Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2022

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng, quân và dân ta đã đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi đó tiếp tục khẳng định tài thao lược của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khi ông trực tiếp chỉ đạo xây dựng “thế trận phòng không nhân dân”-một phát triển mới của chiến tranh nhân dân riêng có ở Việt Nam.

Từ đầu năm 1965, cùng với đưa quân vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam, Mỹ cũng điều máy bay B-52 từ các căn cứ không quân ở Thái Bình Dương tiến hành những phi vụ oanh tạc miền Bắc với cường độ xuất kích ngày càng tăng. Cùng với đó, Mỹ in truyền đơn quảng bá về uy lực của máy bay chiến lược B-52 hòng đe dọa tinh thần, làm nhụt ý chí chiến đấu của quân và dân ta.

Trước hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(1). Căn cứ vào dự báo của Người, trên cương vị Bí thư QUTƯ, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) QĐND và Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) tìm cách khắc chế máy bay chiến lược của không lực Hoa Kỳ.

Là vị tướng luôn coi trọng tổng kết, lấy thực tiễn chiến trường để bổ sung lý luận, nghệ thuật tác chiến, nên tháng 5-1966, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo BTTM lệnh cho Trung đoàn Tên lửa 238 (Sư đoàn 363, Quân chủng PK-KQ) cơ động vào Vĩnh Linh (Quảng Trị), phối hợp với bộ đội radar, trinh sát điện tử, không quân... nghiên cứu tính năng kỹ thuật, đặc điểm và quy luật hoạt động của máy bay B-52.

Tại cuộc họp tháng 9-1971, Bộ Chính trị và QUTƯ nhận định: Năm 1972, hoặc là địch sẽ rút nếu đạt được giải pháp; nếu chưa, địch có thể tập trung không quân đánh phá. Ta cần có biện pháp đề phòng. Ngay sau cuộc họp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị: "B-52 không chỉ đánh ở miền Nam. Đến mức độ nào đó, chúng có thể đánh vào Thủ đô Hà Nội. Quân chủng PK-KQ phải nghiên cứu kỹ đối tượng này"(2). Bộ đội cao xạ, radar, tên lửa và không quân được lệnh triển khai huấn luyện chiến đấu theo các phương án đã được kết luận. Một số trận địa tên lửa, trận địa cơ động cho pháo cao xạ và sân bay dã chiến được bí mật xây dựng. Dân quân, tự vệ Hà Nội và một số thành phố được bổ sung hỏa lực bắn máy bay. Công tác bảo đảm quan sát, thông tin được tăng cường.

Tháng 6-1972, thực hiện chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hội nghị chuyên đề đánh máy bay B-52 được tổ chức. Từ thực tiễn chiến đấu đánh B-52 ở địa bàn Nam Quân khu 4, các ý kiến tại hội nghị đã chỉ ra hạn chế của máy bay B-52. Những yếu tố: Phải cơ động hợp lý, phòng tránh kịp thời, có giải pháp khắc phục nhiễu, tên lửa cố gắng đánh trước lúc B-52 cắt bom... đã được hội nghị bàn thảo kỹ. Đến tháng 10-1972, tập tài liệu "Cách đánh B-52" được hoàn chỉnh, trở thành cuốn cẩm nang đánh B-52 cho bộ đội phòng không.

