Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018


PHẢI CHĂNG HỆ THỐNG TƯ PHÁP VIỆT NAM
KHÔNG MANG TÍNH ĐẢNG NHƯ Ý KIẾN CỦA BÙI MINH QUÂN?
Khánh Anh
Trong khi nhân dân cả nước ta đang vui mừng chào đón thành công của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đã và đang kỳ vọng, đồng thời đặt niềm tin rất lớn vào kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV thì lại xuất hiện những ý kiến lạc lõng trái chiều, xuyên tạc, bịa đặt về kết quả của Hội nghị. Một trong những “ý kiến” ấy là của Bùi Minh Quân - kẻ thường xuyên tung tin sai trái về tình hình chính trị Việt Nam. TS. Quân cố tình dựng chuyện “điều bất thường xảy ra” và nhào nặn ra cái gọi là “sự đùa giỡn của Đảng về công tác cán bộ”, “sự thất bại của nhất thể hóa” của Hội nghị Trung ương bảy. Để “chứng minh” cho điều mình viết, TS. Quân cho rằng: “Trong một chế độ dân chủ đích thực, không phải là chế độ dân chủ giả hiệu như hiện nay, quyền lực tuyệt đối thuộc về ý chí và nguyện vọng của nhân dân và quyền đó được bảo đảm bất khả xâm phạm bởi một hệ thống tư pháp (bao gồm Tòa án và Cảnh sát) độc lập, phi chính trị, trung lập và không tính Đảng”!!!?. Là một độc giả, xin trao đổi để TS. Quân hiểu thêm về lịch sử chính trị tư pháp các quốc gia trên thế giới và nền tư pháp của Việt Nam trên một số vấn đề sau:
Một là, tư pháp là một hệ thống của cơ cấu quyền lực nhà nước, phản ánh bản chất giai cấp của nhà nước. Từ thời cổ đại, khi xuất hiện Nhà nước như nhà nước dân chủ Aten đã mong quyền lực nhà nước thuộc về tất cả mọi người. Nhưng sự khốn khổ cho con người cũng bắt đầu từ đây. Cái vấn đề làm gì để làm cho quyền lực nhà nước luôn thuộc về tất cả mọi người đã không thể có lời giải suốt hàng nghìn năm qua. Bởi vì, nhà nước vốn đã thuộc về những kẻ giàu có, thống trị và áp đặt mọi tư tưởng và lợi ích của nó lên bộ phận còn lại của xã hội - người nghèo khổ, bị áp bức bóc lột. Để xoa dịu và dung hòa các cuộc đấu tranh của những người lao động nghèo khổ trong xã hội, nhà nước của giai cấp thống trị đã nghĩ ra cái học thuyết gọi là “tam quyền phân lập”, những mong chia tách các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ra những mảng khác nhau để hòng “độc lập, kiềm chế và đối trọng” lẫn nhau. Nhưng ước mơ nhỏ nhoi đó vẫn mãi là ước mơ mà thôi. Bởi vốn dĩ các giai cấp bóc lột và thống trị về sau trong xã hội loài người lại càng “tinh khôn” hơn trong việc chiếm đoạt tất cả các quyền lực nhà nước vào tay mình.
Các giai cấp bóc lột từ chủ nô, phong kiến, đặc biệt là giai cấp tư sản sau này đã lợi dụng những ý tưởng “tốt đẹp” của một thời khai sáng đó trong lịch sử nhà nước nói chung, tư pháp nói riêng để khoác lên cái thân hình không thay đổi của nhà nước - công cụ của giai cấp thống trị đàn áp, bóc lộc và tước đoạt giai cấp khác, giai cấp bị trị trong xã hội. Ngay cả nhà nước “hiện đại” thời nay mà con người trên trái đất này vẫn thường “ca tụng” như Hoa Kỳ, thì bản chất của nhà nước đó cũng chỉ luôn phụ thuộc vào một nhóm lợi ích đại diện cho giai cấp tư sản ở nước Mỹ. Tính chất giai cấp của các nhà nước trên trái đất hiện nay càng bộc lộ rõ, thì làm sao mà hệ thống tư pháp của nhà nước đó thoát ra được cái vòng “kim cô” đã bao quanh nó.
