luật.
Có thể khẳng định rằng sự khác biệt về mặt pháp lý giữa các quốc gia là điều tất nhiên. Hoa Kỳ và Việt Nam đều là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho lưu hành hai bản phúc trình về QCN và QTDTG xuyên tạc, chỉ trích pháp luật Việt Nam là trái với quan hệ quốc tế trong thời đại ngày nay. Không những thế, việc ban hành hai văn bản này còn tác động xấu đến quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang trên đà phát triển tốt đẹp.
BẮC HÀ
https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/thanh-tuu-nhan-quyen-viet-nam/phuc-trinh-nhan-quyen-va-ton-giao-nam-2019-cua-bo-ngoai-giao-my-xuyen-tac-su-that-can-tro-quan-he-viet-nam-hoa-ky-573943

ĐỪNG LẦM TƯỞNG ĐỂ TỰ PHÁ HOẠI BÌNH YÊN CỦA CHÍNH MÌNH



QĐND - Trong chiến lược "diễn biến hòa bình", chiêu thức thường được các thế lực thù địch tận dụng tối đa nhằm làm sụp đổ một quốc gia là tìm cách bôi nhọ chế độ xã hội hiện tại, thổi phồng những mặt trái của xã hội đó để gây tâm lý bất mãn rồi kích động sự phản kháng trong xã hội.
 Những vụ việc cụ thể, có tính cá biệt, những sai phạm của cá nhân, thường được nâng lên thành bản chất của chế độ xã hội. Đáng tiếc là vẫn có không ít người nhẹ dạ, thiếu thông tin, thiếu tầm nhìn, không tự phát hiện được sự thật đằng sau những luận điệu kích động đó, họ vô tình tự cướp đi bình yên của chính mình.
Ngộ nhận và bất mãn dễ bị kẻ xấu lợi dụng
Trong xã hội hiện nay, chúng ta không khó để nhận ra có những người rất hay than trách cuộc sống, nghi ngờ mọi thứ xung quanh, cho rằng mọi thứ đều xấu xa, tự cảm thấy mình chịu nhiều bất công, từ đó oán trách chế độ xã hội. Họ nhìn xã hội qua lăng kính màu đen nên mọi thứ xung quanh đều trở nên đen tối. Khi kinh tế phát triển họ nói rằng phát triển không thực chất, phải đánh đổi môi trường, lợi ích vào túi một số ít người. Khi một số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một số vụ tham nhũng bị phát giác, xử lý nghiêm theo pháp luật, thì họ cho rằng như thế là chưa đủ, mà thậm chí phải "đập chế độ này đi xây lại vì cả hệ thống tham nhũng". Khi một vài trường học xảy ra bạo lực học đường, thì họ kết luận cả nền giáo dục là bỏ đi. Thậm chí khi bóng đá Việt Nam giành được nhiều thành tích, nhiều chiến thắng vinh quanh ở tầm châu lục và vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á, họ cũng cho rằng đó là may mắn, rồi chỉ là thành tích của một lứa cầu thủ, một huấn luyện viên, còn cả nền bóng đá vẫn tồi tệ...
Thực tế trong bất cứ xã hội nào cũng tồn tại những người bi quan và bất mãn. Điều này là kết quả, là ảnh hưởng từ xuất phát điểm của mỗi người; từ quá trình giáo dục, từ những kết quả công việc và cuộc sống cho đến cách tiếp nhận, phân tích thông tin của mỗi người và quan trọng là cách tự xác định tâm thế, vị trí của mỗi người đối với cuộc sống. Chúng ta có thể gặp không ít người có đời sống vật chất đủ đầy, có nhà lầu, xe hơi... nhưng vẫn bất mãn với cuộc sống, vẫn thấy nhiều người hơn mình, vẫn thấy mình thiệt thòi. Từ những bất mãn so bì đó, thay vì nỗ lực để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn nữa cho bản thân như mong muốn, thì họ lại quay ra oán trách, thậm chí chửi bới, bôi nhọ chế độ xã hội.
Những lúc bình thường thì tâm thế của kiểu người nêu trên gây tiêu cực cho chính bản thân họ và xã hội. Nhưng khi mà cuộc đấu tranh tư tưởng, đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" diễn ra rất quyết liệt, có nhiều sắc thái mới thì việc tồn tại trong xã hội kiểu người nói trên sẽ là cơ hội để các thế lực thù địch hướng tới, lôi kéo, nhằm đạt được mục đích là gây bất ổn xã hội, thậm chí gây rối loạn xã hội, tiến tới lật đổ chế độ.