Trong thời gian này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chỉ đạo BTTM giao Cục Tình báo chủ trì cùng với Quân chủng PK-KQ và cơ quan chuyên môn khai thác thông tin từ nhiều nguồn, trong đó có cả các phi công Mỹ bị bắt để có những tư liệu liên quan đến máy bay B-52, phục vụ yêu cầu tác chiến; chỉ đạo Quân chủng PK-KQ xúc tiến nghiên cứu cải tiến và sử dụng trang bị, vũ khí, sử dụng kết hợp nhiều loại radar, khí tài quang học với điện tử, điều chỉnh độ nhạy của đầu đạn tên lửa để có thể bắn rơi tại chỗ B-52. Cục Tình báo, Cục Quân lực, Binh chủng Thông tin liên lạc cùng Quân chủng PK-KQ phối hợp giải quyết các vấn đề bảo đảm trinh sát kỹ thuật, sức kéo, thông tin, quân số.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chỉ đạo nghiên cứu các hướng tiến công chủ yếu của địch. Từ những nguồn tin, từ quy luật hoạt động của không quân Mỹ, chúng ta đi đến nhận định máy bay B-52 sẽ bay vào theo 5 hướng chủ yếu là: Tây Bắc và Đông Bắc xuống, từ Tây Nam vào, từ Nam và Đông Nam lên. Trong 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội, 70% số máy bay địch đều lợi dụng địa hình, địa vật bay hướng Tây Bắc xuống. Phán đoán chính xác hướng tiến công, nhất là hướng tiến công chủ yếu, giúp ta có biện pháp sử dụng các lực lượng hợp lý, lập thế trận hiểm hóc để đánh thắng địch. Đây là cơ sở quan trọng để BTTM và Quân chủng PK-KQ bố trí đội hình các trung đoàn tên lửa tập trung đánh B-52 trên các hướng Tây Bắc, Tây Nam, phía Nam Hà Nội. Lực lượng không quân sử dụng MiG-21 tổ chức đánh địch từ xa ngoài vòng hỏa lực của tên lửa và cao xạ, trên hai đường bay chủ yếu của B-52 là Tây Bắc và Tây Nam. Cùng với đó, hệ thống phòng không nhân dân, hệ thống radar được bố trí rộng khắp. Với cách bố trí thành cụm, chặn các đường bay của B-52, chúng ta đã tạo nên thế trận với sức mạnh tập trung, sẵn sàng đón đánh máy bay địch. Đây là nét độc đáo và sáng tạo trong xây dựng thế trận đánh B-52 trong Chiến dịch Phòng không năm 1972.

Ngày 20-10-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm việc với Quân chủng PK-KQ, xác định phương hướng tác chiến Chiến dịch Phòng không đánh B-52 bảo vệ Thủ đô. Đại tướng chỉ rõ, cần tăng cường cảnh giác, tích cực chuẩn bị, sẵn sàng đánh bại âm mưu địch đánh phá miền Bắc, nhất là Hà Nội, tuyệt đối không để bị bất ngờ.

Ngày 25-11-1972, trong Chỉ thị “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu”, thay mặt QUTƯ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Sắp tới, địch có thể ném bom bắn phá trở lại các mục tiêu ngoài vĩ tuyến 20 với mức độ ác liệt hơn trước. Chúng có thể liều lĩnh dùng máy bay B-52 đánh phá các trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng...”.

Đánh gục uy danh không lực Hoa Kỳ

Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào tháng 11-1972, Tổng thống R.Nixon tìm cách trì hoãn ký kết Hiệp định Paris, xúc tiến kế hoạch Linebacker II, tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Ngày 14-12-1972, kế hoạch được Tổng thống Mỹ thông qua. Ngày 18-12-1972, Mỹ bắt đầu chiến dịch tập kích đường không có quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai vào miền Bắc nước ta. Dựa vào thế trận đã chuẩn bị sẵn, hệ thống phòng không nhân dân ta đã khiến không quân Mỹ choáng váng. Ngay trong đêm đầu tiên (18-12), 3 "pháo đài bay" của Mỹ bị bắn hạ và danh sách đó dài thêm trong những ngày tiếp theo. Cao điểm là đêm 26-12-1972 với 8 chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi. 12 ngày đêm đánh trả quân thù, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 34 chiếc B-52 (bằng 1/2 số bị bắn rơi trong 8 năm Mỹ đưa B-52 tác chiến ở Việt Nam), bắt nhiều giặc lái Mỹ.

Trong những ngày chiến dịch, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp luôn có mặt tại Tổng hành dinh, chỉ đạo các đơn vị nâng cao công tác hiệp đồng, nhanh chóng thu thập các nguồn tin, bảo đảm trận địa tên lửa để đánh được liên tục; đốc thúc khẩn trương lắp ráp đạn. Đại tướng cũng yêu cầu các đơn vị phải tiết kiệm đạn, đạn tên lửa chỉ được dùng để đánh B-52. Đại tướng trực tiếp đến thăm các đơn vị tên lửa ở Chèm, Yên Nghĩa, thăm Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ ở Núi Trầm (Chương Mỹ, Hà Tây); cùng Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đến thăm nhân dân khu phố Khâm Thiên sau khi bị máy bay B-52 ném bom. Sự có mặt của Đại tướng đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quyết tâm chiến đấu đập tan uy danh “pháo đài bay” B-52.