Ở Việt Nam, Nhà nước hiện nay cũng mang tính giai cấp như bao nhà nước khác của các quốc gia trên thế giới. Chỉ có điều căn cốt nhất mà bao giai cấp bóc lột truyền thống trước đây không thể chấp nhận được đó là vị trí giai cấp thống trị và giai cấp bị trị đã đổi ngôi. Giai cấp công nhân - nhân dân lao động Việt Nam đã trở thành người chủ. Quyền lực nhà nước nói chung, quyền tư pháp nói riêng để xét xử và giải thích luật pháp hiện nay luôn thuộc về nhân dân lao động, những người chiếm số đông trong xã hội… Lịch sử và bản chất của các nhà nước trên đây luôn lý giải tại sao hệ thống tư pháp không thể độc lập, mà trái lại nó luôn phụ thuộc vào ý chí của giai cấp thống trị xã hội. Bản chất của nhà nước như thế nào, ắt bản chất của hệ thống tư pháp là như thế vậy.   
Hai là, hệ thống tư pháp luôn phản ánh tính chất trường phái, mà đỉnh điểm của nó là phản ánh tính đảng.
Quyền lực nhà nước vốn là một vấn đề chính trị, phản ánh mối quan hệ quyền lực giữa các giai cấp trong xã hội. Đỉnh điểm của nó là thể hiện ở ý chí của giai cấp cầm quyền trong xã hội. Tuy nhiên, trong giai cấp cầm quyền vốn bản thân nó cũng có nhiều phe, nhóm phản ánh lợi ích khác nhau, đôi khi trái ngược nhau, mà tư tưởng chính yếu của nó được thể hiện trong đường lối chính trị của chính đảng mà những kẻ bóc lột tham gia vào đó. Vì vậy, ở nước theo kiểu dân chủ “đa nguyên”, việc thiết lập nhà nước, chính phủ mới chẳng qua là việc thiết lập lợi ích của phe nhóm này đối với phe nhóm lợi ích khác mà thôi.
Xét cho đến cùng, sự xét xử và giải thích luật pháp của hệ thống tư pháp về bản chất chính trị cuối cùng cũng chỉ là sự phán xử của chính đảng này đối với chính đảng khác, của tập đoàn lợi ích này đối với tập đoàn lợi ích khác của giai cấp thống trị, nhất là giai cấp tư sản hiện nay, để làm sao thực hiện được mục đích cuối cùng là cướp đoạt được thật nhiều lợi ích, của cải trong xã hội và của người lao động mà thôi. Trong quá trình xét xử, hệ thống tòa án của nhà nước, chính phủ ấy làm sao có thể độc lập và đứng ngoài ý chí của chính đảng đại diện của phe nhóm, lợi ích đang cầm quyền được.
Ở Việt Nam, ngành tư pháp trong hệ thống quyền lực của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng luôn phản ánh tính trường phái và tính đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam sâu sắc. Nhưng có điều tính trường phái và tính đảng của Nhà nước nói chung, hệ thống tư pháp Việt Nam nói riêng khác hẳn với các nhà nước “đa nguyên” trên thế giới là ở tính nhất nguyên chính trị xã hội chủ nghĩa. Trường phái là trường phái nhân dân làm chủ, tính đảng là sự phản ánh lập trường của Đảng Cộng sản Việt Nam - người đại diện cho lập trường và lợi ích của giai cấp những người lao động ở Việt Nam. Vì vậy, việc giải thích luật pháp hay xét xử của Tòa án ở Việt Nam dứt khoát là theo quan điểm chính trị và lợi ích của những người dân lao động ở Việt Nam. Chuyện đó là lẽ thường tình, không có cái gì gọi là bất thường cả, ngay cả Hội nghị Trung ương 6 và 7 (Khóa XII) của Đảng vừa qua có chủ trương nhất thể hóa ở cấp này hay cấp khác cũng là việc phản ánh “tính đảng”, “tính chính trị” của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó có hệ thống tư pháp.
Những vấn đề lịch sử, cụ thể của nhà nước và hệ thống tư pháp nói chung trên thế giới, cũng như ở Việt Nam nói riêng đều phản ánh rõ tính chính trị, tính đảng. Không có chuyện “hệ thống tư pháp độc lập, phi chính trị, trung lập và không có tính đảng” trên hành tinh này. Đây là sự thật hiển nhiên và là lịch sử của nhân loại từ khi có nhà nước đến nay. Mong rằng, TS Quân cần thực tế hơn để kể và cũng chú ý cho những điều hết sức tự nhiên mà loài người, trong đó có người Việt Nam đang sống trên trái đất này./.