Để nói về điều này, cần phải nhìn lại giai đoạn vừa qua của lịch sử thế giới đã chứng kiến những kết cục đau lòng từ sự ngộ nhận, lầm tưởng của một lớp người trong xã hội. Năm 2011, các cuộc biểu tình có cái tên rất mỹ miều là "Mùa xuân Ả Rập" đồng loạt nổ ra tại một số quốc gia Bắc Phi, Trung Đông, như: Tunisia, Algerie, Ai Cập, Yemen, Libya, Iraq, Syria...  Các cuộc biểu tình này đã dẫn tới bạo động chống chính phủ, lan nhanh như một bệnh dịch khiến chính phủ ở một loạt nước như Ai Cập, Libya, Tunisia, Yemen bị lật đổ, xã hội hỗn loạn... Các nước Syria, Yemen chìm trong nội chiến. Theo ước tính đến năm 2016, "Mùa xuân Ả Rập" và các cuộc nội chiến từ hậu quả của nó đã làm Syria, Lybia, Iraq bị tàn phá, khoảng 500.000 người chết, hàng chục triệu người bị mất nhà cửa, phải chạy tị nạn sang các quốc gia khác.
Nguyên nhân dẫn tới biểu tình và bạo động là những vấn đề xã hội đã tồn tại trong các quốc gia nêu trên chậm được cải thiện, những vấn đề tư tưởng, những ấm ức, bất mãn, tâm lý bị thiệt thòi của một bộ phận người dân không sớm được giải tỏa và tìm biện pháp khắc phục. Cùng với đó là sự can dự, giật dây của các nước phương Tây, tiếp sức bằng tiền và vũ khí cho các nhóm chống đối, kích động, lôi kéo người dân xuống đường biểu tình. Đó là vì các nước phương Tây muốn thay đổi các chế độ trái mắt họ, vì lợi ích của họ. Kết quả của "Mùa xuân Ả Rập" là một thứ mùa xuân chết chóc, hỗn loạn, tan vỡ, ly tán, vợ mất chồng, cha mất con, người dân mất nhà cửa, đất nước tan hoang. Những nhà lãnh đạo bị phương Tây gọi là những “nhà độc tài” đã bị lật đổ, để rồi thay thế vào đó là nhiều nhóm quyền lực mới nổi lên bắn giết nhau, bất chấp mạng sống của người dân để giành quyền lực. Nhiều người dân Ả rập đã hối tiếc, muốn mọi thứ trở lại giai đoạn “tiền Mùa xuân Ả Rập”.
Nhìn người để nghĩ tới ta. Đất nước Việt Nam hiện được đánh giá nằm ở nhóm quốc gia có tốc độ phát triển nhanh hàng đầu thế giới. Chúng ta có thể cảm nhận thấy rõ đời sống của người dân đang đi lên theo thời gian. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018, 70% người dân Việt Nam đã được bảo đảm về mặt kinh tế, trong đó 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Tính từ năm 2014 tới nay, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu, cho thấy các hộ gia đình đang tiếp tục leo lên bậc thang kinh tế cao hơn sau khi thoát nghèo. Tất cả vấn đề xã hội, vấn đề về môi trường, phát triển bền vững đều được Đảng, Nhà nước quan tâm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên được đặc biệt quan tâm và thực hiện thực chất, quyết liệt. Thế nhưng tất cả những thực tế rõ ràng đó, những con người có con mắt thiếu khách quan vẫn cố tình không thừa nhận.
Liệu có một xã hội hoàn hảo hay không?