Nhận định về chiến thắng, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cho rằng: “12 ngày đêm chiến đấu tiêu diệt máy bay B-52 cuối năm 1972 là một chiến công nổi bật. Lần đầu tiên ta tổ chức và thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn đánh thắng cuộc tập kích của không quân chiến lược Mỹ bằng một trận tiêu diệt chiến giòn giã, gây cho không quân Mỹ những tổn thất nặng nề nhất trong lịch sử của nó”(3).

Sau gần 70 năm đưa vào sử dụng, máy bay B-52 đã tham chiến ở nhiều nơi trên thế giới và nay vẫn là con bài chiến lược của không quân Hoa Kỳ... nhưng chỉ duy nhất bị QĐND Việt Nam bắn hạ. Đó là thắng lợi của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trong đó có vai trò của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khi đã chỉ đạo thực hiện thành công “chủ trương toàn dân đánh máy bay địch, lấy lực lượng phòng không trong ba thứ quân làm nòng cốt”(4), tạo nên phát triển mới nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Nguồn: Báo QĐND 

Luôn coi trọng, đánh giá cao vai trò của PCA trong giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế

Nhân chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, chiều 11/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Trụ sở chính của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại Cung điện Hòa Bình, Thủ đô La Hay, và gặp Tiến sĩ Marcin Czepelak, Tổng Thư ký Tòa.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của PCA trong việc hỗ trợ các quốc gia giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế bằng thủ tục trọng tài, hòa giải quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, sự hiện diện của PCA tại Hà Nội thông qua Văn phòng đại diện là bước đi có ý nghĩa, thể hiện thông điệp của Việt Nam về ủng hộ hòa bình, trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Tổng Thư ký Marcin Czepelak cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian đến thăm và làm việc với PCA, cũng như cảm ơn sự đón tiếp thân tình của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua.

Tổng Thư ký bày tỏ tình cảm đặc biệt với Việt Nam, khẳng định tôn chỉ của PCA cũng chính là định hướng mà Việt Nam đang theo đuổi “không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải”; đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong quá trình hội nhập quốc tế, với tinh thần tuân thủ các cam kết quốc tế, Việt Nam sẵn sàng giải quyết các tranh chấp quốc tế với các đối tác nước ngoài tại các cơ quan trung gian, hòa giải và trọng tài quốc tế phù hợp với luật pháp quốc tế và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.

Thủ tướng đề nghị PCA thông qua Văn phòng đại diện tại Hà Nội sẽ tích cực hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam về kinh nghiệm ứng xử với các vấn đề về lãnh thổ, kinh tế, thương mại…; đồng thời đề nghị PCA tạo điều kiện tiếp nhận người Việt Nam vào làm việc tại PCA.

Tổng Thư ký Marcin Czepelak cảm ơn Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam quan tâm, dành nguồn lực hỗ trợ PCA mở Văn phòng PCA tại Hà Nội, thể hiện sự tin tưởng của Việt Nam đối với PCA.

Tổng Thư ký khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, triển khai nhiều hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực; khẳng định PCA đang tuyển dụng chuyên gia Việt Nam cho hoạt động của Văn phòng PCA tại Việt Nam.

Nguồn: Báo Nhân dân

Việt Nam mong muốn phát triển xanh, trở thành trung tâm logicstics toàn cầu

 Chiều 11/12 (giờ địa phương), trong chương trình chuyến thăm chính thức Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự tọa đàm với một số lãnh đạo doanh nghiệp Hà Lan; tiếp Chủ tịch Liên đoàn Giới chủ Hà Lan và Tổng Giám đốc Heineken Global, ông Dolf van den Brink.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Dolf van den Brink, Tổng Giám đốc Heineken toàn cầu. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Dolf van den Brink, Tổng Giám đốc Heineken toàn cầu. (Ảnh: VGP)

Tại cuộc tọa đàm với CEO của các tập đoàn lớn của Hà Lan, Thủ tướng bày tỏ vui mừng tham dự chương trình được tổ chức vào dịp rất đặc biệt trong chuyến thăm chính thức đến Hà Lan, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Tại tọa đàm, hai bên đã trao đổi những suy nghĩ, ý kiến thẳng thắn, xây dựng, chia sẻ những kinh nghiệm tốt, bài học hay, ý tưởng, sáng kiến đột phá, những giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-đầu tư giữa hai nước.

Ông Dolf van den Brink, Tổng Giám đốc Heineken Global nhận định, Việt Nam luôn muốn thúc đẩy phát triển bao trùm, bền vững, một nước tiên phong trên thế giới trong lĩnh vực này.