VẠCH TRẦN ÂM MƯU CỦA BÚT DANH “NĂM XÍCH LÔ” CHỐNG ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ĐĂNG TRÊN TRANG DÂN LÀM BÁO
Khánh Anh
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta, đưa thông tin “thật, giả lẫn lộn” với mục đích không đổi là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ XHCN ở Việt Nam, điển hình là bài viết “Đất nước Việt là của riêng đảng cướp sạch Việt Nam” của tác giả có bút danh Năm xích lô, đăng trên trang Danlambao. Qua bài viết, tôi xin nêu ra một số vấn đề chia sẻ với bạn đọc như sau:
Thứ nhất, tác giả bài viết đã cố tình biện minh, bào chữa cho những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của những phần tử chống đối lại Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua. Năm xích lô cho rằng: Đảng và Nhà nước ta khép tội một cách khiên cưỡng những người tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoặc âm mưu lật đổ Nhà nước Việt Nam. Đây là luận điệu hoàn toàn sai trái, phản động, thể hiện rõ dã tâm đen tối cố tình xuyên tạc sai sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước và xã hội.
Là người dân Việt Nam, ai cũng biết, luật pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là rất rõ ràng. Điều 16, Hiến pháp 2013 khẳng định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Bất kỳ ai, dù ở cương vị nào, nếu vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích tạo điều kiện và có những chính sách ưu đãi hợp lý, cụ thể, đúng đắn để các tổ chức và mọi người dân làm giầu chính đáng đóng góp cho đất nước. Đồng thời, cũng nghiêm trị đối với những ai cố tình vi phạm pháp luật của Nhà nước, cản trở quá trình kiến thiết, xây dựng đất nước; hoạt động, âm mưu chống đối, lật đổ Nhà nước. Lợi dụng dân chủ các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống đảng, Nhà nước. Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương, chỉ tính trong 5 tháng đầu năm nay đã phát hiện và đấu tranh ngăn chặn hơn 12.000 loại tài liệu chiến tranh tâm lý, phản động; ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả 19 chiến dịch kích động biểu tình, kêu gọi trả tự do cho cái gọi là “tù nhân lương tâm, nhà dân chủ yêu nước” và hàng nghìn tài liệu, tin, bài có nội dung phản động trên 280 trang web, blog, mạng xã hội. Do đó, cần kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng, nhất là các đối tượng đã nhiều lần phạm tội về tuyên truyền, xuyên tạc hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, đòi lật đổ chế độ XHCN. Việc xử nghiêm các đối tượng này đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của dư luận, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đối với các đối tượng có hành vi chống Đảng và Nhà nước. Pháp luật của Nhà nước Việt Nam sẽ không bao che, dung túng cho những kẻ bịa đặt, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, xâm phạm đến lợi ích Quốc gia, dân tộc.
Thứ hai, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước ta đều vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Hơn 88 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, cách mạng nước ta đã thu được những thành quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử trọng đại không ai có thể phủ nhận được. Dư luận quốc tế đánh giá: Những thành tựu trong việc cụ thể hóa một con đường thích hợp quá độ lên chủ nghĩa xã hội không chỉ là tài sản vô giá của những người cộng sản Việt Nam mà còn là nguồn cảm hứng và tin tưởng đối với những người cộng sản và cách mạng trên toàn thế giới; khẳng định một cách vững chắc tiềm năng vĩ đại và sinh động của chế độ xã hội chủ nghĩa... Việc cho rằng, cộng sản tồn tại là tàn phá quê hương, không tin theo cộng sản, đây là những luận điệu hết sức phản động, thiếu thiện chí, phủ nhận những công lao, đóng góp to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn quan tâm, chăm lo đến quyền lợi và đảm bảo hài hoà lợi ích cho các giai cấp, giai tầng trong xã hội, những hành động, việc làm của Đảng, Nhà nước ta đều vì dân, vì nước. Nhờ đó, mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân ngày càng được củng cố, tăng cường; uy tín, niềm tin của nhân dân vào chế độ ngày càng tăng.
Thực tiễn lịch sử mãi mãi là bằng chứng kiểm nghiệm tính xác thực của mọi vấn đề và loại bỏ những cái bất hợp lý ra khỏi đời sống xã hội. Những ai cố tình đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc, cản trở con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát và bị loại ra khỏi xã hội./.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...