Để nhận thấy sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam đối với các vấn đề trong xã hội, có thể nhìn sang quốc gia hùng mạnh nhất thế giới là nước Mỹ. Năm 2004, siêu bão Charley quét từ vịnh Mexico qua Florida đến Đại Tây Dương, tàn phá một số vùng của nước Mỹ, làm 22 người chết và thiệt hại 11 tỷ USD. Điều đáng nói, sau cơn bão này, người dân Mỹ mới nhận ra những điều bất ổn trong xã hội mình. Đó là nhân việc bão quét sạch mọi thứ, nhiều doanh nghiệp đã nâng giá bán với mức cắt cổ để kiếm lợi. Máy phát điện từ 250 USD tăng lên 2.000 USD; nước đá từ 2 USD được nâng lên 10 USD; một gia đình muốn dọn hai cây đổ vào nóc nhà thì phải trả giá là 23.000 USD (khoảng 530 triệu VNĐ). Đỉnh điểm là câu chuyện một cụ bà 70 tuổi chạy bão với người chồng và cô con gái khuyết tật đã phải trả 160 USD (khoảng 3,7 triệu VNĐ) một đêm cho buồng trọ giá bình thường chỉ 40 USD. Tờ USA Today khi đó đã bức xúc chạy dòng tít: “Kền kền sau bão” để phê phán thực trạng lợi dụng thảm họa, lợi dụng sự khổ đau của người khác để ép giá cắt cổ. Thế nhưng, điều đáng nói hơn là một số nhà kinh tế tại Mỹ lại phản đối tờ USA Today và cho rằng việc tăng giá như thế là bình thường, vì trong một nền kinh tế thị trường có quy luật cung cầu, cầu tăng mà nguồn cung giảm thì ắt giá sẽ tăng, chứ không có khái niệm “giá cắt cổ”.
Nhìn vào sự việc trên để thấy sự khác biệt ở Việt Nam. Khi xảy ra những trận thiên tai, bão lũ, thảm họa ở bất kỳ khu vực nào thì cả nước đều quan tâm, theo dõi, lo lắng rồi chung tay, quyên góp cùng địa phương đó kịp thời khắc phục hậu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống. Các lực lượng chức năng, trong đó quân đội là lực lượng nòng cốt, được huy động để giúp đỡ người dân khẩn trương thu hoạch mùa màng, dựng lại nhà cửa, dọn dẹp vườn ruộng, đường xá, trường học, bệnh viện sau bão. Các hoạt động ấy vừa là nhiệm vụ được cấp trên giao phó nhưng cũng xuất phát từ trái tim. Bởi dân tộc Việt Nam, xã hội Việt Nam là một xã hội hướng thiện, yêu thương đùm bọc nhau đã là truyền thống từ xưa tới nay: “Lá lành đùm lá rách”, “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”... Khi nền kinh tế phát triển thường sẽ kéo theo những sự phát triển không đồng đều vì đặc điểm địa lý, lợi thế của mỗi vùng miền, rồi khả năng của mỗi con người cũng khác nhau. Nhận thấy nguy cơ này, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm để thiết kế các chế độ, chính sách thúc đẩy sự phát triển của vùng sâu, vùng xa, giúp đỡ người nghèo vươn lên theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ở một xã hội phát triển như Nhật Bản, được coi là hình mẫu của nhiều quốc gia, thế mà trong nhiều tác phẩm của mình, ông Inamori Kazuo, một doanh nhân, một nhà giáo dục nổi tiếng của Nhật Bản vẫn nhiều lần phê phán, tỏ ý thất vọng vì xã hội và con người Nhật Bản hiện nay đang bị thoái hóa về đạo đức, một xã hội dần trở nên bị lũng đoạn bởi nhiều thói xấu như tham nhũng, ích kỷ, thiếu tử tế... Do đó có thể thấy, ở bất cứ một quốc gia nào, một chế độ nào cũng không bao giờ có sự hoàn hảo. Tất cả quốc gia, dân tộc, cơ quan, tổ chức, cá nhân đều mãi mãi chỉ trên con đường để vươn tới sự hoàn hảo. Và muốn vươn tới tiệm cận sự hoàn hảo đó thì chúng ta cần phải có cái nhìn đúng đắn, khách quan về mọi thứ xung quanh mình. Thay vì oán trách tại sao ai đó không làm điều tốt cho mình, tại sao mình không được hưởng những điều tốt đẹp hơn thì nên tự nỗ lực hơn nữa trong công việc và cuộc sống.

Đất nước Việt Nam đang trên con đường phát triển, do đó còn nhiều vấn đề đặt ra, còn những mặt trái trong xã hội. Vì vậy, muốn đất nước phát triển thì mọi người cần bình tĩnh, tỉnh táo để nhìn nhận đúng mọi vấn đề xung quanh mình, nỗ lực đóng góp sức mình dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đừng vì những mặt trái hiện có trong xã hội mà thất vọng, chán nản, để rồi dễ bị lợi dụng, bị kích động, tự mình phá hoại sự ổn định của đất nước mình, sự bình yên, hạnh phúc của bản thân mình.
HỒ QUANG PHƯƠNG
https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/dung-lam-tuong-de-tu-pha-hoai-binh-yen-cua-chinh-minh-571687

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...