Gần đây, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về ứng phó biến đổi khí hậu, đạt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050. Khẳng định mong muốn đóng góp tích cực trong lĩnh vực này, ông đề nghị thúc đẩy cơ chế mua bán điện trực tiếp, đề xuất một số nội dung liên quan điện mặt trời…

Lãnh đạo Tập đoàn Boskalis - tập đoàn hàng hải, logistics hàng đầu thế giới, cho rằng, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hải hàng đầu thế giới. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu thiết lập khuôn khổ pháp lý về khai thác cát trên biển, Boskalis có thể hỗ trợ tư vấn chính sách trong lĩnh vực này.

Ông Arnout Damen, Giám đốc điều hành Damen Shipyards Gorinchem cho biết, dự kiến đầu tư thêm 100 triệu USD trong lĩnh vực đóng tàu tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống giao thông giảm phát thải carbon, phà chạy điện… Ông cũng đề cập vấn đề nguồn nhân lực tại Việt Nam.

Ông Maarten de Vries, lãnh đạo một tập đoàn sơn, đề cập vấn đề sở hữu trí tuệ và việc đầu tư cho lĩnh vực logistics, đồng thời cho biết sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu.

Trả lời các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phải thực hiện đồng thời các biện pháp như giảm phát thải khí nhà kính, khí methane trong nông nghiệp, đẩy mạnh trồng rừng, chuyển đổi năng lượng từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch như mặt trời, gió… Trong quá trình này, phải có hợp tác toàn cầu, đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, đồng thời lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã đưa ra các cam kết cụ thể tại COP26. Về chuyển đổi năng lượng, Thủ tướng cho biết Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, có tiềm năng lớn về năng lượng gió, năng lượng mặt trời.

Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Là một nước đang phát triển, kinh tế đang chuyển đổi, nhưng phải làm những công việc như các nước phát triển trong ứng phó biến đổi khí hậu, nên Việt Nam kêu gọi cách tiếp cận công bằng, công lý, với sự hỗ trợ của các nước phát triển.

Trong phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị và xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Mặt khác, việc phát triển điện phải tính toán tổng thể cả 5 yếu tố: Nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng và giá điện phải phù hợp. Muốn giá điện giảm, thì một yếu tố rất quan trọng là chi phí vốn, do đó, Thủ tướng đề nghị các đối tác quốc tế cho Việt Nam vay vốn phát triển năng lượng tái tạo với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền công nghiệp năng lượng sạch.

“Chúng tôi tin chắc là chúng tôi làm được, vì đây là đòi hỏi tất yếu, khách quan. Các ngài giúp được thì chúng tôi làm nhanh hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng nêu định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, trong đó có việc quản lý nguồn nước bền vững.

Thủ tướng cho biết thêm, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, giúp Việt Nam bảo đảm được cân đối lớn về lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát được lạm phát thời gian qua, đồng thời xuất khẩu khoảng triệu tấn gạo và khoảng 50 tỷ USD nông sản.

Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, giúp Việt Nam bảo đảm được cân đối lớn về lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát được lạm phát thời gian qua, đồng thời xuất khẩu khoảng triệu tấn gạo và khoảng 50 tỷ USD nông sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Với bờ biển dài 3.260km, Việt Nam mong muốn hợp tác với Hà Lan trong xây dựng các cảng biển, đưa Việt Nam thành một trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa quốc tế thông qua vận tải biển.

Đồng thời, với lưu lượng hàng hóa lớn qua đường hàng hải quốc tế trên Biển Đông, Việt Nam nhất quán quan điểm bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Mặt khác, việc khai thác cát và các tài nguyên biển phải bảo đảm phát triển bền vững, “nếu làm mà tác động tới phát triển bền vững thì dứt khoát không làm, nếu làm mà có tác động tích cực tới phát triển bền vững thì phải khuyến khích”.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam hoan nghênh cơ chế mua, bán điện trực tiếp theo tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa các bên, đề nghị Bộ Công thương tiếp tục thúc đẩy cơ chế này, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển điện áp mái…

Về nguồn nhân lực, Việt Nam đang nỗ lực nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào Việt Nam có thể “đặt hàng” với các trường đại học của Việt Nam về đào tạo nhân lực.

Thủ tướng cũng thông tin tới các nhà đầu tư về chính sách chống chuyển giá, tránh đánh thuế 2 lần, bảo hộ sở hữu trí tuệ… và đề nghị các nhà đầu tư đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực này.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh định hướng đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan chủ yếu từ quan hệ đối tác phát triển thời gian qua sang hợp tác cùng có lợi trong thời gian tới.

* Cũng trong chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Dolf van den Brink, Tổng Giám đốc Heineken toàn cầu.

Tại Việt Nam, Liên danh Heineken - Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), được thành lập năm 1991, là một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, phân phối bia. Đến nay, Liên danh vận hành 6 nhà máy với hơn 3.000 nhân viên trực tiếp và tạo ra hơn 150.000 việc làm gián tiếp.

Tại buổi tiếp, lãnh đạo tập đoàn báo cáo tình hình đầu tư kinh doanh và kế hoạch phát triển của Tập đoàn tại Việt Nam, đề xuất nội dung liên quan chính sách thuế.

Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao hoạt động hợp tác, kinh doanh hiệu quả của liên danh Heineken - SATRA tại Việt Nam trong hơn 30 năm qua; hoan nghênh chiến lược phát triển bền vững, áp dụng kinh tế tuần hoàn vào mô hình kinh doanh của Heineken tại Việt Nam; đề nghị Tập đoàn tiếp tục đóng góp cho công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường tại Việt Nam

Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp phát triển xanh, giảm tối đa tiêu hao nước, năng lượng; đẩy mạnh tái chế rác thải; xây dựng hệ sinh thái cung ứng để phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thủ tướng đề nghị Heineken tiếp tục sử dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến, bền vững trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cam kết đồng hành, hỗ trợ Heineken mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

* Trước đó, Thủ tướng đã tiếp bà Ingrid Thijssen, Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Hà Lan.

Việt Nam mong muốn phát triển xanh, trở thành trung tâm logicstics toàn cầu ảnh 1

Thủ tướng tiếp bà Ingrid Thijssen, Chủ tịch Liên đoàn Giới chủ Hà Lan. (Ảnh: VGP)

Liên đoàn Giới chủ Hà Lan (VNO-NCW) là Hiệp hội các lãnh đạo doanh nghiệp lớn nhất Hà Lan, đại diện cho khoảng 160 hiệp hội và 115.000 doanh nghiệp thành viên, gồm hơn 80% doanh nghiệp vừa của Hà Lan và đa số các tập đoàn lớn.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Hà Lan đề cập vấn đề thúc đẩy, tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa Hà Lan và Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá cao vai trò của VNO-NCW trong việc thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn Hà Lan đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam thời gian qua.

Đến nay, Hà Lan là nhà đầu tư từ EU lớn nhất tại Việt Nam và đứng thứ 8 trong số 141 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 409 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký 13,7 tỷ USD.

Là quốc gia có hệ thống logistics phát triển hàng đầu thế giới, Hà Lan có vai trò quan trọng vừa là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, vừa là cửa ngõ quan trọng trung chuyển hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU. Hiệp định EVFTA (từ tháng 8/2020) đã mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai bên mở rộng hợp tác kinh tế.

Thủ tướng đề nghị VNO-NCW tiếp tục là cầu nối thúc đẩy doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng xanh, sạch, nông nghiệp bền vững, cơ sở hạ tầng, logistics... có có giá trị gia tăng cao, độ lan tỏa lớn và giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu.

Đây cũng là những lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam khuyến khích thu hút đầu tư.

Nguồn: Báo Nhân dân

Chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand đạt nhiều kết quả thực chất, toàn diện

  Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam kết thúc thành công chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc.

Chuyến thăm đạt nhiều kết quả thực chất, toàn diện; trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu nhân dân và các trụ cột của quan hệ nhiều lĩnh vực. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc - một trong những thành viên chính thức của Đoàn.

Chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand đạt nhiều kết quả thực chất, toàn diện ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu chứng kiến Lễ trao thỏa thuận về nhập khẩu nông sản của New Zealand sang Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam-New Zealand.

Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết kết quả nổi bật của chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Australia và New Zealand?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam là bước triển khai thiết thực chủ trương Đối ngoại quan trọng của Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XIII, đó là tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, trong đó có Australia và New Zealand là những đối tác chủ chốt, quan trọng trên nhiều phương diện đối với Việt Nam ở khu vực Nam Thái Bình Dương.

Chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand đạt nhiều kết quả thực chất, toàn diện ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam-Australia.

Với 23 hoạt động tại Australia và gần 20 hoạt động tại New Zealand, chuyến thăm chính thức hai nước đã đạt được nhiều kết quả thực chất, toàn diện; trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu nhân dân và các trụ cột của quan hệ: kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động; khoa học-công nghệ; viện trợ phát triển; giáo dục đào tạo; quốc phòng-an ninh, gìn giữ hòa bình thế giới; quan hệ giữa các địa phương…, mở ra những cơ hội mới để xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam, thu hút đầu tư, du lịch, xuất khẩu lao động; tăng cường mạnh mẽ hợp tác về giáo dục với hàng chục thỏa thuận hợp tác được ký kết với hai nước.

Đồng thời, kết quả chuyến thăm cũng mở ra những hợp tác mới trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng; phát triển xanh, bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, khởi nghiệp.

Đặc biệt, chuyến thăm đã tăng cường sự tin cậy chiến lược ở cấp cao nhất và đây là cơ sở rất quan trọng để nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và hai nước trong thời gian tới.

Kết quả chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không chỉ ở các lĩnh vực hợp tác song phương, mà còn ở phạm vi khu vực Đông Nam Á - ASEAN và mở rộng ra khu vực Ấn Độ Dương, châu Á - Thái Bình Dương.

Lãnh đạo hai nước đều coi trọng vị thế, vai trò của Việt Nam và coi quan hệ với Việt Nam là nhân tố ổn định, tích cực trong bối cảnh tình hình quốc tế biến động phức tạp, khó lường và hai nước đều mong muốn đa dạng hóa quan hệ thương mại, trong đó Việt Nam là một ưu tiên. Hai nước đều kỳ vọng Việt Nam đóng vai trò lớn hơn và tiếp tục phối hợp cùng tìm giải pháp cho các vấn đề khu vực và quốc tế.

Chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand đạt nhiều kết quả thực chất, toàn diện ảnh 3

Quang cảnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia.

Cả hai nước đón tiếp Chủ tịch Quốc hội và đoàn ta trọng thị, chu đáo, thân tình, với nghi lễ truyền thống độc đáo; trao đổi với độ tin cậy cao; thực chất; đồng quan điểm với Việt Nam trong các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Đây là thuận lợi mới, tạo môi trường chính trị chung thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ với hai nước, cũng như thu hút nguồn lực phục vụ phát triển đất nước ta.

Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp Australia tiếp tục nghiên cứu, mở rộng đầu tư vào Việt Nam những lĩnh vực có lợi thế như đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao. Chiều ngược lại, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu mở rộng đầu tư tại Australia trên cơ sở tuân thủ nghiêm pháp luật hai nước.

Chính phủ Việt Nam có cơ chế chính sách thu hút tạo điều kiện tiếp cận, mở rộng sản xuất kinh doanh trong 3 lĩnh vực thế mạnh: nông nghiệp, giáo dục, hậu cần, đặc biệt trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0…

(Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh,phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam-Australia)

Chuyến thăm đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ cả chính giới, học giả, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân Australia và New Zealand cũng như cộng đồng người Việt ở sở tại cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ những kết quả cụ thể đã đạt được, tạo động lực để quan hệ Việt Nam với các nước này sang giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn nữa.

Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết triển vọng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Australia cũng như giữa Việt Nam và New Zealand trong thời gian tới?

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Chúng ta có thể lạc quan về triển vọng phát triển quan hệ hợp tác với Australia và với New Zealand trong thời gian tới.

Năm 2023 sẽ là một năm sôi động trong hợp tác của Việt Nam với hai nước. Với Australia, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó có việc xem xét nâng quan hệ với Australia lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào thời điểm phù hợp.

Với New Zealand, hai nước hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ vào năm 2025. Đây là thời điểm quan trọng để đề ra tầm nhìn cho 50 năm tới trong quan hệ với hai nước.

Chúng ta sẽ cùng Australia và New Zealand tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; ở cả kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân; đồng thời, thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động; giáo dục đào tạo; khoa học-công nghệ; quốc phòng-an ninh, hợp tác giữa các địa phương; mở thêm đường bay trực tiếp giữa các thành phố lớn của ta với hai nước.

Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu đã cam kết tại COP26; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới, như tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, chuyển đổi số, cũng như phối hợp chặt chẽ, tích cực trong các vấn đề quốc tế khu vực thuộc quan tâm chung của Việt Nam và Australia, New Zealand, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương và thế giới nói chung.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: Báo Nhân dân

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...